Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

LeVanHuong

New member
Xu
0
ÁM ẢNH HIỆN SINH TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP


1. Những dấu vết hiện sinh

Tinh thần nhân bản của học thuyết hiện sinh, theo chúng tôi, biểu hiện tập trung ở cách nêu và trả lời câu hỏi về bản thể:“con người, anh là ai?”. Sức hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng thế, nó chủ yếu bắt nguồn từ cách nêu và trả lời câu hỏi này. Bằng chính hoạt động sáng tác của mình, Nguyễn Huy Thiệp dường như đã tiệm cận các nhà lý thuyết hiện sinh chủ nghĩa ở cái lõi nhân bản – trung tâm hứng thú trong triết học của họ: Con người là một thực thể hiện sinh, nó tự biết mình là ai, đang ở đâu, cần và sẽ phải làm gì.

Thật vậy.

Trong khi quả quyết rằng Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản, Jean-Paul Sartre viết: “Con người, không chỉ như anh ta tự quan niệm, mà còn như anh ta muốn, như anh ta tự quan niệm sau khi đã sống, và như anh ta muốn sau khi đã ao ước sống; con người không là gì khác ngoài cái mà bản thân anh ta tự làm nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết hiện sinh. Đó cũng là cái mà người ta gọi là tính chủ thể”(1). Và cũng chính ông giải thích: “Theo chúng tôi, trước hết con người tồn tại, có nghĩa là trước hết con người hướng tới tương lai, đồng thời có ý thức về sự hướng tới tương lai đó. Con người trước hết là một dự án (project) tự tồn tại chủ quan, chứ không như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ […]”(2).

Những trích dẫn trên, cũng đủ cho thấy – ít nhất trên bình diện lý thuyết – giá trị nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh (CNHS) và lí do tồn tại lâu bền của triết thuyết này trong hệ thống tư tưởng văn học của nhân loại.

Còn trong truyện ngắn của mình, có thật là Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng và rất hứng thú bởi một tinh thần hiện sinh như thế?

Thực ra, trong sáng tác, ảnh hưởng và việc tiếp thu ảnh hưởng của một tư tưởng, một trào lưu triết học, thường mang tính tổng hợp, lại thường không được phát biểu một cách hiển ngôn, mà bộc lộ đầy ẩn ý bằng hình tượng nghệ thuật. (Chẳng hạn, trên bình diện này, khó có thể chỉ ra rõ rệt đâu là âm hưởng hiện sinh hữu thần, âm hưởng hiện sinh vô thần; đâu là bóng dáng của Kierkegaard hoặc của Marcel; của Nietzsche, Sartre hay Camus,… Song, Người ta vẫn có thể phần nào nhận ra âm hưởng của học thuyết này qua một số biểu hiện cụ thể trong ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật ứng với cốt lõi của các khái niệm lí thuyết cơ bản, mang linh hồn tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, âm hưởng hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất gần gũi với chủ nghĩa hiện sinh vô thần, chủ yếu gần với quan điểm của Jean-Paul Sartre. Sự gần gũi ấy có thể nhận diện qua các biểu hiện sau đây.

Thứ nhất, theo quan niệm của J-P Sartre: được ném vào trong thế giới hiện sinh như một thách thức, con người là thực thể cô đơn, bé nhỏ và bơ vơ, thiếu vắng điểm tựa.

Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, độc giả cũng thường bị ám ảnh bởi điều này. Ở đây, cũng như nhà triết học, nhà văn muốn trả lời câu hỏi: Con người là ai? Anh ta đang sống trong tình trạng nào? Khi gián tiếp hay trực tiếp trả lời các câu hỏi này qua các hình tượng nhân vật của mình (Chương – Con gái thủy thần, những Hiếu – Thương nhớ đồng quê, những Ngọc – Những người thợ xẻ, hoặc, những “tôi” – Chảy đi sông ơi,… chẳng hạn), Nguyễn Huy Thiệp cũng đã gieo vào lòng người một niềm ray rứt không nguôi về tình trạng cô đơn bé nhỏ cùng sự bơ vơ thiếu vắng điểm tựa của con người.

Thứ hai, theo J-P Sartre, con người không chỉ là thực thể, mà còn là một chủ thể. Tính chủ thể phân biệt con người với các thực thể khác như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ… Con người luôn có ý thức về tính chủ thể của mình trong mọi hoàn cảnh tồn tại, thậm chí trong từng hành vi ứng xử, từng tình huống cụ thể. Người đọc cũng có thể dễ dàng nhận ra dấu vết luận điểm triết học quan trọng, nổi tiếng này trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp qua thế giới nhân vật của anh.

