Việc xây dựng Đề cương và ý đồ phát triển phép biện chứng duy vật của Lênin

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Để góp phần làm rõ những cống hiến của Lênin trong sự phát triển sáng tạo phép biện chứng duy vật, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập hai vấn đề:

1) Về ý đồ dự định viết tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng duy vật của Lênin,

2) Bốn Đề cương xây dựng phép biện chứng duy vật và quá trình bổ sung, hoàn thiện và phát triển phép biện chứng duy vật của Lênin.

Lênin cho rằng phép biện chứng là linh hồn của chủ nghĩa Mác, là kim chỉ nam cho hành động. Người công khai bảo vệ và phát triển phép biện chứng duy vật, coi đó là "thứ vũ khí sắc bén nhất, lợi hại nhất" để giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn. Lênin đã chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế căn bản của phép biện chứng duy tâm khách quan của Hêgen, đưa ra những tư tưởng mới để phát triển phép biện chứng duy vật, phê phán quan điểm triết học của Lépnít, Latxan, Hêraclít và siêu hình học của Arixtốt... Người đã xây dựng được bốn đề cương về phép biện chứng duy vật. Tuy nhiên, việc khẳng định Lênin có ý đinh viết tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng không thì cho đến nay vẫn đang còn là vấn đề tranh luận. Theo chúng tôi, về vấn đề này có hai quan điểm nổi bật là:

Quan điểm thứ nhất cho rằng Lênin không có ý định viết một tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng. Ông thu thập tài liệu, nghiên cứu, viết tóm tắt và xây dựng đề cương phép biện chứng nhằm đưa cái “linh hồn của chủ nghĩa Mác" vào lý luận và hoạt động thực tiễn cách mạng. Nhiệm vụ này đã được Lênin hoàn thành vào năm 1916. Từ đây phép biện chứng trở thành "kim chỉ nam cho mọi hành động". Như vậy, rõ ràng là Lênin không có ý đồ viết một tác phẩm riêng về phép biện chứng, ông chỉ nghiên cứu và tiếp nhận nó như là một phương pháp khoa học đối với công việc nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn của mình.

Quan điểm thứ hai cho rằng căn cứ vào kết quả nghiên cứu về phép biện chứng của Lênin có thể khẳng định Lênin đã có ý đồ và chuẩn bị viết một tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng để bổ sung và hoàn thiện phép biện chứng duy vật, làm cho nó thực sự là “kim chỉ nam" cho cán bộ của Đảng, cho giai cấp vô sản, đặc biệt là để chuẩn bị về mặt lý luận cho giai cấp vô sản Nga. Đó là một công việc mà theo Lênin, có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết để giai cấp vô sản Nga tiến hành đấu tranh chống kẻ thù giành thắng lợi cho cách mạng.​
Căn cứ vào các tài liệu thu thập, các tóm tắt tác phẩm triết học, đề cương được xây dựng từ hàng loạt vấn đề cơ bản mà Lênin thâu tóm trong quá trình nghiên cứu phép biện chứng, chúng ta có thể xác định Lênin đã có ý định viết một tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng, nhưng dự định đó của ông không thực hiện được do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau. Nhưng Lênin đã để lại cho nhân loại một công trình khoa học tầm cỡ về triết học, đó là tác phẩm "Bút ký triết học" - sự kế tục xuất sắc những tư tưởng của "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán". Tác phẩm đó đã làm giàu và mà sâu sắc hơn phép biện chứng duy vật.

Những dự định của Lênin viết một tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng đã trình bày trong bốn đề cương về phép biện chứng . Điều đó chứng tỏ quan niệm mới về phép biện chứng của Lênin đã chín muồi. Nếu không cỏ dự định đó thì việc thu thập, tóm tắt các tài liệu để viết các đề cương phép biện chứng là việc làm hoàn toàn trái với logic xét trên phương diện hoạt động lý luận - thực tiễn của Lênin. Vậy nguyên nhân nào đã làm cho Lênin không thực hiện được ý định của mình? Nhiều ý kiến cho rằng, cũng như Mác, Lênin không có đủ thời gian, mặc dù tư liệu đã chuẩn bị khá công phu và phong phú. Tuy nhiên, cần thấy rằng, sự chuẩn bị về những điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi là một nguyên nhân không thể phủ nhận. Lênin cho rằng phải trình bày phép biện chứng với tư cách là những kết luận khoa học, từ sự phát triển của khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật và những khái quát kinh nghiệm lịch sử. Phép biện chứng phải diễn đạt sự vận động, phát triển của bản thân lịch sử và sự phát triển của khoa học. Muốn vậy, không chỉ căn cứ vào những kết luận triết học rút ra từ sự khái quát khoa học tự nhiên hiện đại, điều mà Lênin đã làm được trong tác phẩm "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán", mà còn phải đưa vào những tổng kết, khái quát mới được rút ra từ sự phát triển khoa học, kỹ thuật công nghiệp hiện đại. Để hoàn thành công việc lớn lao đó, cần có sự tích luỹ trí thức và phải có thời gian. Về công việc đó, Lênin thừa nhận rằng ông chỉ mới tiếp cận được những tài liệu mà thôi. Giữa lúc đó, hàng loạt vấn đề nóng bỏng đặt ra, Lênin đã chắt lọc từ phép biện chứng của Hêgen, cái tạo nên cốt lõi của toàn bộ phép biện chứng. Từ kết quả trên, Lênin tiếp tục nghiên cứu và phát triển hàng loạt vấn đề mới, bổ sung và hoàn thiện phép biện chứng duy vật.

