Xuân Xa Xứ

  • Thread starter Thread starter CandyMan
  • Ngày gửi Ngày gửi

CandyMan

New member
Xu
0
BÀI DỰ THI “MÙA TẾT QUÊ TÔI”

Họ và tên: Trương Hồng Phúc
Tuổi: 1993
Nghề nghiệp: Sinh viên
XUÂN XA XỨ


Đã lâu rồi kể từ khi tôi đi du học, rời trường phổ thông, xa gia đình, bạn bè để bước chân vào con đường mới. Bốn năm không phải là quãng thời gian quá dài, nhưng nó cũng không hề ngắn. Sinh viên, du học sinh - chông gai và thử thách, tôi còn nhớ như in cái ngày vừa mới chập chững trên giảng đường, lạ... lạ lắm, không giống với trường mình cũ nhỉ. Bạn bè nữa chứ, đông, đông thật... chẳng dám nói chuyện với ai, cứ thu lu một mình ở một ô bàn nhỏ. Chăm chú, im lặng, vừa học vừa vẩn vơ nghĩ thầm: Mẹ ơi! Nhớ quá. Sinh viên là thế này sao?..., ở nơi đất khách quê người đầy sương gió lạ lẫm này, tôi thấy mình lạc lõng, cô đơn. Lúc nào cũng vậy, cứ sau mỗi giờ học tôi lại lê bước, dạo quanh các con phố sầm uất này, rồi tự tìm cho mình một vị trí thích hợp nào đó nơi gốc cây công viên, nơi vỉa hè của những con phố đi bộ. Những lúc ấy, tôi lại nhớ về biết bao ký ức xa xăm nơi quê nhà của mình. Dọc bờ cát trắng, theo chân những bọt sóng mới xa, mát rượi như ru mát tâm hồn những con người cứ nóng hổi, bận tâm giữa dòng đời đầy lo toan, bươn chải. Xa xa mặt nước ngoài kia thật nô nức, họ í ới gọi nhau, hò dô... Kéo lưới. Ánh đèn pha rọi xuống mặt nước cứ nhấp nhoáng qua mắt người trên bờ: "đánh cá đèn". Lạnh lẽo và ấm áp, mỏi mệt mà tinh khôi. Trong cái phấn khởi, sướng vui kia, họ - ta đang là hai thế giới xa lạ...

Miên man, hồi tưởng, tôi thừ ra, thở dài. Bất giác, tiếng chuông nhà thờ ngân dài vọng vào tai tôi, một cảm giác bồi hồi, khó tả, tôi nhìn xuống chiếc đồng hồ điện tử cũ kĩ mà người cha thân thương đã để lại giành tặng cho tôi trước khi ông qua đời. Xót xa… đau đớn đến vô cùng, tôi bắt đầu thấy cay cay nơi khóe mi, nhói lên thật đau như đang bị ai đó đâm dao vào bụng, tận vào tim gan… tôi òa lên trong tiếng nấc nghẹn ngào, không lời. Cũng khoảng thời gian này hai năm về trước, tôi đang tất bật cho những công việc cuối năm của mình để có thể trở về nước sớm, đón cái tết nguyên đán, cổ truyền của gia đình mình sau ba năm học xa xứ. Bỗng tôi nhận được thông báo phải ở lại để bảo vệ đề tài nghiên cứu của mình, hơi thất vọng một chút nhưng tôi cũng tự an ủi “biết đâu đây sẽ là cơ hội cho mình”. Vậy là lại một năm nữa không được sum vầy cùng đại gia đình, tôi xa xăm đi về phía thánh đường, nơi mà tôi cảm thấy an tâm và bình yên nhất cho những suy nghĩ của mình. Cứ thế từng ngày lặng lẽ trôi qua, 7 ngày – 1 tuần tôi nhìn lên đốc lịch trên tường, nếu bây giờ đang ở Việt Nam, tôi sẽ được sống trong không khí tất tả, vội vàng nhưng vô cùng tươi vui, hớn hở của một không khí tết se lạnh mà đầm ấm. 23 tháng chạp, những chú cá chép nào vàng nào đen sẽ được bày bán đầy chợ, 23 cũng là ngày họp chợ phiên đây mà. Chắc lúc này mẹ tôi cũng đang ngược xuôi theo những gánh hàng sáo của bà, mong rằng sẽ hết sớm để còn về đưa ông táo lên chầu trời nữa chứ.
Quê tôi, vùng của biển Thái Bình êm đềm, lặng lẽ. Vào chính lúc này đây, những làn gió lạnh lẽo mang theo hơi mặn của nước biển ngoài kia đang ùa vào ngày càng mạnh mẽ hơn. Chắc mẹ phải sưởi rơm cho bố rồi, lạnh thế cơ mà, không biết năm nay trời có rét đậm, rét hại không nhỉ? Tôi lo lắng cho sức khỏe của bố, ông già và yếu hơn mẹ rất nhiều, lại còn bệnh suyễn của ông nữa… tôi thở dài trong hai hàng lụy nhỏ. Làng quê tôi, gia đình tôi, một vùng đất nghèo nàn và khó khăn, cả xóm chỉ có hơn năm chục mái nhà nhưng những ngày trăng lên thì chỉ còn lại toàn bóng dáng của người già, phụ nữ và trẻ em; những người đàn ông, thanh niên được coi là trụ cột của gia đình thì đã lên tàu ra khơi cả rồi… còn ngược lại, vào ngày mùa thì nhà nào nhà nấy cũng chỉ còn toàn mấy ông đàn ông đang đan lại lưới, sửa lại chài, nhà nào có điều kiện hơn thì tân trang lại con tàu của mình để giành cho chuyến đi sau; toàn bộ đàn bà con gái đã ra đồng cả rồi…

