VN lọt vào Top 70 nước mạnh về CNTT: Không phải là viển vông

  • Thread starter Thread starter ButBi
  • Ngày gửi Ngày gửi

ButBi

New member
Xu
0
Việc đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT là một niềm tin hoàn toàn có thật, tôi có thể nói là chúng ta sẽ thành công.

865971663_ImageView.jpeg

Ảnh: Vietnamnet​

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp trong cuộc đối thoại trực tiếp trên kênh truyền hình VTC2 diễn ra sáng ngày 16/8. Trong cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã trả lời gần 30 câu hỏi về những vấn đề người dân quan tâm, trong đó có nhiều câu hỏi xoay quanh dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về viễn thông và công nghiệp CNTT”.

Hiện tại, Đề án này đã được lãnh đạo Bộ TT&TT thông qua và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, bốn trụ cột chính của một nền CNTT-TT mạnh được Bộ TT&TT xác định bao gồm: Hạ tầng CNTT-TT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nhân lực CNTT-TT.

Theo dự thảo đề án, đến giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ phải là một trong 70 nước phát triển CNTT và viễn thông hàng đầu thế giới. Việt Nam sẽ hình thành một số doanh nghiệp viễn thông và CNTT có quy mô quốc tế, đạt doanh thu trên 15 tỷ USD. Bên cạnh đó, mọi gia đình, công dân Việt Nam đều sẽ sử dụng thiết bị thông tin và kết nối băng thông rộng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sử dụng các dịch vụ công của chính phủ điện tử sâu rộng tới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Nhiều tiềm năng


Theo Bộ trưởng, công nghiệp CNTT Việt Nam hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển. Cụ thể: công nghiệp phần cứng - điện tử mới ở giai đoạn 1 là giai đoạn lắp ráp các thiết bị phần cứng, điện tử cho các công ty nước ngoài. Công nghiệp phần mềm cũng chỉ mới đang chủ yếu làm gia công cho thị trường trong nước và quốc tế với tổng doanh thu còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng điểm đáng khích lệ và cũng là điều khả quan của công nghiệp CNTT Việt Nam, đó là việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong suốt 5-7 năm vừa qua, khoảng 20-30%/năm. Đặc biệt, một số đánh giá quốc tế công bố gần đây cho thấy: Chỉ số Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 15 bậc sau 3 năm; Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng của Việt Nam (Networked Readiness Index – NRI) tăng hơn 10 bậc so với xếp hạng 2006-2007, đứng vị trí 73/ 127; Chỉ số phát triển hạ tầng viễn thông tăng 20 bậc so với năm 2005, đứng thứ 101. Ngoài ra, Việt Nam cũng có những lợi thế khác như dân số trẻ, ham học hỏi.

Hiện tại Việt Nam đứng thứ hạng 92 trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Cách đây 5 năm, Việt Nam đứng thứ 107. Như vậy, sau 5 năm, Việt Nam tăng được 15 bậc trong bảng xếp hạng. Mục tiêu đề án tăng tốc là đến 2015 (sau 6 năm nữa), Việt Nam sẽ đứng khoảng thứ 70, tức là tăng được 18 bậc. Và đến năm 2020, Việt Nam đứng khoảng thứ 60.

Nếu chia các quốc gia trên thế giới (khoảng gần 200 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc) thành 3 nhóm về CNTT: nhóm khá, nhóm trung bình và nhóm yếu, mỗi nhóm khoảng 60-70 quốc gia, thì nếu Việt Nam đứng thứ hạng 70, có thể nói Việt Nam thuộc nhóm khá về CNTT.

“Sau khi nghiên cứu hiện trạng, xu hướng phát triển của viễn thông và CNTT trong 15 năm qua, chúng tôi nhận thấy giai đoạn 10 năm sắp tới (2010-2020) là giai đoạn quan trọng để viễn thông và CNTT có thể biến những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất, đưa viễn thông và CNTT lên một tầm cao mới, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển của đất nước”, Bộ trưởng nói.

Thực tế, không phải là phiêu lưu


Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ trưởng cho biết đề án sẽ đưa ra các nhóm giải pháp về xã hội hóa, về đầu tư, về thể chế mở đường và về chính sách. Trong đó, đề án xác định 3 điểm đột phá chính gồm: 1) Hạ tầng CNTT-TT: dựa vào chính sách mới trong Luật Viễn thông. 2) Các phương tiện nghe nhìn đến người dân, hộ gia đình: dựa trên phát triển thực tiễn trong những năm gần đây và kết quả thức hiện chính sách Viễn thông Công ích Việt Nam. 3) Một số doanh nghiệp phát triển tốt và có khát vọng phát triển ra nước ngoài.

Trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông và CNTT, đề án sẽ đưa ra giải pháp hình thành các quỹ kích cầu cho công nghiệp CNTT, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm, tìm kiếm thị trường, mở rộng và quảng bá sản phẩm, ưu đãi thuế và mặt bằng kinh doanh. Mặt khác, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm ưu đãi tối đa các doanh nghiệp công nghiệp CNTT. Cùng với đó, đề án sẽ tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

“Căn cứ vào thực tiễn phát triển của viễn thông và CNTT Việt Nam trong 5 năm gần đây, tôi có thể nói chúng ta sẽ thành công với đề án này. Đây hoàn toàn là niềm tin có thật, cộng với quyết tâm thực hiện không chỉ từ lợi thế nguồn nhân lực mà còn nhờ sức mạnh văn hóa, ý thức dân tộc”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp mà đề án đưa ra, yếu tố quyết định để đạt mục tiêu trên, theo Bộ trưởng, là sự quyết tâm cao độ của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, Bộ TT&TT, các Sở TT&TT… và sự quyết tâm, nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp viễn thông và CNTT.

(Nguồn: ICTNews)​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top