Từ vấn đề cơ bản thứ nhất, Lênin phát triển và xây dựng thành 3 yếu tố đầu tiên (trong 16 yếu tố của phép biện chứng):

1) Tính khách quan của sự xem xét (không phải thí dụ, không phải dài dòng, mà bản thân sự vật tự nó).​
2) Tổng hoà những quan hệ muôn vẻ của sự vật ấy với những sự vật ấy với những sự vật khác.​
3) Sự phát triển của sự vật ấy (cũng như của hiện tượng), sự vận động của chính nó, đời sống của chính nó”.​
Từ vấn đề cơ bản thứ hai, Lênin đã khái quát và đưa ra 3 yếu tố tiếp theo của phép biện chứng, đó là:​
"4) Những khuynh hướng (những mặt) mâu thuẫn bên trong của sự vật ấy.​
5) Sự vật (hiện tượng…) coi là tổng số và sự thống nhất của các mặt đối lập.​
6) Sự đấu tranh... sư triển khai của các mặt đối lập ấy, của những khuynh hướng mâu thuẫn...​
Vấn đề cơ bản thứ ba, Lênin phát triển và cụ thể hoá thành yếu tố tứ 7 của phép biện chứng: "Sự kết hợp phân tích và tổng hợp, sự phân tích và tổng hợp, sự phân tích những bộ phận riêng biệt và tổng hòa, tổng của những bộ phận ấy”.

Sau khi đề cập đến 7 yếu tố của phép biện chứng được rút ra từ việc phê phán phép biện chứng duy tâm Hêgen, Lênin cho rằng từ yếu tố thứ 5 có thể khái quát định nghĩa của phép biện chứng như sau: "Phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có sự giải thích và một sự phát triển thêm". Như vậy, định nghĩa phép biện chứng và 7 yếu tố đầu tiên của phép biện chứng được Lênin rút ra trực tiếp từ việc nghiên cứu, tóm tắt tác phẩm "Khoa học logic" của Hêgen. Những yếu tố tiếp theo được Lênin sáng tạo nên qua nghiên cứu, tóm tắt các tác phẩm của Hêgen và các tác phẩm của các nhà triết học khác. Chẳng hạn, trên cơ sở yếu tố thứ 2 của phép biện chứng, Lênin xây dựng nên yếu tố thứ 8 của phép biện chứng: "Những quan hệ của mỗi sự vật, hiện tượng... không những là muôn vẻ, mà còn là phổ biến, toàn diện. Mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình… đều liên hệ với mỗi sự vật khác”. Xuất phát từ yếu tố thứ 5 của phép biện chứng, Lênin khái quát thành yếu tố thứ 9 của phép biện chứng: "không phải chỉ là sự thống nhất của các mặt đối lập, mà còn là những chuyển hóa của mỗi quy định, chất, đặc trưng, mặt thuộc tính sang mỗi cái khác (sang cái độc lập của nó). Căn cứ vào đối tượng nghiên cứu phép biện chứng của Hêgen, Lênin khái quát và đưa ra yếu tố thứ 10 của phép biện chứng: “Quá trình vô hạn của việc tìm ra những mặt mới, những quan hệ mới... ". Và yếu tố thứ 11 là: “nhận thức đi từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn".

Có thể nói, 11 yếu tố đầu tiên của phép biện chứng được Lênin trực tiếp và gián tiếp xây dựng nên từ sự kế thừa phép biện chứng duy tâm Hêgen. Những yếu tố còn lại của phép biện chứng (12,13,14,15, l6) là kết quả nghiên cứu độc lập sáng tạo của Lênin. Những yếu tố này được Lênin sử dụng và phát triển, mở rộng trong các đề cương tiếp theo của ông.