Bốn năm đã gần trôi qua mà cảm xúc của tôi thì lúc nào cũng chỉ như một, nhất là vào những lúc này, ba mùa tết trước tôi đã không thể về vì những kỳ kiểm tra, năm nay đang trong lúc hy vọng thì tôi lại càng thất vọng hơn. Mới đây vài ngày tôi nhận được tin báo của Chị hai, bố tôi trở bệnh, tôi lo đến cháy ruột, ngứ lại trong lời nói nhưng chị lại bảo rằng bây giờ bố đã đỡ hơn nhiều rồi, bệnh mãn tính ấy mà. Tôi như an tâm hơn, nhưng vẫn canh cánh một nỗi lo gì đó.

Tôi in hằn trong tâm trí của mình hình ảnh của người cha già đã gắn liền cuộc đời hơn 60 năm của mình với nghiệp chài lưới, hai má hóp lại, mái tóc bạc đi vì sương gió, hốc mắt sâu hoắm với đôi quầng đã thâm lại vì mất ngủ quá nhiều; rồi đôi bàn tay ông, đôi bàn tay lực lưỡng, cứng cỏi, đen nhám đi bởi nắng gắt sóng trời… Đặc biệt, hình ảnh của khuôn miệng với hàm răng hơi nhô ra của ông đã đi vào trong tiềm thức của tôi, đến cả giấc ngủ tôi cũng mường tượng ra nó, cái miệng ấy đã từng có một thời gào thét đua với tự nhiên, khi thì thi thố với tiếng ầm ầm của sóng biển để chỉ huy cả đội chài hơn 20 người; hàm răng ấy đã không biết bao nhiêu lần cắn đứt thừng chài, thừng neo để mà đưa tàu trốn bão khi cơn nguy hiểm đã ập đến tận chân tàu… Khuôn miệng ấy cũng chính là nguồn sống của tôi, ngày bị đậu mùa, lở miệng, tôi không hớp nổi một hớp nước thì cái miệng của ông đã nhả nước cho tôi, mớm cơm cho tôi… Chính ông, chính tất cả những gì ông đã làm ra là vì tôi, vì một đứa con bệnh tật, èo uột đến khó nuôi. Vậy mà vì thế tôi mới có ngày hôm nay, tôi trân trọng ông hơn một Đức Chúa Giê-Su đang hiện hữu ngay trước mắt tôi, tôi tôn thờ ông hơn một Đấng tạo hóa tối cao nào đó… Ấy vậy mà… vậy mà… ông đã ra đi, đã ra đi khi tôi không ở bên, ra đi vào ngày 30 tết, khi mà tôi không đón nổi một chuyến máy bay để về nước. Tôi gào lên trong đau đớn, trong tột cùng của nỗi đau. Tôi mặc kệ cho mọi ánh mắt đang đổ dồn về mình, tôi quặn lại, thắt chặt cả trái tim, cả hơi thở của tôi cũng như bị tắc nghẹn trong cuống họng nhỏ bé. “Cha ơi!”, tôi thét lên trong vô vọng rồi gục ngã ngay tại sân bay, uất ức, tôi như chết lặng đi khi nghe tiếng sét đánh bên tai.

