Anh nông dân "hâm" và một gia tài khổng lồ

Hide Nguyễn

Du mục số
"Sách thì quý thật, nhưng bản thân tôi không thể khai thác hết được do đó cần có sự tham gia của nhiều người. Có như thế, những cuốn sách kia mới thực sự hữu ích chứ không phải chỉ là con chữ, cuộn giấy vô ích".

Hôm 19/3, tủ sách gia đình của anh nông dân Phạm Chí Thiện (Hải Dương) đã vượt qua nhiều tủ sách của các nhà nghiên cứu để dành giải nhất trong cuộc thi "Tủ sách gia đình" lần thứ III do Hội sách TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Chủ nhân của "kho sách vàng" vô giá kia không chỉ sở hữu hơn 20.000 đầu sách trong đó có hàng nghìn cuốn sách quý hiếm mà còn có một niềm say mê sách đến mức người đời gọi là "Thiện hâm"...

Mê sách như mê cờ bạc

Nhà anh Phạm Chí Thiện ở khu Hạ, xã Tráng Liệt, Bình Giang, Hải Dương. Người dân ở đây gọi anh là "Thiện "hâm" - "hâm" vì mê sách đến mức dùng mọi đồng tiền có thể có được để mua sách, "hâm" vì anh có thể bán cả những đồ đạc, vật dụng trong gia đình... cũng chỉ dùng vào mỗi việc mua sách.

Anh kể rằng ngay từ ngày bé, anh đã mê đọc những cuốn truyện của nhà xuất bản Kim Đồng. Sự nghiệp sưu tập sách của anh bắt đầu từ những năm 58, 59 của thế kỷ trước. Năm 1974, anh thi đỗ Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội. Những năm tháng sinh viên cũng là những năm tháng anh chàng Thiện lê la khắp các hiệu sách cũ ở Hà Thành, từ Bờ Hồ đến Cầu Giấy, Ô chợ Dừa... để tìm sách, đọc sách.

a14.jpg


Một góc khoa sách của anh Thiện, Ảnh: Hoàng Giang

"Có đồng nào là tôi lại đổ vào sách, thậm chí có những cuốn sách quý tôi còn phải bỏ cả đồ dùng ra để đổi lấy. Tôi đã từng phải đổi cả áo bay (ngày đó rất quý), đồng hồ đeo tay và hơn một triệu đồng để có được bộ sách Vĩnh Lạc tự điển 70 cuốn", anh Thiện tâm sự.

Hễ nghe đâu mách có sách quý là anh khăn áo đến tận nơi. Tại TP.Hồ Chí Minh và Huế, anh đã xáo tung hàng trăm hiệu sách cũ. Còn mấy tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định thì anh đi đã mòn dép.

Năm 1988, một trận ốm "thập tử nhất sinh" đã khiến anh nằm bẹp một chỗ. "Tôi tưởng sẽ không đứng dậy được nữa. Chập chờn nửa tỉnh, nửa mê tôi chỉ tiếc cho cái sự nghiệp sưu tầm sách của mình chưa đi đến đâu. Nghĩ đến sách, tôi lại thèm sống để cố tìm thêm những cuốn sách quý mà người ta đang lưu giữ ở đâu đó".

Năm 2004, kho sách của anh lại một lần nữa đứng trước nguy cơ "thanh lý". Đứa con gái thứ hai đi học bị bạn ném quả tạ vào đầu, phải mất tới vài chục triệu đồng chữa chạy. Nhiều người "săn sách" đã trực để chờ anh bán nhưng tất cả đã phải ra về tay không bởi anh chấp nhận chạy vạy vay mượn chứ nhất định không "phá giá" những cuốn sách của mình.

