VOLTAIRE (1694-1778)
Một ông vua không ngôi
Một ông vua không ngôi
Có sách chép rằng bà Nhan thị trước khi sanh ra Khổng tử, nằm mộng thấy một con kỳ lân nhả tờ ngọc thư có hàng chữ: “Thuỷ tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương”, nghĩa là “con của Thuỷ tinh, nối nhà Chu đã suy mà làm vua không ngôi”. Chuyện đó tất nhiên khó tin mà dù có thực chăng nữa thì cũng chỉ có thân quyến và môn đệ của Khổng tử mới coi ông như một “ông vua không ngôi”, chứ những người khác ở đương thời, nhất là những người ở ngoài nước Lỗ không trọng ông tới bực đó. Chả vậy mà có lần cả đoàn thấy trò Khổng phải bơ vơ ba năm trường từ Trần sang Thái, cơ cực đến nỗi ông phải thốt ra lời trào phúng mỉa mai này với môn đệ: “Chúng mình như một bầy không phải trâu, không phải cọp, lang thang trong sa mạc”. Ông mất non ba trăm rưỡi năm, tới thời vua Hán Vũ Đế dân Trung Hoa mới tôn sùng ông vào hàng “Vạn thế sư biểu”.
Một triết gia khác ở phương Tây may mắn hơn ông nhiều, ngay khi còn sống đã được dân chúng châu Âu tặng cái mỹ hiệu là ông vua không ngôi, “vua Voltaire”, rồi sau khi chết lại được phương Tây dùng tên mình để chỉ một thế kỷ, “thế kỷ Voltaire”, tức thế kỷ XVIII. Chính Victor Hugo già nửa đời chỉ mong tên mình được dùng để thay tên Paris mà không được, cũng phải nhận rằng Voltaire tiêu biểu cho cả thế kỷ XVIII. Thật là từ xưa tới nay chưa một văn hào được những vinh dự như vậy. Mà xét học thuyết của Voltaire, đức hạnh của Voltaire thì ta thấy chẳng những kém xa Khổng tử mà còn kém xa cả nhiều triết gia châu Âu đương thời như Montesquieu, Rousseau, Kant, Adam Smith... thế thì nguyên do tại đâu mà Voltaire được ngưỡng mộ lạ lùng như vậy?
Muốn hiểu đời ông vua không ngôi đó, ta nên biết qua tinh thần của thế kỷ XVIII.
Nhiều sử gia gọi thế kỷ đó là thế kỷ cuối cùng của chế độ quân chủ ở châu Âu. Nhận xét đó rất đúng. Sau cuộc cách mạng 1789 ở Pháp, qua thế kỷ XIX, ở châu Âu và ngay ở Pháp cũng còn ít nhiều ông vua nhưng chế độ quân chủ đã khác, không như chế độ từ Louis XIV trở về trước. Ông vua nào độc tài như Nã Phá Luân thì cầm quyền không bền, mà dù độc tài cũng không dám coi thường dân chúng nữa, còn những ông khác thì quyền hành không có bao nhiêu. Sự thay đổi lớn lao đó nảy mầm từ thế kỷ XVIII. Dưới thời Louis XIV, dân chúng vẫn trọng vua nhưng đã ngờ rằng nhiều ông vua bất lực, không đủ tài cán để hiểu tình thế, không đủ sáng suốt để trị dân. Mới đầu người ta nghi ngờ rồi sau người ta chỉ trích.
Hạng quý phái thì mỗi ngày một sa đoạ. Họ đầu cơ, phung phí, cờ bạc, rượu chè, trai gái. Cái tội dâm loạn mà phương Đông chúng ta thời đó cho là ghê tởm, thì họ, các ông Công, ông Hầu, bà Bá, bà Nam của phương Tây cho là một cái “mốt”, một “mốt quý phái”. Chung tình với vợ, với chồng ư? Phì! Đồ lạc hậu, quê mùa! Phải nay đi với bà này, mai đi với bà khác mới là thiệp thế. Tới một số luân lý gia cũng bị lôi cuốn theo trào lưu. Họ vẫn dạy luân lý, nhưng một thứ luân lý mới dựng trên cái thuyết, cái đạo hưởng lạc. Họ rán chứng minh được rằng bổn phận, cả tới lòng thờ Chúa nữa cũng có thể đi đôi với đạo hưởng lạc được. Lạc thú vẫn có nhiều thứ tao nhã, có thứ còn cao cả nữa, nhưng bạn tưởng tượng khi bọn trí thức đề xướng thuyết hưởng lạc trong xã hội như vậy thì ảnh hưởng phải ra sao.
