Chia Sẻ 10 điều giúp bạn sống hạnh phúc

Trang Dimple

New member
Xu
38
10 điều giúp bạn sống hạnh phúc
grab1468245051thuc_hanh_de_co_cuoc_song_hanh_phuc.jpg

1. Hãy rộng lượng

Nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn nhận thấy rằng, người nào chi tiền cho người khác, người đó cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với những người chi tiền cho bản thân.
Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh đến việc thực hành hạnh bố thí. Bố thí không chỉ đơn thuần là quá trình trao đổi của cải vật chất, mà trong Phật giáo, việc bố thí bao gồm những giá trị vô hình, đó là sự giáo dục, sự tự tin, và trí tuệ.

Trong kinh Tăng chi bộ có dạy: “Có ba yếu tố quyết định đến kết quả của việc bố thí, ba yếu tố đó là gì? Đó là: trước khi bố thí, người bố thí cảm thấy vui mừng; trong khi bố thí, người bố thí thấy tâm trí của mình sáng suốt, thanh tịnh; và sau khi bố thí, người bố thí cảm thấy hài lòng”.

2. Sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc mỗi ngày

autoestima.jpg


Cũng theo nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn: “Những người tham gia nghiên cứu đã dành thời gian để sống trọn vẹn với các sự kiện thông thường mà họ thường vội vã lướt qua, hoặc dành thời gian để ngẫm nghĩ lại những khoảnh khắc dễ chịu từ cuộc sống của họ. Và kết quả cho thấy có sự gia tăng đáng kể về hạnh phúc và giảm trầm cảm đối với những người đã tham gia vào cuộc nghiên cứu”.
Đấy là một minh chứng về một pháp hành cơ bản của Phật giáo - chánh niệm.
Khi chúng ta sống có chánh niệm, chúng ta sống trọn vẹn với hiện tại và thực sự chú tâm đến những trải nghiệm của chúng ta. Đi thiền hành, hay thậm chí là việc ăn cơm, đều là cách để chúng ta sống trọn vẹn với những khoảnh khắc mỗi ngày. Có mặt với hiện tại, chúng ta sống với hiện tại mà không bị ám ảnh về quá khứ hay tương lai, và điều này mang lại niềm hạnh phúc tuyệt vời.

3. Tránh so sánh

So sánh mình với người khác có thể gây tổn hại đến hạnh phúc và lòng tự trọng của mình. Thay vì so sánh mình với người khác, chúng ta hãy tập trung vào những thành quả của bản thân ta mà chúng có thể đem đến cho chúng ta sự hài lòng lớn hơn. Người Phật tử được khuyên nên tránh sự ngã mạn. Còn người phương Tây thì xem ngã mạn như là một cảm giác ưu việt.
Phật giáo cho rằng, ngã mạn bao gồm việc suy nghĩ rằng bạn thua kém so với những người khác, và bạn ngang bằng với những người khác! Theo Phật giáo, dù cho chúng ta sở hữu nhiều điều tốt đẹp cũng không nên so sánh mình với người khác bằng cách cho rằng mình tốt hơn hoặc bằng, hoặc kém hơn người khác.

4. Đặt tiền bạc ở vị trí thấp trong danh sách ưu tiên


Nhà nghiên cứu Richard Ryan nhận định: “Chúng ta càng tìm kiếm sự thỏa mãn trong của cải vật chất thì chúng ta càng ít được thỏa mãn. Sự hài lòng tồn tại rất ngắn ngủi, nó rất phù du”. Người nào đặt tiền bạc ở vị trí cao trong danh sách ưu tiên của họ thì người đó càng có nhiều nguy cơ bị trầm cảm, lo âu, và có lòng tự trọng thấp. Trong Phật giáo, Đức Phật không phản đối những người kiếm tiền, ngược lại, Ngài còn khuyến khích việc đó!
Lợi ích của đồng tiền là nó hỗ trợ cho nhu cầu vật chất của chúng ta, cho phép chúng ta mang lại hạnh phúc cho người khác, và với một người tu tập thì tiền hỗ trợ cho chúng ta trong quá trình tu tập chân chính. Theo Phật giáo, sự giàu có được đánh giá thông qua việc chúng ta dùng của cải của mình để hỗ trợ những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, đó là việc theo đuổi hạnh phúc, chân lý, và điều thiện. Theo Phật giáo, quan điểm cho rằng vật chất có thể mang lại hạnh phúc chân thật cho chúng ta là quan điểm sai lầm.

