Vì sao Phan Bội Châu chỉ im lặng, với nụ cười ruồi thoáng qua?

Đề bài: Có người sau khi đọc "Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu cứ băn khoăn: Vì sao Nguyễn Ái Quốc không để nhân vật Phan Bội Châu vạch tội hay thét mắng vào mặt Va-ren mà chỉ im lặng, với nụ cười ruồi thoáng qua, "kín đáo, vô hình" trên gương mặt. Người đó cũng không hiểu vì sao "cái im lặng dửng dưng" của Phan Bội Châu lại có thể "làm cho Va-ren sửng sốt cả người". Em đã đọc kỹ tác phẩm này, vậy hãy giải thích cho người đó rõ.

[f=800]https://server1.vnkienthuc.com/files/3/FILEPDF/dung_dung.pdf[/f]
 
Truyện ngắn "Những trò lố hay Va-ren và Phan Bội Châu" ra đời năm 1925 ngay sau khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc ở Trung Quốc và giải về Hỏa Lò để xử án. Đây là một truyện ngắn rất độc đáo và tinh tế của Nguyễn Ái Quốc nhằm vạch trần bộ mặt và bản chất xấu xa, đen tối của viên toàn quyền Đông Dương, đồng thời ca ngợi tinh thần và ý chí hiên ngang, bất khuất của nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu.

Mở đầu truyện, Nguyễn Ái Quốc cho người đọc biết viên toàn quyền Đông Dương "nửa chính thức" hứa sẽ "chăm sóc" Phan Bội Châu. Hắn đang trên đường đến Việt Nam để thực hiện "lời hứa" đó. Nhưng từ lúc hắn hứa đến khi hắn sang Việt Nam mất đến bốn tuần. Có hai câu hỏi được đặt ra ở đây đó là: Tại sao lời hứa của hắn lại "nửa chính thức"? Tại sao lại đến tận bốn tuần trong khi cụ Phan Bội Châu lại đang ở trong tù? Rõ ràng đã có sự mâu thuẫn giữa lời nói và cách hắn thực hiện lời nói của mình. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng dưới ngòi bút tài tình và cách diễn đạt thâm thúy của Nguyễn Ái Quốc, trò lố lăng bẩn thỉu của Va-ren đã sớm bộc lộ. Rõ ràng lời hứa suông của hắn chỉ để trấn an, đối phó với dư luận đang xôn xao cả ở Pháp lần Việt Nam. Hơn nữa, hắn vừa đang mới nhận chức, hắn phải làm một điều gì đó để tỏ rõ sự "hào hiệp", "độ lượng" của mình đối với nhà cách mạng được hàng vạn người kính mến. Cho nên, với cách nói đầy châm biếm của tác giả, bước đầu Va-ren hiện ra chẳng mấy tốt đẹp, chẳng đáng tin tưởng. Tuy nhiên, chỉ đến khi gặp Phan Bội Châu, hắn mới hiện nguyên hình là một con cáo già xấu xa, bẩn thỉu. "Tôi đem tự do đến cho ông đây!" - "tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu". Đem tự do đến cho người khác mà như thế ư? Đã thế, hắn lại tiếp tục dùng lời lẽ của một kẻ hèn hạ để giả vờ ca tụng, kính trọng Phan Bội Châu. Nhưng những lời nói tiếp theo của hắn để lộ hoàn toàn bản chất xấu xa, dơ bẩn của hắn: "Chúng ta có thể cùng nhau làm cho nước ông trở thành một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị...". Những lời nói của hắn nghe mới thật "êm tai", "dễ chịu" làm sao! Một quốc gia tân tiến ư? Bọn chúng đã vơ vét, cướp bóc hết của cải, tài nguyên thiên nhiên và cả sức lực của nhân dân ta. Quốc gia tự trị ư? Chúng đàn áp, đánh đập, hành dạ dã man người Việt. Vậy mà những lời nói ấy vẫn có thể tuôn ra từ miệng một tên quan đứng đầu xứ Đông Dương này. Rõ ràng, đây chỉ là trò bịp bợm, mị dân. Hắn thật quá tầm thường khi nghĩ rằng có thể thuyết phục nhà cách mạng tài ba của chúng ta bằng những lời lẽ đó.

