Về chữ quốc ngữ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Tác giả Nguyễn Lân Bình là cháu nội của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Với những tư liệu mà gia tộc đang giữ về người ông đã khuất, ông Bình đã bày tỏ quan điểm của mình... Với tinh thần khách quan, gạn lọc, công bằng, Hồn Việt đăng tải ý kiến của ông...

Nguyen_Van_Vinh_tien_phong_hoan_thien_chu_Quoc_ngu.jpg


Công bằng với Lịch sử là việc cần làm, điều này ai cũng hiểu. Tôi xin mạnh dạn nêu những hiểu biết của mình thông qua những ký ức bằng chữ của nhà Văn, nhà Báo, nhà Tình báo Cách mạng lão thành Vũ Bằng; người được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2006, tác giả cuốn sách “Bốn mươi năm nói láo” do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001.

Từ 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các Dân tộc trên thế giới. Không vô cớ ngay từ số báo đầu tiên - Đăng Cổ Tùng báo- ra đời ngày 28/3/1907, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ, Nguyễn Văn Vĩnh đã lý giải với Đồng bào mình về giá trị của chữ Quốc ngữ như sau: “Thường có kẻ bênh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”. Nhờ nhận thức này, Nguyễn Văn Vĩnh lập tức nghĩ đến việc chuyển tải tác phẩm bất hủ Kim Vân Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ (Người giữ bản gốc là Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc). Năm 1909, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh cùng Phan Kế Bính đã dịch toàn bộ tác phẩm vĩ đại của văn hóa Trung Hoa “Tam quốc chí diễn nghĩa” từ tiếng Hán ra tiếng Việt. Cũng trong những năm này, Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người đầu tiên dịch toàn bộ tập truyện Ngụ ngôn của La-phông-ten từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Những việc làm này Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện khi ở độ tuổi ngoài 20! Để làm gì? Ông muốn chứng minh với toàn xã hội và đồng bào mình rằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta, chữ Việt của chúng ta đầy đủ sức lực để chuyển tải những tinh hoa văn hóa trong ngôn ngữ của các nền Văn hóa và các dân tộc khác. Nguyễn Văn Vĩnh không bao giờ là tay sai của Thực dân Pháp! Thậm chí Nguyễn Văn Vĩnh xem chính sách cai trị của Thực dân Pháp là phản bội lại truyền thống lịch sử của nước Pháp, ông thất vọng về điều đó và năm 1914 ông đã đặt tên người con trai thứ tư của mình là Nguyễn Nhược Pháp! Điều này lịch sử sẽ công bằng. Nếu không vì yêu mến dân tộc mình, nếu không vì lòng tự trọng của một người dân sống trong một đất nước bị kìm hãm, đầy dẫy những bất công, chắc chắn Nguyễn Văn Vĩnh sẽ không lao tâm khổ tứ đến mức trong bức thư gửi cụ Phạm Duy Tốn ngày 27/6/1906 từ Mác-xây khi tham dự Hội chợ đấu xảo, ông đã viết: “Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc gây lấy một tương lai tốt đẹp, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phai nhòa trước khát vọng đó để nhuờng cho một niềm vui thích êm ái nhất”. Nhìn lại trong “Bốn mươi năm nói láo” Vũ Bằng đã tả lại quãng đời của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “...ông Vĩnh còn thì giờ đâu mà để ý đến tờ Trung Bắc Tân Văn nữa! phần thì lo nợ, phần lại bận viết bài cho báo Annam Nouveau, phần lại lo dàn xếp câu chuyện gia đình, phần lại lo chống Phạm Quỳnh, “chơi” lại Thực dân Pháp”. Trong loạt bài báo “Từ Triều đình Huế trở về” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Annam Nouveau - 1933, Nguyễn Văn Vĩnh đã khẳng định: Triều đình Huế là một bộ máy bù nhìn! Điều này phù hợp với việc Nguyễn Văn Vĩnh từ chối làm Thượng thư và hơn một lần từ chối Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Nhân cách Nguyễn Văn Vĩnh là ở đó.

Trở lại với Vũ Bằng, ở trang 81 ông đã thuật lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy về Nguyễn Văn Vĩnh: “… (Ông) dịch miệng “Telemac phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phương Dực ngồi ám tả trong khi chính ông quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện Thống sứ Pháp có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là ông (Vĩnh) tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngừng chống nhà Vua”. Ở trang 83 có đoạn: “(Ông) không lúc nào chịu ngồi yên, một mặt cứ đối phó, cứ giải quyết, một mặt cứ lo chiến đấu, chống áp bức và bóc lột”. Trang 85 Vũ Bằng ghi: “… những lời đe dọa âý, khi thì sỗ sàng, khi thì mềm dẻo của Nhà cầm quyền Pháp hồi đó, kéo dài không ngớt trong suốt cuộc đời ông Vĩnh, có khi làm cho ông nức lòng chiến đấu hơn, thà ta chịu khổ sở, thiếu thốn, hiểm nghèo, chớ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của họ mà thay đổi lập trường chí hướng”. Chắc chắn nhà báo Vũ Bằng không tự nghĩ ra những hình ảnh này về con người Nguyễn Văn vĩnh, vì nếu thiếu tính trung thực Vũ Bằng không thể là Nhà tình báo của Cách mạng Việt Nam. Những lập luận về quan hệ giữa học giả Nguyễn Văn Vĩnh và nhà Cách mạng Phan Bội Châu tôi biết lâu nay người ta chỉ trích dẫn có 49% sự thật về mối quan hệ giữa hai người. Còn quá nhiều những tư liệu lịch sử về quan hệ giữa cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Văn Vĩnh mà vì hoàn cảnh xã hội và sự thăng trầm của lịch sử nước nhà, chúng ta còn chưa được tiếp cận. Để dễ hình dung cụ thể về mối quan hệ này, chúng tôi xin dẫn bài điếu và câu đối khóc Nguyễn Văn Vĩnh của cụ Phan Bội Châu bằng cả chữ Hán lẫn chữ Việt gửi từ Huế ra Hà Nội khi biết tin Nguyễn Văn Vĩnh qua đời: “Ngày tôi mới về Huế, được gặp ông chủ báo Trung Bắc Tân Văn vào Huế thăm tôi cùng một xe hơi với tôi đi Cửa Thuận. Xe nhà ông, ông cầm lấy lái. Nhân duyên xa lạp chưa trải bao nhiêu mà đường lối Bắc Nam chốc thành vĩnh biệt. Tôi đau cảm quá nên có mấy hàng chữ điếu ông:

- Duyên tương tri nhớ trước 10 năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai, mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận Tấn!

- Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn nở mặt, công nghiệp tuy còn lở dở, thanh âm từng dạt gió Ba Lê!”

Trong giai đoạn lịch sử này, việc tìm kiếm một con đường cứu nước, phát triển giống nòi nhằm thoát ra khỏi cái đâm lầy của chế độ Phong kiến rồi cả đến hệ thống Thực dân kiểu cũ đã xuất hiện rất nhiều những nhà cách mạng có các khuynh hướng khác nhau nhưng đều nhắm tới một mục tiêu là tiến bộ xã hội. Tôi đã đọc trong các tư liệu lưu trữ của thời kỳ này nói đến rất nhiều sự xung khắc giữa các nhà cách mạng thời đó như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh,... Song các vị đó đều rất tôn trọng những tư tưởng của nhau và trân trọng nhau, thực sự là những con người văn hóa.

Chứng minh cho lòng yêu nhạc, cho tình yêu quê hương của một người dân có văn hóa, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết gần một vạn bài báo trong 30 năm liên tục. Để chứng minh cái chất An nam của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã buộc lòng phải làm báo bằng tiếng Pháp đó là tờ L'Annam Nouveau 1931 - 1936 (Do bị chính quyền o ép và vì tiếng Pháp không phải xin phép). Riêng trên tờ báo này, ông đã viết 509 bài phân tích và xã thuyết, rất nhiều bài lên án Chế độ thực dân và bộ máy cai trị lúc đó. Vậy nếu không yêu nước thì ông viết làm gì để đeo vào cổ cái gông cùm của chế độ và buộc phải bỏ xứ sang Lào và vĩnh biệt ở nơi rừng thiêng, nước độc?!

Xin được kết thúc bài viết này bằng nhận thức và chính kiến của Nhà báo Vũ Bằng bộc bạch trong Hồi ký của mình về con người Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “...Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học báo” và “Annam Nouveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà Cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”. Toàn quyền Pasquier nhờ Sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ Ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy thật lớn: từ 60 đến 80 nghìn đồng. Toàn quyền Pasquicr nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông: nếu ông Vĩnh bằng lòng ngừng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết”

Nguyễn Lân Bình
Hồn Việt
 
Mấy nhận xét về chữ quốc ngữ

1. Trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt. Nó sử dụng tự mẫu La Tinh, một hệ thống văn tự phản ánh cấu trúc âm vị học của các ngôn ngữ biến hình kiểu châu Âu, trong đó đơn vị cơ bản là "tiểu âm vị“, một đơn vị được thể hiện bằng một "âm tố“, trong khi đơn vị cơ bản của hệ thống âm vị học tiếng Việt là tiếng, hay ''hình tiết“ (morphosyllabème) - vốn đồng thời là đơn vị ngữ nghĩa và ngữ pháp.

Trong cuốn Âm vị học và tuyến tính (Phonologie et linéarité: Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, SELAF, Paris, 1985), tôi có chứng minh rằng lý thuyết âm vị học hiện hành chỉ có giá trị đối với các ngôn ngữ ''tiểu âm vị“ (micro-phonématiques) như các thứ tiếng châu Âu chứ không thể dùng cho những thứ tiếng đại âm vị (macro-phonématiques) như tiếng Nhật, tiếng Malagasi, và nhất là các thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Việt, trong đó cái đơn vị âm vị học tương đương về cương vị cấu trúc với âm vị Âu châu là âm tiết (tiếng) chứ không phải là âm tố. Một thứ chữ quốc ngữ, chữ ''Pin yin“ hay chữ ''Romaji“ che giấu và xuyên tạc cái cấu trúc âm vị học thực của các thứ tiếng sử dụng nó và làm cho các nhà nghiên cứu lạc hướng hoàn toàn.

2. Đó là xét trên bình diện lý thuyết ngôn ngữ học. Còn trên bình diện thực tiễn, dùng chữ quốc ngữ cho tiếng Việt cũng không có hại bao nhiêu, vì dù sao nó cũng cho phép phân biệt đầy đủ các âm thanh cần phân biệt của tiếng Việt (1). Và mặc dầu việc vay muợn văn tự này, theo ý tôi, là một công việc có phần đáng tiếc, nó vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu. Nhờ đó, một khi „tiếng“ đã được tháo rời ra thành âm, các văn bản tiếng Việt có thể sao đúng chính tả của bất cứ từ ngữ nào (đặc biệt là các tên họ) được viết bằng chữ La Tinh hoặc đã được chuyển tự sang hệ chữ La Tinh.

Điều này làm cho việc phiên âm các tên họ của người nước ngoài trở nên hoàn toàn vô ích và thậm chí rất có hại, nhất là khi ta biết rằng theo thống kê sơ bộ hơn 90 % các tên họ nước ngoài (kể cả người Pháp và người Anh) bị phiên âm sai chỉ vì người viết không biết đọc các tên họ ấy (chứ không phải vì quy tắc chính tả tiếng Việt không cho phép phiên âm đúng).

Vả lại làm sao có thể biết đọc cho đúng tên họ của dăm trăm thứ tiếng trong nhân loại? Trong tình hình văn hoá của thế giới ngày nay, việc truyền thông, trao đổi được thực hiện chủ yếu là qua văn bản, cho nên chính tả quan trọng hơn phát âm rất nhiều. Cái thói phiên âm sinh ra do một định kiến hoàn toàn vô căn cứ (chưa bao giờ được kiểm nghiệm), cho rằng quần chúng ít học và học sinh không thể viết đúng và đọc đúng những từ như volt, watt, ampère hay những tên như Marx, Engels. Thật ra nhiều người trong số chúng tôi đã làm thí nghiệm trên con cái chúng tôi với những kết quả hết sức rõ ràng: chỉ cần chép một vài lần và ôn lại từ ba đến năm lần bằng cách „ám tả“ theo trí nhớ là các cháu đủ thuộc vài chục tên riêng cho đến bốn năm năm sau, cùng với vài ba trăm tên khác được học thêm trong những năm kế theo. (2)

3. Kể từ những năm 20 của thế kỷ cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, đã có nhiều người Pháp đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ mà họ cho là bất hợp lý. Rồi đến khi miền Bắc được giải phóng, suốt ba năm trời đã diễn ra không biết bao nhiêu cuộc họp, đã in không biết bao nhiêu bài vở và kỷ yếu bàn về cách cải tiến chữ quốc ngữ, rồi cuối cùng người ta mới nhận ra rằng đó là một công việc không những hoàn toàn vô ích mà còn hết sức có hại, lặp lại một cách vô duyên một giai đoạn đã qua của lịch sử chính tả ở châu Âu mà ngày nay người Anh và người Pháp mỗi khi nhớ lại không khỏi cảm thấy bẽ bàng.

Số là năm 1897, sau khi Hội Ngữ âm học quốc tế (IPA) ra đời và công bố hệ tự mẫu gọi là Alphabet Phonétique International, một số hội viên và hàng trăm người khác khởi động một phong trào rầm rộ cực lực lên án chính tả Anh và Pháp mà họ cho là hết sức phi lý, cần phải bỏ ngay vì đó là ''một nghĩa địa của những hình thái cổ lỗ đã lỗi thời từ lâu“ để thay nó bằng một thứ chữ viết phản ánh cách phát âm một cách trung thành và nhất quán, theo nguyên tắc ''mỗi chữ ghi một âm và mỗi âm ghi bằng một chữ“.

May thay, với sự đóng góp của những người am hiểu ngôn ngữ hơn, người ta đã nhận ra rằng chữ viết có một chức năng khác với lời nói, chủ yếu là ở chỗ người đọc một văn bản rất khác với người tham gia đối thoại, và chữ viết được đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai, cho nên cách nhận diện từ ngữ trên một văn bản rất khác với cách nhận diện từ ngữ khi nghe một lời nói bằng miệng với sự hiện diện của người phát ngôn ngay trong khi đối thoại.

Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hoá. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng, một Gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa. Và cái Gestalt thị giác do cách viết tạo nên được liên hội với cái nghĩa của từ ngữ bất chấp cách phát âm ra sao, và nhờ đó mà người đọc phân biệt được các từ đồng âm mặc dầu không có sự giúp đỡ của tình huống đối thoại hay của sự hiện diện của người đối thoại mà người kia có thể hỏi lại ngay khi không hiểu vì không biết người phát ngôn muốn dùng từ nào trong số những từ đồng âm.

Đó là chưa nói rằng chính tả còn cho biết khá nhiều điều hữu ích về từ nguyên, và do đó, về nghĩa của những từ dùng căn tố Hy Lạp, La Tinh hay Sanskrit, về gốc gác của những tên riêng, và do đó, về quốc tịch hay tôn giáo của người đương sự. Cho nên từ khi có cái phong trào ''bài xích và cải cách chính tả Anh, Pháp“ cho đến nay đã đúng một thế kỷ mà hai hệ thống chính tả này vẫn tồn tại y nguyên, và ngày nay họa chăng chỉ có những người không được bình thường may ra mới còn nghĩ đến chuyện cải cách chính tả Anh hay Pháp, mặc dầu so với chữ quốc ngữ, hai thứ chính tả này còn xa cách phát âm gấp bội.

4. Chữ viết không phải là phiên âm, vì ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh: nó còn có nghĩa nữa. Cho nên một hệ thống chữ viết lý tưởng phải phản ánh, ít nhất là một phần cái nghĩa của từ ngữ. Từ cổ đại, loài người đã có một hệ thống chữ viết gần đạt đến cái lý tưởng ấy: chữ Hán. Một bằng chứng sáng rực của tính ưu việt của chữ Hán là hiệu quả tuyệt vời của việc sử dụng nó cho một ngôn ngữ thuộc một loại hình hoàn toàn khác tiếng Hán: tiếng Nhật, một thứ tiếng đa âm tiết thuộc loại hình chắp dính (agglutinating). Khi dùng cho tiếng Nhật, nếu không kể mợt số rất ít những từ gốc Hán được người Nhật phát âm hao hao như tiếng Hán (các từ Hán - Nhật còn giữ dạng đơn âm hay chỉ biến thành song âm), chữ Hán chỉ biểu thị nghĩa, rồi thông qua nghĩa mà biểu thị âm (khi hiểu nghĩa rồi, người Nhật mới chọn giữa hai ba cách phát âm có thể bằng cách căn cứ vào văn cảnh). Dựa vào những thành quả ngoạn mục của việc dạy tiếng Anh bằng chữ Hán cho các học sinh Mỹ mắc chứng dislexia (không học được cách ''đánh vần“), một số nhà ngữ học Mỹ đã thấy rõ tính ưu việt của một hệ thống văn tự phi ngữ âm và đã đi đến chỗ tin rằng đó chính là thứ chữ tương lai của nhân loại.

Vả lại ai cũng biết rằng chính là nhờ chữ Hán mà người Trung Quốc, vốn nói nhiều ngôn ngữ khác nhau (về phương diện ngôn ngữ học, tiếng Bắc Kinh, tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu là những ngôn ngữ khác nhau chứ không phải là những phương ngữ, vì khoảng cách giữa các thứ tiếng ấy xa hơn khoảng cách giữa các ngôn ngữ Salvian như tiếng Nga và tiếng Nam Tư (Serbo - Croatian) hay tiếng Bulgari rất nhiều), có được một công cụ giao tiếp chung. Một nhà ngữ học Pháp gọi chữ Hán là ''một thứ esperanto cho đôi mắt của các thần dân Trung Hoa“. Thứ esperanto này còn có tầm tác dụng vượt xa bờ cõi Trung Quốc: nó còn là phương tiện giao tiếp đắc lực giữa người Hán và cá sứ giả ''man tộc“ như người Hàn, người Nhật, người Giao Chỉ, người Hồ, và các thứ ''rợ“ khác, vốn thường bút đàm với người Hán (và với nhau) hơn là ngôn đàm.

5. Nói đến đây, tôi chắc chắn các vị hiểu tại sao chính tả tiếng Anh và tiếng Pháp ''bất hợp lý“ đến thế mà vẫn không thể thay đổi được. Khi lớn tiếng lên án chữ viết đương thời, những người Anh và những người Pháp cấp tiến ngày ấy cũng như những người Việt cấp tiến của thời kỳ 1954 (và ngay đến ngày nay hình như vẫn còn sót lại) chỉ chăm chăm vào một tiêu chuẩn duy nhất: ngữ âm (hay âm vị học). Họ phán xử hệ thống chính tả bằng cách đạt câu hỏi: Nó đã phản ánh thật đúng cách phát âm chưa ? Nó đã nhất quán đi theo nguyên tắc ''âm và chữ tương ứng một đối một“ hay chưa ? Còn những tiêu chuẩn khác thì họ không cần biết đến.

Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến tiêu chuẩn ''truyền thống“ hay ''tập quán“. Như trên kia đã nói, khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, cái diện mạo ấy trở thành cái hồn của chữ nghĩa. Nó biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ không cần thông qua cách phát âm (vốn thay đổi tùy theo từng vùng), thành thử mọi mưu đồ cải cách đều là một sự xúc phạm đến truyền thống văn hoá. Viết gia (trong gia đình) thành za hay da, viết lý (trong luân lý) thành lí, viết yêu thành iêu hay iâw, viết qua thành kwa hay cwa trong nhiều thập kỷ nữa vẫn sẽ được tri giác như những lỗi của một lớp người thiếu hiểu biết, nếu không là một lớp người coi khinh hàng chục thế hệ đi trước, trong đó có những bậc thầy đã dựng nên cả một nền văn học hiện đại. Và như thế để làm gì ? Chẳng lẽ chỉ vì muốn tiết kiệm khoảng 2% luợng giấy in sách ? Chỉ cần tiết kiệm cỡ chữ ''corps 10“ bằng cỡ chữ ''corps 9“ cũng tiết kiệm được gấp mười lần như thế. Dĩ nhiên, một cuộc cải cách như thế sẽ không có hại gì đến mấy triệu học sinh vỡ lòng mới bắt đầu học thứ chữ mới.

Nhưng ta cứ thử tính số tiền tổn phí để in lại tất cả các sách vở cần thiết cho các thế hệ học chữ mới. Và thử tính xem có sáu mươi mấy triệu người lớn trở thành mù chữ (hay ít ra cũng thành những người dốt nát chuyên viết sai chính tả do những tập quán cũ và cách đánh vần các văn bản một cách khó nhọc, ít ra là trong dăm bảy năm sau cải cách).

Nhược điểm của chữ quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng gần giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như gia và da, lý và lí (trong lí nhí) (3) v.v.

Đáng tiếc là những trường hợp như thế không lấy gì làm nhiều. Nhưng có vẫn còn hơn không, như khi ta thay chữ quốc ngữ bằng một thứ chữ thuần túy ghi âm. Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai họa không còn hoán cải đuợc nữa, nhưng ta còn có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn bắt buộc ở trường phổ thông. Người Việt sẽ không thể giỏi tiếng Việt nếu không thấu đáo nghĩa của các từ Hán-Việt, vốn chiếm tỷ lệ hơn 70% trong vốn từ vựng tiếng Việt.

GS Cao Xuân Hạo
(Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa - NXB Giáo Dục, TP Hồ Chí Minh, 1998)

(*) Báo cáo đọc tại Hội nghị "Chữ quốc ngữ và sự phát triển của văn hoá Việt Nam", Trường Đại học Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh 1995

(1) Về những cái lợi và cái hại của chữ quốc ngữ, xin xem bài Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn? (Kiến thức ngày nay, số 14, ngày 15-6-1994). Cũng xin xem thêm các mục dưới dây.
(2) Xin xem bài Về cách viết và cách đọc các tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt, cũng đăng trong tập này.
(3) Xem thêm Cao Xuân Hạo, 1996


Nguồn: e-cadao.com
 
Chữ nho với văn quốc ngữ


Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh-Luận giải văn học và triết học/ Nhà xuất bản văn hóa Thông tin-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây


Văn quốc ngữ do Hán văn mà ra, không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được; nhưng hiện nay chữ Hán không mấy người biết nữa, làm thế nào cho quốc văn thành được? Có thể bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm được không?

Nếu không thể bỏ được, thì cách dùng chữ Hán trong quốc văn phải thế nào cho thích hợp? Cả cái vấn đề “chữ Nho với văn quốc ngữ”, rút lại chỉ ở một câu sau đó mà thôi, vì ai cũng thừa biết rằng bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm không thể được, quốc văn mà dời cái khuôn phép của Hán văn không sao thành lập được, ai cũng đã thừa biết như thế rồi, dẫu có người ngoài mặt không chịu công nhận, mà trong lòng cũng phải ám nhận như vậy.

Nay muốn bàn về vấn đề ấy cho tường, tưởng nên chia ra hai đoạn như sau đây:

1. Quốc văn là do Hán văn mà ra, không thể bỏ chữ Hán mà không dùng được, cũng không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được;
2. Sự dùng chữ Hán trong quốc văn đã là một lẽ tất nhiên rồi, thì phải dùng thế nào cho thích hợp?

Điều thứ nhất thì phàm người nào đã biết lịch sử nước nhà cũng phải công nhận như vậy. Nước ta học chữ Tàu trong hai nghìn năm, trong hai nghìn năm lấy chữ Tàu làm văn tự chung trong nước. Chữ Tàu phổ thông trong dân gian cho đến nỗi ngày nay vẫn còn có người gọi Hán tự là “chữ ta”, “chữ Việt Nam”. Thử về chốn nhà quê mà đưa cho ông già hay đứa trẻ con một tờ chữ Nho hỏi là chữ gì, tất ai cũng đáp là “chữ Việt Nam”. Mười năm, hai mươi năm về trước, cử quốc theo Hán học, có ai nghĩ đến cái chữ mình học là chữ của ngoại quốc đâu? Hiện nay trong phái cựu học ở Bắc Kì, Trung Kì cũng vẫn còn nhiều người như thế. Cái tư tưởng lấy lời Nôm làm quốc văn là tư tưởng mới phát ra gần đây mà thôi, và cũng chưa vào sâu trong dân gian cho lắm.

