Đặc trưng thi pháp truyện thơ

Chị Lan

New member
ĐẶC TRƯNG THI PHÁP TRUYỆN THƠ

1. Cốt truyện truyện thơ


Cốt
truyện thơ đa dạng, không thuần nhất. Có thể có ba dạng cốt truyện: Cốt truyện theo kiểu diễn ca, vè lịch sử ; cốt truyện theo kiểu cốt truyện cổ tích và cuối cùng là cốt truyện tâm trạng. Loại cốt truyện theo kiểu diễn ca lịch sử là các truyện: Đại Hành và Bàn Đại Hội, Táy Pú Xớc. Loại cốt truyện này không tập trung xây dựng một nhân vật nào trọng tâm mà chỉ chú ý đến sự kiện, tình tiết, diễn biến của sự kiện ít nhiều gắn với thời gian lịch sử. Loại cốt truyện kiểu cổ tích như truyện: Chim sáo, nàng Kim Quế, Nàng Con Côi...cốt truyện của truyện thơ mở rộng phạm vi, cụ thể và chi tiết hơn cốt truyện cổ tích. Cổ tích “Chim sáo” chỉ giới hạn trong phạm vi làng quê còn ở truyện thơ câu chuyện mở rộng ra phạm vi quốc gia, triều đình vì thế chủ đề của truyện thơ được mở rộng và khai thác sâu hơn. Loại cốt truyện tâm trạng như truyện: “Sống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), “Nam Kim -Thị Đan, nàng Ờm - chàng Bồng Hương, nàng Dợ - Chà Tăng, Út Lót - Hồ Liêu, nàng Nga - Hai Mối...Cốt truyện loại này xoay xung quanh chuyện tình của đôi trai gái theo ba giai đoạn chủ yếu: - Đôi bạn tình yêu nhau tha thiết - Tình yêu tan vỡ, khổ đau - Đôi bạn tình tìm cách thoát ra cảnh ép buộc ngang trái để xây dựng hạnh phúc cho mình. chuyện xoay quanh diễn biến tâm trạng của hai đối tượng, hai nhân vật chủ chốt là chàng trai và cô gái.

2. Đặc trưng nhân vật truyện thơ

Nhân vật trong truyện thơ có hai dạng. Dạng thứ nhất là nhân vật tự bạch. Ngôi thứ nhất, cái tôi trữ tình và dạng thứ hai là ở ngôi thứ ba, nhân vật được nhắc đến của người kể chuyện. Dạng thứ nhất, nhân vật trữ tình tự bạch là dạng nhân vật tâm trạng. Trong truyện thơ “Vượt biển” (còn có tên là “Pha thuyền”), tác giả dân gian để cho nhân vật tự kể về cuộc đời mình:

Tôi thấy cay cho phận tôi lắm
Tôi thấy đắng cho phận tôi nhiều ...


Dạng thứ hai là nhân vật qua lời kể của
tác giả. Dạng này có hai loại. Loại thứ nhất là nhân vật tâm trạng - trữ tình. Tác giả nhập thân vào hai nhân vật nam nữ để thể hiện vai giao tiếp. Đây là lời chàng trai nói với người yêu đi lấy chồng trong “Tiễn dặn người yêu”:

Xin hãy cho anh kề vóc mảnh
Quấn quanh vai ủ lấy hương người
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
Một lát bên em thay lời tiễn dặn.


Loại thứ hai là nhân vật tự sự - trữ tình. Đây là nhóm truyện thơ kế thừa truyện cổ dân gian. Nhân vật được phản ánh với nhiều mối quan hệ, với nhiều nhân vật chứ không phải như loại nhân vật trữ tình - tâm trạng chỉ xoay quanh quan hệ với người yêu là chủ yếu.

Nhân vật của truyện thơ là nhân vật xây dựng theo phương thức hiện thực khác với nhân vật sử thi xây dựng theo phương thức lãng mạn. Hoàn cảnh, tính cách, tâm trạng của nhân vật truyện thơ được lấy từ cuộc đời chứ không phải nhân vật tưởng tượng ra như trong nhân vật sử thi thần thoại hay tô vẽ thêm như trong nhân vật sử thi anh hùng. Chung quy lại, nhân vật truyện thơ có hai kiểu: kiểu nhân vật của cổ tích và kiểu nhân vật trữ tình của dân ca đối đáp giao duyên. Dù là mang phong cách nhân vật cổ tích nhưng nhân vật trong truyện thơ thể hiện tính cách rõ hơn. Ở cổ tích, nhân vật phiếm chỉ thì ở truyện thơ, nhân vật có tên tuổi, có lý lịch rõ ràng. Chẳng hạn, trong truyện cổ tích “Chim sáo” chỉ nói “có một bác nông dân rất nghèo”, thì ở truyện thơ “Chim sáo”, truyện kể rõ đó là chú bé Trương Anh con của Trương Tam và Trương Thị. Nhân vật trong truyện cổ chỉ đối đáp ngắn gọn, thì nhân vật trong truyện thơ đối đáp dài, rành mạch hơn. Bước đầu việc cá thể hóa trong việc xây dựng nhân vật trong truyện thơ là điểm mới và là sự phát triển đột phá so với cách xây dựng nhân vật theo lối phiếm chỉ và khái quát hóa của cổ tích. Vì vậy tính hiện thực ở truyện thơ cao hơn truyện cổ tích.

