Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Với Thúy Kiều, ai người tri kỷ?
Xưa nay, xung quanh tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có không ít những công trình nghiên cứu được được xếp vào hàng độc đáo, lạ lùng, khác người; trong đó có bài Hai nhân vật tri kỷ của thi sĩ Đông Hồ (1906 - 1969), đăng trên Văn hoá nguyệt san, số 10 & 11-1965. Trong bài viết này, Đông Hồ đã loại bỏ các cặp Thuý Kiều - Kim Trọng, Thuý Kiều - Thúc Sinh, Thuý Kiều - Từ Hải và khẳng định chỉ có Thuý Kiều và Hoạn Thư mới xứng đáng là đôi tri kỷ (Hiểu mình, biết rõ mình). Cuối cùng, thi sĩ, với giọng văn hồ hởi, đã muốn thay chữ "tri quá" thành ra "tri kỷ" trong câu thơ Đã lòng tri quá thì nên làm thay đổi hẳn cái nhìn của nàng Kiều với kẻ thù của mình trong phiên toà đòi công lý.
Hẳn quan niệm "tri kỷ" như trên không phải là phổ biến, nên từ xưa, không ai coi Gia Cát Lượng và Chu Công Cẩn (kẻ thù của nhau và rất hiểu nhau) là "tri kỷ", mà đưa tình bạn cao đẹp tử sinh giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ ra làm tấm gương cho thiên hạ soi chung. Cho nên Đông Hồ đòi thay chữ "tri quá - biết lỗi" ra "tri kỷ - bạn tâm đắc", thì e không đúng với mối quan hệ của những người đàn bà "chồng chung chưa dễ ai hiểu cho ai"!
Vậy ai là "tri kỷ" của Thúy Kiều?
Sau khi rơi vào chốn lầu xanh, Thuý Kiều cố vùng vẫy để thoát ra, nhưng cuối cùng đành chấp nhận "liều thân" làm kẻ bán hoa cho khách làng chơi; và dù bọn họ đều là hạng Tống Ngọc, Tràng Khanh văn nhân, tài tử cả, nhưng nàng vẫn "thờ ơ", bởi trong lòng luôn có bóng chàng Kim ngày nào. Trong điều kiện đó, Thúc Sinh xuất hiện. Bằng tiền và cả tấm lòng thương yêu, chàng đã cứu nàng khỏi chốn lầm than. Cảm ơn Thúc lang, nàng đã gắn bó với chàng, gần thì quấn quýt, xa thì nhớ nhung:
… Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vừng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!
Dẫu vậy, tận trong thẳm sâu, chưa bao giờ nàng xem Thúc Sinh là "tri kỷ". Ngay hai chữ "tương tri" (biết rõ lòng nhau), cũng là lời Thúc Sinh chớ đâu phải nàng Kiều nói ra:
Sinh rằng: "Từ thuở tương tri
Tấm riêng riêng những nặng vì nước non"
Thế rồi sóng gió nổi lên khiến hai người phải chia tay nhau. Điều chẳng may cho nàng Kiều lại là cái may cho Thúc Sinh, bởi nếu có sống trọn đời bên nhau, thì chắc trọn đời không bao giờ nàng xem chàng là "tri kỷ"!
Từ Hải đến với Thuý Kiều cũng không khác Thúc Sinh là mấy, và Từ đã đưa nàng từ địa vị "phận con đòi" lên ghế đại phu nhân, tạo điều kiện cho nàng đòi lại công lý... Những ngày tháng sống với Từ Hải, là quãng thời gian phong lưu, sung sướng nhất trong suốt đời nàng, ngay cả Kim Trọng cũng không có cơ hội để mang lại cho nàng. Thuý Kiều đội ơn chàng lắm lắm, nhưng cũng không vì thế mà xem chàng là... "tri kỷ"! Ngay cái mối quan hệ "tâm phúc tương tri" cũng toát ra từ miệng Từ Hải, chứ Thuý Kiều đâu có xướng lên. Đi xa hơn Thúc Sinh, Từ Hải, trong một cơn cao hứng, lại mong được xem nàng là "tri kỷ":
Từ rằng: "Quốc sỹ xưa nay
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?"