Ý thức về chủ thể, thái độ dấn thân, lựa chọn, hành động của con người trước những tình huống, hoàn cảnh cụ thể… chủ yếu để lại dấu vết qua hai loại nam nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Loại thứ nhất thường là những anh hùng, danh nhân, thiên tài,… có vai trò, khả năng tác động đến lịch sử, tập tục, văn hóa, trong một chừng mực nào đó, họ “là những kẻ có khả năng xô dạt quần chúng về cả một phía” (Những bài học nông thôn)(3), nhưng lại đành để cho lịch sử quyết định số phận của mình, theo qui luật lạnh lùng của nó. Nguyễn Du – Vàng lửa, Quang Trung và Nguyễn Ánh – Kiếm sắc, Phẩm tiết, Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, Trần Tế Xương – Thương cả cho đời bạc,… thuộc loại này. Loại thứ hai thường là hạng đàn ông bặm trợn, giàu quái tính như Bường – Những người thợ xẻ, Đoài, lão Kiền – Không có vua, trùm Thịnh – Chảy đi sông ơi, huyện Thặng – Chút thoáng Xuân Hương,… Loại nhân vật này, nhiều khi chiếm vị trí trung tâm trong truyện ngắn của Thiệp, đều có chất “nổi loạn” của con người cá nhân cực đoan, bướng bỉnh sống theo các quan niệm, triết lí của mình; tuy rằng trong những quan niệm, triết lí đó, không ít điều chỉ là ngụy tín (mauvaise foi)(4).

Thứ ba, theo các nhà hiện sinh chủ nghĩa, ý thức về chủ thể của con người, cũng luôn có mặt thái quá của nó. Nếu dựa trên các ngụy tín, ý thức này có thể đưa con người tới chỗ hành động cực đoan, lầm lạc, mang tính chất “nổi loạn”. Tuy nhiên, cho dẫu thế, những hành động cực đoan, lầm lạc này dù muốn dù không vẫn cần phải nhìn nhận như là biểu hiện của ý thức cao về bản thể. Nhiều nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, nhất là nhân vật nữ có những biểu hiện “nổi loạn” rất mạnh mẽ.

Hiện thân cho tinh thần “nổi loạn” – mà rõ nhất và chủ yếu: “nổi loạn” trong hưởng thụ hạnh phúc, tình yêu, tình dục – trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là ba loại nhân vật nữ, ba mẫu người. Loại thứ nhất, không phổ biến nhưng lại là mẫu người rất nổi bật trong truyện của anh. Tiêu biểu là người đàn bà tên Phượng trong Con gái thủy thần. Nhân vật nữ này nhân danh nữ quyền, hùng hồn chế nhạo rằng “trật tự phụ quyền” truyền thống hiện tồn trong xã hội đương đại chỉ là thứ trật tự “phản dân chủ”, “tục tĩu”, “dối trá và đầy bạo lực”; đồng thời công khai bênh vực quyền hưởng thụ, nhất là quyền thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân mình và của cả giới nữ. Phượng có cả một hệ thống lập luận, thậm chí có cả một lí thuyết để bênh vực cho thái độ sống, văn hóa sống của mình, nhưng trong đó cũng có không ít điều chỉ là ngụy tín. Loại thứ hai thuộc mẫu người đàn bà lâm vào thế lưỡng lự giữa đôi bờ “nổi loạn” và thuần hậu. Đó có thể là nhân vật người đàn bà bị chồng ruồng bỏ sống với đứa con sáu tuổi (Đời thế mà vui), là nàng Mị Nương đỏng đảnh biến chàng Trương Chi thành anh hề lố bịch trước đám quần thần cặn bã (Trương Chi). Loại thứ ba gồm những người dường như vừa đi qua một kiếp nhân sinh, họ đang ngoái lại xem cái mất cái được trong đời mình là gì. Những kẻ già nua như bà Lâm (Thương nhớ đồng quê), hay bà lão (Mưa Nhã Nam) là hiện thân cho một chuỗi hồi ức buồn. Họ hình như chưa kịp sống, chưa kịp yêu, chưa kịp hưởng hạnh phúc – thứ hạnh phúc với nghĩa trần thế nhất. Khi đã đến tuổi gần đất xa trời, họ hoặc tiếp tục sống lặng lẽ, cam phận, hoặc luôn miệng thốt lên những lời tiếc nuối, chua xót cho thân phận thua thiệt của mình, từ đó nảy sinh tâm lí ngờ vực cả những qui chuẩn đạo đức (nhất là nghĩa lí của những cái mà người đời vẫn đề cao như chính chuyên, đức hạnh,…).

