Về những từ Hán Việt

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
PHÂN BIỆT NGHĨA CỦA MỘT SỐ TỪ HÁN VIỆT​

ÁO VÀ XIÊM

“Áo” là đồ mặc từ cổ xuống, chủ yếu che lưng, ngực và bụng. “Xiêm” là đồ mặc bao quanh thắt lưng, che xuống tận đầu gối. Quan lại ngày xưa trước khi mặc áo bào, đã quấn một cái xiêm bên trong. Vì vậy, “xiêm” đã đi đôi với “áo” để trở thành biểu tượng của tầng lớp quan lại ngày xưa.

Ví dụ:

“Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào lòn ra cuối công hầu mà chi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

BÃI CÔNG VÀ LÃN CÔNG

“Bãi” là dẹp, nghỉ, bỏ không làm nữa. “Bãi công” là đấu tranh có tổ chức bằng cách cùng nhau bỏ việc, thợ không đến nhà máy, nhân viên không đến công sở. “Lãn” là biếng nhác. “Lãn công” là hình thức đấu tranh mà qua đó công nhân viên chức có đến nhà máy, cơ quan nhưng không chịu làm việc.

BẤT HỦ VÀ BẤT TỬ

“Hủ” là già, suy, mục nát. “Bất hủ” là không mất, còn mãi. Ta thường dùng “bất hủ” để nói đến giá trị lâu dài của văn chương, nghệ thuật, tư tưởng. “Tử” là chết. “Bất tử” là không chất. Ta thường dùng “bất tử” để nói đến sự trường tồn của sự nghiệp hay danh tiếng của các bậc anh hùng.

BIẾN CỐ VÀ SỰ CỐ

“Biến” có nhiều nghĩa: thay đổi, việc không bình thường, sự hiểm nguy hay tai vạ xảy ra. “Cố” là việc, cũng có nghĩa là duyên cớ. Theo nguyên nghĩa của từ Hán Việt, “biến cố” là cái cớ sự hoạn nạn đã xảy ra. Ngày nay, ta dùng “biến cố” theo nghĩa “sự việc xảy ra có tác động lớn đến đời sống”. “Sự cố” có nghĩa gốc là cái cớ sinh ra việc biến, nay có nghĩa là việc bất thường, không may xảy ra trong một quá trình hoạt động.

CÂU KẾT VÀ KẾT CẤU

“Câu” là cái móc. “Câu kết” (có người viết “Cấu kết” vì phát âm không chuẩn) là móc ngoặc, là họp thành phe cánh để thực hiện những âm mưu xấu xa. “Câu kết” chỉ là sự kết hợp tạm thời, tùy thuộc vào sự tồn tại của những quyền lợi vật chất và thế lực bất chính. “Kết cấu” là sự kết hợp nhiều bộ phận để tạo thành một đoàn thể, một chỉnh thể thống nhất. Ở “kết cấu”, sự kết hợp của các yếu tố bền chặt hơn vì đó là sự liên kết có tổ chức, sự kết hợp trong cấu trúc.

CỔ NHÂN VÀ CỐ NHÂN

“Cổ” trong “cổ nhân” chỉ quá khứ xa. “Cổ nhân” là người xưa. “Cố” trong “cố nhân” chỉ quá khứ gần. “Cố nhân” là bạn cũ, người tình cũ.
CỔ ĐỘNG VÀ SÁCH ĐỘNG

Theo từ điển, “cổ động” là đánh trống để thúc giục người khác hăng hái thực hiện một công việc gì đó. Ngày nay, ta hiểu “cổ động” là dùng lời nói, sách báo, tranh ảnh… tác động đến tình cảm và tư tưởng của nhiều người, lôi cuốn số đông tham gia tích cực những hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao… “Sách” có nghĩa là lấy roi quất cho ngựa chạy, cũng có nghĩa là mưu kế , công việc đã vạch sẵn. “Sách động” là rủ rê, thúc đẩy, lôi cuốn kẻ khác hoạt động theo một kế hoạch đã vạch sẵn để gây rối.

CÔ ĐỘC VÀ CÔ ĐƠN

“Cô độc” là chỉ có một mình, tách khỏi mọi liên hệ với những người chung quanh (TĐTV). “Cô đơn” là chỉ một mình, không có đôi, không biết nương tựa vào đâu (TĐTV). Như vậy, “cô độc” và “cô đơn” đều có nghĩa chung là “một mình”, nhưng “một” trong “cô độc” chủ động, tự tại, còn “một” trong “cô đơn” lại cần đến một cái khác để được là hai.

CÔNG NHÂN VÀ NHÂN CÔNG

“Công nhân” là người lao động. “Nhân công” là sức lao động của người (TĐTV).

CỰC HÌNH VÀ NHỤC HÌNH

“Hình” là sự trừng phạt người có tội. “Cực” ở đây có thể hiểu là quá chừng, quá mức. “Cực hình” là hình phạt nặng nhất, nặng hơn cả tử hình nói chung, vì “cực hình” làm cho tội nhân chết một cách cực kì đau đớn. Để trừng phạt kẻ chống lại uy quyền của triều đình,vua chúa ngày xưa dùng các cực hình như lăng trì (bắt chết chậm bằng cách cắt từng phần của cơ thể con người), tứ mã phanh thây (cho bốn con ngựa xé xác). “Nhục” là thịt. “Nhục hình” là hình phạt làm tội nhân đau đớn về thể xác. Điều 71 của Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992) nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

DANH LAM VÀ THẮNG CẢNH

“Lam” có gốc tiếng Phạn, nghĩa là chùa. “Danh lam” là ngôi chùa danh tiếng, được nhiều người biết đến. “Thắng cảnh” là cảnh đẹp nói chung. Người chỉ đi xem cảnh đẹp mà không thăm viếng một ngôi chùa nào hết thì không nên nói rằng tôi đã thấy nhiều danh lam thắng cảnh.

LANG BẠT VÀ LANG THANG

“Lang bạt” là tiếng nói tắt của thành ngữ “lang bạt kì hồ” nghĩa là “con lang đạp cái bọc da ở cổ nó, lúng túng không đi được” (HVTĐ). Nhưng người Việt chúng ta dùng mấy từ này theo nghĩa trái lại: đi nơi này nơi khác, không ở yên một chỗ nào. Người Trung Hoa dùng “lang thang” đều có nghĩa là đi mà hông có chỗ dừng nhất định. Như vậy “lang bạt” và “lang thang” đều có nghiã là đi mà không có chỗ dừng nhất định. Nhưng đi trong “lang bạt” có thời gian dài và không gian rộng hơn “lang thang”. Cho nên ta nói: Đi lang thang trên hè phố. Nhưng lại nói: Sống lang bạt ở nơi đất khách quê người.

NHUẬN BÚT VÀ THÙ LAO

“Nhuận” là làm cho ướt. Các nho sĩ ngày trước viết bằng cây bút lông. Cây bút lông để nhiều ngaỳ không dùng thì khô cứng và teo lại. Vì thế, kihi sử dụng, người ta phải thấm nước làm ướt đầu bút chì mới viết được. Từ đó, tiền bạc hay đồ vật đem trả công hay biếu tặng văn nhân, người ta gọi là tiền, là quà làm “nhuận bút”. Như vậy cổ nhân đã đem tiền và quà ấy chẳng khác gì dòng nước mát làm tươi cây bút, đem lại sức sống cho nhà văn, giúp tác giả có điều kiện vật chất để lao động tái sản xuất. “Thù lao” là trả công để bù đắp lao động đã bỏ ra. Không riêng gì chuyện văn chương mà làm bất cứ việc gì người ta cũng có thể nhận thù lao. Như vậy, nói đến việc trả công cho nhà văn mà ta dùng từ “ nhuận bút” thì sinh động, tế nhị và sâu sắc hơn.

