Vì sao người học quay lưng với ngành khoa học xã hội?
Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH & NV) đang trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, bị người học quay lưng. Đó là vấn đề chính tại hội thảo “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội?” do Trường đại học Văn Hiến, TPHCM tổ chức mới đây.
Tại hội thảo, hơn 60 nhà giáo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực thuộc các nhóm ngành KHXH & NV của các trường đại học phía Nam đã ngồi lại với nhau nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo để tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề này.
Trường hạng hai, sinh viên hạng hai
Một sự thực đáng lo ngại là ngày càng ít thí sinh đăng ký vào học các ngành khoa học xã hội. Quy mô đào tạo các ngành văn, sử, địa, triết... ngày càng hẹp dần, ở nhiều trường đại học địa phương, khoa xã hội hầu như không tuyển sinh được. Kể cả trường có uy tín chuyên đào tạo các ngành xã hội là trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cũng giảm dần theo từng năm.
Cụ thể, năm 2008 có tới 17.466 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường này nhưng đến năm 2010 chỉ còn 12.752 hồ sơ. Tỷ lệ chọi giảm từ 6,26 (2008) xuống còn 4,55 (năm 2010). Điểm đầu vào của trường cũng giảm dần tới mức cận với điểm sàn. Năm 2010, trường có tới 16 ngành và chuyên ngành lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 ở mức 14.
Đối với các trường ngoài công lập tình trạng còn bi đát hơn. TS Trần Tuấn Lộ, trưởng khoa tâm lý trường đại học Văn Hiến nêu, trong 12 năm (1999 - 2010), ngành tâm lý của trường chưa bao giờ tuyển đủ sinh viên, mặc dù chỉ tiêu hàng năm chỉ có 70 sinh viên.
Ngày càng ít thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành KHXH-NV. Trong ảnh: Học sinh tại Cà Mau nêu câu hỏi với các nhà tư vấn tuyển sinh.
TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa văn học và Ngôn ngữ, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cảm thán: “Những trường đào tạo KHXH & NV đang bị coi như đại học hạng hai. Điều ấy dẫn đến hậu quả là rất ít sinh viên giỏi lựa chọn các ngành này, ngay cả những trường lớn. Một khi đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra không thể có chất lượng”.
Do tâm lý thực dụng?
“Để người học đến với các ngành này, cần xác định rõ vai trò của khoa học xã hội đối với đất nước. Cần có chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng để thu hút được những thí sinh giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và phải sử dụng họ hiệu quả nhất”, thạc sĩ Ngô Thị Kim Dung, Trường đại học Tôn Đức Thắng phát biểu.
Trong tâm lý thực dụng của đa số học sinh và gia đình, các nghành KHXH-NV bị đánh giá rất thấp về khả năng kiếm việc làm. Trong ảnh: Các học sinh ở Trà Vinh xem bảng trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp.
Theo TS Trần Chút, phó hiệu trưởng trường đại học Văn Hiến, tính thực dụng còn thể hiện rất đậm nét ở những phát ngôn, thông tin tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh, thậm chí ở “tiêu chí đầu ra” theo hướng dẫn của bộ Giáo dục – đào tạo. Ngoài ra, những người có trách nhiệm trong lĩnh vực khoa học xã hội chưa đảm đương tốt chức năng tư vấn và phản biện xã hội. Nếu công tác tư vấn và phản biện được thực hiện chủ động và bài bản thì chắc chắn đã không xảy ra sự thiên lệch trong việc hoạch định và điều hành chính sách, hạn chế được tính thực dụng về chọn ngành, chọn nghề.
“Hơn nữa, cũng nghiêm túc thừa nhận rằng, chính việc coi khoa học xã hội là một lĩnh vực thuộc công tác tuyên huấn làm biến dạng giá trị khoa học đích thực và tính hấp dẫn của nhóm ngành này”, ông Trần Chút nhận xét.
Tinh thần khoa học xã hội
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, trường đại học Cửu Long đặt vấn đề, nhóm ngành xã hội vắng thí sinh chưa hẳn do nhu cầu xã hội. Theo ông, việc đào tạo ồ ạt của nhóm ngành kinh tế đã báo trước tình trạng cử nhân kinh tế ra trường thất nghiệp là hiển nhiên. Những người theo học ngành KHXH & NV không hẳn chỉ cần một tấm bằng để kiếm việc làm. Nhiều người có nhu cầu học để biết, để trang bị kiến thức, đôi khi chỉ cần vài học phần hay một tín chỉ; một số có nhu cầu được đào tạo lại, số khác trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng có nhu cầu học các ngành xã hội và nhân văn… đáp ứng ra sao?
“Đã đến lúc cần xem lại cách thức đào tạo và tính liên thông giữa các ngành học, giữa các nhà trường”, TS Tống đề nghị.
Theo TS Lê Hữu Phước, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, để thu hút người học đối với nhóm ngành này, chương trình đào tạo phải hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng; phải thường xuyên cập nhật và làm mới, sát yêu cầu xã hội thì mới giải quyết được đầu ra. Ông nêu giải pháp: “Trải lòng ra với người học bằng phương án tuyển sinh linh động: ngành nào cần thi tuyển thì tổ chức thi tuyển, ngành nào hiếm người học (như triết, khảo cổ…) chỉ ghi danh vì người học có khi phải học suốt đời, đồng thời phải tích hợp nhiều khối ngành lại vì khoa học hiện đại không có ngành nào tách rời”.
Th.s Đỗ Văn Bình đề xuất: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển các ngành khoa học xã hội trong 10-20 năm tới để trình Chính phủ phê duyệt. Đề án cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, cải tiến giáo trình, quy chế nghiên cứu, thực hành”.
Đa số đại biểu dự hội thảo đều thống nhất với ý kiến rằng việc đào tạo kiến thức về khoa học xã hội phải là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành. Do đó, điều quan trọng cần làm là minh định lại tinh thần của KHXH & NV bao gồm tinh thần khoa học, tinh thần phản biện và tinh thần tự do trong nghiên cứu khoa học, bên cạnh tinh thần hàn lâm và tinh thần thực tiễn, phục vụ cộng đồng.
Theo Dân trí.