Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ
PGS.TS. Bích Thu
Phòng Văn học Việt Nam đương đại
Phòng Văn học Việt Nam đương đại
Bên cạnh một Lưu Quang Vũ - nhà thơ, kịch tác gia nổi tiếng còn có một Lưu Quang Vũ - nhà văn, là tác giả của gần 30 truyện ngắn nghiêng về cấu trúc tự sự trữ tình. Với tư duy nghệ thuật thiên về miêu tả chất thơ của hiện thực và con người, có thể nói chất thơ là nhân tố quan trọng tạo nên cảm quan nghệ thuật, cá tính nghệ sĩ và hiệu quả thẩm mỹ trong truyện ngắn của Lưu Quang Vũ. Nói đến sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ, không thể không nói đến truyện ngắn, một thể tài góp phần làm đầy đặn hơn chân dung văn học của Lưu Quang Vũ đồng thời cho thấy một khía cạnh khác của tài năng sáng tạo nơi ông.
Trong công cuộc hiện đại hoá văn học nửa đầu thế kỷ XX, không thể không nói tới đóng góp của loại hình văn xuôi trữ tình, được khơi nguồn từ Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Đỗ Tốn... Khác với loại hình văn xuôi trào phúng, tả thực, văn xuôi trữ tình là một loại hình phức hợp. Nó thu hút, dung nạp những tố chất, những thể loại khác nhau tạo thành tính lưỡng phân, khó khu biệt rạch ròi. Có thể nói nó được manh nha từ những tiền đề gợi ý của phương thức trữ tình. Đây là hình thức thơ trong văn xuôi bởi có sự xâm thực khá mạnh của các yếu tố thơ vào văn xuôi, khiến văn xuôi tự sự trở thành những áng thơ văn xuôi đầy ám gợi và quyến rũ. Tính lưỡng phân ở cấp độ đồng đẳng giữa thơ và văn xuôi cũng như sự đan xen giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn, giữa tính tự sự và trữ tình đã dệt nên đặc trưng thẩm mỹ riêng biệt, khó lẫn cho loại hình này.
Trải qua thử thách của thời gian và quá trình tiếp biến văn học, dòng văn xuôi trữ tình đã làm phong phú và tô đậm bảng màu thẩm mỹ của văn xuôi nghệ thuật. Những hậu duệ của Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh... được tiếp nối và bổ sung với Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu, Lý Biên Cương, Nguyễn Thị Như Trang, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư... Trong số đó, Lưu Quang Vũ là một cây bút mang phong cách trữ tình khá tiêu biểu ở thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.
Truyện ngắn của Lưu Quang Vũ về cơ bản vẫn mang những đặc điểm của một tác phẩm tự sự nhưng lại bao gồm những đoạn mang tính chất trữ tình, những suy nghĩ nội tâm giàu giá trị biểu cảm. Trên nền móng cấu trúc của tác phẩm tự sự, người kể chuyện không phải ẩn náu hoặc khách quan hoá vai trò của mình mà đã cùng hiện diện để dành tối ưu cho khả năng tự biểu hiện và bộc lộ cảm xúc trữ tình. Truyện ngắn Lưu Quang Vũ do vậy có ưu thế biểu cảm hơn là miêu tả, nặng về biểu hiện chủ quan hơn là tái tạo khách quan. Tiến trình văn học hiện đại đã chứng kiến sự thâm nhập của văn xuôi vào thơ ca, thậm chí lấn chiếm lãnh địa độc quyền của thơ ca. Song sự xâm nhập theo chiều ngược lại của thơ vào văn xuôi cũng không phải là hiếm và điều này được coi như là một dấu hiệu biến đổi tất yếu của truyện ngắn hiện đại. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, một trong những đặc điểm đáng chú ý của truyện ngắn hiện đại là “gần với thơ, truyện ngắn hiện đại chấp nhận những truyện ý nghĩa của truyện không phải là ở cốt truyện mà ở không khí, tâm trạng bàng bạc trong truyện”(1).
