Hide Nguyễn
Du mục số
- Xu
- 1,943
Đoàn Ánh Loan
Trong văn học, một trong những biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến nhất là hình thức so sánh. So sánh là lấy phẩm chất của một cái này để làm nổi rõ đặc điểm của một cái khác. Tiến lên một bước, người ta không dùng hình thức so sánh, mà dùng hình thức ẩn dụ, hoán dụ. Thông thường, trong so sánh hay ẩn dụ, hoán dụ, người ta thường lấy những hiện tượng thiên nhiên để làm rõ những hiện tượng xã hội, hay phẩm chất của con người. Về mặt nào đó, điển cố cũng có phần giống với những hình thức ẩn dụ, hoán dụ. Nhưng có điều khác biệt là, điển cố như chất liệu dùng trong những hình thức ẩn dụ, hoán dụ không phải lấy trong thiên nhiên, mà lấy từ tác phẩm của các thời đại quá khứ xa xưa.
Đặc tính cơ bản của so sánh và ẩn dụ là dùng tính chất, đặc điểm, hình tượng của thế giới tự nhiên gán cho phẩm chất của con người để so sánh và ngược lại. Điển cố bao hàm cả hai đặc điểm ấy, vì nội hàm của điển cố rất phong phú, không chỉ là thế giới tự nhiên cùng những tính chất, đặc điểm của nó mà còn là con người với đầy đủ tâm lý, phẩm chất, suy nghĩ, hành động, sinh hoạt, phong tục, tập quán ... và toàn bộ những hoạt động xã hội như văn hóa, giáo dục, y học, kinh tế, chính trị ... Chất liệu của điển cố được lấy từ tác phẩm của các thời đại quá khứ xa xưa. Điển cố vừa mang tính chất chung của phương thức so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhưng cũng biểu hiện nét đặc thù trong hệ thống chung ấy. Nhìn chung, điển cố mang một số tính chất sau:
1. Tính liên tưởng
Những tính chất, đặc điểm, hoạt động của thế giới tự nhiên, con người và xã hội có điểm gần gũi, nên khi so sánh, dễ dàng khơi gợi sự liên tưởng, đưa đến kết quả hình thành đối tượng so sánh hoàn chỉnh. Một khi đã nắm biết những đặc tính, trạng thái của đối tượng so sánh thì chỉ cần nêu lên một cách cô đọng trong vài từ cũng đủ nắm bắt được sự so sánh và ý nghĩa của nó. Điển cố là nghệ thuật xây dựng hình tượng bằng ngôn ngữ kích thích sự tưởng tượng và liên tưởng. Đằng sau lớp võ từ ngữ là cả một cuộc sống sinh động mà khi đọc đến nó, toàn bộ những hình ảnh về cuộc sống ấy được khơi dậy. Điển cố vận dụng khả năng tư duy hình tượng rất phong phú và chính xác, khả năng liên tưởng nhạy bén. Khi điển cố tồn tại và hoạt động trong một ngữ cảnh nhất định thì từ hình tượng cụ thể của nó, người đọc nhanh chóng tái hiện một sự liên tưởng trong đầu óc của mình. Nội dung điển cố lập tức được lĩnh hội với tư cách là những hình ảnh cụ thể, sinh động, gợi cảm và hấp dẫn. Sự liên tưởng, so sánh trong quá trình tư duy của người đọc là chất “xúc tác” kết hợp nghĩa trực tiếp của điển cố với hiện thực văn cảnh tạo nên đặc trưng của điển. Có thể biểu diễn quá trình này qua các bước sau, lấy điển “liễu đường” trong Chinh phụ ngâm làm ví dụ:
Liễu, sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cùng dính, đôi cây cùng liền.
Hai câu thơ là sự diễn tả nội dung điển “Liễu đường”. Đọc điển này, những hình ảnh về câu chuyện được tái hiện: Hàn Bằng đời Chiến quốc làm chức xá nhân cho Tống Khang vương, bị Tống Khang vương cướp vợ là Hà thị và phải bị tù. Hàn Bằng buồn bã tự tử. Trước khi chết theo chồng, Hà thị đề thư xin được chôn cùng chồng. Tống Khang vương tức giận cho chôn riêng hai nơi. Chẳng bao lâu có hai cây liễu mọc ở hai ngôi mộ, rể và cành liền nhau. Rồi người đọc từ câu chuyện sinh động này liên tưởng đến tâm trạng người chinh phụ nhớ thương chồng, so sánh với hình ảnh câu chuyện mà hiểu được tình cảm của người vợ một lòng yêu thương chồng khi cả hai phải chịu cảnh chia ly.
