Xuôi thuyền trên dòng sông Tiền hiền hòa đỏ nặng phù sa, du khách sẽ bắt gặp những cù lao xanh mát, cây trái trĩu quả... Song dễ thương nhất là cồn Thới Sơn (cồn Lân)
Thưởng ngoạn cồn Thới Sơn, bạn nên đi bằng thuyền mới thích thú. Từ bến tàu Tiền Giang tấp nập tàu ghe, thuyền du lịch chở bạn xuôi sông Tiền khoảng 45 phút sẽ đến cù lao Thới Sơn. Cây cối nơi đây rất xanh tốt, do được "uống" phù sa quanh năm. Nhờ vậy, không khí ở đây thật mát mẻ. Những ngọn gió lành từ phía bờ sông thổi vào mát rượi. Có khi gió làm tung bay suối tóc mấy cô thiếu nữ đang nở nụ cười tươi, đứng cạnh bến sông đón khách.
Được biết, từ năm 1988, bà con ở đất cù lao Thới Sơn đã "rục rịch" làm du lịch, ban đầu chỉ manh mún. Nay thì nhà nhà ở đây đều làm du lịch và đón tiếp du khách thật nồng nhiệt, chu đáo với bản tính thật thà của dân miệt vườn Nam bộ.
Nhà vườn chân quê
Uống xong chén trà, du khách tự do tản bộ thăm thú cù lao Thới Sơn. Quanh cù lao là những vườn cây ăn trái đa dạng chủng loại. Những cây mít lai trĩu quả, quả non, quả già lủng lẳng từ gốc đến ngọn. Nhiều cây nhãn quằn trái. Có những chùm nhãn căng mọng, tỏa mùi thơm nồng nàn.
Ở cù lao này có nhiều nhà vườn rộng rãi, thoáng mát, theo kiến trúc đặc trưng Nam bộ. Sân trước những nhà vườn này, thường có nhiều chậu cây cảnh, bon sai hình thù lạ lẫm, thú vị. Đến Thới Sơn, du khách còn được thưởng thức những giọng ca, điệu nhạc tài tử mùi mẫn và nhâm nhi tách trà mật ong vườn thơm ngọt, thanh mát.
Ở một góc cù lao này, có nhiều chuồng nuôi khỉ, vượn, chim... cùng những đàn gà, đàn vịt thả rong, khiến bọn trẻ con tò mò vây quanh rồi ồ lên thích thú.
Nơi đây còn có nhiều cầu khỉ cheo leo bắc ngang qua dòng kênh nhỏ. Thế là nhóm du khách trẻ trổ tài leo cầu khỉ chênh vênh, vừa vui vừa... run.
Bên gốc cây khô ở cạnh con rạch nhỏ, bà cụ già lam lũ bày bán một buồng trái là lạ, cùng vài chiếc ly nhựa chỏng chơ. Chị bạn ở Sài Gòn hỏi mua ăn thử, bà cụ lụm cụm mãi mới chặt được vài trái lạ, run run lấy ruột trái cho vào ly rồi trao cho thực khách. Cơm quả này ngọt thanh, mềm mại trắng phau tựa cơm dừa xiêm. Hỏi ra mới biết, trái này tên dừa nước. Lá dừa nước còn được dân địa phương dùng lợp nhà, ở mát hơn cả nhà tường. Cảm động hơn, khi chị bạn trả tiền, bà cụ từ tốn bảo: "Cháu muốn cho bao nhiêu thì cho!".
Đoàn đi ngang qua vài lò làm bánh tráng sữa, kẹo dừa theo phương pháp thủ công, mùi thơm tỏa ra nức mũi. Mùi thơm níu chân không ít khách ghé vào đây, dùng thử các sản phẩm vừa kể, xuýt xoa khen ngon, rồi tranh thủ mua về làm quà.
Len lỏi vào kênh rạch
Cuối cù lao Thới Sơn, nhiều ghe thuyền của các chị Hai, cô Tám... đợi sẵn. Họ duyên dáng trong những chiếc áo bà ba, tóc búi gọn gàng, niềm nở đưa du khách khám phá những con rạch nhỏ, sâu hun hút trong rừng dừa nước lòa xòa soi bóng. Nước ở rạch mát rượi. Du khách thỏa thích dùng tay khỏa nước, rồi ngắm những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, lọt thỏm giữa bao vườn cây trái dọc hai bên rạch.
Thuyền chở nặng, chị Hai cùng cô Tám một chống, một chèo mải miết, mồ hôi rịn ra ướt đẫm tóc mai... Xứ cồn dần khuất, còn thấy thấp thoáng những tà áo bà ba và nhiều bàn tay vẫy chào. Hẹn gặp lại Thới Sơn!
