Một số ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây hiện đại trong sáng tác của Y. Kawabata
Hà Văn Lưỡng(*)
Trong văn học Nhật Bản hiện đại, Yasunari Kawabata (1899 - 1972) là một nhà văn lớn, nổi tiếng thế giới với giải Nobel văn học năm 1968. Ông là nhà văn tiêu biểu cho “xu hướng truyền thống”, tìm về với cội nguồn dân tộc, nói lên vẻ đẹp của đất nước và con người Nhật Bản. Điều này thể hiện trong nhiều tác phẩm lớn của nhà văn như Xứ tuyết, Cố đô, Vũ nữ Izu... Nhưng, Y.Kawabata cũng là nhà văn theo trường phái “Tân cảm giác”, chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ nghệ thuật phương Tây hiện đại. Những tiếp thu và chịu ảnh hưởng đối với chủ nghĩa hiện đại đã để lại dấu ấn không nhỏ trong sáng tác của Y.Kawabata. Tuy rằng, Y.Kawabata không hoàn toàn theo chủ nghĩa hiện đại hay bất kỳ một chủ nghĩa nào khác (chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tự nhiên...), nhưng “hầu như tất cả các nhà văn lớn của Nhật Bản ở thế kỷ XX đều là những người theo chủ nghĩa hiện đại ở một chừng mực nào đó” [1, tr.90]. Và Y.Kawabata không phải là trường hợp ngoại lệ. Qua khảo sát một số tác phẩm, chúng tôi thấy nghệ thuật phương Tây hiện đại đã có ảnh hưởng khá lớn đến sáng tác của nhà văn. Nó được thể hiện qua một số phương diện như: thủ pháp dòng ý thức (chủ yếu hướng tới tái hiện đời sống nội tâm nhân vật); sử dụng các yếu tố kỳ ảo, giấc mơ; các chi tiết và nhân vật liên truyện... Tất cả những yếu tố nghệ thuật trên góp phần quan trọng tạo nên phong cách và tài năng văn chương của Y.Kawabata.
1. Dòng ý thức là một xu hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là văn xuôi nghệ thuật) ở thế kỷ XX, mục đích là hướng tới tái hiện đời sống nội tâm, cảm xúc và những liên tưởng tự do của con người. Một số nhà văn phương Tây đã bắt đầu sáng tác để biểu hiện dòng ý thức, xem đây mới là cái chân thực của đời sống con người, mạnh dạn phơi bày các hoạt động và bí mật của nội tâm.
Y.Kawabata là một trong những nhà văn hiện đại Nhật Bản đã vận dụng sáng tạo cách viết dòng ý thức. Ông đi sâu vào tâm lý nhân vật trong một số tác phẩm ở thể loại truyện ngắn trong lòng bàn tay, truyện ngắn và rõ nét hơn là trong tiểu thuyết. Nhưng nhà văn không để ngòi bút miên man theo tâm trạng của nhân vật mà không có bất kỳ dấu chấm, dấu phẩy nào của ngót năm mươi trang sách như cách Jame Joyce làm trong Ulysses. Câu văn của Y. Kawabata vẫn tuân thủ trật tự cú pháp thông thường, duy chỉ có mạch kể là không theo trật tự tuyến tính như trước và dòng ý thức thể hiện qua độc thoại nội tâm.
Trong truyện ngắn Thủy nguyệt nhân vật Kyoko luôn tự vấn với lương tâm mình về những điều đã qua đối với người chồng cũ mà nàng hết mực yêu thương. Cuộc sống của Kyoko với người chồng mới không vất vả như trước nhưng trong sâu thẳm, Kyoko vẫn nghĩ về quá khứ với tình yêu tràn ngập. Nàng luôn khắc sâu trong tâm trí và tận trong trái tim của mình hình ảnh người chồng đau yếu trong suốt những tháng ngày đã qua. Điều này khiến Kyoko nhiều lúc phải tự hỏi mình: “Sao mình lại tránh gần gũi, vì lo cho sức khoẻ anh ấy, nếu như mình thừa biết sớm muộn gì rồi anh ấy cũng sẽ qua đời” [2, tr54]. Và ngay cả khi Kyoko mang bầu với người chồng mới nàng vẫn nghĩ về người chồng quá cố: “Ta làm gì hả anh, nếu đứa trẻ mang trong bụng giống anh” [2, tr.64]. Điều này chứng tỏ, Kyoko vẫn sống với hoài niệm dù chỉ trong tâm trí của mình. Chàng trai trong truyện ngắn Cánh tay, đã tâm sự với cánh tay được xem như là một cô gái “Vâng, cánh tay đã nói thế xui khiến tôi nhớ tới cô gái ấy nhưng hai giọng nói có thật giống nhau không” [2, tr.94]. Qua cảm nhận sự ấm áp của cánh tay, chàng trai suy nghĩ về một vấn đề tâm lý người phụ nữ nằm bên cạnh mình “Tôi từng nghe một người đàn bà nói rằng phụ nữ trong cơn hoan lạc quằn mình vẫn chưa hạnh phúc bằng lúc thanh thản bên cạnh người đàn ông, nhưng chưa bao giờ có một người đàn bà ngủ bên tôi thanh thản như cánh tay này” [2, tr.94]. Những suy nghĩ của nhân vật “tôi” về cánh tay như thân thể trọn vẹn của con người là lời an ủi để nhân vật bộc lộ quan niệm của mình. Các đối thoại giữa “tôi” và cánh tay thể hiện sự chuyển biến tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm và một linh hồn nữ tính đậm đặc Nhật Bản.