Như vậy, có thể thấy bước đầu tiên của hoạt động điển cố là đưa người đọc trở về với lịch sử. Từ sự trở về với hình ảnh, nội dung câu chuyện, hay về với nguồn gốc câu thơ đưa đến giai đoạn rút ra ý nghĩa sâu sắc, rồi so sánh, kết hợp với ngữ cảnh để có một kết luận và để nâng cao hiệu quả biểu ý và biểu cảm của câu thơ, câu văn. Tất cả là một chuỗi quá trình liên tưởng, mở rộng và sáng tạo trong thế giới riêng của người đọc.
2. Tính hình tượng
Lối so sánh của điển cố được thực hiện theo quy luật lấy đặc tính, ý nghĩa của đối tượng này biểu hiện đặc tính, ý nghĩa của đối tượng kia, so sánh vừa xa lại vừa gần, vừa kín đáo vừa rõ ràng, vừa sinh động vừa biểu cảm mạnh mẽ. Sự so sánh như vậy giúp người cảm thụ nhận thức sâu sắc hơn, có thể bày tỏ thái độ khẳng định, yêu thích hoặc phủ định, chán ghét. Sự tác động mạnh mẽ đó có được là do điển cố ngoài tính biểu cảm còn biểu hiện rõ tính hình tượng và tính cụ thể. Cung oán ngâm khúc có câu:
Đuốc vương giả chí công là thế,
Chẳng soi cho đến khóe âm nhai.
Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.
Câu thứ nhất và thứ hai có gốc từ câu trong Kinh Thư: “Thái dương tuy vô tư, kỳ chiếu âm nhai hàn cốc giả độc hậu” (= Mặt trời tuy không thiên vị, mà soi đến nơi gành sâu hang thẳm cuối cùng). Câu thứ ba mượn ý câu thơ Đường: “Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân” (=Muôn tía, nghìn hồng tất cả là xuân), ở đây chỉ các cung nữ xinh đẹp; chúa xuân chỉ vua. Người đọc qua những hình ảnh ấy có thể so sánh ánh mặt trời với vua, khóe âm nhai ví người cung nữ bất hạnh, bị bỏ quên nơi lãnh cung lạnh lẽo. Cung tần mỹ nữ trong cung cấm xinh đẹp như những bông hoa muôn màu tươi thắm, nhưng vua chỉ chọn một vài trong số ấy. Hình dung, so sánh, người đọc mới thấu hiểu nỗi đau khổ, chán chường của người cung nữ trong cuộc sống ghẻ lạnh chốn cung son.
Những hình ảnh trong điển cố là những hình ảnh biểu trưng cụ thể, sinh động, tác động mạnh mẽ vào ký ức người đọc làm cho những hình ảnh đó giữ lại lâu bền trong đầu óc người đọc để so sánh, đối chiếu với hoàn cảnh ngôn ngữ, nhằm đi đến sự kết hợp ý nghĩa của điển cố với ý nghĩa của ngữ cảnh.
3. Tính cô đọng, hàm súc
Điển cố hàm chứa nội dung và ý nghĩa sâu sắc nhưng thể hiện trong một hình thức tiết kiệm lời đến mức thấp nhất. Sự tiết kiệm thể hiện ở hình thức giản lược những từ không cần thiết và cô đúc ngắn gọn. Ví dụ để nói người hay lo lắng chuyện không thực tế, trong Hoàn sơn, Nguyễn Thượng Hiền mượn điển “Kỷ nhân ưu thiên” (=Người nước Kỷ lo trời đổ), nhưng chỉ gói gọn trong hai từ “ưu thiên”: “Tiện tác ưu thiên khách. Hoàn vi xuất thế nhân” (=Làm khách lo trời đổ. Lại làm người xuất thế).
4. Tính đa dạng và linh động
Thông thường trong chức năng tượng trưng và so sánh, đối tượng được so sánh gắn liền với vật tượng trưng trong một tương quan khép kín: hoa sen chỉ sự thanh khiết, cây tùng, cây bách chỉ đức tính của người quân tử ... Chức năng ấy bao hàm sự phủ nhận hình thức và chú ý nhiều đến ý nghĩa. Hình thức (hay vỏ từ ngữ) nhằm đưa tới nội dung, ý nghĩa và dừng lại ở đó. Nhưng điển cố với chức năng tưởng tượng, liên tưởng, hình thức cũng là một yếu tố quan trọng vì nó không mang nội dung, ý nghĩa cứng nhắc và khép kín mà nó có thể đưa đến một hay vài ý nghĩa khác bằng hình thức thích hợp theo chiều sâu của hồi tưởng về câu chuyện quá khứ, và hướng về tương lai. Hơn nữa, điển cố còn thể hiện một hình thức linh động bằng cách hết hợp với những câu văn, câu thơ trong một tương quan gần.
