A. PHẦN MỞ ĐẦU
Hôme là một người con đặc biệt của Hi Lạp thần thánh, đất nước của các vị thần bất tử, đất nước của những sáng tạo thần thoại đặc sắc, vô song. Vượt qua sự mù lòa, tật nguyền, ông thắp sáng bầu trời văn học Hi Lạp nói riêng và của nhân loại nói chung bằng thứ ánh sáng huyền diệu của hiểu biết, của trí tuệ với trường ca “ Ôđixê” nổi tiếng muôn đời. Tác phẩm thu hút người đọc từ xưa đến nay là ở những cuộc phiêu lưu mang đậm yếu tố hoang đường, kì ảo của Uylix. Đó là những vùng đất xa xôi, bí hiểm, kì diệu, lạ lùng…mà người anh hùng đặt chân đến như hòn đảo của những người khổng lồ một mắt Xiclốp, của nữ phù thủy Xiêcxê, nơi cửa ngõ âm cung thần Hađex, nơi đảo thần của tiên nữ Calipxô và xứ sở người Phêaxi giàu có. Chưa kể những câu chuyện về hai con quỉ Karip và Xila, về các nhân ngư Xiren với giọng hát tuyệt vời, về sứ sở của thần gió, thần mặt trời… khiến cho người đọc từ người lớn đến trẻ con đều thú vị. Có thể nói, cả một thế giới kì diệu, huyền ảo diễn ra trươc mắt ta thật khác xa với cuộc đời thực. Nhưng đằng sau những huyền ảo ấy lại lấp lánh ánh sang của trí tuệ con người, của sức mạnh con người chiến thắng mọi trở lực của tự nhiên và xã hội. Và cũng qua đó cái khát vọng mãnh liệt của con người muốn khám phá, hiểu biết, muốn thử thách và đấu tranh để làm chủ thế giới đã được bộc lộ rõ ràng. Như vậy, có thể khẳng định rằng, cái làm nên giá trị trong trường ca “Ôđixê” của Hôme được thể hiện trên nhiều phương diện nghệ thuật đặc sắc và phong phú khác nhau mà yếu tố hoang đường, kì ảo cũng là một đóng góp không nhỏ.
Bàn về tính bền vững của yếu tố kì ảo Valery có một ý rất hay : “ Có tác phẩm văn học nào bền vững hơn là những sáng tạo văn chương kì ảo. Cái ảo và cái thần kì lại còn giàu nhân tính những con người hiện thực”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “ Văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết…Trong văn học, thế giới hoang tưởng nhà văn dựng nên có thể như thực, giống thực, khác thực và siêu thực…”
Chọn đề tài “ yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca “ Ôđixê” của Hôme, tôi muốn tìm hiểu rõ hơn về các hiện tượng thần linh, ma quỉ quái dị, khác lạ, phi thường, siêu nhiên và đồng thời cũng muốn hiểu rõ hơn về Hôme – một thiên tài nghệ thuật như nhà lí luận mĩ học Nga V.G Bielinxki đánh giá: “ Thiên tài nghệ thuật của Hôme là một cái lò nung, qua đó những tảng quặng thô sơ của truyền thuyết dân gian và thơ ca được nấu chảy ra thành những thứ vàng nguyên chất”. Hi vọng với những hiểu biết của mình và những gì tìm hiểu qua tác phẩm cũng như bài viết của các nhà nghiên cứu, tôi sẽ làm rõ được yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca “ Ôđixê” của Hôme.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Sử thi Hi Lạp mà kết tinh cao nhất là sử thi Hôme là một thành tựu quan trọng của nền văn học cổ đại Hi Lạp. Hai thiên sử thi mà “ khó có tác phẩm nào so sánh được” ấy quả “ chỉ có thể do một thiên tài từ nhân dân mà ra, một thiên tài đúc kết từ tinh hoa và trí tuệ của nền văn học dân gian phong phú và của cuộc sống mãnh liệt giàu tính chiến đấu của người Hi Lạp cổ đại”. Hôme cũng như bản trường ca “Ôđixê” đã, đang và sẽ là nguồn đề tài phong phú lôi cuốn sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu. Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các nhà phê bình, nghiên cứu lớn trên thế giới nghiên cứu về Hôme như nhà Hi Lạp học nổi tiếng người Pháp Pôn Mazông hay Flasơlie. Ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều người nghiên cứu về Hôme và sử thi Ôđixê.
Thành công bước đầu phải kể đến là công trình dịch thuật trọn bộ “ Iliát và Ôđixê”, nxb Văn học, Phan Thị Miến. Ngoài ra còn có cuốn “ Thần thoại Hi Lạp”, 2009, nxb Văn học, Nguyễn Văn Khỏa. Đây có thể nói là những công trình dịch thuật rất công phu.
Song song với việc dịch thuật là về nghiên cứu. Đặng Anh Đào đã có công trình nghiên cứu về tác gia Hôme với cuốn “Văn học phương Tây”, xuất bản 2004. Trong cuốn sách này, tác giả đã giới thiệu về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của Hôme, về những giá trị mà Hôme để lại cho nhân loại.
Tác giả Lê Nguyên Cẩn trong cuốn: “ Hợp tuyển văn học Châu Âu”, xuất bản 2002, ngoài việc phác thảo chân dung Hôme còn tìm hiểu về những biện pháp kĩ thuật của sử thi Hôme. Cạnh đó, ông còn ghi lại được các đánh giá về Hôme qua các thời đại khác nhau.
Lưu Đức Trung với cuốn: “ Giáo trình văn học thế giới”, xuất bản 2007, đã đi sâu nghiên cứu về Hôme và sự nở rộ của sử thi Hi Lạp. Hai thiên sử thi “ Iliát” và “ Ôđixê” được ông tìm hiểu, phân tích những nét đặc sắc ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
Như vậy, các công trình nghiên cứu nói trên chỉ mới giới thiệu về tác giả Hôme và đi vào nghiên cứu giá trị nội dung, nghệ thuật của hai bản trường ca một cách chung chung, tổng thể mà chưa có một bài viết nào nghiên cứu toàn diện, trọn vẹn về yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca “Ôđixê” của Hôme. Trên cơ sở tiếp thu những bài viết, công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, tôi mạnh dạn đi sâu tìm hiểu đề tài này. Do sự hạn chế về tài liệu và sự hiểu biết chưa sâu nên đề tài của tôi chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót nhưng hi vọng rằng đây cũng sẽ là những kiến thức bổ ích cho những ai yêu và muốn tìm hiểu về Hôme cũng như sử thi “ Ôđixê” của ông.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca “ Ôđixê” của Hôme .
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là văn bản tác phẩm “ Ôđixê” trong cuốn “Thần thoại Hi Lạp”, 2009, nxb Văn học do Nguyễn Văn Khỏa dịch.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài “ Yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca “ Ôđixê” của Hôme” là một đề tài hấp dẫn và mới mẻ, lí thú nhưng đầy khó khăn. Việc nghiên cứu đề tài này được tiến hành bằng những phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm:
Tôi căn cứ vào những nét chính về cuộc đời, thời đại của tác giả đồng thời dựa vào văn bản tác phẩm để tìm hiểu cụ thể.
- Phương pháp thống kê:
Thứ nhất, tôi thống kê những bài viết, bài nghiên cứu của các tác giả về Hôme và sử thi “ Ôđixê” để tham khảo một số ý kiến từ những công trình nghiên cứu đó làm tư liệu cho bài viết.
Tiếp theo, tôi thống kê những tình tiết, sự kiện quan trọng trong tác phẩm có liên quan đến vấn đề nghiên cứu theo những nhóm khác nhau cùng phục vụ cho một ý lớn trong nội dung của đề tài để làm sáng tỏ vấn đề một cách toàn diện, khách quan.
