Về khái niệm quy tắc ngữ pháp

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Mỗi con người bình thường, khi đã biết nói, đều nói và hiểu được tiếng mẹ đẻ một cách hoàn hảo về cơ bản, ít nhất là về phương diện ngữ pháp (tuy đôi khi có thể nói nhịu hay hiểu nhầm). Ðây là một vốn tri thức tuyệt đối, ít nhất là về ngữ pháp cơ bản, tuy không phải là một tri thức hiển ngôn. Thường thường, đến năm tuổi, đứa trẻ đã nắm được toàn bộ ngữ pháp cơ bản của tiếng mẹ đẻ một cách không hiển ngôn.

Biết rằng có thể nói thế này mà không thể nói thế kia, nói thế này "dễ nghe" hay "tự nhiên" hơn nói thế kia, là những tri thức khá minh xác, mà đứa trẻ cũng như mọi người trong cộng đồng đều biết rõ, nhưng là những tri thức không hiển ngôn, nghĩa là người bản ngữ không thể nói rõ bao giờ và tại sao "có thể nói thế này" mà "không thể nói thế kia", hay tại sao nói thế kia lại "khó nghe" hay "thiếu tự nhiên" hơn "nói thế này".

Như vậy ngôn ngữ có những quy tắc mà người bản ngữ nhất trí tuân theo một cách nghiêm túc, và nếu có ai vi phạm thì họ thấy chướng tai và biết là nói "không đúng cách" hoặc ít nhất cũng "thiếu tự nhiên", mặc dầu tự bản thân họ không thể nói rõ mình đang tuân theo những quy tắc gì, nội dung chính xác của những quy tắc ấy ra sao (nếu có ai yêu cầu họ trình bày một cách đủ minh xác để viết thành văn).

Nhiệm vụ của người nghiên cứu ngôn ngữ và soạn sách ngữ pháp chính là nói ra một cách hiển ngôn những điều mà người bản ngữ biết một cách mặc ẩn, những quy tắc mà họ tuân thủ một cách tự nhiên và triệt để mặc dầu không thể tự mình nói rõ nội dung của nó ra, cho biết nó đòi hỏi cái gì và cấm đoán cái gì, trong trường hợp nào thì phải tổ chức từ ngữ lại như thế này hay như thế khác cho thành câu.

Trong khi đó các sách ngữ pháp của ta không bao giờ lập thức được một quy tắc ngữ pháp thực sự của tiếng Việt - trong đó có một số những quy tắc chi phối cách cấu tạo những các ngữ đoạn và mấy trăm quy tắc khác mà người bản ngữ tất nhiên phải biết (một cách không hiển ngôn) để nói và hiểu tiếng Việt. Có chăng cũng chỉ thấy nhắc qua (một cách gián tiếp và đủ mơ hồ để người đọc muốn hiểu thế nào cũng được) những quy tắc ngữ pháp sao lại của tiếng Pháp như "chủ từ đặt trước động từ", "động từ đặt trước túc từ" v.v... thường buộc các tác giả phải xáo trộn các câu tiếng Việt lại cho giống câu tiếng Pháp mới có hiệu lực, hoặc tiện hơn nữa là không bao giờ nhắc đến hàng trăm kiểu câu không giống tiếng Pháp, bị coi như không hề có trong tiếng Việt. Khi nói đến việc "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", người ta chỉ chăm chăm tìm cách thay những từ gốc Hán (làm thành hơn 70% vốn từ thông dụng nhất của tiếng Việt) bằng những từ gốc Môn-khmer, gốc Thái hay gốc Mã Lai (mà không hiểu tại sao người ta thản nhiên gọi là "từ thuần Việt"), tuyệt nhiên không quan tâm đến ý nghĩa chính xác và phẩm chất tu từ học của các từ hữu quan, bất chấp luôn cả tư cách và thái độ cú pháp của các từ ấy trong câu.

Trong khi đó không thấy ai phê phán và phân tích rõ tính chất sai trái hay không "trong sáng" của những lối viết như:

a. Với những yếu điểm ấy làm cho ta không thể quên đi chúng.

b. Qua nghiên cứu cho thấy tính luôn khả thi của kế hoạch.

c. Dù trong tình hình cam go nhưng tất cả họ vẫn vững vàng.

d. Bộ phim được tài trợ bởi PS bảo vệ hai lần.

e. Bằng các cách quản lý ấy không luôn hữu hiệu.

f. Trên mặt nổi lên các mụn đo đỏ.

v.v, v.v.

mà mỗi ngày ta được nghe đọc mấy trăm lần trên các đài và được các biên tập viên thi nhau truyền bá với tần số ngày càng tăng.