Điển cố tồn tại trong câu thơ, câu văn như một thực thể phù hợp với câu trúc và yêu cầu về luật định của các thể loại văn học. Chính vì vậy, điển cố mang hình thức phong phú, đa dạng. Chẳng hạn, điển “nguyệt lão” không phải mang hình thức cứng nhắc trong một từ cố định mà được biểu diễn thành rất nhiều từ khác nhau nhưng cùng một nội dung chỉ sự kết duyên vợ chồng như:bà nguyệt, chỉ đỏ, chỉ hồng, xích thằng, ông tơ, trăng già, xe tơ, xe dây, tơ đào ... Chỉ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du diễn tả điển này bằng nhiều từ khác nhau:
Dù khi lá thắm chỉ hồng. ( câu 333)
Nàng rằng hồng diệp xích thằng.(câu 459)
Ông tơ ghét bỏ chi nhau.(câu 549)
Trăng già độc địa làm sao.(câu 687)
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.(câu 1532)
Kíp toan kiếm chốn xe dây.(câu 2099)
Duyên đâu ai dứt tơ đào.(câu 2609)
Điển cố là một khu rừng bao la mà trong đó chứa đựng nhiều loại thực vật cực kỳ phong phú, có thể diễn đạt rất nhiều mặt của đời sống từ cụ thể đến trừu tượng, từ vật chất đến tinh thần. Điển cố dùng cho nhiều mục đích: so sánh, ca ngợi, châm biếm, giáo dục, kể chuyện, khẳng định, phủ định ... Một điển cố có thể được biểu đạt theo nhiều nghĩa. Vì tính đa nghĩa ấy mà điển cố có phạm vi hoạt động rộng rãi, tính năng động dồi dào, có thể hoạt động trong nhiều ngữ cảnh có nội dung khác nhau. Điển cố với đặc tính đa dạng về biến thể hình thức, có khi chỉ là một từ :
Muộn màng thay giấc điềm bi.(câu 57)
Vậy ả Hằng vì ta xe mối.(câu 531)
(Sơ kính tân trang)
“Bi” tức là chiêm bao thấy con gấu, ý nói sinh con trai. Điển mượn trong Kinh Thi. Ả Hằng tức Hằng Nga trong truyền thuyết Trung Hoa.
Những tơ nào thắm những cầu nào xanh. (câu 240)
(Truyện Hoa Tiên)
“Tơ” tức tơ hồng, chỉ việc hôn nhân. “Cầu” tức cầu Lam (Lam Kiều), huyện Lam Điền ở Trung Quốc, nơi Bùi Hàng gặp gỡ và lấy nàng Vân Anh làm vợ.
Có khi là một cụm từ:
Câu vãn tiết, e khi mai biệu,
Tác cập kê, nay gặp đào yêu.
(Kim Thạch kỳ duyên, hồi thừ 3)
“Mai biệu” là mượn tên thiên Phiếu hữu mai và Đào yêu trong kinh Thi, chỉ cô gái đến tuổi lấy chồng, được có gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Có khi là một câu:
Trương Thị vãn viết: ...
Như mình là: Sấm vang bia Phước
Còn người ta là: Gió xuôi các Đằng.
(Kim Thạch kỳ duyên, hồi thứ 3)
“Sấm vang bia Phước” là chuyện kém may mắn của một thư sinh nghèo được Phạm Trọng Yêm giúp tiền mực in lên bia bán kiếm lời, nhưng một đêm, cái bia bị sét đánh tan tành. Ý nói không còn cơ may nào cưú vớt được hoàn cảnh khó khăn. “Gió xuôi các Đằng” nói về chuyện may mắn ngẫu nhiên như cơn gió định mệnh thổi xuôi, đẩy thuyền Vương Bột đến gác Đằng Vương, để rồi ông được nổi danh về tài văn chương từ đó.
Sự thể hiện biến thể hình thức của điển cố thật nhiều màu, nhiều vẻ, nhưng tựu trung, nổi bật ở hai điểm: 1. Điển cố có cùng nội dung và ý nghĩa (là những điển quen thuộc, được nhiều người dùng trong nhiều hình thức từ ngữ như điển “nguyệt lão”); 2. Điển cố có cùng ý nghĩa nhưng được biểu hiện bằng cách thay đổi một số yếu tố từ vựng, ví dụ điển “tang thương” (tang: cây dâu, nương trồng dâu; thương là biển khơi, bãi bể). Sách Liệt tiên truyện chép: bà Ma cô tiên nữ từng thấy đám nương dâu đã ba lần hóa thành bể khơi, bãi bể. Ý nói sự thay đổi của cảnh vật, cuộc sống. Điển này được thể hiện qua nhiều hình thức từ ngữ như: tang hải, bãi bể nương dâu, bể dâu ... :
“Trải qua một cuộc bể dâu”.
(Truyện Kiều)
“Ai bày trò bãi bể nương dâu”,
“Bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương”.