Thật tội cho bậc anh hùng, dẫu đã hạ mình đến thế, nhưng nàng Kiều vẫn lặng im; dù từng khi nàng xem Từ Hải là "chồng", một phần thưởng nàng riêng tặng chàng mà không dễ dàng trao cho bất kỳ đấng mày râu nào.
Vì sao Thuý Kiều đều không coi Thúc Sinh và Từ Hải là "tri kỷ"? Nàng là kẻ vong ân bội nghĩa chăng? Không phải. Nàng quý trọng họ, nhưng sự đời không tạo cơ hội cho họ trở nên tri kỷ với nàng. Thúc Sinh và Từ Hải đều không có tội tình gì trong chuyện này, bởi họ cũng là nạn nhân của thói đời muôn thuở.
Vốn từ nơi khuê các, có học, lại giàu lòng tự trọng, cho nên ngay từ ngày đặt chân vào lầu xanh, nàng đã xác định:
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai!
Có thể nói đó là tuyên ngôn của nàng Kiều khi sa vào chốn bùn nhơ. Nàng phải dặn lòng như vậy khi tiếp khách làng chơi, bất luận đó là ai. Thúc Sinh và Từ Hải, đến với Kiều trước hết là những tay chơi, rồi thấy nàng đẹp quá, mới dùng tiền mà chuộc ra. Cả hai cuộc tình ấy, Thúy Kiều không hề chủ động đến với họ, nghĩa là trái tim nàng không hề rung động trước khi họ ngỏ lời cứu nàng, rồi yêu thương nàng. Dẫu họ đáng quý hơn rất nhiều khách chơi khác, họ sống chết với nàng, nhưng thoạt kỳ thuỷ, hẳn họ đã khiến nàng coi thường, thậm chí còn căm giận. Chúng ta vì quý cái công cứu vớt nàng Kiều của họ mà quên mất điều này. Nhưng nàng từng bị họ dày vò "mưa Sở mây Tần"; thì quên làm sao! Bởi vậy với họ, Thuý Kiều vẫn phải "vui gượng", không chỉ "gượng" lúc mua vui cho họ, mà "gượng" cả sau này, lúc đã trở nên gắn bó. Bản lĩnh tình yêu của nàng Kiều là vậy, là ở chỗ nàng không hề coi trọng những giá trị dù to lớn "muôn chung nghìn tứ" đi chăng nữa, nhưng vốn có một khởi nguyên không từ rung động của tình yêu mà là từ những nhu cầu mưu sinh không sạch sẽ! Cái rớp của kẻ mua hoa không thể gột rửa trong đáy mắt nàng Kiều. Rõ ràng nàng chẳng như thiên hạ tầm thường chỉ cần có tiền là có tất cả…
Vì không coi hai kẻ kia là "tri kỷ", nên sau khi chia tay, dù lại phải dấn thân vào nguy nan, khổ ải, Thúy Kiều cũng chẳng lúc nào nhớ lại những kỷ niệm êm đềm cùng họ một thời.
Đến đây, bạn sẽ hỏi: Vậy ai là "tri kỷ" của nàng Kiều? Kim Trọng chăng? Thì hãy xem xem.
Khác với bối cảnh gặp gỡ giữa Thuý Kiều - Thúc Sinh, Thuý Kiều - Từ Hải là những nơi bẩn thỉu do đồng tiền xếp đặt (kể cả bối cảnh Thuý Kiều gặp Hoạn Thư là bầu không khí "ngứa ghẻ hờn ghen"); Thuý Kiều và Kim Trọng gặp nhau giữa một không gian với cỏ non xanh biếc, hoa lê điểm trắng trên cành… Đó là bức tranh mùa xuân thiên nhiên duy nhất và đẹp nhất trong tác phẩm "Truyện Kiều" làm nền cho cuộc tao ngộ giữa "người quốc sắc, kẻ thiên tài". Thế rồi khách lên ngựa, và tưởng đâu một đi không trở lại; nhưng nàng đã kịp "nghé theo" và cái cú "nghé theo" ấy đã mở màn cho một cuộc tình tuyệt vời. Đó là lần duy nhất trong đời nàng Kiều chủ động tỏ tình, trái tim nàng thực sự rung động trước tình yêu không hề gợn chút bụi bặm của nhu cầu mưu sinh. Dồn dập sau đó, họ tìm đến nhau, mà mở đầu cũng là chuyện Kiều chủ động "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đến nơi tự tình khiến các nhà đạo đức truyền thống phải chau mày.