Như vậy, nếu không kể các nhân vật nữ mang dáng dấp “Thiên sứ” như Vinh Hoa (Phẩm tiết), Sinh (Không có vua), Xuân Hương (Chút thoáng Xuân Hương), thì hầu như cả thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều mang âm hưởng hiện sinh, nhìn từ khía cạnh này hay khía cạnh khác. Hiện hữu ở đây – nói như Sartre – con ngườikhông chỉ như anh ta tự quan niệm, mà còn như anh ta muốn, như anh ta tự quan niệm sau khi đã sống, và như anh ta muốn sau khi đã ao ước sống.

Mặt khác, trong các truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp vẫn thường kể về những lựa chọn, quyết định mang “tính chủ thể” của các nhân vật. Những lựa chọn, quyết định như thế mang âm hưởng hiện sinh rất đậm. Hơn nữa, đây đó trong những trang văn của mình, anh thường mô tả các hành động “dấn thân”(5), và sử dụng các cụm từ “sợ bị bỏ rơi”(6), “tuyệt vọng”(7),… mang nghĩa rất gần với các khái niệm của Sartre và các nhà hiện sinh chủ nghĩa.

Từ những phân tích trên đây, có thể đi đến kết luận: có một âm hưởng hiện sinh bàng bạc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Âm hưởng này không hoàn toàn đồng nhất, nhưng khá gần gũi với các khái niệm, luận điểm triết học của CNHS, nhất là của J-P Sartre. Điều đáng nói là âm hưởng hiện sinh trong sáng tác của anh thường có một sức ám ảnh, một nỗi ray rứt rất lớn lao.

2. Những ám ảnh, ray rứt hiện sinh

Độc giả có thể lắng nghe âm hưởng hiện sinh đầy ám ảnh, ray rứt ấy trong tiếng nói của nhà văn qua thế giới nhân vật và giọng điệu của nhà văn với nhiều nội dung, sắc thái khác nhau. Sau đây là một số nội dung, sắc thái mà theo chúng tôi là khá nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

2.1. Nỗi lo âu về tình trạng bơ vơ của con người trong cõi hiện sinh, khi mà “Thượng Đế đã chết” – con người “bị kết án tự do” không nơi bấu víu.

Sartre từng giải thích “sự bỏ rơi” theo quan niệm của CNHS, rằng, “Dostoievski có viết: “Nếu thượng đế không tồn tại thì tất cả đểu có thể được phép”. Đó chính là điểm xuất phát của thuyết hiện sinh. Mọi thứ đều được phép, con người hoàn toàn tự do, có nghĩa là con người bị bỏ rơi, bởi không có gì bên trong hay bên ngoài anh ta để anh ta dựa vào”(8).

Cũng là một đại biểu của CNHS vô thần, Nietzsche tuyên bố: “Thượng Đế đã chết!”(9). Tuyên bố của Nietzsche cũng mang đến một cách hiểu tương tự: con người không còn gì để bấu víu và được làm mọi sự.

Bơ vơ nơi trần thế, trong kiếp hiện sinh, con người chẳng khác nào một con diều không dây chẳng thể bấu víu, nương tựa vào đâu. Con diều ấy muốn tồn tại buộc phải vượt qua một thử thánh mang tính nghịch lí, cùng lúc thỏa mãn hai yêu cầu: bay bổng lên thật cao, và, không được cắt đứt liên hệ với mặt đất.

Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện niềm ray rứt hiện sinh này thật da diết, thấm thía qua hành vi, thái độ của nhân vật Chương, người kể chuyện xưng tôi trong Con gái thủy thần. Từ tuổi thơ thần tiên, huyền thoại, Chương bước vào đời trai tráng, đấu vật thắng đô Thi, bị trả thù suýt nữa thân tàn ma dại. Câu hỏi đặt ra với chàng trai này là: những lúc gặp vận hạn trong đời như thế thì ai cứu mình? Chương đem câu hỏi này hỏi mẹ “Ai cứu con?”. Mẹ Chương đáp: “Mẹ Cả cứu”. Nhưng Mẹ Cả “ở đâu? Ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi lẽ gì?”. Chương đi tìm lời đáp, mất nửa đời người, vẫn tuyệt mù vô vọng. Cuối“Truyện thứ ba” trong Con gái thủy thần, sau cuộc ân ái bất đắc dĩ và “bất lực” với Mây, Chương hoàn toàn tuyệt vọng. Anh ta không thể làm được gì hơn để cứu cô gái này, cũng như không làm được gì hơn để cứu mình. Hình như với Chương, ngày tận thế đã đến: “mái nhà sập xuống đầu tôi, bầu trời sập xuống đầu tôi”, “Tất cả là đổ vỡ và tan nát”. Mẹ Cả giờ đây chỉ còn là một huyền thoại, một linh ảnh ấu thơ. Tôi (nhân vật tên Chương) không thể “mượn màu son phấn” của Mẹ Cả mà“ra đi” nữa rồi.