Nhìn chung truyện ngắn của Lưu Quang Vũ mang đậm chất thơ. Chủ thể sáng tạo đã nhìn thế giới xung quanh qua lăng kính của thơ. Trung thành với hồn thơ của mình, Lưu Quang Vũ tránh xa những cốt truyện gay cấn, những xung đột căng thẳng, đã từ chối việc kiên nhẫn lần theo sự hình thành các tính cách tuần tự, lớp lang mà thiên về nắm bắt những khoảnh khắc đáng nhớ của đời người: một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một tình huống ngẫu nhiên, một sự vỡ lẽ, thức nhận, một trải nghiệm cay đắng, những dằng xé nội tâm, những trăn trở, lựa chọn, những hồi ức và kỷ niệm gợi thức những hoài vọng, những nối tiếc về quá khứ, những khát vọng sống thật nhân bản và có ích cho hiện tại và mai sau. Chính từ những điều thoáng qua, tưởng không đâu vào đâu đã âm thầm hiện hình, mỗi lúc một sắc nét, gợi nên những ám ảnh, giăng mắc với người đọc (Hoa xuyến chi, Tiếng hát, Đứa con, Anh Thình, Anh Y, Con người nhũn nhặn, Bạn già, Mùa hè đang đến).
Với những chất liệu của đời sống thường ngày, Lưu Quang Vũ đã tìm ra những điều có ý nghĩa trong truyện ngắn của mình. Sau mỗi câu chuyện người đọc tìm thấy một niềm tin, một thoáng cười vui, một chút ngậm ngùi xa xót, một sự quý trọng nâng niu từng chút tốt đẹp trong cuộc đời, trong mỗi con người, làm giàu có và phong phú thêm cho đời sống tâm hồn mình, rồi ra nó sẽ trở thành chất liệu kịch bản của Lưu Quang Vũ sau này.
Có thể nói truyện của Lưu Quang Vũ đến với người đọc một cách yên ả, không ồn ào, nó mang vẻ đẹp mong manh, dung dị của loại “hoa xuyến chi” - một loài hoa cúc dại đã đi vào ký ức của nhà văn. Lưu Quang Vũ thường nhìn vào những việc nhỏ nhặt, xoàng xĩnh thường ngày, vậy mà sau mỗi câu chữ, nhịp điệu, ta đã tìm thấy từ các trang viết của ông những lời thì thầm yêu dấu và sâu sắc. Ngay từ những sáng tác vào thời điểm đất nước trong buổi giao thời từ chiến tranh sang hoà bình, ở thơ cũng như ở văn xuôi, Lưu Quang Vũ đã dự cảm một sự thật, đó là thời chúng ta đang sống có vô số những điều tốt đẹp, lớn lao nhưng cũng rất buồn ở chỗ nó vẫn đang thiếu tính nhân hậu, sự thành thật trong từng việc lớn nhỏ, trong những bước đi của thời gian. Lúc này, cái cần thiết hơn bao giờ hết với con người nói chung là phải biết xấu hổ. Chính những trăn trở mang tính hướng thiện và nhân văn đó đã làm nên cốt cách sáng tạo ở Lưu Quang Vũ và nó chỉ ra một hướng đi đúng, làm nên những trang văn xuôi mang hơi hướng của riêng ông.
Nói đến chất trữ tình trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ không có nghĩa là nói đến sự áp đảo, sự lấn át của trữ tình hay là sự trữ tình hoá phương thức tự sự mà ở đây là nói đến sự hoà trộn, đan xen giữa chất thực và chất thơ, giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn làm cho truyện ngắn của ông trở nên uyển chuyển, tinh tế có khả năng diễn đạt một cách sâu sắc thế giới nội tâm của con người. Chất thực đi vào truyện ngắn Lưu Quang Vũ không có cái xô bồ, sôi sục như trong truyện ngắn của Lê Lựu, Triệu Bôn lúc bấy giờ mà nó như một hiện thực được chuyển hoá, biến thái, được lắng lọc qua những sắc thái nội cảm của người viết. Những vấn đề của lịch sử, xã hội được nhìn nhận qua tâm hồn con người và qua tâm hồn con người mà dòng chảy đời sống được tái hiện (Thị trấn ven sông, Mười hai ngày của đời tôi, Người đưa thư, Những người bạn, Một đêm của giáo sư Tường...).
