Cái tôi của người trẻ lớn lắm. Họ muốn được mọi người công nhận, muốn khẳng định giá trị riêng biệt của chính mình. Thế nhưng trước những sự thể hiện sai đường của đám đông, bạn sẽ hùa theo hay vẫn giữ vững lập trường?
1. Những câu chuyện không hề nhỏ
Năm lớp 10, tôi theo học ở một ngôi trường có kỷ luật cực kỳ nghiêm khắc. Từ tác phong, đồng phục, giầy dép, cặp sách của tất cả các học sinh đều phải qua kiểm tra của giám trị dưới sân trường trước khi vào lớp. Và ý thức vệ sinh cũng được đề cập khá nhiều mặc dù rất khó để các giám thị có thể kiểm soát tất cả hành vi của học sinh.
Có một lần, tôi ném bã kẹo chewing gum vào góc hành lang, một anh bạn đi sau lưng lên tiếng nhắc nhở, tôi không nói gì vì nghĩ rằng một bã kẹo chewing nhỏ xíu không thể xem là một hành động xả rác bừa bãi được. Nó đơn giản như việc bạn phun một hột dưa hấu khi đi trên đường thế thôi! Rồi một lần tôi bị phạt vì tội trốn tiết, tôi cứ nghĩ nhà trường sẽ phải mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm hay cảnh cáo tôi trước toàn trường. Nhưng không, thầy giám thị lúc ấy sau khi nhắc nhở và bảo tôi viết bản kiểm điểm, đã nêu lên một hình phạt khác: tôi phải cầm thanh sắt ngồi cạy bã chewing gum trên dãy hành lang dài của tầng hai.
Ban đầu, tôi nghĩ rằng đây là hình phạt không hợp tình, nó đụng đến lòng kiêu hãnh của tôi, một đứa con gái chưa từng phải lao động mệt nhọc bỗng hóa thành một nữ lao công ư? Nhưng nếu không chấp thuận, có thể tôi sẽ bị hạ hạnh kiểm và mẹ tôi cũng mau chóng biết chuyện, nên tôi đành nhăn mặt vác "đồ nghề" lên hành lang. Suốt thời gian đó, tôi hiểu công việc này không hề đơn giản, bã kẹo đen đủi khô cứng dính chặt vào sàn phải mất ít nhất năm phút mới có thể cạo sạch. Mà dãy hành lang hôm nay tôi mới chợt để ý, nó có quá nhiều bã kẹo chewing gum của rất nhiều học sinh vô ý thức. Và trong đó, là tôi, người từng nghĩ rằng một bã kẹo chewing gum nhỏ xíu không ảnh hưởng đến sự ô nhiễm môi trường. Lúc ấy, cô lao công đi ngang qua và thấy tôi, cô chỉ mỉm cười và nói :"Phải như thế để các cô cậu mới chừa thói phun kẹo cao su bừa bãi". Tôi thấy xấu hổ với lòng kiêu hãnh ủa chính mình.
2. Hội chứng của đám đông
Những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu tích tụ lại sẽ gây một hậu quả nghiêm trọng, như việc tôi thờ ơ ném một bã kẹo chewing xuống sàn nhà và tất cả các học sinh trong trường xem hành động đó là bình thường như cân đường hộp sữa. Bạn hãy thử gặp "vận xui" vào một ngày đẹp trời, như việc vừa ngồi xuống ghế đá công viên đã thấy mình bị dính chặt bởi kẹo chewing gum, và khi bạn bỏ tập vào hộc bàn rồi lấy ra chép bài thì bỗng thấy một đường chỉ dài như giăng tơ của chú chewing gum ai đó dính vào hộc bàn mình, thì bạn sẽ thấy những việc nhỏ nhặt của chính mình đôi khi ảnh hưởng đến một cá nhân, một cộng đồng, thậm chí toàn xã hội.
