Về trường ca của Thanh Thảo

Bút Nghiên

ButNghien.com
Hình tượng “Cái tôi sử thi ” , “Cái tôi thế hệ” trong trường ca của Thanh Thảo

Sinh ra và lớn lên ở Quãng Ngãi, Thanh Thảo mang trong mình cái "gene" của người miền Trung - mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng rất đỗi đằm thắm, thâm trầm. Cái "gốc" văn hóa ấy cùng với nguồn tri thức ở trường Đại học đã được Thanh Thảo mang theo, cọ xát với cuộc sống chiến trường...Tất cả đã góp phần tạo nên một giọng trường ca hào hùng, đầy mãnh lực với sự hiện diện của một "Cái tôi sử thi", "cái tôi thế hệ" giàu tinh thần nghĩa khí….

Đi sâu vào thế giới nghệ thuật của Thanh Thảo, ta nhận ra: Cái tôi sử thi trong trường ca Thanh Thảo đặc biệt quan tâm đến "chất người - nghĩa khí" lấp lánh bên trong: "Tôi yêu chất người đầu tiên/ Những giọt sương lặn vào đá cỏ/ Qua nắng gắt qua bão tố/... Vẫn long lanh bình thản trước vầng dương" (Bùng nổ mùa xuân).

Nhà thơ đã rọi vào "chất người" ấy một cái nhìn riêng và thể hiện trong trường ca của mình như một lý tưởng thẩm mỹ. Đây là nguyên nhân khiến Thanh Thảo viết nhiều về những người nghĩa sĩ (Nghĩa sĩ Cần Giuộc), những người du kích (Du kích Ba Tơ), những nhà thơ vị nghĩa (Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát)… Những con người đầy tinh thần nghĩa khí ấy là hiện thân của nhân dân.

Họ là "Những đứa con mặt trời nhiệt đới" (Những người đi tới biển) gánh trên vai sứ mệnh lịch sử của dân tộc. Như "người hát rong" không bao giờ biết mỏi mệt, ông đã cùng "cây đàn" nghệ thuật hát lên những bản trường ca ngợi ca nhân dân bất tử bằng một giọng điệu trữ tình mới: đằm thấm, dạt dào mà đậm chất trí tuệ.

Có được giọng điệu ấy, một phần cũng bởi nhà thơ đã tự tìm cho mình vị thế của "mầm cây thở chìm trong đất", "gắn chặt lưng ta vào đất" rồi cứ thế mà lớn lên bằng chính cái bầu khí quyển của nhân dân.

Cái tôi trữ tình trong trường ca Thanh Thảo có khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất, là "tôi", là "ta", có khi hóa thân vào những người có tên, không tên để khám phá và thể hiện những tình cảm cao quý về nhân dân: "Những người tôi quen biết/ những người tôi chưa một lần gặp mặt/ Mỗi cuộc đời như quyển sách mở ra/ Không tài nào ta đọc xong trang chót" (Những người đi tới biển).

Với Thanh Thảo, mỗi cuộc đời một người dân là một cuốn sách vàng không thể nào đọc hết tầng sâu. Mỗi ngày sống cùng nhân dân, chiến đấu cùng nhân dân, nhà thơ lại thấy trang đời ấy mở ra bao vẻ đẹp long lanh, rực sáng. Thanh Thảo đã thực sự thấy mình lớn lên từ những "trang sách" ấy.
Cùng với cái tôi sử thi, cái tôi thế hệ là một hình tượng trữ tình xuyên thấm nhiều trang viết của Thanh Thảo. Nhà thơ đã hóa thân vào những người chiến sĩ - nghĩa sĩ để bộc bạch và nghiền ngẫm. Hiện lên trong trường ca Thanh Thảo là hình ảnh những chàng trai tuổi đời mười tám đôi mươi vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn sáng trong và đầy chí khí .