Ở thể loại tiểu thuyết, qua các tác phẩm tiêu biểu Tiếng rền của núi, Cố đô, Người đẹp say ngủ…, thế giới nội tâm nhân vật được thể hiện một cách sâu sắc và đậm nét thông qua những đoạn hồi ức và độc thoại của các nhân vật như Shingo, Chieko, Eguchi... Tiếng rền của núi là cuốn tiểu thuyết thể hiện sự thấu hiểu của tác giả đối với tâm trạng của một người già, nhân vật Shingo Ogata. Việc ông thường nghe tiếng rền của núi “Nó giống như tiếng gió xa nhưng cơ thể ví với tiếng rền âm vang từ sâu”. Và Shingo thường chiêm nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ mang tính triết lý sâu sắc: “Cuộc sống của con người ta có thể gọi là mĩ mãn được không, nếu con cái người ta có gia đình riêng hạnh phúc” hoặc “Cha mẹ có trách nhiệm tới đâu đối với cuộc sống riêng của con cái” [2, tr466]. Những ý nghĩa của Shingo cứ ùa ra và ông lẩm bẩm thành lời những điều ông nghĩ. Y.Kawabata đã nắm bắt được các trạng thái tình cảm của con người để xây dựng nên tính cách nhân vật. Sâu thẳm trong suy nghĩ của Shingo luôn có một cảm giác cô đơn, thật khó hiểu, nhiều lúc ông luôn hoài niệm về những quá khứ đã xảy đến với cuộc đời mình. Những kỉ niệm cũ lại choáng ngợp tâm tưởng Shingo.
Những suy nghĩ của Chieko trong tiểu thuyết Cố đô được tác giả diễn tả như tâm lý của một người từng trải. Nghĩ về gia đình bố mẹ nuôi, Chieko dằn vặt mình: “Thà rằng hi sinh những ngón tay mình để cha cắn nát, miễn sao giảm nhẹ được những cơn thịnh nộ của ông còn thấy dễ chịu hơn” - Chieko đau khổ lắc đầu lẩm bẩm” [2, tr601]. Rồi những ký ức về người mẹ trong buổi cùng bà đi thỉnh chuông chùa Nembutsu bỗng hiện về trong tâm trí Chieko. Khi tìm được người em song sinh Naeko, Chieko vẫn không nguôi nghĩ ngợi: “Tuy chúng ta là chị em sinh đôi đấy, nhưng chắc Naeko nhận ra sự khác biệt về hoàn cảnh hiện thời của mỗi người - Chieko nghĩ và lúng túng không biết trả lời sao.” [2, tr654]. Trong tiểu thuyết Người đẹp say ngủ, thế giới tâm hồn với những bí ẩn cuộc đời tình ái và mối quan hệ của Eguchi với mọi người được Y.Kawabata khám phá một cách tinh tế qua nghệ thuật độc thoại nội tâm và lời nói sóng đôi trong tác phẩm. Là một người già tuổi “gần đất xa trời”, nhưng Eguchi đã đến khu nhà đặc biệt để trong năm đêm ngắm nhìn sáu cô gái trẻ, đẹp bị đánh thức mê trần truồng trong phòng ngủ. Tâm trạng của Eguchi luôn xáo động và ông luôn băn khoăn suy nghĩ, đặt ra câu hỏi và tự trả lời. Những câu hỏi với chính mình thường xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm khi ông nằm bên cạnh các cô gái (“Cô nàng có kinh nghiệm! Thật vậy à”, “Thật sao?”, “À ra thế!”, “Không, cô nàng có động tĩnh đâu?”, “A! ta đã đến đó rồi!”, “Lạ nhỉ!”, “Mười sáu, có lẽ gần thế!”...). Cuộc đối thoại trong độc thoại diễn ra trong suy nghĩ của Eguchi khi ông phát hiện cô gái thứ hai ở ngôi nhà đặc biệt “có thể còn trinh”. Trong khi đang nghi ngờ về chuyện trinh tiết thì Eguchi “nghe từ bên trong mình một giọng nói cười cợt vang lên: “Mày chế giễu ông đấy à”. Mày có phải quỷ sứ không”, “Quỷ sứ à? Không đơn giản thế đâu”, “Đâu có, ta chỉ suy xét chuyện đời giùm cho những lão già buồn bã hơn ta”, “Đồ vô lại!”, “Vô lại. Ta là tên vô lại, được rồi. Tuy nhiên, nếu một cô gái còn trinh là trong trắng, tại sao một cô không còn trinh thì không trong trắng nữa? Ta đến ngôi nhà này đâu phải để tìm gái còn trinh” [2, tr791-792]. Những ý tưởng đi qua trong đầu Eguchi diễn ra như một cuộc tự vấn lương tâm soi rọi vào tận mọi ngõ ngách tâm hồn nhân vật. Tất cả những kỉ niệm mà ông Eguchi cố nhớ lại bất chấp sự trôi chảy của thời gian đã ám ảnh trong tâm hồn ông và bất cứ lúc nào nó cũng được gợi ra sống động. Trong Người đẹp say ngủ, các sự kiện gắn với dòng suy nghĩ của nhân vật. Sự liên tục ở đây là sự liên tục của tâm tư, của những suy nghĩ về cuộc đời chứ không phải là sự liên tục của dòng thời gian lịch sử. Sự hồi tưởng của Eguchi như là sự thôi thúc của người cạnh kề tuổi già muốn đi tìm những hoài niệm để quên đi sự lo sợ của thời gian.
Như vậy, những dòng độc thoại và đối thoại trong độc thoại nội tâm của một số nhân vật trong sáng tác của Y.Kawabata được nhà văn thể hiện một cách sinh động, góp phần đào sâu và khám phá chiều sâu tâm lý nhân vật.
