Vũ Hà Văn, một tài năng toán học mới nổi ở Mỹ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Cũng như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn được công nhận là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học Việt Nam. Ở tuổi 40, anh đã công bố hơn 80 công trình.

Được tặng Giải thưởng Polya năm 2008


Đây là giải thưởng do Hội Toán công nghiệp và ứng dụng (Society for Industrial and Applied Mathematics/ SIAM) của Mỹ lập ra từ năm 1969, trao hai năm một lần, lần lượt cho những ứng dụng nổi bật về lý thuyết tổ hợp và những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khác mà George Polya từng yêu thích như: lý thuyết xấp xỉ, giải tích phức, lý thuyết số, đa thức trực giao, lý thuyết xác suất... Giải thưởng này chủ yếu dành cho những công trình mới, hiếm khi cho những thành tựu trong quá khứ.

voi%20bo1922010.jpg

GS. toán học Vũ Hà Văn (phải) và bố là nhà thơ Vũ Quần Phương.

SIAM được thành lập năm 1952, đặt trụ sở chính tại Philadelphia, (Mỹ), nhằm thúc đẩy sự phát triển của toán ứng dụng và phương pháp luận tính toán, giải quyết những vấn đề gay cấn trong thế giới hiện thực.

SIAM có 12.000 thành viên cá nhân và 500 thành viên tập thể (gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, xí nghiệp công nghiệp, công ty dịch vụ, tư vấn dân sự và quân sự khắp thế giới).

Quá trình xét chọn người trúng giải được tiến hành nghiêm ngặt. Uỷ ban Giải thưởng được lập ra ít nhất 18 tháng trước ngày tặng giải; phải tham khảo rộng khi xét chọn; có nhận xét bằng văn bản trước 10 tháng...

Người trúng giải được tặng một tấm huy chương và 20.000 USD. Lần trao Giải thưởng Polya gần đây nhất là vào năm 2008, về những ứng dụng của lý thuyết tổ hợp. Người duy nhất được tặng giải là nhà toán học Việt Nam Van H. Vu (tức Vũ Hà Văn).

Cụm công trình nhận giải lần này được anh độc lập thực hiện, trước khi quen biết nhà toán học Mỹ gốc Hoa rất nổi tiếng Terry Tao.

Ta có thể đọc bản tóm tắt tiểu sử khoa học của GS Vũ Hà Văn (nguyên văn bằng tiếng Anh) được SIAM công bố:

“Sinh tại Hà Nội, Việt Nam, Vũ tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Eotvos, Budapest, Hungary năm 1994, đỗ tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ, năm 1998 dưới sự hướng dẫn của GS Laszlo Lovasz, người được tặng Giải thưởng Polya năm 1979.

Tiếp theo thời gian làm sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và tại Ban Nghiên cứu của Microsoft, từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc tại Đại học California ở San Diego, với tư cách trợ lý giáo sư, phó giáo sư và giáo sư. Từ mùa thu năm 2005, ông trở thành giáo sư Khoa Toán Đại học Rutgers.

Ông là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris 6 năm 2006. Lĩnh vực ông nghiên cứu bao gồm: toán học tổ hợp, xác suất, và lý thuyết số cộng tính. Ông đã hai lần nhận được Giải thưởng Sloan dành cho các tài năng trẻ ở Mỹ khi viết luận án tiến sĩ (1997), và khi làm nghiên cứu viên (2002), rồi Giải thưởng NSF Career (2003).

Ông là thành viên Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton trong những năm1998, 2005, và 2007; lần cuối là người lãnh đạo nhóm dự án Số học tổ hợp.”

Tính đến nay, số nhà toán học được tặng Giải thưởng Polya vẫn còn rất ít, và họ đều là những nhà toán học hàng đầu.

Bạn nghiên cứu thân thiết của “Mozart trong toán học”

“Mozart trong toán học” mà chúng tôi muốn nói ở đây là Terence Chi-Shen Tao (Đào Triết Hiên), thường được gọi thân mật là Terry Tao. Terence C.- S. Tao sinh năm 1975 tại Adelaide, Australia trong một gia đình người Hoa, bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên dạy toán.

