Ảnh hưởng của đạo Lão Trang đến đời sống xã hội

Chị Lan

New member
Ảnh hưởng của đạo Lão Trang đến đời sống xã hội

I. Sống theo Ðạo

Trong phần này, chúng ta sẽ thăm dò chung tư tưởng trong Ðạo đức kinh cùng Nam hoa kinh, từ điểm nhìn tổng hợp và hiện đại, để cố gắng đưa ra một tổng luận về tư tưởng Ðạo học cùng các khía cạnh thực hành của nó. Từ đó, ta có thể thấy rõ tác động song hành và bổ túc của Nho giáo và Ðạo học trong cuộc sống của người Á đông, nói theo kiểu Trang Tử: người quân tử rong chơi trong cõi nhân quần xã hội, đạo gia tiêu dao ngoài cõi nhân quần xã hội.

Vũ trụ, theo Ðạo học, như một toàn bộ trong quá trình biến dịch phản phục và bị chi phối bởi sự tương tác của Âm và Dương. Trong vũ trụ ấy, mỗi người được chia sẻ ba sinh lực (tam hoa): Tinh, Khí và Thần, thế nên, chân nhân, người đạt “tam hoa tụ đỉnh”, là kẻ sống thành đạt trên con đường Ðạo.

Bằng nỗ lực chiêm nghiệm, con người nối kết tiểu vũ trụ – bản ngã của mình, với đại vũ trụ – thế giới. Ðể đạt tới cảnh giới đó, điều thiết yếu là vứt bỏ mọi khái niệm mang tính nhị nguyên chủ nghĩa, thí dụ chủ thể và khách thể, nội tại và ngoại tại, có và không, được và mất, v.v... Nhờ thế, ta có thể cảm giác bản thân hiện hữu trong sự hiệp nhất với mọi sự.

Một cách tổng quát, nhiều người thường cho rằng nền tảng chiêm nghiệm của Ðạo gia có tính thần bí, hay huyền học. Chính người Ðạo học cũng gọi đó là “huyền đồng”, sự đồng nhất sâu thẳm và huyền nhiệm với toàn thể vũ trụ. Trạng thái đó không thể giải thích bằng lý trí mà chỉ có thể “biết” bằng tự thân nếm trải; nó cực kỳ phù hợp với câu mở đầu Ðạo đức kinh: “Ðạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Cái được ta chứng nghiệm luôn luôn vượt ngoài tầm nắm bắt của ngôn từ.

Ngôn từ chỉ gợi cho người nghe một số ý tưởng về Ðạo chứ không thể diễn tả được Ðạo, vì Ðạo là cái chân chính, hằng cửu trong khi ngôn từ chỉ là biểu tượng biến thái theo thời đại. Lời gợi ý và người nghe xong phải quên lời để có thể tự mình đi tới đích. Còn băn khoăn loay hoay với lời là còn chưa thể bước vào cõi ý. Tựa như phải vượt qua các con chữ, các tảng màu để đạt tới cảnh giới của nghệ thuật và đi vào tâm tư của kẻ sáng tạo.

Trong Ðạo học, toàn bộ vũ trụ được tìm thấy trong mỗi cá nhân. Chiêm nghiệm là phương pháp giúp cho Ðạo gia cảm nhận vũ trụ trong mình. Do đó, về mặt nhất định, con đường sống với Ðạo không nằm ngoài cá nhân, không xa lạ với cá nhân và cũng không nhất thiết hoặc không liên quan tới sự đánh mất bản ngã. Ðúng hơn, con đường ấy cho phép bản ngã sống hoà điệu với vũ trụ, một cách có ý thức. Người Ðạo học tin tưởng rằng con người chỉ thật sự hiện hữu khi sống đúng với bản tính của mình. Và như thế là đạt đạo.

Trong “Lời mở đầu” của cuốn Tractatus (1921), triết gia Áo Ludwig Wittgenstein (1889-1951), người sống sau các Ðạo gia thời Tiên Tần hơn 2.000 năm, cũng viết rằng ta không thể phát biểu đầy đủ ý nghĩa cái cảm giác bí nhiệm về thế giới như một toàn bộ.

Khái niệm rất phổ biến về sự phân chia lớn rộng giữa cái tôi tư duy và thế giới vật chất ngoại tại trong tư tưởng Tây phương, tiêu biểu là thuyết nhị nguyên được qui kết một cách đặc thù cho Descartes, không giống chút nào với khái niệm đồng nhất thể của con người và vũ trụ trong triết học Ðông phương.

Bị liên tục ám ảnh với cơn cám dỗ xác định bản ngã, cái thường bị xem là đối lập với vũ trụ, tư tưởng Tây phương có thể xem thần bí chủ nghĩa như một phương cách đánh mất bản ngã trong một cái bất phân biệt nào đó.

