Đầu năm mua muối - Cuối năm mua vôi.

Thandieu2

Thần Điêu
Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

Có một tập tục trong những ngày năm hết Tết đến mà không phải người Việt Nam nào cũng biết, đó là tục "Mua muối đầu năm".

Vì sao đầu năm lại mua muối? Khi năm mới đã sang, qua ngày mùng Một chúc tụng và đón mừng một năm mới an lành, sang ngày mùng Hai, trong các ngõ phố, ngã chợ đã vang lên tiếng rao "Ai mua muối...". Nhiều gia đình đi chợ đầu năm trước hết là tìm mua một vài đồng muối lấy may cả năm.

Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.


mu%E1%BB%91i2.jpg




Người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì vôi trắng, người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc - "bạc như vôi". Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt. Vậy nên không mua vôi đầu năm.

Cuối năm mua vôi là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Vôi quét nhà, cũng là để xóa đi những điểu không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua.

Tục lệ này ngày nay ít có người quan tâm, nhất là những người trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình người Việt vẫn luôn nhắc nhở và truyền lại cho con cháu sau này những thói quen và quan niệm đẹp đẽ của nhân dân ta đã có từ lâu đời.

--------------------------------*** --------------------------------

Tết Nguyên đán là cái Tết bắt đầu cho một năm mới với hy vọng về mọi sự may mắn, tốt lành, rũ bỏ những vận đen, rủi ro của năm cũ. Bắt đầu từ ý nghĩa đó, từ xa xưa, ông bà ta đã đưa ra nhiều tập tục trong ngày Tết. Mỗi miền có những điều nên làm và kiêng kỵ khác nhau.


Miền Bắc:
Với bề dày văn hóa, miền Bắc là nơi có nhiều tục lệ kiêng kỵ nhất.
KIÊNG:
Trong ba ngày Tết, kiêng quét nhà vì sợ quét hết vận đỏ đi. Vì thế, ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược trước lúc giao thừa.
Tục kiêng đổ rác xuất phát từ câu chuyện trong Sưu thần ký. Chuyện kể rằng, có một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần tặng nàng hầu tên là Như Nguyệt. Ông trở nên giàu có, tiền bạc đầy nhà.
Năm ấy, vào ngày mồng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi nhỏ, bị ông chủ đánh đập nên biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông lại nghèo như xưa.

Kiêng không treo những tranh "xui xẻo" như: đánh ghen, kiện tụng... mà phải tìm bằng được tranh lợn, gà, cậu bé...

Ở nông thôn, nhà nào cũng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vì thế, dân gian có câu: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi".

Xông nhà: Những người "nặng vía", không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Ngày đầu năm, ta phải hết sức tránh những ngôn ngữ, hành động có thể đem lại sự không may, còn gọi là nói giông hoặc nói xui như: "Chết rồi!", "Tiêu rồi!".
Bát đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế, người ta kiêng đánh vỡ chúng.

NÊN:
Tổ chức lễ trừ tịch thật tươm tất: Lẽ trời đất có thủy phải có chung, có bắt đầu phải có kết thúc, cho nên trong Tết Nguyên đán, lễ đón Giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng nhất. Nó có nghĩa giao lại cái cũ, đón nhận cái mới, vì vậy lễ giao thừa còn gọi là lễ trừ tịch. Đây là lễ gần như bắt buộc của mọi nhà.

Cây nêu ngày Tết: Các nhà khoa học cho rằng cây nêu là biểu tượng của "cây vũ trụ", còn nhà chùa quan niệm cây nêu tượng trưng cho đất Phật. Theo sự tích, đức Phật cắm cây nêu, ma quỷ không dám bén mảng tới. Do đó, người thường dựng cây nêu trong ngày Tết.
Ngày xưa còn có tục gánh nước đến các gia đình trong làng để bán vào ngày đầu năm. Tục lệ này tượng trưng cho việc gánh tài lộc đến nhà với lời chúc: "Tiền vô như nước".
Riêng những nhà có trẻ con, nên cúng Táo quân bằng món gà luộc. Mua gà cồ mới tập gáy, ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ lớn lên hiên ngang như gà cồ.


Miền Trung
KIÊNG:
Người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày Tết và cả tháng đầu năm. Người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo.
Một số vùng không ăn tôm vì sợ... đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.
Kiêng mua quần áo màu trắng, vải trắng suốt tháng Giêng Âm lịch.

NÊN:
Nếu được, hãy nhờ những người trong họ vương chúa đến xông đất để càng thêm may mắn. Tục lệ này phổ biến ở Huế.
Mượn tiền hoặc đồ vật của ai thì nhớ trả trước ngày Tết, tránh để kéo dài sang năm sau.
Quét dọn nhà cửa, nấu nước lá thơm rẩy khắp vườn tược để làm mới không khí gia đình trước Tết.

Miền Nam:
KIÊNG:
Ở một số vùng quê Nam bộ còn có tục kiêng không để cối xay gạo trống vào những ngày đầu năm. Điều này tượng trưng cho việc thất bát, mất mùa năm tới. Chính vì vậy, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.
Ngày Tết có lệ ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít.

Đi đâu xa cũng phải về nhà trước giờ Giao thừa. Ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn.
Sau khi quét dọn phải cất hết chổi. Nếu trong ngày Tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của.

NÊN:
Người Nam bộ có thói quen mời những người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi, Phú Quý... đến xông nhà để cả năm được thuận lợi.
Trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn, nhà nào cũng đổ đầy nước vào bể, chum, vại. Người ta tin rằng trong năm mới, của cải sẽ nhiều như nước.

Dù ở bất cứ miền nào, vài tục kiêng kỵ còn được lưu truyền lại sẽ tạo nên màu sắc đa dạng cho ngày Tết. Tuy nhiên, những tập tục quá mê tín cần phải loại trừ, đừng kiêng quá mất vui!

Nguồn: Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top