Đánh giá việc nghiên cứu chủ nghĩa Mar từ góc độ chú giải học

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Tạp chí Triết học
số 4 (203) & 5 (204), năm 2008
--- o0o ---

ĐÁNH GIÁ VIỆC NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA MÁCTỪ GÓC ĐỘ CHÚ GIẢI HỌC
Bình luận về hai trường phái học thuật trong việc “đọc lại Mác” (*)

Dương Học Công


Bài viết bình luận về hai trường phái học thuật trong việc “đọc lại Mác”. Cụ thể, ở phần thứ nhất, tác giả đã phân tích và luận giải để làm rõ rằng, kiểu nghiên cứu “lấy văn bản làm chuẩn”đã bỏ qua “bối cảnh chú giải học”và do vậy, vấp phải hàng loạt mâu thuẫn hoặc những vấn đề khó khăn mà tự nó không khắc phục được. Đối với nghiên cứu triết học Mác, kiểu nghiên cứu “lấy văn bản làm chuẩn”có thể đưa đến sự hiểu lầm. Theo tác giả, khi nghiên cứu triết học Mác, ngoài “căn cứ văn bản”còn phải cần đến “tầm nhìn chú giải”, đó là hai điều kiện tất yếu không thể thiếu cũng như không thể tách rời.

Thời gian gần đây, xoay quanh chủ đề “đọc lại Mác”, trong giới học thuật đã nổi lên “phong trào nghiên cứu văn bản Mác". Thực ra, các phong trào đó là cảnh tượng học thuật quen thuộc trong giới triết học Mác ở Trung Quốc, và nó thể hiện ra rõ rệt hơn so với các giới khác. Sự không ngừng thay đổi của các phong trào, vốn dĩ là những hiện tượng bình thường trong nghiên cứu học thuật, ở một mức độ nhất định, phản ánh sự thay đổi tầm nhìn lý luận và tâm điểm của người nghiên cứu. Nhưng khi việc chạy theo các phong trào, ham mê những thứ mới lạ đã trở thành “mốt” sẽ làm nảy sinh thái độ học hỏi chỉ mang tính hình thức mà không có thực chất. “Phong trào” cứ nối tiếp nhau xuất hiện, phong trào mới thay thế phong trào cũ, nhưng nếu nhìn lại, liệu tích luỹ được bao nhiêu sự tiến bộ về học thuật thực sự được xây dựng trên cơ sở vững chắc từ bên trong? Trong tình hình như vậy, tôi rất tán đồng với những chủ trương sau của một số học giả: chúng ta phát triển việc nghiên cứu Mác, trước hết cần phải có sự tự giác về phương pháp luận[1]. Bởi lẽ, loại hình nghiên cứu này từ trước tới nay đều được tiến hành dưới danh nghĩa “trích đọc nguyên tác chủ nghĩa Mác”, chứ không phải là vấn đề mới đặt ra. Nếu không có sự suy xét lại và nâng cao phương diện phương pháp luận thì những nghiên cứu ngày nay của chúng ta rất khó đạt đến một trình độ mới, thậm chí có thể chỉ là sự lặp lại lối đi cũ dưới một cái tên mới mà thôi.

Tác giả đã từng viết bài thảo luận về tính tất yếu và tính khả thi trong việc áp dụng hợp lý phương pháp chú giải học hiện đại trong nghiên cứu văn bản Mác [2]. Bài viết này, một lần nữa, tập hợp lại những tranh luận có liên quan của giới học thuật, trình bày rõ hơn thái độ và lập trường của tác giả.

I. Nghiên cứu “lấy văn bản làm chuẩn” có khả thi hay không

Xét từ góc độ chú giải học, phát triển việc nghiên cứu tài liệu lịch sử kinh điển của Mác trong điều kiện đương đại chính là phải đưa ra một giải thích mới đối với lịch sử văn bản Mác. Trong nghiên cứu trước đây, do “ý đồ có trước” đã dẫn đến việc hiểu sai hoặc "đọc sai" chủ nghĩa Mác. Có học giả cho rằng, để "trình bày được diện mạo chân thực và hiện trạng nguyên sơ của tư tưởng Mác", để hiểu được một cách khách quan, giải thích một cách khoa học và dần tiếp cận với tư tưởng của Mác, chúng ta nên “lấy văn bản Mác làm chuẩn” nhằm triển khai công việc nghiên cứu của mình. Cái được gọi là nghiên cứu “lấy văn bản Mác làm chuẩn” chủ trương khi giải thích tư tưởng chủ nghĩa Mác, nên xuất phát từ ngữ cảnh đặc biệt trong nguyên bản và lôgíc nội tại trong sự phát triển suy nghĩ chứ không phải từ một mô típ giải thích do người khác đưa ra, hoặc từ quan điểm cá nhân để suy diễn một chiều. Đây là một loại sách lược hay cương lĩnh nghiên cứu được thể hiện rõ ràng trong việc nghiên cứu văn bản Mác hiện nay. Nó chứa đựng một loạt những yêu cầu và quy phạm kỹ thuật, ví dụ: phải hết sức cố gắng thu thập và làm chủ các tài liệu sách vở một cách toàn diện và cặn kẽ, phải say mê nghiên cứu từng chi tiết nhỏ, chọn đọc nguyên tác; phải biết phân biệt các vấn đề, cách suy nghĩ, luận chứng và cơ sở lý luận của Mác, làm cho những kết luận nghiên cứu được rút ra đều có căn cứ từ văn bản gốc và phù hợp với ý nghĩa ban đầu của nó; phải quay lại với ngữ cảnh đặc biệt trong nguyên tác của Mác, thể hiện chân thực hình tượng Mác về mặt ý nghĩa; phải quay trở lại tầng thứ học thuật để nghiên cứu, chứ không nên bị nhiễu loạn bởi chính trị hay cách giải thích của cá nhân người nghiên cứu; phải cố gắng loại bỏ ảnh hưởng và tác động xung quanh của các nhân tố chủ quan, tiến hành nghiên cứu phân tích mang tính khách quan, chỉ tuân theo nguyên tắc khách quan lý tính, những kết luận minh bạch, khách quan [3]. Vấn đề đặt ra là ở chỗ, kiểu nghiên cứu như vậy có khả thi hay không?

Điều tương đối rõ ràng là chủ trương này đã bỏ qua “bối cảnh chú giải học” trong nghiên cứu văn bản.

Xét về lịch sử phát triển chú giải học, con đường nghiên cứu “lấy văn bản Mác làm chuẩn” tương đối giống với chú giải học cổ điển mà đại diện là Schleiermacher và Wilhelm Dilthey. Là những nhà chú giải học chủ nghĩa khách quan, Schleiermacher và Wilhelm Dilthey chủ trương phải thoát khỏi các thành kiến và sự hiểu lầm cá nhân để lý giải một cách khách quan ý nghĩa của văn bản. Theo họ, yêu cầu này được đảm bảo bởi hai giả định dưới đây: “tính tồn tại có trước của ý nghĩa văn bản” và “chuẩn tác giả”. Có nghĩa là, ý nghĩa văn bản đã được tạo ra và xác định từ khi tác giả sáng tạo ra nó, nhiệm vụ của người giải thích (người đọc) chỉ là phát hiện ra cái ý nghĩa ấy hoặc, một lần nữa, làm sáng tỏ thêm mà thôi. Do vậy, họ nhấn mạnh người đọc buộc phải ra khỏi thế giới nội tâm của bản thân để bước vào thế giới nội tâm của tác giả, “quay về với ngọn nguồn suy tư của tác giả” thì mới đạt đến ngưỡng có thể "tái hiện" lại ý nghĩa văn bản.