Vấn đề ấy được Ðông phương nhìn theo cách khác. Dù là người Ðạo học hay Phật giáo, họ đều nhìn bản ngã phát sinh từ cái “toàn thể” và nó tìm thấy sự phô bày tự nhiên của chính nó trong cái “toàn thể” ấy. Bản ngã của người Ðông phương không cố hữu sự hiện hữu tách biệt với vũ trụ.

1. Chiêm nghiệm để tiêu dao

Nếu mọi sự đều đang trong trạng thái liên tục biến đổi, thế thì bám víu vào bản ngã cố định chỉ là ảo giác đầy đau đớn; hành động như thế tự nó đã bị kết án là thất bại vì sớm hay muộn, thực tại biến dịch của nó sẽ hiển lộ.

Như thế, đối với người Ðạo học, vấn đề cốt yếu là chấp nhận biến dịch, và do đó, cá nhân họ được khích lệ phấn đấu để cho quá trình biến đổi ấy diễn ra một cách tự nhiên, và để cho bản thân có thể, một cách có ý thức, trở nên thành phần của dòng Ðạo đang tuôn chảy. Vì thế, theo Ðạo học, mục đích của chiêm nghiệm không phải là để mang con người tới trạng thái an bình, thoát khỏi những biến đổi sâu xa hơn; chiêm nghiệm chỉ là để làm phát triển một thái độ sống trong đó người chiêm nghiệm được sống một cách tự nhiên, thuận theo sự biến đổi của bản thân và cuộc đời.

2. Ðạo đức học của vô vi

Hình ảnh của Ðạo gia gợi tới một thuật ngữ chủ yếu của Ðạo học là “vô vi”, và vô vi cũng là định chuẩn để đánh giá một hành động. Như đã nói ở một phần trên, thoạt nhìn, vô vi mang ý nghĩa “không hành động”, nhưng với nội dung Ðạo học, vô vi không có nghĩa là hoàn toàn không hoạt động. Thật ra, vô vi, hay đúng hơn, vi vô vi, là hành động được tiến hành theo hai nguyên tắc:

Không hành động cố sức, để khỏi phung phí năng lực;
Không hành động ngược lại với tự nhiên.

Có thể hiểu vô vi là hành động tự phát, hoặc tự nhiên. Vô vi là loại hành động được làm theo trực giác; nó không là kết quả của toan tính cân nhắc. Vô vi phô bày những kỹ năng của trẻ thơ với tính cách hoàn toàn ngu ngơ trong cảm tưởng và cử chỉ, không nghĩ ngợi xem hậu quả việc mình làm có thích đáng hay không. Vô vi là hành động dựa trên thực tại, không dựa trên sự nhớ lại quá khứ, tưởng tượng về hiện tại hay dự kiến cho tương lai.

Sống giữa đời, chúng ta thường hành động nghịch với bản tính của mình nhằm tuân thủ hoặc cổ cũ cho một ý tưởng hoặc một nguyên tắc mà chúng ta cảm thấy đang “lưu hành hợp lý” trong xã hội. Khi làm như thế, nội tâm của chúng ta có thể ray rứt giữa ngã ba đường: cảm tính muốn điều này nhưng lý tính đòi hỏi điều nọ, trong khi đó lương tâm lại thúc giục hành động theo một chiều hướng khác.

Hành động như thế, nhiều khi chúng ta cảm thấy đã không hữu hiệu cũng chẳng tự nhiên; nó chỉ là kết quả thoả hiệp giữa các ưu tiên đang đối chọi nhau. Ngược lại, vô vi là làm một cách tự nhiên và tự phát. Nó chính là khoảnh khắc chúng ta không dừng lại để tự hỏi không biết mình hành động như thế này đã thích đáng chưa; chúng ta chỉ thấy là mình đang làm, thế thôi.

3. Sống không khiên cưỡng

Trang Tử lập luận rằng nếu cảm thấy không thể hành động có hiệu quả thì đừng làm. Nếu cảm thấy mình chẳng thể làm được gì thì cứ ở yên, đừng làm gì cả. Ông thấy vô vi là chìa khoá để thành công. Trong thiên Dưỡng sinh chủ, Trang Tử đưa ra hình ảnh người mổ trâu tinh tiến nghiệp vụ tới độ không còn phải mài dao, vì “đao pháp” của anh ta đã đạt tới cảnh giới vô vi:

“Ban đầu tôi mới mổ trâu, trông thấy không con nào không phải là trâu. Sau ba năm chưa thấy con trâu nào toàn vẹn cả! Ðương lúc này tôi lấy thần gặp, chứ không lấy mắt trông. Ngũ quan biết nên dừng, mà thần thì muốn đi, nương vào lẽ trời. Tách gân lớn, lùa khớp lớn, nhân chỗ cố nhiên của nó. Nghề của tôi, bắp thịt còn chưa từng xấn qua, huống chi là trối [đốt xương] lớn! Nhà bếp họ hằng năm thay dao, vì là cắt. Nhà bếp họ hằng tháng thay dao, vì là chặt. Nay dao của tôi mười chín năm rồi… Số trâu mổ có mấy nghìn rồi… Vậy mà lưỡi dao như mới rèn xong. Những đốt kia có kẽ, mà lưỡi dao này thì không hay… Lấy cái không dày, vào chỗ có kẽ, xổng xểnh vậy, đưa dao vào đấy tất có chỗ thừa. Vì thế mười chín năm mà lưỡi dao như mới rèn xong!”
(Nhượng Tống dịch, sách đã dẫn, t 50-51)

