- Xu
- 458
VỀ BI KỊCH CỔ ĐIỂN HY LẠP
I – ĐẤT NƯỚC NHỮNG NGƯỜI YÊU NGHỆ THUẬT
Phía Đông - Nam châu Âu, nhô ra Địa Trung Hải là một bán đảo gồ ghề, bao bọc xung quanh có hàng ngàn đảo nhỏ xanh biếc. Đó là xứ sở một nền thần thoại đẹp đến lạ kỳ, in dấu trên mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi khu rừng, eo biển, mỗi thành phố đông vui cho đến mỗi hòn đảo cô đơn giữa mênh mông sóng vỗ đêm ngày.
Đất nước ấy là của những con người có một trí tuệ thông minh, linh hoạt, những tài năng đa dạng và tinh xảo, một khiếu thẩm mỹ tuyệt vời, đã sáng tạo một nền văn minh chói lọi nhất xưa kia, cơ sở đầu tiên vững vàng của nền văn minh thế giới. Đó là cái nôi của nền văn học - nghệ thuật cổ đại mà những thành tựu lớn lao vượt qua những tàn phá của thời gian và những kẻ thù man rợ để mà tồn tại, đến ngày nay vẫn không khỏi làm cho chúng ta phải lạ lùng bỡ ngỡ. Có thật chính họ, những con người sống trước chúng ta trên hai nghìn năm trăm năm ấy, đã làm ra những điều kỳ vĩ này chăng? Một ngôi điện Parthénon với những hàng trụ cẩm thạch trắng chạy suốt bốn xung quanh với hai trăm năm mươi hai bức phù điêu tuyệt diệu; một bức tượng tròn bằng ngà và vàng của nữ thần Athéna mười hai mét cao; cây hải đăng Alexandrie, thư viện Alexandrie với 700.000 cuốn sách… những thiên anh hùng ca bất hủ Iliade vàOdyssée, những vở kịch Antigone, Médée, Oédipe… những bộ óc bách khoa như Aristote, tất cả những thành tựu đó đều như những tấm huân chương trên ngực biểu dương cái khả năng sáng tạo vô tận của con người.
Nhà triết học, nhà khoa học, người nghệ sĩ và nhà thơ trong Chàng trai Hy Lạp ngày xưa chính là cái tuổi hoa niên của nhân loại. Phơi phới tình yêu đời và nghị lực, say hiểu biết, tin ở mình, một buổi sáng mùa xuân hoa lá xanh tươi, chan hoà ánh nắng, chàng trai ôm chiếc huyền cầm đi tìm lên thế giới bao la kỳ diệu của Chín Nàng thơ. Từ chỗ ở thần tiên, các Nàng thơ ngày ngày để mắt xuống cõi trần tìm một bóng dáng thân yêu để truyền lại cho đời những tài hoa bất tuyệt. Giữa lúc chờ mong tha thiết ấy, chàng trai Hy Lạp bỗng nhẹ nhàng tới gõ cửa tiên cung, ra mắt các nàng. Rung động trước vẻ đẹp cân đối hài hoà cao thượng của một chàng trai trẻ, các nàng thơ âu yếm san sẻ cho chàng trai tất cả những tinh hoa tài nghệ của mình. Thấy như vậy vẫn chưa đủ bộc lộ hết mối tình gắn bó, các Nàng dời luôn chỗ ở của mình xuống ngay xứ sở của chàng trai, trên các ngọn núi Pinde, Hélicon, Parnasse thắm đẹp bốn mùa. Rồi các nàng thay phiên nhau rót chất thần đơn thơm ngát, ngọt ngào, thanh khiết của mình vào trong trái tim óc và mỗi đường gân thớ thịt của chàng trai.
Bởi vậy mà cái đặc điểm nổi bật của nền văn học Hy Lạp ngày xưa là nó chứa đựng một chất thơ đậm đà man mác. Chất thơ thấm đượm mỗi chiến tích anh hùng qua lời ca của người nghệ sĩ hát rong. Chất thơ say đắm ngọt ngào trong tiếng nói yêu đương của một Sapho nữ sĩ. Chất thơ toả ra từ một câu trả lời nặng ý nghĩa trên miệng vua Xercès (Ba tư) mà nhà sử học đã “thính tai” nghe được. Chất thơ đọng lại sâu nhất trong những thiên bi kịch, trong lời Électra khóc em, Médée khóc con, đội đồng ca ca ngợi con người… ngày nay, đi qua những di tích nhà hát cũ, người ta nhưng vẫn còn nghe vọng lại những lời thơ đã từng làm say đắm mọi người trong các ngày hội lễ thần Dionysos, ở mọi thành bang.
II-NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU HY LẠP
Nghệ thuật sân khấu Hy-Lạp ra đời khoảng thể kỷ VI trước công nguyên. Nguồn gốc nó là ở những bài hát dithyrambe chúc tụng Tửu thần Dionysos (tức thần Bacchus trong thần thoại La Mã). Đây là thời kỳ mà việc thờ cúng tửu thần được lan truyền từ châu Á sang châu Âu. Trong các ngày hội Dionysies đó, các bài dithyrambe được các đội đồng ca hát lên, gắn liền với những nghi thức diễn trò Satyre, tức là diễn lại những cảnh sinh hoạt của vị thần rượu đi đâu cũng có những nàng Ménades (Bacchantes) và những Satyres đầu người mình dê đi theo, nhảy múa. La hét như điên như dại. Vật lễ tế Dionysos thường là một con dê. Chữ tragédie (bi kịch) là một từ mới cấu tạo thành bằng hai chữ tragos (con dê) và ode (tụng ca) ghép lại. Đội đồng ca do một nhạc trưởng (coryphée) điều khiển. Trong quá trình chuyển biến, dần dần một người (với Thespis), rồi hai người (với Eschyle) rồi ba người (với Thespis), rồi ba người với (Sophocle) trong đội tách ra, đối đáp với nhạc trưởng hoặc với nhau và trở thành diễn viên và cái nghi thức hát mừng Dionysos cũng từ đó mà biến đổi tính chất. Lễ mừng thần vẫn còn, nhưng từ nó một hình thức nghệ thuật mới, có hát, có múa và có đối thoại đã xuất hiện, có cuộc sống riêng và phát triển: đó là bi kịch.
Dân tộc Hy lạp là một dân tộc rất tôn trọng thần linh và truyền thống cũ, yêu cuộc sống vui vẻ hồn nhiên, say mê những sinh hoạt ngoài trời. Mỗi năm, vào mùa Xuân và mùa Thu, có những ngày hội Tửu Thần gọi là Dionysies, trong ngày hội đó có những đám rước, những trò chơi và riêng hội Dionysie mùa Xuân có tổ chức thi biểu diễn sân khấu. Mỗi nhà thơ dự thi phải trình diễn một bộ ba bi kịch (trilogie) kèm theo một vở kịch châm biếm gọi là satire. Ban giám khảo được chọn bằng hình thức bắt thăm và bỏ phiếu. Họ làm việc khách quan, có dựa vào dư luận khán giả. Tất cả các nhà thơ dự thi và diễn viên đều được thưởng tiền. Nhà thơ nào trúng giải nhất thì được vị đứng đầu thành bang đội lên đầu cho một vành hoa chiến thắng kết bằng lá nguyệt quế trường xuân. Hằng năm, tên tuổi các đạo diễn, tác giả, diễn viên chính, người lãnh đạo các độ đồng ca và cả ban giám khảo đều được khắc vào bia để lưu lại đời sau. Nhân dân và nhà nước Athènes rất coi trọng và dành cho họ một địa vị vinh quang xứng đáng. nhà nước bỏ tiền ra xây dựng những nhà hát lộ thiên có nhiều bậc ngồi hình vòng cung, có thể chứa được hàng vài ba vạn khán giả. Có nhà hát như nhà hát Épidaure chứa được gần bốn vạn rưỡi người. Mỗi năm hai kỳ, nhà nước chi cho dân nghèo tiền vé, đàn ông, đàn bà, con trẻ, để mọi người được đi xem đủ cả ba ngày biểu diễn. Trong những ngày đó, những việc công cộng, hội họp… đều nghỉ. Nhà triết học Platon đã gọi một cách hài hước mà đúng, rằng “Nhà nước Athènes là một nhà nước sân khấu trị”.