Có thể thấy ở trong thơ cũng như ở truyện ngắn, Lưu Quang Vũ đã bộc lộ sự nhạy cảm bản năng gần như một thứ trực giác, một tố chất có tính bẩm sinh của phẩm chất nghệ sĩ đã giúp ông viết thành công ở cả hai khuynh hướng hiện thực và lãng mạn. Sự kết hợp hài hoà này tạo nên một thứ văn xuôi thực mà ảo, rõ ràng mà mơ hồ, không chịu yên phận ở một khuôn khổ đã định sẵn. Từ Thị trấn ven sông, Chuyện nhỏ sớm mùa thu đến Chuyện về anh, Anh Y, Con người nhũn nhặn là một sự vận động từ xúc cảm mang màu sắc lãng mạn đến nghiền ngẫm, suy tư mang màu sắc thế sự, nhân sinh. Nhưng điều đáng nói ở đây là ngay trong cấu trúc nội tại của từng truyện đều có sự pha trộn giữa chất thực và chất thơ. Yếu tố hiện thực trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ là sự thể hiện các vấn đề xã hội, đời sống thông qua tâm trạng, cảm xúc chủ quan. Chính điều này đã tạo độ sâu cho việc nắm bắt và chiếm lĩnh đời sống không sa vào miêu tả và phản ánh ở bề nổi, ở bên ngoài.
Truyện ngắn Lưu Quang Vũ vì thế là truyện ngắn hướng nội, nó thường được triển khai từ điểm nhìn của nhân vật, gắn với kiểu loại nhân vật tự nhận thức, tự vấn. Đó là những nhân vật giàu trải nghiệm và đầy tâm trạng, luôn sống trong trạng thái “tĩnh mà động”, lúc nào cũng như “cây trước thềm xao xác giữa ngày yên” (Ý Nhi). Nhân vật Oanh, một nữ bác sĩ trong Tiếng hát đã từng hạnh phúc với người chồng của mình, là một kỹ sư có vị trí nhất định trong xã hội. Những tưởng ngày vui và tình yêu sẽ theo chị đến cùng. Hàng ngày chồng chị luôn săn sóc, chăm lo cho cuộc sống đôi lứa của hai người và Oanh sẽ cứ yên lòng với tổ ấm của mình nếu như không phát hiện ra chồng có quan hệ với một cô gái khác. Chị cảm thấy quanh mình tất cả bỗng sụp đổ. Và từ đây, giữa chị và anh đã xuất hiện một khoảng trống không dễ lấp đầy. Mặc dù chồng Oanh đã xin chị tha thứ, thú nhận đã lừa dối chị nhưng quan hệ đó theo anh chỉ là cơn mưa bóng mây, chỉ là nhất thời, với anh, chị vẫn là tất cả. Thế nhưng lòng tự ái trong chị vẫn lớn hơn lòng vị tha, chị đã không cho anh có cơ hội làm lành. Chị đã sống những ngày buồn bã, cô quạnh trong căn phòng đã từng là tổ ấm của mình. Và trong những ngày không anh, chị đã tự đối thoại với cái tôi của mình: “Chỉ yêu nhau thôi không đủ. Người ta không thể chỉ đi tới nhau. Bởi nếu như vậy, khi tới được nhau rồi, sẽ là chấm hết. Người ta phải cùng đi tới một cái gì khác, một cái gì đẹp, một cái gì lạ, một cái gì hữu ích. Người ta chỉ có thể yêu nhau, có ích cho nhau khi người ta cùng có ích cho người khác”. Tự trong sâu thẳm lòng mình, Oanh cũng tự cảm thấy mình có lỗi. Chị đã quá yên lòng về sự có mặt của anh trong căn phòng của mình mà không biết anh có thật thoả mãn với công việc, với cuộc sống phẳng lặng mỗi ngày hay thực ra “anh vẫn đơn độc ngay cả khi ở bên chị”(2).