Ðan cử thí dụ ấy của Nam hoa kinh có lẽ làm cho người ăn chay cảm thấy bứt rứt. Ta thử đưa ra hai thí dụ khác:
Lúc mới tập đi xe đạp, ta càng cố vặn người giữ thăng bằng thì chiếc xe càng nghiêng, dễ ngã. Ta cố tránh hòn đá nhỏ giữa đường nhưng sao bánh xe lại cứ xăm xăm chạy tới cán lên trên nó. Khi đã đạp xe thành thạo, ta chỉ cần ý động là xe chuyển. Thậm chí đạt tới mức “đi xe”, buông hai tay khỏi “ghi-đông”, ta vẫn có thể dùng ý để chuyển hông, cho xe lạng lách theo ý muốn của mình.

Lúc bắt đầu tập khiêu vũ, ta thường lo lắng sao cho chân bước đúng nhịp nhạc, ăn ý với người cùng nhảy và không dẫm lên chân người nhảy bên cạnh. Càng để ý ta càng luống cuống. Khi đã thành thạo, ta không cần để ý tới những điều đó nữa, thì đâu vào đó, bước nhảy tự nhiên, uyển chuyển và lả lướt.

Vô vi là kỹ năng làm cho mọi sự trông có vẻ dễ dàng. Nó là nghệ thuật hành động hoàn toàn không tự ý thức.
Vô vi là sống tự tin và hồn nhiên. Vô vi xảy ra trong trạng thái tiêu dao quên lãng, khi ta có thể đặt sang một bên mọi nỗ lực có ý thức nhằm nhớ lại một phương cách thực hiện nào đó. Trong trạng thái vô vi, “làm mà như không làm”, tâm trí thao tác rất nhanh và rất hữu hiệu, tới độ ta không có thời giờ bắt kịp nó, và như thế, ta hoàn toàn tín nhiệm vào những gì đang xảy ra.

4. Không còn phân thiện ác

Trong vô vi, con người đặt sang một bên mọi khái niệm thiện ác. Ðạo đức học hàm ý sự thẩm định tính hợp lý của hành động và cách thức thẩm định nó. Phần lớn đạo đức học được tiến hành sau khi diễn ra hành động, dựa vào các chuẩn mực thông thường và vào tình huống đặc thù để phán xét nó phải hoặc trái.

Những cân nhắc đạo đức cũng được suy xét bởi kẻ đang dự tính hành động. Các qui tắc tôn giáo, xã hội và luật pháp, các nẻo “chính tà”, đều xuất hiện trong lương tâm của con người. Trong khi trăn trở để hiểu rõ điều mình nên làm, con người lâm vào tình thế nan giải về mặt đạo đức. Và dù được đặt trước hay sau khi hành động, đạo đức học vẫn là môn học nghiên cứu tình thế tới lui đều khó ấy. Tuy nhiên, người Ðạo học thường không thiên về đạo đức học theo ý nghĩa vừa kể. Nếu hành động một cách hồn nhiên, ta không dừng lại để cân đo đong đếm hệ quả hoặc xem xét các qui tắc ấy; một khi đã chạm tới Ðạo thì không cần tới đạo đức học để nghiên cứu những gì xảy ra.

Nho gia và Ðạo gia có hai lối tiếp cận vào đạo đức học khác nhau triệt để. Là người nhập thế, Nho gia luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng can thiệp vào cuộc đời để xác định cách ta nên ứng xử theo các đường hướng hành động nhất định. Nói cách khác, đối với người Nho giáo, “chính nhân quân tử”, có những hành động nên được thể hiện vì cái thiện của xã hội, cho dẫu chúng hoàn toàn đi ngược lại thiên hướng của người liên hệ. Ngược lại, đối với người Ðạo học, “không nệ chính tà”, hoàn toàn không có vấn đề ấy. Theo họ, một sự can thiệp trong tinh thần phân biệt như thế sẽ khiến cho con người không thể tri giác trật tự tự nhiên của Ðạo.

