Xuân Diệu được đánh giá là nhá thơ mới nhất của phong trào thơ mới, hãy làm sáng tỏ điều đó qua bài

  • Thread starter Thread starter a321
  • Ngày gửi Ngày gửi
Xuân Diệu-nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
Xuân Diệu-nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
I, Cuộc đời
_ 1916: sinh ngày 2 tháng 2 (29 tháng giêng Bính thìn) tại quê má (bà Nguyễn Thị Hiệp) ở Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.
Thuở nhỏ học chữ Hán và Quốc ngữ với cha là Ngô Xuân Thọ, đỗ tú tài kép Hán học, vốn quê xã Chảo Nha (nay là Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

_1927: Vào học trường Cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, được cấp học bổng và nội trú tại trường.

_1933: Bài thơ sáng tác đầu tay, sau này (1938) mới in vào Thơ thơ: Bài thơ tuổi nhỏ (1933).

_1934: Mùa hè, đỗ bằng “Đíplôm” (thành chung) tại trường Quy Nhơn.

_1935 -1936: Ra học tú tài phần thứ nhất tại trường trung hcoj Bảo hộ Hà Nội. Bài thơ đầu tiên được in là bài Với bàn tay ấy trên báo Phong hóa (1938): Yêu, “Vì sao”, Biệt ly êm ái, với bàn tay ấy…

_1936-1937: Vào học tú tài phần thứ hai tại trường Trung học Khải Định Huế.
Tại đây, gặp Huy Cận (1936) và hai người kết nghĩa với nhau cho đến cuối đời.
Thế Lữ viết bài giới thiệu Một nhà thi sĩ mới: Xuân Diệu in trên báo Ngày nay số Tết 1937.

_1938-1940: Ra Hà Nội sống chung với Huy Cận ở gác 40 Hàng Than, ghi tên học luật và dạy ở trường tư thục Thăng Long (do Hoàng Minh Giám làm giám đốc).
Tháng 12 năm 1938 xuất bản tập thơ đầu Thơ thơ với tựa của Thế Lữ và trình bày mỹ thuật của Lương Xuân Nhị.

_1939, cùng với Huy Cận tự tái bản Thơ thơ (nhà xuất bản” Huy Xuân”) và xuất bản tập truyện ngắn Phấn thông vàng (nhà xuất bản Ngày nay).
Đầu 1940, thi đậu vào ngành tham tá thương chính và được bổ nhiệm vào Sở Đoan Mỹ Tho.

_ 1940-1943: Tham tá Sở Đoan Mỹ Tho.

_ 1943: Thôi việc ở Mỹ Tho, ra Hà Hà Nội sống với Huy Cận (đã tôt nghiệp kỹ sư canh nông 1943).Tham gia Việt Minh bí mật cùng với Huy Cận.

_ 1945: + Xuất bản tâp thơ văn xuôi Trường ca và tập thơ thứ hai Gửi hương cho gió (nhà xuất bản Thời đại).
+ Tháng 2 năm 1945, làm cuộc diễn thuyết đầu tiên về đề tài Sinh viên với quốc văn do Tổng hội sinh viên Việt Nam tổ chức. Về sau được xuất bản với tên đề mở rộng: Thanh niên với quốc văn.
+ 1944-1945, cùng với thơ có một loạt bài bút ký, tiểu luận lên án thứ văn thơ ủy mị, trụy lạc, ca ngợi ”nàng tiên nâu” in trên tuần báo Thanh niên, cơ quan của phong trào thanh niên Dân chủ Sài Gòn, do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm.
+ Tháng Tám 1945, tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội. Hăng hái tham gia các hoạt động lên án bọn Việt cách, Việt quốc chông phá chính quyền cách mạng, và làm nhiều bài thơ đả kích mạnh mẽ bọn này: Tổng bất … Đình công, Một cuộc” biểu tình”, Vịnh cái cờ…
+ Xuất bản tập tráng ca Ngọn quốc kỳ ca ngợi cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc.

_ 1946: + Xuất bản tập tráng ca Hội nghị non sông, ca ngợi Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
+ Được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960).
+ Tháng 5-1946, được chọn làm thanh niên trong đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đoàn sang Pháp hội đàm. Trong chuyến đi này có ghé thăm một tiểu đoàn lính Việt Nam đóng ở Tây Đức. Sau đó, in thiên phóng sự dài Từ trường bay đến trường bay trên báo Cứu quốc và xuất bản tập ký bút Việt Nam nghìn dặm phản ánh phong trào đấu tranh yêu nước của Việt kiều, lính chiến và lính thợ, từ 1940-1946.

_1946: + Tháng 12, kháng chiến toàn quóc bùng nổ, lên chiên khu Việt Bắc, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (1946-1947), phụ trách mỗi tuần một Câu chuyện văn hóa trên Đài, về sau tập hợp in thành tập Việt Nam trở dạ (1948).

_ 1948: Được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Tham gia Ban biên tập tạp chí Văn nghệ cơ quan của Hội- từ những số đầu tiên. Giữ mục Tiếng thơ trên tạp chí, giới thiệu phong trào sáng tác thơ ca của bộ đội và quần chúng; về sau tập hợp thành tập Tiêng thơ (1951).

_ 1949: + Được kết nạp vào Đảng Công sản Việt Nam do Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi giới thiệu.
+ Tham gia các đợt phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất ở Nghệ An và Thanh Hóa. Sau đó xuất bản tập thơ về đề tài này (Mẹ con, 1954).
+ Bắt đầu những cuộc bình thơ trong công chúng, cho đến cuối đời đã thực hiện được khoảng 500 cuộc.

_ 1954: + Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, về tiếp quản Hà Nội. Từ 1954 đến cuối đời, sống và làm việc ở Hà Nội.
+ Tập thơ Ngôi sao được giải thưởng văn nghệ 1954-1955
+ Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 1,2,3 (1957-1985)

_ 1956: Đi thăm Liên Xô và Hunggari. Xuất bản tập ký sự thăm nước Hung (1956).

_ 1958: + Trong Đoàn đại biểu nhà văn Việt Nam dự Hội nghị trù bị các nhà văn Á Châu ở Niu Đêli, thăm Ấn Độ hai tháng, bắt đầu dịch và giợi thiệu thơ R.Tago.
+ Viết một loạt bài tiểu luận ứng chiến lên án nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm và in thành tập Những bước đường tư tưởng của tôi (1958).
+ Là diễn giả tại lễ kỉ niệm 138 năm ngày mất thi hào dân tộc Nguyễn Du và cũng là thời điểm mở đầu một loạt các công trình nghiên cứu về các nhà thơ lớn truyền thống của dân tộc .

_ 1961: Xuất bản tập tiểu luận kinh nghiệm sáng tác trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ.
Bên cạnh thơ về hai đề tài lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh chống thông nhất nước nhà, tiếp tục làm nhiều thơ về đề tài tình yêu ; xuất bản tập trung trong phẩm Cầm tay (tập Mũi Cà Mau, với Cầm tay, 1962).

_ 1975: Trở lại miềm Nam ngay sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng. Thăm lại quê má Bình Định, Sài Gòn, Mỹ tho, Cà Mau, Plâycu… sau hơn ba mươi năm xa cách .

_1980: Dự và phát biểu tại Hội nghị các nhà văn thế giới bảo vệ hòa bình lần thứ hai ở Xôphia. Bắt đầu dịch và giới thiệu Các nhà thơ Bun-ga-ri (S. Ptôphi, C. Bôtép, E. Bagriana, B. Đimitrôva…)

_ 1981: Được mời sang Pháp nói chuyện về thơ Việt Nam tại các trường đại học Pari VII, Nixơ, Xoócbon.

_ 1982: Dự lễ mừng thọ nhà thơ dân tộc Cuba Nicôlai Ghiden bẩy mươi tuổi tại La Havana, dịch và giới thiệu tập thơ Nicôlai Ghiden (1982).

_ 1983: Được Viện Hàn lâm nghệ thuật công hòa dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn.
Xuất bản Tuyển tập Xuân Diệu: tập I -thơ

_ 1985: +Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dụ tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Liên Xô
+ Thăm miền Nam lần cuối cùng.
+ Từ trần lúc 19 giờ 45 phút ngày 18 tháng 12 năm1985 (mồng 7 tháng 1 Ất sửu) sau một cơn đau tim đột ngột, tại Hà Nội. Được Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, an táng tại nghĩa trang Văn Điển, nay đã cải táng về nghĩ trang Mai dịch.

+ Bài tham luận Sự uyên bác với việc làm thơ (tác phẩm công phu cuối cùng) được công bố tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ III (sáng sớm 19 tháng 12 năm 1985), sau đó in toàn văn lần đầu tiên trên Tạp trí Văn học.
II/Thơ văn và con người
Thế Lữ đã từng nhận xét về Xuân Diệu: "Một tâm hồn đằm thắm và rất dễ cảm xúc". Sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, sống giữa thiên nhiên phóng khoáng với những ngọn gió nồm và những con sóng biển đã tác động đến hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của ông. Phải sống trong hoàn cảnh éo le, ông là con vợ lẽ, phải xa mẹ từ nhỏ và thường bị hắt hủi. Vì thế, thơ ông luôn thể hiện tâm hồn khao khát tri âm, khao khát giao cảm với đời một cách mãnh liệt và da diết. Đúng như ý kiến của một nhà phê bình đã đánh giá: "Xuân Diệu là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời".

Về quá trình đào tạo: Một mặt, ông tiếp thu, học hỏi văn hóa phương Đông từ người cha là một nhà nho, tìm về vốn tri thức cổ, văn hóa truyền thống một cách tích cực. Mặt khác, Xuân Diệu là một trí thức Tây học, đã hấp thụ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là Pháp và các nhà văn thuộc trường phái tượng trưng một cách có hệ thống. Vì thế có thể tìm thấy ở nhà thơ sự kết hợp hai yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây trong tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ. Trong đó yếu tố Tây học, hiện tại ảnh hưởng sâu đậm hơn.

Xuân Diệu là một tài năng nhiều mặt: làm thơ, viết văn, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật. Đặc biệt, ông nổi tiếng là một nhà thơ xuất sắc với mười lăm tập thơ. Đối với Xuân Diệu, làm thơ, văn không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là một cách giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.
Xuân Diệu là một con người có tinh thần lao động nghệ thuật đầy đam mê và bền bỉ ngay từ thuở nhỏ "cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong - Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ". Xuân Diệu trước hết học được ở cha - ông đồ Nghệ đức tính cần cù, kiên nhẫn trong học tập, rèn luyện tài năng và lao động nghệ thuật. ở Xuân Diệu, học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo vừa là một quyết tâm khắc khổ, vừa là một lẽ sống, một niềm say mê lớn.


Lao động nghệ thuật suốt hơn một nửa thế kỷ, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học xuất sắc. Là một con người tài năng nhiều mặt, ở lĩnh vực nào Xuân Diệu cũng có những đóng góp lớn nhưng nói đến Xuân Diệu trước hết phải nói đến một nhà thơ, một cây đại thụ của thơ ca hiện đại Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác thơ của Xuân Diệu có thể chia làm hai giai đoạn: Trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu được xem là nhà thơ lãng mạn tiêu biểu của phong trào. Thơ mới với hai tập thơ xuất sắc Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Xuân Diệu đã đem đến Thơ mới nguồn cảm hứng mới lạ của một hồn thơ sôi nổi, thiết tha yêu đời, thể hiện niềm khát khao giao cảm tận độ với cuộc đời bằng một cái tôi cá thể ý thức thật rõ giá trị của bản thân trước thế giới.

Nhà thơ bộc lộ niềm khát khao giao cảm nồng cháy, cuồng say trước cuộc đời, bắt nguồn từ quan niệm sống tích cực của cái tôi cá nhân cá thể ý thức sự hiện hữu của bản thân trong cuộc đời và khát khao sống cháy sáng.

Xuân Diệu không muốn hòa lẫn cái tôi của mình vào biển đời mờ mờ nhân ảnh mà khẳng định mình là đỉnh Hi Mã Lạp sơn, "là một, là riêng, là thứ nhất":
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Trong khi các nhà thơ mới khác đối lập cái tôi của mình với cuộc đời như tìm đến chốn bồng lai tiên cảnh như Thế Lữ, tìm về chốn quê như Đoàn Văn Cừ thì Xuân Diệu hòa lẫn cái tôi của mình vào cuộc đời trần thế, yêu đời tận tưởng đắm say cuộc đời.

Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tươi đẹp của cuộc sống. Cái tôi Xuân Diệu được giải phóng khỏi ước lệ phi ngã cổ điển, nhìn đời bằng cái nhìn xanh non, biếc trời, đầy trẻ trung. Thiên nhiên và con người mang sức trẻ tình tứ sâu sắc, một thế giới xuân đời ngồn ngột hương sắc, tinh vi huyền diệu:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.
(Vội vàng)

Thơ ca trung đại, tình gắn với nghĩa. Một số nhà thơ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương nói được tình yêu cả về tinh thần và thể xác nhưng chỉ đến Xuân Diệu, khát vọng về tình yêu mới được thể hiện thành thục và mãnh liệt nhất, đem đến đương thời những ý tưởng mới mẻ và táo bạo.

Trong thơ Xuân Diệu, cảm thức thời gian được bắt nguồn từ quan điểm nhân sinh mới mẻ. Xuân Diệu với tâm hồn nhạy bén ý thức được sự chảy trôi của thời gian một đi không trở lại nên luôn mang trong mình nỗi ám ảnh, lo sợ. Nhà thơ muốn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống, tận hưởng từng phút giây của cuộc đời, thể hiện niềm ham sống lành mạnh.

Bên cạnh niềm yêu say cuộc đời, thơ Xuân Diệu cũng thể hiện nỗi buồn chán, hoài nghi, cô đơn. Do Xuân Diệu là một nhà thơ, một nghệ sĩ theo khuynh hướng lãng mạn, đòi hỏi cái hoàn mĩ, tự nuôi mình bằng những ảo mộng cuộc đời, luôn thèm muốn giao cảm vô biên tuyệt đỉnh với cuộc đời, nên khi gặp phải hoàn cảnh xã hội tầm thường giả dối, sống trong đất nước mất chủ quyền, bản thân là người dân mất nước, chịu vòng nô lệ khao khát dâng hiến nhưng gặp phải xã hội kim tiền, Xuân Diệu rơi vào chán nản, hoài nghi, cô đơn, "buồn tịch mịch ngay trong cả những điều ấm nóng tươi vui":
Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu giữa sầu bóng tối.

Yêu đời, thiết tha với cuộc sống nhưng mang trong mình nỗi chán nản, hoài nghi, cô đơn. Hai trạng thái cảm xúc này tưởng như đối lập nhưng lại rất thống nhất của một hồn thơ khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời, của một cái tôi có thể ý thức đầy đủ về sự hiện hữu và giá trị của bản thân trước thế giới.

Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 cũng thể hiện sự cách tân về nghệ thuật đầy mới mẻ và táo bạo Xuân Diệu đem đến nguồn thi tứ mới mẻ: Thơ xưa khi viết về nỗi cô đơn thường tạo ra không gian trống trải, thiếu vắng con người, còn đối với Xuân Diệu, ngay cả khi con người và cảnh vật ở bên mình, nhà thơ vẫn cảm thấy cô đơn:
Dù tin tưởng chung một đời một một
Em là em, anh vẫn cứ là anh
(Xa cách)
Tình yêu trong thơ Xuân Diệu không diễn tả bóng gió, ước lệ như thơ xưa mà hiện lên với ý nghĩa đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất, là sự hòa hợp về linh hồn và thể xác.
Hình ảnh thơ mới mẻ, táo bạo, mang đậm cảm giác phồn thực:
Trăng ác mộng đã muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tràn đầy.
Thơ Xuân Diệu với những hình ảnh đầy rẫy tính cảm giác, được cảm nhận bằng tất cả các giác quan:
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
hay:
Hương hiu hiu, nên gió cũng ngọt ngào
Từ ngữ sử dụng mới lạ, táo bạo, rất Tây:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
hay:
Lòng anh thôi đã cưới lòng em
Cách ngắt nhịp mới, lạ (4 / 2 / 1):
Đàn ghê như nước lạnh trời ơi
Câu thơ của Xuân Diệu mang đậm yếu tố khẩu ngữ, có tính chất đối thoại, mang màu sắc luân lí:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Có nhiều khó từ, câu hỏi, cảm thán. Giọng điệu sôi nổi, cuồng nhiệt, đắm say.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu trở thành nhà thơ cách mạng, hòa mình vào cuộc sống mới, nhiệt thành phục vụ cách mạng. Thơ nở rộ với nhiều tập thơ lớn: Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982).

Nếu trước đây, Xuân Diệu mang trong mình nỗi cô đơn hoài nghi trước cuộc đời thì sau cách mạng, nhà thơ đã nhanh chóng hòa nhập, tìm được sự tri âm. Cảm hứng thơ vì thế tươi vui và ấm áp.
Trước lệ sa ta oán hận đất trời
Nay lệ hòa ta lại thấy đời vui
Tình yêu có sự chung thủy, sum vầy, yêu thương, ấm áp.
Đề tài phong phú hơn, mở rộng hơn. Ngòi bút hướng đến Đảng, nhân dân, cuộc sống lao động mới.

Cảm hứng mới, đề tài mới, nội dung mới đòi hỏi cách thể hiện mới. Ngòi bút của Xuân Diệu không thể đi theo lối cũ đường quen. Xuân Diệu học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, ngôn ngữ giản dị, gần với đời sống, tuy có lúc còn vụng về, dễ dãi.
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng.
Giọng điệu thơ phong phú, không chỉ đơn thuần là giọng trữ tình mà còn mang giọng trầm hùng cổ kính của sử ca như trong tróng ca Ngọn quốc kỳ hay mang hơi thở triết lý như trong Lệ:

Máu của linh hồn là nước mắt
Còn rơi biết đến thuở nào thôi
Giọng đối đáp giao duyên như trong bài Hỏi:
Ai làm cách trở đôi ta
Vì anh vụng ngượng hay là vì em?
Trăng còn đợi gió chưa lên
Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?
Ta còn gặp ở thơ Xuân Diệu sau Cách mạng giọng thơ chính luận, tự sự trữ tình, trào phúng đả kích.

Bên cạnh sáng tác thơ, Xuân Diệu còn viết văn xuôi, nghiên cứu phê bình văn học và dịch thuật. Phấn thông vàng (1939) và Trường ca (1945) là hai tập văn xuôi đặc sắc của ông. Xuân Diệu còn để lại những tập tiểu luận, phê bình có giá trị: Tiếng thơ, Phê bình giới thiệu thơ, Dao có mài mới sắc...

Xuân Diệu là nhà thơ lớn trong văn học hiện đại, nhà thơ lớn của dân tộc. Bài học Xuân Diệu để lại cho đời là tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, là niềm tin yêu tha thiết đối với con người, là ý thức chân thành đối với văn chương. Dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng thơ Xuân Diệu vẫn đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn các thế hệ độc giả.
 
Xuân Diệu (1916-1985) - một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Đó là bước chuyển tất yếu của một trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ. Thơ văn Xuân Diệu có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam. Có thể tìm hiểu sự nghiệp văn học của nhà thơ qua thơ và văn xuôi:

Về lĩnh vực thơ ca, chúng ta có thể tìm hiểu qua hai giai đoạn chính, trước và sau cách mạng tháng Tám. Trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn. Các tác phẩm chính: tập thơ "Thơ thơ" (1938) và "Gửi hương cho gió" (1945). Nội dung của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là: Niềm say mê ngoại giới, khát khao giao cảm trực tiếp, cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời ("Vội vàng", "Giục giã"). Nỗi cô đơn rợn ngợp của cái tôi bé nhỏ giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận (Lời kỹ nữ). Nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh một triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng ("Vội vàng"). Nỗi khát khao đến chảy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy hương sắc và thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên thật phũ phàng trước cuộc đời ("Dại khờ", "Nước đổ lá khoai").

