Văn học như là tư duy về cái khả nhiên

Butlatre

Cộng tác viên
Xu
0
GS.TS Trần Đình Sử
Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Bản chất nhận thức của văn học đã được biết đến từ lâu. Hễ nói đến văn học là người ta không quên nói tới các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Lí luận văn học ngày nay đã đặt đúng vị trí thẩm mĩ lên hàng đầu, song bản chất nhận thức của văn học vẫn là điều khẳng định. Vấn đề là một thời gian dài người ta hầu như đồng nhất nhận thức văn học với mọi loại nhận thức nói chung theo lí luận phản ánh, dẫn đến việc làm lu mờ đặc trưng văn học và bây giờ cần xác định bản chất và đặc trưng ấy như thế nào cho đúng.

Giải thích nhận thức văn học trực tiếp bằng lí thuyết phản ánh làm nảy sinh quan niệm cho rằng hình tượng văn học với tư cách sản phẩm nhận thức nghệ thuật là sự thống nhất sinh động giữa cái chung với cái riêng, cái cá biệt. Trong điều kiện tối ưu nhà văn sáng tạo được các nhân vật điển hình, ở đó cái chung rất nổi bật, khái quát, còn cái riêng độc đáo, cá biệt, không lặp lại. Nhưng lí thuyết ấy có không ít nhược điểm. Nó không cho thấy mối liên quan mật thiết giữa điển hình với lí tưởng và tình cảm, cảm hứng sáng tác của nhà văn. Nó không giải thích được sự đa dạng của văn học. Bởi vì, nếu lí tưởng nhận thức văn học là cái điển hình thì đối với mỗi loại người trong xã hội chỉ cần sáng tạo được một điển hình là đủ, không nhất thiết cần có nhiều điển hình, càng nhiều điển hình thì tính điển hình của chúng sẽ giảm sút. Nhiều lúc lí thuyết phản ánh được vận dụng theo lối văn học phản ánh bản chất của hiện thực, mà bản chất ấy lại được hiểu là các quy luật tất yếu đã được tổng kết, biến văn học thành minh hoạ cho lí luận, gây tác hại không nhỏ. Gần đây có một số nhà lí luận muốn khắc phục các nhược điểm trên đã đề xướng lí thuyết về phản ánh thẩm mĩ, trong đó sự phản ánh văn học gắn liền với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị luận. Nhưng lí thuyết này lại chưa giải thích được cơ chế nội tại của tư duy văn học. Quan niệm nhận thức văn học gặp phải một khó khăn khác là làm thế nào để phân biệt về nguyên tắc sự khác nhau giữa nhận thức văn học với nhận thức khoa học. Đầu thế kỉ XIX nhà phê bình văn học Nga V.G. Biêlinski cho rằng văn học và khoa học cùng nhận thức một đối tượng, chỉ khác nhau ở hình thức, khoa học dùng khái niệm, phạm trù, phép tam đoạn luận của lôgich, còn văn học thì dùng hình ảnh, sự miêu tả, tư duy bằng hình tượng. Đồng nhất nội dung khoa học với nội dung văn học nghệ thuật rõ ràng là không ổn, nó dẫn đến lí luận minh hoạ trong sáng tác. Sau này, khi đã nhận ra sự nhầm lẫn, người ta lại chuyển sang đi tìm đối tượng, nội dung đặc thù, phân biệt với khoa học của văn học. Hàng chục quan niệm về đối tượng đặc thù của văn học đã được đưa ra, nhưng ít quan niệm có sức thuyết phục đầy đủ. Cuối cùng trong các giáo trình lí luận văn học người ta tạm chấp nhận xem đối tượng của văn học là hiện thực mà cuộc sống con người sinh động, toàn vẹn là trung tâm. Nhưng quan niệm này cũng chỉ đề cập tới giới hạn phạm vi đối tượng của văn học chứ về thực chất vẫn chưa đi xa hơn cách hiểu của Biêlinski bao nhiêu.

Nghiên cứu bản chất nhận thức của văn học, theo chúng tôi, nhất thiết đòi hỏi phải chỉ ra đối tượng đặc thù của văn học, phải giải thích cái lô gích vì sao nhận thức trong văn học lại cho phép nhà văn hư cấu và gắn liền với lí tưởng thẩm mĩ về cuộc sống cũng như tình cảm chủ quan của chủ thể nhận thức, sáng tạo, một điều mà nhận thức khoa học không chấp nhận. Vậy đối tượng đặc thù ấy là gì?

