Nguyễn Đình Chú
https://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/h...jYXRpZD02Mzp2bi1oYy12aXQtbmFtJkl0ZW1pZD0xMDY=
1. Đây là vấn đề cơ bản và có ý nghĩa phương pháp luận, bởi nhận thức bất cứ sự vật, hiện tượng nào, trước hết vẫn phải bắt đầu từ nhận thưc cấu trúc-tổng thể để từ đó đi dần vào việc nhận thức các bộ phân của nó. Tựa như khi đến một thành phố mới lạ thì điều cần thiết nhất là phải có một bản đồ để biết những đại lộ trước khi đi vào các khu phố. Công tác văn học sử cũng vậy, dù là phải tiến hành song song hai yêu cầu nhận thức, khám phá vừa về bộ phận vừa về cấu trúc – tổng thể, nhưng vẫn phải lấy nhận thức cấu trúc tổng thể để chỉ đạo việc nhận thức bộ phận. Riêng với người tiếp nhận thì lại cần bắt đầu từ việc nhận thức câú trúc- tổng thể mà đi đến nhận thức bộ phận. Việc các công trình văn học sử đều bắt đầu bằng bài Đại cương hoặc khái quát về lịch sử văn học chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó của người tiếp nhận. Chỉ có điều là cách viết đại cương trong đó có việc nhìn nhận cấu trúc tổng thể nhìn chung còn quá đơn giản, chưa đủ hình dung được độ phong phú bề thế của kho tàng văn học dân tộc.
2. Cần có một cách nhìn mới về cấu trúc tổng thể của lịch sử văn học Việt Nam. Cách nhìn cũ bị hạn chế là bởi nó chỉ nhìn trên một bình diện là phương thức tồn tại của văn học bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian truyền miệng và văn học viết mà với hầu hết các công trình văn học sử ra đời trong một thời gian khá dài lại đã chỉ nói về văn học người Kinh. Cách nhìn mới là cách nhìn, ngoài phương thức tồn tại (truyền miệng và thành văn) còn là như sau:
2.1. Lịch sử văn học Việt Nam là sản phẩm của một quốc gia gồm 54 dân tộc cùng chung sống trong đó dân tộc Kinh chiếm đại đa số nhưng còn 53 dân tộc anh em khác. Do đó, trong cấu trúc - tổng thể của lịch sử văn học Việt Nam, ngoài văn học của ngươì Kinh đáng được coi là chủ thể, còn có văn học của các dân tộc ít người.
Văn học dân tộc ít người được nói ở đây chủ yếu là thuộc văn học truyền miệng truyền thống. Không phải dân tộc ít người nào cũng có thành tưụ văn học lớn. Nhưng có một số dân tộc đã có những thành tựu rất qui mô và độc đáo. Ví như: các dân tộc Tây nguyên có thể loại trường ca sử thi, theo con số được công bố gần đây trên vô tuyến truyền hình Việt Nam là tới 500 bản, ngoài các tác phẩm đã được dịch phổ biến trước đây như Đăm săn, Xinh nhã... sắp tới sẽ dịch in 27 tác phẩm nữa. Đó là một hiện tượng hiếm có trong khu vực đã đành mà còn là trên thế giới. Dân tộc Mường ở Thanh Hoá và Hoà Bình có thể loại mo trước đây do quan niệm ấu trĩ chỉ coi đó là văn nghi lễ, không phải là văn học, nay với quan niệm đúng đắn thì chính đó là một thể loại phôncờlorờ ra đời trên cơ sở hợp lưu giữa tín ngưỡng dân gian với văn học dân gian. Tiêu biểu là mo Đẻ đất đẻ nước, bản đươc ghi nhiều nhất gồm 8503 câu. Các dân tộc ít người ở Tây Bắc và Việt Bắc có thể loại truyện thơ, tiểu biểu như: Xóng chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu), Ăm ệt luông, Vượt biển, Tiếng hát làm dâu, Nam kim- Thi đan....
Sức hấp dẫn của những tác phẩm vừa kể trên đây thuộc văn học dân tộc ít người là xuất phát từ một kiểu tư duy có phẩm chất nghệ thuật cao siêu trong đó bao gồm môt khả năng tưởng tượng và môt khả năng liên tưởng phi thường, từ đó mà có những hình tượng nghệ thuật mang tính chất huyền thoại và hoành tráng hơn văn học người Kinh. Cứ so sánh hình tượng mặt trời trong văn học ngườì Kinh với hình tượng mặt trời trong trường ca Đăm săn đã thành nữ thần để Đăm săn đi bắt làm vợ, với hình tượng mặt trời trong Tiễn dặn người yêu; cứ so sánh hình tượng cơn mưa trong thơ Lưu Trọng Lư, thơ Tố Hữu... với hình tượng cơn mưa trong mo Đẻ đất đẻ nước; chúng ta thấy rõ sự khác nhau về hình tượng cũng là sự khác nhau về tư duy nghệ thuật.