- Phương pháp phân tích:
Sau khi đã thống kê những chi tiết, sự kiện quan trọng trong tác phẩm, tôi tiến hành đi sâu phân tích chúng để chứng minh, giải thích cho những đề mục chính và nội dung của toàn bộ đề tài.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu:
- Phương pháp tổng hợp và nâng cao vấn đề:
- Phương pháp nhận xét, đánh giá:
5. Giới thuyết thuật ngữ
* Thuật ngữ kì ảo:
Thuật ngữ kì ảo ( fantastic) xuất hiện trong tiếng Anh trung cổ vào thế kỉ XIV ( tiếng Pháp: fantastique, tiếng Latin: phantasticus), nó được bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp. “ Phantasticus” có nghĩa là “ tạo ra những hình ảnh thuộc về tinh thần” và chữ “ phantazein” có nghĩa là “ xuất hiện trong tâm trí.
Trong lịch sử văn học nhân loại, yếu tố kì ảo đã ra đời từ rất sớm ( trong các sáng tác folklore) nhưng dòng văn chương kì ảo mang hình thức hiện đại chỉ mới phát triển trong vòng hai thế kỉ lại đây. Khái niệm yếu tố kì ảo cũng như quan niệm về văn chương kì ảo vẫn chưa tìm được sự thống nhất.
Theo định nghĩa của “ Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê, nxb Đà Nẵng, 1998) thì “ Kì ảo là kì lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng”. Và tất nhiên, một tác phẩm văn chương kì ảo phải có những yếu tố siêu nhiên, kì lạ, hư ảo, huyễn hoặc trong nhân vật, cốt truyện, chủ đề tạo nên những phản ứng nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ. Trong “ Dẫn luận về văn chương kì ảo” T. Todorov cho rằng cái kì ảo giống như một giới hạn bất định giữa cái kì diệu (merveilleux) với cái kì lạ ( étrangé). A.Marino lại suy luận “ cái kì ảo chỉ có thể ra đời từ bản thân trí tưởng tượng ( fantaisie)”. Nhưng theo nhà nghiên cứu Roger Caillois thì “ cái kì ảo là cái không thể cắt nghĩa được bằng lí tính từ điểm nhìn của chúng ta, với tầm nhận thức thực tại. Nó không chỉ biểu hiện quan niệm của tác giả về thế giới đa chiều và mang tâm linh; sự hữu hình hóa cái ác, xấu xa và những ước mơ, khát vọng về các giá trị chân, thiện, mỹ mà còn thể hiện cảm hứng nhận thức lại thực tại và đem đến triết lí thẩm thấu trong tác phẩm.
Ở nước ta những năm gần đây cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu về yếu tố kì ảo. Lê Nguyên Cẩn trong “cái kì ảo trong tác phẩm Banzac” ( nxb Giáo dục, 1999) cũng đưa ra định nghĩa “cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nó hiện diện dưới hình thức thần linh, quái dị, ma quỉ, khác lạ, phi thường, siêu nhiên”. Phùng Hữu Hải trong bài “Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975” cũng cho rằng “ yếu tố kì ảo không phải là cái gì hư vô bên ngoài con người mà nó được bắt nguồn từ chính thế giới tưởng tượng, tinh thần, thế giới nội tâm bí ẩn của con người”.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng yếu tố kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng khó xảy ra trong thực tế. Nó thường nằm ngoài tư duy lí tính của con người nhưng lại có mối quan hệ với bản chất của cái có thật trong đời sống. Yếu tố kì ảo góp phần cùng với các yếu tố nghệ thuật khác để xây dựng cốt truyện, nhân vật hướng đến việc bộc lộ chủ đề tư tưởng tác phẩm. Chính các sắc thái thẩm mĩ của yếu tố kì ảo không hề làm giảm giá trị hiện thực của tác phẩm mà nó còn cung cấp cho chúng ta cách nhận diện về cuộc sống, làm gia tăng điểm nhìn nghệ thuật và các chiều tiếp cận hiện thực.
* Thuật ngữ trường ca
Theo Lê Bá Hán, 2009, Từ điển thuật ngữ Văn học, nxb Giáo dục, trường ca là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình. Trường ca ( pòeme) cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi ( epopee) thời cổ và thời trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả.
Cho đến nay người ta đã biết nhiều dạng thể loại trường ca: trường ca anh hùng, trường ca châm biếm, trường ca có cốt truyện lãng mạn, trường ca mang tính kịch – trữ tình…Được coi như nhánh chủ đạo của thể lọai là những trường ca thể hiện đề tài lịch sử toàn dân hoặc đề tài lịch sử toàn thế giới ( đề tài tôn giáo) của Viếc-gin, Thần khúc của Đan-tê…Một nhánh khác, rất có ảnh hưởng trong lịch sử thể loại là trường ca với những đặc điểm cốt truyện lãng mạn ( Dũng sĩ áo da hổ của Sô-ta Rút-xta-ven-li, Chàng Rô-lăng cuồng nộ của L.A-ri-ô-xtô) vốn gắn với truyền thống tiểu thuyết hiệp sĩ trung đại. Dần dần trong trường ca các đề tài cá nhân, triết lí đạo đức được đề lên hàng đầu, các yếu tố kịch- trữ tình được tăng cường, các truyền thống dân gian được phát hiện và khai thác. Đây là đặc điểm của các trường ca tiền lãng mạn ( của Gi. Mác-phéc-xơn, U. Xcốt). Thời thịnh vượng của trường ca là thời chủ nghĩa lãng mạn, nhiều trường ca có giá trị xuất hiện ở nhiều nước. Các tác phẩm trường ca chiếm vị trí đỉnh cao của thể loại thời kì này thường nghiêng về tính triết lí- xã hội ( Gi. Bai – rơn, A. Pu – skin, A. Mi – xki – ê- vích, M. Léc- man-tốp, H. Hai-nơ). Cuối thế kỉ XX, lúc thể loại đang suy thoái vẫn xuát hiện một số trường ca xuất sắc, đồng thời vẫn có những trường ca theo xu hướng hiện thực ( N. Nhê- cra- xốp).
Sang thế kỉ XX, trường ca phát triển theo hướng trữ tình không có cốt truyện, các xúc cảm cá nhân thường gắn với các chấn động lịch sử lớn lao (các trường ca của V.Mai-a-cốp-xki, X. Ê-xê-nhin, P.Ê-luy-a…)
Ở Việt Nam các truyện thơ dài như Truyện Kiều, Tiễn dặn người yêu…được gọi là truyện thơ, các tác phẩm trữ tình dài được gọi là ngâm khúc. Tên gọi “trường ca” một thời dung chỉ các sử thi dân gian như Đăm Săn, nay thường được dung để chỉ sang tác thơ dài của các tác giả như Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn, Theo chân Bác của Tố Hữu.
6. Cấu trúc đề tài
Để giải quyết những mục đích và nhiệm vụ mà đề tài đặt ra ở đề tài này của tôi ngoài phần mở đầu và phần kết luận còn có hai mục lớn của phần nội dung:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương 2: Yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca “ Ôđixê” của Hôme
[FONT="]
[/FONT]
B. NỘI DUNG
1.1.[FONT="] [/FONT]Những cơ sở lịch sử, xã hội của anh hùng ca Hôme
Cuộc chiến tranh thành Tơroa là có thật. Một sự thật lịch sử được cường điệu và tô điểm bởi thần thoại, mặc dầu có thể không xảy ra vì đôi mắt đẹp của nàng Hêlen như Hôme kể.
Từ “ Hi Lạp” hay “ người Hi Lạp” là những từ mà người La Mã dùng để chỉ đất nước và nhân dân này thời kì họ chiếm đóng Hi Lạp. Còn trước đó, thời Hi Lạp cổ điển, thì người Hi Lạp được mệnh danh là “ Hêlennơ” ( Hellènes), những người dân của Helađơ ( Hellades) có cùng tuyến văn tự kí hiệu là “ B”. Trong Iliát của Hôme thì những người Hêlennơ này còn là một dân tộc ở phía nam xứ Texali, những thần tử của Asin và còn có tên gọi là người Miêcmiđông. Và cũng trong trường ca Iliát, Hôme dùng ba tên: Akêen, Acgiêng và Đanaen để gọi những chiến sĩ Hi Lạp trong đội quân của Agamemnông đi đánh Tơroa. Tên dùng nhiều hơn cả là những người Akêen. Đó là những người Hi Lạp nổi tiếng “ Hi Lạp acoi”, tiếng nói được ghi lại không chỉ là “chữ” mà là “ từ” trên những mảnh đất nung mà tài liệu khảo cổ học đã tìm thấy ở đảo Crét trong cung điện Knôxôx, ở Ácgôlit trong thành Mixen và ở Mixeni trong đô thị Pilôx, nghĩa là ở quê hương của các anh hùng Iđômênê, Agamemnông và Nexto, những nhân vật trong trường ca Iliát.