Mới hơn 2 tuổi, nhờ “học mót” toán và tiếng Anh qua tivi, Tao đã dạy lại hai môn này cho một cậu bé 5 tuổi! Đến 9 tuổi, Tao được nhận vào chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Đại học Johns Hopkins ở Mỹ.
Mới 10 tuổi, Tao lọt vào đội tuyển quốc gia Australia đi dự Olympic Toán quốc tế và đoạt huy chương đồng; năm sau, đoạt huy chương bạc; rồi đến năm 13 tuổi, đoạt huy chương vàng. Terence Tao là người đoạt huy chương vàng ít tuổi nhất trong lịch sử các Olympic Toán quốc tế.

17 tuổi, Tao được tặng bằng thạc sĩ tại Australia, và nhận được học bổng sang Mỹ học tiếp. 20 tuổi, Tao bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton danh tiếng; 25 tuổi, trở thành giáo sư.

Năm 2006, mới 31 tuổi, Terence Tao được tặng Huy chương Fields (được coi như Giải thưởng Nobel trong toán học), trở thành một trong mấy người trẻ tuổi nhất được nhận vinh dự cao quý này. Terence Tao được coi là “Mozart trong toán học”.

bao%20cao1922010.jpg

GS. Jeong Han Kim, Viện trưởng Viện Toán học Hàn Quốc trân trọng mời GS. Van Vu (tức Vũ Hà Văn) lên đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể của giới toán học nước này ở Seoul, tháng 12/2009.

Một ngày giữa tháng 12/2009, tôi đến thăm gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương, một ông bạn “cố tri”, tại nhà riêng ở khu đô thị mới Định Công, và rất may được trò chuyện với người con trai đầu của ông là anh Vũ Hà Văn.

”Năm 2003, được ông Chủ tịch Hội Toán học Mỹ giới thiệu, tôi bắt đầu làm quen với Terence Tao” - anh Vũ Hà Văn kể lại. “Năm ấy, Tao mới 28 tuổi, chưa được tặng Huy chương Fields. Anh sống với người vợ trẻ gốc Hàn Quốc trong một căn hộ hẹp tại quận Cam, bò ra sàn nhà làm toán.
Cùng mang dòng máu châu Á, nên chúng tôi dễ đồng cảm. Về sau, qua trao đổi email, chúng tôi cảm thấy rất dễ hiểu những ý tưởng của nhau. Từ đấy, Tao và tôi cộng tác công bố được 15 bài báo khoa học và 1 cuốn sách chuyên khảo dày 500 trang. Riêng cuốn sách chúng tôi viết mất ba năm”.
tao1922010.jpg

Vũ Hà Văn và người bạn thân thiết Terence Tao (trái) trong một bữa ăn tại gia đình anh.

Nói tới đây, anh Vũ Hà Văn chạy vội lên gác tìm cuốn sách ấy mang xuống cho tôi xem. Đó là cuốn Additive Combinatorics (Toán học tổ hợp cộng tính) của hai tác giả Terence Tao và Van H. Vu, do Viện Nghiên cứu toán học cao cấp Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2006.

Mấy hôm sau, vào website của Hội Toán học Mỹ, tôi đọc được bài điểm sách dài 9 trang khổ A4 do Ben Green, một nhà toán học Anh rất nổi tiếng, làm việc tại Đại học Cambridge, viết.

Ben Green cho biết thuật ngữ toán học tổ hợp cộng tính chỉ mới xuất hiện gần đây, do Terence Tao đặt ra, và đã trở thành một chuyên ngành toán học phát triển nhanh, mang lại nhiều hứng thú. Còn ít nhà toán học quen với thuật ngữ này, mặc dù họ rất quen những thành tựu cột mốc của nó. Sau khi phân tích ý nghĩa của cuốn sách, Ben Green kết luận:

“Tóm lại, cuốn sách là một đóng góp quan trọng cho văn liệu toán học và đã trở thành cuốn sách mà thế hệ sinh viên mới cần đọc cũng như những chuyên gia trong các lĩnh vực gần gũi cần học hỏi thêm về toán học tổ hợp cộng tính (chẳng hạn, chương 4 có thể coi là rất hấp dẫn đối với các nhà lý thuyết về khoa học tính toán).

