Đặc điểm các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Ta Ôi
Lễ Hội A riêu tại huyện A Lưới, TT.Huế- Ảnh: LVT
KÊ SỬU
Giá trị văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề trình diễn và các hình thức lưu giữ khác.
Sản phẩm tinh thần đó bao gồm tiếng nói - chữ viết, tác phẩm văn chương, ngữ văn dân gian, nghệ thuật, ca múa nhạc dân gian, đạo lý, đạo đức và kinh nghiệm sống, tín ngưỡng, tri thức dân gian (về y dược, về trang phục, kiến trúc, nông nghiệp)... Ở dân tộc Ta ôi (TT.Huế), những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như sau:
1. Ngôn ngữ
Xét ở góc độ dân tộc học, ngôn ngữ là cơ sở vững bền của văn hóa bởi ngôn ngữ còn, văn hóa còn; văn hóa còn, dân tộc (tộc người) mới còn.
Mỗi ngôn ngữ (chủ yếu là tiếng nói) được dùng rộng rãi trong các môi trường sinh hoạt (gia đình, làng bản, xã hội) và ở các phạm vi rộng hơn như trong trường học (dạy chữ quốc ngữ, giảng bằng tiếng dân tộc, dạy song ngữ Việt - DTTS), trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ (văn học truyền khẩu) và cả trong sinh hoạt chính trị ở cơ sở như huyện, xã (văn bản bằng tiếng phổ thông nhưng lại được truyền đạt, phổ biến, triển khai và thảo luận bằng tiếng dân tộc bản địa thông qua những người thông thạo song ngữ). Với dân tộc Ta ôi vùng A Lưới, Thừa Thiên Huế, ngôn ngữ của họ cũng đã được bảo tồn và phát huy theo hướng như trên.
Từ những thập kỉ 60 của thế kỉ XX trở lại đây, có khá nhiều công trình nghiên cứu về tiếng nói và chữ viết của dân tộc Ta ôi. Bộ chữ viết chính thức cho dân tộc Ta ôi đã được hình thành nhờ kết quả điển chế trên hệ Latin của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vào năm 1986. Nhờ vậy, song song với việc điều tra, nghiên cứu mở rộng ngôn ngữ Ta ôi là việc ghi chép di sản văn hóa/ giá trị văn hóa (kể cả giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể) dân tộc này và đã xuất bản thành sách một số công trình về văn hóa, nghệ thuật, văn học dân gian... Đó là thành quả quý giá. Tuy nhiên, hầu hết xuất bản những công trình bằng tiếng Việt, chứ không phải những nguyên bản bằng tiếng dân tộc hoặc ở dạng song ngữ (Việt - dân tộc). Và như vậy, chất “thần” trong ngôn ngữ bản địa khó lột tả hết được. Tiếng Ta ôi cũng như nhiều ngôn ngữ Mon-Khmer ở Việt Nam thuộc loại hình các ngôn ngữ đơn lập, tiểu loại hình “cổ”. Đặc điểm chung của tiểu loại hình này là ngôn ngữ chưa có thanh điệu, trong vỏ ngữ âm của từ (từ ngữ âm - âm vị học) còn tồn tại các cấu trúc đa tiết, trong đó âm tiết cuối từ (còn gọi là âm tiết mạnh, âm tiết chính,...) là âm tiết mang trọng âm từ(1)...
2. Ca múa nhạc
Đó là những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc Ta ôi. Với dân tộc Ta ôi, những sinh hoạt này không thể thiếu và có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, mỗi cá nhân cũng như trong đời sống cộng đồng của họ. Những người con của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đến với các hình thức ca múa nhạc hết sức tự nhiên, không chút màu mè, kiểu cách và không bị trói buộc bởi bất kì thứ nghi lễ rườm rà, phiền phức nào và cũng không có sự giới hạn, sự phân biệt tuổi tác, nam nữ... Ca múa nhạc được bộc lộ đầy đủ trong các lễ hội truyền thống của dân tộc, là nhịp cầu nối cá thể với cộng đồng, nối cộng đồng này với cộng đồng khác, nối con người với tất cả thần linh trong trời đất, cũng có nghĩa nối con người với nhiên nhiên (cây cỏ, trời đất, sông núi, núi rừng trong ý niệm vạn vật hữu linh của tín ngưỡng sơ khai).