Ta tưởng rồi nàng Kiều sẽ sà vào lòng Kim Trọng mà nói lời tri kỷ. Không, nàng không làm thế. Nàng kín đáo lắm, tế nhị lắm và cũng chừng mực lắm. Nàng đâu vội đi đến tận cùng chữ "tương đắc", trong lúc chàng Kim cứ nằng nặc muốn được làm Chung Tử Kỳ ngay của một Bá Nha đang giấu mặt:
Rằng: "Nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".
Chàng tha thiết muốn làm "tri kỷ", nhưng nàng chưa chịu, không hề nói, chỉ thể hiện sự đồng điệu qua tiếng đàn tuyệt kỹ:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Nếu không có mọi tai ương giáng xuống, hẳn rồi một ngày nọ nàng sẽ thốt lên hai tiếng "tri kỷ" cho chàng thỏa nguyện. Nhưng như đã thấy, số phận đã đẩy hai người ra hai phương trời suốt mười lăm năm với biết bao nổi chìm và trông chờ, tìm kiếm!
Mười lăm năm ấy là thời gian thử thách với cả hai người. Thuý Kiều lúc nào cũng đau đáu nhớ chàng Kim; còn chàng Kim, dù hoạn lộ hanh thông, dù đã cưới Thuý Vân "mây thua nước tóc tuyết nhường màu da" nhưng trong tim luôn có "Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ nàng", và chàng quyết tìm cho bằng được người của buổi ban đầu đầy lưu luyến. Thế rồi họ đã gặp lại nhau.
Đến đây, hẳn bạn lại sẽ hỏi họ đã nhận nhau là tri kỷ chưa? Và ai là người nói ra đầu tiên cái từ thiêng liêng ấy? Lại chàng Kim chăng? Không! Chính là Thuý Kiều, người đã một đời chưa một lần hở ra với ai hai tiếng "tri kỷ". Nhưng cũng không hẳn đường đột đâu nhé. Sau màn tái hợp tình duyên không thành, họ lại là bạn tình của nhau.
Nàng lại nâng đàn, và tiếng đàn "trong sao châu nhỏ duyềnh quyên" lúc này đã gợi ra tiếng đàn mười lăm năm trước khiến nàng vô cùng xúc động, và thốt lên hai tiếng "tri kỷ" bấy nay nén chặt trong lòng:
Nàng rằng: "Vì chút nghề chơi
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu
Một phen TRI KỶ cùng nhau
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa!"