Các anh từ giã mẹ, từ giã gia đình với lựa chọn quyết liệt: "Chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy". Và kể từ "những năm tháng ấy", các anh đã "không tiếc tuổi hai mươi" vì sự sống còn của Tổ quốc, dẫu vẫn ý thức một cách đủ đầy: "tuổi hai mươi làm sao không tiếc".

Chính những day trở này đã làm nên giọng điệu khác biệt của cái tôi thế hệ trong trường ca Thanh Thảo. Một chất giọng thiên về suy tư, vừa độc thoại vừa đối thoại, trước hết là với chính bản thân mình. Theo đó, chân dung thế hệ hiện lên khác với nhiều tác phẩm cùng thời.

Chân thực trong hành động "xoay trần đánh giặc", chân thực cả trong những khao khát rất Người. Có khi đó là một giấc mơ nhỏ khiến người đọc nao lòng: ngày hoà bình được "ra lộ 4 trải ni lông nằm cho thỏa thích". Niềm mơ nho nhỏ ấy, đặt bên cạnh những lí thuyết, lí tưởng cao siêu thì tưởng như là vớ vẩn... Nhưng kì thực, nó đáng nâng niu, trân trọng hơn bất cứ một thứ lí thuyết giáo điều nào.

Soi vào đó, ta thấy cả một trời khát vọng - khát vọng hòa bình, khát vọng tự do, khát vọng được sống với những nhu - cầu - sống - bình - thường mà chính đáng nhất của một con người. Đó không chỉ là giấc mơ của một người mà là giấc mơ của cả thế hệ đang ngày đêm "dàn hàng gánh đất nước trên vai" (thơ Hữu Thỉnh). Để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, cả thế hệ sẵn sàng kinh qua vô vàn gian khổ: "chúng tôi sống ở đây mấy mùa khô mấy mùa mưa/ Có mùa đói và mùa nào cũng giặc…Bấu vào đất mong kiếm tìm sự sống/Một củ chụp mài nuôi bài ca cho anh" (Những người đi tới biển).

Từ những củ chụp củ mài bé nhỏ, người lính đã làm nên lịch sử, họ viết nên những bài ca chiến công và bài ca của tình đồng đội: "Bài ca và ngọn lửa/ Tôi đi giữa bàn tay hơi thở bạn đường.../ Những đớn đau mơ ước hi sinh/ Không của riêng một trái tim nào nữa.../Tôi đi trong ánh sáng mọi người"...

Cùng với nguồn sáng cao cả ấy, trong sâu thẳm trái tim Thế hệ luôn da diết hình ảnh mẹ, hình ảnh người yêu như dấu nối đặc biệt giữa chung và riêng, giữa lí tưởng và những nhu cầu tinh thần của con người đáng có, cần phải có. Những tình cảm riêng tư ấy cứ vấn vít, trở đi trở lại nhiều lần trong các bản trường ca như những nốt lặng trầm của bản giao hưởng nhiều bè.

Với Thanh Thảo, với người lính trong trường ca của ông, Mẹ là nơi bắt đầu... Tất cả những gì riêng, chung, bình thường hay vĩ đại đều bắt đầu từ mẹ. Những dòng thơ đầu tiên của bản trường ca hào hùng "Những người đi tới biển" là những dòng viết về mẹ: "Khi con thưa với mẹ/ Mưa bay mờ đồng ta... Ngày mai con đi Nửa đất đai này mẹ gánh/ Sông Cầu chảy lơ thơ/ Sông Hồng trằn sóng đỏ/ tiếng gà sang canh mùi xôi không ngủ / đêm cuối bên con mắt mẹ dệt những gì".

Với các anh, không ai khác, mẹ là nơi bắt đầu cho tất cả những gì gần gũi mà thiêng liêng. Hành trình mở đất của dân tộc bắt đầu từ mẹ, hành trình làm người của con cũng bắt đầu từ mẹ...

