Xét tuyển NV2: Không giới hạn số lần rút hồ sơ
Hôm nay, 25-8, các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng (NV) 2. Xét tuyển NV2 năm nay có gì khác so với những kỳ tuyển sinh trước, thí sinh được phép rút lại hồ sơ bao nhiêu lần, chọn trường/ngành ĐKXT như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao?
Thí sinh tìm hiểu thông tin về xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Hùng Vương sáng 24-8 - Ảnh: Như Hùng
Những nội dung trên đã được Tuổi Trẻ chuyển tới ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học kiêm phó trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh (Bộ GD-ĐT). Ông Khôi cho biết:
- Quy định xét tuyển NV2 năm nay có ba điểm mới liên quan trực tiếp đến thí sinh. Một là, thời gian nộp hồ sơ ĐKXT NV2 năm nay quy định 20 ngày, kéo dài thêm năm ngày so với những năm trước. Các trường bắt đầu nhận hồ sơ ĐKXT của thí sinh từ ngày 25-8 đến 17g ngày 15-9.
Hai là, trong 15 ngày đầu của thời hạn nhận hồ sơ ĐKXT, thí sinh được quyền rút lại hồ sơ ĐKXT đã nộp để nộp sang trường khác có khả năng trúng tuyển cao hơn.
Ba là, năm nay bộ yêu cầu các trường có chỉ tiêu xét tuyển NV2 phải liên tục cập nhật thông tin hằng ngày về hồ sơ ĐKXT và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh công bố công khai bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, đối tượng, khu vực, điểm thi từng môn và tổng điểm ba môn thi, số thứ tự hồ sơ, mã ngành ĐKXT, ngày nhận hồ sơ ĐKXT, ngày trả hồ sơ ĐKXT (nếu có).
Như vậy, nếu thí sinh theo dõi thường xuyên, có đầy đủ các thông tin về lượng hồ sơ từng trường đã nhận được, so sánh với số chỉ tiêu cần tuyển NV2 của trường, thí sinh có thể cân nhắc để chọn trường phù hợp với kết quả thi. Nếu đã nộp hồ sơ ĐKXT vào một trường nào đó, căn cứ trên thông tin nhà trường công bố, thí sinh cũng có thể rút lại hồ sơ ĐKXT đã nộp để nộp vào trường khác có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
* Thưa ông, vậy Bộ GD-ĐT có quy định thí sinh được rút và nộp lại hồ sơ ĐKXT bao nhiều lần? Khi rút hồ sơ để nộp sang trường khác sẽ phải ghi lại mục trường ĐKXT trên giấy chứng nhận kết quả thi như thế nào cho hợp lệ?
- Bộ GD-ĐT không quy định giới hạn số lần thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được phép rút hồ sơ ĐKXT NV2 giới hạn trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 25-8 đến thời hạn chót là 17g ngày 10-9-2011. Bộ cũng đã có công điện gửi tới các hội đồng tuyển sinh, trong đó yêu cầu các trường phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT NV2 đã nộp. Lệ phí ĐKXT của thí sinh rút hồ sơ ĐKXT đã nộp do hiệu trưởng các trường xem xét quyết định và công bố công khai.
Thí sinh trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho người khác đến trường để rút hồ sơ ĐKXT đã nộp. Trong trường hợp ủy quyền, thí sinh phải viết giấy ủy quyền và người được ủy quyền đến rút hồ sơ ĐKXT phải mang theo giấy ủy quyền kèm chứng minh nhân dân của mình.
Trên mỗi giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 năm nay, mẫu chung của Bộ GD-ĐT có thiết kế hai phần để thí sinh ĐKXT NV2 (hoặc NV3) lần một và lần hai (nếu có). Thí sinh rút hồ sơ ĐKXT NV2 đã nộp lần thứ nhất để nộp lại sang trường khác thì không cần tẩy xóa thông tin đã khai trong giấy chứng nhận kết quả thi, mà điền thông tin ĐKXT lần hai vào phần hai dành cho ghi NV ĐKXT trên giấy chứng nhận kết quả thi. Trong trường hợp rút hồ sơ để nộp lại từ lần thứ ba trở đi, thí sinh cũng không được tẩy xóa, viết lại trên giấy chứng nhận kết quả thi mà cần làm đơn đăng ký xét tuyển nộp kèm theo giấy chứng nhận kết quả thi bản chính. Trong đơn cần ghi đầy đủ thông tin ĐKXT như các mục của giấy chứng nhận kết quả thi.
* Thưa ông, với những quy định mới thuận lợi hơn như vậy, thí sinh nên lựa chọn và ĐKXT NV2 như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?
- Thời gian để nộp hồ sơ ĐKXT NV2 rất dài. Bộ GD-ĐT quy định rất rõ: các trường không được kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT của thí sinh nộp trong thời hạn quy định trên. Tất cả hồ sơ ĐKXT của thí sinh nộp trong thời hạn quy định đều có giá trị xét tuyển như nhau. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc thận trọng, tính toán kỹ càng để lựa chọn trường, ngành phù hợp với kết quả thi và khả năng của mình.
Quy định cho phép thí sinh được rút lại hồ sơ ĐKXT đã nộp để nộp sang trường khác là nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội được tham gia ĐKXT và có thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng thí sinh cũng không nên lạm dụng quy định này, cần theo dõi chặt chẽ thông tin, có quyết định kịp thời và hợp lý để tận dụng cơ hội, không nên nộp và rút hồ sơ ĐKXT nhiều lần, vừa tốn kém vừa không ổn định về tâm lý sẽ ảnh hưởng đến việc chọn ngành học phù hợp.
Theo kinh nghiệm của các cán bộ nhiều năm làm tuyển sinh, thường khi nộp hồ sơ vào các trường/ngành có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp hơn từ 1,5-2 điểm so với kết quả thi, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển. Còn riêng với năm nay, nhiều trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập, dự kiến sẽ có mức điểm trúng tuyển bằng điểm sàn của từng khối thi. Thí sinh có thể tìm hiểu thêm thông tin về ngành học và chỉ tiêu cần tuyển của từng ngành để lựa chọn. Đồng thời theo dõi số lượng và điểm thi của các hồ sơ ĐKXT sẽ được nhà trường công bố hằng ngày.
* Những ngày gần đây, dư luận liên tục phản ảnh tình trạng nhiều trường ĐH đã vi phạm quy chế tuyển sinh khi ĐKXT NV2 như nhận hồ sơ sớm trước thời hạn, chưa đến thời gian quy định đã công bố ngay điểm chuẩn, cấp giấy báo trúng tuyển cho thí sinh đến nộp hồ sơ, gửi giấy triệu tập cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường, hạ điểm trúng tuyển NV2 thấp hơn điểm sàn... sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
- Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 đã quy định rõ: cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi như: gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường, thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKXT của thí sinh không đúng thời gian quy định hoặc hạ điểm trúng tuyển các NV trái quy định, tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra công tác xét tuyển của các trường. Tất cả các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
Theo TTO.