Như vậy, 16 yếu tố của phép biện chứng được Lênin đưa ra trong đề cương thứ nhất là nhằm phác thảo phép biện chứng duy vật, trình bày dự định xây dựng một cấu trúc của phép biện chứng. Cấu trúc này có thể khái quát lại thành 8 phần chính như sau:

1. Bản thân sự vật là một khách thể của nhận thức - tính khách quan khi xem xét sự vật (yếu tố 1-3).​
2. Nội dung của phép biện chứng: hạt nhân và quy luật cơ bán của nó (yếu tố 4-6, 13-16).​
3. Bản chất của quá trình nhận thức - các phương pháp nghiên cứu, nhận thức không bao giờ có giới hạn (yếu tố 7, 10-12).

Đề cương thứ hai của phép biện chứng duy vật được Lênin xây đựng sau khi nghiên cứu, viết tóm tắt tác phẩm "Những bài giảng về lịch sử triết học" của Hêgen, với tiền đề: “Đề cương phép biện chứng (logic) của Hêgen". Khác với đề cương thứ nhất, ở đề cương thứ hai này, Lênin trình bày các vấn đề theo một trình tự nhất định. Mở đầu đề cương, Lênin trình bày khái quát sự vận động và phát triển phổ biến của khoa học và nhận thức của loài người, xoay quanh một cái trục: sự thống nhất biện chứng giữa cái logicvà cái lịch sử, mỗi giai đoạn lịch sử với những tri thức mà con người đạt được đặt những nấc thang nhất định trong tiến trình vận động hướng đến nhận thức chân lý khách quan. Có thể nói "Đề cương phép biện chứng (logic) của Hêgen" được thai nghén từ khi Lênin nghiên cứu "Tiểu lôgic" của Hêgen. Nó xuất hiện khi ông tóm tắt, nhận xét học thuyết về tồn tại, học thuyết về bản chất, học thuyết về khái niệm trong tác phẩm "Tiểu lôgic" và kết thúc bằng việc nghiên cứu phép biện chứng trong tác phẩm "Tư bản" của C.Mác. Như vậy, xuất phát từ việc nghiên cứu phép biện chứng duy tâm của Hêgen, chỉ ra những "hạt nhân hợp lý" của nó, gạn lọc, bỏ đi 9/10 "cặn bã", tiếp thu và kế thừa những tính chất, rồi đày công nghiên cứu phép biện chứng duy vật trong “tư bản" của Mác, Lênin đã làm rõ bản chất khoa học - cách mạng của phép biện chứng duy vật. Theo Lênin, đi từ "Tiểu logic" đến “Tư bản", Mác áp dụng logic, phép biện chứng và lý luận nhận thức (không cần ba từ đó là cùng một cái duy nhất) của chủ nghĩa duy vật vào một khoa học duy nhất".

Như vậy, đề cương thứ hai về phép biện chứng của Lênin đã trình bày những vấn đề cơ bản của phép biện chứng, vạch ra sự thống nhất giữa cái logicvà cái lịch sử trong quá trình vận động, phát triển của khoa học và nhận thức của loài người nói chung, trong đó phản ánh xã hội tư bản nói riêng với những mâu thuẫn nội tại, sự xung đột và phát triển mâu thuẫn đó tất yếu dẫn đến sự diệt vong của chế độ tư bản và ra đời một xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những nội dung trình bày trong đề cương thứ hai có thể khái quát thành 8 vấn đề sau:​
1. Sự thống nhất giữa cái logic và cái lịch sử - tiến trình chung của sự vận động, phát triển lịch sử, khoa học và nhận thức.

2. Hệ thống các phạm trù của phép biện chứng, các trình độ, các nấc thang của nhận thức, vai trò của thực tiễn trong việc kiểm tra chân lý.​
3. Phép biện chứng của bộ "Tư bản": sự thống nhất của cái logic và cái lịch sử, phương pháp di từ trừu tượng đến cụ thể.