Từ đó, chú giải học cổ điển coi “tính tồn tại có trước trong ý nghĩa văn bản” và “chuẩn tác giả” là lý luận để chống đỡ, chịu những thử thách gắt gao trong cuối thời kỳ phát triển chú giải học. Điểm mấu chốt là đòi hỏi nhìn thẳng vào sự tồn tại của “bối cảnh chú giải học”. Heidegger và Gadamer cố gắng chứng minh rằng, cái gọi là thoát ra khỏi thế giới nội tâm của người đọc để đạt đến sự lý giải khách quan, về căn bản, là một ảo tưởng không thể thực hiện được. Theo Heidegger, việc chú giải có những tiền đề không thể thiếu được của nó, tiền đề này chính là tiền kết cấu của việc chú giải. Còn “bối cảnh chú giải học” do 3 yếu tố cấu thành: tiền hữu, tiền kiến và tiền thiết. “Tiền hữu” là chỉ những cái vốn đã có sẵn trước khi lý giải, bao gồm hoàn cảnh xã hội, tình hình lịch sử, trình độ văn hoá, quan niệm truyền thống và điều kiện vật chất của người giải thích. Nó ngấm ngầm ảnh hưởng và hạn chế sự lý giải của con người. “Tiền kiến” là những kiến giải được xác định trước khi lý giải, tức là thành kiến, bất kỳ vật gì được lý giải đều có vô vàn khả năng, nhưng giải thích chúng theo cách nào là do tiền kiến quyết định. “Tiền thiết” là những giả thiết buộc phải có trước khi lý giải. Giải thích luôn lấy một số giả thiết được thiết lập trước làm tiền đề, bất kỳ giải thích nào cũng đều bao hàm một loại giả thiết được tính trước. Heidegger nói: “Coi điều gì đó là một thứ được giải thích, điều này về bản chất được phát huy tác dụng thông qua những cái có sẵn, cách nhìn có sẵn và sự nắm bắt có sẵn. Giải thích chưa từng bao giờ là một sự nắm bắt không có tiền đề gì cả đối với một vật cho trước có sẵn. Sự giải thích chính xác kinh điển có thể được coi như một sự cụ thể hoá giải thích đặc thù, tuy nó muốn đưa vào những thứ “điển cố có thể truy xét được”, nhưng thứ “điển cố có thể truy xét được” đầu tiên, chẳng qua là thứ không nói cũng hiểu, những thành kiến có trước không thể tranh cãi được của người giải thích mà thôi. Bất kỳ sự khởi đầu nào cho công việc giải thích đều buộc phải có những thành kiến kiểu ấy, nó là thứ đã được cố định lại theo sự lý giải. Điều này tức là sự cố định lại những cái đã có sẵn, cách nhìn có sẵn và sự nắm bắt có sẵn" [4]. Gadamer gọi “tiền kết cấu lý giải” của Heidegger là “kiến giải có sẵn” hoặc “thiên kiến”, có lúc lại gọi kiểu “tiên kiến” hay “thiên kiến” này là “tầm nhìn” (horizon) của sự lý giải, cho rằng chúng là tiền đề hay xuất phát điểm của bất kỳ sự giải thích nào. Tóm lại, người đọc không có cách nào thoát khỏi “tiền kiến” hoặc “thành kiến” để đạt đến cái gọi là sự lý giải “lấy văn bản làm chuẩn”; “tiền kiến” mới chính là “bối cảnh chú giải học” mà bất kỳ sự lý giải và giải thích nào cũng đều phải có, là tiền đề có khả năng xảy ra của bất kỳ sự lý giải và giải thích nào, ý nghĩa của nó tuyệt đối không phải là tiêu cực để cần phải hạn chế hay loại bỏ. Gadamer cho rằng, “tiền lý giải” hoặc “tiền kiến” là nhân tố tích cực phát sinh mà lịch sử đã đem lại cho người lý giải hay người giải thích, nó cung cấp cho họ một “góc nhìn” đặc thù. Tầm nhìn là phạm vi cái nhìn, nó bao gồm tất cả những thứ có thể nhìn thấy được xuất phát từ một chỗ đứng nào đó. Chỉ khi nào có được “tầm nhìn vấn đề” nào đó, chúng ta mới có thể lý giải được ý nghĩa văn bản, người nào không tự đặt mình vào tầm nhìn mang tính lịch sử đó thì sẽ không thể có được sự lý giải chính xác.

Việc nghiên cứu bất cứ văn bản nào đều bắt buộc phải có “bối cảnh chú giải học”, nó có ý nghĩa chỉ dẫn về nhiều mặt đối với chúng ta trong việc triển khai nghiên cứu văn bản Mác. Nhưng cương lĩnh nghiên cứu “lấy văn bản làm chuẩn” này, do coi thường “bối cảnh chú giải học”, đã tồn tại hàng loạt các mâu thuẫn hay những vấn đề khó khăn mà tự bản thân nó không khắc phục được.

Thứ nhất, “bối cảnh chú giải học” tức là, một trong những tiền đề có thể xảy ra trong nghiên cứu bất kỳ văn bản nào chính là người nghiên cứu bắt buộc phải hình thành “tầm nhìn vấn đề” tương ứng. Nói cách khác, hình thành “tầm nhìn vấn đề” luôn là một điều kiện bắt buộc phải có của bất kỳ sự nghiên cứu văn bản nào. Chỉ khi có được “tầm nhìn vấn đề” nào đó, chúng ta mới có thể lý giải được ý nghĩa văn bản, mà bản thân tầm nhìn vấn đề đã chứa đựng khả năng cho việc trả lời vấn đề ấy. “Tầm nhìn vấn đề” có thể thay đổi, và cùng với sự thay đổi trong “tầm nhìn vấn đề”, những văn bản khác nhau hay nhiều mặt khác nhau trong cùng một văn bản, trong một vài điều kiện nhất định, sẽ được đưa lên địa vị quan tâm không giống nhau, và đây là điều hết sức bình thường, không thể tránh khỏi. Ví dụ, trong cách giải thích “Tuyên ngôn sự quyết liệt", "hai thứ không thể tránh", ngày nay mọi người lại từ đó mà "đọc ra" được lý luận về lịch sử thế giới, quan niệm hay tư tưởng về toàn cầu hoá. Những học giả tiến hành nghiên cứu theo chủ trương “lấy văn bản làm chuẩn” sẽ cảm thấy nghi hoặc và khó hiểu đối với điều này: “Những quan điểm đối lập như thế lại nảy sinh từ cùng một văn bản, làm tách rời và mảnh đoạn đi tính hoàn chỉnh và nội hàm chân thực của văn bản gốc, làm tổn hại đến tính nghiêm túc, tính khoa học và tính bất biến trong việc nghiên cứu nguyên bản chủ nghĩa Mác”. Nhưng nhìn từ quan điểm chú giải học, những nội dung không giống nhau trong cùng một văn bản có thể sẽ thay đổi theo sự thay đổi góc nhìn của chủ thể giải thích, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Trước đây, trong thời đại chiến tranh và cách mạng, vấn đề tầm nhìn của người nghiên cứu tự nhiên chú trọng vào nội dung này trong văn bản chủ nghĩa Mác mà bỏ qua các nội dung khác. Còn những nội dung như sự phổ biến của giao lưu, lý luận lịch sử thế giới và toàn cầu hoá, sở dĩ trong nghiên cứu vài năm gần đây được coi trọng, là vì sự thay đổi trong thực tiễn cuộc sống dẫn đến sự thay đổi mối quan tâm của mọi người. Do “tầm nhìn vấn đề” luôn bị hạn chế nên chúng ta không thể ngay một lúc hiểu được tận cùng tất cả mọi mặt của văn bản, đây cũng chính là điều khiến cho những tác phẩm kinh điển càng đọc càng mới, luôn mang sức hấp dẫn vĩnh hằng.