Vào giữa thế kỉ XV tr.CN, những người Akêen có những chiến thuyền hùng mạnh đã đặt chân lên đảo Cret, xâm chiếm Knôxôx. Đảo Cret bị chinh phục nhưng những kẻ đi chinh phục lại tìm thấy ở đấy một nền văn minh cao hơn nền văn minh của họ và cũng giống như người La Mã sau này khi chinh phục Hi Lạp, người Hi Lạp đã tiếp thu, phát triển nền văn minh này. Đó là nguyên nhân ra đời nền “văn minh Akêen” hay thường gọi là nền “ văn minh Mixen”, gọi theo tên thành bang Mixen vương giả của Agamemnông. Trong Iliát, chàng Iđômênê của đảo Cret chỉ là một “ triều thần” của Agamemnông.
Cuối cùng những cuộc viễn chinh của người Akêen mở rộng về phía đông nhất là về phía đảo Sip và vùng Tiểu Á, ở đó có thành bang Tơroa còn gọi là thành Iliông. Vị trí địa lý có ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng của thành bang này cũng như sự giàu có, của cải vô vàn của nó khiến nó đã trở thành cái đích tấn công của các chiến thuyền Akêen. Có thể trong thực tế người Hi Lạp đã lấy cớ là một hoàng tử của thành Tơroa bắt cóc một cô em dâu của nhà vua thành bang Mixen để tấn công thành hay câu chuyện nàng Hêlen Hi Lạp bị chàng Đông Juăng Parix của phương Đông quyến rũ, chỉ là một hư cấu của thần thoại.
Cuộc chiến tranh thành Tơroa kéo dài trong 10 năm và kết thúc với mưu mô con ngựa gỗ của Uylix ( trong thần thoại). Theo các học giả nó đã xảy ra khoảng 1183 hoặc 1280 tr.CN. Trong thế kỉ XVIII và gần như cả thế kỉ XIX, các nhà khoa học ở Châu Âu chưa có những hiểu biết gì nhiều về những cơ sở lịch sử, xã hội của nền văn hoá Hi Lạp cổ đại cũng như về anh hùng ca của Hôme. Ngày nay khoa học khảo cổ đã đưa ra những bằng chứng chính xác về nền văn minh cổ Hi Lạp và về lịch sử xã hội của thời đại Hôme. Những nền văn minh cổ Hi Lạp ( Cret, Mixen) còn để lại nhiều dấu ấn rõ dệt trong các anh hùng ca của Hôme.
Qua những chứng cứ khảo cổ học, ta thấy nền văn minh Cret và Mixen thuộc về thời đại đồ đồng, kim loại sắt đã có nhưng còn hiếm và quí. Người Đôriêng từ phía bắc tràn xuống chinh phục Hi Lạp đã đem theo những dụng cụ bằng sắt thường dùng. Người Akêen đã bị kẻ xâm lược mới này đánh đuổi, chạy sang vùng bờ biển Tiểu Á. Nơi ấy các thành bang Iôni và Eôlit còn giữ được, qua hàng thế kỉ, câu chuyện về những anh hùng Akêen và những chiến công lừng lẫy của họ. Những người hát rong đã biến những câu chuyện kể này thành những khúc ca chiến trận và vinh quang. Đó là nguồn gốc của sự hình thành những thiên anh hùng ca Hi Lạp cổ đại.
1.2[FONT="] [/FONT]. Phác thảo chân dung Hôme
Theo những cứ liệu cổ nhất mà người biết được về Hôme thì nhà thơ Hi Lạp lớn nhất này được sinh ra tại Chios. Ông được sinh ra bởi người phụ nữ mồ côi và được đặt tên là Mélesigene –tên một dòng sông. Phémios, một thầy giáo đang giảng dạy môn thể thao của thành bang đó, đã nhận Crétéides – mẹ ông làm người phục vụ và đưa hai mẹ con về sống với ông ta. Ông mong chờ ở đứa trẻ này một điều duy nhất hơn tất cả là chú bé khi lớn lên sẽ tỏ ra có những năng khiếu khác thường đối với nghệ thuật.
Rất nhanh chóng, Mélesigene gây được ấn tượng cảm tình thích thú vì sự nhanh nhẹn, hoạt bát, linh lợi của chú, không chỉ với các cư dân Smyme mà còn với những lữ khách đến đây để buôn bán, đến đây vì công việc. Trong số này có một ông chủ tàu lớn, tên là Mentes, một con người có học vấn, nhạy cảm đã dành cho Mélesigene một cảm tình đặc biệt và nói rằng sẽ có ích cho chú nếu chú đi du ngoạn và học hỏi trực tiếp ở các xứ sở và con người ở các sứ sở ấy. Chàng trai đã bị thuyết phục hoàn toàn và đi du ngoạn khắp nơi. Tới Ithaque sau chuyến đi Tây Ban Nha và Italia, anh bị đau mắt phải ở lại nhà người bạn thân Mentor, một người giàu có và hiếu khách. Ở Ithaque, Mélesigene học được rất nhiều bản sử thi, đặc biệt là các tình tiết về những cuộc phiêu lưu của Uylix. Anh đã nhập tâm một cách đầy đủ và hứng thú. Khi Mentes trở lại Tthaque, Mélesigene đang được chữa bệnh, và cho dù bệnh về mắt vẫn chưa khỏi, song anh đã quyết định tiếp tục cuộc du lịch bằng đường biển cùng với anh ta. Cho tới Colophon, nhà thơ lâm bệnh lần thứ hai và căn bệnh về mắt vốn chưa được chữa khỏi hẳn đã tái phát dữ dội hơn. Lần này nhà thơ vĩnh viễn mù hẳn. Ở Smyme được ít lâu, ông quyết định trở về Cumes.
Trong ngôn ngữ xứ Cumes, từ mù lòa được đọc là homeros. Nhà quí tộc quyền uy của thế giới cổ đại đã định danh nhà thơ một cách miệt thị từ bình diện này. Nhưng có thể nói, chính ông ta đã đặt cho nhà thơ một biệt danh mà với biệt danh đó, ông sẽ mãi mãi tồn tại cùng với văn hóa văn minh Hi Lạp.
Sau khi phải rời xa Cumes, Hôme bắt đầu cuộc đời trôi dạt, lang thang. Tại Phocée ông gặp Testorides – người đứng đầu một trường học. Ông ta đã biếu nhà thơ nhà cửa để đổi lấy một bản chép tay tất cả các tác phẩm mà nhà thơ đã sáng tác được cho đến khi đó và cả những bài mà nhà thơ sáng tác trong thời gian ở đó. Hôme chấp nhận và viết Tiểu Iliát và Vùng Phoxid. Nhưng Testorides để nhà thơ ở lại một mình và ông ta trở lại Chios. Tại đó, ông ta công bố các bài thơ của Hôme mà ông coi là của mình. Nhờ vậy Testorides trở nên nổi tiếng và đã thu được nhiều thành công lớn. Khi Hôme được thông báo về cách thức mua danh hèn hạ này, nhà thơ quyết định đi đến Chios ngay. Tại vùng ngoại ô Bolissos, một người mục đồng tên là Glaucos đã tiếp đón ông, đề nghị ông làm thầy dạy con họ. Ở đây, Hôme đã sáng tác nhiều tác phẩm khác và trở nên nổi tiếng tới mức Testorides phải cao chạy xa bay khỏi xứ sở này. Nhà thơ cưới vợ và có được hai con gái. Rất có thể là thời kì này Hôme đã sáng tác Ôđixê. Nhân dân Hy Lạp từ mọi miền đổ xô đến để chiêm ngưỡng và thưởng thức tài nghệ của ông. Nhà thơ quyết định đi sang Hi Lạp lục địa nhưng khi đang ở hòn đảo Ios thì ông lâm bệnh nặng không qua khỏi và chết tại đây.
