Văn học Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa - Ngô Hương Giang

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Toàn cầu hóa văn hóa không còn vương vấn trong ý nghĩa về sự chọn lựa rạch ròi có/ không, nên/không nên… mà nó là tất yếu. Trong vòng xoay tất yếu ấy, con người phải chấp nhận chung sống cùng nó. Do đó, toàn cầu hóa văn hóa xuất phát và ăn nhập với toàn cầu hóa kinh tế. Ngày nay, người Việt Nam có thể sử dụng món gà rán KFC, hay đồ uống Pepsi trong các cửa hiệu danh tiếng McDonalds, mà không cần phải vương vấn ý nghĩ về nguồn gốc của những phẩm vật ấy. Chiếc áo dài của người Việt Nam với 3 vòng chuẩn mực vốn là niềm tự hào dân tộc Việt Nam, nhưng ước vọng cục bộ ấy không còn nữa, khi một người Mỹ, một người Méxicohay một người Nhật mặc nó, dù biết rằng họ chẳng thể tạo ra sự duyên dáng đặc biệt như con gái Việt Nam. Đơn giản vì, chiếc áo dài Việt Nam đã trở thành Chiếc áo dài toàn cầu hóa (Global- long dress). Chiếc điện thoại di động ngày nay đã xóa nhòa ranh giới xuất xứ cũng như giai tầng xã hội sử dụng nó, giờ đây một sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể gửi ảnh của mình cho người bạn ở Pháp, Anh, Mỹ, miễn là chúng có cùng chế độ và công cụ sử dụng. Một chiếc Ipad hay một công cụ đọc sách Kindle có thể tạo nên làn sóng văn hóa sửng sốt, thu hút lượng người sử dụng khổng lồ mỗi năm, đơn giản, vì nó góp phần hòa trộn và đặt văn hóa các quốc gia gần nhau (Mix- culture).

Tất yếu, khi đã có toàn cầu hóa về văn hóa, thì sẽ có toàn cầu hóa văn học. Nếu như cách đây 20 năm trở về trước, để có thể chuyển dịch một tác phẩm văn học từ nước ngoài vào trong nước, dịch giả phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Người chuyển dịch văn bản phải truy cập thông tin qua các sách báo in ấn truyền thống, hoặc trực tiếp sang tận nơi có tác phẩm in ấn để mang về nước. Thậm chí, có tác giả văn học đạt giải Nobel mà sau 10, thậm chí 20 năm, tác phẩm mới được giới thiệu tới bạn đọc qua bản dịch, phản ánh sự trậm trễ và xa lùi tính thời sự về thông tin. Cũng vì sự hạn chế ấy về thông tin liên- tuyết, nên các dịch phẩm sau khi ấn hành thường tạo nên cơn sốt hàng mạnh mẽ; có tác phẩm được tái bản tới hàng chục lần mà vẫn cứ sốt hàng. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm trở lại (tính từ năm 2000), với sự lớn mạnh chưa từng thấy của Internet tại Việt Nam, thì tính hai mặt của toàn cầu hóa văn học đã xuất hiện.
Có thể nói, chưa khi nào, văn học Việt Nam chứng kiến sự “vượt biên” nhanh chóng như 10 năm đầu thế kỷ XXI. Một tác giả đạt giải Nobel hay giải Goncourt hôm nay, thì chỉ cần 1 đến 2 tháng sau, tác phẩm của họ đã được giới thiệu đến bạn đọc trong nước, thậm chí, những tác phẩm thuộc thế giới thứ ba vốn là món hàng xa xỉ với văn học Việt Nam, thì cũng dần dần xuất hiện trong các ấn phẩm dịch. Điều ấy phản ánh tính bất khả cưỡng của toàn cầu hóa thông tin, toàn cầu hóa văn hóa, phản ánh khả năng phi biên giới của thông tin Internet qua cổng tri thức chính được số hóa bằng Anh ngữ.