Người Ta ôi sáng tạo và chơi được nhiều nhạc cụ, họ có trên 30 loại nhạc cụ(2). Phân ra từng loại, chúng ta sẽ thấy rõ sự phong phú đa dạng về kiểu dáng, về cách thức diễn tấu... của chúng. Trong bộ gõ, nổi bật là các loại nhạc cụ: trống, chiêng, xập xoã, đàn ntong, mprâih. Trong các buổi sinh hoạt lễ hội như lễ đâm trâu, lễ cúng thần lúa... không thể không có tiếng chiêng, tiếng trống. Đàn ntong và mprâih là hai loại nhạc cụ hết sức độc đáo. Gọi là đàn song thực ra nó thuộc bộ gõ. Âm thanh do nhạc cụ ntong tạo nên vui tươi, trong trẻo, rộn ràng như muôn vẻ âm thanh của suối, của rừng. Mprâih giống như một loại “lục lạc” làm bằng một loại quả rừng khô, to bằng trái xoài nhỏ, khi động mạnh cán “đàn” xuống nền đất, làm cho các loại hạt khô trong chùm quả rừng rung lên, đập mạnh vào thanh vỏ, phát ra một thứ âm thanh rộn rã. Trong bộ dây (gẩy) có nhiều loại đàn: đàn mbrư (talư, mpréh), 2 dây, đàn toninul 12 dây (thùng đàn là nửa quả bầu khô)... Song độc đáo nhất phải kể đến đàn abel. Đàn này giống như cây đàn nhị 2 dây, có 1 dây chính và 1 dây phụ, đầu dây phụ gắn với một miếng vảy con trút (hoặc miếng sừng trâu, miếng thép) mỏng, to hơn móng tay cái. Tiếng đàn abel tha thiết, réo rắt, thích hợp với việc thể hiện tâm trạng của những người khi gặp cảnh ngộ bi thương, hoặc đang độ chín muồi của tình yêu lứa đôi. Các nhạc cụ bộ hơi có tù và, kèn adon sừng dê, tireel, khèn bè ghép bằng nhiều ống nứa nhỏ, karyokayol, đàn môi... được trai gái Ta ôi thường mang theo bên mình, khi lên nương rẫy cũng như lúc vui chơi hoặc sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng. Và họ dùng các loại sáo để giãi bày tâm trạng, để ngỏ lời, trao ý cùng nhau...
Dân tộc Ta ôi rất thích, rất yêu ca hát. Sinh hoạt gia đình, cưới xin, ma chay, hội hè... đều có ca hát. Ca hát, trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh là một bộ phận hợp thành của những sinh hoạt này. Vốn dân ca của họ gồm nhiều làn điệu khác nhau, với nội dung và hình thức diễn xướng khác nhau. Xin được nêu một vài làn điệu phổ biến mà dân tộc Ta ôi yêu mến và ưa hát nhất.
Karlơâiq là điệu hát giàu tính triết lý. Nó thích hợp với người lớn tuổi, từng trải và có kinh nghiệm sống phong phú, dồi dào. Trong lễ hội, khi sinh hoạt cộng đồng thôn bản, những người già làng, trưởng bản hát ca lơi theo lối đối đáp ứng tác. Họ hát karlơâiq để răn dạy con cháu học và làm theo những người tốt, việc tốt, đồng thời, để phê phán các thói hư tật xấu như lười nhác, ăn gian nói dối... Lúc lên núi, khi đi nương, để vui cái chân mạnh cái tay, người miền núi Trường Sơn ưa hát điệu baboch có chứa đựng nhiều kinh nghiệm sản xuất. Người Ta ôi có một loại dân ca rất đặc sắc - đó là làn điệu cha chấp. Theo phong tục từ lâu đời, hát cha chấp chỉ dành riêng cho các chàng trai, cô gái chưa vợ, chưa chồng. Người đã có gia đình tham gia hát cha châp bị coi là phạm luật, là “không đứng đắn”, là không ổn định về tình cảm, là “con voi đi xiên xẹo”... Trai gái Ta ôi thường hát cha chấp trong những buổi đi sim (vơch su/pôk su) - một hình thức đi chơi núi sau khi gặt hái, gieo cấy đã xong hoặc trong các buổi hội hè mừng lúa mới, năm mới... Nội dung các bài hát cha chấp là lời tỏ tình, là tâm tư tình cảm của những người đang tuổi yêu đương khao khát có được một tình yêu đẹp đẽ, bền chặt, trong sáng, thuỷ chung để tiến tới một cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc.