Với Hà Vân (Đứa con), một sinh linh bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng, được Diệp, một cô gái trẻ không nỡ để đứa bé không cha không mẹ đã đem về nuôi. Diệp lấy chồng. Hà Vân được coi như đứa con đầu lòng của họ. Sau đó Diệp sinh hạ thêm một con gái và một con trai. Chúng sống với nhau như chị em ruột. Không khí đầm ấm, yên vui của gia đình họ cứ thế trôi qua cho đến năm Hà Vân tròn 15 tuổi, được dự lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh. Cô giáo ở Bộ về dạy rất có thiện cảm với tư chất và tính nết của Hà Vân. Rồi do một sự ngẫu nhiên, cô giáo dạy văn đã biết đến những bí mật về gốc tích của Hà Vân. Nhưng chuyện sẽ đơn giản hơn nếu chồng của cô giáo không phải là cha ruột của Hà Vân. Khi cha đẻ của Hà Vân thấu tỏ ngọn nguồn thì người phụ nữ sinh ra đứa bé cũng biết tin giọt máu mình bỏ rơi năm nào đã được vợ chồng Diệp nuôi nấng khôn lớn. Và ở đây, câu chuyện trở nên phức tạp khi mẹ đẻ của Hà Vân lấy chồng, một người đàn ông giàu có nhưng cả hai lại không thể có con được nữa. Như vậy là sự hiện diện của Hà Vân khuấy động cuộc sống của 6 người lớn, đặc biệt với chồng của cô giáo, với vợ của một thương nhân và với vợ chồng Diệp. Đứa con là truyện ngắn khá tiêu biểu cho cái nhìn của nhân vật tự vấn, tự thú. Điểm nhìn này phơi mở các trạng thái tâm lý, soi rọi vào những ngóc ngách của thế giới nội tâm, khiến lời tự thú của nhân vật mang vẻ thành thật, cảm động. Bao năm qua, lương tâm người bố đẻ của Hà Vân “cứ dằn vặt không yên” dù đã có gia đình vợ con yên ổn, còn mẹ đẻ của Hà Vân dù đã có một đời sống sung sướng bên người chồng giàu có vẫn không nguôi ngoai ân hận đã chối bỏ đứa con của mình. Tất cả đều đã phải trả giá cho những lầm lỡ của tuổi trẻ. Ở đây, điểm nhìn của nhân vật tôi, nhập vai người kể chuyện đã tựa vào điểm nhìn nhân vật, tạo ra sự hoà nhập giữa người kể chuyện với nhân vật, qua lời nói thể hiện sự tự nhận thức sau những trải nghiệm của nhân vật cô giáo: “... Khi chúng tôi đã chung sống với nhau, quá khứ của người này, những đúng sai vui buồn của người này cũng là của người kia. Và tôi cũng nghĩ: con người ta không ai sinh ra đã hoàn thiện, có thể hôm qua người ta có những yếu đuối, bạc nhược, vô trách nhiệm, hôm nay muốn được sửa chữa lại, hôm qua chưa là mình, hôm nay mới là mình, hoàn chỉnh, đúng đắn hơn... Tại sao lại không thể làm điều đó? Tại sao đã sai một lần là cứ phải sai mãi, suốt đời không được cứu vãn, sửa chữa lại”(3). Có thể nói, quan niệm của nhân vật trong truyện Đứa con cũng chính là quan niệm nghệ thuật về con người của Lưu Quang Vũ. Ngay từ ngày đó, một trong những nhân vật bình thường nhất trong Những người bạn đã đối diện với chính mình, thành thật với chính mình trong những lời tự thú mang tính dự cảm: “Luật lệ thì mơ hồ, có thể giải thích theo nhiều cách, ắt người ta phải áp dụng theo cách nào có lợi cho mình nhất. Miếng ăn trước miệng ngon quá, dễ dàng quá, có thể lờ đi một lần, nghị lực với mình được một lần, mười lần, nhưng đến lần thứ mười một... không thể lúc nào cũng là ông thánh, nhất là tôi”... “Các anh đòi hỏi người ta phải là những bậc anh hùng. Có thể anh hùng năm năm, mười năm nhưng mấy ai anh hùng được suốt đời?”(4).