Câu trả lời thiết nghĩ, có thể tìm thấy ở gợi ý ban đầu của Aristote từ trong sách Thi pháp học (Nghệ thuật thơ ca) của ông viết cách đây 2300 năm trước công nguyên. Nói về nhiệm vụ của nhà thơ ông viết: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về các sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên... Nhà sử học nói về những điều đã xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra. Vậy thơ ca có ý vị triết học và nghiêm chỉnh hơn lịch sử, vì thơ ca nói về cái chung mà lịch sử lại nói về cái cá biệt”(1). Câu thứ nhất, theo cách dịch của Chu Quang Tiềm, nhà mĩ học hiện đại Trung Quốc, có thể diễn đạt như sau: “Chức trách của nhà thơ không phải ở việc miêu tả các sự việc đã xảy ra, mà ở chỗ miêu tả các sự việc có thể xảy ra, tức là các sự việc có thể có theo luật khả nhiên hay luật tất yếu... Vậy thơ ca có tính triết học và nghiêm túc hơn lịch sử”(2). Aristote đã nêu ra sự phân biệt rất quan trọng: lịch sử – lĩnh vực của cái đã xảy ra, còn thơ ca (văn học) – lĩnh vực của cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay tất yếu. Sự phân biệt này cho ta thấy hai điểm. Một là không nên hiểu tư tưởng văn học của Aristote một cách giản đơn thô thiển chỉ là sự mô phỏng – bắt chước – sao chép cuộc sống đã có, đã xảy ra như lâu nay nhiều người vẫn hiểu. Điều này nhà triết học Nga A.F. Losev đã phân tích rõ trong công trình của ông về triết học cổ Hi Lạp(3). Hai là Aristote cho thấy lĩnh vực của văn học không phải là hiện thực đã và đang tồn tại, mà là lĩnh vực của những cái có thể xảy ra. Theo chúng tôi, đó là một tư tưởng rất sâu sắc, có thể lấy làm điểm xuất phát để tìm hiểu đặc trưng nhận thức của văn học. Theo đó có thể nghĩ rằng văn học không đơn giản phản ánh hiện thực như là những gì đã và đang tồn tại hoặc chí ít cũng phải điều chỉnh mệnh đề văn học phản ánh hiện thực được hiểu một cách trực tiếp và tuyệt đối.

Triết học duy vật biện chứng từ lâu cho thấy, hiện thực và khả năng là một cặp phạm trù của sự thống nhất đối lập, chuyển hoá cho nhau. Từ điển triết học của Rodental chủ biên, viết: “Hiện thực là bất cứ khách thể nào (sự vật, trạng thái, tình huống) đã (và đang? – T.Đ.S) tồn tại với tính cách là kết quả của một khả năng nào đó”. “Khả năng biểu hiện khuynh hướng phát triển khách quan nằm trong những hiện tượng đang tồn tại”(4). Khả năng tiềm tàng trong hiện thực (tiềm lực), và trong những điều kiện nhất định nó có thể chuyển hoá thành hiện thực, song không thể gọi khả năng là hiện thực, bởi vì cái gì là khả năng thì không phải là hiện thực và ngược lại cũng vậy, cái gì đã là hiện thực thì không còn là khả năng. Như thế, có thể nói, theo Aristote thì văn học không phản ánh hiện thực, mà chỉ là sự tư duy về những khả năng của hiện thực, hoặc nói theo lối đã quen, văn học phản ánh các khả năng của hiện thực.

