VÌ SAO CON BẠN KHÔNG THÍCH HỌC
Con bạn không thích đến trường, chỉ làm bài tập vì sợ bị đánh, lại còn tìm cách bỏ học? Tiếc thay, nhiều bậc bố mẹ thường rơi vào tình cảnh đó, và đôi khi tưởng như không lối thóat. Kinh nghiệm cho thấy, những đứa trẻ như vậy thiếu động cơ học tập tốt. Nhân dịp khai giảng năm học mới, chúng tôi xin giới thiệu một số lời khuyên của các nhà tâm lý giáo dục Nga
Trong tâm lý học nghề nghiệp tồn tại thuật ngữ “động cơ”, nó được sử dụng để mô tả và giải thích những nguyên nhân của hành vi con người.
Động cơ bao gồm động cơ bên trong và bên ngoài. Động cơ bên trong là khi con người làm một việc gì đấy chỉ vì sở thích, ví dụ, đứa trẻ mê trò chơi.
Động cơ bên ngòai xuất hiện khi họat động của con người nhằm đạt được những mục đích nào đấy. Đồng thời chúng có thể không liên quan trực tiếp tới tính chất của họat động này, chẳng hạn, một học sinh có thể đến trường không phải vì muốn học tập, mà vì sợ bố mẹ mắng, hay để giao tiếp với bạn bè.
Nhà tâm lý giáo dục Nga Darya Kalaida bình luận: Đối với trẻ em thì động cơ bên ngòai của chúng thường là sự ép buộc của người lớn. Nghĩa là, đứa trẻ học bài chỉ vì bị bắt buộc, dọa dẫm, chứ hòan tòan không phải vì có hứng thú đối với việc nhận thức cái mới.
Khi đến trường, trẻ em thường không hiểu để làm gì. Học hành rất vất vả: phải học thuộc lòng bài tập về nhà, làm bài kiểm tra, ngòai ra ở trường, thông thường, các em còn bị bắt tham gia các hoạt động xã hội. Thay vào đó đứa trẻ luôn luôn muốn giải trí, xem tivi, chơi games, đi dạo với bạn bè. Trước năm 14 tuổi ít em hiểu được câu thành ngữ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Cuộc sống người lớn thì xa vời, còn trường học thì rặt những điều ép buộc.
Thông thường bố mẹ cố gắng tạo động cơ học tập cho con bằng cách nói: “Nếu học kém, con sẽ không được vào đại học!”. Điều đó không hẳn đúng. Xung quanh bạn có những người không tốt nghiệp đại học nhưng lại thành đạt, hoặc ít ra là có thu nhập cao. Nếu như bé Petya của bạn nhìn thấy bác hàng xóm Vasya làm nghề thợ hàn lại kiếm đựơc nhiều tiền hơn bố mẹ mình vốn là kỹ sư thì cậu sẽ thực sự thắc mắc vì sao mình lại phải học đại học.
Như vậy, trước hết, bạn cần biết con bạn thích gì. Chẳng hạn, nếu cháu thích lịch sử quân sự, thích đọc sách, xem phim về đề tài này, bạn hãy hỏi xem, cháu có thích trở thành nhà nghiên cứu lịch sử quân sự không?
Giả sử cháu đồng ý. Bây giờ nhiệm vụ của bạn là tạo hứng thú nghề nghiệp cho cháu. Bạn tìm hiểu xem những trường đại học nào giảng dạy chuyên ngành này, cần phải thi những môn nào để vào trường. Nếu có mục đích, con bạn sẽ tiếp thu được những kiến thức cần thiết một cách tự lập, không cần bất cứ sự kiểm soát nào của bạn.
Nếu con bạn không thích những môn kỹ thuật, mà có năng khiếu về các môn khoa học xã hội-nhân văn, hay ngược lại, thì bạn cần phải tính tới việc cho cháu vào học các lớp chuyên hay trường năng khiếu.
Nếu con bạn nói chung không biểu hiện hứng thú gì đối với việc học tập ở trường phổ thông, hãy thử cho cháu tham gia các câu lạc bộ. Không loại trừ khả năng những giờ học ngoại khóa diễn ra một cách tự nhiên, thỏai mái hay dưới hình thức trò chơi, sẽ kích thích hứng thú của cháu về một môn học nào đó.
Bạn hãy thường xuyên trao đổi với các giáo viên dạy con bạn. Họ có thể khuyên bạn cần phải phát triển những khả năng nào ở con mình.
Bạn không nên lo lắng, nếu như con bạn không có khả năng lắm về tóan hay văn, nhưng lại thích các giờ học lao động. Không loại trừ khả năng thiên chức của nó là công việc chân tay. Hãy hiểu rằng không phải ai cũng có khả năng làm những công việc có hàm lượng trí tuệ cao. Tuy nhiên cũng phải giải thích cho con bạn biết rằng ngay cả để “làm việc chân tay” cũng cần có một khối lượng kiến thức tối thiểu.
Nếu con bạn phàn nàn về nhà trường, giáo viên, hãy hỏi xem cháu thích gì. Có thể, cần phải thay thầy giáo hay chuyển sang một trường khác, nơi các giờ học được tiến hành theo phương pháp đặc biệt.
Hãy nhớ rằng nếu con bạn càng thích học thì cả nó lẫn bạn càng thấy nhẹ nhàng.
Kim Thanh Hằng (Theo Sự thật)