Vì là một nền sân khấu hình thành từ những bài hát dithyrambe và những nghi lễ thờ phụng Tửu Thần cho nên bi kịch Hy lạp có mang theo những đặc điểm rõ rệt phản ánh nguồn gốc của nó.
1 - Nó không chia thành hồi, lớp như kịch hiện đại mà diễn một mạch từ đầu đến cuối. Sau mỗi bước tiến triển của hành động kịch tương đương môt hồi thì đội đồng ca lại hát một bài tương đối dài để gói ghém lại (gọi là stasimon) và chuyển tiếp bước sau. Phần lớn các vở kịch đều cấu tạo theo cùng một khuôn khổ năm bước (chúng ta không lạ khi thấy bi kịch cổ điển Pháp chẳng hạn nói chung gồm năm hồi, theo khuôn mẫu Hy lạp của nó.
2 - Các kịch bản đều bằng thơ. Phần đồng ca là thơ hát, phần đối thoại là thơ ngâm nói. Đồng ca trong bi kịch giữ một vai trò quan trọng. Nó là dấu vết nguồn gốc dithyrambe. Có khi nó là lời phát ngôn của tác giả, có khi là lời bàn, lời phê phán, bình luận của công chúng nhân dân, của lẽ phải, của lương tri, nó mang tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Trong mỗi vở kịch cụ thể, đội đồng ca là đại diện của một tầng lớp nào đó trong nhân dân, phục trang của nó phải theo đó mà thay đổi, ví dụ: trong hai vở kịch liên hoàn Oédipe làm vua và Antigone, đó là đội đồng ca các cụ già thành Thèbes. Trong đó Prométhée, đó là đội đồng ca các nữ thủy thần đại dương. Trong Électra, là đội đồng ca của những cô gái thành Mycènnes. Trong hài kịch Những kỵ binh, thì chính đội kỵ binh thật của thành phố đóng vai Đội đồng ca. Trong hài kịch Bầy chim, thì đội đồng ca mang áo có cánh và có lắp một cái mỏ chim dài.
3- Các nhân vật trên sân khấu đều mang mặt nạ và đi hài cao cổ (cothurne).Nhất là những nhân vật hài kịch mà là đối tượng châm biếm của nhà thơ thì mặt nạ thường được vẽ giống như nguyên mẫu mà nó ám chỉ.
4 – Sân khấu có nhiều dụng cụ biểu diễn y như thật. Chẳng hạn Aristophane thường dùng chiếc xe lăn gọi là excyclème để đưa nhân vật tàn tật ra, vào. Còn cảnh thì ghép sẵn cả trên sân khấu bởi vì diễn liền một mạch không có chuyện đóng màn nửa chừng. Ví dụ: trong hài kịch Những đám mây, sân khấu chia ra làm đôi, một nửa là nhà của Ba Tròn, một nửa là nhà của Socrate.
5- Đề tài những tác phẩm bi kịch còn lại hầu hết đều rút ra từ thần thoại và truyền thuyết, nhất là những truyền thuyết quen thuộc như truyền thuyết Agamemnon, truyền thuyết thành Thebé, truyền thuyết về Hêracles... truyền thuyết thành Troies… một ít vở lấy đề tài lịch sử như vở Quân Ba tư của Eschyle.
6- Kết cấu từ chỗ còn hết sức đơn giản mang tính thuần túy tự sự và trữ tình, như trong Những thiếu nữ cầu xin, chỉ qua có vài ba mươi năm phát triển mà đã đạt đến đỉnh cao về sự chặt chẽ lôgic như trong Édipe làm vua của Sophocle, Médée của Euripide.
Người Hi Lạp xưa có những khả năng kỳ diệu để vươn tới đỉnh cao của văn học nghệ thuật. Không qua một mẫu mực có sẵn nào, họ đã tìm tòi, sáng tạo, hình thành và khẳng định đủ các loại hình văn học chính và đúng với trình tự lịch sử logic của nó: anh hùng ca, thơ trữ tình, truyện ký (lịch sử), kịch, hùng biện về cả hai mặt lý luận cũng như thực tiễn, với những tác phẩm bất hủ mà không một giai đoạn nào so sánh được. Đó là những bài học vô giá về các phương diện hiểu biết cuộc sống và con người đấu tranh cho lẽ phải và đạo lý, nghệ thuật và văn chương.
III –NHỮNG NGÔI SAO SÁNG MÃI
Thế kỷ thứ V trước công nguyên, có một năm rất đáng ghi nhớ đối với người Hy Lạp: đó là năm 480, năm mà quân đội Athènes dưới sự chỉ huy tài tình và cương quyết của người anh hùng dân tộc Thémistocle, đại thắng quân đế quốc Ba Tư trong trận thuỷ chiến Salamine: Không đầy ba trăm thuyền chiến nhẹ của Athénes tiêu diệt trên một nghìn hai trăm thuyền chiến hạng nặng của địch... năm ấy ghi lại ba sự kiện liên quan tới ba nhà thơ bi kịch lớn nhất của Hy Lạp:
- Eschyle, bốn mươi lăm tuổi, có mặt trong hàng ngũ đoàn quân chiến thắng trở về.
- Sophocle, mười sáu tuổi điều khiển Đội đồng ca Thành bang múa và hát khúc khải hoàn trong ngày hội toàn Athénes mừng chiến thắng.
- Cậu bé Euripide khóc tiếng khóc chào đời, ngay tại đảo Salamine.
Ba nhà thơ gặp nhau trong một ngày hội mừng chiến thắng chưa từng có của Tổ quốc, sẽ còn gặp nhau trong những ngày thi thố tài năng để rồi vĩnh viễn bên cạnh Nữ thần Bi kịch Melpomène kề vai sát cánh bên nhau, tên tuổi bên nhau, hình ảnh bên nhau, tác phẩm bên nhau, trong vầng hào quang chói lọi nhân loại dành cho họ trên lịch sử thi đàn sân khấu.
ESCHYLE (525- 456 tr.CN).
Không có tư liệu lịch sử nào nói rõ về cuộc đời của Eschyle. Chỉ biết nhà thơ sinh năm 525, có tham gia trận đánh thắng quân Ba Tư năm -490 (trận Marathon), năm -480 (trận Salamine), và năm 479 (trận Platée). Ông đã sáng tạo 70 vở kịch và 20 vở Satire, nhiều lần dự thi và trên 10 lần được giải nhất. Tiếc thay, ngày nay chỉ còn lại 7 tác phẩm:
I- NHỮNG THIẾU NỮ CẦU XIN có thể nói là một trong những tác phẩm đầu tiên của Eschyle. Vở kịch nặng về tính chất tự sự và trữ tình, hầu như chưa có gì thật sự là hành động kịch. Nó kể lại câu chuyện năm mươi cô gái của Danaos - cháu năm đời của Êpaphos (Epaphos là con trai của Zeus với nàng Io (xem Prométhée bị xiềng, câu 1110 – 1123)- chạy sang đất Argos (Hi Lạp) xin với vua xứ này được trú ngụ tại đây để tránh cuộc hôn nhân phi đạo lý với năm mươi người anh em của họ.
2- QUÂN BA TƯ (472 trước công nguyên), đề tài lịch sử, là một vở kịch khác đặc biệt của Eschyle, ông ca ngợi mưu trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm và chiến thắng của người Hi lạp không trực tiếp bằng những nhân vật chính diện Hi lạp mà thông qua miệng lưỡi một người lính Ba Tư thất trận kể lại cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai thành Atossa và nỗi kinh hoàng tuyệt vọng của triều đình Ba Tư trước cái tin sét đánh.