5. Có những mục tiêu ý nghĩa

Theo giáo sư của Đại học Harvard, Tal Ben Shahar: “Hạnh phúc nằm ở giao điểm giữa niềm vui và ý nghĩa”. Người Phật tử phải cố gắng đạt được sự tỉnh thức tâm linh, có nghĩa là phải tối đa hóa lòng từ bi và sự chánh niệm của chúng ta. Còn điều gì có thể ý nghĩa hơn điều này?

6. Chủ động trong công việc


Niềm hạnh phúc trong công việc phụ thuộc một phần vào vấn đề bạn chủ động được bao nhiêu. Nhà nghiên cứu Amy Wrzesniewski nói, khi chúng ta bày tỏ sự sáng tạo, giúp đỡ người khác, đề xuất những cải tiến, hoặc làm nhiệm vụ bổ sung trong công việc, là chúng ta làm cho công việc của mình hữu ích và tự chủ hơn.
Đức Phật dạy đệ tử của mình nên sống theo Chánh mạng. Và Đức Phật xem công việc như là một cách để thể hiện sự chủ động và trí thông minh.

7. Kết bạn và quý trọng gia đình

Tạp chí Yes ghi rằng: “Chúng ta không chỉ cần các mối quan hệ, mà chúng ta còn cần những người thân”.
Theo Đức Phật, tình bạn trong đời sống tâm linh là “toàn bộ đời sống tâm linh”. Mặc dù khi nói đến tình bạn trong đời sống tâm linh, mọi người thường nghĩ đến các vị Tăng Ni xuất gia, nhưng đối với những người cư sĩ tại gia thì các mối quan hệ gần gũi và yêu thương với những người khác cũng được khuyến khích. Theo Đức Phật, khoan dung, ái ngữ, làm lợi cho nhau, và nhất quán trong việc đối mặt với các sự kiện là những điều gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.

8. Nhìn vào mặt tích cực

Diener nói rằng: “Những người hạnh phúc thường thấy những khả năng, những cơ hội và sự thành công. Khi họ nghĩ về tương lai, họ rất lạc quan, và khi họ nhìn lại quá khứ thì họ có xu hướng vui với những điểm đáng quý của họ”.
Phật giáo không khuyến khích chúng ta có một cảm giác sai lầm về tính tích cực. Phật giáo khuyến khích sự tích cực thông qua những pháp hành, như là nói những lời ái ngữ và hữu ích, nơi mà chúng ta chú tâm tìm kiếm những điều tốt đẹp trong chính mình và nơi người khác. Sự biểu hiện mạnh nhất của việc này là Đức Phật dạy chúng ta phát khởi tâm từ bi ngay cả đối với những người đối xử tàn nhẫn với chúng ta:
“Này các Tỳ-kheo, ngay cả khi những kẻ cướp tra tấn quý vị một cách dã man, bằng tay và bằng chân, ngay lúc ấy, quý vị đừng để cho sự tức giận khởi lên trong tâm. Thậm chí sau đó quý vị nên tự nhủ với chính mình rằng: Tâm trí của chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng và chúng ta sẽ không nói những lời độc ác. Chúng ta sẽ vẫn giữ sự cảm thông thiện chí và không có sự thù ghét ở trong lòng. Chúng ta sẽ tiếp tục nghĩ về những người ấy với sự tỉnh thức giàu thiện chí, và bắt đầu với họ, chúng ta sẽ tiếp tục bao trùm khắp thế giới với sự tỉnh thức giàu thiện chí - dồi dào, rộng mở, vô lượng, hoàn toàn không có thù địch, không có ác ý. Đó là cách quý vị nên trau dồi bản thân”. (Trung bộ kinh)