Nhưng cùng với nó, người đọc cảm thấy lạc lõng trong một thế giới- sách phì độn (Hyper-book world). Ngày nay một độc giả vào nhà sách có thể dễ dàng tìm thấy những ấn phẩm mang hàng chữ Best seller hoặc New York Time bình chọn vẩn vơ, quyến rũ giác quan thông qua lối PR (Public relations) nhà nghề và khả năng in ấn chuyên nghiệp khó thể cưỡng lại. Bên cạnh đó, hệ thống máy đọc sách điện tử cũng ra đời, tạo nên cú sock văn hóa - văn học thực sự. Người đọc thấy mình ít nghèo hơn về tâm hồn, nhưng kèm theo đó lại là nghi ngờ bất khả kháng, ẩn sâu bên trong ý thức, trách nhiệm của một người đọc về tác phẩm. Người đọc đặt giá trị giải trí văn học lên trên giá trị giáo dục đạo đức nhân cách. Vì vậy, sách xuất hiện nhiều trên thị trường, song hiệu quả đọc sách lại là nghi vấn cần đặt ra. Thật hiếm thấy trong số sách văn học hiện nay được các nhà xuất bản tái bản tới lần thứ hai - điều không phải là xa lạ nếu như chúng ta trở lại thị trường sách cách đây mười năm về trước.

Tính chất tự phát của thông tin số hóa cũng kéo theo nó là tính chất dân chủ trong sáng tạo. Nhiều nhà văn đã tự khẳng định mình trong các blogs hay website văn học. Nhưng dân chủ trong sáng tạo văn học không đồng nhất với tự do sáng tạo văn học. Dân chủ trong sáng tạo, tạo ra đội ngũ sáng tác đông đảo, có thể nói là nhà nhà làm văn, người người làm văn. Nhưng ý thức tự chịu trách nhiệm về ấn phẩm của mình dường như mờ nhạt, nghĩa là thiếu vắng Tự do- sáng tạo. Theo tôi, nếu sáng tạo là khai minh, là lập thức trong quan điểm của mình về những gì chưa có, hoặc đã có nhưng còn mờ nhạt, nhà văn đi sâu vào cái mờ nhạt chưa ai đi ấy để khẳng định mình thì là sáng tạo. Còn tự do, thiết nghĩ là hành vi tự chịu trách nhiệm về việc/điều mình làm/sáng tạo. Một người có thể làm những điều mình thích, sáng tạo điều mình tâm đắc, mà không có ý thức tự chịu trách nhiệm về hành vi làm/sáng tạo ấy, thì người đó không thể xem là người tự do trong sáng tạo. Điều này cho phép chúng ta bác bỏ những quan niệm thái quá về quyền tự do trong sáng tạo của những cá nhân thiếu vắng - ý thức sáng tạo tích cực. Toàn cầu hóa văn học ở Việt Nam đang đi từ dưới lên trên chứ không phải đi từ trên xuống dưới, nó kích thích và mở rộng phạm vi sáng tạo mang tính quần chúng, bình dân, phản ánh quyền dân chủ trong sáng tác, góp phần mở ra khả năng sáng tạo phi-biên giới đối với những cá nhân ít điều kiện để khẳng định mình. Tuy nhiên, mặt trái và kẻ thù của xã hội mở ấy nằm ở chỗ, sự thừa mứa về thông tin bao giờ cũng là sự cào bằng về ý nghĩa sáng tạo và giá trị tác phẩm. Nhiều cá nhân nhân danh sáng tạo để có chỗ đứng tronglàng văn học toàn cầu, nhưng lại không có ý niệm về việc tự chịu tránh nhiệm cho tác phẩm của mình sau khi nó hoài thai, để rồi, những đứa con quái dị của thời đại thì cứ ra đời, còn người sinh ra chúng thì thiếu trách nhiệm, bỏ rơi nó trong những “túp lều” blogs dưới hình thức những cuộc cãi vã, bài bác và xuyên tạc ý niệm của nhau.