Cuộc sống gây nên cho mọi người những vấn đề khá giống nhau, nhưng Ðạo học gợi ý rằng bằng cách sống tự nhiên, ta có thể giảm thiểu tối đa những tác động của chúng. Trong một thí dụ minh hoạ tác động của trí khôn con người, Trang Tử cho rằng cùng chung sự cố té từ xe ngựa xuống đất, người không uống rượu có khả năng bị thương hơn người say rượu. Lý do là vì người say rượu té theo bản tính, có khả năng “đồng nhất” với sự cố nên phản ứng của anh ta tự nhiên, trong khi người không uống rượu thì vì cảm thấy lâm nguy nên ra sức điều chỉnh tư thế của mình, một cách có ý thức, do đó dễ bị thương.

5. Cá nhân chủ nghĩa


Theo Ðạo học, bản ngã là sư phô diễn trực tiếp Ðức, cái là năng lượng của Ðạo trong con người. Mục đích của Ðạo là thành tựu sự hiệp nhất mọi sự bên trong bản ngã bằng cách quay về với Ðạo, cội nguồn của bản thân.

Ðiều đáng chú ý là quan điểm ấy đặt trọng tâm trên cá nhân chứ không trên xã hội. Khi nhìn vào Nho giáo, chúng ta thấy phương cách ứng xử đúng đắn là chấp nhận Lễ, những qui tắc giao tế được xã hội chấp nhận và lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Ngược lại, Ðạo học bắt đầu với từng cá nhân và chống lại mọi khuôn mẫu của xã hội. Ðối với cuộc đời, hai lối tiếp cận của Nho gia và Ðạo gia khác nhau như thế nên đưa tới cuộc tranh cãi lâu dài và sâu sắc vì mỗi bên dựa trên các cơ sở có vẻ đối lập nhau: tự nhiên hay nhân tạo, tự phát hay áp đặt, vô vi hay hữu vi…

Trong Nam hoa kinh, Trang Tử quả quyết rằng không nên đưa bất cứ động cơ ngoại tại nào vào hành động, dù nó mang hình thức chấp nhận của xã hội hoặc do lòng trông mong được khen thưởng hay chê trách. Lời ấy không hàm ý rằng hành động của ta nhất thiết sẽ gây tai hại cho người khác hoặc không nên để ý tới người khác; nó chỉ có nghĩa rằng không nên lấy sự tác động lên người khác làm nguyên cớ ưu tiên cho quyết định hành động của ta.

Mười chín thế kỷ sau, có lẽ thấm nhuần ý tưởng Trang Tử, Bồ Tùng Linh (1640-1715) trong Thi Thanh hoàng, truyện mở đầu 445 truyện làm thành Liêu trai chí dị, đã viết lời chỉ nam cho toàn bộ truyện: “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng; Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt: Làm việc thiện mà có chủ ý thì không được thưởng; Làm việc ác mà không có chủ ý thì không bị phạt”.

Mặc Tử – người cổ vũ tình yêu đại đồng và là đối tượng tư tưởng bị triết gia Mạnh Tử tự xem có bổn phận truy tận diệt tuyệt – kịch liệt chỉ trích Nho giáo là chấp nhận nấc thang tự nhiên bằng việc tỏ lòng tôn trọng và yêu quí thân nhân, bằng hữu của ta hơn những kẻ khác vốn cũng được ông cho là xứng đáng không kém với tình yêu đó.

Ở cực điểm đối nghịch với Mặc Tử ta có Dương Chu, một nhà tư tưởng Ðạo học tiền phong. Họ Dương, như chúng ta đã đánh giá, thuộc thế hệ Ðạo gia thứ nhất và là nhà tư tưởng “thủ thân chủ nghĩa” của Ðạo học. Ông quả quyết rằng thật lầm lạc khi ta có hành động làm thương tổn bản thân cho dù hành động ấy mang lại lợi ích cho toàn thể thế gian, vì cuộc sống có hai mục đích: một là giữ cho bản thân đừng bị tổn hại và hai là sống hết sức lâu dài có thể được.

Vấn đề gây tranh cãi ở đây là có phải từ việc áp dụng thuần tuý các nguyên tắc của Ðạo học mà họ Dương đã rút ra kết luận thuận lý và duy nhất ấy, và nếu thế thì nên hiểu nó như thế nào về mặt đạo đức học?

Trang Tử giữ vững lập trường rằng không có gì tốt hoặc xấu một cách cố hữu; tốt hay xấu đều tuỳ vào tình huống cùng bản thân đương sự. Ðiều đó không có nghĩa rằng trong Ðạo học không có chỗ cho các qui tắc đạo đức tuyệt đối, đúng hơn, nó đưa tới quan điểm rằng ta phải chuẩn bị để sẵn sàng đi tới quá bên kia các qui tắc đạo đức.

Trong thiên Tề vật luận, Trang Tử viết rằng hễ hai người đã bất đồng, tranh luận không ai hơn được ai, thì hoàn toàn không có khả năng phân xử tuyệt đối công bằng, vì dù có nhờ người thứ ba phân xử thì kẻ trọng tài ấy cũng hoặc bị ràng buộc vào quan điểm không bên này thì bên nọ hoặc có quan điểm của riêng mình.