2. Trong tác phẩm của Y.Kawabata, nhà văn đã đưa vào và sử dụng các yếu tố kỳ ảo như một biện pháp đặc trưng mang tính nghệ thuật. Chính các sắc thái thẩm mỹ của cái kỳ ảo không hề làm giảm giá trị hiện thực của tác phẩm mà nó còn cung cấp cho chúng ta cách nhận diện về cuộc sống làm gia tăng điểm nhìn nghệ thuật và các chiều tiếp cận hiện thực.
Các yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong sáng tác của Y.Kawabata ở tất cả các thể loại (truyện ngắn trong lòng bàn tay, truyện ngắn, tiểu thuyết), nhưng với những mức độ đậm đặc khác nhau. Nếu như ở truyện Bất tử, Con châu chấu và con dế đeo chuông, Mặt nạ cho người chết, Người đàn ông không cười, Sự sống dưới tấm mặt nạ, và trong tiểu thuyết Tiếng rền của núi, Người đẹp say ngủ, yếu tố kỳ ảo được sử dụng còn ít, bàng bạc, thì ở Quả trứng, Con rắn, đặc biệt là truyện Cánh tay, chúng ta như lạc vào thế giới m?ng ảo, kỳ dị. ở đó, cái kỳ ảo thực sự trở thành một phương tiện nghệ thuật đặc sắc, làm nên giá trị của tác phẩm. Trong các tác phẩm của Y.Kawabata, các yếu tố kỳ ảo được nhìn nhận như những nguyên nhân chứ không mang lại kết quả như kỳ ảo trong sáng tác của G.G.Marquez. Đó là điểm khác nhau (tuy có một số điểm giống nhau) của văn học huyền ảo Mỹ Latinh và văn học huyền ảo phương Đông. Chính truyền thống văn hoá và tư duy nghệ thuật trong suốt hàng nghìn năm phát triển của các dân tộc đã hun đúc tạo nên những giá trị văn hoá nghệ thuật độc đáo khác nhau. Nếu như ở G.G.Marquez, cái kỳ ảo được sử dụng trong tác phẩm như là một mục đích sáng tác cơ bản góp phần tạo thành phong cách nhà văn và trào lưu văn học thì ngược lại, Y.Kawabata chỉ sử dụng kỳ ảo như là một hình thức đặc biệt để chuyển tải các thông điệp nghệ thuật trong tác phẩm. Bởi vì, nhà văn châu Mỹ Latinh thông qua các hình thức kỳ ảo nhằm hướng tới việc lên án, phê phán hiện thực xã hội, trong khi đó, cái kỳ ảo của Y.Kawabata lại hướng đến việc phản ánh cái đẹp hư ảo trong thiên nhiên và con người.
Trong sáng tác của Y.Kawabata, các yếu tố kỳ ảo phổ biến là giấc mơ, mặt nạ, cái chết, sự vật nhân hoá, sức mạnh siêu nhiên... Ngoài một số yếu tố chỉ xuất hiện một lần trong tác phẩm, các yếu tố giấc mơ, mặt nạ lại tái hiện ở nhiều tác phẩm (“giấc mơ” của các nhân vật trong tác phẩm Nốt ruồi, Người đẹp ngủ say, Tiếng rền của núi và “chiếc mặt nạ” trong các tác phẩm Mặt nạ cho người chết, Người đàn ông không cười, Sự sống dưới tấm mặt nạ). Trong Bất tử, mối tình của một ông già và một cô gái trẻ chênh lệch nhau chừng 65 tuổi được mô tả bằng những chi tiết kỳ ảo, lạ thường thể hiện sức mạnh siêu nhiên của con người. Trên đường tình tự “chân họ chẳng dừng mà đi xuyên qua tấm lưới như một làn gió xuân” và “cô gái dễ dàng đi xuyên qua thân cây. Và ông lão cũng làm như thế (...). Họ biến mất vào trong thân cây. Ông già và cô gái không trở ra nữa”(Bất tử). Chi tiết ông già và cô gái đi “xuyên qua lưới”, “xuyên qua thân cây” và “biến mất trong thân cây”(Bất tử), cũng giống như việc nhân vật Đuytion trong truyện Người đi xuyên tường (Macxen Aymê - nhà văn Pháp) đi xuyên tường và cuối cùng “Đuytion như đông cứng lại ở trong tường. Hiện nay chàng vẫn còn ở đấy, biến vào trong đá”(Người đi xuyên tường). Cả hai nhà văn trên đều sử dụng một yếu tố kỳ ảo, đó là sức mạnh phi thường của con người và chỉ ra kết cục của họ. Tuy nhiên, ý nghĩa của truyện thông qua các nhân vật trong hai tác phẩm trên lại hoàn toàn khác nhau, mặc dù họ dường như cùng sống trong một thời đại và đều sử dụng chi tiết nghệ thuật mang tính kỳ ảo giống nhau(Y. Kawabata (1899-1972), M.Aymê (1902-1967)). Nếu qua Người đi xuyên tường, M.Aymê thể hiện ước mơ của những con người nhỏ bé trong xã hội phương Tây, khi không còn con đường nào khác, họ tìm đến với mộng tưởng để có thể giúp họ trở thành người “phi thường” nhằm kiếm sống và trả thù cuộc đời, thì ngược lại, ở truyện Bất tử, Y.Kawabata mượn yếu tố kỳ ảo nhằm thể hiện cái bất tử của tình yêu và cái đẹp hư ảo mà ông suốt đời đi tìm kiếm.