Đã thế, hắn lại còn tự vạch trần bản chất xấu xa, hèn hạ của mình khi tự nhận là kẻ quay lưng, trở mặt phản bội lại Đảng xã hội Pháp. Hắn cho rằng như thế là thông minh, sáng suốt. Hắn lấy dẫn chứng là những kẻ phản bội như hắn để thuyết phục Phan Bội Châu. Đây đúng là một kẻ "mặt dày mày dạn", trơ trẽn, đã không biết nhục về hành động phản bội của mình lại còn vỗ ngực xưng danh. Một kẻ bẩn thỉu, trơ tráo như hắn có đáng để Phan Bội Châu phải lưu tâm. Lời nói của hắn chỉ như "nước đổ lá khoai" đối với Phan Bội Châu. Trong khi tên Va-ren thao thao bất tuyệt ca tụng bản thân, ca tụng những kẻ phản bội, ca tụng những "lí tưởng" đen tối của hắn thì nhà cách mạng của chúng ta chỉ im lặng, dửng dưng như không hề nghe thấy. Thái độ im lặng của cụ thể hiện sự khinh bỉ, coi thường con người đang đứng trước mặt mình. Chính thái độ dửng dưng đã làm cho Va-ren "sửng sốt cả người". Hắn không hiểu tại sao những lời lẽ đường mật của hắn lại không thể làm lay động Phan Bội Châu. Cũng phải thôi, hai con người này với hai lí tưởng đối lập nhau, một bên với lí tưởng cách mạng cao cả, sẵn sàng xả thân, hi sinh vì độc lập tự do cho nhân dân, của đất nước; một bên với "lí tưởng" tầm thường, đen tối, tất cả chỉ vì lợi ích riêng tư của bản thân. Với tư tưởng và suy nghĩ tầm thường, nhỏ bé như vậy, Va-ren sao hiểu được tâm hồn và suy nghĩ của Phan Bội Châu. Hắn không thể nào hiểu được vì sao con người ấy lại sẵn sàng hi sinh cả gia đình và của cải để sống xa lìa quê hương nhằm tìm mọi cách để giành lại tự do cho dân tộc.

Cuối truyện, tác giả đã để cho anh lính An Nam quả quyết rằng có thấy đôi ngọn râu mép của Phan Bội Châu nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay. Cái mỉm cười "kín đáo", "vô hình", "như cánh ruồi lướt qua" ấy đã bộc lộ con người hiên ngang, bất khuất và thái độ mỉa mai, ngạo nghễ của Phan Bội Châu.

Bằng ngòi bút tài ba, sinh động và sức kể chuyện cuốn hút, hấp dẫn, thông qua Phan Bội Châu, tác giả đã giúp người đọc vạch trần bộ mặt xấu xa, lố bịch của viên toàn quyền Đông Dương. Đồng thời qua đó, Nguyễn Ái Quốc muốn ca ngợi tinh thần và ý chí sắt đá cùng tính cách hiên ngang, bất khuất của vị chiến sĩ cách mạng lão thành.

Theo Những bài văn hay 7*
 
BÀI LÀM 2

"Lời nói, gói vàng", đó là câu tục ngữ mà người xưa muốn khuyên dạy chúng ta phải biết dùng lời ăn, tiếng nói của mình vào đúng mục đích, đúng trường hợp giao tiếp. Một lời nói có thể cứu vớt cả giang sơn nhưng cũng có khi làm sụp đổ cả một triều đại. Thế nhưng, chỉ với nụ cười thoáng qua, "kín đáo, vô hình" trên gương mặt, "cái im lặng dửng dưng" của Phan Bội Châu lại có thể "làm Va-ren sửng sốt cả người" đến vậy.

Vâng! Chỉ với một sự im lặng dửng dưng, không báo hiệu một sự thay đổi lớn lao nào. Nhưng qua đó, ta lạ thấy được ý chí bất khuất, kiên cường của người chiến sỹ cách mạng. Một người tù luôn luôn giữ trọn khí tiết của mình dù Va-ren có mua lời dụ dỗ. Đọc kỹ tác phẩm ta còn nhận ra bộ mặt dối trá, xảo quyệt của y. Để rồi tự nhận xét cho bản thân về cái sự dửng dưng ấy. Trước một con người như Va-ren, một con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp của mình. Thật "đáng thương" cho một con người như thế.