Trong hành trình “đi ra biển” tìm Mẹ Cả – con gái thủy thần – để phòng bất trắc, Chương luôn mang theo bên mình một con dao để tự vệ. Con dao tự vệ ấy là thực; còn hy vọng trông chờ sức mạnh của Mẹ Cả là ảo tưởng. Cũng như thế, những phụ nữ tên Phượng, cô gái tên Mây, nỗi vất vả nhọc nhằn dọc đường đi ra biển mà Chương từng nếm trải là thực; còn Mẹ Cả – con gái thủy thần, trước sau vẫn chỉ là ảo ảnh mà thôi.

“Sự kết án tự do” chẳng phải dành riêng cho Chương (Con gái thủy thần) mà còn là dành chung cho con người, nhất là các nam nhân vật chính của Nguyễn Huy Thiệp. Dường như cả nhân loại ở đây đều cùng chung số phận: từ ông tướng Thuấn dạn dày trong chiến tranh vệ quốc, huân chương kháng chiến lấp lánh trên ngực, nay về hưu ở với gia đình con trai (Tướng về hưu) đến anh chàng Hiếu hòa nhập vào dân quê, vỡ lòng những bài học vào đời (Những bài học nông thôn); từ anh sinh viên tên Ngọc đầu quân vào toán thợ xẻ bặm trợn của ông Bường để lăn lộn, cọ xát với đời (Những người thợ xẻ) đến thằng bé sáu tuổi bị phó mặc một mình trong căn nhà hoang với những ám ảnh kinh hoàng (Đời thế mà vui), rồi“thằng hình nhân mặt đẹp” phải lăn lộn trường đời, để tìm cơ may thực hiện “khát vọng làm người” của nó (Cún),… cả một thế giới nhân vật, dù khác nhau về cảnh ngộ, tình huống, đều nhất quán một nguyên tắc chung: phải tự lựa chọn, tự hành động để tự cứu lấy mình đồng thời phải sống dấn thân, để tự rút ra những bài học cần thiết cho mình. Không ai cứu giúp họ được, cũng không ai sống, làm việc, lựa chọn thay cho họ được. Đó là âm hưởng hiện sinh vô thần. Nó có sức ngân vọng như trong một bản nhạc mà những nốt thăng, nốt trầm quen thuộc là các triết lí về: lựa chọn, hành động, dấn thân, chân lí, niềm tin và ngụy tín…

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng trả lời câu hỏi: Con người, liệu có thể trông chờ vào sự cứu giúp siêu nhiên nào không? Huyền thoại về trâu đen (Chảy đi sông ơi) là thật hay chỉ là một “ngụy tín”? Đặt cạnh những câu chuyện đen tối, độc địa và hãi hùng trong cuộc đời theo lời kể của lão trùm già chột mắt có tên là Thịnh, truyền thuyết này trong truyện ngắn càng bộc lộ rõ tính ảo tưởng của nó. Dù là ảo tưởng đẹp thì trong những trường hợp này, cái đẹp siêu nhiên ấy đã phô bày hết tính yếu ớt, bất lực của mình.

Đi tìm sự thật về huyền thoại trâu đen, chàng thanh niên trong truyện bị những người đánh cá đêm đột ngột, vô lý ném xuống dòng sông cuộn xoáy, không thể bấu víu vào đâu. Ai cứu anh ta? Trâu đen đến cứu chăng? Không. Những người đánh cá đêm sẽ cứu chăng? Không. (Vì kiêng kị, người ta “không cứu những ai chết đuối”). Thần linh và người ác, kẻ xấu đều đã ngoảnh mặt làm ngơ. (May mà có một người tốt bằng xương bằng thịt đến cứu, nhưng người này về sau lại chết đuối không một ai đến cứu chị). Trâu đen đã chết! Với nhân vật tôi – người bị đồng loại, những kẻ đánh cá đêm độc ác, lạnh lùng dìm xuống nước, sống chết mặc kệ – lúc đó chỉ còn một điều này là có thực: “Nước chảy rất xiết, nước chảy bao giờ cũng xiết. Có điều phải cố mà bơi cho đến được bờ…”. Mấy chục năm sau, con sông vẫn chảy, bến Cốc vẫn còn, nhưng người tốt – vị ân nhân, nữ anh hùng đã cứu sống “tôi” – thì không còn. Câu hỏi “Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?” xoáy vào tâm can nhân vật chính trong âm điệu của bài hát ngày nào – “Chảy đi sông ơi” – nghe thật ngọt ngào mà biết bao bi thiết.