Đây là cuốn sách viết rất đúng lúc và hai tác giả của nó rất đáng được ngợi ca vì đã thể hiện một cách đầy thuyết phục. Riêng tôi, tôi có tới ba bản in: một bản để ở nhà, một để ở nơi làm việc, và bản thứ ba dự phòng trường hợp hai bản kia bị cũ nát.”

Từ ngày 16 đến 22/12/2009, tại Seoul, diễn ra cuộc gặp làm việc giữa các nhà toán học Mỹ và Hàn Quốc. Terence Tao, Van H. Vu (tức Vũ Hà Văn), James T. McKernan, Frank Morgan và Hee Oh là những người được Hội Toán học Mỹ cử sang Seoul giới thiệu những công trình mới.

Theo dõi qua Internet, tôi thấy giới toán học Hàn Quốc đón tiếp rất trọng thị đoàn đại biểu giới toán học Mỹ mà Vũ Hà Văn là một thành viên. GS Jeong Han Kim, Viện trưởng Viện Toán học Hàn Quốc, đã giới thiệu GS Vũ Hà Văn đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể của giới toán học nước này.

Nhớ lại, vào những thập niên 70 và 80 của thế kỷ 20, toán học Hàn Quốc (cũng như Singapore và lãnh thổ Đài Loan) còn yếu hơn Việt Nam ta. Thế nhưng, sau đó, nhờ có tầm nhìn xa, chiến lược đúng, sự đầu tư thích đáng, Hàn Quốc đã thực hiện được một “bước nhảy vọt kỳ diệu” về khoa học và công nghệ nói chung, cũng như về toán học nói riêng.

Hiện nay, Hàn Quốc (cũng như Singapore và lãnh thổ Đài Loan) đã vượt nước ta về số công trình công bố hằng năm trên các tạp chí toán học quốc tế, mặc dù về những công trình đỉnh cao trong một số lĩnh vực thì Việt Nam vẫn vượt trội hơn.

Trong mấy thập niên gần đây, ở nước ta, do tình trạng tiền lương của giới khoa học quá thấp, lại thiếu sự trợ giúp cần thiết về các mặt khác (thí dụ: nhà ở, phương tiện đi lại...), nên nhiều tài năng toán học trẻ gắn bó với đất nước không thể toàn tâm toàn ý làm nghiên cứu, mà phải “chạy sô” làm nhiều việc “tay trái” như dạy tư, luyện thi đại học, hay buôn bán lặt vặt để kiếm sống, rất có hại cho sự nghiệp khoa học của từng cá nhân cũng như của cả đất nước.

Cựu học sinh chuyên toán Hà Nội

Thời gian anh Vũ Hà Văn ghé qua Hà Nội lần này quá ngắn, nên tôi không hỏi chuyện được nhiều. Tôi quen gia đình anh từ nhiều thập niên, biết anh từ khi anh còn là học sinh chuyên toán Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.
Có thể nói, số đông các nhà toán học xuất sắc ở nước ta hiện nay, vào độ tuổi dưới 60 như Trần Văn Nhung, Đào Trọng Thi, Ngô Việt Trung, Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn... đều là cựu học sinh phổ thông chuyên toán.

Bởi vì, từ năm học 1965-1966, mặc dù bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, theo đề xuất của các Giáo sư toán học đầu ngành Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quyết định bắt đầu mở các lớp phổ thông chuyên toán trên miền bắc nước ta...

Tính đến nay, Vũ Hà Văn đã công bố hơn 80 công trình - một con số rất đáng nể; có những công trình được in trên các tạp chí toán học đỉnh cao thế giới như Annals of Mathematics (Niên giám toán học), Journal of AMS (Tạp chí của Hội Toán học Mỹ)... Các bài báo của anh được trích dẫn nhiều, tức là đạt chỉ số ảnh hưởng (impact index) cao.

Năm 2009, Nhà nước ta đã công nhận Vũ Hà Văn là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học Việt Nam. Ngô Bảo Châu và Vũ Hà Văn là hai giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Dù sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, cả hai anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.​

Theo Hàm Châu
Bee.net.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top