Hơn hai mươi nghìn cuốn sách

"Nhiều lắm chứ, lấy chỗ đâu mà chứa hết được. Ở nhà tôi chỉ có vài nghìn cuốn. Số còn lại tôi cho vào 40 thùng tôn gửi hàng xóm, hai bên nội ngoại, vừa đỡ tốn diện tích vừa có điều kiện bảo quản sách tốt hơn. Nếu nhà báo muốn đi xem hết tất cả số sách ấy thì có mà đi đến mai cũng chưa hết được", anh nói vậy.

a15.jpg


Trong kho sách đồ sộ của mình, anh còn lưu giữ tập ảnh chưa công bố của những phóng viên nước ngoài chụp chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh Hoàng Giang



Kho sách của anh ngoài sách tiếng Việt còn có nhiều sách nước ngoài được in bằng nhiều thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Trung Quốc..., trong đó có những cuốn có tuổi đời trên ba thế kỷ mà hiện nay không dễ gì mua được như tác phẩm Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du, được in bản giấy mà theo anh có giá trị thứ hai sau bản khắc được in thời Tự Đức năm thứ 19 (1866).

Nhiều cuốn xếp hạng "độc" như Từ điển bách khoa toàn thư Xô Viết (bằng tiếng Nga), Từ điển bách khoa toàn thư hội họa Tây Ban Nha (bằng tiếng Tây Ban Nha, dày 2.000 trang, nặng 50kg, có người trả gần 100 triệu đồng nhưng anh không bán), bộ Từ điển từ nguyên Trung Quốc (bốn tập sách giấy dó, in chữ Hán đã từng được trả giá 500 triệu đồng). Đặc biệt, anh sở hữu đủ bộ Nam Phong tạp chí(60 tập), Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Phụ nữ Tân văn... rất có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử báo chí.

Đặc biệt, trong kho sách đồ sộ của mình, anh còn lưu giữ tập ảnh chưa công bố của các phóng viên nước ngoài chụp chủ tịch Hồ Chí Minh trong những chuyến viếng thăm các nước từ năm 1955 đến năm 1958. Một số sách hồi ký về Bác Hồ từ năm 1960 - 1972. Riêng về Thăng Long - Hà Nội, anh Thiện cũng đang sở hữu nhiều tài liệu quý hiếm.

Hơn 20.000 cuốn sách, chỉ cần nhặt đếm cũng đủ mệt vậy, vậy mà anh thuộc làu tên từng cuốn. Khi một số khách nước ngoài hỏi trong 2 vạn sách đó cuốn nào anh thích nhất, anh trả lời: "Tất cả những cuốn mà tôi mua về tôi đều thích".

a16.jpg


Giấy chứng nhận của cuộc thi "Tủ sách gia đình". Ảnh: Hoàng Giang

Cơ hội đọc sách không mất tiền

Cho đến nay, đã có khoảng 4000 người từ các nơi như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định... đến xin tham khảo và nghiên cứu kho tài liệu vô giá anh. Anh sẵn sàng phục vụ sách cho cộng đồng mà không hề vụ lợi, "không một ai trả lương, không thu lệ phí của bất cứ ai". Đơn giản vì người nông dân ấy yêu sách và muốn được truyền bá tri thức.

Anh chia sẻ: Trong thời đại bùng bổ thông tin như hiện nay, sự xuất hiện của các phương tiện nghe nhìn đã khiến cho nhiều người xa rời sách. Chính vì vậy để có thể phát triển văn hóa đọc thì trước hết cần có sự chung tay "nối vòng tay lớn" của nhiều người. Bản thân anh có một tâm nguyện là mở những thư viện "mini" ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Anh sẽ gửi những cuốn sách ở đó để các nhà nghiên cứu mà đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên có thể tới đọc mà không phải trả tiền...

"Sách thì quý thật, nhưng bản thân tôi không thể khai thác hết được do đó cần có sự tham gia của nhiều người. Có như thế, những cuốn sách kia mới thực sự hữu ích chứ không phải chỉ là con chữ, cuộn giấy vô ích", anh nói về mong muốn của mình.

Nguồn :tuanvietnam.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top