Thứ hai, nhìn vào “bối cảnh chú giải học” có thể khiến chúng ta có được ý thức tự nhắc nhở, tự kiểm điểm đối với sự hạn chế của bản thân, từ đó tránh được mọi sự quá đà. Văn bản Mác có nội dung rất phong phú và đa dạng, khi nghiên cứu nó, chúng ta có thể đưa ra những đòi hỏi mọi mặt, nhưng nếu chỉ cần có góc nhìn (perspective) của người nghiên cứu - một yếu tố không thể giảm bớt hay lược bỏ (vẫn còn các nhân tố khác như thời gian, sức lực và năng lực lý giải của người nghiên cứu), thì cái gọi là “toàn diện” cũng mới dừng lại ở bề mặt, tình trạng “nhìn mà chẳng thấy gì” vẫn thường xuyên xảy ra. Bởi, đối với ý thức mang tính hạn chế lịch sử, “sự đồng nhất tuyệt đối giữa ý thức và đối tượng, về cơ bản, là không thể nào đạt tới” [5]. Chúng ta không thể kỳ vọng dùng “cái nhìn thần kỳ” vạn năng nào đó của bản thân để ngay một lúc nắm bắt được tất cả, đồng thời rút ra những kết luận từ việc kiên trì góc nhìn của bản thân. Cần phải thấy rằng, vẫn có thể có các góc nhìn khác, mà những kết luận rút ra từ chúng có thể cũng hợp lý và cần được tôn trọng, từ đó tránh được tình trạng rơi vào cạm bẫy tuyệt đối hoá và “tính duy nhất” (độc đoán – ND). Bất kỳ “góc nhìn” hay “tầm nhìn vấn đề” nào cũng đều có hạn chế. Trong quá trình căn cứ vào “tầm nhìn vấn đề” nào đó để tiến hành giải thích văn bản thì sự “làm sáng nghĩa” và “che lấp nghĩa” luôn đi liền với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, những kết luận có được xuất phát từ một góc nhìn nhất định đều chỉ là một cách lý giải trong nhiều khả năng lý giải đối với việc giải thích Mác. Nó không loại trừ những khả năng lý giải khác và càng không phải là sự lý giải “duy nhất”. Tâm lý học thực nghiệm cũng chỉ ra rằng, với cùng một bức tranh nhưng từ các góc nhìn không giống nhau của người quan sát, người ta có thể thấy ở đó hai hình tượng hoàn toàn khác biệt là “người thiếu nữ đẹp” hay “lão già độc ác”. Tuy nhiên, mỗi lần chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một loại hình tượng, vậy làm sao có thể khẳng định hình tượng nào mới là hình tượng "thật"?

Thứ ba, nhìn vào “bối cảnh chú giải học” có nghĩa là thừa nhận và tôn trọng những quyền lợi, trách nhiệm tư tưởng của người đọc hiểu. Cho dù chúng ta có lý giải việc nghiên cứu văn bản theo kiểu “tôi chú giải Lục kinh” [6], thì cái “tôi” này, cũng tức là vai trò của người đọc hiểu, tuy bị ẩn đi nhưng không vì thế mà có thể gạt bỏ nó. Do vậy, cho dù “tôi” có lấy danh nghĩa của “Mác” để nói gì đi nữa, thì trên thực tế, điều muốn nói vẫn là sự lý giải của tôi về Mác. Mỗi người đọc Mác đều có quyền nói về “Mác theo cách hiểu của riêng tôi”. Nhưng khi nói như vậy, cái “tôi” sẽ phải thận trọng hơn, chân thực hơn và phải chịu “trách nhiệm” của một người giải thích, chứ không phải như trước kia, mỗi người nghiên cứu Mác đều dùng danh nghĩa “Mác” để nói, song lại dễ dàng đẩy đi những trách nhiệm mà đáng lẽ bản thân mình phải tự đảm nhận.

Tóm lại, những người đọc hiểu không thể vứt bỏ “tầm nhìn lý giải” của bản thân mình để nghiên cứu cái gọi là “lấy văn bản làm chuẩn”.

Đối với nghiên cứu văn bản Mác, việc nghiên cứu “lấy văn bản làm chuẩn” có khả năng rơi vào sự hiểu lầm nào đó của “chủ nghĩa văn bản là trung tâm”. Đem văn bản Mác gói ghém lại, chỉ chú ý vào quan hệ qua lại lẫn nhau giữa từ ngữ, câu cú trong một ngữ cảnh nhất định của nội bộ văn bản, cắt bỏ đi những quan hệ giữa văn bản với hoàn cảnh hiện thực… sẽ không thể diễn tả hết được ý nghĩa chân thực của văn bản Mác. Bất kỳ sự lý giải hay giải thích nào cũng đều hướng vào một văn bản nhất định, dựa vào định nghĩa mà Paul Ricoeur đưa ra, “văn bản là bất kỳ câu nói nào được cố định lại thông qua cách viết ra”. Bất kỳ câu nói nào, cho dù dưới hình thức gì, chỉ cần là nó được viết ra thì đều có thể trở thành văn bản cho chúng ta giải thích. Nhưng, những văn bản lý giải đó mang tính trực tiếp chứ không có tính nguồn gốc. Nhìn từ tính nguồn gốc, như một số học giả đã chỉ ra, “bất kể lý luận hay học thuyết nào đều đến từ sự hiểu biết nhất định đối với một văn bản, mà thế giới khách quan, đặc biệt là thực tế cuộc sống của con người mới chính là văn bản cuối cùng cho mọi sự lý giải” [7]. Gadamer cho rằng, bất kể văn bản nào cũng đều là câu trả lời cho một hay một số vấn đề trong đời sống loài người, mà sự lý giải văn bản lại là một vấn đề mới nữa được nêu ra từ những câu trả lời đó. Thậm chí, ông còn cho rằng, chú giải học nên trở thành một kiểu triết học thực tiễn “xuất phát từ kinh nghiệm sống, đồng thời giải thích cho kinh nghiệm sống”, nó là thứ trí tuệ thực tiễn xử lý đời sống thực tế cụ thể, có thể thay đổi, chứ không phải là tri thức lý luận của cái kết luận được suy ra một cách trừu tượng từ những nguyên tắc mang tính phổ biến. Nói về Mác, việc ông viết ra văn bản không phải là sự kiện độc lập, mà chính là để trả lời cho vô vàn câu hỏi được đặt ra về những vấn đề lịch sử xã hội của thời đại mà ông sống, chúng có ý nghĩa và giá trị là bởi chúng trả lời cho các vấn đề. Cho nên, chúng ta cần xuất phát từ các câu hỏi mà văn bản phải đối mặt và trả lời, tìm ra những đầu mối để nắm bắt ý nghĩa của nó. Về mặt này mà nói, nếu tách khỏi khả năng nắm bắt sâu sắc hoàn cảnh nảy sinh văn bản thì sẽ không thể lý giải được ý nghĩa chân thực trong văn bản của Mác. Điều đó có nghĩa, tuy văn bản là đối tượng trực tiếp, nhưng nó lại không phải là căn cứ cuối cùng trong sự đọc hiểu của chúng ta, căn cứ cuối cùng chỉ có thể là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi văn bản, sự trung thành về mặt câu chữ sẽ có thể khiến chúng ta tách rời ngày càng xa với thực chất tư tưởng của Mác.

Nói về nghiên cứu triết học Mác, “căn cứ văn bản” và “tầm nhìn chú giải” là điều kiện tất yếu không thể thiếu được, hơn nữa hai mặt này không tách biệt, cô lập mà luôn quy định và ràng buộc lẫn nhau. Tất nhiên, nếu “căn cứ văn bản” mà không giống nhau, thì sự lý giải về triết học Mác cũng sẽ không như nhau, nhưng việc người chú giải chọn văn bản nào làm đối tượng nghiên cứu lại được quyết định bởi “tầm nhìn chú giải” có sẵn của họ. Ví dụ, do chịu ảnh hưởng của mô thức phân chia khoa học truyền thống, chúng ta đem chủ nghĩa Mác hoàn chỉnh tách thành một số bộ phận, như triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học v.v.. Nhưng trong số nguyên tác của Mác, ngoài luận văn tiến sĩ Sự khác biệt giữa triết học tự nhiên của Democritus và triết học tự nhiên của Epicure (1841) và bút ký ngắn Luận cương về Feuerbach (1845) ra, chúng ta khó có thể tìm thấy một văn bản triết học thuần tuý, bởi thực tế Mác chưa từng viết tác phẩm nào lấy triết học làm nội dung chính, hoặc có hệ thống triết học hoàn chỉnh. Nhưng do ảnh hưởng bởi sự hạn chế của mô hình phân chia khoa học này, chúng ta buộc phải tìm ra căn cứ văn bản triết học để phát triển hệ thống lý luận triết học chủ nghĩa Mác. Trong số các tác phẩm của Mác không có văn bản triết học thuần tuý, do vậy phải coi một số tác phẩm tuyên truyền mang tính đại chúng của Ph.Ăngghen, V.I.Lênin hay Stalin và những tác phẩm mang tính luận chiến là “căn cứ văn bản”, đây chính là hệ thống sách giáo khoa truyền thống mà chúng ta đã quen thuộc. Chúng ta có thể nói rằng, hạn chế của sách giáo khoa truyền thống là không có “căn cứ văn bản” hay không? Thật ra, mấu chốt chủ yếu vẫn là “tầm nhìn vấn đề”. Đã có tiền lệ về điều này, có những học giả tự giác phá vỡ mô hình phân chia khoa học truyền thống, khám phá ra những tư tưởng triết học của Mác ẩn chứa trong ngữ cảnh kinh tế học của Mác, qua đó đưa ra không ít những kiến giải mới [8].