3- BẢY TƯỚNG ĐÁNH THẦN THÈBES (467 trước công nguyên) đề tài lấy ở truyền thuyết gia đình Lapdacos, kể lại cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai thành Argos và Thèbes – bảy cổng”, gây ra do mâu thuẫn giữa hai người con trai của Édipe: khi vua thành Thèbes là Édipe phát hiện ra chính mình đã giết cha và lấy mẹ thì ông tự móc mắt và trục xuất mình ra khỏi thành, trao quyền lại cho hai con trai là Polynice vàÉtéocle. Hai anh em đã ước định với nhau rằng mỗi người sẽ thay phiên nhau nắm quyền cai trị nước một năm nhưng Étéocle, sau khi đã làm vua, say mùi quyền bính không chịu trả ngôi báu lại cho anh lại còn mưu mô cùng với cậu là Créon trục xuất Polynice đi. Polynice giận giữ chạy sang Argos, lấy con gái vua là Adraste rồi thuyết phục được Adraste cất quân sang vây hãm thành Thèbes: Ở sáu cổng thành, chống với sáu tướng Argos do Polynice chỉ huy, Etéocle bố trí sáu tướng Thèbes do mình lãnh đạo và dành cổng thứ bảy cho chính mình đánh nhau với anh. Kết quả là Argos thua nhưng cả hai anh em Polynice và Étéocle đều tử trận.
4- PROMÉTHÉE BỊ XIỀNG (không rõ năm biểu diễn, dự đoán có thể năm 469 trước công nguyên), đề tài thần thoại kể lại cuộc đấu tranh bất khuất của vị thần khổng lồ Prométhée vì đánh cắp lửa của mặt trời mang về cho nhân loại và dạy cho con người biết khoa học kỹ thuật, văn minh nên bị Zeus trừng trị xiềng xích chân tay và đóng đinh xuyên ngực vào đỉnh núi Caucase.
Bộ ba ORESTIE, đề tài lấy ở truyền thuyết Agamemnon, gồm ba vở nối tiếp nhau theo thứ tự lịch sử:
5- AGAMEMNON: Agamemnon, vua thành Argos, là tổng chỉ huy quân đội Hy Lạp trong cuộc chiến tranh thành Troies. Sau khi chiến thắng trở về, ông đã bị vợ là Clytemnestre tư thông với Egisthe (là em con chú của Agamemnon) giết chết và tiếm ngôi. Người con gái của Agamemnon là Electra cứu được em trai là Oreste giao cho người sư phó (người săn sóc dạy dỗ) đưa trốn sang nước Phocée để sau này trở về trả thù cho cha.
6-NHỮNG THIẾU NỮ VIẾNG MỘ (Les Choéphores) -Hai mươi năm sau, Oreste trở theo ý định của Thần linh, cùng với chị lọt vào được trong cung điện, giết hai tên gian phu dâm phụ, báo thù được cho cha.
7- NHỮNG NỮ THẦN ÂN ĐỨC (Les Euménides)- Nhưng mặc dù việc báo thù cha là chính đáng, Oreste vẫn bị các nữ thần báo oán Erinny theo đuổi ngày đêm. Oreste chạy đi đâu cũng không thoát nổi họ. Nữ thần Athéna phải đứng ra dàn xếp. Nàng lập một toà án để xét xử Oreste. Apollon là người bào chữa. Toà án xét xử khá gay go. Apollon biện luận hết tài năng, nhưng khi bỏ phiếu kín thì số phiếu chống và thuận ngang nhau. Với tư cách là chủ tịch, Athéna đứng về phía thuận. Thế là Oreste được trắng án. Các nữ thần báo oán Erinny được giao thêm trách nhiệm mới, họ trở thành những nữ thần ân đức, chuyên ban hạnh phúc cho nhân dân Athènes.
Bộ ba Orestie phản ánh hiện thực nào?
Theo lời thần dạy trước đây, để có gió thuận cho quân đội Hy Lạp viễn chinh sang thành Troie, Agamemnon đã phải hy sinh con gái mình là Iphigénie tại Aulis. Khi thắng trận trở về, ông bị vợ là Clytemnestre giết. Để thanh minh cho hành động giết chồng đó, bà ta viện lý do là báo thù cho con gái bà, Iphigénie. Trừng trị tội giết chồng này, Oreste đã giết cả Egisthe và Clytemnestre để báo thù cho cha và được thần linh khuyến khích, giúp đỡ và cuối cùng vảo vệ cho Oreste được trắng án, có nghĩa là việc giết mẹ báo thù cha đó là chính đáng, đúng luật lệ thần linh. Thắng lợi của Oreste phản ánh một bước tiến hoá quan trọng trong xã hội: chế dộ mẫu hệ đang phải nhường bước cho chế độ phụ hệ, và trong tình hình chính trị của Hy Lạp thì quyền lực hội đồng Aréogage của tầng lớp quý tộc đang cầm quyền bị lung lay, phân hoá trước cuộc đấu tranh của những lực lượng cộng hoà dân chủ. Đây là lúc các nữ thần ân đức đang được đưa vào thời lhượng tại Athènes.
Sau khi biểu diễn bộ ba Orestie, năm -458, Eschyle rời Athènes sang Géla, một thành phố của Sicile, và hai năm sau ông mất tại đó, thọ sáu mươi chín tuổi.
Tuy chỉ còn lại bảy tác phẩm, nhưng chừng ấy cũng đủ để xác định vai trò lớn lao của Eschyle trong lịch sử phát triển của nền bi kịch cổ đại. Từ Những thiếu nữ cầu xincho đến bộ ba Orestie, tác phẩm cuối cùng của ông, Eschyle đã đề cập những vấn đề xã hội tiêu biểu liên quan đến những chặng đường phát triển nhất định của lịch sử. Sự đấu tranh cho chế độ hôn nhân cá nhân – một vợ một chồng – thay cho chế độ tạp hôn, tinh thần đấu tranh mưu trí và dũng cảm chống xâm lược bảo vệ đất nước, sự lên án những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, sự nghiệp đấu tranh kiên cường chống bất công và bạo lực vì nền văn minh tiến bộ và hạnh phúc của loài người, sự khẳng định tội ác phải trừng phạt… đó là những vấn đề lớn có tầm nhân loại chứ không phải những tình huống cá nhân.
Eschyle là người mở đường đưa vào kịch những tư tưởng cao đẹp, những ước vọng trong sáng về một xã hội có quy củ vững vàng xây dựng trên cơ sở có một nhà nước vững mạnh. Ông xứng đáng là người đại diện cho thời kỳ đầu của một chế độ cộng hòa phơi phới trẻ trung đang hình thành và được khẳng định.
Ngoài những tác phẩm ưu tú của mình, Eschyle đã góp phần nhiều cho sự phát triển và hoàn thiện dần hình thức nghệ thuật sân khấu. Thespis đã có công tách từng đội đồng ca ra một diễn viên, làm cho hình thức kịch được tách ra khỏi hình thức nghi thức tôn giáo để thành một loại hình nghệ thuật có cuộc sống riêng. Eschyle đưa thêm một diễn viên thứ hai, rồi Sophocle một diễn viên thứ ba là thật sự mở ra cho kịch một chân trời mới thênh thang. Ông còn chú trọng nhiều đến các mặt phục trang nhân vật, trang trí sân khấu, thêm những màn múa nhảy... khiến cho hình thức của sân khấu ngày càng phong phú, đa dạng, ngày càng hấp dẫn và có đủ điều kiện để đạt tới đỉnh cao rạng rỡ của nó với Sophocle.
SOPHOCLE (496-406 tr.CN).
Nếu Eschyle là nhà thơ tiêu biểu cho buổi bình minh của chế độ cộng hòa thì SOPHOCLE tiêu biểu cho thời kỳ cực thịnh của nó, thời kỳ Pêriclès.