Để hiểu rõ hơn giá trị nghệ thuật độc đáo của văn học dân tộc ít người, cần nhận thức hai qui luật quan trọng sau đây:
a) Qui luật phát triển không đồng đều giữa kinh tế xã hội văn hoá văn minh với văn học nghệ thuật. Các dân tộc ít người xét về đời sống kinh tế xã hội văn hoá văn minh là thấp hơn nhiều lần so với người dân ở các đô thị miền xuôi nhưng họ có những sản phẩm văn học độc đáo, có dân ca hấp dẫn mà ở các đô thị miền xuôi không dễ gì có. Tất nhiên không thể tuyệt đối hoá qui luật này.
b) Qui luật về cơ sở kết tinh của nghệ thuật: có nhiều cơ sở cho sự kết tinh nghệ thuật ví như lý tưởng xã hội cao đẹp, lòng nhân ái bao la, quan điểm nghệ thuật chân chính, tài năng trác lạc....nhưng không thể quên sự hồn nhiên của người nghệ sĩ, điều mà Karl Marx đã nói đến trong khi bàn về nguồn gốc giá trị của thần thoại Hy lạp: sự hồn nhiên trong tuổi thơ một đi không trở lại của nhân loai. Rõ ràng các dân tộc thiểu số, xét trên nhiều phương diện của cuộc sống đều thấp hơn nhiều so với dân tộc Kinh, nhưng riêng về độ hồn nhiên của tâm hồn nhờ có cuộc sống gần gũi với đất trời sông núi, với cây cỏ, chim muông, thì chắc chắn là dân tộc Kinh khó bằng. Nói văn học dân tộc ít người kết tinh từ sự hồn nhiên để có kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo dẫn đến thành tựu văn học hấp dẫn chính là căn cứ vào qui luật đó.
2.2. Trên bình diện chữ viết (văn tự): theo các công trình văn học sử hiện có thì lịch sử văn học Việt Nam cho đến nay đã được viết bằng ba hình thức văn tự: chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ. Nhưng còn phải nói thêm một số vấn đề như sau:
a) Ở Việt Nam, trứơc khi có chữ Hán đã có hình thức chữ viết nào khác chưa? Nếu đã thì có một thứ văn học nào gắn với hình thức chữ viết đó không? Quả là trong cuốn Thanh Hoá quan phong của Vương Duy Trinh in năm 1905, tác giả có công bố một văn bản chữ viết sưu tầm được ở thượng du tỉnh Thanh và cho đó là chữ viết của người Việt cổ. Năm 1942, trong sách Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi cũng cho đó là chữ viết cổ nhất của dân tộc. Tiếp nữa,vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ XX, hai ông Bùi Văn Nguyên, Lê Trọng Khánh cũng nói đến chữ viết thời Hùng Vương. Có thể nói những tìm tòi trên đây chưa đủ cho một kết luận rằng dân tộc đã có chữ viết thực sự trước khi sử dụng chữ Hán của Trung hoa để sáng tác văn học. Hoặc giả cứ cho đó là chữ viết của dân tộc đi thì vẫn chưa có văn học nào của thứ chữ viết đó.
b) Vấn đề đáng nói là ngoài văn học được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ, còn có văn học viết bằng chữ Pháp, chữ Anh của người Việt Nam hoặc ở trong nước hoặc ở ngoài nước. Ví như về tiếng Pháp,đã có những tên tuổi như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Đức Bính, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Văn Ký... đặc biệt Nguyễn Aí Quốc với với những tác phẩm sáng giá đã được khoa văn học sử đón nhận nồng nhiệt. Nhưng vấn đề đặt ra là với những trường hợp khác thì sao? Cần thấy rằng đây là hiện tượng văn học của thời hiện đại một khi qui luật giao lưu văn hoá mang tính chất toàn cầu đã là hiện thực. Cứ xem tình hình văn học của nhiều nước trong khu vực sẽ thấy đa ngữ là hiện tượng mang tính qui luật phổ biến. Đã đến lúc khoa văn học sử Việt Nam không thể để ra ngoài loại văn học của người Việt viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh dù ở trong nước hay ở ngoài nước miễn là thể hiện phẩm chất,tâm hồn Việt Nam và có giá trị nghệ thuật. Cần nói thêm: qui luật của văn hoá trong đó có văn học liên quan đến qui luật của địa lý chính trị nhưng không đồng nhất với nhau. Cách chúng ta đã đối xử với văn học chữ Hán cũng là vậy chứ khác gì.
2.3. Những bộ phận văn học chưa được khám phá đầy đủ hoặc còn bị bỏ ngoài đối tượng nghiên cứu. Đó là:
a) Những mần mống văn học viết ở thời Bắc thuộc: Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử đã nói đến văn học từ thời Sĩ Nhiếp (?-226). Nghiêm Toản trong Việt Nam văn học sử trích yếu cũng cho rằng văn học Việt Nam có từ thế kỷ II. Nhưng cả hai ông chưa có tư liệu gì đáng kể về văn học thời Bắc thuộc đó. Có lẽ vì thế mà các công trình văn học sử về sau đều cho rằng văn học viết Việt Nam chỉ ra đời từ thế kỷ XIII,hoặc XI, hoăc X. Trong khi đó thì một số nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam đã nói đến Phật giáo Việt Nam ở thời Bắc thuộc từ thế kỷ thứ II trở đi trên cơ sở nhiều tư liệu văn học Phật giáo mà họ phát hiện được. Đọc một số công trình của nhà nghiên cứu Phât học Lê Mạnh Thát như: Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam tập I (in ronéo, tu thư Phật học Vạn hạnh, thành phố HCM, 1976), Nghiên cứu về Mâu tử (tâp I, II, tu thư Phật học Vạn hạnh, 1982), Khương Tăng Hội toàn tập (I và II, tu thư Phật học Vạn hạnh, 1994), chúng ta sẽ thấy một lượng thư tịch so vơí trước phong phú hơn rõ rệt. Mà ở đây nói văn học Phật giáo cũng là nói văn học Việt Nam. Trong công cuộc tìm kiếm lại những mần mống văn học thời Bắc thuộc, cần ghi thêm công của nhà nghiên cứu Trần Nghĩa qua hai bài viết “Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan tới giòng văn học viết bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc”(Tạp chí Văn học số 4-1975), “Sáu bức thư hay cuộc tranh luận sôi nổi giữa Đạo Cao Pháp Minh với Lý Miễu về việc không thấy chân hình của Phật” (Tạp chí Hán nôm số 2- 1995). Nguyễn Công Lý trong công trình Văn học Phật giao thời Lý Trần: diện mạo và đăc điểm (Nhà xuất bản ĐHQG thành phố HCM, 2003) qua tiểu mục “Vài nét về diễn trình và đặc điểm của văn học Phật giáo ở Giao Châu trước thời đại Lý Trần” cũng đã cho người đọc thấy khá đầy đủ hệ thống thư tịch thuộc văn học Phật giáo và như đã nói cũng là văn học Việt Nam thời Bắc thuộc. Hy vọng trong công trình văn học sử mà viện Văn học đang trên đường tổ chức biên soạn sẽ quan tâm tới bộ phận mầm mống này để người đọc thâý rõ thêm diện mạo cấu trúc - tổng thể của lịch sử văn học dân tộc.
b) Nền văn học chữ Hán của chúng ta quả thật là rất phong phú.Từ đầu thể kỷ XX, đặc biệt từ hạ bán thế kỷ XX đến nay, công tác sưu tầm dịch thuật văn học chữ Hán đã có những thành tựu rất đáng kể.Tuy nhiên so với những gì nó có thì vẫn là một khoảng cách không nhỏ. Còn rất nhiều tác gia tác phẩm chữ Hán vẫn nằm yên trong thư viện Hán nôm, đặc biệt là với các tác gia triều Nguyễn. Nhìn lại những gì đã được dịch đối với văn thơ Cao Bá Quát, Miên Thẩm Tùng Thiện vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Văn Siêu, Mai Am nữ sĩ, Huệ Phố nữ sĩ... mấy vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị,Tự Đức và nhiều tác giả khác nữa,hẳn là chúng ta không khỏi sốt ruột. Đúng là công tác nghiên cứu văn học nói chung, khoa văn học sử nói riêng đang còn nợ nhiều với bộ phận văn học chữ Hán mà xem ra khả năng thanh toán còn quá chậm chạp.
c) Với văn học ở miền Nam sau 1954 trước 1975: không ai có thể chối cãi được rằng ở miền Nam, đặc biệt ở một số thành phố, nhất là Sài gòn trong thời gian này đã tồn tại môt nền văn học. Chưa nói về chất lương của nó là gì. Riêng về số lượng,chắc gì nó đã thua nền văn học miền Bắc. Vậy mà công việc nghiên cứu đã có với nó như thế nào? Qủa là trong thơì chống Mỹ, xuất phát từ yêu cầu chống lại nền văn hoá thực dân mới,chúng ta đã tổ chức việc nghiên cứu văn học đô thị miền Nam. Đó là việc làm cần thiết nhưng về cơ bản chưa phải là việc làm của nhà văn học sử.