Tinh thần tôn giáo cũng xuống. Người ta đã bắt đầu hoài nghi. Người ta chưa hoài nghi Chúa. Descartes ở thế kỷ trước tuy phản đối triết lý kinh viện và đề cao tinh thần lý luận, phán đoán, song vẫn tin Chúa, chứng minh rằng có Chúa. Nhưng tinh thần hoài nghi, lý luận của Descartes cũng có hại cho tôn giáo, cho nên qua đầu thế kỷ XVIII, một đệ tử của ông, Tyssot de Patot, năm 1727 đã viết: “Đã bao lâu nay tôi dạo chơi trên những con đường thênh thang và sáng sủa của môn Hình học, thành thử tôi cực khổ mới chịu được những con đường mòn chật hẹp tối tăm của tôn giáo”.
Số người như Tyssot de Patot còn ít, nhưng số người nghi ngờ hành vi luật lệ của giáo hội thì nhiều, nhất là khi người ta thấy những giáo phái cùng thờ một Chúa mà bài bác lẫn nhau, tấn công lẫn nhau.
Trong khi đó, một tinh thần mới đã xuất hiện rồi phát triển mạnh, tinh thần triết lý. Mới đầu chỉ là óc tò mò, cái gì cũng muốn biết, muốn học, chưa bao giờ người ta ham học như thời đó. Từ vua chúa tới thường dân, cả tới các bà lớn, các tiểu thư đều đua nhau học hỏi. Trong nửa đầu thế kỷ, riêng nước Pháp đã thành lập hai chục Hàn lâm viện để khảo cứu. Báo chí đua nhau ra, mới đầu là tạp chí dành cho các nhà bác học, sau tới những báo chí để phổ thông khoa học trong quần chúng. Phòng các bà Công, bà Hầu biến thành những phòng thí nghiệm, chứa đủ các mẫu cây, cỏ, đá, loài vật và các dụng cụ để thí nghiệm. Chính vua Louis XIV cũng có nhiều phòng thí nghiệm. Nhà vật lý học Nollet giảng ở trường trung học De Navarre, có tới 600 người tới nghe, các bà hoàng, bà chúa chen chúc nhau lại coi và yêu cầu Nollet cho điện giật chơi. Bà Roland, con một người thợ khắc, cũng học toán, vật lý, hoá, thiên văn. Hoàng tử Pháp học về thảo mộc. Diderot, J.J.Rousseau, Franklin học đủ các môn. Sách khoa học phổ thông xuất bản nườm nượp, nhiều cuốn có giá trị như bộ Vạn vật học của Buffon, cuốn Điện tử của Priestly. Tóm lại, phong trào học hỏi thổi khắp nơi mà các vua chúa cũng bị lôi cuốn theo, không ngờ rằng ngai vàng của họ sau này bị lật đổ một phần lớn do phong trào đó, vì dân chúng đã hiểu biết rồi thì tất phải đòi hỏi, và sau khi đã tò mò học những môn vật lý, hoá, họ muốn biết thêm các môn xã hội, chính trị của Montesquieu, Rousseau, mà những môn này đã đưa họ vào con đường cách mạng.
Đó là những nét đại cương của tinh thần thế kỷ XVIII. Trong thời đại như vậy, một nhà văn như Voltaire, có tài bút chiến, có cây viết sắc bén, cay độc, lại dám can đảm hy sinh cho lý tưởng, tất lập nên sự nghiệp lớn.