Là người được các Nữ thi thần ban nhiều ân huệ lại được chịu một nền văn hóa vững chắc, Sophocle đã phát triển tài năng rất sớm. Năm 480 cậu thiếu niên mới 16 tuổi Sophocle đã chỉ huy cả một đội đồng ca quy mô toàn thành múa hát mừng tổ quốc Athènes chiến thắng. Hai năm sau, chàng thanh niên Sophocle đã xuất hiện trên sân khấu Athènes để tranh giải trong các hội thi. Từ đó suốt bảy mươi năm không ngừng, ông cống hiến tài năng lỗi lạc và cả nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp sân khấu.
Với tư cách là một công dân tích cực của Chế độ Cộng hòa, Sophocle đã tham gia chính quyền, được bầu làm stratégos, một chức vụ tương đương thành viên hội đồng Nhà nước. Ông đã làm tròn trách nhiệm của mình, cũng có đôi thành tích. Nhưng bên cạnh nhà thơ bi kịch thì nhà hoạt động chính trị trở thành mờ nhạt.
Theo tài liệu để lại, ông đã sáng tác và trình diễn 20 vở kịch, 20 lần đoạt giải nhất trong các hội thi, nhiều giải nhì và giải ba thì không bao giờ cả.
Hiện nay ông chỉ còn bảy vở: Ajax giận dữ, Những phụ nữ Trachinie, Philoctète, Édipe ở Colone, Antigone và Electra.
1 – AJAX GIẬN DỮ: đề tài lấy trong truyền thuyết chiến tranh thành Troie. Sau khi Achille bị Paris, em của Hector bắn chết bởi một mũi tên trúng ngay gót chân, thì xảy ra cuộc tranh chấp giữa Ajax và Ulysse cả hai tướng tài này ai cũng muốn chiếm một vũ khí thần thánh của Achille về mình... cuối cùng Ulysse được. Ajax giận dữ hóa điên, lao vào giữa một đàn cừu mà tan sát vì tưởng đó là quân Hy Lạp trong đó có Ulysse và hai anh em Ménélas và Agamemnon.
Tỉnh ra, Ajax biết mình sai lầm, hối hận và đau xót, chàng đã tự tử. Hai anh em Agamemnon căm thù không cho mai táng. Nhưng Ulysse cao thượng và nghĩ tình đồng đội đã từng chiến đấu vào sinh ra tử bên nhau, đã chống lại lệnh cấm đó và cùng với Teucer em của Ajax chôn cất cho chàng.
2- NHỮNG PHỤ NỮ THÀNH TRACHINIE, đề tài lấy trong truyền thuyết Heraclès. Đây là câu chuyện nàng Djanyre, con gái vua Éneé xứ Calidon.. Heraclès, sau mười hai chiến tích lẫy lừng đã được trả lại tự do. Chàng đã dũng cảm chiến đấu với thần chết Thanatos, buộc thần chết phải để cho Alkestis vợ vua Admète được sống lại, đánh chiếm thành Troie, giúp các thần linh diệt bọn Khổng lồ, rồi đến xứ Calidon lấy con gái vua xứ đó là Djanyre làm vợ, đưa về Tyrinthe .Giữa đường, gặp con sông Evénos nước chảy cuồn cuộn, chàng thuê con nhân mã (đầu người mình ngựa)Nessos cõng Djanyre sang sông còn chàng sẽ lội qua theo. Con nhân mã mê sắc đẹp của nàng, âm mưu bắt cóc nàng đi liền bị Heraclès giương cung bắn chết. Nhưng để trả thù Nessos cởi chiếc áo đẫm máu của mình trao cho Djanyre và dặn rằng: sau này nếu Heraclès phụ tình, hãy đưa chiếc áo này cho chàng mặc là lập tức chàng trở lại với tình xưa... Cách đó ít lâu, nghe tin chồng toan yêu một người con gái khác, Djanyre bèn gửi chiếc áo đẫm máu của con nhân mã cho chàng. Không ngờ máu độc con long xà giết chết Nessos đã thấm vào chiếc áo vẫn còn tác dụng như trước. Heraclès mặc chiếc áo ấy vào cũng đã bị… chết luôn không cách nào cứu chữa. Djanyre đã giết chồng khi tưởng làm cho chồng trở lại tình yêu xưa. Và Heraclès đã chết vì chính mũi tên của mình tẩm độc. Bị hối hận giày vò, Djanyre đã tự sát.
3 – ANTIGONE, đề tài lấy trong truyền thuyết gia đình Lapdacos của thành Thebes, cũng như tác phẩm Bảy tướng của Eschyle. Đây là một vở kịch giàu chất chiến đấu và nhân đạo... Nó lên án quyết liệt chính sách cai trị tham tàn độc đoán muốn củng cố quyền uy bằng giết chóc. Nó thể hiện nguyện vọng của nhân dân muốn có một chính quyền thật sự dân chủ, xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền dân chủ và quyền người. hoà hợp pháp lý và nhân đạo.
4- ÉDIPE LÀM VUA, diễn tả những nỗi đau thương vô bờ bến của một con người mà tiền định là sẽ giết cha lấy mẹ. Édipe đã tìm mọi cách để giẫy ra khỏi tiền định, nhưng không thể nào giẫy ra được. Sau khi phát hiện ra tội lỗi hoàn toàn vô ý thức của mình, Édipe đã tự giải quyết lấy số phận của mình một cách cực kỳ dũng cảm mà hợp với đạo lý; để cứu lấy nhân dân thành Thebes mà ông đang làm vua qua khỏi bệnh dịch nguy hiểm, theo đòi hỏi của thần linh, ông đã tự móc mắt và trục xuất mình ra khỏi Thành bang mà ông xiết bao yêu quý.
5 –ÉLÉCTRA- đề tài lấy ở truyền thuyết Agamemnon; nội dung tương tự như vở thứ hai trong bộ ba Orestie:
Sau 20 năm trốn ra nước ngoaì để tránh bàn tay tội ác của mẹ, Oreste trở về Mycènes, cải trang thành một người khách Phocée, liên lạc được với chị là Électra, rồi hai chị em lập mưu vào được trong cung điện, giết Clytemnestre và Égisthe, hoàn thành được nhiệm vụ trả thù cho cha.
6- PHILOCTÈTE: đề tài lấy ở truyền thuyết chiến tranh thành Troie. Trước khi chết, Héraclès trao cho Philoctète cây cung thần diệu cuả mình. Trên đường viễn trinh sang Troie; Philoctète bị tai nạn, què chân không đi theo đoàn quân được, bị bỏ lại ở đảo Lemnos. Chiến tranh kéo dài lâu quá rồi, quân Hy Lạp không làm sao hạ nổi thành. Thần cho biết phải có chiếc cung thần kỳ của Héraclès hiện đang do Philoctète giữ. Ulysse và Néoptolème (tức Pyrrhus con trai của Achille) bàn nhau sang Lemnos, lừa Philoctète lấy được chiếc cung đó. Nhưng Néoptolème day dứt lương tâm, không đành để Philoctète tay không, đau yếu ở lại một mình trên đảo Lemnos hoang vắng, bèn nói hết sự thật với chàng và trả lại chiếc cung. Philoctète nổi giận định bắn chết Ulysse thì Héraclès xuất hiện, động viên Philoctète lên đường cùng với Ulysse và Néoptolème sang tham gia cuộc chiến ở Troie. Thần Esculape (thần thầy thuốc) sẽ đảm bảo chữa cho chàng lành vết thương.
7- Vở kịch cuối cùng của Sophocle là ÉDIPE Ở COLONE . Ông viết vở này vào hoàn cảnh con cái ông đối xử với cha không phải đạo.
