• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Văn học có còn là 'nhân học'?

  • Thread starter Thread starter dunghoi
  • Ngày gửi Ngày gửi

dunghoi

New member
Xu
0
Văn học có còn là 'nhân học'?

Cô giáo tôi từng dạy: "Văn học là nhân học, là sự tìm hiểu và yêu thương cuộc sống này, từ đó mỗi người sẽ thấy thật dễ dàng khi học văn". Vậy nhưng học sinh chúng tôi thấy gì từ cuộc sống bây giờ? (Ngô Sỹ Hùng)

Tôi là một học sinh lớp 12, đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học cam go và khốc liệt, nhưng khi đọc những bài viết của bạn đọc trên mạng về việc học môn Văn, tôi thực sự xúc động và quyết dành chút thời gian nói lên suy nghĩ của mình.

Mặc dù là học sinh thi khối A nhưng từ nhỏ tôi vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho môn Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung. Tuy nhiên, khi được tiếp xúc với nhiều bạn bè xung quanh, tôi chợt nhận ra những người có cùng sở thích như mình ngày một ít.

Không hiểu từ bao giờ, trong mỗi kỳ thi môn Văn được nhiều học sinh chúng tôi coi như một môn "không cần phải học", vào phòng thi nếu không mở được "phao" ra chép thì cũng cố mà "bịa" cho được vài mặt giấy, sao cho thoát khỏi điểm liệt.

Và khi hỏi một bạn học rất giỏi môn Toán mà chỉ được kết quả học lực trung bình sẽ nhận được câu trả lời: "Chỉ tại môn Văn"... Để rồi trong nhiều kỳ thi nào cũng xuất hiện những bài văn "lạ" gây xôn xao dư luận.

Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu? Đã có nhiều ý kiến nêu ra. Có ý kiến cho rằng chương trình học quá cũ, kiến thức nặng và không phù hợp. Nhưng theo ý kiến của tôi, nguyên nhân không hoàn toàn do chương trình học. Bạn thử nghĩ xem, chương trình học suốt 12 năm của chúng ta có thể bỏ đi được những phần nào?

Với tôi, những gì cuốn sách giáo khoa Văn học đã cung cấp là những tri thức cần có trong cuộc đời và là cơ bản nhất để mỗi người có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm văn chương trong nước và quốc tế.

Có thể nhiều người nói tôi đang bị "dở hơi", biết mấy cái đó để làm gì, học ngành kỹ thuật đâu cần văn chương. Nhưng bạn ơi, nếu một ngày một người nước ngoài hỏi bạn bài thơ Sóng là của ai thì bạn sẽ trả lời ra sao? Hay đơn giản như tham gia cuộc thi truyền hình nào đó, ví dụ như Ai là triệu phú, câu hỏi số một có nội dung ai là tác giả của Nhật ký trong tù, bạn không trả lời được thì mọi người sẽ suy nghĩ về bạn như thế nào?

Theo ý kiến của tôi, việc học môn Văn tồn tại những vấn đề trên là do cả người học và người dạy đã tự hạ thấp tầm quan trọng của nó. Học sinh giờ đây được định hướng quá nhiều về các môn tự nhiên, mà tác giả của định hướng ấy chính là các vị phụ huynh. Ngày càng nhiều những bậc cha mẹ nói với con mình khi chúng được điểm kém môn Văn: "Không sao, quan trọng là mấy môn tự nhiên con ạ!" Và một khi người học không thiết tha thì thật khó để người dạy hết mình.

Cái cách mà xã hội chúng ta đang sống đã thực sự "giết chết" môn Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung. Cô giáo tôi từng dạy rằng: "Văn học là nhân học, là sự tìm hiểu và yêu thương cuộc sống này, từ đó mỗi người sẽ thấy thật dễ dàng khi học văn".

Vậy nhưng học sinh chúng tôi thấy gì từ cuộc sống bây giờ: tệ nạn xã hội, tham ô, lừa lọc... Để rồi trong những buổi lễ tuyên dương người tốt, việc tốt... tôi bắt gặp không ít những người bạn xung quanh tỏ thái độ khinh thường, chế giễu và coi đó là hành động nực cười.

Những việc làm đơn giản nhất để mỗi người thêm yêu cuộc sống hiện tại cũng đều bị quên mất, thì làm sao có thể hòa mình vào văn học, cảm nhận về những tác phẩm văn chương? Có một nghịch lý rằng: nhiều học sinh viết blog rất hay, rất mùi mẫn nhưng khi bảo làm văn thì...

Nếu nói Văn học là "nhân học" thì việc học môn Văn giờ đây cũng giống như việc một lớp thanh niên đang ngày càng "đi xuống".

Vậy làm sao để thay đổi tình trạng trên? Điều cơ bản là làm thay đổi suy nghĩ của mọi người trong xã hội. Hãy nhìn đúng về Văn học và tôn trọng tất cả các môn học. Việc đó sẽ rất khó khăn nhưng nếu như mọi người cùng vào cuộc ngay từ bây giờ, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, các phương tiện truyền thông... thì chắc chắn sẽ thay đổi được!

Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ các bạn.
 
Mình vừa đọc xong truyện "Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh," một câu chuyện cực kỳ đáng yêu! Mình cảm thấy, nếu chúng ta cứ đọc những tác phẩm đáng yêu và nên thơ như thế này, trong lòng tự nhiên cũng sẽ có những cảm xúc trong sáng, những mong muốn tốt đẹp. Mình tự hỏi liệu những tác phẩm hiện thực phê phán có thực sự cần thiết không? Việc hình tượng hóa một nhân vật đẹp tốt hơn nhiều so với hình tượng hóa một nhân vật xấu, một hiện tượng xấu. Bây giờ mình sợ đọc cái gì ám ảnh, chỉ muốn đọc những thứ thật dễ thương thôi! Không biết có bị lệch lạc gì không nữa.

Quay lại với đề tài, trong truyện Anne mà mình đọc, các cô bé đều rất thích đọc sách, đọc thơ, và mình tin tình yêu với văn chương là thứ sẵn có trong mỗi con người. Ca dao chẳng phải sinh ra trong lao động đấy thôi. Người ta thích nghe tuồng, nghe chèo cũng thế. Bà mình cũng rất thích nghe đọc thơ. Chẳng qua những kỳ thi, điểm số đã khiến trẻ con sợ. Mình muốn sau này có dịp làm cô giáo lớp 1, để khuyến khích các em học văn một cách tự nhiên nhất, hihi.

Mình cũng không dốt văn lắm, nhưng hồi đi học cũng học rất chi là bắt buộc, thỉnh thoảng rỗi rãi mới ngồi tự viết các bài tả linh tinh. Mình rất muốn tập khả năng tả, mỗi khi đọc được đoạn nào tả cảnh hay là mình lại thấy đau lòng vì cảm thấy mình khó mà nghĩ ra những từ ngữ ấy. Hay trong truyện Jane Eyre, cô Jane cô ấy chê bà Fairfax rằng "bà ấy thậm chí còn không biết thế nào là miêu tả tính cách," mình đọc đoạn ấy mà buồn hết cả người. Giờ phải quay trở lại thời "Tập làm văn" thôi - những người lớn lầm lỡ! Vì thế, mình tin mình sẽ thành phụ huynh tốt :D

Đó, thế là giải quyết được vấn đề nhà trường và phụ huynh :)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top