Lời của các khúc hát dân gian Ta ôi giản dị, mộc mạc, thường có vần điệu tương ứng với giai điệu của từng làn điệu dân ca. Người miền núi ưa dùng lối so sánh, ví von trong diễn đạt. Các hình tượng nghệ thuật do các nghệ sĩ dân gian tạo nên trong các ca khúc dân ca in rõ dấu ấn tư duy cụ thể, giàu hình ảnh của những người lấy núi rừng, suối khe làm bầu bạn.
Nếu như đối với ca nhạc, đồng bào Ta ôi yêu mến, ham thích như thế nào thì đối với nhảy múa, họ có cảm tình và niềm say mê như thế. Thuở xưa, khi đi săn về, người ta nhảy múa quanh đống lửa, bên cột nhà rông mừng thành quả lao động. Ngày nay, họ múa trong ngày hội đâm trâu, trong buổi lễ tạ ơn mẹ Lúa sau một mùa bội thu, múa trong đám cưới, trong lúc cùng tụ hội, vui chơi... Người Ta ôi có múa chi chét, rayok, pon, kuru. Đấy là những điệu múa tập thể, động tác đơn giản nhưng rất sôi động và vui nhộn. Người già, người trẻ, nam nữ ai cũng có thể tham gia được. Múa thường được đệm, được hòa với tiếng trống, tiếng chiêng. Vì vậy, càng tạo được không khí rộn ràng, vui vẻ, có sức cuốn hút lớn đối với cả người diễn lẫn người xem.
Dân tộc Ta ôi có một kho tàng ca múa nhạc khá đa dạng và phong phú. Các loại hình văn nghệ dân gian này gắn bó mật thiết với công việc lao động sản xuất, với những sinh hoạt gia đình, làng bản của họ. Nó có mặt trong nhiều hình thức sinh hoạt của đồng bào Ta ôi như đi nương rẫy, cưới hỏi, ma chay, tế cúng thần linh... Mãi mãi nó là di sản quí báu của cư dân miền núi Trường Sơn.
3. Ngữ văn dân gian
Xét cho cùng, ngữ văn dân gian đã tạo nền tảng tồn tại và phát triển cho dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Ta ôi. Nó bao gồm hệ thống truyện cổ (truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, chuyện cười, giai thoại...), những lời nói vần (ca dao, tục ngữ, thành ngữ, đồng dao, câu đối, câu đố...), những câu chuyện lịch sử của cá nhân, cộng đồng được kể bằng thơ, luật tục... Ngữ văn dân gian Ta ôi cũng như hầu hết các DTTS khác, chủ yếu tồn tại dưới dạng khuyết danh và truyền miệng.
Truyện cổ của người Ta ôi phong phú và đa dạng như của các dân tộc anh em khác. Chúng ta sẽ bắt gặp những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ qua những truyện kể về Chàng Ateeng, Apeng và Apin, Dốc Parsee, Kalang Niêt Ka, Tireal Put, Pir Tuliq....; về những sự tích kể về địa danh nhu Kooh Em No, Truyền thuyết sông Dakkroong. Và điều đặc biệt, người Ta ôi rất coi trọng việc thờ bái vật tổ theo hình thức tín ngưỡng tôtem giáo. Nếu như nguồn gốc hình thành của các DTTS khác thường là từ những quả bầu hoặc qua một nạn đại hồng thủy còn sống sót lại một đôi trai gái rồi từ đó họ yêu nhau và sinh con đẻ cái, tạo nên một dân tộc riêng cho mình thì đối với người Ta ôi lại là từ 1 cô gái và 1 chú chó còn sống sót qua truyện Nguồn gốc người Ta ôi.