Kiến giải của Aristote buộc ta phải suy nghĩ tới phạm trù khả năng trong triết học, và mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với cái khả năng. Mặc dù mọi lĩnh vực kiến thức của con người đều khám phá cái khả năng, song muốn hiểu bản chất của văn học không thể không nghiên cứu nội dung, đặc điểm của phạm trù quan trọng này. Điều đáng tiếc là phạm trù này cho đến nay trong phạm vi triết học mác xít thường chưa được phát triển đúng mức phải có. Trong khi nhấn mạnh tới sự thống nhất mâu thuẫn của chúng, người ta phân biệt “khả năng thực tế” với “khả năng trừu tượng” và quan tâm trước hết đến khả năng thực tế, còn khả năng trừu tượng (khả năng hình thức), những khả năng không có điều kiện chuyển hoá thành hiện thực trong thực tế, những khả năng đã mất thì ít có ý nghĩa và dĩ nhiên là không được quan tâm. Như thế, văn học, nhất là văn học hiện thực chủ nghĩa, về lí thuyết, chỉ quan tâm đến hiện thực với các khả năng thực tế mà thôi. Thực ra điều đó không hoàn toàn đúng. Đối với nhu cầu sáng tạo và đời sống tinh thần của con người thì cái khả năng là quan trọng nhất, bất kì là khả năng nào. Con người khác con vật ở chỗ biết sáng tạo ra của cải vật chất, biến đổi tự nhiên và biến đổi cả bản thân mình, do đó ngoài thực tại ra, mọi cái khả năng đối với nó đều có ý nghĩa sống còn, bởi có khả năng là có viễn cảnh, có đổi thay, có chân trời. Đồng thời mọi khả năng của hiện thực, dù là khả năng trừu tượng, thậm chí khả năng khó tin như người lấy tiên, người lấy ma, người chết sống lại... đều có tác dụng mở rộng không gian nhận thức thế giới, nhận thức hiện tại. Nhà triết học Đức M. Haidegger cho rằng thơ sáng tạo tồn tại, thơ nói về cái vô. Vô không phải là không có gì mà là vô hạn. Vô hạn là trạng thái tự do vượt lên cái hữu hạn, mà trạng thái ấy chỉ có thể có trong thế giới tinh thần. Vì thế theo Haidegger thơ không phải là đồ trang sức bề ngoài, không phải cảm xúc, tình cảm nhất thời, không phải thứ tiêu khiển, mà là một nền tảng được hun đúc của lịch sử. Ông nói con người “tràn đầy thành quả lao động, nhưng vẫn ngự trị trên mặt đất một cách thi vị”(5). Cái thi vị ở đây là tồn tại hướng tới cái vô hạn. Hiểu như vậy, cái khả năng đáp ứng được nhu cầu vươn lên cái vô hạn của con người, cho nên nó trở thành đối tượng của văn học.

Thật vậy, nếu hiện thực là sự thực hiện của một trong những khả năng của hiện thực, thì nó luôn luôn là hữu hạn, còn khả năng là vô hạn. Hiện thực gồm tất cả những cái đang có trong hiện tại hữu hạn. Trái lại khả năng là vô hạn. Bởi hiện thực có thể có khả năng là không hiện thực. Cái khả năng cũng có thể là cái không có khả năng. Cái tất yếu cũng có thể không tác động mà bị chi phối bởi cái ngẫu nhiên. Cái hiện thực đã thành quá khứ cũng hàm chứa nhiều khả năng. Đằng sau mỗi cái dĩ nhiên đã thành quá khứ có vô vàn cái khả năng đã không còn cơ hội trở thành hiện thực. Nhưng những khả năng đã mất, không còn hiệu lực thực tế ấy vẫn còn ý nghĩa như là những bài học cho tương lai. Con người vẫn thường nhớ tới và hối tiếc những việc đã qua. Ấy là hối tiếc những khả năng tốt đẹp đã bị phí hoài, những cơ hội nghìn năm đã ra đi không trở lại. Nhà lí luận văn học Nga Iu. Lotman khi bàn về lịch sử đã nói rất chí lí: “Lịch sử chỉ là một trong vô vàn con đường có thể đi. Mỗi con đường đã đi đồng thời là một sự đánh mất các con đường khác”(6). Những khả năng đã mất không phải là vô nghĩa đối với cuộc sống con người, chúng vẫn tiếp tục là đề tài bàn luận, suy nghĩ để lựa chọn con đường tối ưu cho cuộc đời. Và bên trong mỗi cái hiện thực đang tồn tại lại có vô vàn khả năng có thể xảy ra mà không phải bao giờ con người cũng nắm bắt được hết. Đồng thời cùng với một khả năng có thể xảy ra lại có vô vàn khả năng đa dạng, đa chiều có thể xảy ra tiếp sau đó. Các khả năng trừu tượng, phi lí cũng không phải là vô nghĩa. Chúng mở rộng tư duy để hiểu những khả năng, giống như cái ảo giúp hiểu thêm cái thực, cái âm giúp hiểu thêm cái dương! Khả năng luôn luôn phong phú hơn hiện thực và chính nó là không gian cho tư duy, cho lựa chọn và cho phát triển. Trong triết học chúng ta thường đánh giá rất cao cái tất yếu. Lịch sử chỉ phát triển theo cái tất yếu và theo triết học mác xít, con người chỉ có được tự do khi nhận thức được cái tất yếu ấy. Nhưng khoa học tự nhiên hiện đại đã cho thấy một bức tranh khác. Theo nhà vật lí Prigoring: “Các quá trình được dự báo vận động theo các quy luật đã tính trước. Rồi sau đó xuất hiện cái điểm, khi sự vận động đạt đến chỗ không thể dự báo, và đó là chỗ giao nhau của ít nhất là hai, mà thực tế là của vô vàn con đường. Nếu trước đó chúng ta cho rằng có thể tính được xác suất gặp một đường nào đó, nhưng chính ở đó, theo Prigoring, tính xác suất không tác động, mà lại do cái ngẫu nhiên tác động”(7). Phát hiện cái ngẫu nhiên là bổ sung cho cái tất yếu. Nhưng ở đâu đã có cái ngẫu nhiên tác động thì ở đó có không gian của những cái khả năng mà con người không thể tính trước được hết.