Chi tiết chiếc mặt nạ được nhà văn lặp lại trong nhiều truyện. Có thể hình ảnh những chiếc mặt nạ trong sân khấu kịch No (thế kỷ XV, XVI) ám ảnh nhà văn, đồng thời tác giả muốn sử dụng nó như một yếu tố kỳ ảo thuộc biện pháp nghệ thuật để thể hiện những vấn đề hiện thực của cuộc sống. Nó là một hình ảnh rất đặc sắc, sinh động, chứa đựng nhiều bí ẩn, nhiều tầng ý nghĩa sâu xa, thâm trầm. Qua hình ảnh chiếc mặt nạ, Y. Kawabata muốn gửi gắm một ý nghĩa triết lý sâu sắc về con người và cuộc đời. Cái mặt nạ dành cho người chết “vừa giống đàn ông vừa giống đàn bà. Nó vừa giống một cô thiếu nữ vừa giống một cô thiếu nữ luống tuổi” và đằng sau cái mặt nạ ấy “là nàng nhưng chẳng phải là nàng. Đằng sau đó ta chẳng phân biệt được giới tính”(Mặt nạ cho người chết). Thông điệp mà Y.Kawabata muốn gửi đến người đọc là cái đẹp tự nhiên không cần che đậy, tô vẽ và con người, đặc biệt là phụ nữ phải có lòng chung thuỷ. Đối với nhân vật “tôi” trong Người đàn ông không cười, chiếc mặt nạ cười khi đặt lên khuôn mặt người vợ anh ta đang ốm thì một điều thật khủng khiếp đã xảy ra. Và “khi tôi vừa gỡ mặt nạ ra, khuôn mặt nàng hiện ra xấu xí một cách thậm tệ gần như trở thành kỳ quái. Tôi rợn cả tóc gáy khi nhìn vào khuôn mặt phờ phạc đó (...) không chỉ phải xấu xí, khó coi, khuôn mặt đó giờ đây hiện ra còn héo hon, trầm uất đến cực độ”(Người đàn ông không cười). ý nghĩa nhân sinh và triết lý sâu sắc về cuộc đời được nhà văn khái quát từ chiếc mặt nạ thông qua cảm nhận của nhân vật “tôi” trong tác phẩm, thể hiện khát vọng của Y.Kawabata là đi tìm cái đẹp vĩnh hằng trong tự nhiên, xã hội và con người. Đó là vẻ đẹp trinh nguyên và tự nhiên, không cần tô vẽ, che đậy; là ước muốn nhân bản cao đẹp của người nghệ sĩ.
Thế giới những yếu tố kỳ ảo trong sáng tác của Y.Kawabata còn xuất hiện trong tác phẩm của ông với hình thức “sự vật nhân hoá”. Truyện ngắn Cánh tay là một minh chứng đầy thuyết phục cho tài năng phản ánh cái kỳ ảo trong văn học của Y. Kawabata. Cánh tay chứa đựng nhiều yếu tố kỳ ảo, thần bí mang sức sống mạnh mẽ, đầy bất ngờ. Đó là một huyền thoại mới mẻ, hiện đại lôi cuốn người đọc vào một thế giới của vô thức, vô hình. Cánh tay được lấy ra từ thân thể một cô gái là hình bóng siêu phàm của đời sống vừa vô thường vừa vĩnh cửu. Trong truyện, nhà văn miêu tả chàng trai mượn cánh tay của người tình để qua đêm. Cánh tay được miêu tả có một cuộc sống thực sự như một con người. Cánh tay biết nói, biết bật điện, biết cử động, thậm chí đi lại, biết cảm nhận được mùi vị, màu sắc, ánh sáng và biết suy nghĩ. Cánh tay mang một vẻ đẹp kỳ lạ giống như vẻ đẹp tràn đầy sức sống của người con gái: “Nó rất đầy đặn, nở nang (...) Vẻ tròn trịa này thường gặp ở người đẹp phương Tây chứ hiếm thấy ở Nhật. Một vẻ tròn đầy thanh tao, trong sạch có ở bản thân cô gái (...) vẻ tròn đầy nơi cánh tay làm tôi cảm thấy vẻ đầy đặn của thân hình nàng” (Cánh tay). Nhà văn đã thổi vào cánh tay người tình của nhân vật “tôi” một sức sống mãnh liệt biến nó thành một cô gái đẹp tuyệt vời. Sự tưởng tượng và khả năng liên tưởng của tác giả không hề làm mất vẻ đẹp của cánh tay, mà nó còn tạo ra một cái đẹp mới mờ ảo, lung linh nhưng không trở thành ma quái. Tước bỏ màu sắc thần bí, kỳ ảo bên ngoài của truyện thì đây là một niềm đam mê cháy bỏng của con người vươn đến cái đẹp về hình thể của người con gái và tình yêu bất tử của lứa đôi. Chính truyện này đã góp phần đưa Y.Kawabata đứng vào đội ngũ những nhà văn hiện đại Nhật Bản tiếp thu và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trào lưu hiện đại của văn học phương Tây về phương diên sử dụng yếu tố kỳ ảo trong văn học.