9. Nói lời cảm ơn

Theo tác giả Robert Emmons: “Người nào giữ những ghi chép về lòng biết ơn hàng tuần thì người đó được khỏe mạnh, lạc quan hơn, và có nhiều khả năng đạt được những mục tiêu cá nhân”.
Đức Phật dạy rằng, trong những phẩm chất của con người thì lòng biết ơn là “sự bảo vệ cao nhất”, có nghĩa là nó bảo vệ chúng ta chống lại sự bất hạnh. Và: “Một người hoàn thiện là người biết ơn và đền ơn. Lòng biết ơn này được loài người văn minh tán dương”. (Tăng chi bộ kinh)
Lòng biết ơn giúp chúng ta định hướng cuộc sống của mình với điều lành, để chúng ta có nhiều khả năng sống trên lộ trình dẫn đến hạnh phúc và an lạc.
the-nao-la-du-cho-1-cuoc-song-hanh-phuc-avt.jpg


10. Hãy hòa mình vào thiên nhiên và tập thể dục


Một nghiên cứu của Đại học Duke cho thấy rằng, tập thể dục có thể có hiệu quả như việc dùng thuốc trong điều trị trầm cảm mà ở đấy không hề có tác dụng phụ và không tốn kém gì cả.
Thời Phật còn tại thế, chư Tăng đều sống trong rừng, các tịnh xá đều được xây dựng trong những khu vườn rừng. Đối với việc tập thể dục, trong kinh điển của Phật giáo khuyến khích việc đi bộ và thực tập thiền hành (thiền đi bộ). Thiền hành vốn là một trong những pháp môn tu tập quan trọng trong đạo Phật. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật đã đề cập đến những lợi ích của việc đi bộ: “Này các Tỳ-kheo, có năm lợi ích từ việc đi bộ. Những gì là năm? Một, tạo sức bền cho những chuyến đi dài. Hai, phù hợp với sự phấn đấu. Ba, ít bệnh tật. Bốn, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn được tốt. Năm, sự điềm tĩnh đạt được từ việc đi bộ được kéo dài.
Này các Tỳ-kheo, đấy là năm lợi ích của việc đi bộ”.

Tác giả: BODHIPAKSA
Minh Nguyên dịch
(Theo Wildmind)
 

Thế nào gọi là “đủ” để có một cuộc sống hạnh phúc
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, xã hội phát triển nhanh đến mức con người thường quên đi những giá trị giản đơn tạo ra hạnh phúc. Dẫu họ đạt được nhiều thứ hơn nữa, có cuộc sống đầy đủ hơn nữa nhưng vẫn thật khó để khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Họ luôn than phiền rằng mình bất hạnh, mình không thể may mắn như mọi người… nhưng họ nào đâu biết rằng cuộc sống họ đang sống, đang than phiền đó là cuộc sống mong ước của bao nhiêu người bất hạnh khác.

Nếu cứ mãi than phiền, phàn nàn, cảm thấy mọi thứ không công bằng với mình thì cuộc sống của chúng ta chỉ toàn ngột ngạt và mệt mỏi. Tại sao phải chịu đựng nhiều muộn phiền đến vậy khi những điều tốt đẹp đang ở ngay bên cạnh mình. Có một cuộc sống vui vẻ, thoải mái thật ra rất đơn giản, tất cả đều phụ thuộc vào suy nghĩ của ta mà thôi. Đừng phức tạp hóa vấn đề, đừng lúc nào cũng âu sầu khổ não mà hãy mở lòng mình ra với mọi người xung quanh, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp biết bao.