Những người đề xướng nghiên cứu văn bản hiện nay đã phê phán rất nhiều các nghiên cứu trước đây. Nếu phân tích kỹ sự phê bình đó sẽ thấy rằng, họ vẫn chủ yếu tập trung vào cái khung chú giải hay mô thức chú giải trước đây. Ví dụ, có học giả phê bình những mô thức nghiên cứu Mác đang thịnh hành như “lấy Liên Xô giải thích Mác”, “lấy Ph.Ăngghen giải thích Mác”, “lấy phương Tây giải thích Mác”, và đề xuất một mô thức mới: “dùng Mác giải thích Mác” [9]. Dụng ý của chủ trương này là rất tích cực, nhưng nếu nhìn vào những trình bày và giải thích cụ thể của họ, thì lúc nào cũng thấy đối tượng nghiên cứu hay kết quả nghiên cứu sẽ là tiền đề để nghiên cứu. Cái gọi là “dùng Mác giải thích Mác”, theo giải thích của họ, hoặc là để chỉ việc dựa trực tiếp vào văn bản của chính Mác để lý giải tư tưởng của ông, nhấn mạnh văn bản Mác có giá trị đặc biệt độc nhất vô nhị, không thể thay thế, điều đó tương đương với việc lấy đối tượng nghiên cứu làm tiền đề nghiên cứu; hoặc là chỉ việc dựa vào lôgíc nội tại của quá trình phát triển tư tưởng của Mác, chứ không phải dùng tư tưởng của người đi sau hay của người khác để giải thích tư tưởng, điều này đồng nghĩa với việc lấy kết quả nghiên cứu làm tiền đề. Nhìn từ góc độ chú giải học, cho dù chúng ta có nhấn mạnh “dùng Mác giải thích Mác” thế nào đi nữa, thì thực tế vẫn là dùng phương pháp của mình để lý giải Mác. Đương nhiên, đó tuyệt đối không phải là tính tuỳ tiện chủ quan khi đọc hiểu văn bản. Văn bản Mác vẫn đang chờ đợi những “độc giả lý tưởng” (the model reader) của mình, mà những độc giả như vậy chỉ xuất hiện khi họ có được tầm nhìn chú giải mà toàn bộ học thuyết của Mác đòi hỏi.

2. Làm thế nào để lý giải tính khách quan trong ý nghĩa văn bản và tính hợp lý trong việc chú giải

Xem xét hướng nghiên cứu “lấy văn bản làm chuẩn” thì ý nghĩa văn bản và tính khách quan trong việc chú giải là một tiền đề cơ bản. Thế nhưng, chúng ta cũng phải thấy rằng, vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng.

Trước tiên là vấn đề tính khách quan trong ý nghĩa văn bản. Như trên đã bàn, trong chú giải học cổ điển, tính khách quan trong ý nghĩa văn bản được bảo đảm nhờ hai giả định: “tính có trước của ý nghĩa văn bản” và “chuẩn tác giả”. Các khái niệm tương tự khái niệm “nghĩa gốc” mà hiện nay một số học giả khăng khăng giữ là để chỉ “hàm ý nguyên sơ” mà tác giả đã xác định khi viết tác phẩm. Nhưng, cùng với sự phát triển của chú giải học, vấn đề này đã trở nên ngày càng phức tạp. Một vài nhân tố sau buộc chúng ta giờ đây phải suy tư đến: thứ nhất, Gadamer cho rằng ý nghĩa của văn bản không phải do tác giả định đoạt trước, “tư tưởng của tác giả không phải là thước đo có thể dùng để đánh giá ý nghĩa của một tác phẩm; thậm chí một tác phẩm, nếu thoát khỏi cái thực tại bị kinh nghiệm không ngừng làm thay đổi và chỉ để ý tới chính bản thân tác phẩm đó thôi thì cũng sẽ bao hàm một tính trừu tượng nào đó” [10]. Thứ hai, Paul Ricoeur phân “ý nghĩa” của văn bản (“văn bản là bất cứ câu nói nào được cố định lại bằng cách viết ra”) thành nội dung của hai phương diện khách quan và chủ quan. Nội dung khách quan là những sự việc mà câu nói “ý vị” (bao chứa – ND), nội dung chủ quan là sự việc mà người nói muốn “ý chỉ” (chỉ đến – ND). Ông nhấn mạnh nên tách biệt “hàm ý” của từ ngữ khỏi “cách gọi”. Hàm ý là những điều vốn có sẵn trong nội tại lời nói, còn cách gọi thì vượt ra khỏi bản thân ngôn ngữ, gắn liền ngôn ngữ với thế giới. Paul Ricoeur còn cho rằng, quan hệ giữa người đọc với văn bản, về cơ bản, giống với quan hệ “ngữ cảnh” mà văn bản thể hiện. Lý giải không phải là đem cái bóng của bản thân mình vào trong văn bản, mà là để tiếp nhận một sự phóng đại về chính bản thân từ trong sự lý giải ngữ cảnh của đối tượng chú giải. Thứ ba, Umberto Eco cho rằng, “ý đồ tiền văn bản” (pre-textual intention) của tác giả - tức là ý đồ dẫn tới khả năng sinh ra một tác phẩm - không thể trở thành tiêu chuẩn có hiệu quả cho chú giải, thậm chí nó có thể không liên quan gì tới ý nghĩa của văn bản hoặc có thể nảy sinh sự hiểu lầm trong việc giải thích ý nghĩa văn bản.

Với những điều được tổng hợp trên đây, tôi cho rằng, phải có sự phân biệt thích đáng giữa “ý nghĩa” hay “hàm ý” của văn bản với “ý vị” hay “giá trị” (significance) của văn bản. Cái trước là cái vốn có nội tại, ít nhất cũng là cái mà văn bản “cấp cho”. Cái sau là để nói về người chú giải, là thứ được hình thành trong quan hệ với người chú giải. Khi chưa phân biệt rõ ràng hai “ý nghĩa” không giống nhau này người ta dễ rơi vào những hiểu lầm không đáng có về vấn đề tính khách quan của ý nghĩa. Trong phần “ý nghĩa” đầu tiên, tôi vẫn thừa nhận và bảo lưu khái niệm “nghĩa gốc”, nhưng phản đối việc “suy diễn vô hạn” từ “ý đồ của tác giả”. Trong “ý nghĩa” thứ hai, tôi cho rằng không nên quá cố chấp với “nghĩa gốc”, không nên có trạng thái sợ hãi đối với sự “biến dạng” nghĩa, mà nên mở ra không gian đọc rộng rãi cho việc nối dài tính đương đại của ý nghĩa văn bản. Trên thực tế, nhìn từ góc độ chú giải học, trong bất cứ quá trình lý giải hay chú giải nào đều tất yếu nảy sinh “sự biến dạng” hay “biến hình”, cho dù chúng ta chỉ dịch tác phẩm của Mác sang tiếng Trung thì tình trạng “biến hình” này cũng đã nảy sinh rồi. Bởi lẽ, “cho dù bản dịch có trung thực với nguyên tác thế nào cũng vẫn cách xa với tác phẩm, vẫn rất khác biệt với tác phẩm. Nhưng điều này cũng rất thú vị ở chỗ, một thân thể mới, một văn hoá mới từ bản dịch sẽ mở ra một lịch sử hoàn toàn mới cho văn bản”[11].