Đứng trước một con người tầm thường, bạc nhược như Va-ren, lắng nghe những lời nói của ý là đã vinh dự cho y lắm rồi. Thế nhưng Va-ren chẳng biết điều đó. Y ngông nghênh, tự đắc hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Hắn hứa thế và rồi hắn đã bộc lộ những trò lố chính thức của mình trước mặt Phan Bội Châu. Y làm gì trước một vị anh hùng tôn kính của chúng ta. Y đến trả tự do cho Phan Bội Châu. Nếu Phan Bội Châu lại cộng tác với y, cộng tác với nước Pháp để tiến hành ở Đông Dương sự nghiệp khai hóa và công lí. Và Phan Bội Châu đã im lặng. Bởi lẽ, khi vị anh hùng của chúng ta đã nói ra thì Va-ren cũng chẳng hiểu gì, như nước đổ lá khoai vậy. Y chẳng hiểu gì về cách mạng, chẳng hiểu rõ Phan Bội Châu là một người như thế nào. Dù rằng y - một vị toàn quyền Đông Dương thế mà đứng giữa cái ngục tù ấy hai con người dường như đối lập nhau. Phan Bội Châu là một người vĩ đại, là bậc anh hùng, vị thiên sứ đáng tôn kính. Trái lại Va-ren chỉ là một kẻ thầm thường, một kẻ phản bội. Thế mà, y lại khuyên nhà cách mạng của chúng ta từ bỏ ý định phục thù, từ bỏ tất cả để theo y, cộng tác với y, với người Pháp. Thử hỏi, một nhà yêu nước, một con người dám xả thân vì độc lập, được bao nhiêu con người ngưỡng mộ thì việc cám dỗ có phải là vô ích hay không? Y còn tráo trợn hơn khi đưa ra những tấm gương phản bội như y. Thật nhục nhã. Thế mà y hiên ngang kẻ tội mà chẳng nhận ra y cũng nằm ở trong số những người đó.

Y sửng sốt vì Phan Bội Châu chẳng phản ứng gì. Thật đúng, vì Phan Bội Châu đâu phải là một con người như y chứ? Không phải ai cũng vì danh lợi mà từ bỏ đi ước mơ, sự nghiệp của mình. Và Va-ren đã lầm tưởng điều đó. Suy nghĩ ấy khiến y sửng sốt cả người. Phan Bội Châu đã ném cái nhìn khinh bỉ vào mặt Va-ren. Một sự xem thường cao độ.

Lẽ ra, Phan Bội Châu đã mắng vào mặt y những lời thậm tệ nhất. Nhưng không, Phan Bội Châu đã im lặng. Chỉ có thế và suốt câu chuyện ta cũng chỉ nghe những lời độc thoại của Va-ren mà thôi. Va-ren vui mừng, tự đắc về những gì mình nói ra. Đó là những lời nói khôn ngoan, có thể dụ dỗ, mua chuộc những con người bán nước. Nhưng Phan Bội Châu, vị anh hùng của chúng ta thì chỉ vì nước, vì dân chứ không phải vì cái danh lợi phù phiếm mà Va-ren đã nêu ra trước đó. Thế mới biết, Va-ren đã làm trò đùa trước mặt Phan Bội Châu mà thôi. Mặc dù Phan Bội Châu là một tử tù, còn y - một vị toàn quyền Đông Dương. Thế mà, chỉ với cái nhìn lạnh lùng, cái im lặng dửng dưng ấy cũng khiến Va-ren sửng sốt cả người.

Với sự im lặng của mình, Phan Bội Châu đã thể hiện ý chí hiên ngang bất khuất của một nhà cách mạng vĩ đại, đồng thời cũng cho thấy sự khinh rẻ, sỉ nhục đối với tên toàn quyền Đông Dương Pháp. Hai con người, hai tư tưởng cách biệt trời vực thì chẳng bao giờ cùng đi chung trên một con đường. Những kẻ đê hèn như Va-ren thì chỉ cần im lặng là đủ cho hắn biết câu trả lời.

Theo Những bài văn hay 7*
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top