(Cung oán ngâm khúc)
Điển cố có hai nghĩa: nghĩa cụ thể và nghĩa khái quát hay nghĩa đen và nghĩa bóng, ví dụ điển “chỉ đỏ” có nghĩa cụ thể là vật (người) mai mối, nghĩa khái quát chỉ nhân duyên vợ chồng. Có những điển giống nhau về sự kiện, ngôn từ nhưng ngược nhau về ý nghĩa. Điều này được hiểu như là tác giả khi dùng điển đã biến đổi ý nghĩa từ tiêu tực thành tích cực hay ngược lại, mục đích đế châm biếm hay than thở ...
“Mập mờ đánh lận con đen”.
(Truyện Kiều)
“Con đen” dịch từ chữ “lê dân (=người dân đầu đen) trong Kinh Thư, chương Nghiêu điển, nhưng Nguyễn Du đã dùng để chỉ khách làng chơi khờ khạo.
“Khu văn vị dĩ tần môn sắt” (=Đuổi muỗi chưa xong lại bắt rận)
(Huỳnh Thúc Kháng, Dạ thâm bất mị)
Câu trên mượn điển “môn sắt” chỉ động tác bắt rận. Tấn sử chép: Vương Mãnh ở Bắc hải, ở ẩn núi Hoa âm, nghe nói Hoàn Ôn đánh Tần, đến yết kiến, vừa nói vừa bắt rận rất tự nhiên, điềm tĩnh. Tuy mượn điển ấy, nhưng tác giả không chọn lấy ý nghĩa của kẻ an bần, có chí lớn, mà dùng để nói lên ý chí muốn diệt trừ bọn hút máu hại dân lành.
Tóm lại, điển cố được xem là một đơn vị mở trong hệ thống ẩn dụ mang tính chất và ý nghĩa đặc biệt. Điển cố giúp người đọc hiẻu được giá trị của hồi ức, tưởng tượng, liên tưởng và gợi mở một hướng mới để thông hiểu nội dung, ý nghĩa câu thơ. Sự thấu hiểu điển cố dựa trên nền tảng nắm được nguồn gốc điển cố. Trường hợp sau chứng minh điều này: thành ngữ ta có câu “rét nàng Bân”được thể hiện qua câu ca dao:
Nàng Bân may áo cho cồng,
May ba tháng ròng chửa trọn cổ tay.
Lạy trời cho cả gió may,
Nàng Bân chết quách đêm nay cho rồi.
xuất xứ từ nhân vật thần thoại là nàng Bân cầu xin trời hóa phép cho trần gian trở rét vào mùa hè (tháng 3 âm lịch) để có dịp may áo ấm cho chồng.
Quá trình tiếp nhận câu có điển cố là quá trình vỏ từ ngữ qua khúc xạ tâm lý trở về câu chuyện (thơ văn) quá khứ, chuyển hóa thành hình ảnh chủ quan của người tiếp nhận. Vỏ từ ngữ của điển cố trong lúc này được thay thể bởi hình ảnh mới sinh đông, đầy cảm xúc. Hình ảnh này được sự tưởng tượng của chính bản thân người đọc sản sinh ra, khác với hình ảnh được tưởng tượng của người thứ hai, thứ ba.
Điển cố mang nhiều tính chất của sự linh động về hình thức, nội dung và ý nghĩa, tạo thêm sức mạnh diễn đạt và biểu cảm cho câu thơ, câu văn. Chính vì vậy, điển cố là một trong những thủ pháp sáng tác một thời...
------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Để tìm hiểu từ nghĩa, cần biết từ nguyên, số 4.1978, trang 45.
2. Võ Bình, Phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, 1982.
3. Dương Hữu Biên, Vài ghi nhận về logic và hàm y, Tạp chí ngôn ngữ số 1.1997.
4. Nguyễn Văn Huyên, Cấu trúc của hình tượng nghệ thuật và khả năng gợi mở của nó đối với tiềm năng sáng tạo, Tạp chí Triết học số 4.1987.
5. Đinh Trọng Lạc, Về một số phương tiện tu từ, Tạp chí ngôn ngữ, số 1.1994.
6. Nguyễn Lai, Tìm hiểu sự chuyển hóa từ mã ngôn ngữ sang mã hình tượng, Tạp chí ngôn ngữ, số 3.1996.
7. Nguyễn Thế Lịch, Từ so sánh đến ẩn du, Tạp chí ngôn ngữ, số 3.1991.
8. Mộng Bình Sơn, Điển tích chọn lọc, Nhà xuất bản Xuân Thu, 1990.
9. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
10. Hoàng Tuệ, Hiển ngôn với hàm ngôn, một vấn đề thú vị trong chuơng trình lớp 11 PTTH hiện nay, Tạp chí ngôn ngữ, số 3.1991.