Với nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, Trâu đen đã chết, Mẹ Cả đã chết. Đó phải chăng là tình huống mà thế giới hiện sinh đặt ra để “kết án tự do” đối với con người? Nó na ná như cái tình huống “Chúa đã chết” với Nietzsche, và với các môn đệ của chủ nghĩa hiện sinh vô thần vậy. Con người buộc phải “tự do” gánh vác lấy thân xác và linh hồn của chính mình mà đi giữa cuộc đời.
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn tô đậm bi kịch bị “kết án tự do” bằng cách miêu tả con người trong thực tại như là những chủ thể sống cô độc, bị Chúa Trời “bỏ rơi”.

Nhân vật Chương trong Con gái thủy thần, sau khi đã sống, đã ao ước sống, đã dấn thân trong thế giới hiện sinh non nửa đời người, than thở: “Tôi vui một mình, buồn bã một mình, mơ mộng một mình…Tôi chỉ con gái thủy thần chờ đợi”. Chương là ai? Liệu có ai biết đến sự hiện hữu của chàng trai này không? Nhân vật này hơn ai và hơn bao giờ hết ý thức được sự cô đơn hay tình trạng “bị bỏ rơi” của mình.

2.2. Niềm băn khoăn về tương lai của con người, về một bản thể chưa rõ hình hài; cảm xúc rạo rực và khao khát dấn thân trong hành trình kiếm tìm bản thể

Cái tôi và bản thể của con người luôn là một ẩn số, hình ảnh bản thân họ đang ở xa xôi đâu phía trước, trong tương lai.

Khi người ta nói: “Con người là tương lai của con người” (Ponge), thì đó chính là một cách khẳng định, rằng: con người tự mình sáng tạo ra mình, vẽ lên hình ảnh của mình qua chọn lựa thái độ sống và hành động của anh ta.

Các nhà hiện sinh chủ nghĩa, đặc biệt là Sartre, cũng nói nhiều đến “tính chủ thể”. Nhưng “Thuyết chủ thể” – theo lời giải thích của Sartre – bao hàm hai nghĩa: “Một mặt, thuyết chủ thể có nghĩa là sự lựa chọn của bản thân chủ thể cá nhân, mặt khác có nghĩa là con người không thể vượt lên khỏi tính chủ thể của bản thân mình”(10).

Cách giải thích này đã nhấn mạnh thái độ dấn thân, cung cách nhận thức và thái độ lựa chọn hành động mang tính chủ thể của cá nhân trong đời sống hiện sinh của nó. Khi con người không thể vượt lên khỏi tính chủ thể của bản thân mình cũng là lúc con người nhận thức về giới hạn của chính mình và ám ảnh bởi mặc cảm bị bỏ rơi, cái tôi có nguy cơ trở thành cái “phi tôi”, trộn lẫn và biến mất giữa “tha nhân”.

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhiều đoạn trữ tình ngoại đề, nhiều độc thoại nội tâm, dưới hình thức diễn ngôn thơ, đã góp phần tô đậm đáng kể tính chủ thể trong dự án sống của các nhân vật. Những bài học nông thôn là một ví dụ.

Nhưng, câu hỏi về hình ảnh của mỗi cá nhân con người trong tương lai không chỉ đặt ra, ám ảnh, ray rứt tâm can riêng đối với các chàng trai trẻ như Hiếu. Nó là một cái gì chung của con người ở mọi lứa tuổi, mọi chỗ đứng trong không gian, thời gian hiện sinh. Người đọc có thể lắng nghe niềm ray rứt như thế qua số phận của những cô bé, cậu bé (Tâm hồn mẹ, Giọt máu, Chăn trâu cắt cỏ, Đời thế mà vui,…), qua số phận của những khách thi nhân hoặc khách chinh phu (kiểu nhân vật “khách”, “ông khách” hay “nhà thơ” xuất hiện trong hàng loạt truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp). Đó là những người đã trưởng thành, ở vào những độ tuổi mà nhà Nho xưa xem là “nhi lập”, “nhi bất hoặc”, “tri thiên mệnh” (Thiên văn, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Không khóc ở California, Đưa sáo sang sông,…).