Câu chuyện trên đây được kể lại trong bản tiểu sử thường được coi là của Herodote.
1.3.[FONT="] [/FONT]Sự nghiệp sáng tác của Hôme
Sự nghiệp sáng tác của Hôme khá đồ sộ nhưng phần lớn đã bị thất lạc, duy chỉ còn hai bản trường ca Iliát và Ôđixê là lưu lại tương đối hoàn chỉnh.
1.3.1.[FONT="] [/FONT]Trường ca Iliát
Iliát gồm 24 khúc ca với độ dài 15.693 câu thơ, kể lại câu chuyện xảy ra đối với liên quân Hi Lạp trong khoảng năm mươi ngày cuối cùng của năm thứ mười của cuộc chiến Hi Lạp – Tơroa.
Đề tài của Iliát có thể tóm tắt như sau:
Một tướng lĩnh Hi Lạp là Asin cãi cọ với người quyền thế cao hơn mình là Agamemnông và vì bị bắt mất nàng Brizêix nên chàng không tham gia chiến trận. Sự vắng mặt của chàng khiến quân Akêen suýt nữa bị chiến bại và không còn có cơ hội trở về Hi Lạp vì các chiến thuyền của họ đã bị Hecto, người dẫn đầu quân Tơroa đốt cháy. Trước tình hình ấy, dù đang giận hờn, Asin cũng cho bạn chàng là Patorôclơ mượn áo giáp và vũ khí để ra trận. Patorôclơ bị Hecto giết chết. Nỗi đau thương và khát vọng trả thù đã khiến Asin quay lại chiến trường và chàng đã giết chết Hecto. Bản trường ca kết thúc với lễ mai táng Hecto.
Có thể nói, đây là bài ca chiến trận ca ngợi phẩm chất tập thể vô song của các chiến binh thời cổ đại. Phẩm chất tập thể này có cả ở quân đội Tơroa lẫn quân đội Hi Lạp. Nhà thơ Hôme đã ca ngợi phẩm chất này ở hai bên như nhau, không thiên vị. Từ đó, cuộc chiến dữ dội trên chiến trường trở thành cuộc đua tài, đấu sức giữa các bộ lạc. Sức mạnh nổi bật ở đây được thể hiện qua hình tượng Asin, hình tượng người anh hùng bộ lạc, là biểu tượng của sức mạnh thể chất của người Hi Lạp.
1.3.2.[FONT="] [/FONT]Trường ca Ôđixê
Tác phẩm này gồm 12.110 câu thơ và được chia làm 24 khúc ca như Iliát. Ôđixê nghĩa là bài ca về chàng Ôđixếuyt ( Odysseus) một tên gọi khác của Uylix ( Ulysse). Nguồn gốc đề tài bắt nguồn từ truyền thuyết cuộc chiến thành Tơroa và dựa vào câu chuyện cuộc trở về quê hương Itác ( Ithaque) của Uylitxơ làm cốt truyện cơ bản.
Sau khi Hecto, dũng tướng của thành Tơroa bị giết chết thì quân Hi Lạp cũng chưa thể hạ nổi thành Tơroa. Tiếp đó không lâu, Paris người đã chiếm đoạt người đẹp Hêlen và gieo mầm cho cuộc chiến, bằng tài thiện xạ của mình đã bắn xuyên thủng gót chân Asin, chỗ yếu nhất của Asin và giết chết Asin. Uylix trở thành người kế tục Asin và là người có phẩm chất trí tuệ cao cả mà ngay ở trong Iliát, Uylix được miêu tả là có trí tuệ sánh ngang thần Dớt. Bằng cách dùng mưu con ngựa gỗ Uylix đã chiếm được thành Tơroa, cướp bóc và triệt phá đô thành giàu có này. Sau khi phân chia tù binh và chiến lợi phẩm, các dũng tướng Hi Lạp trở về thành bang của mình. Riêng Uylix, sau mười năm lênh đênh trôi dạt, đoàn thuyền mười hai chiếc cùng với gia nhân đã bị tan tác do gặp nhiều tai nạn chỉ còn mỗi Uylix sống sót trở về Itác.
Như vậy, nếu Iliát là “ bản anh hùng ca chiến trận” của thời kì chiến tranh bộ tộc, thời kì chiến tranh là “ một phương tiện kiếm lợi thông thường” thì Ôđixê phản ánh thời kì người Hi Lạp đã ổn định và đang đem hết tâm sức của mình ra để xây dựng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Trong Iliát, câu chuyện lập công tập thể được miêu tả, còn ở Ôđixê, chỉ là câu chuyện của một người, nhưng người đó là đại diện tiêu biểu cho trí tuệ Hi Lạp, tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần của người Hi Lạp. Asin là hình ảnh tiêu biểu của sức mạnh thể xác còn Uylix là sức mạnh trí tuệ, là phẩm chất trí tuệ Hi Lạp. Cả hai tạo ra chỉnh thể sức mạnh Hi Lạp, trở thành biểu tượng con người Hi Lạp.
Chương 2: Yếu tố hoang đường, kì ảo trong trường ca Ôđixê của Hôme
2.1. Cốt truyện hoang đường, kì ảo
Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt ( Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng, 1998) thì “ kì ảo là kì lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng”. Và tất nhiên, một tác phẩm văn chương kì ảo phải có những yếu tố siêu nhiên, kì lạ, hư ảo, huyễn hoặc trong cốt truyện để tạo nên những phản ứng nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ.
Ôđixê là người anh hùng đã nghĩ ra cái mưu “Con ngựa thành Tơroa”. Chàng có cái tên Uylix. Sau khi quân Hi Lạp hạ được thành Tơroa, các dũng tướng cùng với quân sĩ của mình lần lượt trở về quê hương Hi Lạp. Biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra làm cho họ khi trở về đến quê hương mười phần mất bảy, chin phần còn ba. Nhưng trong số những cuộc trở về ấy thì hành trình của người anh hùng Uylix là gian nan, vất vả, ba chìm bảy nổi hơn cả.
Các vị thần đều biết việc Uylix gặp hoạn nạn, khó khăn nhưng chưa biết làm cách gì để cứu vớt người anh hùng ngoài việc bày tỏ lòng thương xót. May thay, một dịp tốt đến.
Hôm đó, các vị thần Ôlanhpơ theo lệnh của Dớt được triệu tập đến họp. Đấng phụ vương Dớt mở đầu cuộc họp bằng những lời phàn nàn rẳng những người trần thế bất cứ việc gì cũng qui tội, đổ lỗi cho thần linh mà thực ra thì do chính sự dại dột của họ vì không nghe lời răn bảo của thần thánh nên họ mới xảy ra bao tai họa.
Dớt nói xong, nữ thần Atêna bèn lên tiếng trách móc đấng phụ vương sao lại đi thương xót cho số phận của người khác mà quên mất Uylix, một người anh hùng đã từng dâng biết bao lễ vật hậu hĩnh cho Dớt, một người anh hùng mà số phận còn đáng được các vị thần quan tâm đến rất nhiều.