Hệ thống lời nói có vần khá phổ biến trong sinh hoạt cuộc sống, đặc biệt là dịp lễ hội ở các phạm vi gia đình, dòng họ, làng bản, cộng đồng... Đó là hình thức thể hiện những lý trí hoặc cung bậc tình cảm của con người đối với tự nhiên và xã hội. Trong nốh itavear (tục ngữ, thành ngữ) thường được thể hiện những kinh nghiệm sống, lao động sản xuất, những đối nhân xử thế. Trong nốh ibeeng (ca dao, đồng dao) lại được biểu lộ những cung bậc tình cảm đối với gia đình, làng bản, quê hương, đối với tình yêu đôi lứa, những lời than thân trách phận của những người bất hạnh, nghèo khó... Những lý lẽ đối đáp chặt chẽ, thể hiện tính chất triết lý nhân sinh thường được tìm thấy trong những tar-a, ayên, avan (đối, ví, vè) khi tổ chức lễ cưới, lễ tết, lễ tang... Luật tục của người Ta ôi cũng là một sản phẩm có giá trị về nhiều mặt (văn chương, xã hội, luật học). Tính văn chương của luật tục thể hiện qua những lời nói vần về quan hệ xã hội (về quyền chiếm hữu đất đai, tài sản gia đình, quy chế hôn nhân, quan hệ dòng họ, kiện tụng, hòa giải...) với một hệ thống cấu trúc chặt chẽ tương đối toàn diện có tính chất như một quy ước. Lời nói có vần thường được đồng bào Ta ôi diễn đạt theo lối ví von, so sánh, tượng trưng, ẩn dụ tạo nên không gian văn hóa lung linh, huyền ảo và không kém phần hấp dẫn.
Hệ thống lời nói có vần cũng như những câu chuyện lịch sử được kể bằng thơ chiếm vị trí nổi bật trong kho tàng nghệ thuật ngôn từ thế nhưng chúng chưa được khai thác và phổ biến, truyền bá như của một số dân tộc khác ở miền Bắc và Tây Nguyên (như Thái, Mường, Ê Đê, Chăm...).
4. Tín ngưỡng
Với quan niệm vạn vật hữu linh, hầu hết trong tín ngưỡng của các DTTS đều chịu sự chi phối mạnh mẽ của tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là hệ thống thần linh (yang prăh). Cơ sở tồn tại của tín ngưỡng này là môi trường truyền thống mang đậm tính tổng thể nguyên hợp mà rừng là hạt nhân quan trọng nhất trong đời sống kinh tế, văn hóa tâm linh của họ. Thông qua những nghi thức tín ngưỡng, những lễ hội sinh động với dấu ấn cộng đồng đậm nét, người Ta ôi lưu truyền di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, một hệ thống các quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan phong phú và đặc thù. Sống với môi trường cộng đồng thực tại của người Ta ôi còn là thế giới thần linh. Cho nên trong các lễ hội và ngay cả trong hoạt động kinh tế, họ đều có những tín ngưỡng thờ, cúng hoặc kiêng kị động chạm đến những vị thần (yang) liên quan. Chẳng hạn, trong nông nghiệp nương rẫy có yang aro (thần lúa, mẹ lúa), yang kooh (thần núi), yang arus (thần rừng)...; trong cư trú làng bản thì có yang xưq (thần thổ địa), yang dak (thần sông)...; trong mỗi gia đình, dòng họ thì có yang kammooch (tổ tiên)... Theo quan niệm của người Ta ôi, cuộc sống của mỗi người sẽ an nhiên, bình yên, no ấm khi được cộng đồng bảo vệ và yang che chở, bảo bọc. Họ không chỉ tôn trọng những quy tắc ứng xử với cộng đồng mà còn cả với thần linh.