Tuy nhiên, đáng chú ý, và đáng suy ngẫm hơn cả là hình ảnh tương lai của các cô bé, cậu bé đang phải chịu đựng một tuổi thơ bất hạnh. Đó là những nhân vật bị “bỏ rơi” đến hai lần: Thượng đế bỏ rơi một lần và gia đình “bỏ rơi” một lần nữa. Tương lai của nhân vật thằng bé sáu tuổi trong Đời thế mà vui là một ví dụ. Đứa trẻ này đã bị bỏ rơi (dằng dặc từ sáng sớm đến mười hai giờ trưa). Nó đơn độc một mình trong căn nhà hoang phế suốt mấy giờ. Trong cảm giác thời gian dài lê thê, nó phải chịu đựng và cố gắng chống trả lại biết bao sợ hãi, tuyệt vọng đến kinh hoàng đang ám lấy nó. Nó hiểu thế nào là sự kinh khủng trong cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Dự án về cuộc đời nó sẽ được phác thảo trong một viễn cảnh sống tiếp tục “bị bỏ rơi”.

Trong đời sống đương đại, con người được nhìn nhận trong tính đa diện của nó. Một mặt, con người là chủ thể ý thức sâu sắc về bản thể, về cái tôi của mình, mặt khác, ở họ cũng tiềm ẩn những nguy cơ tự đánh mất mình, dễ đi lạc đường trong cuộc tìm kiếm bản ngã. Con người, một mặt hành động vì tha nhân, mặt khác cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo bị trộn lẫn vào tha nhân. Họ lo ngại về tình trạng nhập nhòa giữa cái tôi và cái phi tôi (Trương Chi, Đời thế mà vui, Không khóc ở California, Mưa), nhập nhòa giữa khách và chủ (Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Tướng về hưu), cũng như nhập nhòa giữa ảo và thực (Thiên văn, Không khóc ở California).

2.3. Ảo tưởng tự do; sự lựa chọn mang tính chủ thể; thái độ dấn thân

Làm người là cả một thách thức.

“Thượng Đế đã chết” thì con người được tự do. Tuy nhiên, chính ở đây xuất hiện và tồn tại một nghịch lý. Con người tự do về nguyên tắc nhận thức, nguyên tắc lựa chọn hành động, nhưng lại bị bó buộc, giam cầm về điều kiện, phương tiện, tình huống nhận thức, hành động trong những hoàn cảnh cụ thể.

Đó là một nghịch cảnh hiện sinh đầy sức ám ảnh và cũng đầy thánh thức đối với con người nói chung, người trí thức nói riêng. Thấu hiểu điều bó buộc thách thức này, Nguyễn Văn Trung, tác giả bài viết Sartre trong đời tôi, đã phát biểu rất đúng: “Chúng ta không có thời đại nào khác, ngoài thời đại hiện nay của chúng ta.[…] Chúng ta không có quyền lực chọn hoàn cảnh, thời đại, chúng ta chỉ có thể lựa chọn trong hoàn cảnh, thời đại của ta”(11).

Như thế, lựa chọn của con người đúng là luôn bị qui định, chi phối bởi hoàn cảnh. Bị bỏ rơi, con người đương nhiên phải chấp nhận khó khăn, thậm chí khổ nhục. Chả thế mà, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bất luận là ai, người phụ nữ hiền thục, gã đàn ông khốn nạn hay bậc anh hùng sa cơ,... đều nhận thức rõ: sống – tức làm người – là cả một thử thách ghê gớm, không hề dễ dàng một chú nào. Trong Không có vua nhân vật Sinh cho rằng làm người là khổ, nhục (“khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót”). Lão Kiền – bố chồng Sinh – cũng bảo: “Làm người nhục lắm”. Còn trongMưa Nhã Nam, Đề Thám lại ngẫm nghĩ nhiều về những thử thách khó khăn: “làm người chỉ có một lần/ làm người thật khó”. Trong Những bài học nông thôn, bà Lâm, bằng một giọng hờn dỗi, “mát mẻ”, cũng thừa nhận cái khó ấy của việc làm người, khi bà nói với bố Lâm: “mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là người”.

Nếu làm người mà chỉ như một đám rêu, một vật đang thối rữa, hoặc một cây súp lơ,… thì hẳn không có gì là khó. Nhưng nếu muốn làm một con người thật sự cao quý, lý tưởng thì thật khó và thật xa vời. Xa vời như hình ảnh trong câu chuyện mà chị Thắm (Chảy đi sông ơi) kể cho nhân vật “tôi” nghe: “Ngày xửa ngày xưa ở xứ Jêsuxalem có một con người…”. Trong khi đó, thứ người “vô tâm” như đám rêu, vật thối rữa, củ cà rốt,… thì, theo chị, “nhiều như bụi bặm trên đường”.
Đã thế, “trong thiên hạ, không phải chỉ có người”, mà còn “có các thánh nhân, có yêu quái” (Thương nhớ đồng quê). Hơn nữa, con người thật bơ vơ cô độc vì “có ai yêu thương họ đâu” (Chảy đi sông ơi). Đó là hoàn cảnh con người phải đối mặt, phải nhận thức đầy đủ khi lựa chọn hành động, thái độ sống và tương lai của mình. Mọi lời nói, nhận định của một người, dù có hùng hồn, xác quyết đến đâu cũng chỉ là vô nghĩa, nếu chúng không được bảo đảm bằng trải nghiệm dấn thân của chính anh ta.