Trên kia chúng tôi có nói rằng người bản ngữ, khi đã biết nói, đều có một tri thức tuyệt đối, tuy không hiển ngôn, về tiếng mẹ đẻ, và nhiệm vụ của nhà ngữ học chẳng qua là hiển ngôn hóa cái vốn tri thức ấy, nghĩa là viết nó ra thành văn trên các trang sách ngữ pháp mà thôi. Nếu quả như vậy, công việc của nhà ngữ học chẳng hóa ra vô bổ lắm ru? Và nếu nhà ngữ học cũng vốn là người bản ngữ, công việc của anh ta chẳng phải là dễ như bỡn hay sao?

Vấn đề không đơn giản như vậy. Hiển ngôn hóa một tri thức không hiển ngôn đòi hỏi một phương pháp nghiêm ngặt và một cảm thức tinh tế. Người làm việc ấy phải có tay nghề. Trong lĩnh vực tiếng nói, đó chính là "tay nghề" của nhà ngôn ngữ học. Một người biết đi xe đạp thành thạo không dễ gì trình bày một cách hiển ngôn cái cơ chế hoạt động của các bộ phận trên thân thể mình, không dễ gì biết cách nói rõ các cơ bắp trên lưng, lườn, vai, bụng và tứ chi của mình co duỗi ra sao để giữ cho chiếc xe đạp mình đang cưỡi giữ được thăng bằng và lăn bánh bình thường. Người muốn biết đi xe đạp không thể có được cái kỹ năng được gọi là "biết đi xe đạp" bằng cách học một lớp lý thuyết nhằm hiển ngôn hóa cái kỹ năng ấy. Cách duy nhất là tập đi xe đạp lấy, nghĩa là không tìm cách hiển ngôn hóa cái gì hết. Kỹ năng đi xe đạp tuyệt nhiên không cần được hiển ngôn hóa. Họa chăng chỉ có người nào muốn thiết kế một thứ robot biết đi xe đạp mới phải xây dựng một lý thuyết hiển ngôn về kỹ năng đi xe đạp của con người.

Kỹ năng ngữ pháp của người bản ngữ cũng không hiển ngôn gì hơn kỹ năng đi xe đạp, nhưng có khác ở một điểm quan trọng: khi vào trường học, người bản ngữ năm - sáu tuổi đã thụ đắc xong xuôi cái kỹ năng ấy rồi, và trong những điều kiện giao tiếp bình thường với gia đình và bè bạn, đứa trẻ đã nắm vững (một cách không hiển ngôn) những nguyên lý cơ bản của ngữ pháp tiếng mẹ đẻ. Dù là trong một xã hội không có trường học, cái kỹ năng ấy sẽ ngày càng được củng cố và mấy năm sau đã trở thành điêu luyện nhờ thực tiễn sử dụng trong giao tiếp, tuy vẫn không hiển ngôn như cũ. Cái vốn tri thức ngữ pháp đã học được từ khi mới học nói không tăng thêm bao nhiêu trong khi vốn từ vựng phát triển thêm gấp bội.

Trong một xã hội có văn tự và có trường học, trẻ con khi nhập học đều phải bắt đầu học tiếng mẹ đẻ một cách hiển ngôn, qua việc học thuộc những câu văn được ghi bằng chữ viết và được phân tích một cách hiển ngôn thành những câu và những ngữ đoạn có chức năng ngữ pháp được hình thái hóa theo những quy tắc nhất định, rồi đến lượt mình lại tập viết ra những câu văn theo những khuôn mẫu lý thuyết được trình bày một cách hiển ngôn.

Trong lớp học, kể cả những lớp cao, học sinh và sinh viên hầu như không biết thêm một cái gì mới về tiếng mẹ đẻ mà họ chưa từng biết. Mọi người bản ngữ đều biết tiếng mẹ đẻ một cách hoàn hảo và tường tận qua hoạt động giao tiếp hằng ngày trong cộng đồng. Tri thức của họ về tiếng mẹ hoàn toàn đủ để cho phép họ hiểu bất cứ câu nào nói hay viết bằng bản ngữ, kể cả những câu mà họ chưa từng nghe thấy hay đọc thấy lần nào, và để diễn đạt bất cứ ý nghĩa nào mà họ muốn diễn đạt, kể cả những ý nghĩa mà họ chưa từng diễn đạt hay được nghe người khác diễn đạt bao giờ. Cái mới mà họ học được ở trường chủ yếu là cách hiển ngôn hóa những tri thức không hiển ngôn mà họ đã có từ lâu về tiếng mẹ đẻ. Việc đó là cần thiết, không phải để có thêm những kỹ năng mới - vì vốn kỹ năng đã hoàn chỉnh rồi - mà để ứng dụng những kỹ năng đã có sẵn trong cái vốn ấy vào những tình huống giao tiếp không đủ quen thuộc để làm thành những kích thích tố có thể gây nên những phản xạ ngôn ngữ trực tiếp, tự phát, hồn nhiên như khi đối thoại với người thân trong gia đình, trong thị tộc hay trong đám bằng hữu.