Thiết tưởng đã đến lúc phải đặt vấn đề nghiên cứu bộ phận văn học này một cách công phu,thấu đáo,khách quan,công bằng để với những gì là rác rưởi thì quét sạch nó đi nhưng những gì là nhân bản, là văn học đích thực thì phải sớm thu gom về cho kho tàng văn học dân tộc. Chúng ta tin rằng trong thế giới văn chương ở miền Nam sau 1954 trước 1975, không phải cái gì cũng thuộc văn hoá thực dân mới. Quá trình và cũng là kinh nghiệm đánh giá văn học công khai hợp pháp thời kỳ trước 1945 hẳn sẽ giúp các nhà nghiên cứu nhiều điều bổ ích. Đất nước đang thiết tha củng cố khối đoàn kết toàn dân phất cao ngọn cờ hoà hợp dân tộc. Khẩn trương nghiên cứu đánh giá chính xác công bằng đối với nền văn học miền Nam thời kỳ 1954-I975 sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chính trị xã hội đó. Cần ghi thêm một sự thật: trên thị trường sách báo gần đây, không ít sách của miền Nam thời kỳ 1954-1975 đã được tái bản và có độc giả. Chả nhẽ các nhà văn học sử lại thờ ơ trước sự thật đó sao?
d) Với văn học hải ngoại: cũng có một sự thật là từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt từ sau 1975, vì hoàn cảnh này nọ, có nhiều người Việt phải ra sinh sống ở nước ngoài và trong số đó, không ít người vẫn không rời bỏ nghiẹp văn chương thơ phú. Do đó mà có thứ văn học từng được đặt tên là văn học hải ngoại. Vậy mà chúng ta đã đối xử với nó như thế nào? Xin được nói thật là chưa thoả đáng. Hình như đâu đó đã có khuynh hướng cho rằng cái gọi là văn học hải ngoại chỉ là thứ quái thai mượn văn chương để chống phá tổ quốc của những thế lực phản động sau 1975 trốn ra nước ngoài mà không chịu từ bỏ hận thù với cách mạng. Quả có thứ quái thai đó qua chủ trương chuyển lửa về quê hương mà những người chân chính không ai không công phẫn. Mà cái thứ đó không đáng gọi là văn chương. Nhưng vấn đề là trong cái gọi là văn chương hải ngoại, đâu chỉ có thứ quái thai. Không chừng phần lớn lại thuôc về những tiếng nói đáng quí đáng thương, đáng trân trọng, đáng thu gom về cho kho tàng văn học dân tộc. Đó là những trang văn trang thơ cất lên từ nỗi nhớ nước nhớ nhà nhớ quê cha đất tổ, nhớ tình xưa nghĩa cũ nơi chôn rau cắt rốn, nơi mồ mả tổ tiên ông bà mình còn đó...gọi chung là nỗi đau xa xứ, nỗi đau ly hương. Và bên cạnh cái chủ đề gần như là chính đó còn có bao nhiều điều thuộc về đời sống tinh thần, tình cảm của những ngứòi xa xứ. Chúng ta những người được hưởng hạnh phúc sống trên đất nước quê hương nỡ lòng nào quên những người xa nước. Cũng cần thấy rằng cái gọi là văn học hải ngoại đâu chỉ là chuyện của đời nay. Mấy chút văn phẩm của Lý Tiến, Lý Cầm, Khương Công Phụ từ thời Bắc thuộc không phải là văn học hải ngoại sao một khi các vị đó cũng rời đất nước sang học hành làm quan bên nước Tàu và làm thơ mà ngày nay nhiều công trình văn học sử vẫn nhắc đến. Rồi cả văn thơ của Phan Bội Châu và của các chí sĩ Đông du đầu thế kỷ XX viết trên đất Nhật bản, Trung hoa, Thái Lan cũng như của Nguyễn Ái Quốc viết trên đất Pháp thực tế cũng là văn học hải ngoại mà chúng ta đã đón nhận nồng nhiệt thì không lý do gì lại để ra ngoaì những trường hợp khác. Vấn đề là có giá trị hay không thôi. Chính sách Việt kiều của nhà nước ta đang được ngày một hoàn thiện. Đặc biệt chỉ thị của Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam gần đây về công tác Việt kiều đã thể hiện một tinh thần rất cởi mở hẳn sẽ tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu văn học hải ngoại. Nếu làm tốt được việc này sẽ có nhiều điều lợi trong đó có sự làm giàu thêm kho tàng văn học Việt Nam.
♦ ♦ ♦
Dân tộc Việt Nam có một kho tàng văn học nghệ thuật lâu đời bao gồm âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc...và văn học. Nhưng phải nói rằng trước thời đại cách mạng, văn học vẫn là hình thức nghệ thuật có thành tựu nổi trội hơn hẳn so với các ngành nghệ thuật khác. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao để tái hiện, làm sống lại đầy đủ kho báu văn học đó. Vấn đề cấu trúc- tổng thể được nêu lên như trên chính là góp phần tạo thêm cơ sở cho việc nhận thức đầy đủ hơn về kho báu đó.
Theo: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn