CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ CHÓ DẠI CẮN
A. XỬ TRÍ KHI BỊ CHÓ CẮN
Chó, mèo là vật nuôi khá quen thuộc và gần gũi trong mỗi gia đình, nguy cơ bị chó, mèo cắn hoàn toàn có thể xảy ra đối với người lớn và trẻ nhỏ trong khi tiếp xúc hoặc đùa giỡn với chúng. Sẽ rất nguy hiểm nếu như những con vật đó chưa được tiêm phòng, mang trong mình vi rút dại.
Người bị chó, mèo cắn vết thương rách da, bầm tím, chảy máu. Điều đầu tiên cần rửa kĩ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch Iod, nhằm làm giảm tối thiểu lượng virus xâm nhập nơi vết cắn. Sau đó dùng miếng vải sạch băng hờ lên vết thương.
Tránh băng kín vết thương.
Trong quá trình sơ cứu tuyệt đối không để vết thương bầm dập, trầy xước. Đặc biệt không được tùy tiện dùng thuốc Nam để điều trị, sau khi sơ cứu, cần đưa người bị cắn đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế khám và cho chỉ định điều trị phù hợp.
Nếu vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương thì có thể tiêm phòng uốn ván và theo dõi con vật đã cắn. Vì vết thương do chó cắn đều gây rách da, dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn đặc biệt là vi rus dại từ nước bọt của chó và virus uốn ván từ móng của chó. Nếu sau 10 ngày mà chúng vẫn bình thường có nghĩa là lúc bị cắn chúng không mang virus dại và không lây bệnh cho người.
Tuy nhiên nếu trong quá trình theo dõi con vật bị ốm hoặc chết (với bất kì nguyên nhân gì) hoặc bỏ đi...thì cần chích ngừa ngay. Chó bị bệnh dại có 2 thể là thể điên cuồng và thể liệt. Sau thời gian ủ bệnh từ 3-5 ngày chó dại thường bỏ ăn, những thói quen hàng ngày của nó bị thay đổi, nhiều khi thể hiện sự vui mừng hay hung dữ quá độ trong vài giờ đến vài ngày. Sau đó là giai đoạn lên cơn, con vật luôn luôn vận động, tiếng kêu khàn giọng, sủa kéo dài rồi rướn cao thành tiếng rú ghê rợn. Những kích thích nhỏ đều làm cho nó lên cơn điên dại, thường chồm vào người, súc vật hoặc đồ vật xung quanh và cắn rất mạnh. Chó dại thường rời nhà, chạy rông và gặp bất kì ai cũng cắn. Sau vài ngày nó phờ phạc, thất thanh rồi bị liệt và chết trong vòng 7 ngày. Trái lại có chó dại lên cơn nhưng không hung dữ, chỉ nằm im 1 chỗ, nước bọt chảy nhiều. Chó không sủa, không cắn và chết trong vòng 3-5 ngày.
Nếu bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai. Vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục...phải tiêm vaccin phòng dại và huyết thanh kháng dại ngay. Bất kể con vật có bị dại hay không. Nếu đến tiêm muộn, hiệu quả phòng bệnh của vaccin sẽ giảm hoặc hết tác dụng. Ngoài ra những người có nguy cơ nhiễm virus dại như nhân viên thú y, nghiên cứu thú rừng.. hoặc những người nghiên cứu virus dại cũng phải được tiêm vaccin phòng bệnh dại.
Khi con vật đã bị dại thì các dây thần kinh và tuyến nước bọt và một số bộ phận chứa virus dại nên rất nguy hiểm, tuyệt đối không sử dụng để làm thức ăn cho người và gia súc.
Hiện tại các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng đều tiếp nhận bệnh nhân tiêm ngừa dại. Mặt khác để tránh lây lan trong cộng đồng cần tiêm ngừa thú nuôi theo quy định. Tránh để thú nuôi chạy rông và phải xích, nhốt rọ mõm lại.
B. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM BỆNH DẠI
1. Đặc điểm bệnh dại:
Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính xảy ra ở động vật có vú, tác nhân gây bệnh là virus trong họ Rhabdovidae. Ở Việt Nam virus dại lưu hành chủ yếu ở chó nhà, hiếm thấy hơn ở mèo. Virus xuất hiện trong nước dãi cuả chó hoặc mèo khoảng từ 3 đến 5 ngày trước khi con vật có triệu chứng lâm sàng đầu tiên và trong suốt thời gian bị bệnh. Sau khi người bị con vật nhiễm virus dại cắn sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 2 đến 8 tuần lễ, cũng có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài 1 năm hoặc lâu hơn. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng vết cắn gần thần kinh trung ương hoặc số virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Giai đoạn tiền triệu cuả bệnh nhân lên cơn dại thường không có biểu hiện đặc hiệu, có thể kéo dài từ 1 – 4 ngày với biểu hiện sốt, đau đầu, khó chịu, buồn nôn. Có cảm giác đau và tê tại vết cắn nơi virus xâm nhập. Giai đoạn biểu hiện viêm não: thường biểu hiện kích động, mất ngủ, có tăng cảm giác kính thích ( sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ ). Ngoài ra còn có các rối loạn cuả hệ thần kinh thực vật như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi và hạ huyết áp. Khi uống nước các cơ thanh quản, vòm họng co thắt làm bệnh nhân không uống được. Đôi khi bệnh nhân nam còn có biểu hiện xuất tinh tự nhiện do virus dại gây tổn thương các nhân dưới vỏ não. Bệnh tiến triển hoặc ở thể liệt, kiểu liệt hướng thượng (hội chứng Landry ) bắt đầu liệt hai chi dưới ( liệt mềm ), liệt chi trên, liệt hô hấp và chết. Hoặc là thể điên cuồng, bệnh nhân có những cơn điên cuồng và co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 6 ngày. Bệnh nhân chết do liệt cơ hô hấp.
Mọi lưá tuổi đều có thể mắc bệnh dại, đến nay chưa có thuốc đặc hiệu chưã bệnh dại lên cơn. Do đó tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn.
2. Phân bố bệnh dại theo vùng điạ lý:
Bệnh dại phổ biến trên toàn cầu, từ Châu Âu, Châu Á đến Châu Phi, Mỹ La Tinh trừ một số vùng không có bệnh dại như Vương Quốc Anh, Nhật Bản, vùng đất Bắc Cực, Úc hay châu Đại Dương là những vùng điạ lý “ biệt lập”. Phần lớn con số tử vong vì bệnh dại hàng năm được báo cáo lên TCYTTG là từ những nước ở vùng nhiệt đới nơi có tới ¾ dân số toàn thế giới sinh sống. Ở một số vùng điạ lý, bệnh dại tồn tại lưu truyền từ động vật sang động vật( động vật loài ăn thịt nhỏ, loài gặm nhấm ). Theo báo cáo cuả WHO, trong 86 quốc gia và khu vực có giám sát bệnh dại thì có tới 68 quốc gia có ổ dịch dại tự nhiên chủ yếu ở loài động vật hoang dã: Chồn ( 59%), dơi(15%), cầy (15%), cáo (3%). Bệnh dại có hai hình thái : Bệnh dại ở động vật hoang dã và bệnh dại ở thành phố lây lan cho người. (xem bài bệnh dại cuả động vật).
3. Một số nét chính về bệnh dại trên thế giới:
Theo ước tính cuả TCYTTG hàng năm có khoảng 60.000 – 70.000 người chết vì bệnh dại, trong đó có hơn 90% số ca tử cong được thông báo từ các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và vùng Nam Mỹ.
Trung Tâm “ Pan American Zoonoses Center” – Argentina đánh giá rằng hàng năm ở khu vực Châu Mỹ La Tinh, bệnh dại gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi gia súc tới 28 triệu USD/năm.