Voltaire sanh trước thế kỷ đó sáu năm (1694) và sống trên bốn phần năm thế kỷ. Ông mất năm 1778 thì mười một năm sau Cách mạng ở Pháp nổ.
Tên ông là François Marie Arouet, sau mới đổi ra Voltaire, có người bảo tên Voltaire là do lối đảo những mẫu tự Arouet L(e) J(eune) [1] mà ra, nhưng điều đó chưa chắc, vì bên ngoại của ông, mấy đời trước, đã có một người tên Voltaire.
Thân phụ ông là một viên công chức phong lưu, thân mẫu ông dòng dõi cũng hơi quý tộc. Có lẽ ông đã chịu di truyền cả óc tinh tế và tính hay quạu của cha lẫn tính phù phiếm, hơi bỡn cợt mỉa mai của mẹ. Ông mới sanh thì mồ côi mẹ, ông lại yếu ớt đến nỗi người vú nuôi ngại ông chỉ sống được 24 giờ. Thực là bé cái nhầm! Ông đã sống 84 tuổi, nhưng suốt đời phải chiến đấu với bệnh tật và sở dĩ ông thọ được là nhờ tinh thần ông mạnh mẽ phi thường.
Ngay từ hồi mới biết viết, François đã tập tễnh làm thơ; cha cậu thất vọng, cho cậu là vô dụng. Cậu theo học một tu viện trưởng vô hạnh, rồi thụ giáo các thầy dòng Tên. Các ông này dạy cho cậu thuật biện luận – nói cho đúng là thuật nguỵ biện, mồm mép - mà tinh thần biện luận đó là tinh thần nghi ngờ hết thảy, không tin một cái gì cả.
Trong khi các bạn chơi giỡn ngoài đồng thì cậu bàn cãi về thần học với các giáo sư. Ai cũng nhận cậu là thông minh lanh lợi.
Ở trường trung học ra, cậu xin phép cha được sống về nghề cầm bút. Ông cụ đập bàn la: “Nghề viết văn là nghề của những kẻ vô ích cho xã hội. Sống bám vào vợ để chờ ngày chết đói”. Cha la thì la, ý cậu, cậu vẫn giữ.
Cái nghề đó sướng quá mà! Không có gì bó buộc, không phải tới sở, tới hãng, muốn ngủ lúc nào thì ngủ, thức lúc nào thì thức, mà khi người ta mới hai mươi tuổi thì ai chẳng ham vui, cho nên cậu lấy đêm làm ngày, không phải để khảo cứu, viết lách gì đâu, mà để “bốc đồng” với một bọn phóng đãng, đến nỗi nhà cầm quyền phải để ý tới cậu. Ông cụ phải tống cậu về Caen ở với một người trong họ và dặn người này coi chừng “thằng quỉ” đó, đừng cho ra khỏi nhà. Nhưng “thằng quỉ” đó mồm mép vào bậc nhất, không biết thuyết cách nào mà người bà con phải mê, không câu thúc cậu nữa. Cụ ông tức giận, lần này đày cậu qua La Haye, nhờ viên sứ thần Pháp ở Hoà Lan cầm chân giùm. Bị cầm chân cách nào không biết mà ngày nào cậu cũng lén đi thăm một thiếu phụ xinh đẹp, nàng “Pimpette" [2] . Cậu gởi cho nàng những bức thư nồng nàn, bức nào cũng chấm dứt bằng câu: “Anh yêu em mãi mãi”. Thế là viên sứ thần phải trả cậu về Paris.
Năm đó là năm 1715, vua Louis XIV mới băng, vua Louis XV kế vị; vì Louis XV còn nhỏ tuổi, quyền hành ở trong tay một viên phụ chánh. Viên này muốn tiết kiệm, đem bán một nửa số ngựa trong các chuồng ngựa hoàng gia. Cậu François lúc đó 21 tuổi, đang ở trong cái thời ngông nghênh, hay tin đó, mỉm cười phê bình: “Giá đuổi cổ một nửa bầy lừa nó làm chật triều đình đi thì hay hơn”. Cậu nổi danh về hàng chục câu hóm hỉnh, mỉa mai cay độc như câu đó. Cậu làm hai bài thơ để đả kích viên phụ chánh, ông này hay được, một hôm gặp cậu bảo: “Cậu Arouet, tôi cam đoan với cậu rằng tôi có thể cho cậu coi một cái mà chưa bao giờ thấy” – “Cái gì vậy, thưa ngài?” – “Cái bề trong của ngục thất Bastille”. Ngay hôm sau cậu vô khám.