Nghe nữ thần Atêna nói như vậy, thần Dớt liền thanh minh. Thần nói cho nàng rõ, tất cả mọi chuyện đều không do mình. Thần vẫn không hề quên Uylix là người anh hùng thông minh, mưu trí hơn hết mọi người trần và là người anh hùng dâng lễ vật nhiều nhất cho các vị thần trên bầu trời cao xa, bát ngát. Cuối cùng Dớt và các vị thần đều nhất trí đồng thanh tán thưởng, nhân lúc Pôdâyđông – người luôn ôm hận báo thù Uylix vì anh đã chọc mù mắt con trai thần – đi vắng đã họp, quyết định cho Uylix được đoàn tụ. Nữ thần Atêna được cử đến đảo Itác để báo tin cho Têlêmác – con trai Uylix đi tìm cha. Và thần Hécmét được cử đi báo tin cho Calipxô biết quyết định của Dớt tối cao. Câu chuyện Têlêmác đi tìm cha được kể từ khúc ca I đến khúc ca IV.
Đồng thời, cũng trong các khúc ca đó người vợ Pênêlốp của Uylix đang đứng trước một tình thế nguy hiểm. Nàng phải đối mặt với 108 kẻ cầu hôn xảo quyệt và phải nghĩ ra những mưu mẹo để chống trả. Khúc ca V cho biết Uylix rời đảo của Calipxô và bị thần biển Pôdâyđông giáng bão tố, trôi dạt vào xứ sở người Phêaxi.
Tại đây nhà vua Ankinôôt đối xử với Uylix rất tử tế và công chúa Nôxica cũng đem lòng cảm mến người anh hùng. Uylix được nghe khúc hát ca ngợi chiến công con ngựa gỗ, ca ngợi chính mình thì anh rất cảm động và rơi lệ. Được biết người khách do bão tố mang đến chính là Uylix, nhà vua Ankinôôt đã khẩn khoản yêu cầu người anh hùng kể lại cuộc phiêu lưu của chính mình ( khúc ca VI – VIII).
Toàn bộ cuộc phiêu lưu của Uylix từ khi rời thành Tơroa đến khi dạt vào đảo của tiên nữ Calipxô, được kể lại từ khúc ca IX đến khúc ca XII. Trước hết đoàn thuyền gặp bão, bị thổi dạt vào xứ sở Lôtôphagiơ ở Bắc Phi, rồi trôi dạt tới xứ sở người khổng lồ một mắt – Xiclốp. Uylix phải đấu mưu, đấu lực với gã khổng lồ Pôliphem, chọc mù con mắt duy nhất của hắn và cứu được đồng đội thoát chết.
Thoát Xiclốp họ rơi vào xứ sở Letrigông – xứ sở của bọn ăn thịt người, rồi xa vào phù thủy Xiêcxê, bị biến thành lợn. Uylix trí xảo bắt Xiêcxê trả lại kiếp người cho bạn bè và đi vào cõi âm để hỏi tin tức quê hương gia đình. Họ vượt qua vùng biển của các tiên cá Xiren dùng giọng hát du dương để bắt người và vượt qua vùng Carip và Xila nguy hiểm. Đoàn thuyền của Uylix tới đảo của thần Mặt trời và do đã tự ý giết đàn bò của thần để ăn thịt nên cả đoàn, trừ Uylix không ăn, đã bị giết chết. Uylix còn lại một mình lưu lạc tới đảo của Calipxô.
Câu chuyện được kể lại say sưa và hấp dẫn. Để trả ơn, Ankinôôt đã cho người đưa Uylix trở về quê hương. Lúc này, tại Itác quê hương người anh hùng, 108 kẻ cầu hôn đang tìm mọi cách ép buộc Pênêlốp. Khúc ca XIII đến khúc ca XV, hai cha con gặp nhau tại nhà người chăn lợn Ơmê, nhận ra nhau và cùng bàn định kế hoạch trả thù bọn cầu hôn. Tiếp đó là việc thực hiện kế hoạch trả thù, giành lại quyền chủ nhân hợp pháp được kể lại từ khúc ca XVI đến khúc ca XXIII. Vợ chồng đoàn tụ sau hai mươi năm xa cách, khúc ca XXIV là cảnh Uylix gặp lại cha già. Trong cảnh gia đình đoàn viên ấm cúng như vậy, gia đình của những kẻ cầu hôn bị giết kéo đến đòi nợ máu. Nữ thần Atêna xuống cho mọi người biết quyết định của Dớt cho Uylix được phép đoàn tụ với người thân và buộc gia đình của bọn cầu hôn phải chấm dứt mọi hành động trả thù. Người anh hùng lưu lạc Uylix trở lại vị trí thủ lĩnh – vua của đảo Itác như xưa.
Như vậy, chuyện được kể trong Ôđixê là câu truyện trở về quê hương của Uylix. Đây không phải là chuyến đi suôn sẻ bình thường mà là một chuyến đi đầy rẫy những thăng trầm, nguy hiểm với sự xuất hiện của các vị thần, của thế giới quỉ sứ…Cái không bình thường đó tạo ra sự li kì, hấp dẫn, độc đáo riêng của thiên sử thi này.
2.2. Thế giới hình tượng nhân vật kì ảo
Sử thi chịu ảnh hưởng của thế giới quan thần linh chủ nghĩa bởi lẽ nó là sự nối tiếp thần thoại, nó bước từ thế giới thần linh sang thế giới con người, nó tạo ra cái nhìn đậm màu sắc thần kì bao quanh các nhân vật sử thi. Bức tranh do sử thi tạo dựng thường mang tính hoành tráng, kì vĩ với các yếu tố hoang đường, kì ảo, với sự xuất hiện của các vị thần, của thế giới quỉ sứ…
2.2.1. Người anh hùng Uylix với sức mạnh siêu nhiên và “ trí tuệ sánh tựa thần linh”
Ôđixê cũng giống như Iliát trước hết giới thiệu với chúng ta một Uylix anh hùng dũng tướng với sức mạnh siêu nhiên. Hôme đã khéo léo miêu tả sức mạnh vật chất của chàng qua sự kiện thi bắn cung – chiếc cung của Uylix mà 108 tên cầu hôn đã không ai giương nổi. Ơrimac – con người danh tướng cao lớn, to khỏe như thần xưa nay chưa từng chịu bó tay qui hàng trong những cuộc đua tranh ráng hết sức kéo dây cung cho căng để có thể khi buông tay làm mũi tên bay đi nhưng ba lần hắn dùng hết sức của cách tay kéo dây cũng là ba lần hắn chịu thất bại. Uylix – lão già ăn mày rách rưới cầm lấy dây cung, tay trái đưa lên ngang vai, tay phải cầm dây cung kéo mạnh. Dây cung căng ra và rít lên như tiếng rít của con chim nhạn. Chàng buông tay, mũi tên bị dây cung nẩy bật đi kêu đánh tách một cái và xuyên qua mười hai lỗ của mười hai chiếc rìu bay vọt ra ngoài. Và cũng trong phút chốc bọn cầu hôn kinh hoảng, toán loạn chạy khắp phòng, bị đuổi giết mà không có cách gì chống đỡ nổi “ máu ồng ộc trào ra lênh láng cả nền nhà”.
Có thể nói, nhờ sức mạnh siêu nhiên ấy mà Uylix đã lênh đênh trên sóng cả gió to, dầm mình trong sóng biển mặn chát không biết bao ngày. Đôi khi một con sóng lớn ào đến cuốn băng Uylix đi và ném chàng vào vách núi dựng đứng. Và khi ngọn sóng vừa ném Uylix lên cao thì chàng bật nhảy lên bám vào vách núi đá. Nếu không kịp thời đối phó như thế thì chàng đã thịt nát, xương tan rồi. Bám được vào vách đá cũng chưa yên. Ngọn sóng lớn quật vào vách núi bật dội trở ra. Và khi dội ra nó đã cuốn theo Uylix vứt chàng ra ngoài biển. Chàng lại từ dưới nước sâu ngoi lên.
Yếu tố hoang đường, kì ảo còn được thể hiện qua “ trí tuệ sánh tựa thần linh”của Uylix. Uylix bằng tài năng trí tuệ đã chiến thắng tên khổng lồ một mắt Pôliphem, đã chinh phục được nữ phù thủ Xiêcxê cứu các bạn đồng hành khỏi bị biến thành lợn. Không những thế, chàng lại còn được xuống âm phủ gặp mẹ và các chiến hữu đã qua đời, gặp ông già tiên tri quá cố để biết được hậu vận.
Như ta đã biết, sử thi bao hàm tính chất kì vĩ do ảnh hưởng của thế giới quan thần linh. Các biện pháp phóng đại, cường điệu, lí tưởng hóa được sử dụng để tạo ra cái kì vĩ, kì diệu này. Có thể nói, sức mạnh siêu nhiên cùng trí tuệ “ sánh tựa thần linh” của Uylix đã góp phần nhỏ tạo nên màu sắc kì ảo trong thế giới hình tượng nhân vật của thiên sử thi Ôđixê của Hôme.
2.2.2. Thế giới các vị thần
Cả hai sử thi Iliát và Ôđixê đều bắt nguồn từ cuộc chiến Tơroa, một đô thành nổi tiếng giàu có thời cổ đại của người Hi Lạp. Hai bản sử thi này cũng được tắm mình trong không khí huyền thoại, được đan dệt bằng truyền thuyết “ quả táo vàng”, “ quả táo bất hòa” nổi tiếng. Tuy nhiên, có thể nói, thế giới các vị thần trong trường ca Ôđixê ít hơn trong trường ca Iliát. Các thần chỉ can thiệp vào đầu tác phẩm với quyết định cho Uylix đoàn tụ sau hai mươi năm cách trở và ở phần cuối tác phẩm khi nữ thần công lí Atêna, nhân danh Dớt, xuống hòa giải cho Uylix với thân nhân của những kẻ cầu hôn bị giết. Các thần không can thiệp vào công việc của người trần như ở Iliát nữa song vẫn là lực lượng trợ giúp cho Uylix vượt qua bao gian nan, hiểm nguy trên cuộc hành trình trở về quê hương Itác. Tiêu biểu như các thần:
2.2.2.1. Thần Dớt
Thần Dớt – chúa tể của các vị thần trên đỉnh Ôlanhpơ cao ngất bốn mùa mây phủ là hình tượng của trí tuệ tuyệt đối, ngọn nguồn của mọi sự hài hòa và vẻ đẹp của vũ trụ. Trước số phận bảy nổi ba chìm của người anh hùng Uylix, Dớt đã kêu gọi các chư vị thần linh giúp đỡ chàng trở về với quê hương, gia đình.
Với vị trí tối cao điều khiển thế giới, gìn giữ sự hài hòa và sự tồn tại của trật tự tinh thần cũng như vật chất, Dớt luôn sẵn sàng lắng nghe mọi lời cầu khẩn, xin xỏ được giúp đỡ của người trần. Từ đỉnh Ôlanhpơ, Dớt nghe thấy hết những lời cầu xin của Têlêmác. Lập tức thần liền sai hai con chim đại bàng lao về phía đảo Itác nơi đang diễn ra cuộc hội nghị nhân dân.
Cũng có khi để xoa dịu sự tức giận của thần mặt trời Hêliôt và cũng để trừng phạt lũ người phạm thượng – những anh em của Uylix đã giết bò của thần mặt trời ăn thịt, thần Dớt dồn mây mù, phủ một đám mây đen sẫm sũng nước lên con thuyền. Con thuyền của Uylix vật vã trong sóng gió. Thần Dớt còn giáng sét chói lòa xuống trúng giữa con thuyền. Con thuyền quay lông lốc, bốc khói mù mịt khét lẹt rã rời ra từng mảnh. Dớt đã không cho họ cuộc hành trình trở về quê hương.
2.2.2.2. Atêna – nữ thần công lý
Nữ thần Atêna lên tiếng trách móc đấng phụ vương sao lại đi thương xót cho số phận của người khác mà quên mất Uylix – một người anh hùng danh tiếng lẫy lừng. Là một vị thần công lý, Atêna đã đứng ra bảo vệ quyền lợi của Uylix và trên mỗi bước đường của cuộc hành trình trở về quê hương của chàng đều có sự trợ giúp kịp thời, đắc lực của Atêna. Atêna luôn biến hóa mình một cách linh hoạt, muôn hình, muôn vẻ. Khi thì nàng giả dạng một người khách lạ, vua của xứ Taphôx tên là Măngtex đi vào cung điện của Uylix đề khuyên Têlêmác sắm sửa thuyền bè để lên đường đi Pilôx hỏi thăm tin tức về người cha thân yêu của mình. Khi thì nàng biến mình thành chính Têlêmác đi vào thành phố. Khi lại vụt biến thành một con chim ưng và biến mất trước sự kinh ngạc của những người Pilôx. Cũng có khi, như một cơn gió nhẹ, nữ thần lướt qua hai thị nữ đứng hầu biến hình thành một người bạn gái thân thiết của Nôdica. Dưới hình dạng đó, nữ thần Atêna đến gần giường của công chúa Nôdica nói những lời êm dịu nhằm sắp xếp cho nôdica gặp Uylix và đưa chàng về thành. Cuối cùng, để giúp Uylix đối phó với bọn cầu hôn, Atêna đã biến mình thành một con chim én bay vụt lên đậu ở trên xà nhà. Atêna thật xứng đáng với danh hiệu vị thần công lí.
Với trí tưởng tượng phong phú, Hôme đã khắc họa hình ảnh Atêna thật đẹp. Nàng “ buộc vào chân đôi dép xinh đẹp bất diệt, bằng vàng đưa nàng đi trên nước hay mặt đất bao la, nhanh như gió thổi. Nàng cầm lấy cây lao lớn, mũi bằng đồng vừa nặng, vừa dài và không bao giờ gãy được”. Tất cả những chi tiết ấy đã góp phần làm tăng thêm yếu tố hoang đường, kì ảo cho trường ca Ôđixê của Hôme.
2.2.2.3. Thần Eôlơ – vị thần cai quản các ngọn gió
Eôlơ – một vị thần cai quản các ngọn gió vốn được các vị thần trên đỉnh Ôlanhpơ rất đỗi sùng ái. Đảo của thần rất kì lạ. “ Đó là một hòn đảo di động trôi nổi trên biển khơi, được bao quanh bằng một bức tường đồng kiên cố. Và trên bức tường đó là một ngọn núi đá nhẵn bóng vươn thẳng lên trời”. Đoàn thủy thủ của Uylix tới hòn đảo của Eôlơ được đón tiếp rất ân cần, niềm nở. “ Suốt một tháng trời, vợ chồng, con cái Eôlơ chiêu đãi trọng thể những vị khách quí”. Khi Uylix lên đường, là người được thần Dớt giao cho sứ mạng cai quản các ngọn gió, Eôlơ đã bắt nhốt chặt các ngọn gió vào “ chiếc túi bằng da bò” và đích thân Eôlơ đã đem chiếc túi xuống lòng thuyền của Uylix. Khi đoàn thuyền nhổ neo, thần Eôlơ lại cho một ngọn gió Tây đưa đoàn thuyền đi.
2.2.2.4. Thần Hermex – vị thần truyền lệnh
Thần Hermex – vị thần truyền lệnh được khắc họa với “tướng mạo khôi ngôi, hình dáng xinh đẹp, thần thái thông minh”. Thần biến hình định tâm đón gặp Uylix để chỉ dẫn cho Uylix cách đối phó với tiên nữ - phù thủy Kiếckê và mưa kế để giải thoát cho các bạn đồng hành, các chiến hữu thân thiết thoát khỏi kiếp lợn. Thần Hermex sau khi chỉ dẫn cho Uylix còn ban cho Uylix “một cây cỏ thần tiên rễ đen, hoa trắng là báu vật riêng của thế giới Ôlanhpơ” để đối phó với pháp thuật, bùa ma.
Thần truyền lệnh Hermex còn được khắc họa với hành động “ buộc vào chân đôi dép có cánh, bằng vàng, đôi dép có thể đưa thần đi trên mặt biển mênh mông sóng vỗ cũng như trên mặt đất bao la đầy hoa thơm quả ngọt nhanh như mây bay, gió thổi”. Từ bầu trời cao vời vợi thần Hermex bay qua bao xứ sở rồi lao xuống mặt biển, biến mình thành một con chim hải âu để lướt đi trên lớp lớp sóng dữ bạc đầu.