“Nhờ kẻ đồng với ngươi quyết định điều đó, nó đã đồng với ngươi, quyết định sao được? Nhờ kẻ đồng với ta quyết định điều đó, nó đã đồng với ta, quyết định sao được? Nhờ kẻ khác với ta cùng ngươi quyết định điều đó, nó đã khác với ta cùng ngươi, quyết định sao được? Nhờ kẻ đồng với ta cùng ngươi quyết định điều đó, nó đã đồng với ta cùng ngươi, quyết định sao được? Vậy thì ta cùng ngươi, cùng người đều không thể biết được nhau, mà còn đợi kẻ kia sao?”
(Nhượng Tống dịch, sách đã dẫn, t. 44).

Nói cách khác, không thể mang tính tuyệt đối vào vấn đề lựa chọn đạo đức trong liên quan tới quá trình lập quyết định hoặc tiêu chuẩn thẩm định, vì không người nào không có quan điểm cá biệt về bất cứ sự việc nào.

6. Tự phát và mộc mạc


Tựa như nước không bao giờ chảy ngược, ta nên sống trong trạng thái thuận dòng, ít đề kháng nhất. Do đó, theo Ðạo học, sống lý tưởng là sống mộc mạc, không tham vọng và thoát ra ngoài mọi ham muốn. Tuy nhiên, trạng thái thoát khỏi mọi ham muốn đó có thể bị lâm nguy vì giáo dục: mức độ gia tăng tri thức có khuynh hướng đưa tới gia tăng lòng ham muốn và tham vọng. Bởi thế, trong Ðạo học, có triển khai một bộ phận tư tưởng chống lại sự thăng tiến tri thức và giáo dục.

Mộc mạc tự nhiên của con người được gọi là phục: quay về, và đặc điểm của nó là vô vi: hành động tự phát; nó phản ánh sự hoà điệu một cách tự nhiên. Tính tự nhiên của vô vi sản sinh mộc mạc và liêm khiết – nó là hành động trong đó cái toàn bộ bản ngã như nhất của ta dấn sâu vào. Nó được lèo lái bởi tâm trí vô thức cả trước khi tâm trí ý thức kịp thời lý tính hoá nó. Và đó dường như là nỗ lực phấn đấu của người Ðạo học nhằm tìm lại sự liêm khiết vốn tuôn trào tự nhiên mà con người đã đánh mất cùng với tuổi thơ của mình.

Tính mộc mạc và tự nhiên ấy đưa tới sự nhận biết về mọi vật đang sống và về địa vị cao cả của loài người trong thiên nhiên. Trạng thái ấy khá giống với Phật giáo; nó khích lệ lòng thấu cảm hết thảy chúng sinh. Bản thân Trang Tử mơ thấy mình là bướm; khi tỉnh giấc ông hoang mang đặt cho mình một câu hỏi thú vị: Làm sao tôi biết được tôi đang là người mơ thấy mình hoá bướm hoặc tôi đang là bướm mơ thấy mình hoá người?


II. Thẩm thấu của Ðạo học

Ðạo học với quan niệm sống mộc mạc theo năng lượng tự nhiên của Khí chu lưu trong vũ trụ và giữ sự quân bình Âm Dương, đã thẩm thấu mọi khía cạnh của cuộc sống. Có rất nhiều học giả đồng ý với nhau rằng cốt lõi của văn hoá Trung Hoa là Ðạo học. Có thể nêu ra một số thí dụ như:

Tôn giáo. Tư tưởng Ðạo học bắt gặp Phật giáo khi đạo Phật lan tới Trung Hoa. Nó chung chia với Phật giáo cuộc truy tầm sự thức ngộ “vô ngã”, trong khi đánh mất cái chúng ta gọi một cách qui ước là “bản thân” trong viễn cảnh rộng lớn hơn. Cuộc gặp gỡ và chung chia đó đưa tới Thiền Tông, cái sẽ được chúng ta đề cập chi tiết trong một chương sau. Ðạo học còn có mặt rõ nét trong học thuyết về Lý và Khí của Tống nho, như đã trình bày trong chương vừa rồi.

Hội hoạ và văn chương. Thanh thoát và không cố hữu một bản ngã. Ðặt chính xác và đúng chỗ một nét chấm phá trong bức tranh phong cảnh hoặc gợi lên tính mộc mạc thi vị của trải nghiệm trong mấy câu thơ, vài con chữ hoặc một hình ảnh; cả hai cái ấy đều xuất phát từ sự nhạy cảm mang thiên hướng tự nhiên mà Trang Tử khích lệ. Trong nghệ thuật Trung Hoa hiện hữu nhiều khía cạnh của quân bình. Khi vẽ tranh phong cảnh, có nhu cầu quân bình giữa sơn (dương) và thuỷ (âm). Ðôi khi nhà hoạ sĩ đưa ra, rất cân nhắc, ấn tượng về quá trình biến đổi liên tục trong phong cảnh, thí dụ những vết rạn do bởi quá trình len lỏi của rễ cây trong kẽ đá qua bao nhiêu thời đại. Ðặc biệt con người nhỏ nhoi và nhà cửa lác đác, được đặt rất cẩn trọng trên một nền phong cảnh bao quát, như thể theo một qui tắc phong thuỷ nhất định, để phản ánh sự cân bằng hợp lý trong dòng năng lượng đang tuôn chảy. Nói chung, nghệ thuật thi hoạ mang cảm giác hài hoà và có tính tổng thể của một dòng biến dịch.