Édipe sau khi tự móc mắt mình và trục xuất mình ra khỏi thành Thebes, được con gái là Antigone dắt đi sang đất Colone- tức Athènes – lúc này do Thésée, ông vua anh hùng giỏi nhất Thành bang trị vì. Thésée rất vui lòng, niềm nở đón tiếp con người khốn khổ đó. Vì có lời sấm báo trước rằng ngôi mộ của Édipe ở đâu thì xứ đó được thần thánh ban cho đầy ân phúc, tên Créon, đang lăm le chiếm ngôi vua, tới gặp Édipe toan dùng bạo lực mời ông về để “bảo vệ cho thành Thebes”, bị Thésée chặn lại. Polynice, con trai Édipe, đã chạy sang Argos mưu toan mang quân đánh lại em mình là Étéocle để tranh giành lại ngôi vua cũng có ý định đón cha về để bảo vệ cho mình chiến thắng. Cả hai đều bị ông từ chối. Ông quyết định sẽ chết và chôn tại đất Colone, xứ sở của vua Thésée anh hùng cao thượng và hiếu khách.
Đây là một tác phẩm chứa đựng niềm tự hào đẹp đẽ về đất nước Athènes và một lơì chúc cuối cùng của nhà thơ cho thành phố quê hương xiết bao yêu thương của mình mãi mãi sẽ được hưởng nhiều ân huệ và sự thương yêu chăm sóc của thần linh.
Người ta kể lại rằng khi tòa án mời ông đến giải quyết mối bất hòa giữa các con ông với ông, ông đã đưa kịch bản này thay vào lời trình bày sự việc. Sau khi xem song ai lấy đều xúc động đứng lên công kênh ông và mối bất hòa gia đình cũng tự nhiên được giải quyết.
Hai năm sau Sophocle mất, thọ chín mươi tuổi.
*
Bi kịch Hy Lạp thực sự ra đời với Eschyle, đã thực sự trưởng thành, hoàn thiện và đạt tới đỉnh cao nhất của nó với Sophocle, không những trong tổ chức kết cấu, cốt truyện, mâu thuẫn, hành động kịch, trong sự bố trí Đội đồng ca, trong lời thơ đối thoại mà cả trong tư tưởng, chủ đề, trong nội dung và phương pháp phản ánh ở từng tác phẩm một: Sophocle bỏ hình thức bộ ba để thực hiện sự hoàn chỉnh nghệ thuật trong mỗi một tác phẩm, chặt chẽ hơn nữa, trong mỗi lớp, mỗi hồi. Édipe làm Vua và Aritigone là những ví dụ điển hình.
Hai nhà thơ hơn kém nhau không đầy 30 tuổi.
Vấn đề ở đây không phải chỉ ở kinh nghiệm và thời gian, mà chủ yếu ở quan niệm, tâm hồn và phong cách. Eschyle nhìn xã hội và con người ít nhiều qua lăng kính thần thoại, cái nhìn khái quát và giàu màu sắc lãng mạn. Một Prométhée bị Zeus xiềng vào núi đá, một Oreste giết mẹ trả thù cho cha rồi thoát được sự theo đuổi của các nữ thần báo oán Erinny nhờ có bàn tay và trí tuệ của nữ thần Athéna can thiệp... Con người dưới ngòi bút của Eschyle, hình như thoát được tính chất một thứ đồ chơi trong bàn tay của định mệnh vô hình, khắc nghiệt. Nhưng dưới ngòi bút của Sophocle, con người đã biết tách mình ra đối lập với định mệnh, giữ tự do và chủ động.
Trong mọi hành vi và dù cho có bị định mệnh ràng buộc đến mức độ khắc nghiệt nào đi nữa thì con người vẫn đủ sáng suốt và nghị lực để tự giải quyết lấy số phận của mình theo cái hướng mà mình cho là đúng đắn nhất, hợp lẽ đời nhất. Ngay cả trong cái chết, con người của Sophocle cũng không buông xuôi. Djanyre tự tử. Antigone, Hémon, Eurydice tự tử, Jocaste tự tử, Édipe tự móc mắt mình và tự trục xuất. Nhiều cái chết lắm. Bi kịch không đâu bằng. Nhưng mỗi cái chết đều có sự chủ động của nhân vật. Antigone trước khi bị Créon tuyên án đã biết mình sẽ chết và mong chờ cái chết để vĩnh viễn được sum họp với những người nàng mến nàng thương... Hêmon tự tử để chứng minh cho cha rõ chính sách cai trị bạo tàn, độc đoán và bảo thủ của ông ta mang đến những hậu quả tai hại như thế nào cho Thành bang và cho chính bản thân ông. Jocaste tự tử không phải là đầu hàng số mệnh mà là trực tiếp chống lại số mệnh và bị lương tâm cắn dứt khi đã giết con để tránh hậu họa cho mình... Và Édipe, Édipe suốt cả cuộc đời ông đã đấu tranh không ngừng để làm cho câu sấm của Apollon trở thành vô nghiệm tức là để phủ nhận định mệnh. Đến khi thấy câu sấm của thần ứng nghiệm, Édipe vẫn không nhắm mắt đưa chân, không muốn mượn sợi dây kết thúc cuộc đời đau đớn. Vì ông còn có một cái đầu biết suy nghĩ sáng suốt, và một trái tim dào dạt tình cảm con người. Ông không chết, vì chết về âm phủ gặp lại mẹ cha sẽ biết ăn làm sao nói làm sao? Ông cũng không thể sống bình thường để luôn luôn nhìn thấy các con, kết quả cuộc hôn nhân tội lỗi. Để tự phạt mình về hai cái tội mà hoàn toàn không phải là do ông làm ra mà do định mệnh buộc vào cho ông đó, ông đã tự móc mắt mình và tự trục xuất ra khỏi Thành bang quê hương mà ông đã từng yêu mến, cứu vớt... Cho đến phút cuối cùng, hành động cuối cùng, ý nghĩ cuối cùng Édipe vẫn chủ động tự mình giải quyết số phận của mình, tự mình chịu trách nhiệm về mọi hành vi thái độ của mình đúng với cái điều mà lý trí và lương tâm đã chọn.
Nhân vật của Sophocle là như thế, bao giờ cũng tỉnh táo sáng suốt và giàu nghị lực, mà tình cảm vẫn sâu sắc dạt dào. Aristote nhận định đúng rằng Sophocle miêu tả con người không phải như nó đang tồn tại mà như nó phải vươn lên. Bi kịch Sophocle vì vậy mang ý nghĩa đạo lý sâu sắc, là những bài học tốt cho việc xây dựng tính cách con người.
EURIPIDE (480-406 tr.CN)
Euripide xuất thân trong một gia đình quý tộc, học rộng tài cao, có giao thiệp với những nhà triết học danh tiếng đương thời như Socrate, Anaxagoras (vừa là bạn vừa la thầy của Euripide va Périclès), hoặc Protagoras nhà ngụy biện nổi danh: ông có chịu ảnh hưởng của họ ít nhiều nhưng không theo trường phái ai cả.
Tác phẩm đầu tiên của Euripide được biểu diễn những năm 455 trước công nguyên, một năm sau khi Eschyle mất. Từ đó cho đến lúc qua đời, ông đã sáng tác 92 vở, nhưng trong cuộc thi phần lớn là thất bại, chỉ trúng giải nhất được 4 hoặc 5 năm. Bi kịch của ông có mặt không giống với bi kịch của Eschyle và Sophocle; có lẽ vì thế mà công chúng chưa quen thưởng thức, chưa đánh giá cao chăng?
Nửa không vui vì gặp nhiều thất bại trong nghệ thuật, nửa buồn vì cuộc sống riêng tư chắc có những éo le, ông đã rời Athènes sang xứ Magnesie, tới ở cung vua Macédoine là Archélaos vào năm 480 trước công nguyên và hai năm sau thì qua đời tại kinh thành Pella.