Ở trong khám cậu chọn tên hiệu là Voltaire, và để tiêu sầu, cậu làm thơ, viết kịch, soạn được tập La Henriade – một tập anh hùng ca khá dài kể đời Henri de Navrre, viết nốt kịch Œdipe mà cốt truyện mượn trong thoại kịch Hi Lạp. Được một năm, viên phụ chánh thấy chàng thanh niên đó chỉ ngông nghênh chứ vô hại mà lại có tài nên tha tội và cho một số tiền cấp dưỡng hàng năm. Vẫn không chừa cái tật hóm hỉnh, cậu viết thư cảm ơn ông đã giúp cho mình sự ăn uống, còn chỗ ở thì xin phép được tự lo lấy!
Œdipe giá trị quá tầm thường, tâm lý không sâu sắc mà được diễn liên tiếp bốn mươi đêm ở Paris, đêm nào khán giả cũng đông nghẹt. Chính cụ Arouet tò mò lại coi cũng phải khen: “Cái thằng ranh đó?” mỗi khi nghe được một câu lý thú.
Chàng nhận được 4.000 quan về tiền tác giả. Vốn có óc kinh doanh thực tế hiếm thấy trong văn nhân, chàng dùng hết cả số tiền để đầu cơ trong một cuộc sổ số và lời một số tiền quá lớn đến nỗi chính phủ cũng phải ghen. Nhưng chàng cũng có tính hào phóng, càng giàu lại càng giúp đỡ người nghèo, che chở kẻ yếu.
Tập anh hùng ca La Henriade làm cho danh chàng vang thêm chút nữa. Chàng được các gia đình quý phái tiếp đón niềm nở, ai cũng thích nghe những lời hóm hỉnh, hùng hồn của chàng. Nhưng một hôm chàng bị một ông quý phái làm nhục trong một cuộc hội họp sang trọng. Chàng đương thao thao bất tuyệt thì ông quý phái đó lớn tiếng: “Thanh niên nào mà vô lễ la lối như vậy hả?”. Chàng đâu có nhịn: “Thưa ngài, thằng thanh niên đó là một kẻ không mang tên quý tộc nào cả, nhưng nó trọng cái tên nó mang”. Ông quý phái kia bà con với ông Thượng thư bộ Công an, và ít bữa sau Voltaire vô ngục một lần nữa. Người ta giam chàng vài ngày rồi thả, nhưng buộc chàng phải qua bên Anh. Lần đi đày này (1726-1729) ảnh hưởng lớn đến đời chàng.
Ở Luân Đôn, Voltaire cặm cụi học tiếng Anh, đọc hết các tác giả Anh đương thời và làm quen với nhiều nhà trí thức. Ông ngạc nhiên nhận thấy rằng dân tộc Anh được hưởng nhiều tự do hơn dân tộc Pháp. Các văn sĩ của họ muốn viết gì thì viết, dân chúng có quyền phát biểu ý kiến, đã cải lương tôn giáo, lại treo cổ được một ông vua. Ông hết lời khen:
“Dân tộc Anh là dân tộc độc nhất trên thế giới đã quy định được quyền của vua và sau nhiều lần gắng sức đã lập được một chính thể minh trí, nó cho nhà vua đủ quyền để làm điều thiện mà phải bó tay khi muốn làm một điều ác”.
Nhất là các nhà bác học của họ làm việc rất hăng hái, phát minh được nhiều điều lạ. Ông được dịp đưa đám ma Newton mà thầm phục chính phủ Anh biết tôn trọng nhân tài, dùng lễ quốc táng đãi nhà bác học đó.