Phần lớn các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đều sống theo nguyên tắc “dấn thân”, hành động để xác quyết hình ảnh hiện hữu của mình. Tuy nhiên, có bao nhiêu hoàn cảnh, tình huống, thì cũng có bấy nhiêu kiểu, cách dấn thân.

Có cách dấn thân như của Tổng Cóc (Chút thoáng Xuân Hương).

Có cách dấn thân như của các bác Cả, con trai Đề Thám (Mưa Nhã Nam), mà người đời sau, muốn hiểu được họ không có cách nào khác là đành cố mà sống, trải nghiệm như họ: “Các bác Cả thường rất khoảnh. Chúng ta thông cảm với họ, nếu chúng ta tự mình như họ, trần lực như họ, không có ai để bàn bạc, không có ai đáng bàn bạc, họ phải tự gánh lấytrách nhiệm của họ, nghĩa vụ của họ, giá trị của họ” (NTT nhấn mạnh).

Có cách dấn thân của nhân vật Chương (Chảy đi sông ơi). Bởi muốn biết biển ở đâu phải tìm đường đi ra biển, muốn biết Mẹ Cả, con gái thủy thần thật ảo thế nào, ở đâu, vì cái gì, Chương đã phải trả giá bằng nửa đời người. Chảy đi sông ơi là một trường hợp minh họa sinh động cho những trải nghiệm nhọc nhằn, đau đớn của con người dấn thân, đi tìm cái đẹp, chân lý, ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Triết lý mang sắc thái hiện sinh toát ra từ truyện này là: Với con người, sống tức là thực hiện một chuỗi dấn thân lựa chọn, tự mình lựa chọn; cho dẫu lựa chọn sai vẫn phải tiếp tục sống, lựa chọn, hành động và tiếp tục dấn thân. Và, nếu ai đó nói rằng: “Con người nhiều khi mạnh mẽ một cách mù quáng và, yếu ớt một cách bướng bỉnh” thì chẳng phải là ý kiến của người này không có cơ sở.

3. Sức sống mới và âm vang của thời đại

Bằng việc phân tích ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiêp, bài viết này đã cung cấp một trường hợp cụ thể, sinh động và thuyết phục về ảnh hưởng của thuyết hiện sinh trên bình diện sáng tác văn học ở Việt Nam thời đổi mới. Sự phân tích cho thấy: đúng là có một âm hưởng hiện sinh như thế trong văn học Việt Nam từ thập niên 80 thế kỉ trước đến nay. Và, trong văn mạch ấy, Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn đã góp phần đắc lực, nối lại nhịp cầu lâm thời đứt gãy.

Đến đây, có một vài câu hỏi cần được trả lời trước khi kết thúc bài viết này: Tinh thần hiện sinh (hay âm hưởng hiện sinh, ám ảnh hiện sinh) trong văn học hiện đại Việt Nam từ khi có chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào là liên tục hay đứt đoạn? và, nếu là đứt đoạn thì tại sao có sự chắp nối trở lại?

Một số kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy thuyết hiện sinh, trên thực tế, đã du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng khá sâu sắc đến lý luận và sáng tác văn học Việt Nam từ thập niên 50 thế kỉ XX đến nay. Đó là một quá trình không liên tục, song có tính qui luật: bao giờ đời sống thực tiễn và tâm thế xã hội vẫy gọi thì thuyết hiện sinh lại có mặt trong văn học. Quan sát sự vận động của tư tưởng văn học Việt Nam từ 1954 đến nay, thấy có ít nhất hai lần, thuyết hiện sinh xuất hiện trong văn học theo đòi hỏi này.

Huỳnh Như Phương trong tiểu luận Chủ nghĩa Hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lí thuyết)(12) khẳng định rằng: thuyết hiện sinh đã du nhập vào Việt Nam trước 1975 và từng tạo được những dấu ấn sâu sắc, nhất là trên bình diện nghiên cứu, lí luận ở miền Nam Việt Nam. Với đa số trí thức miền Nam Việt Nam bấy giờ, triết học hiện sinh là điểm tựa tinh thần không thể thiếu trong việc lựa chọn hành động cũng như thái độ sống của họ. Đó là lần “vẫy gọi” thứ nhất.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, sau gần hai thập niên gián đoạn, đứt gãy, học thuyết hiện sinh, trong một bối cảnh mới, lại tiếp tục phát huy ảnh hưởng của nó đối với văn học của một nước Việt Nam thống nhất trên đường hội nhập, đặc biệt là trên bình diện sáng tác. “Giờ đây” – Huỳnh Như Phương khẳng định – “những ray rứt hiện sinh, trong khung cảnh một đời sống hòa bình với nhiều nghịch cảnh, đã trở lại bằng con đường hình tượng”(13).

