Nên thừa nhận tính hai mặt của Văn chương mạng
Từ khi Việt Nam có Internet, song song với sự biến đổi ở các lĩnh vực khác, văn học cũng có những bước chuyển mình để hình thành một diện mạo mới. Có rất nhiều ý kiến, thậm chí gay gắt, trái chiều xung quanh sự tồn tại hai mặt của văn chương mạng trong những thời điểm nhất định. Vậy giờ đã là lúc chúng ta nên thừa nhận tính hai mặt của Văn chương mạng chưa?
Cuộc sống luôn tồn tại tính hai mặt
Lâu nay có rất nhiều quy chụp rằng văn chương mạng là thứ văn không chính thống mang đầy tính tự do ở một tầm phổ quát rộng nên đầy rác rưởi. Bất kỳ ai có máy tính kết nối chỉ một thao tác đơn giản nhấp chuột là cả thế giới vượt qua mọi khoảng cách địa lý để hiển hiện ngay trước mắt.
Nhưng chẳng phải từ khi có Internet văn chương mới bị cho là nhiều “rác”. Trước đây khi văn học dân gian truyền miệng, văn học in tồn tại vẫn có những tác giả, tác phẩm “có vấn đề” bị cấm một cách thẳng thừng.
Cũng chẳng riêng gì văn học, ở tất cả các lĩnh vực văn hoá, đời sống xã hội ở đâu cũng đầy rẫy nguy cơ “rác”. Internet được ví như một cái chợ, bày bán tất cả các hàng hoá, có người “vào chợ” chọn được hàng tốt, có người chọn phải hàng kém chất lượng, hàng giả… Điều này hết sức bình thường trong đời sống hiện nay. Vấn đề là mỗi người có biết “mua hàng” hay không, có tự trang bị cho mình một khả năng “miễn dịch” hay không? Chứ nếu không có khả năng miễn dịch thì chả cứ Internet, mà cuộc sống thực sẽ làm họ gục ngã hơn gấp nhiều lần Internet. Vì vậy đổ lỗi cho Internet là một cách định kiến và thiếu sòng phẳng.
Đừng triệt tiêu ảo tưởng
Tôi đặt ra một câu hỏi cho nhà văn trẻ Phong Điệp và tác giả Cấn Vân Khánh - một chủ nhân của webside, một chủ nhân của Blogs, rằng: Trừ các trang Web không hiển thị các comment (phản hồi của bạn đọc), còn ở các Blogs khi hiển thị các comment thì chủ yếu là lời khen. Vậy những lời khen đó có làm cho người viết ảo tưởng không? Thì nhận được câu trả lời có một mẫu số chung là; họ rất tỉnh táo, chỉ coi những phần comment đó là một thứ tham khảo, chứ không bị chi phối và không vì đó mà ảo tưởng vào bản thân.
Vấn đề mà câu hỏi đặt ra và nhận được câu trả lời đó là vì; hai tác giả trên đã có vài đầu sách ở những nhà xuất bản khá có uy tín trong nước và ít nhiều “trưởng thành” ở cách viết truyền thống và nửa truyền thống (Tạm gọi cách viết trên giấy và in thành sách là cách viết truyền thống, còn cách viết trên mạng và giới thiệu với độc giả ngay khi hoàn thành, sau đó lại tập hợp in thành sách là nửa truyền thống). Còn với những người mới cầm bút thì sao? Những người chưa hề có sách in thì sao? Nhất là những lời khen đó không xuất phát từ sự trung thực của độc giả. Hay số lượng truy cập cao cho một (vài) tác phẩm chỉ vì nó có nội dung thời thượng, gây sốc, gây sự chú ý của độc giả chứ không có giá trị về mặt nghệ thuật?
Cần phải nói thêm rằng, chẳng riêng văn chương, mà ở tất cả các ngành nghệ thuật còn đầy rẫy những ảo tưởng về tài năng của bản thân, ngay khi chưa có Internet.
Nhưng suy cho cùng “ảo tưởng” cũng chỉ là cơn bùng phát tức thời, xuất hiện và tỉ lệ thuận với tốc độ chậm dần đều để đi đến kết thúc (hoặc núp dưới vẻ bề ngoài của sự kết thúc) khi nó không được công chúng và thời gian kiểm chứng, thừa nhận. Nói một cách rõ ràng hơn, nó sẽ nhanh chóng chết và chết non nếu không đáng sống.