Y lý. Phương pháp bắt mạch theo Quan, Xích và Thốn trên cổ tay người bệnh chủ yếu là thăm dò sự vận hành của Khí trong nội thể với lục phủ ngũ tạng của người bệnh và mức thiên lệch Âm Dương để định bệnh. Các vị thuốc thảo mộc làm thành thang thuốc cũng dựa trên sự quân bình Âm và Dương. Một thí dụ cụ thể nhất cho khía cạnh này là ngành châm cứu nhằm khai thông các huyệt đạo của người bệnh để Khí chu lưu thông suốt.

Phong thuỷ. Xem xét môi trường tự nhiên và các nỗ lực làm cho nó phù hợp với năng lượng tự nhiên của Khí. Ở một đoạn dưới, ta sẽ bàn nhiều hơn tới khía cạnh này.

Ẩm thực. Một số thực phẩm, thí dụ thịt, được xem là Dương, và những thức khác, thí dụ rau củ quả, là Âm. Ta có thể tìm thấy bảng phân loại chi tiết này trong các sách nói về lối ăn uống dưỡng sinh theo phương pháp Oshawa, tên của một bác sĩ người Nhật, thí dụ đường là dương, muối là âm. Khi trình bày một đĩa thức ăn, hoặc hơn nữa, trong một bữa ăn, có nhu cầu phải quân bình âm dương giữa các thực phẩm nấu thành món ăn hay làm thành bữa ăn. Người Việt thường dùng ba hoặc bốn món trong một bữa ăn: canh, kho, luộc hay xào, có thịt cá và có rau hay củ quả. Ngay cả trong một món ăn, điển hình món canh chua của người Nam bộ, đã có sự hài hoà giữa chua ngọt, nóng lạnh, âm dương.

Dưỡng sinh. Trong cuộc sống thường ngày, không để cho quá nóng hoặc quá lạnh, quá khô hoặc quá ẩm. Luôn luôn bảo dưỡng và điều hoà Khí lực, không để xúc động thái quá. Thái cực quyền trong trình độ luyện tập để bảo vệ sức khỏe, được gọi là võ dưỡng sinh. Nếu quan sát người diễn tập thành thạo một bài Thái cực quyền, ta sẽ thấy nó đặt trên hai nguyên tắc. Một là giữ cho chuyển động liên tục để vận hành của Khí không bị ách tắc hoặc gián đoạn. Hai là trong mỗi tư thế đều có khinh có trọng, giữ đúng quân bình Âm Dương. Người luyện tập Thái cực quyền chuyển động theo một chuỗi liên tục các cử động, tránh tuyệt đối sự vận dụng tư duy hoặc ý thức, để bản thân thẩm thấu dòng tuôn chảy tự nhiên của năng lượng vật lý và cảm xúc. Ra đời từ khoảng thế kỷ 14, Thái cực quyền của họ Dương đã và đang cùng với của các họ Trần, Triệu, v.v… đã chứng tỏ sự linh nghiệm của nó qua quá trình luyện tập của hàng chục thế hệ trong và ngoài Trung Hoa từ sáu bảy trăm năm nay.

Võ thuật. Cũng giữ hai nguyên tắc về Khí và Âm Dương của Thái cực quyền, nhưng người luyện tập càng nhiều, võ công càng cao thì từ những cử động mộc mạc, thanh thoát và như nhất, sẽ nâng võ thuật lên mức võ đạo. Âm được hiểu là thủ, thoái, tấn… Dương được hiểu là công, tiến, chuyển… Ngay trong quá trình của một đòn thế cũng bao hàm quá trình diễn biến Âm và Dương. Thêm nữa, khái niệm về Khí có ảnh hưởng sâu sắc lên võ thuật trong phương pháp luyện nội công. Nếu không có khí công, người luyện võ không thể đạt tới trình độ cao đẳng. Với các võ phái gốc Ðạo học như Võ Ðang, một bài thảo quyền cước hay binh khí Bát quái hay Ngũ hành, Thái cực, v.v... là sự liên tục của các “đường thảo”, chứ không phải chỉ là sự kết hợp các “thế võ” như của Thiếu Lâm vốn có gốc tích từ Kerala, Ấn Ðộ.