“Năm nay trời lạnh lắm, cái rét như cắt da, cắt thịt, bố mày đã không qua khỏi cơn suyễn đêm qua rồi. Mày về đi, nhanh lên còn kịp, hôm nay mới chỉ là 30” – những dòng tin thông báo của bạn tôi từ quê nhà qua yahoo. Mắt tôi hoa lên, mờ dần đi, đầu óc tôi như quay cuồng trong 4 bức tường đá, tai tôi bỗng trở nên ù ù. Không tin vào những gì vừa đọc được, tôi la lên trong buổi sớm bình minh.

“Tại sao, tại sao lại không có ai báo cho tôi biết chứ? Bố ơi!”

Tôi cứ thế cho đến khi ngất đi vì kiệt sức. Khi tôi còn ở nhà, 30 tết là ngày vô cùng ý nghĩa, trong lúc mẹ đang ngược xuôi chợ búa, lo cho gánh hàng cuối năm thì tôi và ông sẽ lo những công việc ở nhà, từ dọn dẹp cho đến sắp xếp, trang trí lại mọi vật dụng. Nhưng có lẽ quan trọng nhất đối với không chỉ gia đình tôi mà còn là với tất cả mọi người con Việt Nam đó chính là một nồi bánh chưng thơm phức. Có ý nghĩa tượng trưng cho trời đất, chiếc bánh chưng đã đi vào sâu thẳm trong tiềm thức của người dân ta từ xưa đến nay. Thường thì tôi bắt đầu tiến dần ra phía xa vườn lá dong, chọn những tàu xanh nhất, mập nhất, mướt mát nhất, những tàu lá bánh tẻ vừa đến độ tươi non để mang về làm vỏ cho chiếc bánh. Còn bố, ông sẽ chuẩn bị nếp, đậu và thịt để làm nhân, kỳ thực tôi đã ăn rất nhiều bánh chưng của nhiều nhà, nhiều miền khác nhau, nhưng chưa khi nào hương vị của chiếc bánh chưng gia đình phai nhòa trong tâm trí của tôi cả. Thậm chí, tôi còn cảm nhận được, chiếc bánh chưng đó là ngon nhất, thơm nhất nữa cơ. Còn gì nữa nhỉ? Tôi sẽ đi chặt giang để bố chẻ thành dây cột bánh, cũng như lá, những ống giang này cũng phải đến độ thì mới dẻo dai dễ lột. Tôi nhớ mãi đôi tay ông nhanh như cắt cứ liên tục liên tục từ ống này sang ống khác, từ thanh này sang thanh khác; nhất là hàm răng ông, ông ngậm chặt 1 đầu thanh vào miệng rồi kết hợp với tay để tước những thanh ấy thành từng sợi nhỏ, có khi cũng chẳng cần dùng đến dao, ông lấy luôn răng mình để xé đầu thanh giang rắn chắc. Nhìn ông mà đến ngộ vừa nhanh lại vừa đều, ông dùng cả miệng, tay, chân… như là vất vả lắm vậy. Tính ông thế, làm cái gì cũng như đánh vật, không khéo léo, không đẹp nhưng làm cái gì là phải làm cho xong, làm bằng được. Chuẩn bị xong xuôi, tôi và ông cùng gói, tôi không quen nên phải dùng một khuôn nhỏ hình vuông để cố định tạo hình cho bánh, còn ông nhịp nhàng, thoăn thoắt, ông chỉ xếp lá, đổ nếp, đậu và cho nhân vào rồi cuốn lại là xong, rất nhanh chóng nhưng những chiếc bánh của ông thì đẹp hơn tôi hẳn, vừa đủ độ dày, lại vuông vắn, gọn gàng. Bàn tay ông chuốt từng cọng lá đến từng milimet để tạo nếp vuông cho chiếc bánh được đẹp hơn…