Trong xu hướng toàn cầu hóa văn hóa - văn học ấy, văn học Việt Nam cần phải chuẩn bị tâm thế và một cảm quan thẩm mỹ lành mạnh trong sáng tạo cũng như trong tiếp nhận văn học. Nếu tự do trong sáng tạo nhấn mạnh đếný thức tự chịu trách nhiệm về khả năng lập thức của mình trước những khoảng trống văn học, thì, việc tiếp nhận văn học trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin cũng cần thiết đặt lại vấn đề tự do - tiếp nhận. Theo đó, tự do - tiếp nhận, tức là anh phải chịu trách nhiệm về việc bồi đắp, phát triển nhãn quan thẩm mỹ trong khi tiếp nhận tác phẩm văn học. Tự do - tiếp nhận là chịu trách nhiệm về đánh giá của mình trước luồng thông tin văn học mà anh hội nhập, chuyển hóa thành những phát ngôn cụ thể. Chỉ khi ý thức về tự do - tiếp nhận được đặt ra, dọn chỗ cho sự phán xét nghiêm túc, thì khi ấy, chúng ta mới giải quyết được vấn đề chất lượng hưởng thụ nghệ thuật từ tác phẩm văn học. Như trên, tôi đã đề cập đến tính chất gia nhập của toàn cầu hóa văn hóa văn học có xu hướng đi từ dưới lên trên, đi từ giá trị hưởng thụ bình dân đến hưởng thụ cao cấp, điều này vừa tích cực, vừa bất cập. Chất lượng nghệ thuật bị quy giản vào số lượng lực lượng sáng tác/ tiếp nhận văn học. Điều này phản ánh quy mô lan rộng của ý thức nhân văn trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cùng với sự chuyển hóa theo chiều ngang về số lượng trong không gian văn học, thì chúng ta cũng đồng thời thu hẹp chiều sâu của giá trịnghệ phẩm. Thực trạng văn học Việt Nam đương đại cho thấy, việc kiểm soát nghệ phẩm trong ý thức tiếp nhận là vấn đề cần đặt ra nghiêm túc. Một website văn học trong ngày có tới hàng triệu lượt xem và có tới hàng trăm tác phẩm được đưa lên Internet cùng lúc, điều ấy tạo ra vấn nạn cần giải quyết với nghi vấn về chất lượng văn học. Trước đây, văn học thường được đọc ở những nơi nghiêm trang hoặc những phòng trà nghệ thuật, phản ánh ý thức hàn lâm trong sáng tạo nghệ thuật, thì giờ đây, thay vào ý nghĩa quan trọng của việc bồi tụ các giá trị nhân văn, thì các chủ blogs hoặc admin website văn học lại xem ý nghĩa giải trí như một xu hướng, trào lưu đắc dụng. Trước đây các hiện tượng như dịch thơ “vô lối”, hiện tượng cách tân nghệ phẩm đến thái quá hoặc xướng họa những câu thơ có tính “văng mạng” cực hy hữu, thì giờ đây lại phổ biến. Vậy, giá trị nghệ thuật đích thực nằm ở đâu? Và ý nghĩa giá trị nhân bản trong văn học (Literary humanism) tại sao bị quy giản vào hàng thứ yếu? Tất cả truy vấn phức tạp trên gói gọn trong một công thức: Chủ thể trong văn học Việt Nam thiếu vắng ý thức tự chịu trách nhiệm về mình.

Vấn đề nhân bản hiện đại trở thành chủ đề nóng cần được giải quyết. Thế kỷ 19 và thế kỷ 20, người ta đã bàn đến vấn đề nhân bản kỹ thuật khá sâu, rộng, thậm chí, có hẳn bộ sách nhiều tập chuyên bàn về vấn đề này nhưNgười và Máy: Nhập môn nhân bản kỹ thuật [SUP]([/SUP][SUP]3) [/SUP]của hai tác giả Jean Laloup, Jean Nélis. Vì vậy, thuật ngữ nhân bản kỹ thuật không còn xa lạ với cũng ta nữa. Nó diễn tả bản chất của con người máy móc, duy lí, thiếu cảm xúc, thậm chí, chuyện tình cảm cũng bị kỹ thuật hóa tự bản chất. Văn học hậu hiện đại với lối cắt dán biểu hiện phần nào sự phản ứng của con người về vấn đề nhân bản kỹ thuật. Sống trong một đời sống thiếu vắng cảm xúc, thì tất yếu, nó sẽ sinh ra một thời đại thiếu vắng tính người, nhường chỗ cho sự vô cảm lên ngôi. Trong tình cảnh ấy, văn học như là “vật chứng trước thời gian” (Trương Đăng Dung) có sức mạnh đề kháng lại bản chất kỹ thuật của con người. Còn văn học theo đúng nghĩa là còn xúc cảm nhân bản đích thực. Vì rằng, chẳng ai có thể sáng tạo nên những tác phẩm giá trị, khi họ đeo đẳng trên đầu mình lợi ích vật chất đến tha hóa, hay chịu sự dẫn dụ đến “mụ mẫm” thông qua/bằng khối óc quá tỉnh táo.