Sau cách mạng, thơ Xuân Diệu đã vươn tới chân trời nghệ thuật mới, nhà thơ đã đi từ "cái tôi bé nhỏ đến cái ta chung của mọi người" (P.Eluya). Xuân Diệu giờ đây đã trở thành một nhà thơ cách mạng say mê, hăng say hoạt động và ông đã có thơ hay ngay trong giai đoạn đầu. Xuân Diệu chào mừng cách mạng với "Ngọn quốc kỳ" (1945) và "Hội nghị non sông" (1946) với tấm lòng tràn đầy hân hoan trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ ca. Ý thức của cái Tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống. Đất nước đã đem đến cho ông những nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Nhà thơ hăng say viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu: tập "Riêng chung" (1960), "Hai đợt sóng" (1967), "tập "Hồn tôi đôi cánh" (1976)...

Từ những năm sáu mươi trở đi, Xuân Diệu tiếp tục viết thơ tình. Thơ tình Xuân Diệu lúc này không vơi cạn mà lại có những nguồn mạch, cảm hứng mới. Trước cách mạng, tình yêu trong thơ ông hầu hết là những cuộc tình xa cách, cô đơn, chia li, tan vỡ... Nhưng sau cách mạng, tình yêu của hai con người ấy không còn là hai vũ trụ bé nhỏ nữa mà đã có sự hòa điệu cùng mọi người. Tình cảm lứa đôi đã hòa quyện cùng tình yêu tổ quốc. Xuân Diệu nhắc nhiều đến tình cảm thủy chung gắn bó, hạnh phúc, sum vầy chứ không lẻ loi, đơn côi nữa (Dấu nằm", "Biển", "Giọng nói", "Đứng chờ em").

Về lĩnh vực văn xuôi có thể nói Xuân Diệu quả thật tài tình. Bên cạnh tố chất thơ ca bẩm sinh như thế, Xuân Diệu còn rất thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Các tác phẩm chính: "Trường ca" (1939) và "Phấn thông vàng" (1945). Các tác phẩm này được Xuân Diệu viết theo bút pháp lãng mạn nhưng đôi khi ngòi bút lại hướng sang chủ nghĩa hiện thực ("Cái hỏa lò", "Tỏa nhị Kiều").

Ngoài ra, Xuân Diệu còn rất tài tình trong việc phê bình văn học, dịch thuật thơ nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu: "Kí sự thăm nước Hung", "Triều lên", "Các nhà thơ cổ điển Việt Nam", "Dao có mài mới sắc".

Dù ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có đóng góp rất to lớn với sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét "Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam". Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế có thể nói rằng Xuân Diệu xứng đáng là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.
 
Trong “Nhà văn hiện đại”, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã viết : “Với những nguồn cảm hứng mới : yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía”.“Vội vàng” là bài thơ độc đáo nhất, “mới nhất” của thi sĩ Xuân Diệu in trong tập “Thơ thơ”(1933-1938)- đóa hoa đầu mùa đầy hương sắc làm rạng danh một tài thơ thế kỉ - “là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy có cả một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ ca truyền thống”- giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh.