3. Đặc trưng ngôn ngữ thể loại truyện thơ

Ngôn ngữ truyện thơ là ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ của các làn điệu dân ca các dân tộc miền núi phía Bắc. Đó là loại ngôn ngữ gắn với nghi lễ của hát then, hát mo, ngôn ngữ của hát diễn xướng, hát giao duyên.

Truyện thơ là một loại truyện thơ dân gian nên ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật. Có loại ngôn ngữ dẫn truyện, có loại ngôn ngữ tự thuật của nhân vật, có loại ngôn ngữ tâm trạng của nhân vật. Ngôn ngữ tự thuật thường dùng đại từ tự xưng:

Thân tôi khổ đến chết
Dưới bãi chẳng sợi rơm
Cổng vườn chẳng vỏ trấu
(Vượt biển)


Ngôn ngữ của người kể lại có hai loại: loại ngôn ngữ dẫn truyện và loại ngôn ngữ nhập vai nhân vật. Ngôn ngữ dẫn truyện thường khách quan, mang đặc trưng kể tả, gần giống ngôn ngữ kể vè:

Nay hãy kể từ trước đến sau
Kể chuyện qua về bù chuyện tới
Kể từ thời ấy ngày xưa...
(Tiễn dặn người yêu)


Ngôn ngữ nhập vai thể hiện ngôn ngữ tâm trạng nhân vật, dạng đặc trưng của ngôn ngữ dân ca trữ tình:

Anh đã tính mà tính không đủ
Anh đã lo mà lo không tròn
Như trèo cây cao lộn cổ
Dẫu tiếc thương đời cũng lỡ
Đành nhìn em yêu bước về nhà chồng
( Tiễn dặn người yêu)


Đây là tâm sự của chàng trai tự nói một mình, lời bày tỏ tâm trạng thất vọng, bất lực trước cảnh ngang trái.

Ngôn ngữ đối thoại gần với ngôn ngữ nói thường, ngắn gọn, khúc chiết. Đây là đoạn đối thoại giữa mẹ con Nhàng Dợ:

- Con ạ! Hãy đứng lên vui vẻ theo khách ra về
- Mẹ ơi: Ăn con cũng không ăn
Đi con cũng không đi
(Nhàng Dợ - Chà Tăng)


Ngôn ngữ truyện thơ được dùng chủ yếu là ngôn ngữ dân tộc theo từng truyện của từng dân tộc nhưng cũng có trường hợp dùng nguyên văn ngôn ngữ chữ viết tiếng Việt. Chẳng hạn truyện “Nàng Kim Quế” của dân tộc Tày, các từ “Nội phủ”, “Cung phi”, “Chúa Cả”, “Chúa Hai”, “Thượng thư”, “Quận công”, “Thái giám”...đều được ghi chép bằng tiếng Việt, hát bằng âm Việt:

Chúa Cả cùng với Chúa Hai
Ra coi đã thấy hai người đáng duyên...
Mẹ cha dâu phải cúi đầu
Xong vào nội phủ, lạy vào cung phi(1)


Các thể thơ được dùng trong truyện thơ cũng rất đa dạng, có thể thơ 5 chữ, bảy chữ, thơ tự do, thơ lục bát như của người Việt. Nhịp điệu thơ tùy vào thể thơ và cách diễn xướng của nghệ nhân tương ứng với tâm trạng của nhân vật. Tâm trạng lo âu, hốt hoảng thể hiện rõ trong âm điệu câu thơ:

Em lập cập chạy ra sân
Mâm cơm chiều dọn vội
Nghĩ đến anh mà nát ruột gan
Run lập cập chạy vào đằng quản
Cất tiếng xa gần trách chú
Giúp cháu với, bác trai, bác gái nhà trên
Giúp cháu với, ơi chú, ơi thím nhà dưới
(Tiễn dặn người yêu)


Tác giả dân gian đã sử dụng ngôn ngữ tả, ngôn ngữ kể với các biện pháp so sánh, đối lập, khoa trương, rất đặc sắc, đậm đà phong cách dân tộc. Đây là biện pháp khoa trương đặc tả nước mắt nhiều đến mức:

Rỏ hai dòng, rỏ ba dòng
Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn giỏ
Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn
(Tiễn dặn người yêu)


Ngôn ngữ truyện thơ có lối nói rất riêng, lối nói của người miền núi, hồn nhiên, giàu hình ảnh:

Chiều tối, mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn ngoài người thương
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn
Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp đất
Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ...