Đề cương thứ ba được Lêin xây dựng sau khi tóm tắt tác phẩm "Triết học của Hêraclit ở Ephet" của Latxan với tiêu đề: "Tri thức - vai trò của nó đối với phép biện chứng và lý luận nhận thức". Trong đề cương này, Lênin dự định giải quyết 3 vấn đề lớn: 1) vấn đề lịch sử của nhận thức, lịch sử của triết học và khoa học cụ thể, 2) sự phù hợp giữa lịch sử và triết học - triết học Hy Lạp, sự ra đời và phát triển của nó, 3) cơ sở vật chất của tư duy, lịch sử ngôn ngữ, tâm lý, thần kinh cao cấp. Khác với hai đề cương đầu, ở đề cương thứ 3 này, Lênin tập trung nghiên cứu nguồn gốc và lịch sử các học thuyết, tư tưởng, khám phá những giá trĩ của đời sống tinh thần, lý giải những cơ sở vật chất quy định sự vận động, biến đổi của các học thuyết, nguyên nhân thay đổi các hệ tư tưởng và mối quan hệ giữa tồn tại xã hội (lịch sử) với các hệ thống lý luận (triết học)…

Đề cương thứ tư được Lênin xây dựng khi đọc và tóm tắt tác phẩm "Siêu hình học" của Arixtốt, với tiêu đề: "Những vấn đề của phép biện chứng". Trong đề cương này, ý định viết một tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng ở Lênin được thể hiện rất rõ nét. Kế thừa và phát triển những tư tưởng biện chứng đã phác thảo ở hai đề cương trước, đề cương thứ tư trình bày phép biện chứng duy vật trên 3 vấn đề:

1. Phép biện chứng là sự phát triển của nó, các mặt đối lập và mâu thuẫn - hạt nhân của phép biện chứng.​
2. phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể trong bộ “Tư bản” - những vấn đề cơ bản của phép biện chứng.​
3. Nhận thức và phát triển theo hình xoáy ốc nguồn gốc nhận thức của chủ nghĩa duy tâm.

Trong đề cương này, Lênin hướng đến xây dựng cấu trúc phép biện chứng. Đây là một trong những phương án chuẩn bị viết tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng. Lênin đã hệ thống hoá các vấn đề cơ bản của phép biện chứng, vạch rõ mối quan hệ (và chuyển hoá) giữa các yếu tố của phép biện chứng và vấn đề quan trọng nhất là đã vạch ró mâu thuẫn chính là nguồn gốc, là động lực của mọi sự vận động, phát triển, mâu thuẫn còn tồn tại thì sự vật còn vận động, mâu thuẫn chấm dứt thì sự vật kết thúc.

Như vậy, chúng ta đã khảo sát bốn đề cương xây dựng phép biện chứng duy vật của Lênin. Tuy các đề cương được viết vào những thời điểm khác nhau, nhưng giữa chúng có mối liên hệ mật thiết và thống nhất của một tư tưởng khoa học - cách mạng. Các đề cương và phép biện chứng duy vật không những có giá trị phục vụ trực tiếp việc nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn cách mạng lúc đó, mà còn thể hiện rõ những dự định của Lênin chuẩn bị viết một tác phẩm chuyên đề về phép biện chứng khi có điều kiện. Tuy nhiên, với bốn đề cương dự thảo trình bày phép biện chứng, Lênin đã cống hiến cho lý luận về phép biện chứng duy vật nhiều tư tưởng quý báu, bổ sung, hoàn thiện và phát triển nhiều luận điểm mới, làm giàu thêm, sâu sắc thêm, gắn phép biện chứng duy vật với thực tiễn cải tạo xã hội và nâng nó lên một trình độ cao hơn.

Tóm lại, phép biện chứng đã cuốn hút sự say sưa nghiên cứu của Lênin và kết quả nghiên cứu đã được kịp thời vận dụng và thực tiễn. Chưa bao giờ Lênin coi nhận thức của mình là hoàn thiện và cuối cùng. Ngay cả khi tình thế cách mạng diễn ra gay go, quyết liệt nhất, dù sức khoẻ yếu, nhưng Lênin vẫn đọc tác phẩm "Khoa học logic" của Hêgen, với hy vọng khám phá những cái mới, tìm được bí quyết để giải quyết công việc cách mạng đang diễn ra. Lênin coi việc phát triển phép biện chứng duy vật là công việc đòi hỏi phải tập trung trí tuệ của nhiều người mácxít, của Đảng cộng sản. Người nhiều lần nhắc nhở, khuyên nhủ các cán bộ của Đảng phải không ngừng nghiên cứu, học tập phép biện chứng duy vật (kể cả phép biện chứng của Hêgen), coi đó là nhiệm vụ của người cách mạng, là chìa khoá của nhận thức.

Ngày nay, học tập Lênin, nhiệm vụ của các thế hệ những người mácxít là phải tiếp tục bảo vệ, bổ sung và phát triển sáng tạo toàn bộ chủ nghĩa Mác-Lênin, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc đang diễn ra gay go quyết liệt và giải đáp trên lập trường cách mạng và khoa học những vấn đề mới của thời đại hiện nay.

Nguyễn Bá Dương
Tạp chí Triết học
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top