Cứ cái tên mà người ta khoác cho ông – “kẻ ghét đàn bà” – ta cũng có thể đoán được Euripide chắc chắn nhiều lần đau khổ trong tình yêu, tới một lúc nào đó, đối với phụ nữ ông đâm ra mất lòng tin tưởng. Câu nói chua chát ông đặt vào miệng Mêdée có thể là một bằng chứng về sự việc này: “thiên nhiên đã tạo ra đàn bà chúng ta làm điều thiện thì hoàn toàn bất lực mà làm điều ác thì chúng ta là những người thợ lành nghề”. Nửa do bản tính con người, nửa do hoàn cảnh tác động, tính tình ông luôn sầu bi cau có, thích sự yên tĩnh cô đơn. Điều rất đáng chú ý là trọn cuộc đời ông không hề tham gia và nhận một chức vụ nào dù nhỏ trong bộ máy Nhà nước, không có chân trong Hội đồng năm trăm như Socrate, không làm tướng cầm quân như Sophocle đã từng làm. Thái độ sống của một nhà thơ uyên thâm, thức giả, phản ánh một tình trạng xã hội vừa rất phồn vinh đây đang suy sụp dần về lòng tin do cuộc chiến tranh Péloponèse hao tiền tốn của kéo dài suốt ngót ba mươi năm để rồi kết thúc bằng sự thật của Athènes.
Đọc tác phẩm “Những người Acharne” của Aristophane (425 trước công nguyên), ta có thể thấy được nỗi khổ của người dân lao động bao gồm cả nô lệ, nông dân, thợ thủ công, sự phản ứng của nhiều tầng lớp nhân dân đối với chính sách hiếu chiến của nhóm thiểu số cầm quyền.
Sau khi ông mất, phần vì những câu chuyện thù oán, ganh tị đã tiêu tan, phần vì nhận thức của công chúng đã chuyển biến theo chiều tiến bộ, người ta bắt đầu hiểu quan điểm triết lý về nghệ thuật của nhà thơ, người ta trở lại tôn sùng nhà thơ, hơn cả Eschyle và Sophocle. Euripide trở thành “lãnh tụ của một trường phái”. Người ta học tập bắt chước Euripide cả đến những phần nhược điểm của ông.
Euripide chỉ kém Sophocle có mười lăm tuổi. Vậy mà ông đại diện cho một xu hướng tư tưởng đã có nhiều khác biệt với tư tưởng của Sophocle. Tuy không là đồ đệ một phái triết học nào, ông cũng như nhiều người đương thời đã có một thái độ hoài nghi, chế diễu đối với thứ tôn giáo qúa mộc mạc của cha ông. ông không ưa những thần thoại hoang đường và tập quán buộc các nhà thơ phải sử dụng làm đề tài sáng tác. Thần linh trước con mắt ông chỉ là những câu chuyện phiếm, bịa đặt, những cái tên suông không mang một nội dung gì. Tuy nhiên, cái mà ông chống lại là những mê tín dị đoan thô kệch của quần chúng, chứ không phản đối lòng tin ở Thượng đế cao siêu. Trái lại ông là một nhà tư tưởng lớn suy nghĩ sâu xa về những vấn đề quan trọng của nhân sinh và đã viết một số vở kịch luận đề trong đó tiếng nói cảu ông trực tiếp vang lên quá rõ.
Số vở còn lại của một mình Euripide nhiều hơn tổng số còn lại của cả Sophocle và Eschyle. Những vở đó có thể sắp xếp lại theo tính chất và chủ đề của nó như sau:
1- Hai tác phẩm có giá trị lớn và rất xúc động, ALKESTIS (Alceste) và MÉDÉE rất rung rợn, không thuộc nhóm chủ đề riêng nào.
2- Năm tác phẩm lấy đề tài ở cuộc chiến tranh thành Troies và Những ngày về:NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ THÀNH TROIE; HÉCUBE. Kết cấu không được chặt chẽ nhưng có những lớp xúc động và hay. ANDROMAQUE, rời rạc. HÉLÈNE, bi hài kịch hoang đường. CYCLOPE, kịch châm biếm satire.
3- Năm tác phẩm lấy đề tài ở truyền thuyết Agamemnon: ÉLECTRA; ORESTE, không hay lắm; IPHIGÉNIE Ở AULIS, kiệt tác cùng với MÉDÉE; IPHIGÉNIE Ở TAURIDE cũng không kém tác phẩm trước bao nhiêu.
4- Ba tác phẩm về truyền thuyết thành Thèbes: NHỮNG NÀNG BACCHANTES, bikịch tôn giáo, một trong những vở hay; NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ PHÊNICIE, không đều và lúng túng; HÉRACLÈS GIẬN DỮ, một trong những vở kém nhất.
Bốn tác phẩm lấy đề tài ở truyền thuyết Attique: NHỮNG NGƯỜI CON GÁI CỦA HÊRACLÈS; NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ CẦU XIN. Hai vở này mang tính chất hùng biện lạnh lùng kém hấp dẫn. HIPPOLYTE, một trong những kiệt tác của Euripide; ION, không hay, nhiều chất hoang đường, nhưng duyên dáng.
Xét về hình thức cũng như nội dung, bi kịch Euripide đã có những điểm khác biệt với bi kịch Eschyle và Sophocle, khác biệt chứ không phải là tiến bộ, bởi vì cả về hình thức cũng như nội dung Sophocle đã đưa mức độ hoàn chỉnh rồi. Euripide dường như không coi trọng lắm phần mở đầu và phần kết thúc trong tác phẩm của ông. Ông hay mở màn bằng lời độc thoại của một nhân vật giới thiệu tình huống và sự việc và kết thúc một cách dễ dãi bằng cái thủ thuật người ta gọi là: “deus ex machina” (tiếng la tinh, có nghĩa là “thần linh. xuất hiện từ một cái máy”), đột ngột và thiếu chuẩn bị, không do quá trình phát triển của xung đột mà dẫn tới hoàn toàn ngẫu nhiên. Ví dụ trong một vở Iphigénie ở Aulis (là một vở rất hay), khi Iphigénie sắp sửa bị hi sinh thì nữ thần Artémis biến nàng đi đâu mất, chỉ để lại dưới bàn thờ một con dê cái mới chọc tiết đầy máu me. Trong Iphigénie ở Tauride, khi hai chị em Iphigénie và Oreste đánh cắp được bức tượng Artémis đang chạy trốn, vua Thoas đang đuổi theo, thì nữ thần Athéna xuất hiện, ra lệnh cho Thoas thôi đừng đuổi theo nữa.
Vai trò Đội đồng ca trong bi kịch Euripide đại thể vẫn như ở bi kịch Sophocle, không trực tiếp liên quan đến hành động kịch, nhưng vẫn là một chứng nhân tích cực theo dõi, bình luận sự việc một cách nhiệt tình chứ không hề bằng quan. Euripide cũng thường sử dụng như Eschyle, những đoạn độc thoại trữ tình hát giống như đoạn độc thoại của Prométhée sau khi Quyền Lực, Bạo Lực và Héphaistos đã xiềng chàng vào mỏm đá núi rồi bỏ đi. Đoạn Médée khóc con thật là tuyệt diệu.
Thực ra, Euripide không cách tân gì phần hình thức cả nhưng về nội dung, ông đã có sự chuyển hướng đáng chú ý. Như Aristote đã nói, Euripide miêu tả con người như nó đang tồn tại. Trong khi kịch Eschyle bay bổng rất cao, kịch Sophocle hạ cánh xuống với con người, vẫn phản ánh về con người những mặt cao thượng của nó, thì kịch Euripide phản ánh những bản chất thông thường nhất của nó, những dục vọng cá nhân: ông là bậc thầy về phân tích tâm lý con người.