Mỗi lần những dòng thơ trên, nhạc điệu “Vội vàng” cứ ngân vang, dào dạt mãi trong lòng ta, Tình yêu đời, yêu sống như tát mãi không bao giờ cạn…Cảm thức về thời gian, về mùa xuân, về tuổi trẻ,… như những lớp sóng vỗ vào tâm hồn ta. Nhà thơ phát hiện có một thiên đường ngay trên mặt đất này, hơn nữa ngay trong tầm tay của mỗi người bình thường chúng ta. Này đây hoa thơm, trái ngọt của mùa xuân thắm tươi đang chào mời chúng ta đó, đúng là “Thời trân thức thức sẵn bầy”:

Của ong **** này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si…

Ôi, sao người ta cứ đi tìm bồng lai ở tận đâu đâu, cứ đi kiếm Niết bàn cực lạc ở mãi chốn mông lung, hão huyền nào! Nó ở ngay cuộc sống quanh ta đây, ngay trong giây phút hiện tại đây. Nó là cái hiện hữu, là cái nhỡn tiền. Hưởng ngay đi! Ngắm nhìn, ôm ấp ngay đi, còn chờ gì nữa! Thực ra thế giới tươi đẹp này, vườn xuân mơn mởn này, đâu phải bây giờ mới có. Nhưng có mà mắt ta không nhìn thấy thì cũng như là không có. Nhà thơ không tạo ra thế giới mới, nhưng có con mắt mới, Xuân Diệu gọi là “cặp mắt xanh non”. Thóat khỏi hệ thống ước lệ có tính phi ngã của văn chương cổ, cặp mắt xanh non “Thơ mới” – tiêu biểu hơn hết là Xuân Diệu – ngơ ngác, vui sướng như lần đầu tiên trông thấy trời xanh, hoa lá, **** ong, cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng non tươi, cái gì cũng mê, cũng say,….

Nhưng đối với Xuân Diệu, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất vẫn là vì có con người, con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Thơ xưa lấy thiên nhiên làm chuẩn cái đẹp của con người : “Phù dung như diện, liễu như mi” – mặt như hoa phù dung, lông mày như lá liễu. Xuân Diệu đưa ra một tiêu chuẩn khác: con người hồng hào, mơn mởn giữa tuổi yêu đương là đẹp nhất. Ấy mới là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Con người là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ. Vẻ đẹp con người trần thế là tác phẩm kì diệu nhất của tạo hóa, đó là ý nghĩa nhân bản của mĩ học Xuân Diệu. Tư tưởng mĩ học ấy đã giúp nhà thơ sáng tạo nên những hình ảnh rất Xuân Diệu :

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Ánh sáng buổi sớm mai như phát ra từ cặp mắt đẹp vô cùng của nàng công chúa có tên là Bình Minh. Nàng vừa tỉnh giấc nồng suốt đêm qua, mắt chớp chớp hàng mi rồi bùng nở ra muôn vạn hào quang. Trong “Trường ca” sau này, Xuân Diệu sẽ còn sử dụng thành công hình ảnh đó một lần nữa: “Mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm (…). Con mắt điện quang thấu suốt muôn trùng.” Nhưng “Vội vàng” còn có một hình ảnh độc đáo đáng gọi là một sáng tạo tuyệt vời :

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Một hình ảnh táo bạo rất Xuân Diệu. Một vẻ đẹp rất trần gian nhưng chỉ có tạo hóa tòan năng mới làm được. Nó gần gũi, có tính nhục thể nữa, nhưng đồng thời lại rất đỗi xa vời, xa vời như một cái gì vô cùng tinh khôi, trong trắng. Nhưng tạo hóa có sinh ra con người để mãi mãi hưởng lạc thú ở chốn địa đàng trần gian này đâu! Đời người có hạn. Tuổi xuân ngắn ngủi. Ôi, thời gian khắc nghiệt! Thực ra từ xa xưa, văn chương đã than thở về sự ngắn ngủi của kiếp người. Người ta gọi là “áng phù vân” hoặc là “bóng câu qua cửa sổ”. Nhưng hồi ấy, người ta vẫn ung dung, bình tĩnh. Vì cá nhân chưa tách khỏi cộng đồng, con người còn gắn làm một với vũ trụ, cho nên người chết chưa hẳn là hư vô, vẫn có thể cùng trời đất và cộng đồng tuần hòan. Nhưng niềm tin ấy còn đâu nữa ở thế hệ các nhà thơ mới đã thức tỉnh ý thức cá nhân! Thế giới luôn luôn vận động, thời gian luôn luôn chảy trôi, có cái gì bền vững đâu, nhất là tuổi xuân, ngày xuân :