Thư pháp. Hòn non bộ, v.v...
Như thế, với Ðạo học, chúng ta có một nền văn hoá Á đông phấn đấu và sống quân bình một cách tự nhiên, nhằm phản ánh trung thực triết thuyết nằm bên dưới nó. Ở đây, không đơn giản là vấn đề qui ước xã hội, cũng không phải là một nền đạo đức sản sinh như là hậu quả của các nguyên lý tiềm ẩn và vượt thời gian. Ðúng hơn, nó là nỗ lực nhằm phản ánh siêu hình học – hiểu theo cảm giác về một dạng cấu trúc tiềm ẩn và về ý nghĩa của thực tại – trong cuộc sống hằng ngày, và qua đó, tạo nên tình trạng khả thi cho tính tự nhiên trong lối sống và phẩm cách của con người.

Nền chính trị tối thiểu
Ở một đoạn trên, chúng ta đã nhìn từ quan điểm của Lão Tử về một chính quyền được thánh nhân lãnh đạo với quốc sách cứ để mặc dân sống mộc mạc, tới chủ trương vô chính phủ của Trang Tử. Chúng ta cũng đã nói tới chủ đề chính của Ðạo đức kinh và sự phê bình của tác giả về tính chất nhân tạo trong nền văn hoá của người Á đông và trong cuộc sống xã hội. Cả Lão Tử lẫn Trang Tử đều đồng thuận rằng tự nhiên là một quá trình độc lập với sự can thiệp của chính quyền. Như thế, Ðạo học còn tìm kiếm điều gì đó sâu xa hơn và hợp lý cho thực tại cuộc sống đang diễn ra chung quanh và đang bị người của cơ chế xã hội và định chế chính trị đề quyết rằng trí lực sẽ tác động tích cực và hữu hiệu.
Vì lấy cá nhân làm khởi điểm, Ðạo học nhìn các tổ chức và các luật lệ áp đặt của xã hội là những tác nhân làm hư hoại các khao khát tự nhiên và năng lượng của người dân. Nhà nước lý tưởng là một nhà nước càng ít can thiệp vào cuộc sống của người dân càng tốt. Có lẽ nguyên tắc chính quyền thụ động tối đa ấy được rút ra từ sự quan sát rằng các nhà cai trị có khuynh hướng hành động vì lợi ích của bản thân và thân nhân bè bạn chứ không phải vì lợi ích của thần dân.

Ở đây, ta thấy có điểm tương đồng rõ ràng nhất khi so sánh quan điểm chính trị của Ðạo học với chủ trương vô chính phủ của Tây phương. Trong số các nhà tư tưởng ấy, ta bắt gặp khuôn mặt vô chính phủ của Proudhon thế kỷ 19, hoặc thậm chí Leo Tolstoy, văn hào Nga. Hay ngay cả dự phóng của Karl Marx trong chế độ cộng sản với xã hội vô giai cấp, sau giai đoạn chính phủ chuyên chính của giai cấp công nhân, tới thời kỳ chính quyền như một bộ phận sinh hoạt hành chánh tối thiểu.

Ta cũng có thể thăm dò tính chất của xã hội dân sự và vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong xã hội học và chính trị học hiện đại, để thấy sự đóng góp tự phát của người dân, như một đối trọng và điều hướng những chính sách “tích cực can thiệp” của chính quyền và sức nặng trì trệ của cái gọi là truyền thống xã hội. Cái khác biệt cơ bản với quan điểm tự nhiên của Lão Trang là xã hội dân sự chỉ hoạt động hữu hiệu khi nó được công nhận là một định chế, với đầy đủ pháp chế.

Ðịa lý phong thuỷ

Nếu chiêm nghiệm là phương thế nội tại để cảm nhận và sống trong hoà điệu thì về mặt ngoại tại, có một phương thế hiển nhiên khác là phong thuỷ.

Theo nghĩa đen, Phong là gió và Thuỷ là nước, hai thành tố tự nhiên, tiêu biểu cho mọi thành tố khác của một quang cảnh. Theo nghĩa bóng, phong thuỷ chỉ chung mạch đất, hướng gió, đường nước chảy, v.v… Thuật ngữ phong thuỷ được dùng chuyên biệt trong khoa địa lý, một môn học cho rằng khung cảnh chung quanh có quan hệ thiết yếu tới cát hung hoạ phúc của người sống và sự siêu thoát cùng khả năng phù trợ của người chết.

Khoa địa lý phong thuỷ ban đầu đặt căn bản trên thuyết Ngũ hành và về sau, chú trọng hơn tới Âm Dương, Bát quái. Do đó, nguồn gốc của nó không hẳn là Ðạo học mà bắt nguồn từ các phạm trù trừu tượng của Kinh Dịch như Thái cực, Âm Dương, Khí, Ngũ hành, Long mạch, v.v... Nói chung, phần lớn người Á đông, đặc biệt tại Trung Hoa, tin rằng con người sống thì có nhà cửa, gọi là Dương cư hay Dương trạch, chết thì có nơi chôn cất, gọi là Âm phần hay Âm trạch. Khi đang sống, nếu ngôi nhà bạn đang ở đắc cách, sẽ giúp bạn hanh thông, thịnh đạt trong công việc. Sau khi chết, nếu ngôi mộ của bạn đắc cách, vong linh bạn được nghỉ yên và con cháu sẽ nhờ thế mà vượng phát.

Thông thường, hai tiêu chí của đắc cách là Long mạch linh hoạt uyển chuyển theo hình thể chạy dài của sông núi chung quanh và đường chu lưu thông suốt của Khí. Ðặc biệt nếu hình thể núi non chung quanh mộ địa bị phá cách, tả Thanh long hữu Bạch hổ, tiền Chu tước hậu Huyền võ khắc kỵ nhau, dòng họ của bạn có nguy cơ bị diệt tộc.

Theo di chỉ khảo cổ, ý thức phong thuỷ đã có từ 6.000 năm trước tại Trung Hoa. Ban đầu có lẽ do vị trí nhà cửa thuận giao thông và tiện phòng ngự. Về sau, ngày càng được nâng cấp lên thành bộ môn chuyên biệt của các nhà địa lý.

Trong cuốn sách cổ Táng kinh, tá danh Quách Phác, có viết: “Khí theo gió ắt tản mác, hạn vì nước, ắt ngưng lại. Người xưa muốn tụ lại khiến cho nó đừng tản mác, làm khiến nó ngưng lại, nên gọi là phong thuỷ. Phép coi phong thuỷ, hơn hết là đắc thuỷ, kế đến là giữ gió”.

Nếu xét theo cách người xưa chọn nơi ở thông gió và tươi tốt, thì ta thấy phong thuỷ là một nghệ thuật về không gian cư trú thoáng đãng hoặc cảnh sắc khoảng khoát nên thơ nơi mộ địa, rồi dần dà bị mê tín hoá và duy tâm hoá. Xét theo quan điểm khoa học hiện đại, thì môn địa lý từ xưa đã biết vận dụng sự tương tác và chuyển hoá giữa vật chất và năng lượng để xây dựng lý thuyết về kiến trúc xây dựng. Họ phát biểu theo ngôn từ thời đó với những lập luận dựa vào năm yếu tố Ngũ quyết: Long, Huyệt, Sa, Thuỷ và Hướng, trên nền tảng quân bình Âm và Dương (sáng – tối, nóng – lạnh, ấm – mát, v.v...). Như thế, hiểu về phong thuỷ tức là biết cách thiết kế môi trường sinh hoạt thuận với luồng chảy của năng lượng và do đó, thụ hưởng tối đa tiện ích của nó.

Ðối với vị trí của ngôi nhà và thậm chí đồ đạc bên trong cũng thế. “Dương cư” có thể chịu sự tác động do bởi dòng chảy của năng lượng vũ trụ, nói theo Ðạo học là Khí. Các phần của nơi ta ở liên quan tới tuổi tác, nghề nghiệp, sức khỏe thể lý, tình trạng tâm lý và lề lối sinh hoạt thường ngày của người sống trong đó. Những yếu tố ấy có lẽ không có gì là thần bí, và một thầy địa lý giàu kinh nghiệm, có kiến thức vững vàng, sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích, tạo bầu không khí tích cực cho không gian sống để bạn thưởng ngoạn tối đa sự phong phú của cuộc đời.

Về phương diện triết học, phong thuỷ nỗ lực mang các khía cạnh kiến trúc nhân tạo của cuộc sống vào sự cân bằng tự nhiên, hàm chứa trong cụm từ “quân bình Âm Dương”. Ngôi mộ của cha ông được đặt trong một khung cảnh đẹp và thoáng sẽ giúp thân nhân có cảm giác ủi an, tích cực và được gia tăng tình cảm, ý chí để cùng sống phấn đấu bên nhau. Ngôi nhà toạ lạc giữa khung cảnh thanh thoát, đồ đạc được bố trí chính xác và cân đối, sẽ hội tụ và phát toả năng lượng tích cực, làm cho người sống trong đó cảm thấy thoải mái và gây được thú vị, thiện cảm tự nhiên cho người mới đặt chân vào nhà.

Tóm lại, có thể nói rằng phong thuỷ là một thí dụ điển hình cho thấy triết học Ðông phương không cách ly với các khía cạnh cụ thể của cuộc nhân sinh, không phân biệt giữa thế giới hàn lâm và thực tiễn đời sống. Qua phong thuỷ, chúng ta có những lý luận và kỹ thuật thực tế nhằm cải thiện phẩm chất và năng lượng có sẵn trong cuộc sống của mình, và đồng thời, nó còn cho thấy kết quả trực tiếp của việc biết cách áp dụng các khái niệm vốn mang tính siêu hình tự căn bản.

Nguồn: Nguyễn Ước, Đạo học và cuộc sống​
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top