Các giấc mơ cũng là một phương tiện để thể hiện những yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm của Y.Kawabata. Một điều đặc biệt là, hầu hết các giấc mơ trong các tác phẩm của Y.Kawabata đều là của người già, và chủ yếu là ông già. Trong các giấc mơ đó đều liên quan đến những điều khủng khiếp như: ngôi nhà đổ, nơi đảo vắng, chó ngoài đời biến thành chó trong tranh, chiếc mặt nạ biến thành cô gái, người bị cháy, phụ nữ bốn chân, con tàu, người có bộ râu đen, đàn muỗi, quái thai, trứng rắn, sa mạc... Trong Sự sống dưới tấm mặt nạ, ông già Shingo ở tuổi 62 mơ về một cuộc du ngoạn của ông và một cô gái trẻ đến một hòn đảo vắng. ở đó, ông như trẻ lại tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống bên cạnh một cô gái trẻ, trinh bạch. Đây là sự nuối tiếc tuổi thanh xuân, một thời hạnh phúc mà giờ đây nó chỉ còn là hoài niệm trong mơ. ở Tiếng rền của núi, ông già Shingo có 9 giấc mơ về những sự vật, con người và trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau. Đó là những người không đủ vóc dáng, không tên tuổi (người đàn bà không đầu), đàn muỗi khổng lồ như một cái cây, cát, trứng, là không gian mờ ảo không định danh hoặc là sa mạc, đảo vắng không bóng người. Sự biến ảo kỳ lạ trong các giấc mơ đều gắn với một nguyên do nào đó đối với nhân vật trong quá khứ, hiện tại hoặc trong tương lai. Nhân vật mơ về một con tàu đang lao đi vun vút, về bộ râu đen của một người đàn ông hay đang nô đùa với một cô gái trẻ nơi đảo vắng. Đôi khi trong mơ, Shingo thấy mình trở thành một sĩ quan với gươm và súng rồi bỗng nhiên “hoá thành hai người: một Shingo đứng nhìn một Shingo kia với bộ quân phục đang bốc lửa”. Có lẽ chính những ức chế về đạo đức đã ảnh hưởng đến ông ngay cả trong giấc ngủ. ở nhân vật này, những u?n ức của cuộc sống thường ngày là nguyên nhân dẫn đến sự giải toả về mặt tâm lý thể hiện trong những giấc mơ về ban đêm.
Trong Người đẹp say ngủ, nhân vật Eguchi đã có ba lần nằm mơ về những sự việc khác nhau. Nếu ở giấc mơ thứ nhất, ông bị một người đàn bà bốn chân quặp chặt và ông cảm thấy “một cảm giác khoan khoái”; giấc mơ thứ hai, Eguchi thấy con gái mình sinh ra một quái thai khủng khiếp đến nỗi ông phải băm nát và vứt đi, thì giấc mơ thứ ba là một chuỗi những mộng mị liên tiếp kéo dài. Thoạt đầu ông mơ về những trò dâm dục bệnh hoạn, sau đó ông thấy mình đang đi về nhà sau chuyến du ngoạn trăng mật và “ngôi nhà của ông như bị chìm trong một biển đầy hoa giống như hoa thược dược đang lay động dưới làn gió” (Người đẹp say ngủ). Đó là những điều kỳ lạ chỉ gặp trong mơ thể hiện trí tưởng tượng ly kỳ hấp dẫn của tác giả và lôi cuốn sự tò mò của người đọc. Đây có thể là tâm trạng bất an, dấu hiệu tuổi già của nhân vật. Những giấc mơ kỳ lạ của các nhân vật trong những tác phẩm trên của Y. Kawabata suy cho cùng chỉ là những biện pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng để khai thác tâm lý nhân vật. Những biểu hiện của các giấc mơ phản ánh những ẩn ức về đạo đức và sinh lý con người, những điều không thể thực hiện được trong ngày thường đã đi vào giấc mơ dưới một hình thức vô thức.
Những yếu tố kỳ ảo và giấc mơ trong sáng tác của Y. Kawabata mặc dù chỉ xuất hiện ở một số tác phẩm chưa mang tính phổ biến, nhưng nó cũng là những yếu tố nghệ thuật độc đáo gắn với tư duy nghệ thuật và hệ thống thi pháp của nhà văn.
3. Trong sáng tác của Y.Kawabata xuất hiện một loại không gian mang tính đặc trưng là không gian huyền ảo và khúc xạ ảo ảnh. Loại không gian này không chỉ thể hiện trong truyện ngắn mà cả trong tiểu thuyết với mức độ ngày càng đậm đặc hơn. Nếu loại không gian thiên nhiên, truyền thống mang tính hướng ngoại thì không gian huyền ảo lại dường như hướng nội. Không gian huyền ảo trong tác phẩm của Y.Kawabata là những nơi xa lạ, khó xác định, huyễn hoặc, đầy tính ngẫu hứng, là sa mạc, đảo vắng hay có khi là thiên đường và địa ngục. Những không gian huyễn hoặc xa lạ, không có thực, nhưng xét đến cội nguồn, đó là những khát khao, những bí ẩn trong đời thường không đạt được nên nhân vật gửi gắm qua những giấc mơ như một sự giải thoát tâm lý của mình.