2.2.2.5. Thần Lơcôtê – nữ thần biển
Nữ thần biển Lêcôtê nhìn thấy Uylix trôi nổi bập bềnh trên sóng dữ đã động lòng thương cảm cho số phận bất hạnh của người anh hùng. Biến thành một con hải âu, nàng vụt từ dưới nước sâu bay lên đậu vào bè. Tới đây, nàng biến mình trở thành một tiên nữ xinh đẹp và ban cho Uylix chiếc khăn thần để chống chọi với biển khơi “ réo gầm cuộn sóng”.
Như vậy, tuy số lượng các vị thần trong trường ca Ôđixê ít hơn trường ca Iliát nhưng thế giới thần linh ở đây vẫn hiện lên thật đông đảo, cụ thể, rõ nét, sinh động như: thần Dớt, thần chân lí Atêna, thần cai quản các ngọn gió Eôlơ, thần truyền lệnh Hermex, nữ thần biển Lơcôtê, nữ thần Rạng đông, thần Mặt trời, thần Pôdêiđông lay chuyển mặt đất, thần tiếng đồn, nữ thần sông núi Calipxô…Cuộc sống của các thần cũng tương tự như cuộc sống của con người. Các thần cũng có những trạng thái tình cảm giống con người khi vui mừng, khi căm ghét, tức giận sục sôi…Thần Pôdêiđông lay chuyển mặt đất luôn luôn tìm mọi cách đọa đày Uylix bắt chàng “ phải chìm nổi lênh đênh trên biển khơi tím sẫm màu rượu vang” thì “mới hả lòng, hả dạ” chỉ vì ân oán cá nhân: Uylix đã giết tên khổng lồ Pôliphem- con trai thần. Chưa bao giờ thần Pôdêiđông chịu từ bỏ mối thâm thù đối với Uylix. Thậm chí thần còn căm giận cả những người Phêaki đã tận tình giúp đỡ Uylix. “ Giận cá chém thớt”, vị thần lay chuyển mặt đất lên thiên đình phàn nàn với đấng phụ vương Dớt và đòi Dớt phải cho mình trừng phạt những người Phêaki. Còn Hêlôt – vị thần Mặt trời nóng rực khi biết tin anh em thủy thủ của Uylix giết bò của thần ăn thịt, thần bèn “ đùng đùng bổ tới ngay cuộc họp của các vị thần”. Thần “ cất tiếng nói ầm vang” “khiếu nại” với Dớt và xin Dớt “ trừng phạt ngay lũ thủy thủ của Uylix”. Có thể nói, Hôme đã khắc họa thật chính xác bản chất của từng vị thần.
2.2.3. Thế giới quỉ sứ - lực lượng cản trở Uylix
Thế giới quỉ sứ - lực lượng cản trở Uylix trên con đường hồi hương thật đông đảo, sinh động. Đó là xứ sở người khổng lồ Xiclốp, người khổng lồ Lettơrigông ăn thịt người, là quái vật Xila 6 đầu 12 chân hay các Xiren có giọng hát không gì cưỡng được hoặc mụ phù thủy Xiêcxê biến người thành lợn.
2.2.3.1. Xứ sở người khổng lồ Xiclốp – tên khổng lồ Pôliphem ăn thịt người
Người khổng lồ Xiclốp là một giống người to lớn, khác thường, cao ngất ngưởng như một ngọn núi, lông lá rậm rạp. Điều kì dị là họ lại chỉ có “ một mắt, một con mắt tròn ở giữa trán, do đó nom chúng lại càng dữ tợn, khủng khiếp”. Chúng “sống biệt lập mỗi kẻ một hang, không phải là người biết ăn bánh mì. Chúng sống bằng thịt và sữa của súc vật do chúng chăn nuôi được”. Người Xiclốp cũng “chẳng biết thờ cúng thần linh, hội họp với nhau bàn định công việc đặt ra luật pháp để điều hành cuộc sống”.
Trong xứ sở người khổng lồ Xiclốp ấy, Uylix và mười hai chiến hữu đã đi vào hang tên khổng lồ Pôliphem ăn thịt người. Pôliphem có thể “ nhắc một tảng đá to lớn có dễ đến hàng chục con ngựa cũng không kéo nổi”. Tiếng nói của hắn “ ầm ầm như sóng biển” khiến mọi người đều “ khiếp đảm, sợ hãi”. Không những thế, Pôliphem còn “xông ngay đến chỗ các bạn của Uylix đưa bàn tay to lớn ra chộp liền một lúc hai người vung lên quật mạnh xuống đất. Sọ họ vỡ tan, óc vọt bắn tung tóe. Tiếp đó, hắn chặt họ ra cho vào nồi nấu (…)Và thế là hắn đã ăn thịt hai người bạn của Uylix ngốn ngấu, ngon lành, ăn sạch sành sanh từ ruột gan tim phổi đến xương xẩu”. Gã khổng lồ Pôliphem sau khi nhồi nhét đầy bụng thịt người lại còn “nốc thêm bao nhiêu là sữa”. Cứ thế, mười hai anh em thủy thủ đi cùng với Uylix qua một đêm, một ngày đã vơi đi chỉ còn sáu.
Tức giận vì bị Uylix lừa và trốn thoát, gã “đứng lên bật dậy, bửa luôn một khối đá vô cùng to lớn ở một ngọn núi như ta bẻ gãy một ngọn cây, ném đánh vèo một cái về phía Uylix. Khối đá bay vượt qua con thuyền và rơi cách mũi thuyền một quãng. Sóng sôi lên như một cơn bão ập đến, đẩy con thuyền vào tận gần bờ”. Sức mạnh của tên khổng lồ Pôliphem thật man rợ.
2.2.3.2. Tiên nữ - phù thủy Kiếckê
Tiên nữ - phù thủy Kiếckê là “ một tiên nữ xinh đẹp ( …) nói được tiếng người nhưng lại độc ác và biết nhiều phép thuật ma quái ”. Căn nhà của tiên nữ được xây bằng những tảng đá nhẵn bóng “ có sói rừng và sư tử canh giữ” mà “thật ra đây là những người trần thế đoản mệnh, họ bị tiên nữ dùng pháp thuật và bùa ma thuốc quỉ biến thành những con vật”.
Và khi hai mươi anh em thủy thủ của Uylix tìm đến nhà tiên nữ – phù thuỷ Kiếckê, tiên nữ mời rượu mọi người - rượu Kiếckê đã pha cả vào đó những liều thuốc ma quái do bàn tay phù thủy của mình chế tạo. “ Thứ thuốc này ai uống phải là quên hết mọi kỉ niệm êm đềm ấm cúng của quê hương yêu dấu và gia đình thân thiết”. Không chỉ vậy, tiên nữ còn dùng phép thuật biến “ hai mươi hai chàng trai cường tráng và xinh đẹp” thành “ hai mươi hai con lợn to béo, đần độn”.
2.2.3.3. Tiên nữ Xiren với giọng hát mê hồn
Tiên nữ Xiren là “ những nàng tiên mà nửa thân người phía trên là một thiếu nữ xinh đẹp còn nửa dưới là chim hoặc là cá, có cánh bay được lên trời, lại có vây, có đuôi để bơi được dưới nước”. “ Xiren sống ở một đồng cỏ trên một đảo hoang mà quanh đảo ngổn ngang xương trắng của những thi hài bị thối rữa”. Đó là những thủy thủ xấu số đã nghe phải tiếng hát mê hồn của các Xiren.
