- Xu
- 33
8 bước đơn giản để giữ máy tính bạn an toàn hơn
Nhiều người thường không chú ý đến việc bảo mật cho máy tính của mình, thậm chí cả những việc cơ bản như cài đặt một phần mềm chống virus trên máy hay sao lưu dữ liệu quan trọng, chỉ đến khi vào một ngày xấu trời, chiếc máy và toàn bộ dữ liệu quý giá theo gió bay đi thì họ mới chợt nhận ra việc giữ máy tính mình bảo mật và luôn luôn sao lưu dữ liệu quan trọng đến mức nào. Với mục đích cung cấp một số thủ thuật cơ bản giúp máy tính an toàn hơn cho người dùng thông thường, bài viết này hy vọng sẽ giúp ích được các bạn ít nhiều trong thực tiễn.
1. Tắt Java:
Java là phần mềm cho phép sử dụng các thao tác tương tác trên một số trang web nhưng trong một số trường hợp thường bị lợi dụng để thâm nhập/phát tán malware. Hiện tại, phần lớn chúng đã được thay thế bởi các công nghệ mới hơn như HTML5 hay Flash, và chỉ một số ít các trang web, như các trang web chuyên ngành, còn sử dụng chúng. Do vậy, với người dùng thông thường, việc tắt chúng gần như không ảnh hưởng đến việc lướt web của bạn.
Để vô hiệu hóa Java trong các trình duyệt, ta làm như sau:
Google Chrome: gõ “about: plugins” vào thanh địa chỉ và tìm đến mục Java sau đó chọn “Disable” (Vô hiệu hóa) nếu có.
Firefox: chọn Add-ons (Tiện ích) bên dưới trình đơn Tools (Công cụ), Disable (vô hiệu hóa) các mục có chữ Java nếu có.
Internet Explorer: vào trình đơn Tools, chọn Internet Options, chọn thẻ Security, chọn nút Custom Level, tìm đến mục “Scripting of Java applets” và chọn Disable.
Safari: chọn Preferences, chọn thẻ Security và chọn “Disable Java”.
Opera: gõ “Opera: plugins” vào thanh địa chỉ và tìm đến các mục có chữ Java sau đó chọn Disable.
2. Luôn cập nhật các bản vá cho hệ điều hành máy tính:
Việc tự động cập nhật máy tính sẽ bảo đảm cho máy tính của bạn có được các bản vá hay bản sửa lỗi mới nhất từ nhà sản xuất phần mềm. Cập nhật phần mềm sẽ giúp giảm nguy cơ malware xâm nhập máy tính của bạn. Trên Windows các bạn có thể vào Windows Update để cập nhật và trên Mac cũng có tính năng tương tự mang tên Software Update.
Với Windows 7, bạn có thể gõ "Windows Update" ở Start Menu và nhấp chọn nó. Với Windows Xp bạn vào Start Menu/Program và chọn Windows Update trong danh sách xổ xuống các chương trình. Trên Mac OS X, chỉ đơn giản từ Apple Menu (góc trái trên cùng của màn hình desktop) và nhấp chọn Software Update.
3. Đặt máy tính ở chế độ khóa khi “thức dậy” (wake up) từ chế độ Sleep/Standby hay Screen Saver:
Nhiều người thường ngại việc gõ mật khẩu mỗi lần máy tính thoát ra khỏi chế độ Sleep/Standby hay Screen Saver nhưng việc này sẽ đảm bảo các email/tài liệu/tin nhắn... bí mật hay riêng tư của bạn không bị ai đọc trộm trong khi bạn đang không ở gần máy tính.
Trên Windows 7, để đặt máy tính ở chế độ khoá sau khi thức dậy từ chế độ Sleep/Standby, các bạn hãy gõ "Power Options" ở Start Menu, nhấp chọn nó. Sau khi vào Power Options, các bạn xem cột bên trái sẽ có mục "Require a password on wakeup", nhấp chọn vào đó, sau đó chọn mục "Require a password (recommended)". Với Screen Saver, bạn gõ "Screen Saver" ở Start Menu, nhấp chọn, sau đó chọn "On resume, display logon screen".
Trên Windows XP, bạn mở Control Panel/Performance and Maintenance/Power Options, sau đó chọn thẻ "Advanced" và nhấp chọn mục "Prompt for password when computer resumes from sleep". Với Screen Saver bạn mở Control Panel/Display, chọn thẻ "Screen Saver" và nhấp chọn ô "Password protected".
Trên Mac OS X, các bạn vào "System Preferences", chọn mục "Security", chọn thẻ "General" vào nhấp chọn mục ""Require Password to Wake this Computer from Sleep or Screen Saver.".
4. Khi không sử dụng máy tính, hãy tắt chúng đi:
Việc này không chỉ giúp bạn bảo mật máy tính của mình với lý do như mục 3 ở trên mà còn giúp bạn tiết kiệm điện trong giai đoạn giá cả tăng cao như hiện nay.