Khả năng là khuynh hướng, xu thế chuyển biến, vận động, phát triển của hiện thực, là viễn cảnh và tương lai của tồn tại con người, cho nên đó là một mối quan tâm lớn. Con người sẽ ra sao, cuộc sống sẽ ra sao, xã hội sẽ về đâu, sự sống để làm gì,... những câu hỏi lớn về hiện tại và tương lai đặt ra từ thời xa xưa mà tôn giáo, triết học và nghệ thuật đều có sứ mạng trả lời cho mỗi người. Các khả năng, do vậy làm thành đối tượng nhận thức cao nhất của con người. Nhận thức khoa học lịch sử xét cho cùng cũng là nhằm dự báo khả năng cho tương lai.

Nghệ thuật trước hết là hình thái ý thức nhận thức khả năng của cuộc đời. V. Lênin có lần nói: “Chính trị là khoa học về những khả năng”. Câu nói đó có lẽ, trước hết là nói tới các khả năng thực tế, khả năng chính trị. Khoa học về khả năng thì không phải là khoa học về hiện thực, mà như vậy thì tính chân thật của nó chỉ chờ thực tiễn tương lai kiểm nghiệm, chứ không phải đem so với chân lí nào đó đã có sẵn. Khác với chính trị, văn học nhận thức mọi khả năng của cuộc sống, những khả năng tốt nhất cũng như các khả năng xấu nhất, thực tế nhất cũng như trừu tượng nhất cho cuộc sống cá thể. Khả năng đa dạng vô cùng tận thì sự đa dạng của văn học cũng vô cùng tận. Hiện thực khi đi vào văn học thì biến thành khả năng. Và đã là khả năng thì tính chân thật của văn học, do không thể kiểm nghiệm bằng hiện thực, thực tiễn, người ta chỉ có thể kiểm nghiệm bằng kinh nghiệm, cảm giác, sự suy luận, ước muốn và tình cảm.

Nghệ thuật là sáng tạo những thế giới tưởng tượng không có thực, nhằm thể hiện quan niệm nhà văn về cuộc sống, thể hiện những ý nghĩa của hiện thực được nhà văn phát hiện. Tính chất của cái khả nhiên cho phép nghệ thuật có thể tưởng tượng, hư cấu, tạo ra những thế giới chưa từng có. Các nhân vật văn học kiệt xuất xưa nay, Hămlet, Đôn Kihôtê, Gia Cát Lượng, Quan Vũ, A.Q, Kiều, Chí Phèo, Lão Hạc, Xuân Tóc Đỏ... đều là thế. Hiện thực với tư cách là sự thực hiện của những khả năng, nó là sự thật, là vật chất, nó có tính ngoan cố không cho phép ai có thể bóp méo, cắt rời, nhào nặn nó để sáng tạo nên bất cứ hình tượng nào. Bởi như thế là bóp méo, xuyên tạc thực tế. Khi người ta nói nhào nặn chất liệu của hiện thực để sáng tạo nghệ thuật, thì thực chất là nói về việc nhào nặn chất liệu có tính khả năng, chứ không phải nhào nặn hiện thực như nó vốn có. Chỉ có tính khả năng là cái có tính mềm dẻo, tính co dãn có thể nhào nặn để làm nên sản phẩm mới bằng hư cấu, tưởng tượng.

