Xác định ngành nghề “hấp dẫn”
Ngành nghề nào đang hấp dẫn (hay còn gọi là ngành nghề “hot”) là câu hỏi và mối quan tâm của rất nhiều bạn học sinh (và cả phụ huynh) trước ngưỡng cửa thi đại học.
Ảnh: Như Hùng
Đối với các học sinh hiện nay khi chọn ngành nghề, có nhiều tiêu chí trong việc xác định ngành nghề hấp dẫn. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ còn chưa xác định đúng đắn về vấn đề này.
Những quan niệm sai lầm
Nhiều bạn cho rằng ngành nghề nào có thu nhập cao, nhu cầu thị trường lao động cao là ngành nghề hấp dẫn. Ngành nghề có thu nhập, nhu cầu cao chưa hẳn mình thi vào được hoặc vào được nhưng lại không học được phải “đứt gánh giữa đường”. Học được nhưng chưa chắc ra cuộc sống làm được, vì có thể mình không phù hợp với ngành nghề này hoặc lúc mình ra trường ngành này không còn nhu cầu cao nữa.
Một số bạn lại xác định ngành nghề hấp dẫn phải là những ngành thời thượng, nghe phải hoành tráng, “sĩ diện” sẽ tăng lên khi nhắc tới. Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có tên “công nghệ”,“quản trị”, những ngành nghề có chữ “quốc tế” thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần hiểu nội dung, đặc điểm , yêu cầu của ngành nghề.
“Thi dễ, học nhẹ, làm nhàn, tiền nhiều” là một “tiêu chí” nổi lên trong nhiều năm gần đây trong lựa chọn ngành nghề của giới trẻ. Điều này thể hiện ở số lượng thí sinh thi vào khối ngành kinh tế luôn chiếm tỉ trọng áp đảo (thường 35-40% tổng số hồ sơ dự thi).
Trong bối cảnh đất nước đang cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, việc số lượng thí sinh đăng ký quá nhiều vào lĩnh vực kinh tế thể hiện đây là hội chứng lựa chọn theo kiểu phong trào và làm mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Quy mô và mức độ phát triển của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam không hấp thụ được hết số nhân lực quá lớn như vậy. Hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội sẽ thấp và ảnh hưởng đến phát triển của quốc gia.
Thế nào là hấp dẫn?
Một ngành nghề hấp dẫn phải hội đủ nhiều yếu tố: thứ nhất ngành nghề đó phải phù hợp với bản thân bạn về sở thích, tính cách, năng lực, điều kiện, sức khỏe; Thứ hai, ngành nghề đó tạo cho bạn nhiều cơ hội nghề nghiệp và khả năng phát triển về nghề nghiệp. Điều này rất quan trọng trong một kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.
Một ngành nghề có “biên độ ứng dụng nghề nghiệp” rộng rãi sẽ có nhiều cơ hội hơn; Thứ ba, thị trường lao động có nhu cầu trong hiện tại và tương lai sau khi bạn ra trường; Thứ tư, chọn được những cơ sở đào tạo (trong và ngoài nước) uy tín, chất lượng. Điều này để đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ hội và khả năng phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.
Hiện nay, theo thống kê và đánh giá của nhiều chuyên gia, nhu cầu thị trường lao động đang cần nhiều nhân lực trong các ngành nghề: Điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng, điện tử viễn thông, sửa chữa điện thoại, nghề hàn, tiện, cơ khí, sửa chữa ôtô (cơ khí động lực), cơ điện tử, tự động hóa, thiết kế tàu biển, vận hành máy xúc, máy đào, vận hành máy nén kim loại, kỹ thuật viên may, kim hoàn, dệt, nhuộm, in, thiết kế tạo mẫu, xây dựng, cấp thoát nước và môi trường nước, cơ điện tử, nghề đóng tàu, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến lương thực, thực phẩm, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, thiết kế đồ họa, mỹ thuật đa phương tiện, chế biến và bảo quản nông sản, hướng dẫn du lịch, phục vụ nhà hàng khách sạn, quản lý kinh doanh ẩm thực, bartender, nghề bếp, pha chế thức uống, tài chính ngân hàng, kế toán, kinh doanh, ngoại thương, hành chính văn phòng, quản trị bán hàng và hệ thống phân phối; quản lý công nghiệp, quản trị nhân sự, công tác xã hội, báo chí, truyền thông, y dược...
Theo TTO.