Ông ghi vắn tắt cảm tưởng trong tập “Những bức thư về dân tộc Anh" [3] rồi truyền tay bản thảo cho bạn bè chứ không xuất bản, vì chính phủ Pháp đương ghét chính phủ Anh mà trong tập đó ông ca tụng người Anh quá, so sánh chế độ áp bức của Pháp với chế độ tự do của Anh, so sánh hạng quý phái Pháp sa đoạ, biếng nhác với hạng quý phái có tinh thần khoáng đạt của Anh. Chính những bức thư đó đã đánh dấu một bước tiến trong tư tưởng của ông: ông không muốn dùng ngọn bút phù phiếm để bỡn cợt, làm vui thiên hạ nữa, mài cho nó bén để chiến đấu cho xứ sở, cho nhân loại.
*
* *
* *
Năm 1729 ông được ân xá về Paris. Một nhà xuất bản giảo quyệt, đọc bản chép tay tập Những bức thư về dân tộc Anh, không xin phép tác giả, cho in bừa rồi tung ra thị trường làm cho mọi người, kể của tác giả phải ngạc nhiên. Chính quyền ra lệnh tịch thu và thiêu huỷ trước đám đông, coi đó là cuốn “trái với tôn giáo, với luân lý mà khinh mạn chính phủ”. Có người cho Voltaire hay rằng ông sẽ bị nhốt khám. Ông nghĩ đào tẩu sẽ là thượng sách và ông dẫn theo một thiếu phụ còn đương xuân mới hai mươi tám tuổi – hầu tước phu nhân Du Châtelet – mà ông chồng thì đã sắp về già, ngoài bốn chục tuổi. Chúng ta cho hành động của chàng chẳng đẹp chút nào, nhưng phái thượng lưu Pháp thời đó lại cho là “phong nhã”, là “đúng mốt”, cho nên chẳng ai chê ông mà chính ông chồng mất vợ cũng không lấy thế làm phiền. Ta phải nhận rằng phu nhân Du Châtelet rất đáng là bạn tình của một triết gia: học toán với Maupertuis, dịch tập Quy tắc [4] của Newton, sau lại được giải thưởng của Hàn lâm viện Pháp về môn vật lý.
Cặp tình nhân đó dắt nhau về ở một lâu đài của bà Du Châtelet tại Cirey (miền Lorraine) trong mười năm[5] , từ 1733 đến 1743. Họ lập một phòng thí nghiệm, ganh đua nhau nghiên cứu khoa học. Khách khứa tới rất đông. Buổi tối người ta diễn kịch hoặc bình văn. Ai cũng thích nghe tài kể truyện của Voltaire: “Cười và làm cho người khác cười”, đó là châm ngôn của ông. Chính trong thời đó ông viết những truyện nổi danh như Zadig, Micromégas…
Truyện có giá trị nhất là Zadig. Tác phẩm đó không phải là tiểu thuyết mà là một truyện triết lý.
Zadig là một hiền triết học rộng nhưng gặp toàn những bước rủi, đi khắp nơi, từ Ba Bi Lôn tới Ai Cập, trải đủ các nghề, có hồi được phong làm tể tướng trong một triều đình, được hoàng hậu yêu dấu, nhưng rồi phải trốn đi, sợ cơn ghen của nhà vua; có hồi làm nô lệ cho một con buôn Ả Rập; sau cùng được lên ngôi báu. Voltaire tưởng tượng nhiều tình tiết ngộ nghĩnh, cho dồn dập xảy ra từ đầu truyện tới cuối truyện, thỉnh thoảng chêm những câu triết lý hóm hỉnh, chủ ý chứng thực rằng trong xã hội chỉ có mỗi luật chi phối hết cả, là luật may rủi, mà tất cả những lố lăng, điên khùng, những đau khổ bi thảm của loài người đều có ích cho sự điều hoà vũ trụ do Thượng Đế tạo ra.