Tiếp đến là về tính hợp lý của sự chú giải. Do “bối cảnh chú giải học” thể hiện rất rõ tính chủ thể và tính mở của hoạt động giải thích, chúng ta rất khó từ chính diện để xác định đâu là sự giải thích hợp lý và tiêu chuẩn phán đoán sự hợp lý ấy; nhưng, chúng ta có thể từ mặt ngược lại, tức là từ mặt hạn chế của sự giải thích tuỳ tiện để chứng minh được cái gì là cách chú giải hợp lý. Gadamer đã từ hai ý nghĩa dưới đây để phủ nhận tính tuỳ ý chủ quan trong giải thích: thứ nhất, người giải thích chịu sự chế ước của tiền lý giải và điều kiện lịch sử đương thời trong việc giải thích ý nghĩa văn bản; thứ hai, việc lý giải buộc phải tuân thủ quy tắc của “trò chơi ngôn ngữ”, mà những quy tắc đó lại không chuyển dịch theo tính chủ quan của người chơi. Chúng ta có thể mượn một số thuật ngữ của Ecco và Culler để chứng minh cho vấn đề này[12]. Khái niệm “suy diễn vô hạn” (unlimited semiosis) là chỉ tính tuỳ ý, không bị bó buộc, chế ước trong quá trình phê bình giải thích, sự chú giải tuỳ hứng này thuộc loại “giải thích quá đà” (overinterpretation). Mặc dù chúng ta khó chứng minh được sự chú giải nào là “hợp lệ”, cũng không thể xác định được đâu là sự chú giải chính xác “duy nhất”, song thực ra vẫn có thể phân biệt sự chú giải nào bị “quá đà”. Ví dụ, trong việc nghiên cứu văn bản của Mác, chỉ cần nắm lấy một điểm để suy diễn và phát huy tới vô hạn là sẽ rơi ngay vào “giải thích quá đà”, nó đi ra khỏi biên giới của sự “giải thích hợp lệ”. Ngược lại, việc “giải thích quá đà” là lối “giải thích không đầy đủ” (underinerpretation) mà Jonathan Culler đã chỉ ra. Khái niệm này cũng rất giàu tính chỉ dẫn. Ví dụ, dùng trình độ thấp hơn Mác để đọc và giải thích Mác thì sẽ rơi vào “chú giải không đầy đủ”, “giải thích quá đà” hay “giải thích không đầy đủ” đều thuộc sự giải thích không hợp lý. Còn sự giải thích hợp lý đang chờ đợi “độc giả lý tưởng” của nó, tức là những người đọc hiểu tác phẩm theo đúng yêu cầu của văn bản và đúng phương pháp mà tác phẩm cần được hiểu như vậy. Cách giải thích của người “độc giả lý tưởng” là sự giải thích hợp lý có được nhờ cách hiểu sáng tỏ, hợp lý, có sức thuyết phục và có thể chấp nhận được, dẫu rằng không thể loại bỏ được tính đa dạng trong sự giải thích, nhưng tính đa dạng đó cũng không thể đồng nhất với sự tuỳ ý chủ quan [13].

Từ sau khi văn bản Mác được viết ra, luôn có rất nhiều cách để giải thích nó. Ở đây, tồn tại quan hệ phức tạp giữa “một” và “nhiều”, giữa “nguyên” (nguồn – ND) và “lưu” (chảy - ND). Văn bản triết học Mác là do Mác viết ra, là thứ vốn có trong triết học Mác và được hình thành một cách tự nhiên trong quá trình sáng tạo triết học này, nhìn một cách tổng thể, nó là “một”; còn sự giải thích đối với văn bản triết học Mác lại không giống thế, nó do những người khác thực hiện (bao gồm cả những người trong cùng một thời đại hay những người của thế hệ sau), do vậy nó có thể là “nhiều”. Nhìn chung, giải thích văn bản phải lấy chính văn bản đó làm cơ sở, làm ngọn nguồn, phải cố gắng hết sức để đạt được sự thống nhất với nội dung thực chất của văn bản. Thế nhưng, sự “thống nhất” này là quá trình “đối thoại” vô hạn không có điểm dừng. Trong quá trình ấy, các hình thái phát sinh thêm trong hệ thống giải thích văn bản tất nhiên trở nên đa dạng hoá[14]. Giữa các hình thái đa dạng hoá này có thể hình thành những quan hệ bổ sung lẫn nhau, hoặc cạnh tranh lẫn nhau. Sự chú giải văn bản lại tạo nên một văn bản mới, chúng ta gọi nó là văn bản phái sinh. Mối quan hệ giữa văn bản gốc được giải thích với văn bản phái sinh được hình thành khi chú giải văn bản là mối quan hệ giữa “nguyên” và “lưu” (chảy), giữa “một” và “nhiều”. Kiểu quan hệ này không phải là quan hệ đơn giản giữa cái nảy sinh và được nảy sinh, mà là kiểu quan hệ tuần hoàn. Một mặt, văn bản và ý nghĩa của nó tồn tại trong sự giải thích về nó, “đa” và “lưu” là sự bổ sung phát huy đối với “nhất” và “nguyên” (đương nhiên cũng bao gồm cả sự sai lệch), hiện thực chỉ có thể thông qua “đa” và “lưu” để đạt đến “nhất” và “nguyên”, đây chính là tính chế ước đối với việc chú giải ý nghĩa văn bản. Mặt khác, văn bản lại chế ước sự giải thích về nó, đồng thời đưa ra thước đo nào đó làm tiêu chuẩn cho việc đánh giá các kiểu chú giải. Đương nhiên, sự đánh giá này được thực hiện thông qua sự cạnh tranh và so sánh giữa các kiểu giải thích.

Nhìn từ góc độ chú giải học, có thể khẳng định tính đa dạng trong giải thích và lý giải là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nhưng, đối với triết học Mác thì tính đa dạng trong giải thích này chắc chắn sẽ không tương đồng với kết luận sau đây: mỗi một kiểu giải thích đều là hợp lý tự nhiên, đều có giá trị tồn tại ngang nhau. Tình hình thực tế hoàn toàn ngược lại điều ấy, các kiểu giải thích không giống nhau, thậm chí đối lập nhau phản ánh sự chia rẽ tư tưởng gay gắt. Chúng ta không giữ mãi quan điểm giải thích nhất nguyên, nhưng cũng không thể coi việc giải thích là sự tô vẽ tuỳ ý hoàn toàn chủ quan, không thể muốn trang điểm thế nào cho đối tượng giải thích cũng được. Trong thư viết gửi Ban biên tập Tạp chí Ký sự Tổ quốc, C.Mác đã phê bình cách làm của Mikhailovsky, đem những khái quát của mình về lịch sử phát triển chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu tổng quát triệt để thành thứ triết học lịch sử theo con đường phát triển nói chung là “sự giải thích sai lầm” đối với “thuyết tư bản”, là “sự lăng nhục” đối với ông. Cuối những năm 70 của thế kỷ XIX, khi phê phán khuynh hướng chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa bè phái tồn tại trong “trường phái Mác” ở nước Pháp, C.Mác đã nói: “Tôi chỉ biết rằng bản thân tôi không phải là người theo chủ nghĩa Mác”. V.I.Lênin cũng đã từng phê phán sự hiểu lầm tồn tại lâu dài trong chủ nghĩa Mác và nói một cách thâm thuý rằng, “trong nửa thế kỷ gần đây, không có một người theo chủ nghĩa Mác nào lý giải Mác!!!”. Sự giải thích một tài liệu hay tư tưởng nào đó, đặc biệt là sự lý giải của các nhà tư tưởng đối với những tư tưởng phức tạp như tư tưởng của Mác thì tình huống sẽ phức tạp hơn nhiều, rất khó định luận và cũng không thể cố thống nhất chúng làm một, bởi vì như vậy sẽ hạn chế sự tự do phát triển tư tưởng. Nhưng, điều đó không có nghĩa việc chú giải không có tiêu chuẩn hay chuẩn mực nào, mà chỉ là tiêu chuẩn hay chuẩn mực này không được đặt định trước hay tiên nghiệm. Chúng ta không thể nói rằng, “tư tưởng Mác trong ý nghĩa thật sự của nó” là một vấn đề không có thật, nhưng nếu có ai tự cho mình là người nắm được “tư tưởng Mác trong ý nghĩa thật sự của nó” thì lại càng mắc sai lầm lớn hơn.