Tại Châu Âu, bệnh dại chủ yếu xảy ra ở CHLB Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Balan, Tiệp Khắc, Hungary. Các quốc gia này mặc dù thường xuyên thực hiện chương trình giám sát ổ dịch bệnh dại tự nhiên và có biện pháp dự phòng bằng văc xin cho động vật hoang dã, cho súc vật nuôi, nhưng hằng năm vẫn có tới hàng chục nghìn người tới khám và sử dụng 1,2 triệu liều văc xin tại trung tâm phòng dại.
Ở Châu Phi và Châu Á, bệnh dại là vấn đề y tế cộng đồng đặc biệt nghiêm trọng. Chó là nguồn gây bệnh chủ yếu, hàng năm con số người chết vì bệnh dại là rất cao. Theo các báo cáo tại Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Giám sát bệnh dại ở Châu Á tổ chức tại Hà Nội tháng 3 năm 2001, cho thấy : tại Ấn Độ hàng năm có khoảng 3 triệu người phải tiêm vắc xin dại, trong số đó có 40% là trẻ em dưới 14 tuổi và 92 – 95% là do bị chó cắn. Tình hình ở Trung Quốc cũng nghiêm trọng, con số tử vong trong 5 năm gần đây: 1995 có 200 ca; 1996: 159 ca; 1998 : 234 ca; 1999 : 341 ca; đến tháng 7 – 2000 : 226 ca, Trong số người tiêm vắc xin có tới 95 – 98% là do bị chó cắn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Nêpan, Sri – Lanca, Băng La Đét, Indonesia và con số người chết vì dại hàng năm ở các nước Đông Nam Á chiếm tới 80% số ca tử vong vì dại trên toàn thế giới.
4. Tình hình bệnh dại ở Việt Nam:
Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế quan trọng gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và sức khoẻ con người. Trước năm 1996, trung bình mỗi năm có 300.000 – 400.000 người bị súc vật cắn phải tiêm phòng vắc xin dại, đặc biệt có trên dưới 500 người chết do lên cơn dại, bệnh xảy ra chủ yếu ở các tỉnh/thành phố miền Bắc. Nguyên nhân chính gây nên tử vong là do số chó bị nhiễm virus dại ở nước ta rất lớn, nó lưu hành ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Chó nuôi khoảng 12 – 16 triệu con chó, một số lớn không được quản lý và tiêm phòng đầy đủ. Người bị chó dại cắn không được điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại đầy đủ và kịp thời. Do sự hiểu biết cuả người dân còn hạn chế nên chưa biết xử lý vết thương, không đi tiêm vắc xin, đi tiêm muộn, tiêm không đủ liều hoặc chưã thuốc đông y.
Trước thực trạng nghiêm trọng đó, ngày 7 tháng 2 năm 1996 Thủ tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 92/TTg về việc tăng cường phòng chống bệnh dại. Công tác phòng chống bệnh dại được quan tâm hơn như:
- Có sự chỉ đạo cuả Chính quyền, việc phối kết hợp giữa các ngành có liên quan đặc biệt ngành Y tế với ngành Thú y được thường xuyên và chặt chẽ hơn cả về tổ chức và chuyên môn.
- Tăng cường công tác giám sát và quản lý bệnh, tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, nâng cao chất lượng điều trị dự phòng cho người bị súc vật dại và nghi dại cắn.
- Đặc biệt công tác tuyên truyền được coi là một trọng tâm, được nâng cao cả về chất lượng và số lượng nhằm phổ biến cho cộng đồng biết về tác hại cuả bệnh dại, các biện pháp phòng ngưà.
- Để đạt được mục tiêu khống chế và tiến tới loại trừ các trường hợp bị dại, đến năm 2020 thanh toán cơ bản bệnh dại ở Việt Nam, cần phải nâng cao chất lượng phòng chống bệnh dại, phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức cuả nhà nước, đồng thời phải xã hội hoá công tác phòng chống bệnh dại.
5. Điều trị:
Hiện chưa có một phác đồ điều trị hiệu quả, tỉ lệ tử vong còn cao.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: