Trái tim vô cảm
Tối qua, trong lúc con tập đàn, đánh đến bài ‘Trái tim vô cảm’, con quay ra hỏi mẹ: Mẹ ơi! “Trái tim vô cảm” nghĩa là gì? Giải thích văn vẻ với con thật khó.
Hoa Cúc Vàng
Mẹ chỉ đơn giản hỏi lại con: “Lúc sáng xem tin tức, thấy miền trung đang bị bão và lũ quét, con nói với mẹ rằng: ‘Mẹ ơi, tội nghiệp các bạn không được đến trường và bị lạnh, phải tránh bão thương quá mẹ ha’. Rồi những khi mẹ con mình đi công viên tập thể dục cùng nhau, nhìn các bạn nhỏ bằng tuổi đang bán vé số hay xin ăn, con cũng nói với mẹ: ‘ Mẹ ơi, sao các bạn ấy khổ vậy hả mẹ, vậy là con vẫn hạnh phúc hơn các bạn ấy nhiều’… rồi những lần con cùng mẹ xếp quần áo cũ để tặng những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, con còn muốn đi cùng mẹ đến những nơi đó… thì như vậy gọi là “trái tim đa cảm” con gái à.
Con hỏi tiếp:
- Vậy vô cảm thì sao hả mẹ?
- Là khi con chỉ nghĩ đến bản thân mình, dửng dưng trước những niềm đau, nỗi buồn của người khác, không chia sẻ và ích kỷ, như vậy con có tâm hồn cằn cỗi và một trái tim vô cảm.
Với con, Mẹ chỉ có thể giải thích đơn giản có vậy…
Mẹ từng đọc được ở đâu đó trên mạng thế này: “Người ta sinh ra ở đời, ai cũng có một trái tim nhưng không phải trái tim nào cũng rung động như nhau. Có trái tim vô cùng nhạy cảm, chỉ một chút rung động nhẹ nhàng cũng xao xuyến cả tâm hồn nhưng cũng có trái tim trơ trơ như gỗ đá trước những buồn vui của người khác. Có phải “trời sinh ra thế” hay con người cần trải lòng với những gì tồn tại xung quanh, tâm hồn mới trở nên nhạy cảm, đáng yêu và có khả năng đem lại niềm hạnh phúc tinh thần cho những ai sống gần mình.
Cristophe André, một nhà tâm lý học người Pháp, mới xuất bản cuốn La force des émotions (Sức mạnh cảm xúc), đang nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất hiện nay ở nước này. Khi phóng viên tạp chí Le Figaro đặt câu hỏi: “Làm thế nào để sống hạnh phúc?”, ông trả lời: “Trước hết phải cảm nhận được nó. Nếu có hạnh phúc mà không ý thức được nó cũng bằng không. Thí dụ một buổi hoàng hôn mùa thu dịu mát, bạn đi dạo đâu đó trên cánh đồng hay trong công viên, bạn nghe tiếng dế kêu, nhìn lên trời, mấy vì sao lấp lánh trên bầu trời gần tối, đó là khung cảnh có thể dẫn đến hạnh phúc. Thế rồi bạn về nhà, thấy con bạn nằm trong chăn ấm thò đầu ra cười tươi: “Con chào bố”, có mấy chú cún nhồi bông quanh chỗ con bạn nằm. Tự nhiên trong lòng bạn thấy dễ chịu êm ái. Đó chính là cảm giác hạnh phúc”.
Theo André, “con người là một ‘con vật xã hội’ có trái tim nhạy cảm với đồng loại, với những khung cảnh, tình huống hạnh phúc. Trái tim ai càng nhạy cảm bao nhiêu càng có cơ may được hưởng hạnh phúc bấy nhiêu”. Thật bất hạnh nếu ai đó sinh ra cũng có một trái tim nhưng lại là trái tim vô cảm. Vậy khả năng nhạy cảm của trái tim có phải là khả năng bẩm sinh, di truyền hay người ta có thể tự tạo ra nó?
Rất dễ nhận thấy khi còn nhỏ, nói chung tâm hồn chúng ta đều nhạy cảm. Trẻ thơ dễ xúc động trước những niềm vui nỗi buồn dù rất nhỏ. Nhiều em xuýt xoa thậm trí oà khóc khi con mèo bị đau hoặc vui sướng đến nhảy cẫng lên khi được ai tặng mấy cái kẹo. Nhưng rồi cùng với thời gian và sự trải nghiệm cuộc đời, có những trái tim trở nên chai sạn. Điều này một phần do ảnh hưởng của hoàn cảnh sống. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc lúc nhỏ, ta có được những người xung quanh dạy biết sướng vui, buồn khổ, chia sẻ tâm tư với mọi người không? Nếu không, ta sẽ trở nên vô cảm trước những diễn biến xung quanh, lạnh lùng và băng giá như một cánh cổng luôn khép chặt trước mọi người. Và đó là điều bất hạnh trước hết cho chính ta và sau nữa là cho ai phải ở bên ta suốt đời.
Người có trái tim nhạy cảm luôn hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người khác. Nhất là trong cuộc sống gia đình, mọi thành viên đều không vô cảm trước trạng thái tâm hồn của nhau. Người xưa nói: “Một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ”. Đến loài vật còn thế, huống chi là con người. Thế nhưng trong thực tế, không phải bao giờ vợ chồng cũng chia sẻ được với nhau. Hiện nay ở Pháp có dịch vụ chia sẻ tâm sự. Bạn chỉ cần nhấn số điện thoại của một công ty có tên là “người bạn tâm tình”, bạn sẽ được gặp một người có thế hiểu được nỗi đau của bạn. Những người sử dụng dịch vụ tâm lý này không phải chỉ toàn những người độc thân mà không ít người có gia đình, vợ chồng con cái đầy đủ nhưng chỉ vì người này vô cảm trước niềm vui của người kia nên đành phải chia sẻ với người ngoài.