11. Thanh Bình, Thành ngữ cố sự, Hương Cảng Vĩ Thanh thư điếm, 1956.
Nguồn : khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Trong văn học, một trong những biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến nhất là hình thức so sánh. So sánh là lấy phẩm chất của một cái này để làm nổi rõ đặc điểm của một cái khác. Tiến lên một bước, người ta không dùng hình thức so sánh, mà dùng hình thức ẩn dụ, hoán dụ. Thông thường, trong so sánh hay ẩn dụ, hoán dụ, người ta thường lấy những hiện tượng thiên nhiên để làm rõ những hiện tượng xã hội, hay phẩm chất của con người. Về mặt nào đó, điển cố cũng có phần giống với những hình thức ẩn dụ, hoán dụ. Nhưng có điều khác biệt là, điển cố như chất liệu dùng trong những hình thức ẩn dụ, hoán dụ không phải lấy trong thiên nhiên, mà lấy từ tác phẩm của các thời đại quá khứ xa xưa.
Đặc tính cơ bản của so sánh và ẩn dụ là dùng tính chất, đặc điểm, hình tượng của thế giới tự nhiên gán cho phẩm chất của con người để so sánh và ngược lại. Điển cố bao hàm cả hai đặc điểm ấy, vì nội hàm của điển cố rất phong phú, không chỉ là thế giới tự nhiên cùng những tính chất, đặc điểm của nó mà còn là con người với đầy đủ tâm lý, phẩm chất, suy nghĩ, hành động, sinh hoạt, phong tục, tập quán ... và toàn bộ những hoạt động xã hội như văn hóa, giáo dục, y học, kinh tế, chính trị ... Chất liệu của điển cố được lấy từ tác phẩm của các thời đại quá khứ xa xưa. Điển cố vừa mang tính chất chung của phương thức so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhưng cũng biểu hiện nét đặc thù trong hệ thống chung ấy. Nhìn chung, điển cố mang một số tính chất sau:
1. Tính liên tưởng
Những tính chất, đặc điểm, hoạt động của thế giới tự nhiên, con người và xã hội có điểm gần gũi, nên khi so sánh, dễ dàng khơi gợi sự liên tưởng, đưa đến kết quả hình thành đối tượng so sánh hoàn chỉnh. Một khi đã nắm biết những đặc tính, trạng thái của đối tượng so sánh thì chỉ cần nêu lên một cách cô đọng trong vài từ cũng đủ nắm bắt được sự so sánh và ý nghĩa của nó. Điển cố là nghệ thuật xây dựng hình tượng bằng ngôn ngữ kích thích sự tưởng tượng và liên tưởng. Đằng sau lớp võ từ ngữ là cả một cuộc sống sinh động mà khi đọc đến nó, toàn bộ những hình ảnh về cuộc sống ấy được khơi dậy. Điển cố vận dụng khả năng tư duy hình tượng rất phong phú và chính xác, khả năng liên tưởng nhạy bén. Khi điển cố tồn tại và hoạt động trong một ngữ cảnh nhất định thì từ hình tượng cụ thể của nó, người đọc nhanh chóng tái hiện một sự liên tưởng trong đầu óc của mình. Nội dung điển cố lập tức được lĩnh hội với tư cách là những hình ảnh cụ thể, sinh động, gợi cảm và hấp dẫn. Sự liên tưởng, so sánh trong quá trình tư duy của người đọc là chất “xúc tác” kết hợp nghĩa trực tiếp của điển cố với hiện thực văn cảnh tạo nên đặc trưng của điển. Có thể biểu diễn quá trình này qua các bước sau, lấy điển “liễu đường” trong Chinh phụ ngâm làm ví dụ:
Liễu, sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cùng dính, đôi cây cùng liền.
Hai câu thơ là sự diễn tả nội dung điển “Liễu đường”. Đọc điển này, những hình ảnh về câu chuyện được tái hiện: Hàn Bằng đời Chiến quốc làm chức xá nhân cho Tống Khang vương, bị Tống Khang vương cướp vợ là Hà thị và phải bị tù. Hàn Bằng buồn bã tự tử. Trước khi chết theo chồng, Hà thị đề thư xin được chôn cùng chồng. Tống Khang vương tức giận cho chôn riêng hai nơi. Chẳng bao lâu có hai cây liễu mọc ở hai ngôi mộ, rể và cành liền nhau. Rồi người đọc từ câu chuyện sinh động này liên tưởng đến tâm trạng người chinh phụ nhớ thương chồng, so sánh với hình ảnh câu chuyện mà hiểu được tình cảm của người vợ một lòng yêu thương chồng khi cả hai phải chịu cảnh chia ly.