Nhân vật Euripide không có nghị lực như nhân vật Sophocle, nghị lực chống lại dục vọng cá nhân để vươn lên hoàn thành những trách nhiệm cao cả, mà chỉ có dục vọng đi theo đến cùng những dục vọng phức tạp của bản năng; yêu thương, giận ghét, căm thù, ghen tuông, đau khổ... và nhất là tình yêu. Chính vì vậy mà những vai đàn bà trong bi kịch của đàn ông chiếm vị trí trung tâm. Chỉ đọc qua nhan đề 17 vở còn lại thì đã có 12 vở mang tên nhân vật đàn bà, chỉ có năm vở mang tên nhân vật đàn ông. Nhân vật nữ của Euripide có tính cách đa đạng và phong phú, đủ thứ sắc thái tình cảm: yêu đắm đuối như Phèdre trong Hippolyte, tự nguyện chết thay cho chồng nhưAlkestis, ghen tuông dữ dội đi đến tội ác như Médée thương tiếc cuộc đời mà vẫn chấp nhận bình thản hi sinh mình vì đồng bào như Iphigénie, Polyxène, Macarie, nặng tình mẫu tử như Hécube, Andromaque. Nhân vật đàn ông có một số nhu nhược thiếu bản lĩnh hoặc ích kỷ đê hèn như Jason trong vở Médée. Một số như Thésée trongNhững người đàn bà cầu xin, Iolaios trong Những con gái của Hêraclès, anh nông dân trong vơ Éléctra chiếm được tình cảm người xem vì có tinh thần dân chủ rộng rãi, trung thực và biết trọng danh dự, yêu lao động và đánh giá đúng mức con người. Nhất là Hippolyte, người ta yêu mến chàng vì có tính cách vô tư, cao thượng và hiếu thảo. Còn các thần linh thì mang rặt những tính xấu, bị khán giả và cả nhân vật rủa nguyền.
Người ta có thể có ý nghĩ rằng Euripide không như Sophocle khắc họa những mặt tốt trong con người nhằm tuyên truyền bảo vệ cái đạo lý làm người tốt đẹp, mà bộc lộnhững dục vọng thấp kém của con người. với những hậu quả gớm ghê của nó để biết mà ngăn chặn như một lời răn đe bằng thực tế phản diện: hãy cảnh giác! Nguồn gốc mọi tương lai ở chính những dục vọng chính bản thân mình. Bức tranh dục vọng hầu như toàn diện đó của nhân vật thuộc tầng lớp vua chúa, ngoài ý nghiã răn đe đối với mọi người, còn là sự bóc trần bản chất bản chất xấu xa của các tầng lớp quý tộc thống trị, một bản cáo trạng đối với xã hội dựa trên quyền lực, đầy rẫy những vô lý và bất công. Nó còn là một sự đòi hỏi quyền bình đẳng không những vấn đề hôn nhân – gia đình mà cả những lĩnh vực hoạt động khác cho người phụ nữ. Những câu Médée noí với Đội đồng ca, với Créon, với Jason không cho phép nghi ngờ gì nữa về tư tưởng phản kháng và đấu tranh mãnh liệt đầy ý nghĩa nhân văn mới mẻ và tiến bộ của Euripide.
Con người do những kiến thức uyên thâm, am hiểu lòng đồng loại và giàu kinh nghiệm sống, đã có những câu định nghĩa bất tử: “tình yêu đó là sự ngọt ngào lớn nhất, niềm đau khổ lớn nhất” ấy, trọn đời không nhận một chức trách gì trong xã hội, có tới hội nghị nhân dân chăng nữa cũng chỉ vì tò mò hay đến để quan sát và không quý yêu gì bọn mỵ dân lắm mồm. Con người ưa cô độc, khó tính, cáu gắt có lẽ vì nếu nhiều thất bại trên con đường sự nghiệp văn chương nhiều thất vọng cay đắng trong cuộc sống riêng tư và tình cảm ấy đẫ để lại cho đời sau một loạt những tác phẩm rất hiện thực, gần gũi với mọi người, với những lời lên án gay gắt, những câu trữ tình “có hương vị mật ong” va “âm thanh tiếng hát Sirène” như nhà phê bình Alexamdre xứ Étéolie ở thế kỷ thứ III đã nói, những đoạn phân tích tâm lý sâu sắc lạ kỳ, đặc biệt rất nhiều những hình tượng phụ nữ sáng chói yêu thương, ngây thơ trong trắng. Đó là những sáng tạo của một tâm hồn mơ mộng mà bất chấp những gió mưa trên chặng đường đời, vẫn giữ được sự trong trẻo của mình để khắc họa nên những nhân vật đàn bà chung thủy, hi sinh, đáng mến, đáng yêu mà cuộc đời đã khước từ ông trong thực tế.
Chỉ với 17 kịch bản còn lại, Euripide đã đề cập tới bao nhiêu vấn đề và vấn đề nào nhà thơ cũng phát biểu rõ ràng bằng hình tượng và có khi bằng cả lời nói trực tiếp, không che giấu những quan điểm minh bạch của mình.
Euripide trước tiên là một nhà thơ đấu tranh kiên trì cho một nền dân chủ rộng rãi và tiến bộ. Trong vở Những người đàn bà cầu xin, Thésée, kẻ cầm quyền ở Athènes, đã nói với xứ giả của tên vua độc tài Créon thành Thèbes:
“Đô thị này (Athènes) không thuộc quyền riêng một người nào. Anh sẽ không tìm thấy ai là vua ở đây. Athènes tự do. Dân chúng ở đây là kẻ trị vì. Lầm lượt hàng năm các công dân được bầu làm đại biểu quản trị nhà nước. Người già không được quyền ưu tiên nào; giàu nghèo ở đây đều bình đẳng...”
Viên sứ giả ca ngợi chế độ độc tài của Thèbes thì Thésée bác bỏ một cách hùng hồn:
“Đối với một dân tộc không có gì nguy khốn hơn là một tiếm vương. Dưới chế độ ấy, không có pháp luật nào chung cho tất ca. Chỉ có một người duy nhất cầm quyền và pháp luật trong tay hắn. do đó mất hết bình quyền. Trái lại, khi có một bộ luật pháp trong nước thì giàu nghèo đều bình quyền cả. Người yếu bị người khỏe ngược đãi có thể phản ứng lại và người thấp, nếu đủ lý, thắng được người cao... Ngoài ra, trong các nước mà chính quyền nằm trong tay quần chúng nhân dân thi dân chúng mong muốn tuổi thanh niên phải hết sức nồng nhiệt. Bọn tiem vương trái lại rất ghét điều đó; những công dân tốt, những người biết suy nghĩ, có tư tưởng, thì hắn tìm cách ám hại ngay vì hắn sợ cho ngai vàng của hắn. Như vậy Tổ quốc còn sức lực ở đâu?...
Euripide luôn luôn có thái độ phê phán gay gắt đối với những phong cách đồi bại của các thần: Zeus, vị chúa tể thiên cung, trá hình chui vào giường hiếp vợ Amphitrion, Apollon cưỡng dâm cô gái Créuse, khi nàng thụ thai thì bỏ nàng không ngó đến.. Thần thánh mà thế thì con người còn đến đâu! Cho nên Créuse than:
“Ôi ! tội ác của thần thánh! Bây giờ ta còn biết tới cửa nào mà kêu ca đòi công lý khi ta chết vì sự bất công của bọn quyền thế trên đời?...”
Thái độ phản kháng những hành vi đồi bại của thần linh xét cho cùng là là một khía cạnh tất nhiên của tư tưởng dân chủ, cũng như dân chủ tất nhiên dẫn tới lòng yêu chuộng hòa bình và sự thừa nhận vai trò quan trọng của người lao động trong cuôc sống. Trong vở Éléctra, Euripide đã để cho Éléctra lấy một người nông dan và quý trọng anh ta một cách chân thành: nàng nói:
“Tôi kính phục một người bạn như anh chẳng kém gì kính phục thần thánh. Không bao giờ anh chê cười nỗi đau khổ của tôi. Đối với người trần tục, thật là một đặc ân khi gặp được người biết chăm sóc đến mình trong những ngày khó khăn mà mình đang sống, như tôi được gặp anh. Vì vậy mặc dù anh không yêu cầu, tôi vẫn cố gắng gánh đỡ cho anh một phần công việc, cùng chịu khó nhọc với anh. Công việc nội trợ phải là phần của đàn bà. Người lao động đi làm về bao giờ cũng muốn thấy mọi cái trong gia đình đều ngăn nắp.”
