Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Tổng Tư lệnh Quân đội duy nhất chỉ huy hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến thắng lợi, người dân Việt Nam suy tôn ông là Vị tướng của nhân dân, ông được gọi bằng sự thân mật Anh Văn, danh từ chung Đại tướng trở thành danh từ riêng dành cho ông. Hướng đến ngày 22/12, chúng ta hãy cùng nhìn lại sự kiện "sinh ra" người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam..
"Bác trao cho chú hàm Đại tướng"
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ. Sau đó, Hội đồng Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức Lễ phong quân hàm cấp tướng vào ngày 27/5/1948. Những ngày cuối tháng 5, trời mưa rất to, các sông, suối nước lớn đổ về không thể qua lại được. Các vị Bộ trưởng chưa đến đủ. Suốt cả ngày 27/5, Hội đồng Chính phủ họp phiên toàn thể, quyết định một số vấn đề quan trọng. Cuộc họp này kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong và tiếp tục họp vào sáng hôm sau. Vì thế, lễ phong quân hàm cấp tướng được chuyển sang ngày 28/5 trong ngôi nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh bên dòng suối ở cánh đồng Nà Lọm, xã Phú Đình (nay là huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
Bên trong hội trường đặt bàn thờ Tổ quốc trang trí giản dị. Cờ đỏ sao vàng nổi bật bên lọ hoa cắm một chùm hoa núi. Xung quanh là hai băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” và “Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (1904-1997) đã ghi lại: Đúng 13h buổi lễ bắt đầu. Hồ Chủ tịch và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Trong không khí trang nghiêm, Hồ Chủ tịch bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản Sắc lệnh, gọi ông Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…”. Đến đây, bỗng Hồ Chủ tịch ngừng lời. Mọi người chờ đợi. Bác im lặng, rồi rút khăn tay lau nước mắt. Những giây phút im lặng thiêng liêng. Lúc sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới cất tiếng: "Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong Tướng cho chú Giáp là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải quyết giành được độc lập, tự do để thỏa lòng những người đã mất". ...
Bản sắc lệnh phong hàm Đại tướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 20/1/1948.
Hồ Chủ tịch giao bản Sắc lệnh cho Võ Nguyên Giáp và nói: "Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho". Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước nhận tờ Sắc lệnh. Lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà nước non trẻ mới thiên đô đã phong 1 đại tướng, 1 trung tướng, 9 thiếu tướng và 18 đại tá hạng nhất. Một phóng viên phương Tây hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì sao một lúc Ngài phong nhiều tướng, tá như vậy? Việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời giản dị: Quân đội chúng tôi là quân đội nhân dân. Đánh thắng đại tá phong đại tá; đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng; thắng trung tướng phong trung tướng; thắng đại tướng phong đại tướng.
Vị tướng của Hòa bình - Quân đội của Hòa bình
37 tuổi Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội và giữ nguyên quân hàm này cho đến ngày vĩnh biệt đồng bào, thanh thản ra đi ở tuổi đại thọ 103. Có một câu hỏi nhiều người đã đặt ra: Tại sao Hồ Chí Minh lại chọn Võ Nguyên Giáp làm người chỉ huy tối cao của quân đội?...
Đội tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên của Việt Nam!
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Gần đến giờ ra mắt, 34 chiến sĩ vẫn chưa biết người chỉ huy của mình là ai. Trong đội quân đó, có người từng học quân sự ở Hoàng Phố (Trung Quốc) về như Hoàng Văn Thái; có người đã lừng danh tiểu phỉ như Hoàng Sâm. Đồng chí Phùng Chí Kiên, người lãnh đạo quân đội đã hy sinh sau khởi nghĩa Bắc Sơn. Người đoán già, người đoán non. Có thể là Lê Thiết Hùng, từng làm đến đại tá trong quân đội Tưởng Giới Thạch? Nhưng rồi tất cả đều ngỡ ngàng khi thấy đi sau lãnh tụ Hồ Chí Minh là chàng bạch diện thư sinh Võ Nguyên Giáp! Sinh thời, Võ Nguyên Giáp vẫn dí dỏm trả lời: Việc này phải hỏi Bác Hồ! Nhân 70 năm thành lập Quân đội, chúng tôi đã tìm đến nhà riêng Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo (Bộ Quốc phòng), trên phố Lê Hồng Phong (Hà Nội). Cuối cùng, mạch chuyện vẫn hướng về Võ Nguyên Giáp. Anh bộ đội Cụ Hồ 95 tuổi minh mẫn nhận định: - Phải thấy rằng qua trận đánh và qua thực tiễn của cách mạng Việt Nam, điều thể hiện quân đội và Võ Nguyên Giáp là tướng và quân của Hòa bình và của Nhân dân. Một sự so sánh nổi bật mà trong bao nhiêu sách báo nêu lên là ông Võ Nguyên Giáp chiến thắng bằng bất kỳ giá nào (Cecil. B.Currey: "Chiến thắng bằng mọi giá" - PV) và ông Võ Nguyên Giáp là vị tướng Hòa bình bằng bất cứ giá nào. Tôi thấy đều không phải. Võ Nguyên Giáp lúc cần đánh rất dữ dội. Lúc không cần đánh, hay đánh đến mức như thế nào là do ý thức muốn đạt đến mục tiêu của ông Võ Nguyên Giáp đề ra để giành hòa bình....