2.2.3.4. Hai quái vật Xkila va Carip
Nơi một eo biển hẹp, hai bên núi đá có hai con quái vật. “ Một con tên gọi là Xkila, trú trong một chiếc hang sâu, chuyên rình bắt người để ăn thịt. Một con tên gọi là Carip luôn hút nước biển vào lòng rồi lại phun nước ra. Mỗi lần Carip hút nước vào lòng, biển xoáy thành một vực réo lên ùng ục và đáy biển lộ ra với nền cát xanh thẫm. Để đến khi Carip phun nước ra thì biển khơi chuyển động dữ dội, nước dâng lên cao ngút, nổi sóng, nổi bọt tưởng như biển đang bị đun sôi sùng sục trong một cái chảo đặt trên bếp than hồng”. Khi đoàn thuyền của Uylix đi qua chỗ Xkila, Xkila “ thò đôi tay nghêu dày lông lá ra tóm bắt ngay sáu thủy thủ ở giữ lòng thuyền. Xkila đã ăn thịt họ ngay trước cửa hang”.
Có thể nói, cả thế giới quỉ sứ - lực lượng cản trở Uylix là hạt nhân tạo nên màu sắc hoang đường, kì ảo của thiên sử thi Ôđixê.
2.3. Không gian hoang đường, kì ảo
Yếu tố hoang đường, kì ảo như đã nói ở trên là yếu tố quan trọng của sử thi. Ở đây, qua sử thi Ôđixê, yếu tố đó còn được thể hiện đậm nét qua không gian phản ánh. Ở Iliat, đó là cảnh các cánh quân xung trận, khí thế ngút trời, là các lều trại san sát, còn ở Ôđixê đó là biển và trời: biển mênh mông, trời lồng lộng. Không gian đậm màu sắc hoang đường, kì ảo ấy dễ tạo cho con người cảm giác rợn ngợp, sợ hãi tột đỉnh.
Ngoài ra, trong thiên sử thi này, còn xuất hiện không gian âm phủ - xứ sở người Ximêriêng – “đầy sương mù và mây bao bọc”. “Mặt trời chói lọi, dù khi đi lên trời đầy sao hay khi từ trời trở về mặt đất, đều không bao giờ rọi ánh sáng đến tận nơi đây. Một màn tối âm u bao trùm lên những con người khốn khổ”.
Không chỉ vậy, đến với Ôđixê ta còn bắt gặp không gian rất đặc biệt – không gian Ôlanhpơ – chỗ ở bất di bất dịch của thần linh. “ Nơi đó không bị gió lay, mưa ướt, tuyết rơi, trái lại bầu trời bao giờ cũng trong xanh không gợn chút mây và huy hoàng ánh sáng. Tại đó các thần cực lạc sống những ngày đầy hoan hỉ”. Không gian Ôlanhpơ chỉ có thể tồn tại trong thế giới hoang đường của thần thoại, sử thi.
2.4. Mối quan hệ giữa cái thực và cái kì ảo
Nhà văn Gôgôn quan niệm đơn giản rằng:
“ Những quả lê vàng có thể mọc ra trên cây lê nhưng không phải trên cây liễu” nghĩa là sự hư cấu, tưởng tượng trong một tác phẩm nghệ thuật muốn thu phục tâm thức người thưởng thức thì bắt buộc phải nắm vững mối liên hệ của cái được hư cấu, tưởng tượng đó với bản chất của cái tồn tại thực trong cuộc sống.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long cũng nhấn mạnh cái kì ảo phải gắn liền với tính hiện thực và yếu tố kì ảo “ chỉ tồn tại khi đối diện với nó” trong sự độc lập giữa những cái siêu nhiên, hư huyễn với thế giới thực tại.
Thật đúng vậy, trong sử thi Ôđixê cái thực, cái hư ở đây quyện vào nhau, bổ sung cho nhau. Do đó, dù sự việc mô tả có hoang đường như thế nào đi chăng nữa vẫn mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc. Bọn khổng lồ Xiclốp một mắt ăn thịt người, chăn nuôi cừu để cung cấp thức ăn…trên một hòn đảo chưa có dấu chân người, đó là sự phản ánh một vùng đất xa lạ mới khám phá được hãy còn dấu vết của một nền kinh tế tự cung, tự cấp với những tộc người hình thù quái dị, sống man rợ khác với xứ sở Phêaxi giàu có, có nền sản xuất thương mại và hàng hải phát triển nên con người ở đó văn minh hiếu khách hơn.
Cuộc phiêu lưu của Uylix chính là hình ảnh của các cuộc di dân, đi tìm kiếm đất mới của người Hi Lạp. Thế giới mà họ phát hiện ra sẽ trở thành Đại Hi Lạp và Địa Trung Hải thực sự bị biến thành ao nhà của họ. Dấu vết đó còn ghi lại rõ nét trong bản trường ca này. Chẳng hạn, đảo Chim Ưng ( tiếng Hi Lạp là Nê – sos kir – kes) nằm ven bờ biển Italia trở thành phù thủy Kiêckê. Đảo bến ẩn ( ẩn náu – Nêsos Kalupsous) gần bờ biển Gibranta (Tây Ban Nha) thành ra nữ thần Calipxô…
Thứ hai là, nếu theo dõi hành trình của Uylix thì ta còn thấy những nơi mà anh đặt chân đến đều có liên quan tới các địa danh mà người Hi Lạp cổ xưa di dân tới. Như vậy, cũng có nghĩa là người Hi Lạp đã sớm làm chủ Địa Trung Hải khám phá các miền đất mới của họ gắn liền với việc chinh phục biển cả, gắn liền với việc hoàn thiện kĩ thuật hàng hải. Nếu bóc đi lớp màn huyền thoại thì các nàng tiên, các vị khổng lồ…sẽ hiện nguyên hình hiện thực. Như vậy, các mẩu chuyện hoang đường trong Ôđixê đều có cái nhân hiện thực phản ánh sự hiểu biết mơ hồ của người Hi Lạp đối với thế giới mới lạ mà họ đang tìm hiểu. Đằng sau những điều kì ảo, huyền diệu ấy lại lấp lánh ánh sáng của trí tuệ con người, của sức mạnh con người chiến thắng mọi trở lực của tự nhiên và xã hội. Và cũng qua đó, cái khát vọng mãnh liệt của con người muốn khám phá hiểu biết, muốn thử thách và đấu tranh để làm chủ thế giới đã được bộc lộ rõ ràng.
C. KẾT LUẬN
Sử thi Ôđixê là “ bộ bách khoa toàn thư” của xã hội Hi Lạp cổ đại. Nó là một bộ phận rất giá trị tạo ra nghệ thuật Hi Lạp, một nền nghệ thuật cổ xưa đã biết giải phóng con người ra khỏi mọi ràng buộc của thiên nhiên huyền bí và giúp cho con người nhận thức được cái đẹp huyền bí đó của thiên nhiên. Nhờ vậy, nó soi sáng và dẫn dắt con người vào thế giới của cái đẹp, của sự hoàn thiện tâm hồn và thể xác. Dion Chrysostome – nhà hùng biện Hi Lạp từng nói: “ Hôme là người đầu tiên, người ở giữa và là người cuối cùng cung cấp cho trẻ em, người lớn và cụ già tất cả những gì mà mọi người có thể rút ra được”.
Như ta đã biết, bản thân từ “ homeros” có nghĩa là mù lòa nhưng đây lại là một cái mù lòa được chuyển hóa: một người mù trở thành Hôme bất tử, mù lòa trở thành sáng lòa rực rỡ trong thế giới cổ đại và của mọi thời đại. “ Chừng nào còn nhân loại, chừng ấy còn Hôme, chừng ấy còn người hiểu và ngưỡng mộ Hôme” (Lại Nguyên Cẩn).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2. Đặng Anh Đào, 2004, Văn học phương Tây, nxb Giáo dục.
3. Lê Bá Hán, 2009, Từ điển thuật ngữ Văn học, nxb Giáo dục.
4. Nguyễn Văn Khỏa, 2009, Thần thoại Hi Lạp, nxb Văn học.
5. Phan Thị Miến, 1998, Iliat và Ôđixê, nxb Văn học.
6. Lưu Đức Trung ( CB), 2004, Chân dung các nhà văn thế giới, nxb Giáo dục.
7. Lưu Đức Trung ( CB), 2007, Giáo trình văn học thế giới, nxb Đại học Sư phạm.