Tiểu thuyết Tiếng rền của núi đưa người đọc vào những không gian xa lạ và những điều huyễn hoặc. Ở chương “Giấc mơ về đảo vắng”, tác giả đưa người đọc đến một không gian đảo vắng và đại dương bát ngát màu xanh: “Shingo đã nằm mơ thấy Matxusima, vì chưa bao giờ ông tới đó cả. Ông chỉ còn nhớ từng đoạn của giấc mơ, riêng màu xanh của nước biển và những rặng thông trên những hòn đảo ở đó thì đã in sâu vào ký ức ông khiến ông hoàn toàn tin chắc rằng mình đã nằm mơ thấy Matxusima” [2, tr48]. Ở Người đẹp say ngủ, không gian huyền ảo hiện ra và Eguchi như một kẻ mộng du đang lang thang trong không gian tưởng như vô định đó. Eguchi thấy mình đi về nhà sau chuyến du ngoạn trăng mật và thấy ngôi nhà của mình “như bị chìm trong một biển đầy hoa giống như hoa thược dược đang lay động dưới làn gió… thì một giọt máu rỏ từ cánh hoa xuống” [3, tr460-461]. Một giọt máu rơi xuống từ một bông hoa trùng hợp với cô gái đẹp bên ông đã chết là một kết cục về số phận của cái đẹp bị tổn thương. Không gian huyền ảo với những hình ảnh kì quái là không gian của những cảm xúc thực nằm sâu dưới đáy tâm hồn nhân vật chợt bùng lên mãnh liệt. Những bức rèm nhung màu đỏ trong căn phòng người đẹp say ngủ lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm Người đẹp say ngủ tạo nên một không gian ảo ảnh phản chiếu góp phần khai thác sâu hơn những tâm trạng và cảm xúc của nhân vật. Chính những cảm giác phi thực tế vượt lên bản chất vốn có của một thế giới thiên diệu lung linh từ lăng kính khúc xạ, ảo ảnh đã tạo nên kiểu không gian nghệ thuật gương soi. Cái không gian huyền ảo, ma quái đó như kích thích sự tò mò của những người già như Eguchi đến đây thưởng thức cái đẹp. Khi nằm cạnh một cô gái đẹp tuyệt vời với thân hình tròn lẳn, trắng nõn nà đang chìm trong cơn ngủ mê, Eguchi nghĩ đến người đàn bà đầu tiên trong đời ông và bao trùm lên ý nghĩ đó là một không gian phản chiếu màu đỏ hắt ra từ những chiếc rèm nhung. Và “dưới ánh sáng mờ ảo, màu đỏ kia bỗng tạo một cảm giác rất mạnh như thể phía trước tấm màu nhung đỏ ấy là một ánh sáng huyền bí, như thể ông lạc vào một thế giới ma quái vậy” [3, tr395]. Sự phản chiếu của chiếc rèm nhung đỏ tạo ra một không gian huyền ảo của căn phòng, làm cho Eguchi vừa khiếp sợ những hình ảnh ma quái đó nhưng cũng cảm nhận được một vẻ đẹp lung linh, tràn đầy sức sống tươi trẻ toát lên từ thân thể các cô gái.
Ở thể loại truyện ngắn, loại không gian này dường như bàng bạc ở nhiều tác phẩm mà đặc biệt là ở những truyện như Tuyết, Cốt, Bình dễ vỡ, Người đàn bà hoá thân vào lửa, Những quả trứng, Những con rắn, Tình yêu đáng sợ… Trong Tuyết, nhân vật Sankichi có thói quen đến “khách sạn huyền ảo” ở Tokyo từ mồng một đến mồng ba hàng năm. Khi nằm trên giường nhắm mắt lại và chìm vào nỗi khổ đau, thần trí Sankichi tê liệt và sự huyền ảo bắt đầu dâng cao. Anh miên man lạc vào một không gian kỳ thú đẹp lung linh, bao phủ căn phòng là một màu tuyết trắng xóa và ngoài kia cũng bao la một màu tinh khiết của tuyết. Và “một hạt ánh sáng nhỏ như hạt đậu bắt đầu nhảy múa. Những hạt ánh sáng màu vàng nhạt như trong suốt… và nó biến thành những hạt tuyết… tuyết trở thành bóng của Sankichi rơi mãi xuống tâm hồn Sankichi… tuyết trở thành những đoá hoa, những bông hoa tuyết cuốn lấy Sankichi” [2, tr209]. Tuyết trong căn phòng, trên dòng sông, trên dãy núi, ngoài cánh đồng… tất cả tạo thành một không gian tuyết mờ ảo, thanh bạc: “Những bông tuyết rơi trên cánh đồng mênh mông… tuyết tích tụ lại. Không có đất đai, không có cỏ dại. Nhà cũng không. Người cũng không. Phong cảnh cô tịch” [2, tr210]. Một không gian ảo thoáng qua trong giấc mơ thiêm thiếp của Sankichi đẹp lạ thường, thơ mộng và buồn tẻ. Nhưng rồi nó vụt biến mất bởi “Sankichi trên chiếc giường ấm áp của căn phòng bật máy sưởi 23, 24 độ không cảm thấy sự lạnh giá của cánh đồng tuyết” [2, tr210]. Trong Người đàn bà hoá thân vào lửa, trên cái nền không gian ở thế giới vô thức: “Phía xa kia, nước hồ toả sáng. Màu sắc như chị ta nhìn vũng nước mưa lâu ngày trên sân chùa xưa vào một đêm trăng. Hàng cây phía bên kia hồ cháy lên trong thinh lặng. Lửa mỗi lúc một rộng ra. Như là có lửa trên núi” [2, tr119-120], nhân vật tôi phác hoạ ra một không gian kỳ thú hơn. Đó là việc cô gái hỏa thiêu trong lửa, hình bóng cô chỉ còn là “một chấm đen trong quầng lửa”. Trong Những quả trứng, không gian con đường, nhà cửa và cả thiên đường hiện lên một cách kỳ ảo: “Con đang mặc một chiếc kimono mỏng, trắng toát… đi xuống một con đường thẳng tắp. Hai bên đường mù sương. Con đường dường như đang trôi và con cũng trôi khi đang đi. Một bà già lạ mặt theo sau con suốt dọc đường. Những ngôi nhà thắp sáng như doanh trại tất cả đều màu xám và các cạnh được gọt rũa nhã nhặn… Ngay khi con nghĩ mình đang lên thiên đường thì tỉnh giấc” [2, tr183-184]. Căn phòng khách trong Những con rắn lại là một không gian rùng rợn với sự xuất hiện của hai mươi bốn con rắn đủ loại, đủ màu sắc qua giấc mơ của Ineko. Đồng thời với giấc mơ đó, vào chính thời khắc này diễn ra cuộc họp do Kanda chủ trì ở phòng bên cạnh. Thực và mơ, những con rắn và con người…tất cả tạo nên sự huyền ảo và mang ý nghĩa ám thị.