Làm điều tốt là một truyện mang tinh thần phản biện. Làm điều tốt dễ hay khó? Lòng tốt thực sự phải như thế nào? Môi trường và mỗi thành viên trong xã hội có ủng hộ, khích lệ người làm điều tốt hay không? Đây là một truyện ngắn mang ý nghĩa đạo đức, nhân sinh sâu sắc, thể hiện bản lĩnh thâm trầm của người viết. Trong cuộc đời, có lẽ đây là vấn đề luôn ám ảnh Lưu Quang Vũ, và ông đã thể hiện nó không chỉ trong truyện mà trong kịch bản văn học của mình. Ở một số truyện của Lưu Quang Vũ: Làm điều tốt, Chuyện về anh người ta nhận ra hơi hướng của Nam Cao, nhà văn hiện thực tâm lý xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ở Làm điều tốt, Lưu Quang Vũ tỏ ra am hiểu tâm lý người đời, làm việc tốt không phải dễ. Người ta nghi ngờ cả những người làm điều tốt. Và lý do không làm điều tốt là phải đổ trách nhiệm cho người khác, để đỡ phải gánh “hậu hoạ” do làm việc tốt “gây” nên. Vợ chồng Thao trong Làm điều tốt đã đưa người thiếu phụ mới sinh nở từ tỉnh lẻ về nhà nghỉ tạm để tìm người nhận đứa bé còn đỏ hỏn của chị làm con nuôi. Nhưng anh chị mới chỉ kịp cho người thiếu phụ bất hạnh đó ăn nghỉ tại nhà mình mấy tiếng đồng hồ đã bị người ngoài nhìn vào với nhiều ngờ vực, thậm chí còn khuyên anh chị không nên cưu mang hai mẹ con người thiếu phụ. Trước sự khuyên can của mọi người, vợ chồng Thao đã phải nghĩ lại việc muốn giúp đỡ hai mẹ con người lạ và tìm mọi lý lẽ “mời” họ ra khỏi nhà mình để người thiếu phụ tự xoay xở lấy tình cảnh của mình. Sau khi hai mẹ con bồng bế nhau ra đường giữa buổi tối mưa gió, Thao cảm thấy ân hận, rồi: “bỗng thấy giận và khinh mình vô cùng, mà nỡ xử sự như vậy? Làm điều tốt, nhưng không có gan làm đến cùng! Xưa nay mình vẫn thế, rốt cuộc chỉ là môt kẻ dở dương, một người tốt trong an toàn, một người tốt nửa vời...”(5).
Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện. Ở truyện ngắn mang đậm chất trữ tình của Lưu Quang Vũ, tình huống không nhằm thúc đẩy hành động của nhân vật mà thường có vai trò khơi nguồn, chớp lấy những khoảnh khắc bất ngờ để tìm hiểu và lý giải những xung động của tâm trạng và biến thái của tinh thần nhân vật. Tình huống tâm trạng hay tình huống khơi mở tâm lý là tình huống đặc trưng nhất trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Nhân vật tôi trong Hoa xuyến chi luôn ám ảnh về những bông cúc dại mà Lán, người con gái đầu đời của anh gọi là hoa xuyến chi. Từ ngày đầu gặp Lán cho đến sau này, trong tâm trí nhân vật luôn hiện ra một hình ảnh kép: Lán và hoa xuyến chi. Gia đình của nhân vật tôi và Lán vẫn thầm mong cho anh và Lán nên duyên phận. Vậy mà có những sự tình cờ làm thay đổi cả đời sống của con người. Nhân vật “tôi” về Hà Nội làm ở một tờ báo ngành quen với Kim Yến - một cô gái có vẻ đẹp thị thành quyến rũ. Vẻ đẹp của Kim Yến đã hút hồn anh và hai người nhanh chóng làm lễ cưới rồi nhanh chóng chia tay. Sau một thời gian ngắn sống với Kim Yến, nhân vật “tôi” mới nhận ra Lán với vẻ đẹp của loài hoa đồng nội mới chính là tình yêu đích thực của mình. Nhân vật “tôi” dù đã biết sống mạnh mẽ và vững chãi hơn cũng “không thể lấy lại được, - dù chỉ là một khoảnh khắc - quãng thời gian đã mất đi; tôi đã không tìm lại được Lán...”(6).
Qua lời kể của nhân vật tôi trong truyện Anh Thình, nếu không có tình huống anh Thình xin đi dân công, tạm xa cái xóm nhỏ ở thượng nguồn con sông Thao, dân cư thưa thớt, còn xa lạ với ánh sáng văn minh thì nhân vật tôi và bà con xóm Vực sẽ không hình dung được thế nào là “chiếu bóng” mà anh Thình đã được chứng kiến từ những ngày ấy. Với những hiểu biết ban đầu về chiếu bóng cộng với tâm huyết và sự “sáng tạo” của mình, anh Thình đã “tổ chức” một buổi chiếu bóng làm bà con trong xóm xôn xao, cái xóm Vực “dễ chưa bao giờ có một đêm náo nhiệt đến thế”. Cái ấn tượng đầu tiên được xem chiếu bóng, được làm quen với nghệ thuật điện ảnh “trò múa hát sau tấm vải nhựa mà anh Thình cho chúng tôi xem” đã khiến nhân vật tôi đến với điện ảnh, trở thành một đạo diễn sau này. Còn anh Thình, với lòng say mê nghệ thuật năm nào đã mơ ước được ra Hà Nội, vào làm ở một đoàn văn công. Tuy đã không thực hiện được ước mơ của mình vì hoàn cảnh và sức lực nhưng “ngọn lửa thầm lặng từng được nhen lên và tắt đi trong lòng họ” thật đáng được quý trọng và ghi nhớ. Ở đây Lưu Quang Vũ đã xây dựng được một nhân vật chứa nhiều số phận, nó sinh ra không để phản ánh mà “vĩnh cửu hoá” những gì nó gặp trên đường đi từ tác phẩm đến bạn đọc.
Trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ, người đọc bắt gặp nhiều dạng thái của tình huống. Có tình huống bất ngờ tạo nên bi kịch (Người kép đóng hổ), tình huống nhân vật tự nhìn lại mình trong truyện Con anh Mậu. Anh Mậu là một người bố luôn tự hào biết dạy con theo phương pháp mà anh dày công tham khảo khi đón đứa con trai 9 tuổi từ quê lên sống với bố ở Hà Nội. Đứa bé rất ngoan, lễ phép, chiều nào cũng xin phép bố đi học nhóm. Nhưng thực ra, sau khi tan học buổi sáng trên lớp, chiều nào thằng bé cũng đến Hợp tác xã sản xuất tăm làm việc để gửi tiền về cho mẹ và các chị ở quê đỡ vất vả. Khi biết kết quả học càng ngày càng sút kém của con nhưng lại là người vót tăm đạt năng suất cao, anh Mậu mới tự nhìn lại cách dạy dỗ con của mình. Một nhà nghiên cứu xã hội học như anh thường quả quyết tự tin, cho mình là giàu có về kiến thức, hiểu biết về mọi thứ trên đời lại “mù tịt, không hiểu tí gì về đứa con lên 9 tuổi sống liền bên cạnh anh?”. Cũng trên ý nghĩa này, tình huống nhận thức lại chính mình và người khác, lật tẩy thói xấu tiềm ẩn trong con người được đội lốt là những con người tốt mà theo cách gọi ngày nay, đó chính là những “hèn đại nhân” được thể hiện rõ trong một loạt truyện: Anh Y, Người nhũn nhặn, Chuyện về anh. Đó là nhân vật sống theo kiểu trung tính, nhạt nhẽo, thiếu thành thật với lương tâm và với mọi người, đứng tên công trình của người khác lâu dần tưởng là công trình của mình, đó chính là thời khắc để cả người vợ cũng phải quay lưng lại với anh (Người nhũn nhặn). Còn nhân vật Y sống giả dối, khôn khéo mà vẫn giữ được sự yên ổn, tránh mọi rắc rối mà vẫn được tiếng là người khí khái, trong sạch khiến chung quanh ai cũng phải nể phục. Nhưng thực chất đó là người ngại va chạm, chỉ biết sống vụ lợi ích kỷ, khi bị phát hiện ra “gót chân Asin” là chuyển đến cơ quan khác rồi lặp lại chu kỳ sống tạo uy tín giả cho mình (Anh Y).