Cái khả năng còn cho phép người ta được tự do lựa chọn những yếu tố thích hợp với lí tưởng và thị hiếu thẩm mĩ nhằm thể hiện quan niệm sống của con người. Khả năng khi đang là những khuynh hướng tiềm tàng trong hiện thực, nếu không có con người biết phát hiện ra thì nó vẫn chìm khuất trong thực tế. Khả năng là phương diện dành riêng cho con người tự do phát hiện và gắn liền với tính tích cực tư duy, sáng tạo của con người. Ở đây cái khả năng cho phép thống nhất các hiện tượng đời sống với lí tưởng và sáng tạo, thống nhất cái khả nhiên với cái thẩm mĩ. Do thế cái khả năng là đối tượng đặc thù của nhận thức văn học.

Cái khả năng với tính chất của nó có thể tác động đến tư tưởng, tình cảm con người rất mãnh liệt. Chẳng hạn khả năng trừng phạt là một nhân tố ngăn ngừa tội phạm mạnh hơn là sự trừng phạt tàn khốc thực tế. Khả năng về sự khổ cực, nghèo túng, đói kém, bệnh tật, khả năng bị khinh bỉ, chê cười thường làm nảy sinh niềm sợ hãi nhiều hơn là các trạng thái đó trong thực tế. Khi sợ hãi cũng như trong hi vọng đôi mắt người ta mở to và hăng hái hoạt động sao cho các khả năng ấy không xảy ra. Trong đêm tối ta sợ có người lạ đột ngột xuất hiện. Khi người lạ xuất hiện ta lại sợ hắn tấn công, khi tấn công ta lại sợ hắn giết hại. Sợ hãi là chức năng của cái khả năng đau đớn hay mất mát cũng giống như mong muốn là chức năng của các khả năng hưởng thụ. Nhà lí luận văn học Nga M. Epstein trong Triết học về cái khả năng nhận xét: “Nói chung, nếu chúng ta nhớ lại lịch sử, thì cái khả năng cũng có ảnh hưởng đến hành vi và tình cảm con người không ít hơn cái hiện thực. Cái tiềm năng có sức tác động mạnh mẽ khi nó vẫn là tiềm năng, có thể nói là tác động đến con người một cách “không hiện thực”. Niềm tin và sự nghi ngờ, niềm khát khao và nỗi sợ hãi, hi vọng và thất vọng, sự dũng cảm và sự hèn nhát, sự thánh thiện và sự điên cuồng và những trạng thái cảm xúc hay đạo đức thường được gợi lên không phải bằng tình trạng thực tế của sự vật mà là bằng cái khả năng của chúng. Đó là khả năng Chúa còn hay là không, Khả năng tôi được cứu hay là bị hại”(8). Nghiên cứu cái khả năng trên rất nhiều ví dụ, Vladislav Tatarkevich đi đến kết luận rằng “những tình cảm thực tế thường không tiến triển tới mức không mong muốn, bởi vì chúng ta cảm thấy mình ít hạnh phúc hay ít bất hạnh hơn là mình chờ đợi”(9). Văn học phản ánh sâu sắc cái khả năng chính là cội nguồn tác động lớn lao của nó đối với đời sống con người. Dù kết thúc có hậu hay kết thúc bi kịch văn học đều đặt con người đứng trước sự thể nghiệm, suy tư và lựa chọn.

Tất nhiên, văn học không giản đơn chỉ là phản ánh các khả năng của hiện thực. Làm như thế văn học sẽ chẳng khác gì chính trị, tương lai học, xã hội học... Mọi người đều biết, tư duy chẳng phải gì khác, mà là hành động xuyên qua hiện thực để tiến đến các khả năng bị che giấu trong đó. Và nói như nhà triết học Đức Leibnits: “Cơ sở của cái bản chất của sự vật chính là cái khả năng nằm trong sự vật được xét”(10). Như thế, chỉ nói đến khả năng là chưa đủ. Điểm đặc thù của văn học còn là sáng tạo những cái khả nhiên của đời sống. “Cái khả năng” mà Aristote nói đến trong bản dịch tiếng Việt nêu trên, theo Chu Quang Tiềm, có thể dịch là “cái khả nhiên”, nghĩa là “cái có thể như thế”. Hiện thực tồn tại trong dạng cái dĩ nhiên (cái đã có như vậy rồi) và “cái tất nhiên” (cái bắt buộc phải có theo qui luật tất yếu). Chỉ có trong văn học là có cái khả nhiên do nhà văn sáng tạo dựa trên cái khả năng của cuộc sống mà nhà văn phát hiện ra. Mọi tác phẩm văn học hư cấu – mọi hình tượng nghệ thuật có giá trị của nhân loại đều là những cái khả nhiên như vậy. Cái khả nhiên không phải là sự bịa đặt tuỳ tiện mà là sản phẩm sáng tạo trên cơ sở cái khả năng mang ý nghĩa nhân sinh.