Trước kia quốc văn tức là Hán văn, Hán văn tức là quốc văn, tự nhiên như vậy, không ai bận lòng mà phân biệt chữ nào là chữ ngoài, tiếng nào là tiếng mình, chỉ biết "văn" thì duy có Hán văn mà thôi, mà “Nôm” là lời tục trong dân gian của những kẻ không biết “chữ”. Ta không phải phán đoán cái đó là phải hay không phải, nên hay không nên, chỉ biết rằng đó là sự hiển nhiên như thế và là cái chứng rõ rằng chữ Hán đã tiêm nhiễm vào trong trí não người nước Nam sâu lắm rồi, đã thành cái biểu hiện tự nhiên cho tư tưởng cảm giác của người mình trong mấy mươi thế kỉ nay.

Con khóc cha cũng làm văn tế bằng chữ Nho, chồng dặn vợ cũng viết thơ từ bằng chữ Nho; coi đó thì biết chữ Nho phổ thông là dường nào, tức là cái văn tự độc nhất vô nhị của nước mình. Mười năm, hai mươi nhìn về trước, nếu ta bảo một người học trò nho rằng: “Cái chữ của bác học đó là chữ của nước ngoài, sao bác không học tiếng nước mình, sao lại bỏ của mình mà đi mượn của người cho nó phiền”, tất họ kinh ngạc không hiểu là chuyện chi, rồi cười mà cho mình là người cuồng. Tất trong bụng họ nghĩ: “Chữ của ông cha, của tổ tiên mình, vẫn học xưa nay, của cả nước mình tự vua quan cho đến người thường dân ai cũng biết, sao lại gọi là trong với ngoài? Sao lại gọi của mình với của người? Anh này gàn thật? Vẫn biết rằng chữ Nho là từ Tàu đem sang, nhưng đem từ đời kiếp nghiệp lai nào, mình học đã tự bao giờ đến giờ, thì là chữ của mình chứ, còn của ai”.

Xét cho cùng, lời nói đó, tuy mới nghe tưởng là vô lí, mà thật cũng có lẽ lắm.

Chữ Nho tuy phát tích tự Tàu, mà từ thượng cổ đã không phải là một văn tự riêng của một dân tộc Tàu. Chính nước Tàu đời xưa cũng không phải là một nước, thực là một “thế giới” bao gồm biết bao nhiêu dân, bao nhiêu nước khác nhau. Mỗi dân có một tiếng nói riêng, mỗi nước có một phong tục riêng, có dân nội thuộc rồi độc lập mà vẫn chịu văn hóa của Trung Hoa.

Văn hóa ấy tràn khắp một cõi địa cầu, cảm hóa mấy trăm triệu người, dẫu văn hóa Hi Lạp, La Mã bên Tây phương cũng không bành trướng được rộng bằng. Khí cụ để truyền bá cái văn hóa ấy, tức là chữ Nho. Chữ Nho là một thứ chữ viết, không phải là một thứ tiếng nói: đem vào nước nào thì theo thanh âm của nước ấy mà đọc ra, chữ vẫn là chữ chung mà đọc theo thanh âm nước nào thành ra lời riêng của nước ấy, nước nào cũng học chữ ấy mà đọc khác đi, nghe nhau không hiểu phải viết ra chữ mới hiểu được. Không những các nước ở ngoài nước Tàu, mà đến các tỉnh nội địa Tàu, tỉnh nọ đối với tỉnh kia cũng vậy; một người khách Quảng Đông với một người khách Bắc Kinh nói chuyện với nhau, tuy toàn là lời chữ Nho mà hai người tuyệt nhiên không hiểu gì cả, phải “bút đàm” mới biết là chuyện gì. Cho nên người Tàu phải đặt ra một thứ tiếng riêng gọi là “quan thoại” để giao thông với nhau, nhưng quan thoại là thứ tiếng của người làm việc quan mà thôi, ai có học mới biết, cũng như là học một thứ tiếng ngoài ấy. Ấy người Tàu với nhau còn vậy, huống chi là người Nhật Bản, người Việt Nam, hay là người Cao Ly, tuy cũng chịu văn hóa của Trung Quốc, và lấy chữ Nho làm văn tự, nhưng thâu nhập sang nước mình đã hầu thành như riêng của mình rồi. Thí dụ như hai chữ “văn minh” vốn là hai chữ Nho, mà tiếng quan thoại Tàu đọc là wenming, tiếng tỉnh Quảng Đông bên Tàu đọc là men min, không biết tiếng tỉnh Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Vân Nam, Quy Châu, v.v., hay là tiếng Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng là những đất phiên ly của Tàu, còn đọc khác đi đến thế nào; đến tiếng Việt Nam ta thì đọc là văn minh, mà tiếng Nhật Bản thì đọc là bunmei: Bấy nhiêu xứ chỉ chung nhau có hai cái hình chữ, còn thanh âm thì khác nhau biết dường nào. Hai cái hình đó giá cho là của Cao Li, của Nhật Bản, của Việt Nam hay là của Mãn Châu cũng được. Chỉ vì nó xuất hiện ra trước nhất ở đất nước Tàu, chỉ vì ngày nay người Tàu dùng nó nhiều hơn cả, nên ta gọi nó là chữ “Tàu” mà thôi. Bởi thế cho nên nước nào xưa nay dùng thứ chữ đó cũng tự nhận là chữ của mình, mà thiệt dễ cũng là chữ của mình đến một nửa, vì mình viết nó có giống người mà mình nói nó ra giọng mình, người không hiểu được thế chẳng phải là của mình hay sao? Nói rút lại, chữ Nho, nhất là chữ Nho “cổ văn” ta học có thể cho là một thứ “tử văn”, nghĩa là một thứ chữ người ta không dùng để giao thông bằng lời nói được, vì nó không có thanh âm nhất định, mà chỉ học để tập luyện trí thức, để thấu hiểu các văn chương nghĩa lí của người đời trước để lại, văn chương nghĩa lí ấy là cái kho báu chung của một phần nhân loại. Tức cũng như văn Hi Lạp, văn La Mã bên Âu châu: văn Hi Lạp, văn La Mã cũng là “tử văn”;_ ngày nay có còn ai nói tiếng Hi Lạp, tiếng La Mã như trong sách Homère hay sách Cicéron nữa đâu? Tiếng Grec, tiếng Italien ngày nay không có giống tiếng Hi Lạp, La Mã đời xưa một chút nào. Các nước Âu châu xưa nay học chữ La Mã, chữ Hi Lạp, mượn hai thứ chữ ấy mà đặt tiếng mình, cũng tức như Việt Nam ta học chữ Nho, mượn chữ Nho mà đọc chữ Nho ra âm vận Việt Nam vậy. Chỉ khác nước ta chịu văn hóa Nho học lâu đời quá, nên tiếng Việt Nam đối với chữ Nho có cái quan hệ mật thiết hơn là tiếng các nước Âu châu đối với chủ Hi Lạp hay chữ La Mã. Các nước Âu châu không nước nào trong hai nghìn năm chỉ chuyên học chữ Hi Lạp hay chữ La Mã như nước ta chuyên học chữ Nho vậy. Nhưng cái lí cũng như nhau. Vì nếu có nước nào như vậy, thì tình trạng quốc văn của nước ấy tất cũng không khác gì quốc văn ta bây giờ, nghĩa là không thể thoát li văn tự cũ mà thành được.

Ngày nay những người phản đối chữ Nho thường lấy hai cớ như sau này:

Một cớ là chữ Nho là chữ của người Tàu, người Tàu trong bao nhiêu lâu đã áp chế dân mình, hiện nay vẫn còn tranh hết lợi quyền của người mình về đường buôn bán. Người Việt Nam nên ghét người Tàu mới phải, cớ chi lại học chữ Tàu, dùng chữ Tàu, để chịu lấy cái áp chế vô hình của người Tàu nữa? - Người nào nói như vậy là lẫn việc văn tự với việc chính trị, việc kinh tế. Người Tàu xưa kia về đường chính trị đã áp chế ta nhiều, ta nên ghét là phải, nhưng sự ghét đó là thuộc về lịch sử, vì là việc cũ rồi; người Tàu ngày nay về đường kinh tế vẫn tranh cướp lợi quyền của ta nhiều, ta không ưa cũng là phải, nhưng không ưa thì phải làm thế nào, phải bày mưu lập kế thế nào mà tranh lại những quyền lợi đó mới được, chứ cứ nói ghét ngoài miệng thì có bổ ích gì? Còn như chữ Nho là văn tự của Tàu thì hiện không có quan hệ gì đến chính trị kinh tế cả. Trên kia đã nói chữ Nho là một thứ “tử văn” chung cho cả các nước Á đông đã chịu văn hóa của Nho học. Ta học chữ Nho không phải là chịu quyền chuyên chế của người Tàu, tức cũng như người Âu châu học chữ La tinh không phải là chịu quyền chuyên chế của người Ý-đại lợi ngày nay. Ta học chữ Nho mà thử mở quốc sử coi, biết bao nhiêu phen ta đánh Tàu siểng liểng, đuổi người Tàu ra ngoài bờ cõi nước nhà? Xét về vấn đề này phải phân biệt rõ ràng, không nên lẫn việc nọ với việc kia mà cho rối trí.
Cớ thứ hai là nước ta trong hai nghìn năm theo đòi Nho học của Tàu, mà đến đời nay, trước khi nước Pháp sang bảo hộ, thế nước yếu hèn như vậy, dân trí bán khai như vậy, phần nhiều là tại Nho học. Nho học đã chẳng ra gì, mình còn nên đâm đầu vào học chữ Nho làm gì nữa? - Những người nào nói như thế thật là không có tư tưởng gì về lịch sử, và là bội bạc với tiền nhân. Không biết rằng nước mình được như ngày nay đã từng có một cuộc lịch sử cũng lắm đoạn vẻ vang chẳng kém gì người, thật là nhờ ở Nho học nhiều. Những bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, cao nhân, hiển vinh cho nước, bởi đâu mà làm nên sự nghiệp vĩ đại; bởi đâu mà để lại tiếng thơm đời đời? Chẳng phải là nhờ Nho học mấy đời hun đúc mới nên dư? Chẳng phải là Nho học đã gây đựng ra gia đình, xã hội, quốc gia của ta dư?
 
tiếp theo

Chắc ngày nay Nho học đã nhiều phần quá cũ rồi, không hợp thời nữa, nhưng cũ là về phần hình thức mà thôi, còn phần cốt cách tinh thần, còn cái gốc đạo đức của Nho học thì cùng với núi sông mà sống mãi muôn đời; ta nên bỏ là bỏ phần hình thức phiền toái, còn phần cất cách tinh túy phải giữ lấy, vì nước ta còn có mặt trên địa cầu là còn phải nhờ cái tinh thần cố hữu ấy mới sống được. Nhưng muốn giữ tin tất thông thuộc tiếng nước mình, biết làm văn bằng lời mình, hiểu các lẽ cương thường luân lí của tổ tiên, tỏ các công việc lớn lao của đời trước, nghĩa là trước nhất đủ cái tư cách làm một người Việt Nam xứng đáng, bấy giờ mới học tiếng nước ngoài và thâu thái lấy những điều hay lẽ phải mình chưa biết. Hiện nay không có cái giáo dục chung cho cả quốc dân như vậy, thành ra người nào theo Tây học từ thuở nhỏ, tuy nhiều người học giỏi thành tài, mà hình như càng ngày càng cách biệt với quốc dân, lời ăn tiếng nói cho đến cách tư tưởng cảm giác không gì là giống với người mình. Như vậy thì hiểu làm sao được những điều cốt yếu trong nước, hiểu làm sao được rằng Nho học là cái học đã đào tạo ra người mình, quốc văn là cái văn nguồn gốc tự chữ Nho, không thể bỏ chữ Nho mà thành lập được? Ấy, bởi người mình không có một cái gốc giáo dục chung nên mỗi ngày một phân lìa xa cách nhau, đối với một vấn đề quan trọng là vấn đề quốc văn mà mỗi người bàn một cách, mỗi người nghĩ một đường, cách biệt nhau như kẻ Việt người Tần vậy! Than ôi! câu chuyện quốc văn cứ bình tĩnh mà xét tưởng không lấy gì làm khó cho lắm, mà vì phân lìa xa cách đó thành ra một vấn đề rất phiền phức khó giải, khó là bởi mỗi phe đứng một phương diện, có mấy điều cốt, có mấy lẽ chính, không chịu công nhận trước, đã vội ra sức tranh biện, chắc không bao giờ đồng ý nhau được. Trước khi bàn về quốc văn, các nhà tân học phải hiểu rằng quốc văn không phải bỗng dưng mà thành được không phải không nương tựa vào đâu mà dựng nên được, tất cũng như muôn vật ở đời phải có nguồn gốc tự đâu mà ra, và nguồn gốc ấy chính là Hán văn. Nay muốn ngăn nguồn bạt gốc đi thì mong sao cho thành lập được? Phải lấy bình tĩnh mà suy xét như vậy, không nên lấy cớ mình không biết chữ Nho mà cố đòi bỏ chữ Nho đi cho tiện, thế sao gọi là nghị luận công bằng được? Bàn thế là thiên về phương diện cá nhân, không phải là cách bàn chính đáng. Đã hay rằng hiện số người không biết chữ Nho mỗi ngày một nhiều, nhưng không biết bởi quá theo thời mà quên gốc cũ, không thể cưỡng bắt quốc văn cũng vong bản được. Người vong bản không thành nhân cách, văn lạc nguồn không thể thành văn. Người còn có thể như cái chong chóng, theo chiều gió mà xoay, văn tự một nước phải có cốt cách tinh thần, phải có tiếp trước nối sau mới thành lập được. Đó là lẽ thực giữa đời, lẽ phải đương nhiên, ai cũng phải công nhận trước đã, rồi mới nên bàn về quốc văn.