Như vậy, trong văn xuôi Y.Kawabata, không gian huyền ảo và khúc xạ ảo ảnh trở thành không gian nghệ thuật chủ đạo. Tái hiện lại không gian này trở thành một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm Y.Kawabata làm cho những câu chuyện thêm ly kỳ, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.
4. Chi tiết liên truyện là cụm từ dùng để chỉ những chi tiết được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm khác nhau của cùng một nhà văn. Nó mang lại những giá trị nghệ thuật nhất định cho tác phẩm. Ở Vũ nữ Izu (1925) và Có thượng đế (1960) tác giả đều nhắc đến chi tiết “ông lão bị bại liệt ở đèo Amagi đã chết”. Tuy cách mô tả của hai truyện có chỗ khác nhau, nhưng điểm chung là đều nói tới chi tiết ông già bị bại liệt. Những hình ảnh xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Y.Kawabata là rắn, trứng, nạo thai, sẩy thai, đầu thai… Trứng rắn trên sa mạc trong giấc mơ của ông Shingo (Tiếng rền của núi) và lại một lần nữa xuất hiện nhiều trứng và cả những con rắn trên bức tranh tường trong nhà thờ ở truyện Trái đất. Nếu trong Tiếng rền của núi, trứng đà điểu xuất hiện trong giấc mơ của ông Shingo thì ở Quả trứng, những ngôi nhà chất đầy trứng lại hiện về trong mơ của Akiko. Chi tiết “nạo thai, đầu thai, sẩy thai” cũng được nhắc lại liên tiếp trong các tác phẩm Vũ nữ Izu, Cây trà hoa, Tiếng rền của núi, Người đẹp say ngủ… Những hình ảnh lặp lại trong các không gian huyền ảo của Y.Kawabata thường có nguyên nhân từ các ẩn ức sinh lí. Trong Tiếng rền của núi những ẩn ức mà Shingo gặp phải ở cuộc sống hằng ngày đã chi phối tưởng tượng và suy ngẫm của ông. Đó là hình ảnh đẹp đẽ của người chị gái Yaxuco mà ông nuôi hi vọng “biết đâu người chị của Yaxuco lại chẳng đầu thai vào đứa con của Kikuko - đứa cháu đã bỏ mất của ông? Biết đâu nó chẳng là mỹ nhân mà người ta đã tước mất quyền sống?” [3, tr517]. Cũng chính ý tưởng đó nên nỗi ám ảnh về người con dâu “phá thai” luôn ẩn hiện trong ông. Yếu tố “đầu thai, nạo thai” lặp lại trong truyện Cây trà hoa đối với đôi vợ chồng Shimamura. Vợ của Shimamura bị sẩy thai, vì thế họ luôn quan niệm về sự đầu thai của đứa đầu tiên, đứa trẻ phải chết. Và ở tiểu thuyết Người đẹp say ngủ là hình ảnh đứa con ông Eguchi sinh ra một quái thai “trong khoa sản của một bệnh viện, con gái ông sinh ra một quái thai”. Ông Eguchi luôn ám ảnh bởi tội lỗi làm mất trinh của những cô gái thanh xuân vừa bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời. Ông sợ hành động của ông một ngày nào đó sẽ sản sinh một quái thai mà ông dự định có khả năng sẽ xảy ra.
Hình ảnh “gương mặt” là chi tiết được thể hiện ở truyện cực ngắn như Gương mặt khi ngủ, Gương mặt người chết, Gương mặt,…Mỗi tác phẩm nhỏ này của Kawabata đều miêu tả sự biến dạng của gương mặt. Ở truyện Gương mặt khi ngủ, tác giả nói đến các dạng khác nhau về khuôn mặt của một cô gái: “gương mặt nhanh chóng trở nên già” nhưng rồi “gương mặt bỗng chốc trẻ thơ”. Trong Gương mặt người chết, trước sự quan sát của người chồng khi nhìn người vợ mình đã chết “Gương mặt nàng nghiêm nghị với vẻ đau đớn. Hai gò má gầy xanh, hàm răng đã đổi sắc chìa ra hai môi. Thịt ở mi mắt nàng đã khô, dính chặt vào con người. Những dây thần kinh đã kết tinh nỗi thống khổ trên trán nàng” [31, tr126]. Truyện Gương mặt thể hiện quan niệm của nữ diễn viên sân khấu về gương mặt trên sàn diễn. Qua những quan niệm về “gương mặt” chúng ta thấy Y.Kawabata rất tinh tế trong việc miêu tả cặn kẽ từng chi tiết trong khuôn mặt của một con người ở từng trạng thái tâm lí. “Chiếc mặt nạ” được nhà văn lặp lại trong các truyện Mặt nạ người chết, Người đàn ông không cười, Sự sống dưới tấm mặt nạ, Tiếng rền của núi. Nó là hình ảnh đặc sắc, sinh động, chứa đựng nhiều bí ẩn, nhiều tầng ý nghĩa sâu xa.
Các chi tiết liên truyện mang lại cho độc giả cảm giác gần gũi với sự thật cuộc sống góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật của Y.Kawabata. Chúng liên kết các tác phẩm lại như nhiều phần của một câu chuyện tạo nên tính hệ thống trong sáng tác của nhà văn. Qua sự xâu chuỗi chi tiết liên truyện, độc giả có thể hình dung được phần nào cuộc đời, tính cách, sở thích… của nhà văn, để có thể hiểu tác phẩm một cách sâu sắc hơn.