Đây chính là những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi về nền văn hóa của mình, tôi thường kể và giới thiệu với bạn bè nước ngoài của tôi, ai cũng trầm trồ, ngưỡng mộ dù chưa từng một lần nhìn thấy. Tôi còn giới thuyết cho họ về cách nấu bánh, nào là xếp là lót nồi, nào là nhóm lửa, căn nước… cứ như một người hướng dẫn văn hóa siêu việt vậy. Đúng vậy, vì hình ảnh của ngọn lửa hồng cứ hừng hực cháy rực lên bên trong bếp phía dưới nồi bánh là thứ mà tôi quan tâm nhất, tôi thích thú ngọn lửa ấy đến kỳ lạ, bất kể là đêm hay ngày, cứ hễ bắc bếp lên nấu bánh là tôi lại ngồi lỳ bên bếp cho đến khi nào vớt bánh thì thôi. Hơi khói nghi ngút, mùi thơm thơm nồng nồng, cay cay của những cành củi nhãn được phơi khô, tiếng lép bép của than hồng nổ trước mặt… hướng mắt lên trên, những bọt nước gợn gợn vừa trắng, vừa xanh nổi lên trên nồi nước và cứ như thế sùng sục sôi cho đến khi nào tắt bếp thì thôi. Tôi cảm nhận được hơi ấm của ánh lửa đó cũng chính như hơi ấm từ vòng tay của bố, mẹ và các anh chị giành cho tôi, vui sướng lạ lùng, tôi thầm ước, muốn mình bé lại, cuộn tròn trong lòng mẹ, bên vòng tay ấm áp của cha, trong sự yêu thương, chia sẻ nô đùa của các anh chị…

Nhưng giờ đây, thì chẳng còn bố nữa, tôi đau… đau lắm, nhớ lại những ngày đầu đi học xa nhà. Năm đầu tiên, tôi lạ lẫm, bang quơ, nhưng rồi cứ thế, ngày từng ngày trôi qua. Quen dần, tôi hết lạ. Năm 2, rồi năm 3 cứ qua đi một cách âm thầm và lặng lẽ. Thế nhưng trong cái suy nghĩ và con người im lặng của tôi thì hoàn toàn khác. Lúc nào cũng vậy, nhắm mắt vào, mở mắt ra... hết ngày đến đêm, hết sáng đến tối... trong trí óc và ánh mắt của tôi là hình ảnh của cây rơm, của đồng ruộng, của vườn chuối, sân gà, của những nơm, những lưới... nơi quê mùa thân thương. Không một lúc nào là tôi quên được dù chỉ là một hình ảnh nhỏ, một chi tiết không đáng nhớ. Tôi và gia đình! Bố, mẹ, chị hai... sinh ra trong khó khăn, sống trong vất vả, là con út của một gia đình có đến bảy, tám miệng ăn tôi dường như không được biết đến cảm giác của vật chất. Xung quanh tôi chỉ là những câu nói bông đùa của bố, những câu hò quan họ vu vơ của mẹ, tiếng tranh luận, chuyện trò ồn ã của các anh chị cho qua ngày.

Không hiểu vì sao mà ngày tết năm nay, những ký ức xưa kia lại ập ùa về với tôi nhiều đến thế, từ vui đến buồn, từ ngộ nghĩnh đến xót xa. Ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời đầy tuyết phủ sương rơi, nghĩ về nơi quê nhà đất Việt: Tết đến rồi ư? Tôi chợt nhớ về cánh đồng lúa ở ngoài kia bờ ruộng đã gắn liền với gia đình tôi, dòng họ tôi từ lâu lắm rồi; đó là nơi mà tôi đã gắn liền khá nhiều những kỷ niệm của mình mà gần như là toàn bộ. Ngày mùa là vui nhất, tôi đi học... loắt choắt, lanh lẹ tôi mong cho hết giờ để vụt chạy tắt về nhà qua cánh đồng rười rượi hương lúa chín đang gục xuống dần dần sau những liềm cắt thật ngọt của mẹ, của chị. Tôi bị gọi là Đẹt - nhỏ mà lanh chanh, nhưng cũng vô cùng hồn nhiên và ngây thơ. Tuổi thơ của tôi là như thế, cứ như thế theo mẹ ra đồng, cùng lũ bạn nô đùa gào thét thả diều trên bãi cỏ quê đậm hương đòng non mới trổ, rồi trận giả, rồi bắn bi... là con gái nhưng tôi đâu có thua bất cứ thằng con trai nào. Cũng có khi nghịch nhiều trò dại lắm, nhưng đối với tôi nó là một kho báu tinh thần... Đâu có dừng lại ở đó, không biết bao nhiêu lần tôi đã lén bố lên tàu ra khơi, tôi khúc khích sau sự phát hiện nghiêm nghị của ông, tôi cười rồi chạy khắp tàu cho ông rượt đuổi, tôi thích thế, vui nhất là chuyến ra khơi cuối cùng ngày giáp tết, tôi chỉ muốn tận mắt chứng kiến cảnh sóng biển, khơi xa, cảnh mọi người ngư dân thả chài, kéo lưới… rồi vào bờ sau những ngày vất vả với những khoang đầy ắp cá tôm… đó chính là động lực tinh thần và cũng báo hiệu cho sự chuẩn bị một năm mới đầy an vui, sung túc, đầy đủ…, đó chính là sự động viên, ban tặng của ngư ông, của trời đất… Ôi! Nhớ lắm, nhớ lắm những ngày tết thân thương…