Tình yêu của mẹ thấm vào từng đường kim múi chỉ trên chiếc áo sờn vai con mặc suốt đường hành quân: "Ngày mai con đi / chiếc áo lính tròn đêm có mẹ / chiếc áo bọc hình hài mẹ cho / bọc trái tim dòng máu mẹ cho". Mỗi ngày ra trận, đối mặt với cái chết, anh lại" bắt đầu từ mẹ" để có thêm niềm tin, sức mạnh.

Các anh nhớ mẹ trong gian khổ, nhớ mẹ lúc đã "chân cứng đá mềm". Mẹ hiện lên trong tâm tưởng các anh giữa đêm rừng Trường Sơn, giữa không gian "địa hình" khắc nghiệt...

Mẹ là nguồn sông nhưng đồng thời cũng là chốn để con quay về tìm lại thế giới trẻ thơ: "con sẽ về chạy rát bỏng bàn chân", "về với má con lại là trẻ nhỏ" để được sống trong không gian có "trái ổi chín vàng", có "hàng bông bụt/ trên cát trắng màu hoa day dứt", với "mùi mùa thu trước ngõ nhà mình".

Tấm lòng mẹ như nguồn sông. Dù bình yên hay bão tố, sông vẫn "trằn sóng đỏ" lặng thầm bồi đắp phù sa cho cuộc đời con và cho đất nước này... Mẹ đã trở thành hành trang tinh thần theo người lính suốt cuộc trường chinh.

Và trong niềm cảm khái thiêng liêng, nhà thơ ý thức một cách sâu sắc rằng: mẹ là mẹ của các anh, nhưng mẹ cũng là một nguồn sáng cao hơn - Người Mẹ Tổ Quốc, người mẹ nhân dân, đất nước: "Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người / là đứng theo dáng mẹ"...

Không chỉ mang trong trái tim mình hình ảnh mẹ thân yêu, cái tôi thế hệ còn nhiều thổn thức về một khoảng trời riêng tư khác: người yêu dấu. Trong nỗi nhớ tình yêu của các anh, ta nghe rất rõ nhịp đập dồn của những trái tim rất trẻ, chân thực, táo bạo và nồng say: "Anh nhớ em quân thù không thể biết/ anh nhớ em/ Trường Sơn có bao nhiêu cây xanh/ chót vót trên cây một vòm lá đỏ/ nỗi nhớ anh dâng lên tới đó".

Ngay từ những ngày đầu đến với chiến trường, tình yêu đã theo bước chân các anh, là ngọn lửa soi sáng mọi nẻo đường hành quân: "Dõi theo từng bước anh đi/ tình yêu em thành cây lá đỏ/ suốt bốn mùa cháy hoài ngọn lửa..." Ngọn lửa tình yêu đã bùng lên và thăng hoa cùng ngọn lửa lí tưởng để anh và em "cả những điều nhỏ nhoi bình lặng nhất/ của hai ta cùng soi vào đất nước/ bằng ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời mình".

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, tình yêu và niềm tin ấy đã góp phần làm nên bao kì tích... Hình ảnh người yêu trong trái tim người lính như vòm trời xanh mát, bình yên bất chợt hiện ra giữa cái khốc liệt của chiến tranh đã thành nguồn năng lượng tinh thần vô giá mà không một sức mạnh nào sánh được.

Cả thế hệ ra chiến trường, chiến đấu để đem lại cuộc sống bình yên cho mẹ, cho người yêu và cũng là cho tất cả. Chung - riêng trong hành trang tinh thần của họ đã hòa làm một.

Và theo quy luật của thơ ca, sự hài hòa giữa cái chung và cái riêng đã tạo cơ hội cho cái tôi trữ tình thực hiện sứ mệnh nghệ thuật của nó: khái quát chân dung của cả thời đại anh hùng để mỗi bản trường ca của Thanh Thảo là một bản hùng ca "mãi mãi là ngọn lửa ánh lên, bùng lên trong chính bóng tối của sự quên lãng" (Nhà thơ Paul Hoover)

( Theo Mai Thị Liễu – VNCA )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top