5. Trong tác phẩm của Y.Kawabata, độc giả dễ dàng nhận thấy một mối liên hệ xuyên suốt của nhân vật tôi - người kể chuyện. “Tôi” có mặt khá nhiều trong các tác phẩm như Vũ nữ Izu, Cánh tay, Người đàn ông không cười, Cây hoa trà… và một số truyện ngắn trong lòng bàn tay. Điểm thống nhất của “tôi” trong những tác phẩm này đều là có thiên hướng của một người làm việc có liên quan đến viết lách như nhà văn trong Cây hoa trà hay người viết kịch bản phim truyện trong Người đàn ông không cười. “Tôi” ở mỗi độ tuổi đều có những nét gần gũi về lối suy nghĩ với những khoảng thời gian tương ứng trong cuộc đời tác giả. Không những “tôi” có bóng dáng tác giả mà Shimamura trong Xứ tuyết hay một biến thể của Shimamura - chàng sinh viên đi du lịch đến đảo Izu trong Vũ nữ Izu cũng thể hiện được phần nào lí tưởng thẩm mỹ của “người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp”. Shimamura cũng như nhà văn hay nhà viết kịch bản phim đều mong muốn đạt đến vẻ đẹp thanh khiết, trong trắng. Một tình yêu không nhuốm màu xác thịt và thái độ thanh thản nhẹ nhõm của “tôi” với nàng vũ nữ Kaoru khi khám phá ra vũ nữ mới chỉ là một cô bé càng khiến cho đất trời xứ Izu trở nên “trong vắt” sau trận mưa rào (Vũ nữ Izu). Yoko có một “giọng nói trong vắt”, đôi mắt đẹp tuyệt vời và huyền bí (Xứ tuyết). Ông già Eguchi tìm đến ngôi nhà chứa ngắm nhìn những cô gái trong tuổi thanh xuân rực rỡ (Người đẹp say ngủ).
Nhân vật “tôi” trong tác phẩm Vũ nữ Izu (1925) “vượt qua bao núi non rừng thẳm” để ngắm những cánh rừng trùng điệp, những khe núi dựng đứng, cảnh trí mùa thu thật hữu tình và gặp người con gái mà vẻ đẹp của cô đã cuốn hút, quyến rũ anh. Trong Xứ tuyết, Shimamura đã bàng hoàng khi nghe Komako đàn và hát trong khung cảnh “bầu trời trong trẻo ở phía trên là tuyết trắng… xa những nhốn nháo của thành phố, xa những xảo thuật của sân khấu, không có bức tường nhà hát, không có công chúng” [2, tr287-288]. Còn “tôi” trong Người đàn ông không cười vì “sợ mặt nạ đẹp. Và sự sợ hãi đó đã thức tỉnh nghi ngờ trong tôi rằng gương mặt dễ thương luôn mỉm cười của vợ tôi. Có lẽ tự nó đã là một chiếc mặt nạ hoặc nụ cười của vợ tôi có thể là kĩ xảo giống như chiếc mặt nạ. Một mặt nạ không tốt, nghệ thuật không tốt” [2, tr72].
Ngoài những nhân vật liên truyện mang tính hệ thống xuyên suốt như vậy, người đọc cũng bắt gặp rất nhiều Chieko, Chikaco, Akiko, Yasuko, Yoko… xuất hiện tới hai ba lần, thậm chí còn nhiều lần trong những truyện ngắn khác nhau. Họ đều có vẻ đẹp trong sáng, mong manh, rất Nhật Bản. Lại có những nhân vật biến thể khác nhau về tên gọi nhưng có cùng một vẻ đẹp, một phong cách: Vũ nữ Kaoru của xứ Izu (Vũ nữ Izu) là hình ảnh một người con gái xinh đẹp, là hiện thân của sự thanh cao trong sáng không hề bị vẩn đục bởi những ước vọng tầm thường; Komako thánh thiện và trần tục, tỉnh táo và đam mê, chạy trốn người đàn ông này để lao vào giường đàn ông khác, Yoko lạnh lùng và cháy bỏng, thơ ngây và thâm trầm (Xứ tuyết); Kyoko nhạy cảm tinh tế và thủy chung (Thủy nguyệt); Phumiko kín đáo sâu sắc; Otto buông thả đắm say (Ngàn cánh hạc); diễn viên Chikako (Về chim và thú); vũ nữ (Gà trống và vũ nữ)… Khắc hoạ chân dung nhân vật nữ, Y.Kawabata thường nắm lấy những khoảnh khắc bừng sáng của cái đẹp.
Có thể nói đọc các tác phẩm của Y.Kawabata, chúng ta luôn gặp lại “người quen” và có thể xâu chuỗi họ lại thành một hệ thống biến thể của tập thể nhân vật. Qua hệ thống nhân vật liên truyện, nhiều tuyên ngôn về nghệ thuật của Y.Kawabata đã được phát biểu một cách gián tiếp và các nhân vật trung tâm của tác giả chính là nơi ông gửi gắm cách nhìn, quan niệm của cuộc sống, con người và thiên nhiên.
Sáng tác của Y.Kawabata là một biểu hiện của một tài năng văn chương kiệt xuất trong việc phản ánh con người và cuộc sống đất nước Nhật Bản. Ở đó có sự giao thoa và kết hợp giữa những yếu tố nghệ thuật truyền thống và hiện đại, tư duy phương Đông và phương Tây... để tạo nên những tác phẩm văn học đặc sắc và phong cách nghệ thuật độc đáo của Y.Kawabata. Những tiếp thu và ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây hiện đại đối với nhà văn đã góp phần khẳng định vai trò cầu nối Đông - Tây của nhà văn trong tiến trình văn học Nhật Bản hiện đại.
H.V.L
Tài liệu tham khảo
1. Đào Thị Thu Hằng (2005), “Yasunari Kawabata giữa dòng chảy Đông - Tây”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7/2005, tr89 - 104.
2. Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội.
3. Yasunari Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
Theo: Khoavanhoc-ngonngu.edu.vn