Thời khắc này, trong đau buồn, trong thương tiếc, tôi như bị trầm cảm, không nói không rằng, tôi chỉ biết lang thang, âm thầm trên những con phố quen thuộc hay những quán bar rẻ tiền giành cho những du học sinh nghèo như tôi. Bâng khuâng theo dòng cảm xúc, tôi nhớ về những năm cấp ba của mình, bỗng một ngày bất chợt nào đó "thằng Đẹt" nhận ra mình đã lớn, đã thành một nữ sinh rồi. Khoe dáng trong bộ áo dài trắng trinh nguyên, nó ngại, nó thẹn, mặt nó đỏ bừng lên; cúi xuống, cắp tập trong tay bước bộ đến trường mà nó cứ gục khuôn mặt nghịch ngợm xuống đất như là đang đánh dấu bước chân trên đường vậy. Nhưng rồi nó cũng quen, cùng bạn bè càng ngày nó càng dạn, đúng như bản chất của nó khi ở nhà. Rồi nó ý thức được rằng, cuộc sống của nó, của gia đình nó không phải mãi chỉ quẩn quanh ở đồng ruộng, trông chờ vào mùa vụ, vào ông trời nơi xa khơi kia. Nó nuôi hy vọng, quyết tâm để trở thành một cô giáo, một cô giáo thôn quê cũng được; nhưng phải thay đổi, không cầm liềm, cầm cuốc... nữa. Làm cô giáo, giúp mình, giúp mọi người, giúp những đứa nhỏ như nó ngày xưa, để tất cả cùng được đến lớp. Nghĩ lại, dù sao nó vẫn may mắn hơn lũ bạn đồng trâu, hầu hết chúng nó không đi lớp, "ở nhà đi câu cá sướng hơn" - đó là lời bọn nó. Và cũng thật may mắn khi nó đã đạt được ước mơ của mình, học giỏi lại nỗ lực nó nhận được suất học bổng tại Nga, vừa mừng vừa lo, nó băn khoăn, trăn trở...

Và giờ đây, khi ở nơi đất khách quê người, trong sự cô đơn tôi lại càng cô đơn, đau đớn hơn nữa bởi sự đau thương mất mát của bố mà tôi không được đeo tang… Trước mắt tôi lúc này là biết bao lo toan, suy nghĩ. Thương mẹ đã già, thương bàn tay nhặt lúa chắt chiu từng ngày, thậm chí là oằn mình với nhọc nhằn, sớm sương để nuôi tôi ăn học, "ăn hết cơm mẹ thì cũng phải về với mẹ nghe con. Mày mà đi thì cơm mẹ đắng." Tôi ghi nhớ mãi trong trái tim mình lời dặn dò của mẹ khi mà tiễn tôi lên đường ngày nhập học. Cơm mẹ không đắng đâu, ngon lắm, thơm lắm mẹ à! Con hiểu những gì mà bố, mẹ và các anh chị đã hy sinh vì con, vì tương lai của con. Cho dù bố đã mất, nhưng mẹ cũng phải cố gắng lên, vẫn còn có chúng con. Năm nay nữa là đã tròn sáu mùa xuân con không về, con chỉ biết câm lặng mà đứng lên thôi mẹ à. Con hiểu những gì mà bố đã nhắn gửi với con từ bấy lâu nay, con muốn… con muốn được như thuở nhỏ, tay trong tay cùng cả gia đình, lòng phơi phới mà cầm nhành đào tươi thắm trong tiết trời se lạnh của ngày đầu xuân. Thời khắc giao thừa những năm ấy con vẫn nhớ, làm sao con có thể quên được giây phút đó được; khói hương nghi ngút, hương trầm đang ngào ngạt tỏa ra cùng với lời khấn nguyện của bố trước bàn thờ ông bà tổ tiên, mâm ngũ quả mẹ đã sắp sẵn để đặt lên bàn thờ, rồi xôi, rồi gà… bình dị mà dịu êm, nghèo mà thân thương vô cùng. Con vẫn nhớ bàn tay gầy gò, thô ráp của mẹ dắt con đi trên con đường làng gạch và đất xen nhau, lổn nhổn lên nhưng đã chai lỳ vì bước chân của biết bao nhiêu con người nơi làng Thượng này, dài nhưng hẹp, theo hơi gió heo may hòa lẫn vào mùi hương thanh khiết của đất trời ngày mồng 1. Mẹ dắt con lên Chùa hái lộc cầu may, mọi người cũng nô nức đẩy đưa đủ màu sắc, mấy đứa nhỏ như con cứ khép nép sau lưng những người ông, người bà, người cha, người mẹ của mình. Chắp đôi bàn tay bé xíu búp măng như đóa sen tinh khôi đang nở ra giữa cuộc đời, con lí nhí “cầu cho bố con mạnh khỏe, cho con thuyền của bố con không gặp thần bão, cho mẹ con năm nay thu nông sản được nhiều, cho con học giỏi để hơn thằng cu Tý nữa…”. Lời cầu nguyện thơ ngây của một đứa trẻ nông thôn chưa từng bao giờ biết đến phố phường, thành thị. Tin vào Thành Hoàng, ông Ngư, bà Chúa nào đó không hay…