5. Lễ hội
Xuất phát từ tín ngưỡng cổ sơ, lễ hội truyền thống của người Ta ôi rất phong phú và đa dạng. Đáng chú ý có ba loại lễ sau: aya (lễ cúng cơm mới), dóng ikon (lễ cưới) và tăk píng (lễ dời mả)(3).
Aya (lễ cúng cơm mới) thường được tổ chức vào những ngày cuối của tháng 12 dương lịch để mừng sự hoàn thành một mùa thu hoạch lương thực trên nương rẫy, đồng thời báo hiệu kết thúc một năm cũ và đón nhận một năm mới với niềm hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Aya là dịp để người thân, họ hàng nội - ngoại tìm đến nhau và trao cho nhau những của ngon vật lạ mà họ đã cố dành dụm được bấy lâu, là dịp mà khơâi và nnoo thể hiện lòng thành của mình.
Dóng ikon (lễ cưới) của người Ta ôi long trọng, cầu kì và trải qua nhiều công đoạn (lễ pachua imai (đưa - đón dâu) - tăp abóh (lễ cắt khẩu) - cha plô (lễ tạ ơn sinh thành)) phức tạp, mất nhiều thời gian. Trong việc cưới xin, người Ta ôi hầu như không quan tâm đến tuổi tác của cô dâu. Của thách cưới của người Ta ôi rất nặng nên chỉ có người giàu có mới cưới được vợ. Đã có nhiều trường hợp, để lo đủ của thách cưới cho nhà gái mà nhà trai phải đi vay đi nợ cho đến hết đời vẫn chưa trả xong. Mỗi khi thành vợ thành chồng của nhau, người Ta ôi rất hiếm khi bỏ nhau (nếu không muốn nói hoàn toàn không có) dẫu một trong hai người có phạm tội ngoại tình.
Người Ta ôi tổ chức tăk píng/siêu píng (lễ dời mả) với quan niệm rằng người chết có thế giới riêng và để cho linh hồn người chết vĩnh viễn từ bỏ tất cả mọi sự vướng bận với dương gian. Chỉ người chết già hoặc chết bệnh mới được làm lễ tăk píng. Còn chết do tai nạn, tự tử, bom đạn, thiên tai, chiến đấu... không được tiến hành lễ này. Vì theo đồng bào đó là những cái chết bất thường, hồn của người chết không về với tổ tiên mà đi với ma quỷ. Điều cấm kị khi siêu píng/ariêu ping diễn ra là nam nữ không được làm quen dẫn đến yêu đương và cũng không được phép có mối quan hệ bất chính giữa trai - gái. Nếu để xảy ra tình trạng trên sẽ bị làng xử phạt rất nặng. Sau khi làm lễ rửa tội, trước mặt dân làng bằng một con chó, dê, người có tội còn phải hoàn tất một món nợ hoặc phải trả một giá tương đương giá trị của lễ vật trong siêu píng/ariêu ping hoặc phải đền trâu trắng để xin yang (thần) tẩy xoá tội lỗi của cá nhân cũng để rửa vết ô nhục cho làng(4). Lễ hội này, cho đến bây giờ vẫn được người Ta ôi giữ nguyên phép tắc trong mọi nghi thức thực thi công việc.
6. Các giá trị đạo lý, đạo đức và tri thức bản địa
Các giá trị đạo lý, đạo đức truyền thống có thiên hướng vĩnh cửu của người Ta ôi cũng cần chú ý nhìn nhận. Nói đến DTTS, trong đó có người Ta ôi, người ta nghĩ ngay đến đức tính thật thà, trung thực, chất phác, trung thành trong quan hệ công việc; hiếu khách, giàu lòng thương người, sẵn sàng tương trợ... trong quan hệ giữa người với người; anh dũng, bất khuất, dám xả thân trước những trở lực cuộc sống và kẻ thù. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn trọng quá khứ của cộng đồng cũng như coi trọng tôn ti trật tự trong các mối quan hệ của gia đình, của dòng tộc và của làng bản. Ngày xưa, trong cuộc sống gia đình người Ta ôi, không thấy có trường hợp ông bà, cha mẹ dạy con bằng roi vọt, và ngược lại, không thấy có trường hợp con cái vô lễ, đôi co, cãi cọ với cha mẹ họ. Ngay giữa các anh chị em cũng vậy.
