Vì sao sách quý bị bán làm giấy loại?
Cả ngàn cuốn sách văn học, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Nga, là xuất bản phẩm từ đầu thế kỷ đến nay, đã bị đem bán cân cho người mua ve chai với giá 800đ/kg. Đó là chuyện có thật, xảy ra vào giờ làm việc buổi sáng ngày 14/1/1995 tại 65 Nguyễn Du Hà Nội, trụ sở (cũ) của Hội Nhà văn Việt Nam. Người được giao thực hiện việc bán là nhân viên thư viện Hội.
Tôi là một trong số những người được thấy tận mắt, và tiếc thay, thấy quá muộn. Khoảng hơn 10 giờ sáng, tôi từ phòng làm việc ở gác hai đi xuống tầng trệt, chỗ phòng hành chính Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thì thấy bạn tôi, Vương Trí Nhàn, trời rét mà bỏ áo khoác ngoài, tay chân quần áo bụi bặm, đang loay hoay với mấy cuốn sách cũ vừa mang ở đâu về, nét mặt cau có. Tôi hỏi sách ở đâu ra, anh bảo: ở ngoài kia, bên thư viện Hội đang bán cân sách cũ. Tôi vội chạy ra phòng mà trước kia là phòng khách của Hội, trông thẳng ra cổng. Hai người đàn bà mua giấy cũ đang chuyển từng bao tải ra các xe xích-lô. Tôi vội vào xin cô nhân viên cho xem sách, nhân thể nếu được thì xin giữ lại vài cuốn làm tài liệu. Chỉ kịp tháo dây xem qua vài ba bó, tôi đã thấy tiếc ngẩn người vì trước mắt tôi những cuốn sách bị bán đổ bán tháo này không phải đều bị mối xông hay rách nát. Những cuốn bị rách nát, rách vừa hay mối xông cũng có, nhưng chỉ là phần ít. Chỉ có điều tất cả đều là sách cũ, bụi bám đầy. Khá nhiều cuốn đóng bìa cứng.
Các sách báo bị bán đều là sách báo văn học, điều này dễ hiểu, vì đây là thư viện Hội Nhà văn. Sơ bộ phân loại trong khi lục xem, tôi thấy các sách báo bị bán gồm trong các loại sau:
1/ Sách và tạp chí tiếng Nga: loại này không rách, không quá cũ, còn dùng tốt, trừ những cuốn bị mối xông. Hội Nhà văn Liên Xô trước đây tặng Hội nhà văn Việt Nam khá nhiều, và số người dùng được tiếng Nga ở gần Hội thì hơi ít.
2/ Sách văn học Pháp, gồm rất nhiều tác phẩm cổ điển của Balzac, V. Hugo, A. Camus, L. Aragon và nhiều tác gia lớn khác. Tác phẩm có, sách nghiên cứu có, đủ loại. Ít cuốn bị mối xông hay rách. Chỉ cũ thôi. Tôi thấy cuốn Dịch hạch của Camus, bản in khá cũ, khoảng những năm 1960, thấy Những khu phố giàu của L. Aragon, sách còn nguyên vẹn, có thể coi là mới…
3/ Sách văn học Việt Nam: chiếm phần lớn nhất. Trong đó nhiều nhất là các cuốn viết và in ở miền Bắc từ 1954 đến 1980, của các cây đại thụ ngay trong Hội. Xin khẳng định: sách bị mối xông hay rách nát chỉ độ một phần tư hay một phần ba, còn lại phần lớn đều lành lặn. Ngay sáng 14/1 ấy, tôi đã gọi anh Nguyễn Kiên đang làm việc ở tầng trên xuống xem đống sách đem bán cân và bảo anh, nửa đùa nửa thật: Tôi vừa gặp lại lần lượt đủ mặt các cuốn sách của Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên trong đống sách này, khá đủ để làm toàn tập cho hai vị mà không phải đi tìm, đi tra, đi chụp ở đâu khác, nếu đống sách được giữ lại!
Phần sách văn học in ở miền Nam trước 1975 cũng không ít. Một loạt cuốn “chưởng” lẻ bộ, phần lớn rách nát, vì tôi biết trong cơ quan Hội có nhiều người từng “nghiền” để giải trí. Nhưng nhiều cuốn khác không mối xông, không rách, chỉ cũ thôi. Có những cuốn, hình như đã bị liệt vào loại chống cộng, để lại cho người nghiên cứu dùng vẫn được, sao lại để lọt ra ngoài bằng con đường ve chai? Lại có nhiều cuốn bình thường, thậm chí là bản in lần đầu, của những Võ Hồng, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Hạnh v.v… và v.v…. sao không giữ lại?