Khi Internet phát triển mạnh, con người ít cô đơn hơn, có cơ hội mở mình ra với thế giới bên ngoài, thì cũng là lúc con người trở nên vô cảm, tàn nhẫn nhiều hơn theo cấp số nhân trước những tiêu cực mà đời sống số hóa mang lại. Cuộc sống thừa mứa về vật chất, tất yếu sẽ kéo theo cơn thèm khát về chỗ dựa tinh thần. Các nhà kinh doanh sau khi bước qua thế giới vật chất nhiều bế tắc đã gửi tinh thần mình trong các website văn học nghệ thuật. Đây là điều đáng mừng cho vấn đề nhân bản. Nhưng cũng lại trở thành mối ưu tư của thơ ca nghệ thuật. Bên cạnh những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật, thì cũng tồn tại không ít tác phẩm kém chất lượng đang mọc ra như nấm, lấn át, thậm chí, chiếm được chỗ đứng nghệ thuật mạnh mẽ hơn các tác phẩm đích thực. Nhưng lịch sử có quy luật của nó, tính chất tự đào thải khắc nghiệt của truyền thông số hóa sẽ gạn lọc những hạt sạn của nghệ thuật, giữ lại giá trị cho các nghệ phẩm đích thực, giúp làm đẹp cho đời.

Vấn đề nhân bản thông tin kéo theo một nhịp, ăn nhập với vấn đề toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa sẽ cào bằng các ranh giới, thử thách nhân bản bằng thông tin phi- biên giới. Nhưng, nó lại tạo ra cho con người cơ hội để thể hiện và khẳng định mình một cách dân chủ hơn. Song, giữa việc bão hòa về thông tin và giá trị đích thực của thơ ca nghệ thuật, luôn phải trải qua sự tranh đấu và tự đào thải. Khi khả năng cảm nhận thi ca của người đọc ngày càng cao, đòi hỏi sự đột phá trong cách thức thể hiện tư tưởng của chủ thể sáng tạo.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bản sắc văn học Việt Nam, nói sâu hơn là Việt tính trong con người Việt Nam là gì, khi đối diện với thực tiễn toàn cầu hóa thông tin? Câu hỏi ấy đã kèm theo nó về việc khôi phục lại ý nghĩa của câu trả lời đã tồn tại suốt nghìn năm trong ngôn ngữ Việt Nam: Cái - Con. Chỉ khi chúng ta ý thức rằng, chúng ta vẫn còn suy tư về ý nghĩa của từ Cái và từ Con, là khi ấy chúng ta còn Việt tính. Bởi vì, còn ý niệm về từ Cái và Con là còn ý niệm về khả năng tự chịu trách nhiệm trong hành vi của mình:“Con dại cái mang”,Cái đêm hôm ấy đêm gì”... Tiếc rằng, ý niệm Cái và Con đang mờ dần trong dụng hành ngôn ngữ tiếng Việt, mà thay vào đó là những âm hưởng chói tai vô nghĩa của biến thể ngôn ngữ ngoại lai, mang nặng dấu ấn Hippy trong đời sống văn hóa. Khi nào chúng ta không còn ý thức về mình, không còn lưu giữ ý niệm Cái - Con như một hằng số văn hóa, thì khi ấy Việt tính bị phá sản, và chúng ta không còn là chúng ta nữa.
_________________
(1) Xin xem:
a. Edmund Husserl (1970), The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology, Northwestern University Press, USA, Part 1: “The Crisis of the Sciences as Expression of the Radical Life- Crisis of European Humanity”, P. 3 -20.
b. Martin Heidegger (1977), The Question: Concerning Technology, Garland Publishing, USA, Part III: “Science and Reflection”, p. 155 - 182.
c. Ở Việt Nam, những năm1969 - 1970 lớp giáo sư, trí thức miền nam đã bàn khá kỹ về quan điểm của Heidegger trước viễn cảnh phá sản của triết học và tư tưởng Tây phương trên các tạp chí hay các chuyên luận về tư tưởng, trong đó có thể kể đến Phạm Công Thiện với “Sự thất bại toàn diện của Heidegger và Con đường tư tưởng Việt Nam”, Ngô Trọng Anh với “Vị trí của vô thể Heidegger trong tư tưởng Đại thừa”, Trần Công Tiến với “Từ Heidegger I đến Heidegger II”…đặc biệt là cách nhìn, cách đánh giá của Lê Tôn Nghiêm qua thiên tiểu luận “Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương”, sau đó, ông đã nâng lên thành chuyên luận cùng tên và được ấn hành vào 1970 bởi nhà xuất bản Lá Bối (xem thêm: Viện đại học Vạn Hạnh, “Tư tưởng”, số 5/ 1969, Sài Gòn; Lê Tôn Nghiêm (1970), Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương, Lá Bối ấn hành, Sài Gòn.)
(2) Dẫn theo J. K. Melvil (1997), Các con đường của triết học phương Tây hiện đại, NXB Giáo dục, H, tr. 142 - 143.
(3) Jean Laloup, Jean Nélis (1971), Người và Máy: Nhập môn nhân bản kỹ thuật, Ủy ban dịch thuật - Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top