Chuyện về anh dựng nên một kiểu người có thói quen nói xấu người khác, luôn làm người khác thất vọng. Tâm lý con người ta khi chê người khác, thấy mình giỏi hơn, cao hơn họ. Nhân vật người kể chuyện xưng tôi cũng đã ám nhiễm thói tật của nhân vật, thậm chí còn phụ hoạ với những lời chê bai của anh: “Phủ nhận thành quả của người khác, dè bỉu, cười giễu những thất bại của họ, dường như cái thân phận mờ nhạt của mình được an ủi rất nhiều”(7). Nhưng trớ trêu ở chỗ, khi nhân vật quen nói xấu, chê bai bị bệnh nặng phải vào bệnh viện, ở tình thế này lẽ ra nhân vật tôi phải động viên bệnh nhân tin ở các bác sĩ. Đằng này, khi vào thăm anh, nhân vật tôi lại nói một hơi về những tiêu cực của ngành y và thầy thuốc một cách hể hả như hai người đã thường nói với nhau. Và đây là lần đầu tiên, người bệnh, bạn vong niên của nhân vật “tôi” phản ứng với những lời chê bai, vì tính mạng anh đang nằm trong tay các thầy thuốc. Hoá ra anh cũng cần đến sự giỏi giang và thành công của người khác: “Sự thành công ấy giờ liên quan đến chính mạng sống quý báu của anh. Anh như người ngã xuống sông đang tha thiết bấu víu lấy cái phao người ta ném xuống cứu mình, vậy mà tôi định giằng lấy của anh, anh không tức giận sao được?”(8). Có thể nói các nhân vật sống theo kiểu “nhũn nhặn” kể trên vẫn đang hiện diện trong cuộc sống hôm nay, điều ấy cho thấy ý nghĩa thời sự của truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Và có thể phải nói đến tính dự báo của truyện ngắn Lưu Quang Vũ trong Mùa hè đang đến. Một chàng kiến trúc sư sống theo kiểu “nghệ sĩ”, không nghĩ đến hiện tại, chăm lo cho hiện tại mà chỉ hướng về tương lai một cách viển vông, phi thực tế. Với hơi hướng luận đề, Lưu Quang Vũ đã nhấn mạnh ý nghĩa: “Một người chẳng làm được điều gì hữu ích cho chính những người thân ở cạnh mình, cụ thể là vợ mình, thì cũng chẳng mong gì anh ta làm được điều hữu ích cho những người khác”... “Nếu chẳng có ích cho bây giờ cũng chẳng có ích cho mai sau, chẳng có ích cho bao giờ hết”(9).
Những đoạn kết trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ là những kết thúc mở, thường có dấu ba chấm thể hiện một sự tiếp diễn, chưa hoàn kết, còn nói được rất nhiều điều, mở ra cho người đọc cơ hội liên tưởng và đồng sáng tạo. Và đây là một kiểu kết thúc đầy gợi thức và đa nghĩa: “Những cơn mưa giông đầu tiên đã ì ầm tiếng sấm ở phía xa. Tiếng sấm còn như ngập ngừng, rụt rè nhưng đã đủ báo cho người ta biết mùa hạ đang tới, mùa hạ nồng nhiệt, mạnh mẽ, nghiêm khắc và không nhân nhượng...”(10).
Một nhà văn nước ngoài đã nói: “Mỗi người viết văn xuôi thực thụ phải biết thấu đáo thơ và hoạ”(11). Lưu Quang Vũ đã hội tụ trong mình những điều kiện cần và đủ đó. Hơn hai mươi năm trôi qua, đọc lại truyện ngắn Lưu Quang Vũ, càng đọc càng thấy được sự chín tới của một phong cách sớm ổn định, thiên về trữ tình. Truyện ngắn Lưu Quang Vũ đi từ tài hoa của thời Hương cây (Thị trấn ven sông, Một chuyện sớm mùa thu...) đến một chỉnh thể truyện ngắn đa tầng nghĩa (Anh Thình, Anh Y, Mùa hè đang đến...). Là người không chỉ “mê thơ” mà còn “mê truyện ngắn”, hai thể loại này đã chi phối cảm hứng sáng tạo và bút pháp thể hiện của Lưu Quang Vũ. Khi “không thể nói hết được bằng thơ, Lưu Quang Vũ đã viết truyện ngắn”. Với hai tập truyện ngắn Người kép đóng hổ, Mùa hè đang đến, và sau này là Tuyển tập 15 truyện ngắn, Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ tài năng và bản lĩnh sáng tạo không chỉ ở truyện ngắn mà ở các lĩnh vực khác như kịch bản văn học, chân dung diễn viên và thơ. Trong cảm quan nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, các thể loại này đã xâm thực và bồi đắp nên một Lưu Quang Vũ đa tài, là chủ sở hữu một gia tài văn chương đã đi vào đời sống tinh thần của dân tộc với những tác phẩm còn mãi với thời gian...
___________
(1) Văn học và học văn. Nxb. Văn học, 1997, H, tr.113.
(2), (5), (6), (7), (8) 15 truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Nxb. Hội Nhà văn. H,1994, tr.144, 180, 230,186,191.
(3), (4), (9), (10) Mùa hè đang đến. Nxb.. Tác phẩm mới, H, 1984, tr.155, 195-196, 108, 112.
(11) K. Pauxtôpxki: Một mình với mùa thu. Nxb. Tác phẩm mới. H, 1984, tr.17.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2008