Xét theo quan niệm của Lôtman: hiện thực – chất liệu, hình tượng – kí hiệu(11) thì mọi hình tượng văn học đều là kí hiệu và là cái khả nhiên. Một hình tượng người nông dân (như chị Dậu, anh Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố) hay hình tượng Bác Hồ (chẳng hạn trong thơ Tố Hữu, Minh Huệ, Chế Lan Viên...) đều là những cái khả nhiên trong cảm thụ của tác giả và còn nhiều cái khả nhiên khác về các đối tượng hiện thực cùng loại. Không có cái khả nhiên duy nhất. Hình tượng văn học với tư cách là cái khả nhiên còn giàu tính khả nhiên hơn nữa, bởi ở đây còn có tính khả nhiên của sức tưởng tượng mang tính cá thể. Đó là lí do vì sao mà trong văn học có nhiều cái không giống như thật đến thế.

Vậy cái khả nhiên văn học có giá trị nhận thức như thế nào? Về mặt này văn học có đặc điểm nhận thức giống như triết học. Nhà triết học Bertrand Russell trong chương Giá trị của triết học trong sách Những vấn đề triết học (1912) đã viết: “Mặc dù triết học không thể nói với ta một cách chắc chắn câu trả lời chân lí đối với các mối nghi ngờ do triết học gợi lên thì nó cũng có thể đề xuất với ta nhiều khả năng, những khả năng ấy mở rộng tư tưởng của ta và giải phóng chúng khỏi sự chuyên chế của cái thói quen. Bằng cách đó, trong khi giảm bớt tình cảm tin cậy của ta đối với trạng thái sự vật như chúng đang có (what things are), triết học gia tăng mạnh mẽ tri thức của ta về những trạng thái mà chúng có thể xuất hiện (may be)... nó đánh thức sự kinh ngạc dữ dội của ta bằng cách cho thấy những sự vật quen thuộc trên các bình diện khác lạ. Cần nghiên cứu triết học không phải nhằm để đưa ra các câu trả lời xác định đối với các câu hỏi, bởi vì thông thường, không có câu trả lời xác định nào có thể được coi là chân lí, mà là vì bản thân các câu hỏi, bởi các câu hỏi đó mở rộng quan niệm của ta về những gì có thể có, chúng làm phong phú sức tưởng tượng trí tuệ của ta”(12). Có thể nghĩ rằng, kiến giải của nhà triết học về triết học cũng hoàn toàn phù hợp với bản chất của văn học. Chúng ta không thể nói một cách chắc chắn những gì văn học biểu hiện là chân lí, bởi đó là nhận thức của nhà văn trong những hoàn cảnh nhất định dưới hình thức hư cấu với rất nhiều ngẫu nhiên, nhưng có thể nói đó là những cái khả nhiên do tác giả sáng tạo nhằm mở rộng tầm hiểu biết về cuộc sống, giải thoát con người khỏi mọi thói quen trì trệ, mọi cái nhìn bề ngoài, kích thích sự chú ý đến mọi biến dị và đa dạng của cuộc đời. Nhưng đồng thời nhận thức văn học khác xa triết học, bởi nhà văn không chỉ khái quát các khả năng mà còn sáng tạo cái khả nhiên, là cái có giá trị thẩm mĩ ở chỗ nó gây khoái cảm (bao gồm cả thống cảm) cho con người, kích thích và mài sắc không chỉ là tư duy, mà còn mài sắc cảm giác con người về sự đa dạng và khác lạ bất tận của cuộc đời, nuôi dưỡng tình cảm và sự đánh giá có tính nhân văn đối với mọi biến đổi của đời sống. Văn học khác hẳn khoa học vì khoa học chủ yếu nhận thức cái quy luật, cái tất yếu, cái dĩ nhiên của hiện thực dưới hình thức khái niệm, phạm trù, công thức trừu tượng.

Đó là sự phân biệt căn bản giữa văn học và khoa học. Nhìn nhận văn học từ phạm trù cái khả nhiên chúng ta có cơ sở để hiểu thêm đối tượng đặc thù của nó, nhìn thấy cơ chế bên trong của sự phản ánh thẩm mĩ./.


Hà Nội,ngày 25 tháng 10 năm 2006



Theo :Vienvanhoc
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top