Ôi chao! Lúc này đây, tôi thèm khát một giọt nước giếng khoan nơi quê nhà bên cạnh vườn chuối tươi non, tôi thèm lắm vào một buổi sáng xuân đi hái lộc, thèm lắm một phong bao lì xì của bố mừng tuổi đầu năm… Trời ơi! Còn đâu nữa những ước muốn nhỏ nhoi như thế? Tôi ước ao được trở về ngay bên cạnh người mẹ già nhỏ bé của mình, được áp đầu mình vào hai bầu sữa ấm nóng đã nuôi lớn tôi một thời kia; được thắp lên bàn thờ bố một nén hương sám hối, được đứng trước nấm mồ còn mới tinh kia mà đắp đất mà kêu gào… Chợt nghĩ… Tôi ân hận, tôi ân hận vô cùng khi đã có quyết định ra nước ngoài, giá mà… tôi chín chắn hơn vào lúc ấy; cả bố tôi, mẹ tôi và các anh chị em đều sướng rơn lên vì điều này nhưng đâu đó trong lời nói thì thào của bố tôi nghe được rằng “con đừng đi, đừng đi xa bố, bố không chờ được lâu nữa đâu, con ơi!”… Lại rít lên, thút thít trong tiếng nấc dài, “con sai, con sai rồi bố ạ. Con biết bố đã cố gắng để chờ đợi mùa xuân này, chờ đợi ngày con trở về sum vầy, vui vẻ cùng gia đình với tấm bằng tốt nghiệp trên tay, nhưng…”. Tôi òa lên trong băng giá, tuyết phủ của mùa xuân Mát-xcơ-va, cái giá lạnh đó càng như xé lòng tôi ra từng chút, từng chút một, đau hơn nữa.

Nhớ lắm mái tóc bố bạc màu, yêu lắm bàn tay mẹ sần chai... Con nhớ mãi, ghi mãi công ơn này của hai đấng sinh thành đã tạo nên con, cho con một niềm tin cuộc sống, cho con đôi chân vững vàng và hành trang chắc chắn. Tất cả, tất cả đó sẽ là đích đến của con. Nhưng mùa xuân này con đã không trọn vẹn được như những gì mà con mong ước… Mong rằng những đau thương kia sẽ là động lực để con kết thúc khóa học của mình với một kết quả xuất sắc nhất…

Đó là những mùa xuân xa nhà của tôi, là những nỗi niềm tôi đã chất chứa trong biết mấy năm qua mà bây giờ khi nhớ lại nó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Đó là sự cô đơn, đau đớn, giày vò… Sinh ra trong khó khăn, lớn lên trong từng hạt gạo ngọt hương của bố mẹ, tôi không khi nào nguôi ngoai một nỗi nhớ về ký ức thân thương đó. Bồng bềnh trong sương sớm hôm nay đó chính là những ước mơ về một ngày tết quấy quần bên mâm cơm gia đình của mình. Khát khao một mùa xuân đầm ấm… nhưng… “cha ơi! Cha ở đâu?”
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top