3. Mục đích nghiên cứu văn bản của Mác nằm ở đâu

Phương hướng nghiên cứu khác nhau không chỉ có chỗ đứng, cương lĩnh hay phương pháp nghiên cứu khác nhau, mà còn có những yêu cầu mục tiêu không giống nhau. Trong quá trình “tìm hiểu lại Mác”, đòi hỏi nghiên cứu Mác trên cơ sở tài liệu đầy đủ, từ đó ngày càng có thêm những sự hô hào mang tính học thuật, thậm chí hình thành nên một “phong trào nghiên cứu văn bản Mác”. Cùng lúc này, nghiên cứu về “giá trị đương đại chủ nghĩa Mác” cũng phát triển với tốc độ nhanh chóng. Chúng đại diện cho hai khuynh hướng học thuật khác nhau làm sâu sắc hơn việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác: trường phái thứ nhất muốn thông qua văn bản để đọc hiểu, khôi phục lại hoàn cảnh đặc biệt thời điểm mà Mác suy tư; làm rõ trạng thái ban đầu và thực chất tư tưởng, nắm bắt một cách khách quan tư tưởng của chính C.Mác, tiếp cận với thế giới tinh thần phức tạp của ông. Trường phái thứ hai tuy cũng lấy việc nghiên cứu văn bản làm cơ sở, song nó quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển đương đại của chủ nghĩa Mác, tức là thông qua việc giải thích lại chủ nghĩa Mác để nắm bắt các vấn đề thời đại, và vận dụng phương pháp tư tưởng của Mác vào đương đại [15]. Sự khác biệt trong hai khuynh hướng này nằm ở khẩu hiệu mang tính cương lĩnh, trong đó nêu rõ: một bên là “thể hiện diện mạo chân thực và trạng thái nguyên sơ của tư tưởng Mác” và một bên là “làm sao để Mác đi tới đương đại”.

Sự khác biệt giữa hai con đường trên đây là rất rõ ràng, đồng thời đã mở ra cao trào cạnh tranh và tranh luận về học thuật.

Đối mặt với sự chia rẽ, cho dù chúng ta có cố tình gây ra sự đối lập nhị nguyên kiểu không phải là cái này thì phải là cái kia, thì vẫn còn thiếu sự phân tích hướng về “biện chứng thống nhất”, mà đều là giản đơn hoá. Chúng ta cần phải dựa trên cơ sở nắm bắt đầy đủ sự khác biệt giữa hai cách tư duy này để tìm hướng giải quyết sự chia rẽ đó.

Cũng phải thừa nhận rằng, “phong trào nghiên cứu văn bản Mác” nổi lên, song đó không phải là “nhắm mắt làm bừa”. Trước tiên, nó có quan hệ mật thiết với lần biên tập xuất bản bản khảo chứng lịch sử “Toàn tập C.Mác – Ph.Ăngghen” (MEGA2) trên thế giới. MEGA2 không chỉ cung cấp một lượng lớn các tư liệu lịch sử mà trước đây chúng ta chưa hề được thấy; hơn nữa, thông qua khảo sát, chúng ta còn phát hiện thấy những tư liệu trong bản tiếng Trung và bản tiếng Nga được thu thập trước đây trong “Toàn tập C.Mác – Ph.Ăngghen” có những sai sót, tức coi những tác phẩm không phải của Mác là của Mác. Công việc phân biệt thật giả và cung cấp những tư liệu lịch sử mới mà MEGA2 làm, đã mở ra không gian học thuật mới cho việc nghiên cứu Mác, là nguồn chất liệu cho sự hưng khởi phong trào nghiên cứu văn bản. Cũng phải thấy rằng, việc khảo sát văn bản, đối chiếu tài liệu cố nhiên chỉ là một bộ phận của nghiên cứu văn bản Mác chứ không phải là tất cả, nhưng lại chỉ ra sự khác biệt giữa “nghiên cứu văn bản” ngày nay với cái “đặc sắc” trong “nghiên cứu nguyên tác” trước đây. Thứ nữa, trong nghiên cứu văn bản có đề ra “quay trở lại với Mác”, tuy đã phải chịu không ít sự phê bình và hiểu lầm, nhưng tôi cho rằng vẫn cần giữ thái độ “cảm thông hiểu biết”. Bởi lẽ cái mà họ gọi là “quay trở lại với Mác” nhằm chỉ việc phải vượt qua sự hiểu sai và đọc sai Mác trước đây, bằng cách đọc lại, hiểu lại, “quay về” với tinh thần chân thực của Mác vốn bị “che khuất” trong tiến trình lịch sử (đặc biệt là trong sự giải thích sau này), chứ không phải “trở về” với tất cả những kết luận có sẵn, đồng thời giữ khư khư những kết luận có sẵn đó một cách giáo điều [16]. Thứ ba, trong nghiên cứu văn bản, có học giả đề xuất phải “quay về tầng thứ học thuật” để tiến hành nghiên cứu, vì nhìn vào rất nhiều hậu quả do việc quá nhấn mạnh tới tính chính trị trước đây mang lại, thì ý nghĩa tích cực của chủ trương này là điều dễ hiểu.

Vấn đề là ở chỗ, không được bỏ qua “tầm nhìn chú giải” trong nghiên cứu văn bản, đó phải là điều kiện tiên quyết. Nếu cố ý lẩn tránh hay làm phai nhạt đi “tầm nhìn chú giải” của bản thân, hay coi phương pháp trong “Biên soạn lịch sử khách quan” - đã từng bị Hêghen và Mác phê bình - làm khuôn mẫu, biến việc nghiên cứu văn bản Mác trở thành giống với các học vấn như “tri thức khảo cổ học” hay “tinh thần cổ sinh vật học”, thì ý nghĩa của kiểu nghiên cứu này không những bị giảm nhiều, mà chúng ta cũng sẽ biến thành “kẻ nhàn rỗi mệt mỏi trong vườn tri thức” Mác (câu nói của Nietzsche). Trên thực tế, kinh nghiệm trong lịch sử học thuật đã chứng minh rằng, chỉ có đề xuất những vấn đề mới hoặc lựa chọn góc độ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu mới, thì mới có thể có phát hiện mới. Đương nhiên, cũng có một số môn khoa học, như khảo cổ học hay văn bản học, đặc biệt dựa nhiều vào những tư liệu mới, nhưng chính những môn khoa học này nếu muốn thực sự đạt được những thành tựu mới, cũng không thể tách rời khỏi việc lựa chọn góc độ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu mới đối với những tài liệu mới phát hiện.

“Tầm nhìn chú giải” được đặc biệt thể hiện rõ trong chú giải học chính là “ý thức vấn đề” mà chúng ta vẫn thường nói đến. “Ý thức vấn đề” là sự ý thức ra vấn đề của người giải thích, là “tiền kiến” hay “tiên kiến” có sẵn khi người giải thích lý giải hay giải thích văn bản; quá trình giải thích là quá trình người giải thích vận dụng “ý thức vấn đề” của mình để đọc hiểu văn bản, đạt đến “sự hoà hợp tầm nhìn” trong quá trình đối thoại với văn bản, từ đó phát hiện và làm sáng tỏ ý nghĩa của văn bản. “Ý thức vấn đề” chỉ có thể là ý thức của bản thân người giải thích, từ đó buộc phải là ý thức trong thời đại mà người giải thích đang sinh sống, tức ý thức được nảy sinh để giải đáp cho những vấn đề đương đại. Ý nghĩa văn bản được phát hiện mang những “ý thức vấn đề” như vậy cũng chính là ý nghĩa đương đại của nó. Từ ý nghĩa đó, với những tiền đề lý giải thích đáng, “việc nghiên cứu văn bản Mác” và “việc nghiên cứu giá trị đương đại chủ nghĩa Mác” không hề tạo nên quan hệ đối địch lẫn nhau, chỉ khi nào chúng phát sinh sự sai lệch trong “ý thức vấn đề” thì mới xuất hiện “sự căng thẳng” bề ngoài nào đó. Ví dụ về tính đương đại trong triết học Mác, mấy năm gần đây đã dần hình thành điểm nóng nghiên cứu trong giới học thuật. Nhưng, nghiên cứu tính đương đại của triết học Mác không giống như một số người hiểu lầm là phải “dán” vào triết học Mác cái mác “đương đại” để tự mình nâng cao giá trị đương đại của nó. Do triết học Mác được sinh ra từ bước ngoặt của triết học phương Tây thời cận đại tới thời hiện đại, đồng thời là một sức mạnh quan trọng mở ra triết học hiện đại, tính đương đại của nó là không thể nghi ngờ, nên về cơ bản, chúng ta không cần “dán thêm” hay “tặng thêm” cho nó thứ nhãn mác kiểu ấy. Nhưng, điều này không có nghĩa là bất kỳ sự giải thích nào của chúng ta về triết học Mác đều tất yếu mang tính đương đại. Trên thực tế, người ta đã phát hiện thấy, trước đây do giải thích triết học Mác theo mô hình triết học nhận thức luận cận đại nên ý nghĩa đương đại của triết học Mác bị “che khuất” đi, hoặc chỉ là một phương thức giống như khẳng định những ngôn từ trừu tượng và trống rỗng nhất, tuyên bố một cách bề ngoài, mà chưa hẳn có thể chỉ ra một cách kiên quyết và củng cố nội tại về mặt triết học [17]. Triết học Mác vốn có đầy đủ tính đương đại, tại sao lại bị “che khuất” đi do chính sự giải thích về nó? Đó là bởi người giải thích đã thiếu đi “ý thức vấn đề” tương thích và hài hoà với “tính đương đại” của triết học này.