Như vậy, có thể thấy bước đầu tiên của hoạt động điển cố là đưa người đọc trở về với lịch sử. Từ sự trở về với hình ảnh, nội dung câu chuyện, hay về với nguồn gốc câu thơ đưa đến giai đoạn rút ra ý nghĩa sâu sắc, rồi so sánh, kết hợp với ngữ cảnh để có một kết luận và để nâng cao hiệu quả biểu ý và biểu cảm của câu thơ, câu văn. Tất cả là một chuỗi quá trình liên tưởng, mở rộng và sáng tạo trong thế giới riêng của người đọc.
2. Tính hình tượng
Lối so sánh của điển cố được thực hiện theo quy luật lấy đặc tính, ý nghĩa của đối tượng này biểu hiện đặc tính, ý nghĩa của đối tượng kia, so sánh vừa xa lại vừa gần, vừa kín đáo vừa rõ ràng, vừa sinh động vừa biểu cảm mạnh mẽ. Sự so sánh như vậy giúp người cảm thụ nhận thức sâu sắc hơn, có thể bày tỏ thái độ khẳng định, yêu thích hoặc phủ định, chán ghét. Sự tác động mạnh mẽ đó có được là do điển cố ngoài tính biểu cảm còn biểu hiện rõ tính hình tượng và tính cụ thể. Cung oán ngâm khúc có câu:
Đuốc vương giả chí công là thế,
Chẳng soi cho đến khóe âm nhai.
Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.
Câu thứ nhất và thứ hai có gốc từ câu trong Kinh Thư: “Thái dương tuy vô tư, kỳ chiếu âm nhai hàn cốc giả độc hậu” (= Mặt trời tuy không thiên vị, mà soi đến nơi gành sâu hang thẳm cuối cùng). Câu thứ ba mượn ý câu thơ Đường: “Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân” (=Muôn tía, nghìn hồng tất cả là xuân), ở đây chỉ các cung nữ xinh đẹp; chúa xuân chỉ vua. Người đọc qua những hình ảnh ấy có thể so sánh ánh mặt trời với vua, khóe âm nhai ví người cung nữ bất hạnh, bị bỏ quên nơi lãnh cung lạnh lẽo. Cung tần mỹ nữ trong cung cấm xinh đẹp như những bông hoa muôn màu tươi thắm, nhưng vua chỉ chọn một vài trong số ấy. Hình dung, so sánh, người đọc mới thấu hiểu nỗi đau khổ, chán chường của người cung nữ trong cuộc sống ghẻ lạnh chốn cung son.
Những hình ảnh trong điển cố là những hình ảnh biểu trưng cụ thể, sinh động, tác động mạnh mẽ vào ký ức người đọc làm cho những hình ảnh đó giữ lại lâu bền trong đầu óc người đọc để so sánh, đối chiếu với hoàn cảnh ngôn ngữ, nhằm đi đến sự kết hợp ý nghĩa của điển cố với ý nghĩa của ngữ cảnh.
3. Tính cô đọng, hàm súc
Điển cố hàm chứa nội dung và ý nghĩa sâu sắc nhưng thể hiện trong một hình thức tiết kiệm lời đến mức thấp nhất. Sự tiết kiệm thể hiện ở hình thức giản lược những từ không cần thiết và cô đúc ngắn gọn. Ví dụ để nói người hay lo lắng chuyện không thực tế, trong Hoàn sơn, Nguyễn Thượng Hiền mượn điển “Kỷ nhân ưu thiên” (=Người nước Kỷ lo trời đổ), nhưng chỉ gói gọn trong hai từ “ưu thiên”: “Tiện tác ưu thiên khách. Hoàn vi xuất thế nhân” (=Làm khách lo trời đổ. Lại làm người xuất thế).
4. Tính đa dạng và linh động
Thông thường trong chức năng tượng trưng và so sánh, đối tượng được so sánh gắn liền với vật tượng trưng trong một tương quan khép kín: hoa sen chỉ sự thanh khiết, cây tùng, cây bách chỉ đức tính của người quân tử ... Chức năng ấy bao hàm sự phủ nhận hình thức và chú ý nhiều đến ý nghĩa. Hình thức (hay vỏ từ ngữ) nhằm đưa tới nội dung, ý nghĩa và dừng lại ở đó. Nhưng điển cố với chức năng tưởng tượng, liên tưởng, hình thức cũng là một yếu tố quan trọng vì nó không mang nội dung, ý nghĩa cứng nhắc và khép kín mà nó có thể đưa đến một hay vài ý nghĩa khác bằng hình thức thích hợp theo chiều sâu của hồi tưởng về câu chuyện quá khứ, và hướng về tương lai. Hơn nữa, điển cố còn thể hiện một hình thức linh động bằng cách hết hợp với những câu văn, câu thơ trong một tương quan gần.