Nay nói rằng chữ Nho cần cho quốc văn, không phải là cầu cho người mình lại trở về cái cách học phiền toái đời xưa đâu. Cách học đó đã không thành kết quả tất trong bấy lâu, nay bỏ được là may lắm. Nhưng bỏ là bỏ cái phép dạy phép học quá cũ của đời xưa mà thôi, không phải là bỏ hẳn chữ Nho mà không học nữa. Trong tập du ký Nam Kỳ, tôi đã từng giải về lẽ đó. Tôi nói rằng: "Ngày nay cần phải biết chữ Nho, không phải rằng phải học chữ Nho như lối ngày xưa đâu; không phải rằng phải học cho làm được thơ, được phú, được văn sách, kinh nghĩa như xưa đâu; không phải rằng lại phải trở về cái lối học khoa cử phiền toái, khảo cứu tỉ mỉ như xưa đâu: Xưa học chữ Nho là vì chữ Nho mà học chữ Nho, nay học chữ Nho là vì quốc văn mà học chữ Nho. Mục đích đã khác, phương pháp cũng phải khác.
Xưa phải dùi mài kinh sử, nung nấu cổ văn, phí mất một phần đời người mới chiếm được một tên trên bản vàng, mới được thanh danh nhà văn sĩ. Nay chỉ học cho đủ sự cần dùng về quốc văn mà thôi, chỉ học cho đủ hiểu hết một quyển Kim Vân Kiều hay một quyển Lục Vân Tiên mà thôi, thì tưởng cũng chẳng khó khăn gì. Trước trăm phần, nay không được một phần. Nhưng cái một phần ấy rất cần, không biết thì không thể nào cầm ngọn bút mà viết thành bài văn quốc ngữ được, dầu tài giỏi khôn khéo đến đâu cũng. không làm thế nào ra cái hơi văn Việt Nam được, vì cái hơi cái giọng ấy là tự mấy mươi đời truyền lại cho ta, không phải tự mình ta đặt lấy ra được. Cho nên những người nào đã quyết không cho văn quốc ngữ là cần, đành bỏ vào cái địa vị đào thải, chỉ đợi đến ngày tiêu diệt cho xong, thì không nói làm chi, còn ai đã có bụng thương đến tiếng nước nhà, muốn gây dựng cho thành một nền quốc văn xứng đáng, thì không thể nào đoàn tuyệt với cái cổ điển của ông cha được, mà cái cổ điển ấy, ngoài chữ Nho không kiếm đâu cho thấy được”.

Vậy nay muốn của quốc văn thành lập, người nước ta không thể bỏ chữ Nho mà không học được. Phải nên bỏ cái lối học phiền, lối học cầu kì câu nệ đời xưa, nhưng chính chữ Nho không nên bỏ, vì bỏ không được. Duy có không cần phải học nhiều như người trước, chỉ phải học vừa đủ cho biết những chữ cần dùng cùng những lề lối thường của Hán văn mà thô,. để lâm thời có thể mượn và dùng trong quốc văn: và khi đọc những thơ văn Nôm của người trước để lại có thể hiểu ngay được.

Cách học như vậy, tưởng không khó gì, chỉ dụng công trong vài năm là thông, đủ đọc được những sách thông thường bằng Hán văn. Vì như ở trên đã nói: ta học cho Hán là vì quốc văn mà học, để giúp ích cho quốc văn, không phải là vì chữ Hán mà học như xưa nữa. Quốc văn là phần chính, chữ Hán là phần thuộc; quốc văn là cứu cánh, chữ Hán là phương tiện, nhưng là cái phương tiện rất cần, không có không được. Thế là đủ, không cần phải học hơn nữa.

Nay đã giải rõ các lẽ đủ biết rằng chữ Nho cần cho quốc văn, không thể bỏ chữ Nho mà mong quốc văn thành được. Vậy xét đến đoạn thứ hai và bàn về cách nên dùng chữ Nho trong văn quốc ngữ thế nào cho thích hợp. Đã nói cả vấn đề quốc văn chỉ rút lại có một câu hỏi đó mà thôi.

Các nhà để bụng về quốc văn trước sau cũng chỉ tranh biện nhau có một câu đó mà thôi. Những người hẹp hòi thiên lệch không chịu nhận rằng tiếng nước mình đối với chữ Nho có cái dây liên lạc rất bền chặt không thể cắt đứt đi được, thì không nói làm chi, còn những người đã biết như vậy, vẫn còn phân vân chưa biết nên dùng chữ Nho thế nào cho thích hợp. Người thì nói hiện nay những chữ gì đã thường dùng: nhiều người biết rồi thì cứ nên dùng: vì những chữ ấy hình như đã “nhập tịch” vào tiếng Việt Nam rồi, còn những chữ gì khó và lạ không nên dùng. Người thì nói sự dùng chữ Nho là một sự bất đắc dĩ, phàm cái gì có thể nói ra Nôm được thì không nên dùng chữ, dù cho đã thông dụng mặc lòng; còn cái gì Nôm vốn không có mà có thể đặt tiếng mới ra cũng nên đặt, còn hơn là mượn chữ sẵn. Lại người thì nói cách dùng cho Nho phải để tùy nhà văn, chọn chữ nào là đẹp lời, lọn nghĩa, dễ đọc, dễ nghe, hợp với ý nghĩa câu văn thì cứ việc dùng, không quản gì là chữ đã thông dụng hay chưa thông dụng, nhiều người biết hay ít người biết, vì nếu chưa thông dụng dùng rồi mà hay tất thông dụng, nếu ít người biết dùng rồi mà phải tất nhiều người biết. Vả chữ Nho là cái kho vô tận, nhà văn ta được tha hồ mà kén chọn, mà lượm lặt, mà điều hòa với tiếng Nôm cho quốc văn mỗi ngày một phong phú thêm lên. Lại người thì cho rằng bao nhiêu những chữ về cách trí triết học Tàu tuy cũng dịch theo Âu châu mà chữ Tàu lão luyện thâm thúy, dịch vừa đúng nghĩa, vừa trang nhã, tiếng Nôm mình không bao giờ dịch cho bằng được, ta cứ nên mượn cả của Tàu mà dùng; còn các chữ thường khác thì để tùy ý nhà văn muốn dùng thế nào thì dùng, miễn là lời lẽ được chải chuốt thanh thoát thì thôi.

Bấy nhiêu người nói đều có lẽ phải cả, mỗi người phải ra một đường, nhưng chưa ai bàn thấu triệt đến căn để mà bày được một phép tắc nhất định làm chuẩn đích. Cứ thực mà nói, sự dùng chữ Nho trong quốc văn thật không thể nhất định thế nào là vừa phải được? không biết lấy gì làm bằng mà đặt phép tắc được. Như luận giả thứ nhất nói chỉ nên dùng những chỗ thông dụng mà thôi, nhưng cũng khó lòng mà biết chữ gì là thông dụng, chữ gì là không thông dụng, chữ gì là đã “nhập tịch” tiếng Việt Nam, chữ gì là chưa “nhập tịch”. Nếu gọi chữ thông dụng là những chữ dễ hiểu, nhiều người biết, thì những chữ ấy phần nhiều là chữ trong tiếng Nôm ta đã có rồi, có cần gì phải dùng, và dùng nữa thì có bổ ích gì cho quốc văn cho lắm? Như: nhĩ mục là “tai mắt”, tâm tư là “bụng nghĩ”, sơn xuyên là “núi sông”, hoa thảo là “hoa cỏ”, thì dùng chữ hay dùng Nôm cũng vậy, tùy cái điệu câu văn ưa Nôm thì dùng Nôm, ưa chữ thì dùng chữ, không hề gì. Đến như những chữ nghĩa đã hơi cao một chút, tiếng Nôm đã khó tìm được tiếng tương đương, mà người nào biết thì cho là chữ thường, người không biết cho là khó, là lạ. Như chữ dĩnh ngộ, chữ lỗi lạc, chữ hoài bão, chữ cảm khái, tất người biết chữ Nho là thường, mà người biết ít đã lấy làm khó hiểu rồi.

Cho nên muốn phân biệt cho rõ chữ nào là thông dụng, chữ nào là không thông dụng thật không phải là dễ.

Luận giả thứ nhì nói nên hết sức chỉ dùng Nôm mà thôi, không có tiếng cũ thì đặt tiếng mới ra, bất đắc dĩ mới dùng đến chữ. Nói thì dễ lắm, mà làm thường không được dễ như vậy. Sự đặt tiếng không phải là một việc dung dị, xưa nay không ai dụng tâm mà đặt được tiếng mới bao giờ: phàm các tiếng mới là tự nhiên mà tạo thành, tự nhiên mà phổ thông. Một người tình cờ nói ra trước: nếu cái tiếng ấy gọn ghẽ dễ nghe thì người khác cứ thế mà nói, bao giờ nghĩ đến sự đó tất dùng đến tiếng đó, thế là thành tiếng thông dụng. Đến như nói rằng bất đắc dĩ hẵng nên dùng chữ Nho thì cứ các lẽ đã giải trên kia, tưởng sự bất đắc dĩ cũng là một sự thường vậy; bất đắc dĩ mà đã thành lệ thường thì sao gọi là bất đắc dĩ được?

Luận giả thứ ba nói rằng sự dùng chữ Nho trong quốc văn phải để tùy ý nhà làm văn cân nhắc lựa lọc mà dùng, không thể hạn định trước được. Điều đó thì rất phải: nghề văn cũng như mọi nghề khác, phải để cho nhà nghề dược rộng quyền tự do mới được. Nhưng tự do không phải là không có phép tắc, tha hồ muốn dùng chữ thế nào thì dùng. Ít ra cũng phải biết cách cân nhắc lựa lọc thế nào là thích nghi. Cái đó là ở tài lành nghề của nhà văn phải tự biết hạn định lấy. Luận giả thứ tư nói những chữ về cách trí triết học nên theo Tàu, còn các chữ thường nên tùy tiện mà dùng. Chắc rằng chữ Nho dịch các danh từ về cách trí triết học của Âu châu nhiều chữ dịch đúng và gọn ghẽ lắm, tiếng ta không tài nào dịch được bằng, và mượn ngay tiếng Tây ra cũng khó cho được thanh thoát; ta nên mượn của Tàu mà dùng, nhưng cũng phải lựa lọc mới được, chữ nào có thể theo tiếng Tây được thì nên theo, chứ nói nhất thiết mượn chữ Nho cả thì cũng quá.

Ấy ý kiến của nhiều người về sự dùng chữ Nho còn phân vân như vậy. Muốn đặt phép tắc nhất định cho biết dùng chừng nào là phải, chừng nào là quá, thì khó lắm. Cái giới hạn đó phải để tùy nhà làm văn ước lượng lấy, dùng thế nào mà lời văn được thanh thoát là vừa, dùng thế nào mà lời văn phải trắc trở là quá. Phải đương khi viết văn mới cân nhắc được, không thể đặt lệ trước được.
 
tiếp theo

Vậy chỉ nên khuyên các nhà văn nên cẩn thận về sự dùng chữ; tùy mỗi lối văn nên dùng nhiều hay dùng ít, phải chọn những chữ thật đích đáng, vừa gọn ghẽ, vừa trang nhã, vừa dễ học, dễ nghe, mà cốt nhất là đúng với cái nghĩa nên dùng, xứng với cái ý câu văn; nếu bạ đâu dùng đấy, làm cho câu văn bề bộn những chữ vô ích, hoặc lời Nôm đã đủ gọn ghẽ mà còn pha thêm chữ vào cho phiền, hoặc dùng những chữ sáo tầm thường không hay bằng Nôm, đều là quá đáng cả. Văn nào như vậy là văn không thông thoát, người đọc tất không ưa, và người làm văn ví sành nghề cũng tự biết.

