rubi_mos2002
New member
- Xu
- 0
Khi được hỏi tại sao 1/5 dân số Mỹ không có khả năng định vị đất nước của họ trên bản đồ thế giới, Miss Teen đến từ Nam Carolina, một nữ sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đã trả lời trước những ống kính đang quay: “Cá nhân tôi tin tưởng rằng người Mỹ không có khả năng làm điều đó vì một vài người ở đất nước chúng ta không có bản đồ, và tôi tin là nền giáo của chúng ta, chẳng hạn giống như Nam Phi và I-rắc, hay mọi nơi tương tự như thế, thì tôi tin là họ nên … nền giáo dục ở đây tại nước Mỹ, nên giúp nước Mỹ, giúp Nam Phi và nên giúp cả I-rắc và các nước Châu Á, vì thế mà chúng ta có thể xây dựng được tương lai tốt hơn.” Và đoạn video được lan truyền như virus.
Thảm họa, bạn đồng ý điều đó, nhưng bạn sẽ không phí thời gian lắng nghe những quý cô xinh đẹp kia đâu. OK, còn câu sau đây thì sao? “Chắc chắn là không cần thiết cho việc sự chuyển giao truyền thống văn hoá mang tính tự phản hồi ngày càng gia tăng này được liên hệ với lý do theo hướng xoay quanh cá thể và những tiềm thức lịch sử mang tính định hướng tương lai. Ở mức chúng ta nhận biết được sự cấu thành liên-cá-thể của tự do, ảo tưởng mang tính chủ nghĩa cá nhân vật chất về tính tự chủ như một dạng tự sở hữu trở nên suy yếu.”
Bạn có hiểu gì không? Jũrgen Habermas, một nhà triết học và xã hội học hàng đầu người Đức, trong tác phẩm “Between Facts and Norms”.
Cả hai thứ trên đều là biểu hiện chung của một hiện tượng, xu hướng “những lời vô nghĩa”. Ở đây, hàng đống từ được sử dụng để ngụy trang sự lười biếng tri thức, ngu dốt, hay phát triển ý tưởng kém. Đôi lúc nó có tác dụng, nhưng thi thoảng lại không. Đối với những quý cô xinh đẹp, chiến dịch “màn khói che đậy” đã thất bại hoàn toàn. Đối với Habermas, nó có thể có tác dụng. Sự mờ nghĩa của những từ ngữ càng trôi chảy, chúng ta lại càng dễ dàng bị chúng đánh lừa. Nếu sử dụng kết hợp với thiên hướng quyền lực, nó có thể cực kỳ nguy hiểm vì chúng ta sẵn sàng chấp nhận những gì được nói ra mà không hề nghi vấn [tính đúng đắn – ND].
Bản thân tôi đã sa vào xu hướng lời “những lời vô nghĩa” trong nhiều tình huống. Khi tôi còn trẻ, nhà triết học người Pháp Jacquees Derrida đã mê hoặc tôi. Tôi “ngốn” những cuốn sách của ông ấy, nhưng thâm chí sau những suy tư dữ dội, tôi vẫn không thể hiểu nhiều được. Về sau, những bài viết của ông mang một màu sắc thần bí, và toàn bộ quá trình trải nghiệm đó đã đưa tôi đến việc thực hiện luận án của tôi theo ngành triết học. Nhìn lại, tất cả đều là những quyển văn tự vô dụng – của Derrida và luận án của tôi. Với sự thiếu hiểu biết, tôi đã tự chuyển mình hành một cỗ máy nói như vẹt biết đi.
Xu hướng “những lời vô nghĩa” đặc biệt xuất hiện rất nhiều trong thể thao. Những người phỏng vấn khiến những cầu thủ bóng đá phân tách từng khía cạnh của trận đấu khi trả lời phỏng vấn, trong khi tất cả những gì họ muốn nói là: “Chúng tôi đã thua rồi – chỉ đơn giản là vậy”. Nhưng phát thanh viên phải lắp đầy những khoảng trống trong suốt thời gian phát sóng bằng cách nào đó – và dường như phương pháp tốt nhất là nói ào ạt nhưng không có ý nhiều, và buộc các vận động viên và huấn luyện viên phải tham gia. Nói ào ạt để che lấp sự thiếu hiểu biết.
Hiện tượng này cũng ăn sâu vào lĩnh vực học thuật. Một nhánh khoa học công bố càng ít các kết quả, thì việc lảm nhảm càng là điều cần thiết. Đặc biệt là trường hợp các nhà kinh tế học, có thể dễ dàng thấy hiện tượng này trong các bình luận và dự đoán kinh tế của họ. Điều tương tự đối với thương mại ở một mức thấp hơn: một công ty càng đi xuống, thì buổi nói chuyện của CEO càng dài. Những cuộc nói chuyện luyên thuyên vô nghĩa không chỉ giới hạn ở việc nói nhiều mà còn ở việc tăng động quá mức, cũng được thiết kế để ngụy trang cho sự khó khăn. Một sự ngoại lệ đáng khen ngợi là CEO của General Electric, Jack Welch. Ông từng trả lời phỏng vấn rằng :”Bạn sẽ không tin được để nói năng đơn giản và rõ ràng khó khăn đến mức nào. Người ta sợ rằng họ có thể bị xem như một tên đầu óc đơn giản. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng.”
Kết luận là: Diễn đạt bằng từ ngữ là một tấm gương phản chiếu tâm trí. Suy nghĩ cặn kẽ sẽ thành một luận điểm rõ ràng, trong khi ý tưởng không rõ ràng sẽ chuyển thành “thùng rỗng kêu to”. Rắc rồi là, trong nhiều trường hợp, chúng ta thiếu những suy nghĩ sáng suốt. Thế giới thật phức tạp, và cần có một sự cố gắng to lớn về mặt tinh thần để thấu hiểu được chỉ một khía cạnh của tổng thể cuộc sống. Cho tới khi bạn trải nghiệm sự khai sáng đó, tốt hơn là nhớ tới lời của Mark Twain: “Nếu bạn không có gì để nói, thì đừng nói gì cả”. Sự đơn giản là đỉnh cao của một hành trình dài và gian khổ, không phải là một điểm khởi đầu.
Lưu Xuân Anh dịch
Nguồn: dịch từ cuốn sách The art of thinking clearly – Rolf Dobelli