Dưới đây tôi xin giới thiệu một đoạn thường trích dẫn trong các sách giảng văn của Pháp dưới nhan đề là Lối hẻm cám dỗ. Một ông vua nọ bị các quan giữ kho đua nhau ăn cắp mà không tìm được cách trị, vấn kế Zadig. Zadig bảo không có gì khó cả, chỉ bắt những người xin chức giữ kho phải khiêu vũ, người nào khiêu vũ nhẹ nhàng là liêm khiết nhất. Rồi:
“Ngày hôm nay, ông ta (tức Zadig) sai yết thị rằng theo lệnh nhà vua, ai muốn sung vào chức chưởng khố đại thần trong triều Đại vương Nabussan, kế vị cho Đại vương Nussanab, thì ngày sóc tháng cá sấu phải bận quần áo bằng hàng nhẹ tới chực ở tiền sảnh trong hoàng cung. Có tới sáu mươi bốn người tất cả. Người ta đã gọi bọn nhạc công tới một phòng bên cạnh rồi sửa soạn cho cuộc khiêu vũ; nhưng cửa phòng đó khép và muốn vô thì phải đi theo một lối hẻm tối tăm. Một tên thị vệ dắt từng thí viên qua lối hẻm đó, xong người này mới tới người khác, và để cho mỗi người ở một mình trong lối hẻm độ vài phút. Nhà vua đã biết trước mưu mô rồi, cho bày hết cả vàng bạc châu báu trong lối hẻm. Khi họ vô đủ mặt trong phòng, nhà vua ra lệnh cho họ khiêu vũ. Không lần nào người ta khiêu vũ nặng nề và vụng về như lần đó: kẻ nào đầu cũng cúi xuống, lưng cũng gập lại, hai tay ôm lấy sườn. Zadig mừng thầm: “Quân ăn cắp!”. Chỉ có một người tiến lui nhẹ nhàng, đầu ngửng, mắt ngó ngay, tay duỗi, mình thẳng, chân cứng. Zadig nói: “À! Người này thật chân chính đáng khen”. Nhà vua niềm nở ôm người đó, phong chức chưởng khố, còn hết thảy những kẻ kia đều bị trừng trị và phạt vạ một cách công bình nhất đời, vì bọn họ khi ở trong lối hẻm đã thồn châu báu vào đầy túi đến nỗi đi không muốn nổi nữa. Nhà vua thấy trong số sáu mươi bốn người có tới sáu mươi ba quân ăn cắp mà giận cho tính tình con người. Từ đó lối hẻm tối tăm đó được gọi là “Lối hẻm cám dỗ”.
Trong thời gian ở Cirey, Voltaire sáng tác rất mạnh: ngoài những truyện kể trên, ông còn thu thập tài liệu để viết sử. Năm 1731, ông đã hoàn thành bộ Truyện Charles XII vua Thuỵ Điển, lúc này ông đã kê cứu để soạn bộ Cảo luận về phong tục và tinh thần các dân tộc, nhất là bộ Thế kỷ Louis XIV. Quan niệm về sử học của ông cũng hơi mới mẻ. Ông bảo: “Sử không phải là một bảng chép những tội ác cùng những đau khổ” và ông có ý muốn môn sử học cao cả hơn, bổ ích hơn bằng cách rán tim trong những biến cố tựa như vô nghĩa, cái tinh thần của nhân loại. Rồi ông kết luận: “Chỉ những triết gia mới được viết sử”, vì theo ông, khi viết sử, phải bỏ những tiểu tiết để có thể nhìn bao quát hơn, mà chỉ những triết gia mới có đủ sáng suốt nhìn bao quát được một thời đại.
Nhưng như vậy không phải ông có định kiến rồi chỉ dùng những tài liệu nào hợp với định kiến đó mà gạt bỏ tất cả những tài liệu khác. Trái lại, ông trọng tinh thần khoa học, cho nên tốn công phê phán kỹ lưỡng các tài liệu, chắc có đúng rồi mới dùng.