Tri thức bản địa là những hiểu biết, kinh nghiệm có được trong một môi trường sống nhất định, trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng, tộc người, dân tộc. Nó là nguồn tài nguyên quý giá, là cơ sở của sự hiểu biết về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, y học, giáo dục, quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học... Sống trên một vùng đất không mấy bằng phẳng, dốc núi cheo leo, sông suối chằng chịt, rừng nguyên sinh dày đặc cùng với khí hậu gió Lào, thời tiết biến thiên, người Ta ôi đã đúc rút những tri thức bản địa của mình qua một số nội dung đáng chú ý như sau: Họ đã xác lập các đơn vị thời gian để chỉ ngày tháng và đối ứng thời gian làm nông nghiệp nương rẫy(5). Điều này, ta sẽ khó còn tìm thấy ở các dân tộc lân cận khác như Cơ tu, Bru Vân Kiều...; Vì cuộc sống và vì sức khỏe, người Ta ôi tự đi tìm cho mình những bài thuốc, phương thuốc chữa bệnh khi không may bị ốm đau ở rừng rú, cây cỏ hoang dại. Chính vì vậy, họ cũng đã tìm ra và truyền thụ kinh nghiệm chữa bệnh dân gian bằng các loại cây cỏ. Chẳng hạn như chữa bệnh đau đầu, đau bụng, sốt rét... hoặc bị rắn độc, rết cắn, và giúp cầm máu khi bị thương, tai nạn. Đặc biệt, có những cây thuốc dành cho phụ nữ khi sinh nở (giúp thuận thai, lọc rau rốn, cầm máu...). Hiện tại, người biết hái và bốc thuốc dân gian không còn nhiều.
Có thể có một số nét tương đương về mặt địa lý nhưng nội dung tri thức bản địa của mỗi nền văn hóa và mỗi tộc người, dân tộc không giống nhau khi phản ánh hiện thực xã hội từ vũ trụ quan đến tín ngưỡng, giá trị hành vi tập tục.
Chỉ bằng những điểm xuyến, sản phẩm tinh thần của dân tộc Ta ôi đã lộ diện phong phú, đa dạng. Cùng với văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể là hệ thống những giá trị, chuẩn mực xã hội, vốn đã giữ một vị trí trung tâm, tiềm ẩn trong mọi quá trình phát triển KT-XH ở mỗi dân tộc, tộc người. Và, ngày nay (thời đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập), nền văn hóa ấy lại càng cần thiết cho sự phát triển.
K.S - Tạp Chí Sông Hương
(264/2-11)
------------
(1) Để hiểu sâu ngôn ngữ Ta ôi có thể tham khảo trong Cấu tạo từ tiếng Ta ôi (trong sự so sánh với tiếng Việt) - Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Sửu, năm 2009, tr.20-25.
(2) Theo nhạc sĩ Minh Phương trong Dư âm tình rừng, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr.12
(3) Chi tiết lễ hội dân tộc Ta ôi, xin tham khảo Văn hóa dân gian dân tộc Ta ôi huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, của Nguyễn Thị Sửu - Trần Hoàng, NXB Dân Trí, năm 2010.
(4) Lễ rửa tội cho hành vi quan hệ nam nữ bất chính chỉ đựơc tiến hành sau khi lễ siêu píng/ariêu ping hoàn thành.
(5) Người viết đã có một công trình nghiên cứu riêng về Nông lịch và các nghi lễ liên quan đến nghề nông, Hội VHNT Thừa Thiên Huế, năm 2005.