Nhưng phần quý nhất, theo tôi, là sách trước 1945 và trước 1954. Lẽ ra loại này phải được giữ lại bất kể lành rách, bị mối hay không, do tính chất hiếm của nó. Tôi chỉ kịp ghi nhớ một số cuốn bị đem bán cân ấy.
− Cẩm hương đình, Ngô Tất Tố dịch thuật, Nghiêm Hàm ấn quán, Tả Đà thư Cục, Hà Nội, 1923 (đóng bìa cứng, còn tốt).
− Lều chõng của Ngô Tất Tố, Mai Lĩnh, Hà Nội, 1941 (cuốn thứ 210 trong số 273 cuốn giấy dó: toàn đợt đầu in 3.000 cuốn).
− Vàng và máu của Thế Lữ, Đời nay, 1942.
− Chiếc cáng xanh của Lưu Trọng Lư, Tân Dân, 1941.
− Nằm vạ của Bùi Hiển, Đời nay, 1943 (riêng cuốn này bị rách, mất bìa).
− Quê hương (tưc Thiếu quê hương) của Nguyễn Tuân, có bút tích Nguyễn Tuân đề tặng Bùi Huy Phồn, sách in lần đầu 1943.
− Thanh Đức của Khái Hưng, Đời nay, 1943.
− Vài quan điểm văn học nghệ thuật của Jdanov, Xuân Trường dịch, Văn nghệ, 1951,
− Du kích Tam Tỉnh của Hoàng Công Khanh, Minh Đức, 1951.
− Văn nghệ lãng mạn Việt Nam của Phan Xuân Hoàng, Liên đoàn Văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ xuất bản, 1948 (có bút tích “Kính tặng Hội Văn nghệ Việt Nam” của tác giả đề ngày 9/8/1949; sách in giấy bồi, bìa cứng, còn lành) v.v…
Buổi trưa hôm ấy, khi những chiếc xích-lô đã mang cả đống sách báo đi, tôi và Vương Trí Nhàn vẫn ngẩn ngơ tức tối, như người bị mất của, cháy nhà. Chúng tôi toan đạp xe đuổi theo xem đống sách bị đưa về đâu, nhưng rồi lại thôi, đành bất lực trước sự việc đã rồi.
Chứng kiến cuộc biến sách văn học thành giấy thải loại này, trong tôi nảy ra hàng loạt thắc mắc không sao giải đáp được:
1/ Có tiến hành kiểm kê từng cuốn trước khi quyết định cho bán đi hay không? ai làm và làm thế nào mà lại cho bán tống bán tháo hàng trăm bản sách hiếm quý, hàng ngàn cuốn sách và tài liệu văn học mà tình trạng ấn bản nói chung là còn dùng được, dùng tốt như thế? Vấn đề tài sản của một thư viện cơ quan là việc nhỏ, vấn đề trách nhiệm bảo quản các di sản, chứng tích văn hóa ngôn từ, văn hóa “phi vật thể” − như đề tài một hội thảo quốc gia gần đây − mới là việc lớn.
2/ Nếu thư viện của Hội không đủ sức bảo quản số sách nói trên, tại sao không đặt vấn đề với các thư viện Quốc gia, Viện Thông tin khoa học xã hội, Lưu trữ Quốc gia, Viện Văn học… − để có thể chuyển tới một trong số các cơ quan ấy? (Tại Thư viện Quốc iga, chúng tôi được sử dụng những bản sách còn ở tình trạng cũ nát hơn, nhưng vẫn được lưu giữ cẩn thận vì đã là sách hiếm, quý).
3/ Nếu cần thải loại bớt do diện tích kho chứa có hạn của thư viện Hội, vì sao không thông báo cho hội viên ở gần, hoặc thông báo và bày bán rộng rãi trong dăm ba ngày − cách này tôi chắc thu được tiền nhiều hơn cách bán cân, mà lại đảm bảo sách vẫn được lưu giữ và sử dụng như là sách, chứ không bị đem xé gói hàng như số phận chung của sách bán cân?
Khả năng lô sách văn học này bị xé làm giấy gói, nghiền làm bột giấy vẫn nhiều hơn. Đây quả là một sự mất mát khó lòng bù đắp được. Tôi chợt nhận ra rằng, chuyện mất mát thư tịch ở ta không phải bao giờ cũng do “binh hỏa”; phần nhiều hơn, như tôi thấy lần này, là do “nhân hoạ”!
Tôi không rõ các nhà văn liệu có muốn đem các cuốn sách mới in của mình gửi tặng thư viện Hội Nhà văn với những lời đề tặng trân trọng nữa hay không, nếu biết rằng những dòng bút tích và cả quyển sách in tác phẩm của mình, sớm muộn gì rồi cũng bị thải loại, bị bán làm giấy lộn, trước cặp mắt vô tình của người đời?
Sưu tầm.