Anh nông dân đáp lại rất thật lòng:
- “Cái đó tùy ý.. Một kẻ lười biếng dù mở miệng là cầu khẩn thần này, thánh no, không lao động thì cũng đừng hòng nuôi nổi cái miệng mình.”
Oreste, em của Éléctra, cảm thấy lòng chân chính của anh, đã phát biểu một lời đầy triết lý:
- “Muốn đo sự cao quý của một người trần, chỉ cần xem xét việc làm và hạnh kiểm của họ là đủ... Tôi mong được tiếp đón trong nhà một người nghèo mà có tâm hồn hơn trong nhà một kẻ giàu sang.”
Và cái nét tâm hồn căn bản đọng lại dưới lòng nhà thơ vẫn là một tấm lòng yêu nước thầm lặng, kín đáo và một ý thức làm tròn bổn phận người dân đối với đất nước của mình. Trong vở Những ngươi đàn bà thành Troie, Euripide cho nàng Cassandre nói lên những lời thật xứng đáng người em gái của dũng sĩ Hector:
“Trái với bọn xâm lăng Hy Lạp, người dân Troie đã thu được một xinh quang vô vàn quý báu: họ chết vì Tổ quốc! Nếu ngọn giáo đâm họ chết, thì những bàn tay thân thương khiêng thi thể họ về nhà, chôn cất trên mảnh đất cha ông sau khi được khâm liệm chu đáo... Tránh được chiến tranh là bổn phận của mọi người khôn ngoan. Nhưng nếu phải đi đến chỗ chết, thì chết không phải vì một lý do tốt đẹp là một cái chết nhục nhã; trái lại vì đồng bào mình mà chết một cách vinh quang thì không ai có thể chối từ vinh dự ấy:”
Viết tới đoạn này ta bỗng nhớ lời của nàng Chimène trong Le Cid của Corneille, nói với vua Don Fernand:
“Chết vì non sông đâu phải phận kém hèn
Mà là chết đẹp, ngàn đời bất tử”
(Le Cid, hồi IV, lớp 5).
Trong vở Iphigénie ở Tauride, 0reste cũng tuyên bố rất đúng: “Người thanh niên không thể viện một khó khăn trở ngại nào để trốn tránh bổn phận mình đối với Tổ quốc!”.
Không phải chỉ nói ngoài miệng mà nhiều nhân vật, những nàng trinh nữ vừa chớm xuân đời, chưa được hưởng hạnh phúc hôn nhân, đã tự nguyện bước lên dàn thiêu hi sinh cả tuổi trẻ và tính mạng mình để đưa đến cho Tổ quốc cho đồng bào những quyền lợi cao quý mà mọi người chờ đợi, những Iphigénie, Polyxène, Macarie... là những tấm gương yêu nước chói lọi từ ngàn xưa cho đến cả hôm nay.
Cái hấp dẫn của nhà thơ Euripide, đại diện cuối cùng của nền bi kịch Hy–Lạp, là những tư tưởng yêu nước nhân đạo, dân chủ, tiến bộ mà suốt một cuộc đời đã không ngừng nhắc đi nhắc lại cho mọi người, mọi tấm lòng qua một mỗi ác phẩm. Cái hấp dẫn đó dường như lại thêm phần quyền rủ khi ta được biết thiên tài ông được chín mùi trong đầu và cuộc đời ông là cuôc đời một con người đã trải nhiều bất hạnh xót xa. Lời thơ của nhạc trưởng kết thúc vở kịch kiệt tác của ông phải chăng đã kín đáo gợi lên nghĩa đó.
“Thần Vương ngự đỉnh Ô lem
Là người phân phát phận thường rủi may.
Bao sự việc trái lời nguyện ước
Được các thần thực hiện bỗng dưng;
Điều ta trông đợi, chẳng mòng,
Mà điều không đợi, rạch đường tới ngay...”
Có phải nhà thơ bi quan hay là thực tế!
Ba nhà thơ, với ba mươi tác phẩm còn lại, mà đủ xác định vị trí hàng đầu của nền sân khấu cổ Hi Lạp trong lịch sử sân khấu thế giới xưa nay.
Nhân loại đã tiến từ chiếc xe lăn Excyclème đến những con tàu vũ trụ. Con người đã khám phá biết bao điều bí mật của thiên nhiên; nhưng những vấn đề cuộc sống mà Eschyle, Sophocle, Euripide đặt ra cách đây hai mươi tư thế kỷ đâu phải đã được giải đáp hoàn toàn? Bởi vì có những vấn đề nằm trong quy luật, có thể giải đáp được với những điều kiện phát triển nhất dịnh của xã hội và con người; có những vấn đề bất ngờ, đột xuất, ngẫu nhiên chưa một trí tuệ nào tìm ra được quy luật cả.
Cho nên bao lâu loài người còn có áp bức, bất công bao lâu trái tim con người còn chứa đựng những tình cảm yêu thương, giận ghét, và trí tuệ con người biết phân biệt chính nghĩa với gian tà, nghĩa là bao lâu con người còn có khát vọng vươn lên cái tự do thật sự, cái đẹp thật sự, cái tiến bộ thật sự thì bấy lâu những hình tượng Prométhée, Antigone, Iphigénie, Alkestis, Hippolyte, Édipe, Médée.. vãn còn làm xao xuyến hàng triệu con tim. Những người đầu tiên đặt nền móng, khẳng định và hoàn chỉnh nền nghệ thuật sân khấu bi kịch cả về hình thức và nội dung,cũng là những người đầu tiên đã đặt ra những vấn đề cơ bản về cuộc sống mà sân khấu phải giải quyết mọi lúc, mọi nơi và cũng chính họ mjững người đầu tiên đã vạch ra những phương hướng giải quyết phù hợp nhất với quy luật cuộc sống, với cái đạo làm người.
Kết luận
Trong quá trình phát triển, dù sân khấu bi kịch có cải biến nội dung và hình thức, dù có áp dụng phương pháp Aristote, Shakespeare, Schiller, Stanilapski hay Berthol Brech... thì nói tới bi kịch, người ta vẫn nhớ tới trước tiên những bài ca Dithyrambe,những sân khấu lộ thiên với hàng vạn người ngồi xem trên những bậc đá hình vòng cung bên sườn đồi thành cổ Acropole, ở Athènes, Hy Lạp, tới những ngày hội thi biểu diễn mà người chiến thắng được đích thân vị Thủ lĩnh Quốc gia đội cho vòng hoa chiến thắng lên đầu và khắc tên vào bia đá ngàn năm -, những tên tuổi sáng ngời của ESCHYLE, SOPHOCLE và EURIPIDE.
Và người ta nghĩ rằng mỗi nhà hát kịch hiện nay ở bất cứ nơi đâu cũng nên đưa bi kích Hy Lạp vào kịch mục của mình; như vậy nhà hát mới thật sự phát huy chức năng và tác dụng toàn diện của nó là một trung tâm vừa giải trí vừa trau giồi kiến thức và rèn luyện nhân cách cho con người, trong đó uống nước nhớ nguồn là một khía cạnh rất cơ bản.
HHĐ.
Nguồn: Lời tựa cho tác phẩm Bi kịch Hy lạp (Prométhée bị xiềng; Edipe làm vua; Antigone; Electre; Médée; Alceste). Hoàng Hữu Đản dịch theo bản tiếng PhápEschyle, théâtre complet, traduction, notices et notes par Émile Chambry, Garnier – Flammarion, Paris 1964”; và Les grands tragiques grecs của De Rochefort, collection des grands classiques français et étrangers, Paris V. Bản thảo của Nhà văn Hoàng Hữu Đản gửi Triệu Xuân.
Theo Hoàng Hữu Đản*