Nhờ tinh thần khoa học và triết học đó mà ông được hậu thế khen là người sáng lập ra môn sử hiện đại. Trong những bộ sử của ông, ông không chú trọng một cách quá đáng tới đời các vua chúa, ông bỏ qua những nhà cầm quyền tầm thường mà chỉ chép hành động của những vị có ảnh hưởng lớn đến nhân loại, quốc gia về phong tục, lối sinh hoạt văn hóa. Ông Will Durant trong cuốn The Story of philosophy (triết học sử) – cuốn mà tôi dùng nhiều nhất để soạn bài này – phê bình Voltaire: “Chính vì rút phần sử về các vua xuống mà sử gia Voltaire đã mở đường cho cách mạng: bộ Cảo luận về phong tục và tinh thần các dân tộc báo trước sự sụp đổ của dòng Bourbon”; lời đó rất đúng.
Cũng trong thời ở Cirey, ông thường thư từ với hoàng tử nước Phổ. Hoàng tử ngưỡng mộ ông, khen ông là “vĩ nhân bực nhất của Pháp”, mà ta nên nhớ thời đó nước Pháp được coi là nước văn minh nhất châu Âu – tất cả các nhà trí thức châu Âu đều nói tiếng Pháp như nói tiếng mẹ đẻ của họ, mà phần nhiều các nhà bác học châu Âu đều soạn sách bằng tiếng Pháp – vậy “vĩ nhân bực nhất của Pháp” cũng có nghĩa là vĩ nhân bực nhất châu Âu. Hoàng tử lại còn khoe “Tôi cho rằng một cái vinh dự lớn nhất trong thời tôi là được sanh làm người đồng thời với Voltarie”. Hai bên thư từ với nhau rất nhiều và Voltaire hy vọng rằng khi hoàng tử lên ngôi thì sẽ thành một ông vua hiền triết, sẽ mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “ánh sáng” mà mình thì được đóng cái vai vừa là thầy học vừa là cố vấn tối cao của một minh quân. Ông sung sướng biết bao khi hoàng tử gởi cho ông một bài thơ chê cái thói bợ đỡ của bọn nịnh thần và một bài phản đối Michiavali [6] để hùng hồn mạt sát thói hay gây chiến tranh của các nhà cầm quyền. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi hoàng tử lên ngôi, tức vua Frédéric [7], thì nhà vua “hiền triết” đó xua quân chiếm xứ Silésie làm cho khắp châu Âu đổ máu suốt một thế hệ.
Ở Cirey lâu quá cũng chán, Voltaire lại về Paris – tất nhiên có phu nhân Du Châtelet đi theo – lại sống đời sống phù phiếm. Ông muốn ứng cử vào Hàn lâm viện, nên chịu khó chiều đời, tỏ ra rất ngoan đạo, nịnh nọt các nhà quyền thế, có khi nói dối một cách trân tráo, y như những kẻ tầm thường nhất. Mới hay các bực vĩ nhân cũng rất có thể bị dấu son đỏ choét nó mê hoặc; chứ cái danh Ông Hàn so sao được với cái danh đệ nhất văn hào châu Âu! Nhờ bà Pompadour, một thiên quốc sắc, sủng phi của vua Louis XV, Voltaire tranh được một ghế trong Hàn lâm. Và các phòng khách quý phái ở kinh đô niềm nở tiếp đón ông.
Những kịch Zaire, Mahomet, Mérope của ông được diễn lại một thời mà chính ông và phu nhân Du Châtelet sắp diễn một bi hài kịch sống. Năm 1748, hầu tước phu nhân gặp một ông hầu tước trẻ đẹp trai, mà “cái trang sức đẹp nhất của nước Pháp” thì da đã nhăn, răng đã rụng – Voltaire đã 54 tuổi rồi – nên mê hầu tước trẻ đó, hầu tước de Saint Lambert, mà nhạt tình với Voltaire. Voltaire bắt được quả tang, giận dữ, chua chát, nhưng khi de Saint Lambert ân hận xin lỗi thì nhà hiền triết của ta dịu lại mà còn cầu trời phù hộ cho tình địch của mình nữa, sau khi thở dài: “Lòng đàn bà như vậy đó. Mình chiếm chỗ của Richelieu thì bây giờ Saint Lambert lại chiếm chỗ của mình. Luật tuần hoàn là như thế”. Năm sau bà Du Châtelet mất [8], chồng bà, Voltaire và Saint Lambert, đủ bộ ba gặp nhau ở bên giường người chết, chẳng ai trách nhau một lời mà lại còn thân mật với nhau như bạn thiết. Người ta gọi cái thế kỷ XVIII ở Pháp là thế kỷ hiền triết. Quả không sai!