Điển cố tồn tại trong câu thơ, câu văn như một thực thể phù hợp với câu trúc và yêu cầu về luật định của các thể loại văn học. Chính vì vậy, điển cố mang hình thức phong phú, đa dạng. Chẳng hạn, điển “nguyệt lão” không phải mang hình thức cứng nhắc trong một từ cố định mà được biểu diễn thành rất nhiều từ khác nhau nhưng cùng một nội dung chỉ sự kết duyên vợ chồng như:bà nguyệt, chỉ đỏ, chỉ hồng, xích thằng, ông tơ, trăng già, xe tơ, xe dây, tơ đào ... Chỉ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du diễn tả điển này bằng nhiều từ khác nhau:
Dù khi lá thắm chỉ hồng. ( câu 333)
Nàng rằng hồng diệp xích thằng.(câu 459)
Ông tơ ghét bỏ chi nhau.(câu 549)
Trăng già độc địa làm sao.(câu 687)
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.(câu 1532)
Kíp toan kiếm chốn xe dây.(câu 2099)
Duyên đâu ai dứt tơ đào.(câu 2609)
Điển cố là một khu rừng bao la mà trong đó chứa đựng nhiều loại thực vật cực kỳ phong phú, có thể diễn đạt rất nhiều mặt của đời sống từ cụ thể đến trừu tượng, từ vật chất đến tinh thần. Điển cố dùng cho nhiều mục đích: so sánh, ca ngợi, châm biếm, giáo dục, kể chuyện, khẳng định, phủ định ... Một điển cố có thể được biểu đạt theo nhiều nghĩa. Vì tính đa nghĩa ấy mà điển cố có phạm vi hoạt động rộng rãi, tính năng động dồi dào, có thể hoạt động trong nhiều ngữ cảnh có nội dung khác nhau. Điển cố với đặc tính đa dạng về biến thể hình thức, có khi chỉ là một từ :
Muộn màng thay giấc điềm bi.(câu 57)
Vậy ả Hằng vì ta xe mối.(câu 531)
(Sơ kính tân trang)
“Bi” tức là chiêm bao thấy con gấu, ý nói sinh con trai. Điển mượn trong Kinh Thi. Ả Hằng tức Hằng Nga trong truyền thuyết Trung Hoa.
Những tơ nào thắm những cầu nào xanh. (câu 240)
(Truyện Hoa Tiên)
“Tơ” tức tơ hồng, chỉ việc hôn nhân. “Cầu” tức cầu Lam (Lam Kiều), huyện Lam Điền ở Trung Quốc, nơi Bùi Hàng gặp gỡ và lấy nàng Vân Anh làm vợ.
Có khi là một cụm từ:
Câu vãn tiết, e khi mai biệu,
Tác cập kê, nay gặp đào yêu.
(Kim Thạch kỳ duyên, hồi thừ 3)
“Mai biệu” là mượn tên thiên Phiếu hữu mai và Đào yêu trong kinh Thi, chỉ cô gái đến tuổi lấy chồng, được có gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Có khi là một câu:
Trương Thị vãn viết: ...
Như mình là: Sấm vang bia Phước
Còn người ta là: Gió xuôi các Đằng.
(Kim Thạch kỳ duyên, hồi thứ 3)
“Sấm vang bia Phước” là chuyện kém may mắn của một thư sinh nghèo được Phạm Trọng Yêm giúp tiền mực in lên bia bán kiếm lời, nhưng một đêm, cái bia bị sét đánh tan tành. Ý nói không còn cơ may nào cưú vớt được hoàn cảnh khó khăn. “Gió xuôi các Đằng” nói về chuyện may mắn ngẫu nhiên như cơn gió định mệnh thổi xuôi, đẩy thuyền Vương Bột đến gác Đằng Vương, để rồi ông được nổi danh về tài văn chương từ đó.
Sự thể hiện biến thể hình thức của điển cố thật nhiều màu, nhiều vẻ, nhưng tựu trung, nổi bật ở hai điểm: 1. Điển cố có cùng nội dung và ý nghĩa (là những điển quen thuộc, được nhiều người dùng trong nhiều hình thức từ ngữ như điển “nguyệt lão”); 2. Điển cố có cùng ý nghĩa nhưng được biểu hiện bằng cách thay đổi một số yếu tố từ vựng, ví dụ điển “tang thương” (tang: cây dâu, nương trồng dâu; thương là biển khơi, bãi bể). Sách Liệt tiên truyện chép: bà Ma cô tiên nữ từng thấy đám nương dâu đã ba lần hóa thành bể khơi, bãi bể. Ý nói sự thay đổi của cảnh vật, cuộc sống. Điển này được thể hiện qua nhiều hình thức từ ngữ như: tang hải, bãi bể nương dâu, bể dâu ... :
“Trải qua một cuộc bể dâu”.
(Truyện Kiều)
“Ai bày trò bãi bể nương dâu”,
“Bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương”.