NHƯỢC ĐIỂM VÀ YẾU ĐIỂM

“Nhược” là yếu. “Nhược điểm” là điểm yếu kém. Trong từ Hán Việt, “yếu” có nghĩa là “trọng đại, thiết đáng” (HVTĐ). Vậy “yếu điểm” là điểm quan trọng. Cần phân biệt, “yếu điểm” của Hán Việt” với “yếu điểm” của thuần Việt. Cũng cần phải phân biệt “yếu điểm”, “nhược điểm” và khuyết điểm” là điểm thiếu sót.

THAM Ô VÀ THAM NHŨNG

“Tham” là ham muốn, nói về nỗi khao khát có của cải, tiền bạc. “Ô” là nhớp, bẩn. Ta dùng từ “tham ô” để chỉ hành động xấu xa, nhơ nhớp của kẻ lợi dụng uy quyền và chức vụ để ăn cắp của công. “Nhũng” là lộn xộn, rối ren. “Tham nhũng” là lợi dụng địa vị, quyền hành để quấy rối dân, để sinh việc, hại người mà lấy của. Cần phân biệt “tham ô”, “tham nhũng” với “hối lộ” là lấy tiền đút lót cho kẻ có thế lực để chạy việc (HVTĐ).

QUẢN CHẾ VÀ QUẢN THÚC

Bộ luật hình sự của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam định nghĩa: “Quản chế là buộc người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương”. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú. “Thúc” là trói buộc. Như vậy, “quản thúc” có phần chặt chẽ và nhiều giới hạn hơn “quản chế”. Ta có nhóm từ “quản thúc tại gia” nghĩa là không được ra khỏi nhà.

TỰ TỬ VÀ TỰ VẪN

“Tự” là do mình chứ không do ai khác. “Tự tử” là tự mình làm chết mình. “Tự tử” đồng nghĩa với “tự sát”, “tự vận”. “Tự vẫn” được dùng để chỉ riêng trường hợp dùng dao cắt cổ mà chết. Cần phân biệt “tự vẫn” với “tự ái” là treo cổ mà chết, “tự trầm” là nhảy xuống nước mà chết.

VĂN CHƯƠNG VÀ VĂN HỌC

“Văn” có nghĩa gốc là đường vân của gỗ. Từ đó, “văn” là những gì hiện ra ở bên ngoài, khác với “chất” là cái chứa đựng ở bên trong. Theo Phan Kế Bính, trong Việt Hán văn khảo, “văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng”, “đem tính tình tư tưởng diễn ra thành lời nói sáng đẹp thì gọi là văn chương”. “Văn học” là sự học hỏi, nghiên cứu văn chương.

VĂN HÓA VÀ VĂN MINH

“Văn hóa” là “tổng thể những giá trị vật chất do con người tạo ra trong quá trình lịch sử (TĐTV), “văn minh” là văn hóa đã đạt tới một trình độ nhất định, với những đặc điểm riêng, tiêu biểu cho một xã hội rộng lớn, một thời đại hoặc cho cả nhân loại (TĐTV).

Văn hóa thường gắn với quá khứ và truyền thống. Văn mình thì đi với hiện tại và hiện đại. Ở những nước nghèo nàn và lạc hậu, muốn xây dựng một nền văn minh hiện đại, người ta chỉ cần trên dưới năm mươi năm, với sự thay đổi một vài thế hệ kỹ sư. Nhưng muốn có một nền văn hóa có bản sắc dân tọc như văn hóa Việt Nam, người ta phải cần đến hàng trăm năm, hang nghìn năm lao động và chiến đấu. Bỏ quên truyền thống để chạy theo cái mới, cái lạ là thái độ sống của những con người thiếu văn hóa… .(Trong khi soạn bài này, chúng tôi có tham khảo cuốn Từ điển Hán Việt (chưa xuất bản) của Bửu Kế).

Trích "Tiếng Việt thực hành" tác giả Hà Thúc Hoan
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top