Từ hồi đó, Voltaire cô độc, chán nản, cặm cụi soạn nốt bộ Thế kỷ Louis XIV. Vua Frédéric thiết tha mới ông qua triều đình Postdam, lại tặng ba ngàn quan làm lộ phí. Voltaire nhận lời và năm 1750 tới Berlin.
Được một hoàng đế uy quyền nhất đương thời tiếp đãi vào hàng quốc khách, được cả triều đình tôn trọng, ông hoan hỉ vô cùng, viết thư về cho bạn bè ở Paris: “Tôi đương ở một nơi hồi xưa bỉ lậu mà bây giờ thì rực rỡ vì nghệ thuật, cao quý vì danh vọng. Một trăm năm chục ngàn binh sĩ thắng trận – ông không mạt sát chiến tranh nữa – không có biện lý mà có ca kịch, hài kịch, triết lý, thơ, một anh hùng hiền triết và thi sĩ – ám chỉ Frédéric – cao cả và thanh nhã…!”.
Mỗi tối một tiệc nhỏ, dăm bữa lại tiệc lớn. Chủ khách tương đắc, vừa ăn uống vừa làm thơ, làm triết lý. “Ở đây người ta dám có những ý mới, người ta được tự do… Không ai làm gì trái ý tôi cả… sau ba chục năm dông tố, tôi đã tìm được một hải cảng yên tĩnh. Tôi được một ông vua che chở, được bạn luận với một triết gia, trò chuyện với một người dễ thương, tất cả những đức đó quy cả vào một người từ mười sáu năm nay chỉ muốn an ủi những đau khổ của tôi và che chở tôi khỏi nanh vuốt của kẻ thù”.
Nhưng “ông vua không ngôi” lại quá tham tiền, đầu cơ lén, mặc dù Frédéric khuyên không nên. Vận đỏ, Voltaire lời vô số; một kẻ trung gian muốn tống tiền, doạ lột mặt nạ của ông cho dân Phổ thấy. Voltaire nhảy tới bóp cổ, xô hắn té. Già mà còn mạnh dữ! Tới nước đó thì không thể bịt kín nữa rồi. Vua Frédéric hay, nỗi cơn lôi đình, bảo một cận thần: “Ta chỉ cần dùng hắn một năm nữa là cùng, hễ vắt nước xong thì liệng vỏ cam đi”. Viên cận thần đó nói lại với Voltaire. Từ đó Voltaire chỉ nghĩ tới vỏ cam.
Rốt cuộc vì một chuyện lôi thôi gì đó, cuối năm 1753, Voltaire phải trốn đi. Tới biên giới, lính của Frédéric đuổi theo kịp, lục xét, suýt cầm tù ông. Sắp bước chân qua biên giới tổ quốc thì hay tin tổ quốc không nhận ông nữa: Vua Pháp ra lệnh trục xuất ông trong khi ông vắng mặt vì cuốn Cảo luận phong tục và tinh thần các dân tộc mới xuất bản có tính cách chống chánh quyền. Thực là tiến thoái lưỡng nan. Chán nản quá ông muốn qua châu Mỹ ở; nhưng sau kiếm được cái “mồ yên” ở gần Genève, kinh đô Thuỵ Sĩ, ông tới đó, mua một lâu đài cũ mà ông đặt tên là Lạc thú, để trồng rau và di dưỡng tuổi già. Ai cũng tin từ nay ông chỉ còn chờ chết, ngờ đâu ông cụ sáu chục tuổi đó, người gầy như con mắm, thiếu ăn thiếu ngủ, bị chứng phong thấp, lại hoạt động hơn bao giờ hết. Tinh thần của ông ghê thật!