Vỏ tín chỉ, ruột niên chế
Hầu hết các trường ĐH đã chuyển qua đào tạo theo tín chỉ nhưng vẫn sử dụng giáo trình cũ của thời đào tạo theo niên chế
Nhiều giảng viên cho rằng lâu nay với phương thức đào tạo theo niên chế, thầy và trò quen với việc dạy và học một chiều, thụ động theo kiểu thầy giảng – trò ghi.
Giảng viên truyền đạt, giảng giải đúng và đủ kiến thức đã được quy định trong từng bài, từng chương của giáo trình vốn được thiết kế phù hợp với yêu cầu của chương trình môn học và kế hoạch đào tạo của niên chế. Do vậy, khi chuyển qua đào tạo tín chỉ nhưng vẫn sử dụng giáo trình của niên chế là một trở ngại rất lớn.
Thầy và trò đều lúng túng
TS Trịnh Duy Oánh, Khoa Sư phạm khoa học xã hội Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng khi chuyển đổi từ niên chế qua tín chỉ, thời gian giảng dạy trên lớp giảm 1/3 nhưng vẫn phải bảo đảm nội dung kiến thức cơ bản của môn học.
Bởi vậy, cần phải soạn lại hệ thống giáo trình phục vụ đào tạo tín chỉ, xác định rõ mục tiêu, nội dung kiến thức từng phần, từng chương, từng bài, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực.
Trong đào tạo tín chỉ, có nhiều thời gian cho sinh viên tự học nên việc biên soạn giáo trình cũng cần chú ý đến hệ thống các bài tập nhận thức, bài tập kỹ năng và bài tập nghiên cứu để phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
Sinh viên của nhiều trường ĐH vẫn đang phải sử dụng giáo trình cũ của thời đào tạo theo niên chế
Giảng viên Vũ Đình Bảy, Trường ĐH Sư phạm Huế, cho rằng trong đào tạo tín chỉ, việc đổi mới phương pháp dạy và học phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng bài giảng, giáo trình mà giảng viên cung cấp cho sinh viên. “Nhiều trường vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng thư viện bài giảng, giáo trình chất lượng để phục vụ cho việc học tập của sinh viên, do vậy mà nhiều sinh viên lúng túng trong học tập” - giảng viên Vũ Đình Bảy cho biết.
TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cũng nhận định tình trạng thiếu giáo trình tiên tiến hoặc không được cập nhật kịp thời đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng và kết quả học tập của sinh viên.
Mạnh ai nấy dạy
Việc biên soạn giáo trình hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. PGS-TS Trịnh Sâm, Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng việc biên soạn giáo trình theo tín chỉ cần có sự đầu tư lớn về tài chính cũng như công sức của giảng viên.
Việc biên soạn giáo trình từ trước đến nay không thu hút giảng viên do thù lao quá thấp so với thù lao giảng dạy. Hơn nữa, nhiều giảng viên chưa quen với hình thức đào tạo tín chỉ nên để biên soạn giáo trình đòi hỏi phải có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, không thực hiện được trong ngày một ngày hai.
Để khắc phục việc thiếu giáo trình chuẩn, hiện hầu hết các giảng viên tự xoay xở xây dựng đề cương bài giảng để lên lớp. Tiến sĩ Võ Quang Mai, Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên Trường ĐH Sài Gòn, cho biết để biên soạn đề cương bài giảng đòi hỏi giảng viên phải có kinh nghiệm và tay nghề cao, tổ chuyên môn phải đủ mạnh để hỗ trợ vì cần huy động công sức của tập thể mới đủ sức xây dựng chính xác đề cương chi tiết môn học với các bài giảng phù hợp.
Việc biên soạn đề cương bài giảng hiện đang là công việc mạnh ai nấy làm và phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết của mỗi giảng viên. Trong khi đó, giảng viên hiện đang quá tải do phải cáng đáng nhiều giờ giảng, không có thời gian tự nghiên cứu lại còn bỡ ngỡ với hình thức đào tạo tín chỉ nên không tránh khỏi lúng túng.
Tiến sĩ Tôn Thất Dụng, Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Huế, nhận xét nhiều giảng viên có soạn đề cương nhưng còn quá sơ lược, đơn giản nên sinh viên không biết phải làm gì trong môn học. Nhiều giảng viên không chuyển cho sinh viên đề cương môn học nên thói quen của thời niên chế vẫn tiếp tục kéo dài.
Đầu tư thỏa đáng cho giáo trình
Việc biên soạn giáo trình phải bảo đảm đầy đủ, kịp thời, nội dung phải được cập nhật thường xuyên phù hợp với chuyên ngành (cả lý thuyết và thực hành cho từng học phần).
Vì vậy, cần đầu tư thỏa đáng cả nhân lực và vật lực cho biên soạn giáo trình, cập nhật kiến thức mới.
Trong giáo trình, ngoài những nội dung kiến thức chung cơ bản, cần phải có những nội dung tình huống để sinh viên tự nghiên cứu, tìm tòi bổ sung hoặc tự giải thích tình huống.
Nội dung giáo trình cũng cần có những chi tiết được sưu tầm từ nước ngoài để so sánh, rút kinh nghiệm...
Theo NLĐ.