Trên thực tế, việc nghiên cứu về “giá trị đương đại của chủ nghĩa Mác” có những cơ sở hiện thực sâu sắc. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, trên thế giới hay trong nước đều có không ít những lời bàn luận về tiền đồ cũng như vận mệnh của chủ nghĩa Mác. Cho dù ảnh hưởng của lời kêu gọi “cáo biệt” Mác có âm vang thế nào thì những người quan sát một cách bình tĩnh cũng đều thấy rõ ràng là, cùng với sự lan toả của toàn cầu hoá tư bản, chúng ta đang từng ngày bước vào thế giới của những tư tưởng của Mác. Khoảng cách giữa chúng ta với hình bóng Mác càng xa, thì thế giới ý nghĩa học thuyết của ông lại càng gần chúng ta hơn. Đây cũng chính là cơ sở hiện thực để khiến việc “tìm hiểu lại Mác” trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm của mọi người trong thời đại ngày nay[18]. Nhìn từ góc độ chú giải học, ý nghĩa của bất kỳ lý luận hay học thuyết nào cũng đều không cô lập, không tồn tại bất động chỉ trong văn bản; trái lại, còn tồn tại trong sự giải thích chúng sau này. Do vậy, ý nghĩa của văn bản là mãi mãi chưa hoàn thiện, việc giải thích thêm sẽ mở ra con đường để ý nghĩa văn bản hướng tới tương lai. Cần phải thông qua sự giải thích không ngừng đổi mới để từ ý nghĩa “vốn có” của văn bản tìm ra những ý nghĩa mới mà văn bản “cần có”; có như vậy, giá trị của một học thuyết mới có thể phát huy rộng rãi. Phạm vi ngữ cảnh có ý đồ muốn hạn chế việc sinh thành ý nghĩa hay cách làm dừng lại ở quá trình mang tính không xác định của sự suy diễn không ngừng nghỉ, không ngừng sinh sôi bị chú giải học chỉ trích là “chủ nghĩa chuyên chế”. Tôi đã từng mượn dùng những từ ngữ Tân Nho gia thời hiện tại, đem mục tiêu của hai trường phái nghiên cứu không giống nhau kể trên phân tích lần lượt khái quát thành “phản bản” (quay về cội nguồn) và “khai tân” (hướng tới điều mới) [19]. Xét từ góc độ chú giải học, “phản bản” và “khai tân” không phải là quan hệ đối lập nhị nguyên, mà là một kiểu quan hệ “tuần hoàn”. Nói về nghiên cứu văn bản Mác, “phản bản” tức là đọc chọn lọc và nghiên cứu sâu từ chính nguyên tác nhằm nắm bắt được đúng tinh thần của học thuyết Mác. Nhưng, tinh thần thật sự của học thuyết Mác không phải là những thứ được bày biện sẵn ra để cứ với tay lấy là được, nó phải thông qua sự giải thích hoặc lý giải của chúng ta mới bộc lộ ra được. Sự thể hiện đó có thể phù hợp với tinh thần của Mác, cũng có thể xa rời tinh thần đó. Nhưng việc chú giải và lý giải lại là không thể thiếu, nếu không tinh thần của Mác sẽ bị che giấu không được thể hiện và bộc lộ rõ. Ta sẽ giải quyết mâu thuẫn này ra sao? Tôi cho rằng, ở đây, không có những khó khăn không thể giải quyết, bởi tinh thần thật sự tồn tại trong chính nguyên tác của Mác, thông qua sự nỗ lực nghiên cứu của mình, chúng ta có thể làm rõ nó. Hơn nữa, nếu kiểu nghiên cứu này càng thể hiện được nguyên tắc “giải thích mang tính sáng tạo” thì càng phù hợp với tinh thần thật sự của Mác. Nói cách khác, tinh thần thật sự của Mác vẫn đang đợi chúng ta lý giải và phát hiện, mà điều này thì chỉ có khả năng đạt được trong sự giải thích và nghiên cứu mang tính sáng tạo. Giải thích mang tính sáng tạo là yêu cầu bắt buộc của tinh thần học thuyết Mác, nếu thiếu điều này thì không những không thấy được “sự phát triển” của học thuyết Mác, mà còn không thể bàn đến “sự trung thực” trong học thuyết Mác. Bản thân Mác đã đôi lần coi những người không để ý đến sự thay đổi điều kiện lịch sử, chỉ biết đơn giản “thuật lại” “lời nói” của ông là những người giáo điều. Có thể thấy rằng, yêu cầu nội tại của “phản bản” bao hàm cả “khai tân”. Nhưng “khai tân” muốn trở thành sự phát triển và giàu sáng tạo thì không thể tách rời việc luôn nắm bắt một cách sâu sắc thực chất tinh thần của học thuyết Mác, tức là yêu cầu không ngừng “phản bản”. Nếu không như vậy, “khai tân” sẽ mất đi nền tảng và tiền đề phải có của nó. Hiển nhiên, đây là một quá trình không ngừng đi lên trong quỹ đạo tuần hoàn, lặp đi lặp lại một cách vô hạn.

Nếu lấy tình hình của Trung Quốc để so sánh thì sự khác biệt của hai trường phái nghiên cứu kể trên giống như cái gọi là sự cạnh tranh giữa “Hán học” và “Tống học”. Mọi người đều biết rằng, các học giả thời nhà Thanh đã phát động phong trào “quay trở lại thời nhà Hán”, ý muốn quay trở lại với những sự chú thích của các học giả thời Hán đối với kinh điển thời Tiên Tần. Đây chính là cái gọi là “Hán học”. Họ gọi thuyết Tân Nho gia là “Tống học”, bởi vì học phái Tân Nho gia chủ yếu được thịnh hành ở thời Tống. Phùng Hữu Lan bình luận rằng, “sự tranh chấp giữa Tống học và Hán học trong Nho giáo thời nhà Thanh là một trong những tranh luận lớn nhất trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Xuất phát từ quan điểm của chúng ta ngày nay, trên thực tế nó chính là sự tranh luận giữa việc tiến hành những chú giải triết học và việc tiến hành chú giải từng câu chữ đối với những tư liệu thời cổ. Sự giải thích câu chữ chú trọng vào ý nghĩa vốn có sẵn của văn bản mà nó tin tưởng. Chú giải triết học chú trọng vào ý nghĩa cần có của văn bản mà nó tin tưởng” [20]. Có lẽ chúng ta cũng không cần bàn luận về sự phân biệt đó của ông đã thoả đáng hay chưa. Nhưng, đối với nghiên cứu kể trên mà nói, cho dù là “quay lại Mác” hay khai thác “giá trị đương đại của chủ nghĩa Mác” cũng đều thuộc về “sự chú giải triết học”, chứ không phải chỉ là “sự chú giải câu chữ”. Điểm khác biệt là ở chỗ, hai kiểu chú giải này căn cứ vào những phạm vi triết học khác nhau nên kết quả chú giải cũng không giống nhau.

