Xu thế phát triển quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh

Bút Nghiên

ButNghien.com
Xu thế phát triển quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh

Thứ nhất, thế giới đang chuyển tiếp sang một trật tự thế giới mới. Thời kỳ quá độ sau chiến tranh lạnh hiện nay được các nhà nghiên cứu gọi là trạng thái “nhất siêu, nhiều cường”. Trong trạng thái này, Mĩ nổi lên là siêu cường mạnh nhất so với các cường quốc khác, với ưu thế vượt trội trên tất cả các lĩnh vực then chốt của sức mạnh. Do tương quan lực lượng giữa các nước lớn hiện nay đang có lợi cho Mĩ, cùng với những thắng lợi quân sự nhanh chóng tại ápganixtan và Irắc, nên Mĩ có chủ trương xây dựng một trật tự thế giới đơn cực do Mĩ chi phối. Tuy nhiên ảnh hưởng của Mĩ bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi sự vươn lên của các cường quốc khác như Nhật Bản, Tây Âu, Nga, Trung Quốc… Xu thế phát triển của trật tự thế giới trong tương lai là tiến tới một hệ thống đa cực, bởi lẽ nhìn trên bình diện toàn cầu, một quốc gia, dù là siêu cường duy nhất cũng không có khả năng kiểm soát thực tế toàn bộ các lĩnh vực của đời sống quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hoá khiến cho Mĩ không thể và không đủ khả năng thiết lập một trật tự đơn cực mà phải dựa vào các cường quốc khác và các tổ chức quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên Hợp Quốc. Việc tái thiết Irắc sau chiến tranh đã cho thấy thực tế đó. Bên cạnh đó, đặc điểm chủ yếu trong quan hệ giữa các nước trong trạng thái “nhất siêu nhiều cường” hiện nay vẫn tiếp tục là hợp tác, cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau. Quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước đã tạo ra tình thế buộc các nước phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhưng tránh đối đầu, xung đột và chiến tranh.

Thứ hai, kinh tế trở thành nhân tố quyết định trong sức mạnh tổng hợp của các quốc gia và trở thành động lực chính của xu thế khu vực hoà và toàn cầu hoá. Trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học - công nghệ, các quốc gia đều nhận thấy vấn đề cấp bách hàng đầu là phải ra sức tận dụng mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển kinh tế. Cách đặt vấn đề về an ninh, quốc phòng và kinh tế về cơ bản đã khác so với thời kỳ chiến tranh lạnh. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia không còn tuỳ thuộc vào sức mạnh quân sự, chính trị mà sức mạnh kinh tế nổi lên hàng đầu và trở thành trọng điểm. Đồng thời, làn sóng tập hợp các quốc gia trong các tổ chức khu vực địa lý, từ tiểu khu vực đến đại khu vực thành những khu vực mậu dịch tự do đang diễn ra dồn dập ở hầu khắp các châu lục, thậm chí liên châu lục. Trào lưu nhất thể hoá khu vực phát triển mạnh trong thập niên 90, sẽ tiếp tục gia tăng cả về lượng và về chất trong những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với quá trình toàn cầu hoá sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống quốc tế.

Thứ ba, quan hệ quốc tế phát triển theo xu hướng hoà dịu nhưng năng động và phức tạp hơn. Trước những đòi hỏi của tình hình thế giới, tất cả các quốc gia từ lớn đến nhỏ đều phải điều chỉnh chiến lược đối nội và đối ngoại nhằm tạo cho mình một vị thế có lợi nhất trong quan hệ quốc tế. Xu thế hoà bình, hợp tác trở thành xu thế chủ đạo trong chính sách đối ngoại của các quốc gia. An ninh của mỗi quốc gia ngày nay được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia trong hội nhập quốc tế. Tất cả các quốc gia đều linh hoạt, mềm dẻo, tăng cường hợp tác, tránh đối đầu và chiến tranh, giải quyết mọi vấn đề bằng thương lượng hoà bình.

Mặt khác ở nhiều khu vực trên thế giới, xung đột cục bộ và tình trạng bất ổn vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, những xung đột này khó có khả năng lan rộng, lôi cuốn sự đối đầu trực tiếp của các nước lớn, chủ yếu là do các nước lớn hiện nay đều có lợi ích lâu dài và cơ bản trong việc duy trì hoà bình để phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa khủng bố quốc tế trở thành mối đe doạ tiềm tàng đối với an ninh chung của thế giới. Những biến đổi của tình hình quốc tế như đã nêu ở trên làm cho xu thế đa dạng hoá trong quan hệ quốc tế trở thành xu thế phổ biến của các quốc gia.

Do đời sống kinh tế quốc gia đã và đang được quốc tế hoá cao độ, do nhu cầu phát triển kinh tế, các quốc gia đều phải năng động, linh hoạt thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hiệu quả nhất.

Những xu thế trên tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên những động lực cộng hưởng làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế và diện mạo của quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh.

Tình hình đó đặt ra cho mỗi quốc gia trên thế giới phải có cách nhận thức đúng và kịp thời để hoạch định một chính sách đối ngoại phù hợp với trào lưu chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

( Nguồn : ĐHSP Hà Nội )
 
QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG VÀ SAU THỜI KÌ CHIẾN TRANH LẠNH

[PDF]https://server1.vnkienthuc.com/files/860/HuyNam chien tranh lanh.pdf[/PDF]
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top