Văn học dịch và văn học so sánh?
Trả lời:
Văn học so sánh là một trong những ngành khoa học văn học nghiên cứu mối quan hệ qua lại cũng như những đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa các nền văn học, nhằm tiếp cận tiến trình văn học lớn nhất: Văn học thế giới. Nhưng để có thể nghiên cứu các nền văn học và so sánh chúng với nhau, trước hết người ta phải hiểu tác phẩm vă học. Việc tìm hiểu tác phẩm văn học được thể hiện bằng hai cách: Hoặc là trực tiếp đọc tác phẩm bằng ngôn ngữ của nguyên bản, hoặc đọc qua bản dịch. Cách thứ nhất đòi hỏi một khối kiến thức khổng lồ mà ít người có được, chỉ còn cách thứ hai là tìm đến các bản dịch. Ở bài viết này, người viết xin tập trung vào văn học dịch và văn học so sánh.
Văn học dịch không chỉ có vai trò đối với sự phát triển của văn học, văn hóa nói chung mà còn có tác động to lớn đối với khoa học văn học, trước hết là văn học so sánh. Sự thâm nhập của văn học dịch vào các nền văn học khác nhau với mức độ tiếp nhận cũng khác nhau đã soi sang và gợi mở những khía cạnh của nghiên cứu văn học so sánh. Có hai vấn đề được đặt ra như sau:
Vấn đề thứ nhất là sự ảnh hưởng và thực chất của việc tiếp nhận ảnh hưởng giữa các nền văn học:
Từ khi mới hình thành (nửa sau thế kỉ XIX): văn học so sánh đã nghiên cứu sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn học. Sự ảnh hưởng này được hiểu là sự ảnh hưởng một chiều của nền văn học nào đó đến một nền văn học khác, liên quan đến từng nhà văn cụ thể.
Trường phái văn học so sánh Pháp cuối thế kỉ XIX đã thực hiện nhiệm vụ trong tinh thần của chủ nghĩa thực chứng. Người ta sưu tập các dữ kiện và tài liệu liên quan tới mối quan hệ trực tiếp giữa các nhà văn ở các nước khác nhau. Cùng với quan niệm về các nền văn học lớn và nền văn học nhỏ là quan niệm về sự ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng. Những hiện tượng tương đồng ở các nền văn học được nhìn nhận như là kết quả của sự bắt chước hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp mà có. Thật ra, vấn đề ai ảnh hưởng ai và ảnh hưởng như thế nào, không phải đơn giản như vậy nếu chúng ta xem xét một cách khoa học quá trình xâm nhập những yếu tố bên ngoài vào từng nền văn học. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao có lúc, có nơi độc giả chỉ tìm đọc sách dịch, nhưng cũng có lúc có nơi văn học dịch không còn hấp dẫn nữa? Tại sao cùng một trào lưu văn học mà ở mỗi nước lại đón nhận một cách khác nhau?... Đó là những vấn đề liên quan đến mĩ học tiếp nhận mà để lí giải chúng, các nhà lí luận phải dựa vào những thành tựu của nhiều ngành khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà Umberto Eco (Ý) cho rằng mỗi tác phẩm văn học là một văn bản mở, có nhiều nghĩa, còn Hans Robert Jauss (Đức) thì đề nghị bổ sung lịch sử văn học, xem quá trình tiếp nhận là một phần không thể thiếu của lịch sử văn học.
Khi so sánh, đối chiếu các hiện tượng tương đồng cũng như sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn học chúng ta không nên quên rằng trong những giai đoạn nhất định ở từng nền văn học thường có xu hướng tiếp nhận và đồng hóa các yếu tố khác lạ, nhưng sự tiếp nhận đó bao giờ cũng dựa theo nhu cầu phát triển nội tại của mỗi nền văn học. Điều này thể hiện ngay cả khi một trào lưu, hay tác giả nào đó được dịch và tuyên truyền ầm ĩ đến mức nào đi nữa. Trong lịch sử văn học thế giới đã từng xảy ra những hiện tượng như thế.
Ví dụ: Theo nhà nghiên cứu văn học so sánh Suête Jtvan (Hungari) trong những năm 1850 thơ Baudelaire đã được dịch ở Hungari, nhưng trong thực tế nhà thơ này chỉ trở nên gần gũi với các nhà thơ Hungari trong những năm đàu của thế kỷ XX.
Hay Franz Kafka ngay từ những năm hai mươi đã ảnh hưởng tới các nhà văn ở một số nước Đông Âu, nhưng đến những năm bốn mươi của thế kỷ này Kafka mới ảnh hưởng đến văn học phương Tây.
Như vậy, chỉ có thể hiểu các hiện tượng trên đây trên cơ sở hiểu được những yêu cầu cấp thiết bên trong mỗi nền văn học. Tuy nhiên , trên tinh thần đó, ở nước ta đã có người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng của Đôxtôiepxki và Puskin… mà không nghiên cứu vì sao Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng những nhà văn đó – nếu đúng như vậy – vào thời điểm này, và anh đã tiếp nhận, đông hóa những thủ pháp nghệ thuật của họ ra sao, đâu là thành công, đâu là thất bại. Hay trong kho tang tư tưởng của một nhà thơ lớn như Nguyễn Du mang vào trong “Truyện Kiều” thật ra đã được lựa chọn và xây dựng trong nhiều thế kỉ chứ đâu phải chỉ trong thời đại ông hoặc chỉ trong một tác phẩm văn học Trung Quốc nào đó!
Hiện tượng tương đồng rất ngẫu nhiên ở các nền văn học không hề có mối liên hệ gì với nhau. Những hiện tượng tương đồng này, một mặt có thể lí giải bằng những tương đồng về loại hình lich sử, nghĩa là do “sự phát triển lịch sử - xã hội của nhân loại là một quá trình thống nhất, và chính quá trình này bảo đảm cho văn học như một thượng tầng kiến trúc tư tưởng phát triển một cách thống nhất” (Girmunxki). Mặt khác, sự tương đồng của những hiện tượng văn học còn là kết quả của các trạng thái giống nhau của ý thức con người, xã hội.
Như vậy, nếu văn học so sánh chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu ảnh hưởng một chiều giữa nền văn học này tới nền văn học khác để tìm sự hơn, thua dựa vào lịch sử văn học dịch ở từng nước là không tiếp cận đúng bản chất của sự phát triển văn học. Ngày nay, người ta ít dùng khái niệm sự ảnh hưởng mà nói nhiều về sự đối thoại giữa các nền văn học, một sự đối thoại bình đẳng cần đến vai trò to lớn của văn học dịch, “một thể loại khó nhất của hoạt động sáng tạo văn học” như Puskin từng nói.
Từ sự phân tích sự ảnh hưởng và thực chất của việc tiếp nhận ảnh hưởng giữa các nền văn học ta có thể thấy tiếp nhận và ảnh hưởng từ cái nhìn của lí thuyết tiếp nhận chúng ta cần nhìn nhận ra sao? Đây là hai mặt của một quá trình. Đối với người tiếp nhận B vai trò của người truyền bá A là ảnh hưởng, đối với người truyền bá A thì vai trò của người tiếp nhận B là tiếp nhận. Trước đây, người ta chỉ nghiên cứu A ảnh hưởng với B như thế nào mà ít khi nghiên cứu B đã tiếp nhận A ra sao? Đây là quá trình hai chiều trong quan hệ giữa các nền văn học. Đó chính là mối quan hệ giữa văn học so sánh và lí thuyết tiếp nhận.
Vấn đề thứ hai, văn học thế giới – văn học dân tộc:
Khái niệm văn học thế giới do Goethe nêu lên lần đầu tiên vào năm 1827 cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa, nếu chúng ta hiểu đúng tinh thần của Goethe. Goethe không nghĩ đó là tổng số các nền văn học dân tộc mà là sự giao lưu của những giá trị tinh túy và đa dạng của các nền văn học dân tộc vào một tiến trình chung nhất, tiến trình văn học thế giới.
Tuy nhiên, đã có lúc, có nơi vì lợi ích chính trị cục bộ và thái độ tự tôn dân tộc đầy tính bản vị, người ta đã cưỡng lại quy luật giao lưu đó của văn học. Cuộc đại cách mạng văn hóa Trung Quốc là một ví dụ đau lòng. Hay những tác phẩm tinh hoa của nền văn hóa dân tộc nếu được dịch cho nhiều người đọc có thể gây nên cuộc thức nhận lớn không chỉ trong giới văn nghệ mà cả trong đời sống tinh thần của một dân tộc. Người ta dễ nhận ra mình khi soi vào người khác. Hay những tác phẩm văn học của một nước này có thể làm mất đi những ngộ nhận tội nghiệp đang ngự trị trong đời sống văn học ở một nước khác, gợi mở những ý tưởng thẩm mỹ và xu hướng sáng tác mới.
Nhưng nếu hiểu văn học thế giới là sự giao lưu các tinh hoa của nền văn học dân tộc thì cũng không nên phân biệt nền văn học lớn, nền văn học nhỏ vì chỉ có nền văn học được biết đến nhiều và nền văn học được biết đến ít. Những người làm chiếc cầu nối giữa các nền văn học, các dich giả hiểu rõ hơn ai hết về vấn đề đó. Nếu các nền văn hóa đó có điều kiện thâm nhập vào các nền văn hóa khác thì chúng sẽ tự phát hiện ra chính mình bằng con mắt của nền văn hóa khác. Như Báctin đã nhận định: “Khi hai nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại với nhau, mỗi bên bảo vệ sự thống nhất và sự nguyên vẹn để ngỏ của mình.”
Như vậy, văn học dịch giúp cho văn học dân tộc nhận ra chính mình và đến lượt nó nền văn học được dịch cũng hiểu rõ mình hơn trong tư thế mới trước một nền văn hóa khác. Đây chính là sự bình đẳng về giá trị trong giao tiếp và đối thoại để các nền văn học dân tộc cùng nhau làm nên diện mạo của một nền văn học thế giới.
Sự giao lưu bằng con đường dịch thuật giữa các nền văn học dân tộc để hòa nhập vào tiến trình văn học thế giới thường bị giới hạn bởi những nguyên nhân sau:
Giới hạn thứ nhất là, do tiếp cận các nền văn học theo cách phân chia chính trị về các hệ thống thế giới. Có những nền văn học ở ngay cạnh ta với rất nhiều yếu tố mới lạ thì ta không quan tâm chỉ vì những nền văn học đó không phải của các nước “anh em” với ta, thế nhưng ta lại quan tâm tới một vài nền văn học ở xa, chỉ vì đó là những nền văn học “an hem”.
Giới hạn thứ hai là, do hiểu biết về các nền văn học bị hạn chế, người ta dịch và giới thiệu thiếu khách quan. Ví dụ ở Hungari trước khi có bản dịch Truyện Kiều được xuất bản (1984), người ta hiểu rất sai về văn học Việt Nam. Bởi vì người ta chỉ đọc vài ba truyện ngắn của ta dịch từ tiếng Pháp nói về cuộc chiến đấu của nam nữ du kích miền nam.
Giới hạn thứ ba là, do sự không may mắn của tiếng mẹ đẻ. Liên quan đến vấn đề văn học dân tộc, chúng ta cần phải khẳng định sự thiệt thòi của một số nền văn học viết bằng thứ tiếng không thông dụng trên thế giới. Những nền văn học này thường ít người biết đến và ít được dịch. Ví dụ: nếu tác phẩm của Nguyễn Du, Petôfi không phải viết bằng tiếng mẹ đẻ ít thông dụng mà được viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp… thì từ lâu thế giới đã biết tới họ, do đó việc dịch giới thiệu văn học dân tộc bằng tiếng nước ngoài phổ cập là cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng ngôn ngữ dân tộc là yếu tố quan trọng chứ không phải là yếu tố duy nhất thể hiện đặc trưng của văn học dân tộc. và văn học dân tộc không chỉ đóng khung trong bộ phận văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ. Quan điểm này có ý nghĩa trong việc xác nhận ranh giới dân tộc cho những nhà văn viết bằng tiếng nước ngoài, từ đó đánh giá đúng sự đóng góp của họ vào diện mạo của nền văn học thế giới.
Từ hai vấn đề trên về văn học dịch và văn học so sánh ta có thể thấy giới khoa học ngày càng nhận thức được lợi ích giữa văn học so sánh và văn học so sánh giúp mở rộng chiều kích nghiên cứu và cải thiện phương pháp nghiên cứu. Văn học so sánh lấy văn học thế giới làm tham chiếu cho các nền văn học khác để nhận thức lại và đánh giá lại văn học bản gốc. Qua văn học so sánh, ta thấy được lịch sử phát triển của văn học là lịch sử không ngừng giao lưu tiếp thu và cải tạo văn học của các nước trên thế giới nó giúp cho văn học dân tộc vượt nên hệ thống văn hóa còn phóng bệ để tìm tòi, đối thoại với các nền văn hóa khác.