Các công trình nghiên cứu tâm lý gần đây đều cho thấy nhu cầu chia sẻ tâm tình của phụ nữ cao hơn đàn ông. Tất cả những người vợ trên thế gian này đều thích được chồng quan tâm đến mình. Nếu người vợ có tâm sự buồn phiền hay một niềm vui nào đó, họ rất muốn chia sẻ với người khác, trước nhất là với chồng. Nếu người chồng lại có trái tim vô cảm, không nhận thấy trái tim xao động trong tâm hồn người vợ thì đó là niềm bất hạnh lớn mà tiền bạc, của cải không thể thay thế được. Nói một việc đơn giản như vợ may được bộ quần áo mới hoặc làm kiểu đầu mới mà người chồng có thế vô tình không nhận ra những thay đổi đó, không một lời bình luận khen chê, thì bao nhiêu công sức của vợ còn nghĩa lý gì? Trong khi chị ta đến cơ quan, từ thủ trưởng đến nhân viên, ai vừa gặp cũng thấy điều mới mẻ đó và trầm trồ khen ngợi, thử hỏi có người vợ nào không cảm thấy buồn khi sống bên người chồng vô cảm như thế?
Người đàn ông nào từng yêu dù chỉ một lần chắc chắn nhận thấy tình cảm của người phụ nữ họ yêu không bao giờ phẳng lặng như mặt nước ao hồ mà thường xuyên lên xuống như ngọn sóng. Nếu dùng đồ thị để thể hiện thì sẽ là đường biểu diễn có hình “sin”. Đa số đàn ông cho điều này là lạ, có người tưởng rằng mình đã yêu phải một người kỳ quặc nhưng thật ra hầu hết nếu không muốn nói là tất cả phụ nữ đều như thế!
Nhà nghiên cứu tâm lý giới John Gray nhận thấy, khi tình yêu của phụ nữ đi lên, họ sẵn sàng hiến dâng và tiếp nhận mọi thứ nhưng lúc đến đỉnh rồi, giống như con sóng, nó đổ ụp xuống rất nhanh, nó diễn ra theo một chu kỳ tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn của họ. Jonh Gray còn khẳng định chu kỳ này thường giao động trong khoảng từ 21 đến 35 ngày. Có những ông chồng phát điên lên: “Anh đã làm gì sai? Tại sao em lại như thế?”. Nhưng có gì “vô duyên” hơn câu hỏi ấy bởi vì không bao giờ có câu trả lời, ngoài sự im lặng hay những giọt nước mắt và tiếng thở dài thất vọng.
Có những người chồng khi thấy vợ lộ vẻ đau buồn đã không chia sẻ lại còn gay gắt: “Nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, con cái khoẻ mạnh, còn muốn gì?”. Có lẽ với nhiều đàn ông, tiền là giải pháp của mọi vấn đề. Khi họ còn nghèo, người vợ buồn phiền họ thông cảm được, bởi nỗi khổ khi thiếu thốn về vật chất ai cũng nhìn thấy. Nhưng bây giờ họ giàu lên, nhà ba bốn tầng ôtô, tivi, tủ lạnh, điều hoà, cái gì cũng có mà người vợ mặt ủ mày ê là điều không thể chấp nhận. Họ không biết rằng khi nhu cầu vật chất của người phụ nữ được thoả mãn, họ sẽ nhận thức một cách rõ hơn về nhu cầu tình cảm của mình. Người chồng nào nghĩ rằng phụ nữ giàu có thì lúc nào cũng vui sướng và mãn nguyện là hoàn toàn sai. Quan niệm này không những phi thực tế mà còn thiếu tôn trọng người phụ nữ. Bất kể giàu nghèo, địa vị xã hội hay hoàn cảnh thế nào, người phụ nữ vẫn có quyền được cảm thấy đau khổ, thất vọng và lúc đó họ rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của chồng.
Các nghiên cứu về đời sống vợ chồng gần đây còn cho thấy, nếu lúc cảm thấy đau khổ mà phụ nữ không được nâng đỡ, chia sẻ thì sẽ không bao giờ họ cảm thấy thực sự hạnh phúc. Bởi muốn cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao, phụ nữ phải có lúc chìm sâu xuống đáy giếng tâm hồn, để giải thoát, hàn gắn, làm trong sạch tình cảm của mình. Giống như để cảm thấy một bữa ăn ngon, người ta cần phải đói.
Khi tình cảm của người phụ nữ dâng lên, họ bằng lòng với thực tại nhưng khi đợt sóng tình cảm bắt đầu rút xuống mới là lúc họ ý thức được mình còn thiếu những gì. Giống như cái cốc chỉ có nước đến một nửa, khi tình cảm đang dâng lên người ta nhìn vào nửa có nước và hài lòng với sự đấy đủ của mình, còn khi xuống dốc, người ta nhìn vào nửa không có nước và chỉ thấy tất cả là trống rỗng. Vợ chồng chỉ có được hạnh phúc khi cả hai đã đồng cảm với nhau, khi vui cùng vui, khi buồn cùng chia sẻ và sẽ là bất hạnh nếu một trong hai người có trái tim vô cảm với người kia.
Theo:ngoisao.net