Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Ai có thể phá được thế trận Tiqui-taca? Sir Alex Ferguson!
Lò Masia và Barcelona trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích vang dội với đặc sản TIC-TAC lừng lẫy giang hồ, đội tuyển Tây Ban Nha dựa trên nền tảng ấy cũng liên tiếp trở thành vô địch châu Âu 2008, rồi vô địch thế giới 2010. Thế trận TIC-TAC này chẳng khác nào Độc Cô Cửu Kiếm do lão tiền bối Độc Cô Cầu Bại sáng chế ra trong tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung xưa vậy.
Đến một bậc cao thủ như Mourinho dù đã chấp nhận chơi lối bóng đá phòng ngự chặt chém xấu xí, mong cản bước Barcelona, mà cũng đành phải đầu hàng sau loạt trận Siêu kinh điển tháng tư vừa qua. Phải chăng thế trận TIC-TAC đã là … “Thiên hạ vô địch”? Liệu có cách nào phá giải thế trận ấy hay không? Trước khi nghĩ đến việc “phá giải”, ít nhất cũng phải hiểu đâu là những đặc điểm của thế trận ấy, và khuyết điểm của nó nằm ở chỗ nào?
Đặc điểm của thế trận TIC-TAC
- Một, trong thế trận tic-tac của Barcelona, ta luôn thấy những tổ “tam tam chế” 3 người tiến thoái như bông vụ, lúc nào cũng có 3 cầu thủ hình thành một tam giác xoay chung quanh quả bóng. Đặc điểm này chính là đặc điểm nổi bật của bóng đá tổng lực Hà Lan những năm 70, do Johan Cruyff du nhập vào xứ Catalan. Khi mất bóng, một tổ tam tam lập tức vây lấy quả bóng, một người tham gia tranh bóng trực tiếp với đối phương, chỉ cần bóng bật nhẹ ra là có ngay 2 người kia hớt lấy mất bóng!
Barcelona và thế trận Tiqui-taca. Ảnh: Internet.
- Ba, thế trận này đòi hỏi phải có những cầu thủ giỏi về kỹ thuật lấy bóng, chuyền bóng, và đặc biệt là phải biết cách chơi bóng bằng cái đầu, nghĩa là phải biết cách xử lý bóng thông minh, có nhãn quan chiến thuật đủ để biết cần chuyền quả bóng đi đâu để tạo ra lợi thế chủ động và nhất là để xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương.
- Bốn, thế trận này đòi hỏi phải có những tiền đạo giỏi phá bẫy việt vị, dùng tốc độ bất ngờ băng xuống, thâm nhập vòng cấm địa đối phương. Và các tiền đạo ấy phải có bản lãnh sát thủ đủ để biến một cơ hội mong manh nào đó thành ra… bàn thắng!
Những cách phá thế trận TIC-TAC
Lịch sử bóng đá cho thấy lối đá kick and rush (đá và chạy) cổ điển (đại diện bởi Scotland, Na Uy) dựa trên nền tảng thể lực sung mãn, mỗi khi gặp bóng đá kỹ thuật của trường phái La tinh Nam Âu (Rumani, Nam Tư, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) hoặc Nam Mỹ (Brasil, Argentina) thì thường là… đại bại. Kỹ thuật có thể khắc chế thể lực, vậy cái gì sẽ khắc chế kỹ thuật? Có 2 giải pháp:
- Một là, dựa trên lối đá pressing toàn sân: Dùng siêu thể lực để phá kỹ thuật, đá áp sát, tranh chấp bóng quyết liệt, hạn chế cả không gian lẫn thời gian xử lý bóng của các cầu thủ kỹ thuật gia. Lối đá này quá đà một chút sẽ trở thành bạo lực, dẫn đến phạm lỗi, và dính thẻ đỏ dễ dàng. Hơn nữa, lối đá này cũng bào mòn sinh lực của các cầu thủ nhanh chóng. Hầu như không một đội bóng nào có thể chơi pressing kiểu đó suốt 90 phút được. Khi xuống sức sẽ là lúc hở sườn và … thua trận. Cái thua của Mourinho trong các trận SKĐ vừa qua chính là minh họa rõ nét cho luận điểm vừa nêu vậy.
- Hai là, dùng tốc độ cực nhanh và lối đá khoa học, chính xác (như của các đội tuyển Ý, Đức) để khống chế lối đá kỹ thuật. Arsenal tuy thua Barcelona nhưng đã tiếp cận gần sát với cách này. Manchester United không cần đến giải pháp bạo lực cũng có thể khống chế được bóng đá kỹ thuật, bằng cách sử dụng tốc độ và các đường chuyền chính xác của Nani, Valencia, Park Ji Sung, cộng với các pha dứt điểm chính xác của Rooney, Chicharito để giải quyết trận chiến.
Một nguyên lý vô cùng đơn giản: Khi Barcelona có bóng, tất nhiên họ phải chuyền bóng đi. Do đó, thay vì làm cái việc vô ích là lao vào các cầu thủ Barcelona để giành bóng, sẽ chỉ phạm lỗi mà không thể giành được. Điều cần thiết là phải lao vào những khoảng trống, trên đường chuyền của họ! Lấy bóng trên đường họ chuyền đi, chứ không phải là lấy bóng trong chân của họ. Đơn giản đến mức không ngờ! Nhưng dường như chưa có mấy ai hiểu được cái điều đơn giản ấy!
Ai có thể hóa giải được thế trận TIC-TAC?
Không phải là Mourinho năm nay. Vì Mourinho đã thua. Có thể là Sir Alex Ferguson trong trận chung kết Champion League sắp tới: Có thể lắm! Tất cả còn tuỳ thuộc ở khả năng sử dụng tốc độ và độ chính xác như thế nào. Nếu SAF lại nghe lời cố vấn của Mourinho chơi bạo lực quyết liệt thì đáng tiếc thay cho trận chung kết ấy!
Joachim Loew, HLV đội tuyển Đức. Ảnh: Internet.
Trong làng bóng đá thế giới hiện nay, có một nhân vật đủ khả năng phá được thế trận TIC-TAC. Có lẽ đó chính là Joachim Loew của đội tuyển Đức hiện tại. Tuy năm 2008 đội Đức đã thua Tây Ban Nha nhưng đội Đức khi ấy còn dựa trên Ballack, chưa có các nhân tố trẻ và tài năng như bây giờ. Năm 2010 đội tuyển Đức của Loew cũng đã thua Tây Ban Nha vì các nhân tố trẻ của Loew khi ấy (Muller, Oezil, Khedira) chưa có đủ kinh nghiệm đỉnh cao.
Sau năm 2010, tình thế đã khác, đội tuyển Đức của Loew ngày nay và lối đá nhanh, chính xác, khoa học của ông, như đã từng minh chứng trong các trận Đức đại thắng Anh 4-1, Argentina 4-0 ở World Cup vừa qua, có lẽ sẽ là hình mẫu duy nhất cho giải pháp phá thế trận TIC-TAC của Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha vậy.
(Hàn Sĩ Nguyên) - BD
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: