• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Vụ quân viễn chinh Pháp cướp phá Hoàng cung Nguyễn sau ngày Thất thủ Kinh đô 5/7/1885

  • Thread starter Thread starter Scorpion
  • Ngày gửi Ngày gửi

Scorpion

New member
Xu
0
Như lịch sử đã ghi, sau cuộc tấn công bất thành, lực lượng vũ trang của quân triều Hàm Nghi tan vỡ, để lại cho quân xâm lược Pháp – dưới sự chỉ huy của tướng De Coury – tất cả cung điện trong Hoàng thành và Kinh thành. Quân của Decoury làm chủ Kinh đô Huế đã thực hiện một cuộc cướp phá tàn nhẫn nhất đối với lịch sử Việt Nam. Những của cải báu vật truyền đời của Việt Nam giữ trong Hoàng thành và Kinh thành gồm những thứ gì, số lượng bao nhiêu và đã bị quân xâm lược cướp phá bao nhiêu, cho đến nay chưa có một bảng thống kê nào cho biết cả. Sử sách vào thời các vua cuối triều Nguyễn chỉ viết một cách chung chung là “nhiều lắm”, “vô giá” thế thôi. May sao, ngày nay, các nhà nghiên cứu sử học tìm đọc những hồ sơ lưu trữ của Pháp ở nước ngoài mới biết thêm được phần nào tình hình vụ cướp phá ở Huế hồi tháng 7 năm 1885.
hamnghi.jpg

(Vua Hàm Nghi)

Sau khi chiếm được Kinh đô Huế, trong những thông báo thắng trận của De Coury điện về Pháp hàng ngày; y không bỏ quên những thông tin về những của cải báu vật quân viễn chinh tìm thấy trong các cung điện ở Huế. Trong một bức điện gửi về Paris, De Coury viết:
“Giá trị những số vàng bạc cất giấu trong các hầm, ước tính khoảng 9 triệu. Ngoài ra, còn tìm được những ấn tín và cuốn sách bằng vàng, trị giá một triệu. Đã bắt đầu tập hợp lại, một cách rất khó khăn, được một phần những kho tang nghệ thuật. Cần gửi ngay sang một tàu thủy và nhiều chuyên viên giỏi để chuyển những kho tang nghệ thuật này về, cũng với các báu vật, bạc vàng khác.”(1).
Không cần phải bình luận gì thêm dài dòng, bức điện này cũng đã nói lên được khá đầy đủ sự mất mát lớn lao và lòng tham vô đáy của bọn xâm lược rồi! Vụ cướp phá của cải và báu vật của Kinh thành (Việt Nam), do tướng De Coury và viên phụ tá của ý là tướng Prudhomme cầm đầu, chẳng kém gì những vụ cướp phá tại cung điện mùa hè ở Bắc Kinh, do quân đội của đô đốc Page, Nam tước Gros và Lord Elgin đã diễn ra 25 năm về trước.
Vụ cướp phá ngày 5/7/1885 tại Huế đã gây ra một nỗi uất hận trong lòng người Việt Nam, kể cả những người đã đứng về phía quân xâm lược. Ngay cả những linh mục đi them đoàn quân xâm lược cũng cảm thấy nhục nhã khôn lường. Linh mục Pène – Siefert thú nhận:
“…Họ (người Việt Nam) làm cho chúng ta ngượng ngùng khó nghĩ trước khi họ kể với chúng ta rằng: với những bản mục lục tài sản đã có trước ngày 5.7 cầm tay, người Pháp đã lấy, ở nhà các đội thân binh, 113 lượng vàng, 742 lượng bạc, 2.627 quan tiền tại cung bà Thái hậu, mẹ vua Tự Đức, 228 viên kim cương, 226 đồ nữ trang nạm kim cương, ngọc trai và đá quý, 271 đồ dùng bằng vàng tại các lăng Thiệu Trị, Minh Mạng, Gia Long đầy ắp những vật dụng cá nhân các vua đó lúc sinh thời. Tất cả những thứ gì có thể lấy mang đi được: vương miện, đai lưng, đệm trải nhà, nệm giường, áo đại lễ, giường và bàn tròn chạm trổ, chậu thau, lồng ấp, mùng và màn bằng lụa thêu, lư hương, ấm pha trà với những chiếc khay, cho đến cả những ống tăm xỉa răng… Tại các ngân khố Hoàng gia, cướp đi một số vàng, trị giá khoảng 24 triệu Frans… một vụ cướp phá trắng trợn như vậy, kéo dài hai tháng ròng; nổi tiếng một các đáng buồn gấp nhiều lần hơn so với những vụ cướp phá cung điện Mùa Hè tại Bắc Kinh và nó chỉ có thể làm bại hoại tinh thần người lính…”.
“…Cái đã làm cho chính Nguyễn Văn Tường cũng phải khóc là việc thiêu hủy kho lưu trữ ở hầu hết các bộ và thư viện Quốc gia; những thiệt hại của các phòng viết sử biên niên (Quốc sử quán) của Quốc gia ấn quán, các bản gỗ rời khắc lịnh sử bằng chữ Hán đã biến mất”.
vuadongkhanh.jpg

(Vua Đồng Khánh)

Nhờ công ơn của kẻ chiếm đóng mà vua Đồng Khánh đã được tôn lên chiếc ngai vàng đang để trống sau khi Hàm Nghi xuất bôn nhưng sau khi lên ngôi rồi, vì sự thúc giục của những trọng thần xung quanh và hoàng tộc, ông cũng phải yêu cầu Pháp phải hoàn trả lại bớt những kho báu đã bị bọn họ cướp đi và chắc chắn lúc ấy đang còn cất giữ tại Pháp. Trong biên bản cuộc họp viếng thăm Toàn quyền Constans của vua Đồng Khánh, ngày 21/3/1888, có ghi:
“…Trở lại vấn đề đã nhiều lần Người đề cập đến, hoàng thượng đã nhắc lại rằng nhiều đồ dùng có giá trị của gia đình người (tức hoàng gia Nguyễn) đã biến mất sau những sự kiện ngày 5/7/1885 và chắc chắn hiện đang lưu giữ tại Pháp, đặc biệt là một chuỗi ngọc đã được bắt đầu làm dưới thời Gia Long mãi cho đến thời Tự Đức mới xong, cùng với một thanh kiếm nạm ngọc của vua Gia Long.
Quan toàn quyền (Constans) hứa sẽ cố gắng bằng mọi cách để tìm cho ra những vật ấy và trả lại cho Hoàng gia… Nhưng ngài có nói thêm với hoàng thượng (Đồng Khánh) rằng đừng nên khoác cho lời cầu xin này những tính chất của một bản yêu sách, nhất là khi ai cũng thừa nhận rằng những đồ dùng này bị mất cũng là hậu quả không hay của sự kiện ngày mùng 5 tháng 7 mà thôi; những sự kiện này, ít ra, cũng có một kết quả tốt lành là cơ hội đê đưa Hoàng thượng lên ngôi và cho phép vị đại diện của nước Pháp, bây giờ đây, được dâng lên Hoàng thượng những lời chúc mừng trân trọng…”.
Vụ cướp phá tài sản và báu vật trong cung điện Huế do phe quân sự của De Coury thực hiện. Bọn De Coury không nghĩ đến tác hại chính trị rất xấu của vụ cướp phá. Rheinart – khâm sứ Huế - nhận thức được sự tác hại đó cho nên trong một bản tường trình ghi ngày 28/2/1889 gửi toàn quyền Rechaud, khi nhắc lại vụ cướp phá ngày 5/7/1885, ông đã không giấu được sự phẫn nộ sau đây:
“…Ngày 5/7/1885, trong vụ bạo động Huế, một số lượng rất lớn những báu vật đã bị cướp đi và người ta thấy vô cùng xấu hổ mỗi khi nghĩ lại những sự việc xấu xa đã xẩy ra lúc đó: một con voi bằng vàng làm rất kỳ công và có giá trị lớn, bị cưa làm đôi, vì hai gã kình địch, gã nào cũng muốn giành phần của mình cái chất nguyên liệu của đồ vật ấy. Cái điều mà nhắc chỉ thêm buồn là một viên sĩ quan cấp tướng, tướng Prudhomme, đã không hề có chút áy náy nào trong lương tâm, khi ông ta lấy đem đi những đồ vật nhiều giá trị, mà chẳng ai tìm cách đánh thức lương tâm đang mê ngủ của ông ta; báo chí chẳng tố cáo điều gì; người ta không yêu cầu ông ta trả lại triều đình Huế một phần những tài sản quý mà ông ta đã chiếm đoạt, mà thực ra chính là những hành vi bất chính của chúng ta đã làm nảy sinh ra và người ta rất lấy làm tiếc không còn lại ai để bắt họ phải trả lại một phần nào những thứ mà chúng ta đã cướp đi một cách vô liêm sỉ đó.
Dĩ nhiên người ta có thể gọi sự kiện ngày 5/7/1885 là “một cuộc mai phục”, “một cái bẫy” nhưng, phải chăng, chính chúng ta đã gây ra, và triều đình Huế thì không thể nhớ những cuộc chúng ta, hai lần, đánh chiếm Hà Nội, những cuộc tấn công của chúng ta ở phía Bắc, mà họ là nạn nhân.
Dù cho sự kiện này được đánh giá như thế nào đi nữa thì bổn phận đòi hỏi chúng ta một cách nghiêm túc là không được cướp đem đi những tài sản của triều đình. Hẳn vậy, bởi chúng ta không phải là khách qua đường, ghé lại trên một xứ sở thù định một hôm rồi đi, không cần quan tâm đến những sự mất mát của nó, không cần lo lắng cho ngày mai: một chính phủ thật sự đã đoạn tuyệt với chúng ta, đúng vậy, nhưng chúng ta quyết sẽ thay vào đó một chính phủ khác, nhằm tiếp tục thi hành hiệp định 6/6/1884 (tức hiệp định Patenotre), và việc thi hành này đặt lên lưng chúng ta những nhiệm vụ tài chính lớn lao, mà một khi nước được bảo hộ càng nghèo đi, thì nhiệm vụ tài chính đó càng trở nên nặng nề gấp bội. Muốn cho triều đình còn có đủ uy tín hoạt động để buộc người dân phục tùng, dưới sự thúc đẩy của chúng ta thì phải giữ lấy cho nó cái chút ít xa hoa mà nó đã tạo nên được, nhờ bao nhiêu năm chắt bóp. Còn nhiều điều cần nói nữa…”.
Một vài tư liệu khai thác từ kho lưu trữ chưa xuất bản trên đây cũng đã giúp cho chúng ta hiểu được phần nào những ngày bi đát mà Kinh đô và nền quân chủ (nhà Nguyễn) đã trả qua và qua nó là cả nhân dân Việt Nam. Từ trước đến năm 1969, rất hiếm những nhà viết sử người Việt và cả người Pháp nhắc đến những ngày bi đát, những thiệt hại, những nhục nhã sau sự kiện Thất thủ Kinh đô tháng 7/1885 vừa nêu trên.
(Nguồn https://lichsu.vn)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top