Song sự dùng chữ tuy không có phép tắc nhất định, mà cũng không ngoài mấy lệ thường như sau:

Phải tùy tính cách và trình độ bài văn. Thế nào gọi là tính cách văn? Văn có nhiều lối đã đành, mà văn cũng có nhiều hạng. Có hạng văn phổ thông nói những sự tầm thường cho ai ai cũng dễ hiểu dễ biết, như văn chép tin tức trong các nhật báo. Văn ấy thì cần gì phải dùng đến chữ Nho nhiều? Có hạng văn tả tình, tả cảnh, du hí, khôi hài đã cao hơn hạng trên một tầng và phải có ý vị lí thú mới hay, tất có nhiều ý lời ta nói không hết, nhiều cảnh tiếng Nôm tả không thấu, phải mượn dăm ba chữ cho nó nổi ý nghĩa, chỉnh lời văn và khỏi tục tằn: như tả người anh hùng thường dùng những chữ can đảm, chí khí, khảng khái, oanh liệt, v.v.; tả người tài hoa thường dùng những chữ nho nhã, phong lưu, thông minh, tuấn tú, v.v.; lại muốn nói đến cái bụng người ta mưu muốn những sự to lớn, mong mỏi những việc cao xa tất phải dùng đến như hoài bão v.v.; ấy đại loại hạng văn này phải mượn chữ như vậy, phần nhiều cũng là những chữ Nho thường dùng cả. Thợ vẽ ta có cái lối gọi là “điểm nhỡn”, nghĩa là khi vẽ bức tranh người, các phần vẽ xong cả rồi duy có hai con mắt là chưa, nên tuy vẽ đẹp đến đâu coi vẫn chưa có tinh thần; bấy giờ người thợ mới điểm hai con ngươi, tức khắc trông bức tranh nổi ngay và coi như có vẻ linh hoạt. Trong lời văn Nôm cũng vậy, phải tùy chỗ mà đặt một vài chữ cho xứng đáng, tức như cái lối “điểm nhỡn” của thợ vẽ, không thời lời văn lạt lẽo và không khỏi tục tằn. Lại có hạng văn kỉ thuật, nghị luận, hạng này cao hơn hạng trên một tầng nữa. Văn kỉ thuật tức là văn sử; mà làm sử phải có ngọn bút nghiêm trang, đời xưa cho sử là có quyền bao biếm, nghĩa là phán đoán khen chê các công việc người đời, tất phải công bằng lắm mới được. Theo nghĩa đời nay, sử tuy không có cái ý nghiêm khắc như vậy, nhưng những việc đã đáng chép đáng thuật để lưu truyền lại, không phải là việc tầm thường, lời phải trang nghiêm, phải xứng đáng mới được; rất kị là những giọng hoặc tục tĩu sỗ sàng, hoặc tầm thường quá, vì tầm thường cũng không được, bình dị thì được, tầm thường với bình dị có khác nhau. Nay muốn dùng rặt tiếng Nôm cả không dùng chữ, có thể tránh được những điều đó không? Chắc rằng không, vì Nôm thường là tục, quá Nôm không khỏi tục. Thí dụ như thuật việc vua ra Bắc Kì, nếu nói: “ông vua Việt Nam đi chơi Bắc Kì, nay đã về kinh rồi”, nghe nó sống sượng quá, như lời người ngoại quốc mới học tiếng ta vậy, không phải là thể văn kỉ thuật một việc lớn trong nước. Nếu dùng mấy chữ Nho thông dụng về những cơ hội đó mà nói: “Hoàng thượng ngự giá Bắc Kì, nay đã hồi loan", có phải là lời văn trang trọng và có sự thể biết bao! Những chữ ngự giá, hồi loan là những chữ thường dùng về việc vua đi lại, nhà làm văn Nôm tất phải biết. Hoặc giả cho cách làm văn thế là phiền, nhưng đã gọi là “văn” tất phải có “phiền” một chút, nếu cứ trơ như không thì dầu không tục cũng không văn được. Vả ngay tiếng Tây cũng vậy, cùng một ý mà cũng có nhiều hạng chữ, cao thấp khinh trọng khác nhau, phải tùy chỗ mà dùng. Trong tiếng ta, đại để nghĩa thường bao giờ nói bằng nôm cũng đủ, đến cái ý nghĩa đã cao cao một chút thì tiếng Nôm thường hụt không tới kịp, tất phải mượn ít nhiều chữ mới diễn được hết ý.

Đến như văn nghị luận cũng vậy. Nghị luận là đem ý kiến ra bàn bạc tức là chọi ý kiến với nhau, lời văn tất phải tinh tường gãy gọn mới được; rất kị là những tiếng ám nghĩa, những giọng hàm hồ, hiểu ngược cũng được, hiểu xuôi cũng được, như vậy thì lời bàn sao cho xác lí? Tiếng ta gọi là tiếng “Nôm”, nghĩa là tiếng thông thường trong dân gian; tiếng thông thường trong dân gian thường có nhiều tiếng hàm hồ, vì người thường có nghe lẫn nhau mà biết, không hay định nghĩa được phân minh. Dùng vào văn nghị luận tất phải mượn thêm chữ Nho để diễn những ý nghĩa mà tiếng ta nói không hết được. Những ý nghĩa ấy trong một bài nghị luận thường nói đi nhắc lại nhiều lượt, bàn ngược xét xuôi nhiều lần, nếu không có chữ gọn ghẽ mà nói, phải diễn ra lời Nôm lôi thôi, thì thật là phiền cho sự nghị luận vô cùng. Ví dụ bàn về số người mình bắt chước và hóa theo người Âu châu là hay dở thế nào, nếu phải nói dài như vậy mà nhắc đi nhắc lại đến mười lần thì phiền biết dường nào? Chi bằng dùng một chữ "Âu hóa" tiện biết bao nhiêu? Đại để văn kỉ thuật và văn nghị luận đã là hạng văn trang nghiêm thiết thực tất phải mượn chữ Nho nhiều hơn hạng văn đạo tình tiêu khiển trên kia.
Sau nữa đến văn thuyết lí giảng học, hạng ấy là hạng cao hơn nhất, xưa nay người mình không dùng tiếng Nôm bao giờ. Ngày nay nghiệm ra thấy tiếng Nôm cũng có đủ tư cách mà dùng về các lối văn đó được, nhưng phải mượn chữ nhiều hơn các hạng trên. Điều đó không những một tiếng Việt Nam mình mới thế. Dẫu các tiếng Âu châu về hạng văn thuyết lí giảng học cũng không thể không mượn cổ văn cổ điển mà đủ dùng được. Tiếng Âu châu thì mượn chữ Grec (Hi Lạp), chữ Latinh (La Mã), là hai thứ văn cổ điển của các nước Tây phương. Tiếng Việt Nam mình tất phải mượn chữ Nho, là cái văn cổ điển của ông phương ta. Văn thuyết lí giảng học lại càng trọng trang nghiêm lắm; không nói rằng tiếng Nôm mình không tài nào đủ mà diễn được những lí tưởng học thuyết mới, cho dẫu một đôi khi cố tìm tòi mãi, cố dàn diễn mãi mà cũng có thể tiệm tiệm đủ được nhưng thường không tránh khỏi cái tệ nôm na. Nói những sự cao xa mà dùng lời nôm na quá, không những không được gọn ghẽ thanh tao, mà sao cho xứng đáng! Các tiếng Âu châu, kể còn giàu hơn tiếng Việt Nam mình biết bao nhiêu, mà về đường học thuật nghĩa lí phần nhiều chữ dùng là gốc tự Grec, Latinh ra cả; cứ giở ngay một quyển tự điển Pháp, bất cứ trang nào, nhìn qua một lượt, có phải nhan nhản những chữ gốc tự Grec, tự Latinh không? Còn chữ gì tầm thường bằng chữ individu (mỗi người, người một, cá nhân); thử tra xem gốc tự đâu? Gốc tự chữ La Mã individuus, nguyên nghĩa là cái gì không phân rời ra được, trọn vẹn một mình, tức là tiếng một phần, biệt một người, không dính dáng với phần khác, người khác. Lại chữ socléte (xã hội), là do chữ La Mã societas; chữ autocrate (vua chuyên chế), do chữ Hi Lạp autokrates, bởi hai chữ autos nghĩa là tự mình, kratos nghĩa là quyền lực, quyền lực tự mình, muốn làm gì thì làm; chữ autonomie (tự trị), là gồm hai chữ Hi Lạp autos, tự mình, nomos, pháp luật, pháp luật tự mình; v.v… Ai có thời giờ cứ thử ngồi giở chơi một quyển tự điển Pháp xem có phải trang nào cũng đầy những chữ như vậy không. Tiếng Pháp mượn chữ của La Mã, Hi Lạp mà phát âm ra giọng Pháp, có khác gì tiếng ta mượn chữ Nho mà phát âm ra giọng ta không? Người Pháp nói autocrate mà không nói autokrates, có khác gì ta nói chuyên chế mà không nói tchoen khe (theo tiếng quan thoại Tàu) không? Đó còn là những tiếng thường thường, đến những tiếng nói về nghĩa lí cao, thì lại mượn của Hi Lạp, La Mã nhiều hơn nữa. Như: philosophie (triết học), là do chữ Hi Lạp philos, người bạn, người hay ưa sự gì, sophia, sự nghĩa lí điều khôn ngoan, tức là người ưa xét những điều nghĩa lí khôn ngoan; esthétique (mĩ học, học về sự đẹp), là do chữ Hi Lạp aistêtikos; métaphysique (siêu hình học, thuần lí học do chữ Hi Lạp meta và physica, chính nghĩa là học sau những vật có hình, tức là học về những sự ở trên, ở ngoài hình thức, về các lẽ mầu nhiệm siêu việt của trời đất; géograhie (địa dư học), bởi hai chữ Hi Lạp geo, đất, graphein, tả, vẽ, nghĩa là hình dung tả vẽ về đất, tức là học về đất; v.v.. ấy bao nhiêu những chữ về học lí đều do có ăn mà đặt ra; có ai kêu rằng tiếng Pháp phải đi mượn chữ ngoài nhiều không? Coi đó thì biết sự mượn chữ cổ văn là những chữ đã thành thuộc lão luyện rồi để diễn những điều nghĩa lí cao xa, không có ngại gì cả. Càng mượn được càng hay, miễn là mượn cho cẩn thận thì thôi. Tất những chữ mới mượn nghe có lạ tai, nhưng vì những sự vật, những nghĩa lí của các chữ ấy chỉ ra cũng là mới cả, xưa nay chưa từng biết bao giờ, đã có tên đâu mà gọi thường? Đến khi những nghĩa lí, những sự vật ấy trong trí đã quen rồi, thì chữ dùng để gọi nó ra ta nghe cũng không lấy làm lạ nữa. Trước kia đã từng lấy sự đẹp làm một môn học đâu, mà ta thường dũng chữ "mĩ học" (ésthetique). Trước kia ta đã từng phân biệt đâu trong tam giới người ta có hai phần, một phần “ý thức” (conscience), là chỉ phần sáng suốt và cảm biết các vật các lẽ, một phần “tiềm thức” (subconscience) là cái phần u âm, ở dưới ý thức gồm những tư tưởng cảm giác phảng phất mập mờ, trong khi mơ ngủ thường xuất hiện ra trong trí người ta; ta đã từng phân biệt đâu như vậy mà thường dùng đến những chữ “ý thức” và “tiềm thức”? Chữ chẳng qua là cái áo bọc, cái tên gọi những tư tưởng cùng sự vật; có biết đến sự vật ấy, có nghĩ đến tư tưởng ấy thì mới tìm tên gọi cho xứng đáng, tìm áo bọc cho vừa vặn. Học giả là người hay sưu tầm nghiên cứu những điều hay lẽ phải, ý mới vật lạ, cố diễn giải ra lời nói câu văn mà đem công bố ra trước mọi người, tất lúc mới đầu nhiều người chưa quen chưa hiểu lấy làm lạ mắt lạ tai, nhưng dần dần đã hiểu đã quen rồi thì có lạ gì? Chữ mới chỉ mới một lúc đầu thôi; nếu là cần dùng thiết thực thì chẳng bao lâu thành phổ thông ngay.