4. Không gian truyện thơ

Không gian trong truyện thơ lịch sử là không gian bản làng, không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc, không gian sản xuất và chiến đấu của các tộc người. Đó là không gian miền núi với thượng nguồn, núi non cây cối. Không gian trong truyện thơ bắt nguồn từ đề tài cổ tích, phản ánh thân phận của con người nghèo khổ, là không gian làng quê, bản làng, không gian gia đình và cả không gian xã hội. Không gian trong truyện thơ có địa chỉ cụ thể chứ không giống như trong cổ tích chủ yếu là phiếm chỉ. Chẳng hạn, trong truyện thơ “Chim sáo” đề cập đến địa danh phủ Chiết Giang. Thậm chí trong truyện “Vượt biển” có cả không gian ở cõi chết, một kiểu không gian ảo ảnh, vô hình được mô phỏng không gian trần thế. Không gian trong truyện thơ trữ tình là không gian gia đình, không gian làng quê, bản làng, không gian giao tiếp. Đó là không gian của gặp gỡ tình tự, suy tư. Một không gian cụ thể, xác định:

Đôi ta gặp nhau nơi sàn hoa
Tâm tình bên bếp lửa
Nhớ em anh ngồi đầu sàn giả ốm
Ngồi cuối sàn giả điên
(Xống chụ xon xao)


5. Thời gian truyện thơ

Thời gian trong truyện thơ tùy thuộc vào tính chất của từng nhóm truyện. Trong truyện thơ kể về sự việc có liên quan đến lịch sử thì thời gian được phản ánh là thời gian lịch sử tương đối xác định. Trong truyện thơ Đại Hành và Bàn Đại Hội, thời gian được xác định cụ thể:

Giáp Dần, Ất Mão trời đại hạn
Buộc lòng rời bản tới Việt Nam


Đó là những năm vào triều nhà Lê. Thời gian được thể hiện theo diễn tiến phát triển của xã hội các dân tộc từ khi nhập cư vào Việt Nam cho đến khi cuộc sống giàu có, thịnh vượng.

Thời gian trong nhóm truyện thơ lấy từ sự tích cổ tích là thời gian của một đời người như truyện “Nàng Con Côi”, “Chim Sáo”, “Nàng Kim Quế”. Nhưng cũng có truyện, thời gian không chỉ một đời người mà còn kéo dài ra hình như vô tận trong kiếp bên kia sau khi chết như truyện “Vượt biển”.

Thời gian trong nhóm truyện thơ trữ tình lấy từ dân ca là thời gian của tâm trạng, thời gian diễn tiến của cuộc tình từ khi họ gặp nhau, yêu nhau, thậm chí lúc còn nằm trong bụng mẹ (Tiễn dặn người yêu) đến kết thúc cuộc tình. Thời gian sự kiện được quan tâm tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu ”, mốc thời gian không tính bằng ngày tháng cụ thể mà tính bằng sự kiện:

Khi anh đi khăn Piêu đen em còn vắt
Khi anh về áo co nhỏ đã dăng dăng đầy sàn


Ở nhóm truyện thơ này, thời gian không xác định cụ thể như hai nhóm truyện truyện thơ trên. Nó là dạng thời gian sự kiện: sự kiện họ gặp nhau - yêu nhau, thề thốt - Em bị gả bán - Em về nhà chồng - Đấu tranh và chờ đợi - Cùng chết hoặc cùng trốn với nhau để được sống gần nhau.

(Sưu tầm)
 
1. Khái niệm

Truyện thơ là những truyện kể dài bằng thơ, có sự kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình, phản ánh cuộc sống của người nghèo khổ, khát vọng về tình yêu tự do, hạnh phúc và cộng lí.

2. Đặc điểm

a. Chủ đề

- Khát vọng tự do yêu thương và hạnh phúc lứa đôi.
- Các chàng trai, cô gái nạn nhân đau khổ của chế độ hôn nhân gả bán.

b. Cốt truyện

+ Yêu nhau tha thiết;
+ Tình yêu tan vỡ, đau khổ;
+ Vượt qua, thoát khỏi cảnh ngộ, chết cùng nhau hoặc sống bên nhau hạnh phúc.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top