Một trong những tình huống ấy là khi dùng chữ viết để giao tiếp. Người viết, dù là viết thư cho người thân hay viết báo, viết sách, bị đặt vào một tình cảnh rất khác với khi nói năng (dùng tiếng nói để gọi, để yêu cầu hay sai bảo, để ngăn cản, để quở mắng, để than phiền, để bày tỏ, để mơn trớn, để nịnh hót, để thông báo, để dọa nạt, v.v...). Trước hết, cái đối tượng làm đích cho hành động giao tiếp không có mặt ở hiện trường (để phản ứng ngay khi cần, để hỏi lại ngay khi chưa hiểu, v.v...). Thứ đến, người viết không thể tuôn hết cái nhận định làm thành nội dung của câu nói ra trong một thời gian đủ ngắn để cho tri thức ngôn ngữ bất tự giác có thể chi phối một phản xạ hồn nhiên, gần như bột phát. Viết xong một chữ (một "từ"), người gửi thông điệp có quá nhiều thì giờ để lựa chọn từ ngữ, sắp xếp câu văn, cân nhắc những cách diễn đạt. Câu văn viết không thể là một phản xạ hồn nhiên, tự phát: nói chỉ có thể là kết quả của một quá trình vận dụng những tri thức hiển ngôn. Mà những tri thức hoàn hảo về tiếng mẹ đẻ của người bản ngữ lại là những tri thức mặc ẩn, nghĩa là không hiển ngôn. Cho nên nếu không có một vốn tri thức hiển ngôn về tiếng mẹ đẻ, người bản ngữ có nhiều khả năng viết sai, nghĩa là viết ra những câu không đúng với cái mẫu mà mình vẫn tuân thủ khi nói, và nếu có nghe ai nói thì thấy chướng tai ngay.

Ðã đành rằng ngôn ngữ, cũng như phong tục, và cũng như bất cứ thứ gì tồn tại trên thế gian này, đều có chuyển biến, nhưng ngay sự chuyển biến cũng tuân theo những quy luật xác định có thể và cần được hiển ngôn hóa, chứ không phải có tính hú họa hay hỗn loạn. Nhân danh sự "phát triển", có nhiều người hoan nghênh những câu Tây đặc như Nó được tương trợ bởi các yếu tố thuận lợi và lên án những nhận định ngữ pháp dựa trên văn học dân gian, hay cổ điển, cho rằng đó là thứ ngữ pháp cổ lỗ của thế kỷ 18. Chẳng lẽ người Việt hiện đại không còn hiểu được ca dao, tục ngữ hay Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, hay ít nhất cũng không còn thấy đó là thứ tiếng Việt tinh túy, chuẩn mực, đẹp đẽ nhất?

Cái phần phát triển nhanh nhất trong một ngôn ngữ là vốn từ vựng. Mỗi năm vốn từ vựng có thể tăng hàng trăm đơn vị (từ hay ngữ cố định), nhưng ngữ pháp thì có thể đến năm sáu thế kỷ vẫn không có sự thay đổi đáng kể về cơ bản, như ta có thể thấy qua lịch sử hàng trăm ngôn ngữ được biết rõ trên thế giới. Ngữ pháp tiếng Việt của năm 2000 vẫn chính là ngữ pháp tiếng Việt của Quốc âm thi tập (thế kỷ 15). Nếu trong những câu thơ Nôm của Nguyễn Trãi có những câu ta thấy khó hiểu, thì đó hầu hết là do những cách dùng từ cổ (kể cả hư từ) chứ không phải do cú pháp.

Ở đây cũng cần nói rõ rằng ngay trong vốn từ vựng những sự thay đổi không phù hợp với những quy tắc từ vựng cơ bản của tiếng Việt cũng nhanh chóng bị đào thải, chẳng hạn: người lái (<phi công), người bắn (<xạ thủ), học sinh đại học (<sinh viên), giáo viên gái (<cô giáo, nữ giáo viên), sinh viên gái, dân quân gái (<nữ sinh viên, nữ dân quân), máy bay lên thẳng (<máy bay trực thăng), thằn lằn kinh khủng, thằn lằn khủng khiếp (<khủng long), liệt xa đoạn (<đầu máy), độ cao (<cao độ), điểm cao (<cao điểm), vườn hoa (<công viên), trong khi những sự thay đổi nào phù hợp hơn thì được người bản ngữ chấp nhận và giữ lại, chẳng hạn: Chữ thập đỏ (<Hồng thập tự), nhà văn, nhà thơ (<văn sĩ, thi sĩ), nữ tu (sĩ) (<bà xơ, ma xơ), cỡ lớn, quy mô lớn (<đại quy mô, vĩ mô), v.v...

GS Cao Xuân Hạo
(Báo Văn nghệ)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top