Thì ra hai tiếng "tri kỷ" không phải đến bây giờ mới nảy ra trong lòng nàng, mà nó đã "một phen" được nàng thể hiện qua tiếng đàn mười lăm năm trước thay cho lời nói, mãi đến lúc này mới bật thành lời. Đây là nghệ thuật "phục bút" rất tài tình của cụ Nguyễn Du. Nào, ta hãy nghe lại tiếng đàn ngày xưa lần nữa:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Đó là tiếng đàn tuyệt mỹ duy chỉ có một lần nàng gảy lên trước và trong những tháng năm lưu lạc, và cũng chỉ dành cho Kim Trọng nghe mà thôi. Hẳn có ý kiến băn khoăn, là bằng phép đếm, thấy rõ ràng trong Truyện Kiều có tới tám lần nàng Kiều đánh đàn kia mà? Đúng thế, đó là hai lần đàn cho Kim Trọng nghe; sáu lần còn lại tuần tự đàn cho Mã Giám sinh, cho khách làng chơi (không chỉ một lần), cho Thúc sinh, cho Hoạn Thư, lại cho Thúc sinh cùng Hoạn Thư và cuối cùng là cho Hồ Tôn Hiến nghe. Điều rất đáng để tâm, là ngoại trừ việc đàn cho Kim Trọng nghe ra, còn lại cả mấy lần đều với tâm trạng u buồn, thậm chí "bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay"! Đắng lòng nhường ấy, hỏi phỏng còn ra tiếng đàn nữa không? Bởi vậy nàng khẳng định không còn đàn cho ai nghe nữa sau ngày chia tay Kim Trọng là có lý lắm. Cho nên nàng nói Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa là đúng. Cuốn dây đàn, cũng là cuốn sợi tơ lòng, cũng có nghĩa tấm lòng "tri kỷ" dành cho chàng "từ đấy" đã được đào sâu chôn chặt vào tâm khảm, không lần nào bộc lộ cùng ai, dù đó là người mình đội ơn sâu; và nếu nàng chết thật trên sông Tiền Đường, thì tấm lòng "tri kỷ" ấy cũng mang theo luôn xuống chốn tuyền đài!
(Có một bí mật văn chương vô cùng thú vị, là chuyện Thuý Kiều không hề đánh đàn cho Từ Hải nghe lần nào hết. Nhà văn Nguyễn Tuân rất băn khoăn, không rõ đó là "một sơ suất lớn", hay là "một cao kiến gì" của cụ Nguyễn Tiên Điền; còn GS Trần Văn Khê cũng đành phải buông một cái dấu "chấm than" trước câu chuyện lạ lùng sẽ còn tốn nhiều giấy mực này! Theo thiển ý chúng tôi, đây là dụng ý của tác giả. Hẳn thi nhân đã trăn trở rất nhiều, cuối cùng đi đến quyết định không có màn Kiều đàn cho Từ nghe. Nhà thi hào, vốn sâu sắc nước đời, một mặt không thể để Kiều đem tiếng lòng non tơ của mối tình lý tưởng giãi bày cùng Từ Hải như từng say mê dào dạt với chàng Kim; mặt khác, vì tôn trọng Từ Hải, nên không bao giờ lại đi xếp người anh hùng cùng ngồi nghe những tiến đàn "như khóc như than" với quân vô lại! Như thế, để sau này, lúc nàng Kiều nói lời loại bỏ những tiếng đàn nhục nhã, tức cũng là gián tiếp tuyên bố thanh tẩy khỏi ký ức những khuôn mặt không thân thiện, thì người anh hùng chẳng việc gì phải hổ thẹn với nhân gian!).
Đừng ai vì câu chuyện "tri kỷ" quá cầu kỳ, rắc rối của Thuý Kiều mà nghĩ Kiều là con người quá hoàn hảo đến khó gần. Không! Nàng gần chúng ta lắm, nghĩa là nàng cũng là con người với hai mặt tối sáng chớ đâu phải là vị thánh. Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra tới bảy cái dở của nàng kia đấy. Đó là "thật dạ tin người", ưa nhận "lễ nhiều", lại "nghe lời dễ xiêu", rồi sợ khổ, thèm khát quyền lực, lại máu tham trộm chuông khánh nhà họ Hoạn, rồi tự biện hộ cho tội dụ Từ Hải ra hàng là vì "đắc hiếu, đắc trung"! Nhưng nói gì thì nói, riêng đường tình yêu thì nàng vô cùng tuyệt vời như một mẫu người lý tưởng.
Đến đây, ta chợt nhớ câu thơ buồn đầy trải nghiệm của TchyA (Đái Đức Tuấn): "Tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ". Nàng Kiều đi tìm tri kỷ không chỉ mắt mờ, mà thân tàn ma dại, nhưng vẫn vẹn nguyên tấm lòng buổi ban đầu ngàn năm nhớ mãi.
HOÀNG THÁI SƠN