Theo TNO
Thưởng ngoạn cồn Thới Sơn, bạn nên đi bằng thuyền mới thích thú. Từ bến tàu Tiền Giang tấp nập tàu ghe, thuyền du lịch chở bạn xuôi sông Tiền khoảng 45 phút sẽ đến cù lao Thới Sơn. Cây cối nơi đây rất xanh tốt, do được "uống" phù sa quanh năm. Nhờ vậy, không khí ở đây thật mát mẻ. Những ngọn gió lành từ phía bờ sông thổi vào mát rượi. Có khi gió làm tung bay suối tóc mấy cô thiếu nữ đang nở nụ cười tươi, đứng cạnh bến sông đón khách.
Được biết, từ năm 1988, bà con ở đất cù lao Thới Sơn đã "rục rịch" làm du lịch, ban đầu chỉ manh mún. Nay thì nhà nhà ở đây đều làm du lịch và đón tiếp du khách thật nồng nhiệt, chu đáo với bản tính thật thà của dân miệt vườn Nam bộ.
Nhà vườn chân quê
Uống xong chén trà, du khách tự do tản bộ thăm thú cù lao Thới Sơn. Quanh cù lao là những vườn cây ăn trái đa dạng chủng loại. Những cây mít lai trĩu quả, quả non, quả già lủng lẳng từ gốc đến ngọn. Nhiều cây nhãn quằn trái. Có những chùm nhãn căng mọng, tỏa mùi thơm nồng nàn.
Ở cù lao này có nhiều nhà vườn rộng rãi, thoáng mát, theo kiến trúc đặc trưng Nam bộ. Sân trước những nhà vườn này, thường có nhiều chậu cây cảnh, bon sai hình thù lạ lẫm, thú vị. Đến Thới Sơn, du khách còn được thưởng thức những giọng ca, điệu nhạc tài tử mùi mẫn và nhâm nhi tách trà mật ong vườn thơm ngọt, thanh mát.
Ở một góc cù lao này, có nhiều chuồng nuôi khỉ, vượn, chim... cùng những đàn gà, đàn vịt thả rong, khiến bọn trẻ con tò mò vây quanh rồi ồ lên thích thú.
Nơi đây còn có nhiều cầu khỉ cheo leo bắc ngang qua dòng kênh nhỏ. Thế là nhóm du khách trẻ trổ tài leo cầu khỉ chênh vênh, vừa vui vừa... run.
Bên gốc cây khô ở cạnh con rạch nhỏ, bà cụ già lam lũ bày bán một buồng trái là lạ, cùng vài chiếc ly nhựa chỏng chơ. Chị bạn ở Sài Gòn hỏi mua ăn thử, bà cụ lụm cụm mãi mới chặt được vài trái lạ, run run lấy ruột trái cho vào ly rồi trao cho thực khách. Cơm quả này ngọt thanh, mềm mại trắng phau tựa cơm dừa xiêm. Hỏi ra mới biết, trái này tên dừa nước. Lá dừa nước còn được dân địa phương dùng lợp nhà, ở mát hơn cả nhà tường. Cảm động hơn, khi chị bạn trả tiền, bà cụ từ tốn bảo: "Cháu muốn cho bao nhiêu thì cho!".
Đoàn đi ngang qua vài lò làm bánh tráng sữa, kẹo dừa theo phương pháp thủ công, mùi thơm tỏa ra nức mũi. Mùi thơm níu chân không ít khách ghé vào đây, dùng thử các sản phẩm vừa kể, xuýt xoa khen ngon, rồi tranh thủ mua về làm quà.
Len lỏi vào kênh rạch
Cuối cù lao Thới Sơn, nhiều ghe thuyền của các chị Hai, cô Tám... đợi sẵn. Họ duyên dáng trong những chiếc áo bà ba, tóc búi gọn gàng, niềm nở đưa du khách khám phá những con rạch nhỏ, sâu hun hút trong rừng dừa nước lòa xòa soi bóng. Nước ở rạch mát rượi. Du khách thỏa thích dùng tay khỏa nước, rồi ngắm những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, lọt thỏm giữa bao vườn cây trái dọc hai bên rạch.
Thuyền chở nặng, chị Hai cùng cô Tám một chống, một chèo mải miết, mồ hôi rịn ra ướt đẫm tóc mai... Xứ cồn dần khuất, còn thấy thấp thoáng những tà áo bà ba và nhiều bàn tay vẫy chào. Hẹn gặp lại Thới Sơn!
Theo TNO