Dùng một lần còn mới, dùng vài ba lần thì nghe đã quen tai, đến mười lần thì đã cũ rích vậy. Mười năm trước ai từng nói đến những tiếng như văn minh, xã hội? Thế mà bây giờ những tiếng ấy thông dụng rồi. Ngày nay những tiếng như quan niệm, thái độ nghe còn lạ tai, an trí ít lâu nữa lại chẳng thành những tiếng thường dùng? Tiếng Việt Nam ta đối với chữ Tàu vốn có cái “hấp lực” rất mạnh, cốt là bây giờ dùng chữ nào phải định nghĩa phân minh chữ ấy là đủ.
 
Hết

Nay nói riêng về sự mượn những danh từ khoa học mới, phải nên phân biệt như sau này.Đại khái các môn học mới của Thái Tây ngày nay chia ra làm hai hạng: một hạng chuyên học về “vật giới” (sciences physiques et naturelles), nghĩa là những vật có hình trạng, thể trạng như hóa học, địa chất học, động vật học, v.v.; một hạng chuyên học về “tâm giới” (sciences morales), nghĩa là những sự vô hình thuộc về tâm trí người ta, như triết học, ưu học, tâm lý học, v.v.. Muốn đặt một lệ chung đại khái làm bằng thì có thể nói rằng bao nhiêu những chữ về “tâm giới” nên mượn chữ Nho nhiều hơn, vì chữ Nho về phần ấy vốn giàu lắm và thâu nhập vào tiếng Nôm cũng đã nhiều; còn những chữ về “vật giới”, thì phần nhiều hoặc nên tùy hình chất mà đặt tên Nôm cho dễ gọi, hoặc nên theo chữ Tây mà phiên dịch ra cho tiện hơn, khi nào cần hãy nên mượn chữ Nho. Song lệ đó cũng không thể cho là nhất định hẳn được; khi mượn chữ đặt tiếng phải tùy nghi châm chước, cầu cho thích đáng.

Ấy là kể qua tính cách các hạng văn ưa dùng chữ Nho ít nhiều thế nào. Đến trình độ văn hóa cũng là do ở tính cách ấy mà ra, nghĩa là tùy thể văn mà trình độ hoặc cao hoặc thấp, hoặc trung bình. Lối văn phổ thông nói những điều tầm thường cho phần nhiều người dễ hiểu, thì không cần phải mượn chữ Nho mấy tý, chỉ những chữ nào đã thành thuộc lắm mới nên dùng mà thôi. Thuộc về lối đạo tình tiêu khiển, thì tiếng Nôm khá giàu, các thơ Nôm, truyện Nôm, ca Nôm, vè Nôm, đã đầy những tiếng những chữ sẵn; lại tục ngữ ca dao cũng là cái kho rất phong phú, nhà văn bất tất phải dùng chữ Nho cho lắm, chỉ thỉnh thoảng điểm một vài chữ Nho cho nó nối câu văn mà thôi. Văn kỷ thuật, nghị luận, đã vào bậc cao rồi, như trên kia đã nói cần phải mượn chữ Nho nhiều hơn các hạng trên thì lời văn mới được trang nghiêm và khỏi xốc nổi. Đến văn thuyết lý giảng học là văn cao hơn nhất, mượn chữ Nho lại phải nhiều hơn cả, vì tiếng Nôm quyết không đủ dùng. Coi đó thì biết trình độ văn càng cao bao nhiêu lại càng cần phải dùng chữ Nho bấy nhiêu. Đó cũng là lẽ cố nhiên, vì văn Nôm xưa nay chỉ dùng vào bậc phổ thông mà thôi, từ văn nghị luận trở lên các cụ ngày xưa không từng viết Nôm bao giờ, cho nên trình độ văn càng cao lên lại càng phải mượn chữ nhiều mới đủ dùng.
Cách dùng chữ Nho trong văn quốc ngữ phải tùy trình độ văn đã đành rồi, trong khi dùng chữ các nhà làm văn lại phải cẩn thận về cách kén chọn lựa lọc nữa, dù lối văn nào cũng vậy. Chữ Nho có chữ tục, có chữ nhã, có chữ điểm vào lời nôm dễ nghe, làm cho tôn trọng lên, có chữ dùng lẫn với tiếng ta sống sượng khó nghe, có chữ đặt vào đoạn này thì xứng đáng mà để vào đoạn kia thì bề bộn, khéo biết dùng cho thanh thoát là tài riêng của nhà văn, không thể định trước được.

Người làm văn khéo thì chữ dùng hồn nhiên, nghĩa là chải chuốt trơn tru, đặt vào lời Nôm, như hóa thành Nôm, để vào chỗ nào như in vào đấy, tưởng bỏ ra mà đặt chữ khác thay không được.

Phàm dùng chữ nên định nghĩa cho rất phân minh, nhất là các danh từ mới. Danh từ mới là diễn dịch các nghĩa lý mới, dùng phải đường và trúng nghĩa thì hay lắm, nếu hàm hồ hỗn độn thì không gì hại bằng, vì làm lầm người sau cứ theo đó mà dùng sai đi. Chữ mới phần nhiều là của Tàu dịch hoặc định nghĩa theo tiếng Âu châu, nhưng chữ Tàu vốn phong phú, xếp đặt dễ và khéo, vừa đúng nghĩa, vừa gọn ghẽ, lại vừa hồn nhã, có những chữ hay hơn nguyên văn Tây nhiều. Nhà văn ta phải thuộc các chữ mới hiểu rõ được. Cho nên nhiều nhà Nho cũ thông chữ Nho mà không hiểu được các chữ Nho mới đó, có khi dùng cũng sai lầm như người không biết chữ vậy.

Tư tưởng với văn tự phải tiến ngang nhau; có tư tưởng mà không đủ chữ nói, như phần nhiều các nhà Tây học ngày nay cũng phiền; có chữ dùng mà không hiểu các nghĩa lý mới, dùng chữ hàm hồ, như phần nhiều các nhà cựu học bây giờ, cũng bực.

Thường nghe nhiều người mới đọc qua mấy quyển tân thư Tàu như tập Ẩm băng của Lương Khai Siêu hay tập Du ký của Khang Hữu Vi, thuộc được ít nhiều chữ mới, chưa hiểu rõ ý nghĩa thế nào, cầm bút viết tất dùng những chữ: thiên diễn, đào thải, tiêu cực, tích cực, khách quan, chủ quan, v.v., bấy nhiêu chữ đều có nghĩa nhất định cả, mà không hiểu rõ thường dùng lộn bậy chẳng đâu vào đâu; lại nhiều người hay chứng dẫn các tên người, vơ váo chẳng ăn thua vào đâu; bất cứ nói chuyện gì tất phải gọi đến tên ông Nã Phá Luân (Napoléon), ông Tỉ Ti Mạch (Bismark), ông Khả Luân Bố (Christophe Colomb), ông Đạt Nhĩ Văn (Darwin), ông Lư Thoa (Rousseau), ông Mạnh Đức Tư Cứu (Montesquieu), ông Ti Tân Tặc (Spencer), kéo một thôi một sốc các ông thánh mới ra, thật là vô vị quá. Không hiểu chữ mà dùng chữ loạn không gì hại bằng. Cho nên trong khi mượn chữ mới của Tàu phải hiểu rõ những chữ ấy chỉ sự gì vật gì; phải định nghĩa cho phân minh, rồi chỉ dùng về một nghĩa đó mà thôi. Có vậy thì sự mượn chữ mới có lợi, không thời hại cho quốc văn nhiều lắm.
Còn một điều nữa về các tên đất tên người: nên dịch theo tiếng Tây hay bắt chước chữ Tàu? Cứ lẽ thời theo tiếng Tây cả là phải lắm, chỉ trừ những tên người tên đất riêng của Tàu thì nên đọc theo chữ Nho mà thôi. Nhưng có nhiều tên đất tên người ta đọc theo của Tàu đã quen rồi (như Âu châu, Á châu, nước Pháp, nước Đức, ông Nã Phá Luân, ông Hoa Thịnh Đơn) không ai là không dùng, và không ai là không hiểu. Và những tên ấy dịch âm ra giọng mình dễ nghe hơn là đọc ngay giọng Tây; trong một bài quốc văn, “Âu châu” đọc chẳng dễ nghe hơn là Europe, “Đại Tây Dương” hơn là Océan Atlantique ư? Vậy nay tưởng có thể định một lệ chung như sau này: trừ tên các đại châu các bể lớn, cùng mấy cái sông mấy cái núi lớn trong thế giới, đọc theo chữ Nho đã quen lắm rồi thì cứ đọc theo như vậy, có muốn rõ khi viết nên chua tên ấy ở bên cạnh còn hết thảy tên người tên đất khác trong sách Tây nên đọc theo viết theo tiếng Tây cả cho có bằng cứ và dễ tra khảo. Ngày nay, dầu người không biết chữ Tây mà chỉ biết quốc ngữ đọc vần Tây cũng được, có sai cũng không sai mấy, còn hơn là theo hẳn chữ Tàu, vì Tàu đã theo tiếng nước khác, mình lại theo Tàu, thành ra cách mấy lần, còn biết dò đâu mà tra cứu được. Như nói: “Dublin, Manchester, Edimbourg là ba tỉnh thành lớn của nước Anh”; tên “Anh” đó tuy là đọc theo chữ Tàu đã thông dụng lắm rồi, ai cũng biết là Angleterre, cứ nên dùng như vậy, vừa tiện vừa dễ hơn; còn tên ba thành kia thì ít người biết, nên viết theo chữ Tây, dầu đọc có sai tiếng Anh ít nhiều mà còn có nguyên văn, muốn tra trong địa đồ cũng dễ; hơn là đọc theo Tàu: Đô bội linh (Dublin), Mãn diệc đức nhĩ (Manchester), Ai đính bộ nhĩ (Edimbourg), tuy âm vận cũng vẫn dễ nghe, hợp với giọng ta hơn, nhưng không có chữ Tây thì còn ai biết là tên những tỉnh thành nào? Nếu có sợ những người không thuộc vần Tây gặp những tên Tây như vậy ở giữa bài văn quốc ngữ bị ngắt lại không đọc luôn được, thì dưới mỗi tên Tây nên ngoặc hai cái (…) và chua âm ra chữ quốc ngữ, cũng không phiền gì: như Manchester (Mang-xet-te), Edimbourg (E-đinh-bua), v.v…

Văn quốc ngữ đã không rời được chữ Nho, không thể bỏ chữ Nho mà thành được, thì sự dùng chữ Nho trong văn quốc ngữ là một lẽ tất nhiên. Duy phải biết cách dùng cho phải đường. Trở lên là kể ra mấy cái lệ chung các nhà văn nên chú ý, đó cũng là những điều đại khái mà thôi, còn việc dùng chữ phải tùy cái tài cái khéo của nhà văn, không thể đặt phép tắc nhất định được. Dùng chữ khéo có thể làm cho quốc văn mỗi ngày một trang nghiêm phong phú thêm lên.

Bài này chỉ bàn riêng về sự dùng chữ Nho trong văn quốc ngữ mà thôi. Chắc văn quốc ngữ cũng phải mượn của văn Tây nhiều, vừa mượn chữ, vừa mượn phép làm văn; nhưng đó lại là một vấn đề khác.

Làm người Việt Nam phải nên yêu, nên quý tiếng nước mình. Phải đặt quốc văn của mình lên trên cả chữ Tây chữ Tàu. Nhưng yêu quý tiếng nước mình không phải là ruồng bỏ tiếng nước ngoài. Yêu quý tiếng nước mình là phải khéo lợi dụng tiếng nước ngoài để làm cho tiếng quốc âm mình giàu có thêm lên. Cho nên những người vì “thương tiếng nước nhà” mà muốn “bài trừ chữ Hán” là tỏ ra ý kiến thấp hẹp vậy.