Đây là lần “vẫy gọi” thứ hai. Giới nghệ sĩ, trí thức Việt Nam hơn bao giờ hết cần đến những cơ sở lí luận triết mỹ để phân tích lý giải đời sống, phát hiện động cơ tâm lí, cắt nghĩa hành vi, tính cách của con người trong đời sống đương đại. Cũng hơn bao giờ hết, con người phải thường xuyên suy tư về sức mạnh của đức tin về nguy hại của ngụy tín, về tự do, hạnh phúc cá nhân, và về thân phận mình. Trung tâm hứng thú triết học của các nhà hiện sinh chủ nghĩa – con người như là một thực thể hiện sinh, nó phải tự biết mình là ai, đang ở đâu, cần và sẽ phải làm gì – chuyển thành trung tâm hứng thú nghệ thuật của nhiều nhà văn hiện đại, hậu hiện đại. Theo đó, các vấn đề về con người hiện sinh, nhất là về tự do và bản thể của nó, được đặt ra trong sáng tác văn học một cách nghiêm túc, trực diện, rốt ráo hơn bao giờ hết. Đó là thời điểm thích hợp, cũng là mảnh đất tốt cho thuyết hiện sinh bén rễ và lại tươi xanh.

Vậy, với câu hỏi “vì sao có sự “trở lại” của chủ nghĩa hiện sinh?”, người ta chỉ có thể giải thích rằng đó là đòi hỏi, là nhu cầu của bản thân đời sống. Và, ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, suy cho cùng, chính là ám ảnh của bản thân đời sống đương đại. Sẽ không hề quá lời khi cho rằng: chính Nguyễn Huy Thiệp (cùng thế hệ của anh) đã mang lại một sức sống mới cho chủ nghĩa hiện sinh – một học thuyết tưởng như đã lỗi thời, già cỗi – trong văn học ở đất nước này

______________
(1), (2), (8), (10) Jean-Paul Sartre: Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản trong sách Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, Lộc Phương Thủy (Chủ biên). Nxb. Giáo dục, H, 2007, tr.196, 196, 920, 917.
(3) Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nxb. Phụ nữ, H, 2001, tr.207. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều lấy từ sách này.
(4) Chẳng hạn: quan niệm, triết lí sống của Nhân vật Đoài trong Không có vua, hay nhân vật Bường trong Những người thợ xẻ.
(5) Ví dụ: tinh thần “Dấn thân” qua thái độ, hành động “trần lực”, sẵn sàng “sục vào bùn” để tự khẳng định mình của các nhân vật, tiêu biểu là Tổng Cóc (Chút thoáng Xuân Hương), bác Cả, bác Hai – con trai Đề Thám (Mưa Nhã Nam).
(6) Ví dụ: “sự bỏ rơi”: “Ôi tuổi thơ/ Đâu rồi nụ cười vô tư/ Những truyện cổ tích lạ kỳ/ Con đường nhỏ đến trường/ Và nỗi sợ hãi bị bỏ rơi…” (Những bài học nông thôn, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Sđd, tr.203).
(7) Ví dụ: “Sự tuyệt vọng” bài hát: “Này nhé: sự tuyệt vọng” (Thiên văn, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Sđd, tr.515).
(9) Dẫn theo Huỳnh Như Phương [Chủ nghĩa Hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lí thuyết)], Những nguồn cảm hứng trong văn học. Nxb. Văn nghệ, TP HCM, 2008, tr.166.
(11) Bách Khoa 267-268, 1968 (dẫn theo Huỳnh Như Phương, Sđd, tr.174).
(12), (13) Huỳnh Như Phương: Chủ nghĩa Hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lí thuyết), Sđd, tr.162-182; 182.

TS. Nguyễn Thành Thi
Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh


Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5/2010
 
Cảm ơn bạn ! Đã lâu rồi tôi không được đọc một bản "khảo luận" đồ sộ như thế này. Tôi không biết gọi công trình này là gì nữa, nhưng đây là một thành quả mà tôi đã chờ đợi. Hi vọng sớm được đọc những công trình to lớn như thế này !

Một lần nữa xin rất cảm ơn !
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top