Sự tuần hoàn giữa “phản bản” và “khai tân” được thực hiện thông qua sự tác động qua lại giữa hình thái nguyên sinh và hình thái diễn sinh của triết học Mác (tức các kiểu hình thái chú giải nó). Văn bản của Mác từ sau khi được viết ra, trải qua sự chú giải của nhiều thời đại, đã hình thành nên những hệ thống chú giải khác biệt. Một số hệ thống chú giải cấu thành nên các hình thái diễn sinh của học thuyết Mác dưới cái tên “chủ nghĩa Mác”. Về cơ bản, ngày nay chúng ta nghiên cứu văn bản Mác không phải là để lặp lại hay giương lên kiểu chú giải nào đó trong lịch sử một cách đơn giản, cũng không phải đơn thuần là chỉ muốn thêm vào trong nhiều kiểu giải thích đã có đó một nhãn hiệu hay một chủng loại giải thích mới. Điều chúng ta muốn là đem “ý thức vấn đề” đương đại thông qua loại hình chú giải mới để phát hiện làm sáng tỏ giá trị và ý nghĩa đương đại của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác không phải là một hệ thống đóng, nó mang tính khai phóng đồng bộ với bước phát triển của thực tiễn và thời đại. Do vậy, để đọc hiểu văn bản Mác, chúng ta không nên chỉ cố định ở một hình thức lịch sử nào đó của nó, mà nên đặt nó trong sự đáp ứng lại những thách thức, từ những việc chúng ta đang tiến hành, không ngừng thúc đẩy những sáng tạo lý luận mới cho chủ nghĩa Mác. Có thể nói, đây mới chính là mục đích cơ bản của chúng ta khi triển khai nghiên cứu văn bản Mác, còn “quay lại Mác”, làm rõ thực chất tư tưởng của Mác chỉ là một móc xích hoặc một bộ phận cấu thành của mục đích cơ bản đó.

Trần Thúy Ngọc dịch

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 4 (203) & 5 (204) – 2008. Bản điện tử: https://www.vientriethoc.com.vn

(*)
Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu học thuật, số 9, 2001 (tiếng Trung).


[1] Xem: Nhóm Trương Nhất Binh. “Tầm nhìn phương pháp luận nghiên cứu triết học chủ nghĩa Mác”. Tạp chí Học thuật, kỳ 6, 2002.

[2] Xem:“Bàn về những giải thích kinh điển triết học chủ nghĩa Mác”. Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, số 1, 2003.

[3] Xem: Nhiếp Cẩm Phương. “Tiêu chuẩn thể hiện nghiên cứu chủ nghĩa Mác đương đại”. Tạp chí Học thuật, kỳ 1, 2003.

[4] M. Heidegger. Tồn tại và thời gian (Bản dịch đã đính chính, Trần Gia Ánh dịch). Tam Liên thư điếm, 1999, tr.176.

[5] Xem: H.Gadamer. Chân lý và phương pháp, quyển thượng (Hồng Hán Đỉnh dịch). Nxb Dịch thuật Thượng Hải, 1999, tr.302 - 303.

[6] Tức là “Tôi chú giải sáu kinh điển” của Nho gia: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Kinh Dịch (chú thích của người dịch).

[7] Trích: Tự bạch của các nhà tư tưởng thời đại mới Trung Quốc. Cửa châu đồ thư xuất xã, 1998, tr.120.

[8] Xem: Trương Nhất Binh. Quay về chủ nghĩa Mác – ngôn ngữ triết học trong ngữ cảnh kinh tế học. Nxb Nhân dân, Giang Tô, 1999.

[9] Xem: Vương Kiến Đông. “Bàn về mối quan hệ giữa nghiên cứu văn bản và sáng tạo mới lý luận”. Tạp chí Học thuật, số 1, 2003.

[10]Xem: H.Gadamer. Chân lý và phương pháp, quyển thượng (Hồng Hán Đỉnh dịch). Nxb Dịch thuật, Thượng Hải, 1999, tr.6.

[11]Xem: Derria. Viết và sự sai khác (Trương Ninh dịch). Tam Liên thư điếm, 2001, tr. 25.

[12] Xem: Ecco. Giải thích và giải thích quá đà (Vương Vũ Căn dịch). Tam Liên thư điếm, 1997.

[13] Tính tương đối trong việc chú giải tài liệu lịch sử một cách phiến diện hoặc tuỳ tiện sẽ làm nảy sinh tình trạng giống như trong nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc mà Trần Dần Cách đã phê bình: “Những người bàn về triết học Trung Quốc cổ đại ngày nay cũng chính là những nhà triết học đang bàn tới chính triết học của họ bây giờ. Những người viết về Lịch sử triết học Trung Quốc, cũng tức là những nhà triết học sử đương đại. Những lập luận của họ càng chặt chẽ, hệ thống bao nhiêu thì lại càng rời xa thực chất của học thuyết cổ nhân bấy nhiêu” (Trần Dần Cách. “Báo cáo thẩm travề “Lịch sử triết học Trung Quốc”, xem: Phùng Hữu Lan. Lịch sử triết học Trung Quốc, quyển hạ. Trung Hoa thư cục, bản mới 1962).

[14] Về tính đa dạng này, Fredric Jameson, khi đề cập đến tính đa dạng trong ngôn ngữ lý luận, đã từng nói: chúng ta không nên quên rằng chủ nghĩa Mác ngày nay không phải chỉ có một mà không có phân nhánh. Thực ra, ngôn ngữ lý luận chủ nghĩa Mác có muôn hình vạn trạng, do đó cách nói “chủ nghĩa Mác là một trường phái độc tôn” không thể đứng vững. (Lôgíc văn hoá chủ nghĩa tư bản thời kỳ cuối. Tam Liên thư điếm, 1997, tr. 19).

[15] Xem: Trương Nhất Binh và Hồ Đại Bình. Từ tính chân thực đến bản sắc Trung Quốc: sự chuyển hướng “chú giải học” trong nghiên cứu triết học Mác. Tập san Giang Hải học, số 1, 2003.

[16] Trương Nhất Binh - người đi đầu trong cương lĩnh nghiên cứu “Quay trở lại với chủ nghĩa Mác” đã nhằm vào những “hiểu lầm” của người phê bình để phê bình rằng, đối với một số học giả, ý hướng lý luận của “quay trở lại với chủ nghĩa Mác” bị hiểu theo nghĩa hẹp trở thành “phong trào chính thống”, dẫn dắt những người đọc hình thành lối lý giải sai lầm, dường như “quay trở lại với chủ nghĩa Mác” không phải là xây dựng lại tầm nhìn lịch sử hoàn toàn mới (giải nghĩa văn bản) mà chúng ta chưa từng đạt tới, để cho chúng ta thật sự có khả năng xây dựng lại tính chất khai phóng và tính đương đại cho tư tưởng của Mác, mà lại xúi giục chúng ta thoát ly khỏi thực tế của thời đại ngày nay, coi nhẹ sự phát triển mới nhất của chủ nghĩa tư bản và cải cách mở cửa của Trung Quốc, quay trở về với những sách vở ngày trước, chỉ dừng lại ở việc tiến hành chú thích khảo cổ học thông thường đối với văn bản, biến triết học Mác trở thành sự thao tác giấy tờ trong “chủ nghĩa thực thể lý luận”. (Xem: Trương Nhất Binh. Ngữ cảnh lý luận nguyên sơ của “Quay trở lại với chủ nghĩa Mác”. Khoa học xã hội Trung Quốc, kỳ 3, 2001).

[17] Xem: Ngô Hiểu Minh. Luận bàn về tính đương đại trong triết học Mác.Khoa học xã hội, số 6, 1999.

[18] Xem: Chúng ta đối mặt thế nào với Chủ nghĩa Mác thời đương đại? Đông Nhạc Luận Tùng, số 5, 2004.

[19] Xem: “Phản bản” và “Khai tân” - Đánh giá sự phát triển của chủ nghĩa Mác trong thời đương đại từ góc độ triết học. Báo Trường Đảng thành phố Tế Nam, số 4, 2000.

[20] Phùng Hữu Lan. Giản sử Triết học Trung Quốc. Nxb Đại học Bắc Kinh, 1985, tr.368.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top