Than ôi! Thương tiếng nước nhà, thương tiếng nước nhà cũng năm bảy đường. Thương mà phải đường ra thì ích lợi cho quốc văn biết dường nào. Thương mà sai đường thì không những không lợi mà lại hại cho quốc văn hơn là ghét bội phần. Tôi đây chính là một người nhiệt thành thương tiếng nước nhà, lâu nay đã tự nguyện cúc cung tận tụy một đời để gây dựng cho tiếng ấy thành văn chương, cho nước ta có một nền quốc văn đứng riêng được một cõi, cho người mình khỏi phải cái cực chung thân cùng kiếp đi học mướn viết nhờ. Lắm lúc bình tâm tĩnh trí, tự mình hỏi mình nên dùng cách nào cho đạt tới mục đích đó. Nghĩ cùng mà không tìm được một cách nào, ngoài cái lề lối của ông cha để lại. Nhìn ngược, nhìn xuôi, trông xa, trông gần, chỉ thấy rừng “nho” man mác, lá rậm um tùm, muốn thoát ra ngoài mà không thoát được, đi mãi không cùng. Bấy giờ mới tỉnh ngộ mà biết rằng người mình sinh trưởng trong góc rừng này đã mấy mươi đời, những khi gió táp mưa sa được ẩn thân ở dưới cây cao cỗi lớn, nay muốn thoát li mà ra ngoài, bông lông trong đồng rộng bể khơi sao đành? Chi bằng ta cứ nương náu ở đây, mở rộng phá quang, đặt đường xẻ lối, cho tiện sự giao thông, để đón lấy gió Âu mưa Mĩ, mà ra công ráng sức tài bồi cho cái đất cũ thấy nghìn năm này có ngày được rạng vẻ phong quang, tốt tươi đẹp đẽ. Ai ơi? Xin cố gắng lên, nhưng chớ nên thương quẩn xót quanh mà làm cho người ta thiên lòng rối trí. Có thương tiếng nước nhà, xin thương cho phải đường.

(1918)

Nguồn: Phạm Quỳnh-Luận giải văn học và triết học/ Nhà xuất bản văn hóa Thông tin-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
 
Tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ

Nguyễn Phú Phong

https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...tbmcmY2F0aWQ9NzE6bmdvbi1uZy1oYyZJdGVtaWQ9MTA3 https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...t=default&page=&option=com_content&Itemid=107