Chúng ta thường nói; cái gì cũng có hai mặt. Vậy ảo tưởng có hai mặt không? Ảo tưởng có bao giờ tồn tại mặt tích cực?
Hẳn nhiên, ảo tưởng cũng có mặt tích cực (trong phạm vi những cây bút trẻ và mới cầm bút. Không kể trường hợp viết kiểu chụp giật, câu khách và phi nghệ thuật).
Ở những comment một chiều mang đầy tính tán dương của độc giả dành cho tác phẩm - tác giả xuất phát từ chính tâm lý của người Việt chúng ta. Có muốn góp ý chân thành cho một ai đó cũng phải “làm quen”, phải rào trước đón sau. Để tạo sự gần gũi, thân thiện, nên cách thăm dò an toàn nhất, tốt nhất là khen nhau. Có rất nhiều độc giả trải qua giai đoạn này, mới quay trở lại để nói về tác phẩm một cách trung thực nhất. Chứ khi chưa quen nhau, hoặc là họ lờ đi, chứ ít ai tranh luận.
Mặt tích cực của những lời khen còn nằm ở chỗ, nó động viên, khuyến khích người cầm bút rất nhiều. Tác giả Đặng Thiều Quang hoàn toàn ủng hộ những comment khen vì đó là động lực để tác giả đi tiếp trên con đường văn chương.
Điều này rất quan trọng cho người cầm bút vì nó hình thành “niềm tin”. Họ thấy mình có khả năng và muốn thử sức. Họ thoải mái sáng tác, tự do lựa chọn đề tài, thể loại như những thử nghiệm khám phá bản thân.
Xuất hiện những cây bút mới. Tất nhiên họ phải tạo được một làn sóng đủ mạnh, gây chú ý tới giới chuyên môn.
Hơn nữa căn bệnh ảo tưởng chỉ tồn tại và gây hại cho chính mỗi chủ thể, nếu mắc phải. Cuộc sống có những quy luật riêng của nó, không ai ảo tưởng mãi tài năng của bản thân trong thế giới mà chẳng ai thừa nhận. Còn tài năng thật sẽ có cơ hội được toả sáng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong dòng chảy văn học Việt Nam, văn học mạng đang ở đâu?
Tôi đồng ý với quan điểm của chị Phong Điệp “Đừng gọi tôi là nhà văn mạng”. Bởi vì không riêng chị, mà rất nhiều các nhà văn khác, mới chỉ coi Internet là một phương tiện chuyển thể văn bản tác phẩm từ dạng này sang dạng khác, trước và sau khi nó là văn bản in truyền thống.
Còn văn học mạng về mặt giá trị nghệ thuật và nội dung cũng không có gì khác so với tiêu chí của văn học mà chúng ta đã định ra từ trước đến nay. Nhưng nó khác ở chỗ, nó tồn tại hoàn toàn độc lập trên Internet, không tồn tại ở dạng giấy in. Độc giả được đón nhận tác phẩm đó trên Internet và tác giả được hưởng nhuận bút thông qua một cơ quan, tổ chức quản lý trang Web ấy.
Ở ta có rất nhiều các cây bút trẻ có Web, Blog cá nhân. Họ coi Internet vừa là công cụ sáng tác, vừa là công cụ công bố và nhận được những phản hồi ngay lập tức của độc giả. Chính những cây bút ở giai đoạn này đã và đang thiết lập cái gọi là văn học mạng. Nhưng chính vì xuất phát từ những Web hoặc Blog cá nhân mà họ không được hưởng nhuận bút. Nên sau khi được dư luận chú ý, bắt đầu có những tín hiệu tốt đẹp họ lại chuyển tác phẩm từ Internet xuống in thành sách.
Internet là một nơi thử nghiệm khả năng của bản thân, chứ chưa được thừa nhận tuyệt đối trong văn học.
Vậy nên Văn học mạng ở Việt Nam là sự tồn tại song song với văn học truyền thống. Nếu tìm Văn học mạng thuần tuý thì chỉ có ở giai đoạn đầu của các tác giả trẻ chưa ra sách và là một quá trình dài của tất cả những cây bút mới bắt đầu công việc viết lách.
Văn học mạng ở Việt Nam sẽ còn có nhiều thay đổi đa dạng ứng với mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, trong đó không loại trừ cả những thay đổi đã trở thành truyền thống. Nhưng cũng đừng vì thế mà phủ nhận những giá trị tốt đẹp mà Internet mang lại cho cuộc sống và những người sáng tác văn học.
HIỀN NGUYÊN
Nguồn: Văn học quê nhà