(Cung oán ngâm khúc)
Điển cố có hai nghĩa: nghĩa cụ thể và nghĩa khái quát hay nghĩa đen và nghĩa bóng, ví dụ điển “chỉ đỏ” có nghĩa cụ thể là vật (người) mai mối, nghĩa khái quát chỉ nhân duyên vợ chồng. Có những điển giống nhau về sự kiện, ngôn từ nhưng ngược nhau về ý nghĩa. Điều này được hiểu như là tác giả khi dùng điển đã biến đổi ý nghĩa từ tiêu tực thành tích cực hay ngược lại, mục đích đế châm biếm hay than thở ...
“Mập mờ đánh lận con đen”.
(Truyện Kiều)
“Con đen” dịch từ chữ “lê dân (=người dân đầu đen) trong Kinh Thư, chương Nghiêu điển, nhưng Nguyễn Du đã dùng để chỉ khách làng chơi khờ khạo.
“Khu văn vị dĩ tần môn sắt” (=Đuổi muỗi chưa xong lại bắt rận)
(Huỳnh Thúc Kháng, Dạ thâm bất mị)
Câu trên mượn điển “môn sắt” chỉ động tác bắt rận. Tấn sử chép: Vương Mãnh ở Bắc hải, ở ẩn núi Hoa âm, nghe nói Hoàn Ôn đánh Tần, đến yết kiến, vừa nói vừa bắt rận rất tự nhiên, điềm tĩnh. Tuy mượn điển ấy, nhưng tác giả không chọn lấy ý nghĩa của kẻ an bần, có chí lớn, mà dùng để nói lên ý chí muốn diệt trừ bọn hút máu hại dân lành.
Tóm lại, điển cố được xem là một đơn vị mở trong hệ thống ẩn dụ mang tính chất và ý nghĩa đặc biệt. Điển cố giúp người đọc hiẻu được giá trị của hồi ức, tưởng tượng, liên tưởng và gợi mở một hướng mới để thông hiểu nội dung, ý nghĩa câu thơ. Sự thấu hiểu điển cố dựa trên nền tảng nắm được nguồn gốc điển cố. Trường hợp sau chứng minh điều này: thành ngữ ta có câu “rét nàng Bân”được thể hiện qua câu ca dao:
Nàng Bân may áo cho cồng,
May ba tháng ròng chửa trọn cổ tay.
Lạy trời cho cả gió may,
Nàng Bân chết quách đêm nay cho rồi.
xuất xứ từ nhân vật thần thoại là nàng Bân cầu xin trời hóa phép cho trần gian trở rét vào mùa hè (tháng 3 âm lịch) để có dịp may áo ấm cho chồng.
Quá trình tiếp nhận câu có điển cố là quá trình vỏ từ ngữ qua khúc xạ tâm lý trở về câu chuyện (thơ văn) quá khứ, chuyển hóa thành hình ảnh chủ quan của người tiếp nhận. Vỏ từ ngữ của điển cố trong lúc này được thay thể bởi hình ảnh mới sinh đông, đầy cảm xúc. Hình ảnh này được sự tưởng tượng của chính bản thân người đọc sản sinh ra, khác với hình ảnh được tưởng tượng của người thứ hai, thứ ba.
Điển cố mang nhiều tính chất của sự linh động về hình thức, nội dung và ý nghĩa, tạo thêm sức mạnh diễn đạt và biểu cảm cho câu thơ, câu văn. Chính vì vậy, điển cố là một trong những thủ pháp sáng tác một thời...
------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Để tìm hiểu từ nghĩa, cần biết từ nguyên, số 4.1978, trang 45.
2. Võ Bình, Phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, 1982.
3. Dương Hữu Biên, Vài ghi nhận về logic và hàm y, Tạp chí ngôn ngữ số 1.1997.
4. Nguyễn Văn Huyên, Cấu trúc của hình tượng nghệ thuật và khả năng gợi mở của nó đối với tiềm năng sáng tạo, Tạp chí Triết học số 4.1987.
5. Đinh Trọng Lạc, Về một số phương tiện tu từ, Tạp chí ngôn ngữ, số 1.1994.
6. Nguyễn Lai, Tìm hiểu sự chuyển hóa từ mã ngôn ngữ sang mã hình tượng, Tạp chí ngôn ngữ, số 3.1996.
7. Nguyễn Thế Lịch, Từ so sánh đến ẩn du, Tạp chí ngôn ngữ, số 3.1991.
8. Mộng Bình Sơn, Điển tích chọn lọc, Nhà xuất bản Xuân Thu, 1990.
9. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
10. Hoàng Tuệ, Hiển ngôn với hàm ngôn, một vấn đề thú vị trong chuơng trình lớp 11 PTTH hiện nay, Tạp chí ngôn ngữ, số 3.1991.
11. Thanh Bình, Thành ngữ cố sự, Hương Cảng Vĩ Thanh thư điếm, 1956.
Nguồn : khoavanhoc-ngonngu.edu.vn