Một hôm, khi Thượng Đế đang đi dạo xung quanh khu vườn của mình, bỗng Ngài nhận thấy hầu hết các loài cây cỏ đều không có sức sống, gục đầu ủ rũ. Ngài tỏ ra rất ngạc nhiên và đến bên một cây đa cao lớn hỏi han.

Cây đa buồn bã hỏi Ngài: “Tại sao con không thể ngan ngát hương thơm giống như hoa bách hợp?”.

Nghe vậy, Ngai bèn tới thăm hoa bách hợp, chợt nghe thấy cây hoa cũng than phiền: “Vì sao con không thể kết quả giống như cây sung?”.

“Thường xuyên than phiền, phàn nàn, cảm thấy cuộc sống không công bằng sẽ luôn sống trong bầu không khí ngột ngạt và mệt mỏi”

Khi Ngài đi đến cây sung, cây sung khóc lóc nói: “Vì sao con không được diễm lệ giống như đoá hoa hồng?”.

Thượng Đế tỏ ra buồn bã với những lời than vãn oán trách không ngớt khắp mọi nơi quanh khu vườn.

Sau đó, Ngài quay đầu rời đi, chợt Ngài nhìn thấy ánh sáng phát ra từ một góc khuất bé nhỏ bên cạnh gò đá. Thì ra đó là cây cỏ non đang ưỡn ngực đón nắng mai và vui mừng đung đưa theo gió. Thượng Đế bèn hỏi cây cỏ rằng: “Điều gì khiến con vui vẻ như vậy?”

Cây cỏ non trả lời rằng: “Bởi vì con được sinh ra để làm một cây cỏ!”.

Thượng Đế lại hỏi: “Vì sao con lại thích làm cỏ?”.

Cây cỏ non trả lời: “Bởi là cỏ, con có thể kết bạn với trăm ngàn loài cây khác nhau. Từ sáng sớm tinh mơ tới đêm tối mịt mùng, con không bao giờ cảm thấy cô đơn, quanh năm suốt tháng cũng không biết thế nào là phiền não hay khổ đau… Con cũng chẳng cần phải so đo được mất với bất cứ ai. Sáng ngước đầu ngắm mặt trời mọc, đêm cúi đầu nghe sương sớm thì thầm, thư thái nhìn sắc mây, nhảy múa cùng ngàn gió, vui đùa cùng tiếng chim ca, sống đời đời hạnh phúc…

Vậy nên, con chỉ đang tận hưởng cuộc sống mà một cây cỏ cần có mà thôi!”.

the-nao-la-du-cho-1-cuoc-song-hanh-phuc-4.jpg


Cuộc trò chuyện của Thượng Đế và các loài cây cỏ trong khu vườn của mình cho thấy nếu chúng ta cứ tiếp tục than vãn và oán trách, chẳng phải chúng ta đã tự đánh mất hạnh phúc đó sao. Vì sao chúng ta vẫn luôn đau khổ, buồn phiền? Đó là vì chúng ta đã lấy hạnh phúc của người khác để trừng phạt chính mình. Tại sao chúng ta không hưởng thụ hạnh phúc mà mình đang có.

Thượng Đế đã luôn hào phóng ban cho chúng ta nhiều phúc phận, đáp ứng rất nhiều ước nguyện. Nhưng chúng ta lại đem đi so sánh với người khác để rồi đổi lại sự đau khổ dằn vặt cho bản thân. Thay vì mãi nhìn vào thứ người khác có, tại sao không học cách trân quý những thứ ở hiện tại.

Mỗi một người đều có hoàn cảnh, một xuất thân khác nhau, đừng vì so đo với người khác mà tự làm tổn thương chính mình. Cuộc sống không chỉ dựa vào tranh giành mà có thể có được hạnh phúc và may mắn. Đừng để lòng tham thay đổi bản chất của mình, hãy dũng cảm đối mặt với mọi điều khó khăn trong cuộc sống. Có như vậy chúng ta mới thực sự là làm chủ được mình và có cuộc sống hạnh phúc, tự do tự tại.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top