5. Thay đổi mật khẩu của bạn một tháng một lần:
Hãy chắc chắn rằng bạn có một mật khẩu đủ mạnh để đăng nhập vào máy tính của mình. Sử dụng chung một mật khẩu cho tất cả mọi thứ hay mật khẩu quá dễ đoán đều là một sai lầm thường gặp của nhiều người dùng máy tính và tạo cơ hội cho kẻ xấu truy cập máy tính của bạn. Nếu có thể, hãy thay mật khẩu một tháng một lần để gia cố bảo mật cho máy tính của bạn. Một mật khẩu tốt nên có sự xuất hiện của cả chữ cái, con số, và biểu tượng (ví dụ như 2012Tinhte@vn! có thể được coi là đủ mạnh).
6. Hãy cài một chương trình Antivirus hiệu quả và luôn cập nhật chúng:
Nhiều người thường không cài đặt cho mình một chương trình Antivirus hiệu quả để bảo vệ máy tính vì nhiều lý do (lo sợ chậm máy, rắc rối, không hiểu rõ...) tuy nhiên việc này chẳng khác gì bạn đi xe ô tô ngoài đường mà không cần phanh và một ngày “tai nạn” nhất định sẽ xảy đến với bạn. Hãy cài cho mình một chương trình Antivirus có phí hoặc miễn phí (nhưng vẫn rất tốt). Trên Windows các bạn có thể cài các phần mềm như AVG Antivirus (AV), Avast Free AV, Avira AV, hay MS Security Essentials là các phần mềm miễn phí đã có uy tín và được đánh giá cao. Trên Mac OS X có thể kể đến Avast Free Antivirus, Avira Free Security, hay ClamXav.
Hầu hết các chương trình antivirus hiện nay khi được cài đặt đều có thể tự động cập nhật cơ sở dữ liệu virus của nó hàng ngày, thậm chí hàng giờ và bạn không cần phải thiết lập gì cả. Do vậy việc bảo vệ máy tính của mình chống lại virus cũng khá đơn giản như “đang giỡn” vậy.
7. Kích hoạt Firewall (Tường lửa):
Hiểu đơn giản, tường lửa ở đây mang ý nghĩa một hệ thống phần mềm giúp ngăn chặn các kết nối không mong muốn giữa máy tính với bên ngoài. Nếu không muốn cài thêm phần mềm tường lửa của bên thứ 3, bạn hoàn toàn có thể kích hoạt tính năng tường lửa có sẵn của hệ điều hành bạn đang dùng, bởi cả Mac OS và Windows đều có sẵn tính năng này đi kèm với hệ điều hành.
Trên Windows 7, bạn nhấp vào thanh "Start Menu", gõ "Windows Firewall", ở phía bên phải mục "Windows Firewall State" là "On" thì bạn không cần phải làm gì nữa. Trong trường hợp ngược lại, bạn chọn mục “Turn Windows Firewall on or off” và nhấp chọn vào biểu tượng tấm khiên màu xanh.
Trên Mac OS X, bạn mở “System Preferences”, dưới mục “Personal” chọn “Security” sau đó chọn panel “Firewall”, nếu có dòng chữ “Firewall On” ở bên cột trái thì nghĩa là Firewall đã kích hoạt, trong trường hợp ngược lại thì bạn nhấp vào nút “Start”.
Đối với phần mềm tường lửa của hãng thứ 3, trên Windows các bạn có thể tham khảo ZoneAlarm Free Firewall , hay Private FireWall (tất cả đều miễn phí). Trên Mac OS X có Little Snitch (có phí) hay Radio Silence (có phí). Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các bộ phần mềm có chữ Internet Security (ví dụ của BitDefender, Norton, Avira...) kết hợp cả tính năng của Antivirus và tường lửa trong một sản phẩm. Hãy nhớ giữ cho mình an toàn khỏi các cuộc tấn công trên mạng.
8. Sao lưu dữ liệu thường xuyên:
Không phải máy tính, mà chính là dữ liệu nó chứa mới thực sự mang nhiều giá trị đối với phần lớn người dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thường nghĩ đến việc sao lưu dữ liệu quý giá của mình. Do vậy, cần phải thay đổi thói quen đó. Có hàng đống chương trình sao lưu (backup) dữ liệu trên mạng cả có phí lẫn miễn phí cho bạn sử dụng. Trong trường hợp lười nhất, bạn chỉ việc đơn giản sao chép các tập tin/thư mục quan trọng sang một ổ cứng gắn ngoài hoặc tải lên mạng (Mediafire, Fshare...), thế là xong, không cần phải dùng phần mềm nào cả.
Ngoài ra, còn có một lựa chọn sao lưu dữ liệu tự động sử dụng các dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây nổi lên trong đôi ba năm gần đây như Dropbox, SugarSync, Google Drive, Skydrive.. rất tiện lợi. Với các dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây như thế này hệ thống sẽ tự động đồng bộ một/một vài thư mục xác định nào đó (do bạn thiết lập) theo thời gian thực lên trên mạng internet, bạn sẽ không cần phải bận tâm nhiều đến việc sao lưu dữ liệu của mình nữa.
Theo: Tinh tế