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Xuân Diệu viết bài thơ này khi mới ngòai hai mươi tuổi, nghĩa là còn rất trẻ. Người trai trẻ ấy nghĩ về mùa xuân như vậy, mới biết sức tàn phá của thời gian như thế nào và thi nhân sợ thời gian trôi qua nhanh như sao! Ở cái tuổi ấy, có lẽ ít người nghĩ thế và nhất là viết như thế để giãi bày lòng mình trong thơ. Sự đối lập (đương tới / đương qua), (non / già) để đi đến một kết luận khẳng định về sự đồng nhất giữa mùa xuân và tác giả nói riêng hay con người nói chung. Mùa xuân trôi đi thì cuộc đời con người cũng chấm hết. Cảm thức về sự tàn phá của thời gian thật nhanh và sâu, được nâng lên như một triết lí nhân sinh của Xuân Diệu. Một con người bình thường không thể nghĩ về thời gian, không gian, sợ thời gian trôi nhanh đến mức như thế. Hẳn là trong ông có chứa chất bi kịch của nhà thơ lãng mạn trong thân phận một thi nhân mất nước lúc bấy giờ, hay chính vì ông quá yêu cuộc sống nồng nhiệt và say đắm mà sợ thời gian cướp mất mùa xuân của mình? Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu ở đây, thực ra, suy cho cùng, cũng chính là hệ quả tất yếu phải có của lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông.

Thời gian cướp đi mùa xuân cũng có nghĩa là cướp mất tuổi trẻ của thi nhân. Đây chính là nỗi buồn, nỗi xót đau và lo lắng nhất của Xuân Diệu. Bởi chính ông là con người yêu quý tuổi trẻ nhất và lo sợ thời gian trôi nhanh thì tuổi trẻ sẽ không còn nữa. Điều đó được ông bộc lộ thật chân thành, tha thiết:

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

Làm sao cuộc đời con người lại có hai lần tuổi trẻ? Và khi thời gian đã trôi nhanh thì liệu tuổi trẻ có còn? Như vậy, “xuân vẫn tuần hòan” thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi tuổi trẻ đã hết? Với Xuân Diệu, cái quý nhất của đời người là tuổi trẻ. Tuổi trẻ là đẹp nhất, cuộc sống thời tuổi trẻ là hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Và điều ông lo sợ nhất là mất đi cái thời quý giá ấy của cuộc sống con người. Nếu không cò tuổi trẻ thì cuộc sống con người cũng chẳng còn :

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.

Qua cảm nhận về thời gian – cũng là qua nỗi băn khoăn của Xuân Diệu trước cuộc đời – ta thấy hiện lên cái đẹp nhất, hấp dẫn nhất trên cõi đời mà nhà thơ khao khát. Đó là tình yêu mùa xuân, yêu tuổi trẻ, yêu cuộc đời tha thiết như muốn sống mãi trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời.Vậy thì làm thế nào bây giờ ? Phải cố níu giữ thời gian lại, giữ lấy hạnh phúc, giữ lại những vẻ đẹp của cuộc sống cho mình bằng những ý tưởng thật táo bạo :

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Nhưng không thể được! Vậy chỉ còn một cách thôi: hãy mau lên, vội vàng lên để tận hưởng những giây phút được sống tuổi xuân của mình giữa mùa xuân của cuộc đời, của vũ trụ :

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh **** với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh chóang mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi:

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

“Vội vàng” là một bài thơ rất Xuân Diệu. Xuân Diệu ở trái tim sôi sục, ở cặp mắt xanh non háo hức, ở sự khẳng định cái tôi trong quan hệ gắn bó với đời, ở nhịp thơ hăm hở, cuống quýt, ở hình ảnh rất bạo đầy rẫy cảm giác và có tính sắc dục, ở cú pháp rất Tây phương và lối qua hàng hết sức thỏai mái. Tất cả đều trở thành thơ và mỗi câu, mỗi chữ đều mang hơi thở nồng nàn say đắm của “ nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hòai Thanh).

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top