alexandre%20de%20rhodes.jpg


Sáng chế ra chữ viết để ghi lại một ngôn ngữ là một công việc thuộc lĩnh vực khoa học. Muốn thành công trong việc này, phải biết phân tích hệ thống ngữ âm, nhận diện những âm vị căn bản, lựa chọn những tín hiệu thích nghi và hiệu lợi, v.v. Bằng chứng là riêng chỉ để cải tiến chữ quố ngữ là một thứ chữ viết đã hình thành và áp dụng từ lâu mà đã phải triệu tập hết hội nghị này đến hội nghị khác, lấy ý kiến các nhà văn, các nhà ngôn ngữ học (xem Viện Văn Học, 1961), rốt cuộc lại kết qủa thật là mỏng manh, chữ quốc ngữ hiện nay vẫn giữ nguyên một số điểm không hợp lý.
Rõ ràng là sáng chế một thứ chữ viết đòi hỏi đến một tư duy khoa học. Nhưng khi đã có chữ viết rồi mà muốn đem ra áp dụng nó thì phải có một quyết định chính trị. Riêng trường hợp chữ quốc ngữ tuy được ra đời công khai từ giữa thế kỷ 17 - có thể lấy năm 1651 năm xuất bản cuốn Dictionarium annamiticum lusitanum, et latinum của A. de Rhodes làm khởi điểm dù rằng công cuộc sáng chế đã phải bắt đầu nhiều năm trước đó - nhưng phải chờ đến khi Pháp chiếm Sài Gòn - Lục Tỉnh thì mới có quyết định dùng chữ quốc ngữ một cách chính thức và rộng rãi.
Quyết định dùng chữ quốc ngữ để ghi viết tiếng Việt thay thế chữ nôm được thể hiện qua việc phát hành tờ Gia Định báo tháng 4, 1865, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt và cũng là đầu tiên dùng chữ viết theo mẫu tự La-tinh. Và trớ trêu thay đây là tờ báo do chính quyền Pháp ở Nam Kỳ chủ trương, do một người Pháp tên là Ernest Potteaux làm chánh tổng tài (chức vụ này tương đương với chức chủ nhiệm kiêm chủ bút). Xin nhắc là vào năm 1865 Việt Nam đã mất ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường về tay người Pháp và đô đốc de la Grandière lúc bấy giờ là thống soái Nam Kỳ (gouveneur de Cochinchine).
Thời gian đầu, Gia Định báo phát hành mỗi tháng một số. Mục đích của tờ báo đã được ông G. Rose nêu rõ trong văn thư đề ngày 9.5.1865 gửi Bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp (xem Huỳnh Văn Tòng, 1973: 55): " Tờ báo này nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả những tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hoá và những tiến bộ về ngành canh nông... "
Tờ Courrier de Saigon trong số 7, ngày 5.4.1865 có loan tin số ra mắt của Gia Định báo như sau : " Trong tháng này sẽ có số thứ nhất một tờ báo in bằng tiến An-nam thông thường. Dưới một hình thức thu hẹp ấn bản sẽ gồm các tin tức ở thuộc địa, giá cả nhiều loại hàng và một vài ý niệm hữu ích cho người bản xứ. Tờ báo sẽ ra hàng tháng và sẽ phát không trong các trường học để học sinh khá trong các làng mạc có thể đọc được ..." *
Nhưng trước khi Gia Định báo ra đời, trong chính sách khuyến khích và đẩy mạnh việc dùng chữ quốc ngữ, năm 1861, thống đốc Charner đã cho phát hành cuốn từ điển nhỏ francais-annamite et annamite-francais, 96+157 trang, do viên sĩ quan hải quân Gabriel Aubaret soạn. Đây là cuốn tự điển (hay đúng ra là một cuốn từ vựng) song ngữ hai chiều Pháp-Việt và Việt-Pháp đầu tiên. Như vậy, năm 1651 với cuốn từ điển tam ngữ Dictionarium của A. de Rhodes thì chữ quốc ngữ được hoàn chỉnh để dùng như một công cụ truyền đạo. Mục đích này tuy nhiên không thể làm giảm giá trị khoa học công trình của A. de Rhodes và những người đi trước ông. Còn cuốn từ điển của G. Aubaret đánh dấu thời kỳ bắt đầu dùng tiếng Việt do người Pháp chủ trương trong công việc hành chính ở vùng Pháp chiếm đóng.
Việc dạy tiếng Việt cho các viên chức hành chính Pháp ở Nam Kỳ song song với việc dạy tiếng Pháp cho các thông ngôn người Việt Nam được xúc tiến. Mà dạy tiếng Việt cho người Pháp nên thông qua thứ chữ viết nào, nếu không phải là chữ quốc ngữ là một thứ chữ viết rất gần chữ Pháp, do chính các người Âu Châu đặt ra, thêm nữa rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ nôm ? Việc đem chữ quốc ngữ sử dụng như chữ viết " chính thức " cho tiếng Việt không phải không gây ra một cuộc tranh luận giữa các giới thẩm quyền Pháp ở Nam Kỳ. Sau đây xin lược bày một số ý kiến và quan điểm tiêu biểu.
1. Quan điểm của Luro
Eliacin Luro là thanh tra bản xứ vụ ( inspecteur des affaires indigènes ) trong chính quyền Pháp mới đặt ở Nam Kỳ. Luro còn là tác giả một giáo trình về hành chính Việt Nam dùng cho Trường các viên chức tập sự Pháp ( Collège des stagiaires ). Giáo trình này gồm 45 bài, dày 562 trang, đề cập đến các vấn đề tổ chức chính quyền Việt Nam dưới nhà Nguyễn, vấn đề địa bộ, thuế má, giáo dục, v.v. ( Cours d'administration annamite, Saigon, 1905 ). Qua giáo trình này ta thấy Luro là người thông hiểu khá nhiều về Việt Nam. Bởi vậy ý kiến của Luro về chữ viết và ngôn ngữ ở Việt Nam đáng được lưu ý. Sau đây là những đoạn trích dịch từ bài 38 về giáo dục quốc dân ( instruction publique ) của Luro:
" Trước hết, bắt đầu ta phải gạt qua một bên những tư duy theo kiểu Âu Châu của chúng ta. Chúng ta phải hiểu ngay rằng chúng ta đứng trước một hệ thống chữ viết tượng hình ( hiéroglyphique ) chứ không phải ngữ âm. Trí nhớ cần thiết không còn là trí nhớ thuộc về âm tiếng, trí nhớ về từ, trí nhớ về ngôn ngữ. Chúng ta phải tạo ra một trí nhớ mới; một trí nhớ của đôi mắt, của người họa sĩ [ để học chữ nôm hay chữ Hán, NPP ]... Tất cả cái khó khăn trong việc học [ chữ tượng hình ] nằm trong trí nhớ của hình vẽ, của hình thể, phải vẽ, vẽ không ngừng trong những năm học đầu, đó là bí quyết.
Chúng ta [ chính quyền Pháp ] đã phá bỏ những cái ấy [ cách giáo dục truyền thống của Việt Nam với ông đốc học ở cấp tỉnh, giáo thụ cấp phủ, huấn đạo cấp huyện, với chữ Hán, với tứ thư, ngũ kinh,... NPP chú thích ]. Xuất phát từ cái ý thoạt nhìn có vẽ quyến rũ là không có gì giản đơn hơn việc thay thế hệ tín hiệu tượng hình bằng hệ tín hiệu ngữ âm, chúng ta đã truất bỏ [...] các trường tiểu học tự do kiểu cũ. Thay thế các vị giáo học của các trường theo kiểu truyền thống, chúng ta đưa vào các đứa trẻ được huấn luyện trong những năm đầu của cuộc chiếm đóng, chỉ mới biết đọc, biết viết tiếng thông thường ( langue vulgaire ), và biết bốn phép toán.
Rồi chúng ta bắt mỗi làng phải gửi một số qui định học sinh đến trường [...] Hậu quả là các làng mộ học sinh cho các trường quốc ngữ của chúng ta, kiểu như họ mộ lính, bằng cách trả tiền cho gia đình của học sinh, và công cuộc giáo dục bắt buộc của chúng ta tính như một thứ thuế đánh thêm vào dân.
Học đọc và viết theo ngữ âm là một trò chơi; khi người ta biết đọc biết viết, người ta không biết gì cả vì cũng thể như người ta ở trong tình trạng một con vẹt cầm bút.
Biết đọc biết viết chữ Hán có nghĩa là đã bỏ ra vài năm thời niên thiếu vào những cuốn sách luân lý, lịch sử, học chúng và hiểu chúng. Như vậy thật sự có thể nói rằng [ học chữ Hán là ] đã thu nhận được giáo dục bởi vì các thầy giáo không xao lãng mặt này.
Với hệ thống [ giáo dục ] của chúng ta [...] học sinh ra trường mà chẳng được dạy dỗ về luân lý, và không có một giáo dục nào cả.
Nếu kết quả các trường học của chúng ta thâu lượm được là con số không thì phải dẹp hết chăng ? Chắc chắn là không. Nhưng không nên tạo lập thêm. Phải nâng cao đào tạo giáo viên, bắt họ phải biết tiếng quan thoại như họ hiểu biết tiếng thông thường ( vulgaire ); bắt họ phải dạy hai thứ tiếng đó, hai tiếng này còn cần thiết trong nhiều năm nữa ...
Tôi không muốn sự dùng chữ tượng hình tiếp tục mãi. Nhưng tôi cho rằng muốn phá bỏ ( détruire ) chúng... thì phải hiểu biết chúng để vận động một cách cẩn thận. Tôi nhìn nhận rằng chúng không thể được thay thế hoàn toàn trước khi một ngôn ngữ bình dân hoàn hảo hơn được tạo ra, tôi biết rằng phương tiện duy nhất để chuyển từ tiếng Việt qua tiếng Pháp là việc sử dụng các con chữ la-tinh [...] Sau cùng tôi cho rằng sự thay thế một hệ chữ viết này bằng một hệ khác là không tùy thuộc vào một nghị định của chính phủ mà ý chí sẽ bị tan vỡ trước sức ỳ của dân chúng và trước sức mạnh của sự sử dụng trong thương mãi ...
Thưa các Ngài, nguồn gốc của những sai lầm đó là người ta cứ tưởng là người ta có thể dạy trong vài năm cho một dân tộc quên đi được ngôn ngữ và phong tục của mình ...
Bài này viết cuối năm 1873 và đánh dấu tình trạng giáo dục thời bấy giờ ".
2. Ý kiến của Etienne Aymonier
Aymonier từng làm công sứ Pháp tại Bình Thuận, giám đốc trường thuộc địa, thành viên của Hội đồng Quản trị Hội Pháp-văn Liên-hiệp ( Alliance Francaise), biết tiếng Việt, tiếng Chàm và tiến Khmer. Lập trường của Aymonier là lấy tiếng Pháp thay thế tiếng Hán trên toàn cõi Việt Nam. Dưới đây là những điểm quan trọng trong hai bài viết của Aymonier đã phát hành trong những năm 1886 và 1890.
Trong bài viết năm 1886, có những đoạn như sau :
" Cuộc thống trị của Pháp không thể nào thực hiện được nếu không có một hình thức biểu hiện tiếng An-nam bằng những con chữ Âu Tây... Đứng một bên cái công cụ cần yếu mà không hoàn toàn đó, có cách sử dụng đơn giản nhưng giới hạn đó ( tức là tiếng Việt, NPP ghi chú ), chúng ta cần phải gieo rắc vào người dân An Nam rằng cái nhu cầu hiểu biết một ngôn ngữ bác học, một ngôn ngữ cấp cao; việc không thể chối cãi được là sự học hỏi tiếng Pháp phải chính thức thay thế sự học hỏi tiếng Trung Quốc ."
Trong bài năm 1890, Aymonier đã phát biểu :
" Các nhà truyền giáo, những kẻ phát minh ra chữ quốc ngữ, đã sử dụng thứ chữ viết này để truyền đạo của mình. Chuyện này rất đúng nhưng phải nói thêm rằng công cụ này rất đơn giản, thật tiện lợi cho những ai chỉ nhắm vào một sự dạy dỗ có giới hạn những tư tưởng bình dân, luân lý, hay đạo giáo. Công cụ này không cho tiếp cận những chủ đề cao xa, văn chương hay khoa học.
Vào cái thế mà cuộc đọ sức đáng lẽ phải xảy ra giữa tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc, một bên là biểu hiện cho ảnh hưởng đạo đức trong quá khứ, bên kia đại diện cho sự thống trị ở tương lai; ở cái thế ấy người ta lại đi tìm một kẻ thứ ba, tiến An Nam, mà người ta đem sức ra phát hiện, làm cho thành tựu bằng nhiều hy sinh to lớn.
Có ai nêu ra chuyện phải truất bỏ tiếng An Nam một cách đột ngột hay là từ từ ? Mà việc này có ở trong tầm sức của chúng ta không ? [...] Thực ra, vấn đề được đặt ra là thay thế trong chương trình dạy chính thức, tiếng Trung Quốc, hiện nay được dạy đến tận các thôn quê, bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của những kẻ đi chinh phục với hậu quả được lường trước là sự sử dụng ngôn ngữ này sẽ toả lan càng ngày càng lớn. Như thế tiếng An Nam sẽ tồn tại trong tình trạng hiện nay, tình trạng hiện có là do sự học hỏi và sử dụng tiếng Trung Quốc trong hàng thế kỷ, tình trạng của một thổ ngữ. Chúng ta hé thấy là tiếng An-Nam sẽ hao mòn nhanh. Các thanh điệu đã mất đi cái sắc sảo của chúng ở Nam Kỳ thuộc Pháp. Về lâu dài trong một tương lai xa, ngôn ngữ này chắc sẽ tắt đi và để lại một số chữ trong tiếng Pháp tương lai của xứ này [...]
... Tôi xin đưa ra lời nguyện ước sau đây :
1. Chương trình dạy chính thức ở Nam Kỳ thuộc Pháp sẽ được đặt cơ sở trong một chừng mực tối đa có thể được, trên sự học hỏi tiếng Pháp.
2. Trên toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, chính quyền sẽ cho nghiên cứu các phương tiện để thúc đẩy tiếng Pháp (...)
Chớ nên dạy tiếng Pháp cho hàng thân hào, cho giới lãnh đạo, mà phải nhắm vào những đứa trẻ của dân thường, con gái lẫn con trai. Tốt hơn là nhắm vào từng nhóm làng xã, chỗ này chỗ kia, trước tiên là ở những vùng phụ cận những trung tâm Âu Tây, hay trong những làng thiên chúa giáo, ở tất cả những nơi mà thiện chí được bộc lộ Đó là cách mà tôi gọi là cắm ngôn ngữ vào đất bằng cách cho nó bắt rễ."
3.Suy nghĩ của E. Roucoules.
E. Roucoules từng là hiệu trưởng Trung học ( Collège ) Chasseloup-Laubat ở sài Gòn, phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo- Chinoises ) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp. Trong một bài viết năm 1890, tựa là Le Francais, le quốc-ngữ et l'enseignement public en Indo - Chine.Réponse à M. Aymonier ( Tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và giáo dục quần chúng ở Đông Dương. Trả lời ông Aymonier ), có những suy nghĩ và nhận xét như sau :
" Chữ viết này ( tức chữ quốc ngữ ) trên mọi mặt là tối ưu, và chúng ta sẽ sai lầm nếu không dùng đến nó.
Phải chăng là đã đạt đến một điểm lớn nếu có thể cho cả một dân tộc có khả năng trong vòng vài tuần lể học viết được một ngôn ngữ nói thật thông thường... cũng như một ngôn ngữ hằng ngày, [... ]
Người An Nam viết và viết rất nhiều. Số lượng thư từ mà họ gởi cho nhau nhiều vô số và số tiền bưu điện thu vào gia tăng rất đều là một chứng cớ về cái nhu cầu trao đổi giữa họ với nhau.
[...] Ta không thể cho rằng tiếng An Nam thông tục có khả năng dùng vào các lập luận trừu tượng hay khoa học. Nhưng việc dạy ở cấp [ cao ] đó chỉ có thể dành cho những phần tử tinh hoa trong dân chúng, và thực hiện bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Pháp đúng đắn và chân chính [ ... ]
Sự dùng chữ quốc ngữ như chúng tôi đề ra đem đến một cái lợi tức khắc là không làm gián đoạn với quá khứ và những thói quen.
Chúng tôn đã thu tóm vai trò chữ quốc ngữ đúng vào cái giá trị của nó, vai trò của một khí cụ tiện lợi và cần thiết. Và đó là vai trò duy nhất mà nó có thể cán đáng được.
... Chúng ta đừng quên rằng vào năm 1874, đề đốc Dupré đã muốn thử truyền bá tiếng Pháp và làm tỏa rộng sự phổ biến chữ quốc ngữ, chữ viết này đã được chính các nhà truyền giáo tạo ra và bày dạy; nhưng lúc bấy giờ thì chính họ chống đối việc dạy này và gây ra nhiều xung đột và vì thế chính quyền cao cấp của Đề đốc - Toàn quyền phải can thiệp.
... Không thể trông cậy vào một sự giúp đỡ hữu hiệu từ những người [ ... ] mà tinh thần đoàn thể chống lại việc truyền bá thứ chữ viết mà chính họ tạo nên, khi họ nhận thấy rằng nếu vào tay kẻ khác, thứ chữ viết này có thể làm nảy sinh ra một sự cạnh tranh đối với ảnh hưởng của họ."
4. Nhận xét về ý kiến của các viên chức Pháp
Trước hết ta nhận thấy ngay rằng các viên chức Pháp thời ấy xem thường tiếng Việt, cho ngôn ngữ này là vulgaire( có thể tạm dịch là thông tục, tầm thường, NPP), không đủ sức để diễn tả những tư tưởng trừu tượng, ý hẳn là muốn so sánh với tiếng Hán và tiếng Pháp, là những ngôn ngữ lớn, đầy đủ. Cái nhìn này đúng là cái nhìn của những kẻ đi chinh phục, nhưng cũng có cơ sở vì cho tới thời điểm này dưới thời các triều đại vua chúa Việt Nam, tiếng Trung Quốc vẫn được xem trọng, được dùng trong công việc hành chính,sao viết sử sách, nói tóm lại như một ngôn ngữ chính thức, một ngôn ngữ ngoại giao, một ngôn ngữ của hạng trí thức học giả. Người ta vẫn cho chữ Hán là chữ ( của đạo ) nho, chữ của thánh hiền.
Mục đích chính trong chính sách ngôn ngữ của chính quyền Pháp khi mới mới chinh phục Nam Kỳ không phải là xúc tiến phát triển tiếng của người bản xứ, tức là tiếng Việt, mà là nhắm truyền bá giảng dạy tiếng Pháp cho người dân mới bị chinh phục với ý đồ là tiếng Pháp sẽ dần dần thay thế tiếng Hán trong lãnh vực văn thư hành chánh, ngoại giao, sử liệu, ở cấp trung đại học..., nghĩa là tiếng Pháp phải trở thành ngôn ngữ của giới hành chánh và trí thức Việt Nam. Để lấp bằng sự thiếu thốn về phương tiện ( cần ngân sách to lớn để tăng thêm số giáo viên Pháp ) E. Aymonier ( 1890 : 34 ) không ngần ngại đề nghị dạy một thứ tiếng Pháp giảm gọn, đơn giản hoá đến mức quái gở.
" Tôi [ Aymonier ] đề nghị tạm bỏ đi trong tiếng Pháp những điều không theo quy tắc chính tả, những khó khăn văn phạm, số lớn những từ đồng nghĩa và những từ trừu tượng, hầu hết các phép chia động từ ( ngoại trừ ở một số ngôi thứ ba số ít, và các động từ không ngôi ), như vậy sẽ còn lại một tiếng nói giảm gọn, " mọi (nègre)" chúng ta có thể hiểu thế, có dáng điệu nói của tỉnh lẻ, nhịp nhàng, nhưng cũng đủ để diễn tả những tư tưởng cụ thể. Ví dụ như từ amour sẽ loại bỏ đi vì có thể dùng aimer thay thế; parler dùng thay cho parole ."
Nhưng dù muốn dù không, chính quyền thuộc địa Pháp vẫn có nhu cầu cho các viên chức của mình học tiếng Việt để tiếp xúc với dân bản xứ, và thi hành công cuộc cai trị những lãnh thổ vừa mới chiếm. Đối với người Pháp, lẽ dĩ nhiên, việc học tiếng Việt sẽ dễ dàng qua chữ quốc ngữ hơn là chữ nôm. Xin nhắc là trong thời gian đầu chinh phục Việt Nam, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ đều nằm trong tay các đô đốc hải quân. Trong tình hình này, ta không lấy làm lạ là cuốn từ điển song ngữ Pháp - Việt đầu tiên được xuất bản là do một quân nhân, đại úy hải quân Gabriel Aubaret làm tác giả. Đó là cuốn Vocabulaire Francais - Annamite et Annamite - Francais, Bangkok, 1861, dày 157 trang.
5. Sự đề kháng của chữ nôm
Trước tình thế nhà cầm quyền Pháp tỏ vẻ ủng hộ chữ quốc ngữ, tức là chữ viết theo con chữ La Tinh của tiếng Việt, thì giới nhà nho, tức tầng lớp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ nghĩ sao ? Tất nhiên là họ chống đối vì nhiều lẽ.
Thứ nhất vì chữ quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang và cũng là công cụ truyền đạo thiên chúa. Ví dụ như Nguyễn Đình Chiểu không chịu chấp nhận một thứ chữ viết được đồng hoá với những kẻ xâm lược.
Nét độc đáo của thời Nguyễn Đình chiểu là tuyệt đại đa số các tác giả yêu nước và chống Pháp đều sáng tác bằng chữ nôm (xem Nguyễn Đình Chiểu, 1973, tr.9) Chữ quốc ngữ còn có khi được gọi là " tây quốc ngữ tức là tiếng nói được viết ra bằng các con chữ Âu Châu " (P.G.V. ,1897, VI). Mà tên gọi này thì quá lộ liễu, nói lên rõ ràng nguồn gốc của thứ chữ viết này, khiến các nhà thức giả Việt Nam thời ấy khó có thể dùng nó để viết bài kêu gọi dân chúng chống ngoại xâm. Dùng chữ viết trở thành biểu tượng của một thái độ chính trị.

Theo: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top