Hội chứng của đám đông rất dễ để bạn nhận thấy, như việc một mẩu rác nhỏ trên nắp thùng rác sau năm phút sẽ trở thành một bãi rác lớn mà nắp thùng rác rỗng không ấy vẫn đóng. Một người vượt đèn đỏ sẽ trở thành thủ lĩnh cho một nhóm người ăn theo sau, tình trạng ùn tắc giao thông phần lớn cũng vì những cá nhân kém ý thức, chán chờ đợi và chỉ muốn mình vượt lên trên, mặc cho đoàn người phía sau kẹt lại hàng giờ. Và người trẻ trong cuộc hành trình thể hiện cái tôi của chính mình cũng đã lao vào trào lưu để chờ mong một sự nổi trội.
3. Trào lưu và scandal trong thế giới teen
Rất dễ nhận thấy những trào lưu bùng phát trong thế giới teen ngày nay, cách đây vài năm là trào lưu emo tự rạch tay mình của một bộ phận teen thích thể hiện nỗi buồn một cách khác người, trào lưu Harajuku và chụp ảnh cùng gấu bông tại các khu trung tâm mua sắm, gần đây là trào lưu giả les, trào lưu chụp ảnh nóng, và bây giờ là cuộc chạy đua với danh hiệu "hot boy, hot girl"...v.v.. Khi một trào lưu có dấu hiệu chìm dần thì một trào lưu mới lại nổi lên và thu hút được nhiều teen chạy theo, cổ xúy cho phong trào đó. Khi những trào lưu đi qua cũng là lúc ta nhìn nhận những hậu quả để lại sau nó. Như trào lưu giả les đã khiến một số teen rơi vào trạng thái hoang mai với giới tính của chính mình, chuyện đùa bỗng hóa thành thật. Trào lưu chụp ảnh nóng khiến một số teen nhanh chóng được cộng động mạng biết đến nhưng thời gian sau họ lại bị quên lãng, chỉ còn dư âm của những cái nhìn không mấy tốt đẹp.
Nếu như vài năm trước, danh hiệu "hot girl" được tập thể lớp gán cho một bạn nữ cực xinh đẹp, học cực giỏi, hòa đồng với tập thể thì ngày nay, danh hiệu ấy đang xuống dốc một cách thảm hại khi nó được gắn mác cho quá nhiều cá nhân thích dây dưa với scandal. Nhiều teen khi truy cập vào các diễn đàn cũng đã há hốc mồm tự hỏi "Quái! Sao mỗi ngày lại có thêm một "em" tự xưng mình là hot girl. Hot girl ở đâu ra mà lắm thế?"
Teen rất muốn thể hiện cái tôi của chính mình, nhưng họ lại ngán đi đường vòng một cách bài bản. Họ lao thẳng vào các scandal để tô vẽ cho chính mình, họ bỏ qua việc rèn luyện đạo đức và học tập mà chạy theo ánh hào quang một cách mù quáng. Và việc rất nhiều trang web thoải mái đưa tin "Hot girl X chụp ảnh thân thiết với người yêu" hay "Hot girl Y tuyên bố không thi đại học" đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của người trẻ. Không ai cấm các hot girl chia sẻ hình ảnh yêu thương của họ và người ấy lên trang blog, cũng như việc hot girl không thi đại học mà chọn một con đường khác cũng không hoàn toàn sai. Nhưng việc công bố những điều đó lên các trang web, diễn đàn khiến nhiều teen nghĩ rằng "Á à, muốn nổi tiếng chỉ cần chăm chút vẻ đẹp của mình, photoshop, chụp ảnh cùng người yêu" hay "Không thi đại học cũng thể hiện cá tính ấy chứ!". Và teen bắt đầu thể hiện cái tôi của mình chệch hướng. Không thể quyên trách nhiệm cho truyền thông và sức mạnh của internet, mà cái chính vẫn là nhận thức của teen khi đứng trước những cám dỗ.
***
Trước những sự thể hiện sai đường của một đám đông, bạn sẽ sơn vào mình một màu sơn thật khác với họ hay vẫn cúi đầu thỏa hiệp? Trước những trào lưu đang nổi, bạn sẽ hùa theo hay vẫn giữ vững lập trường của chính mình. Để cái tôi của bạn mới thật sự là khác biệt, và khác theo một cách tích cực?
Thẩm Quỳnh Trân