Văn hoá ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH



Cảm hoá, khoan dung, độ lượng là một trong những đặc điểm trong văn hoá ứng xử của Hồ Chí Minh. Thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người - được coi là nét chủ đạo trong triết lý nhân văn của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tho-tien-tri-HCM-%281%29.jpg


Bởi vậy đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, văn hoá ứng xử của Người vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình kịp thời, nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng, lay động cảm hoá lòng người cao độ. Văn hóa ứng xử của người đã thâu thái được cái gần gũi tế nhị với độ sâu sắc lịch lãm, cái dung dị đời thường với tầm cao của tư duy bác học; sự hoà quyện trong phương sách ứng xử Hồ Chí Minh đã đạt tới nghệ thuật đặc trưng riêng “dĩ bất biến ứng vạn biến” ít pha lẫn với mọi người.
Chính nhờ sự giản dị, tế nhị trong phong cách ứng xử, Hồ Chí Minh đã làm cho tất cả mọi người, dù địa vị, thành phần xuất thân, mục đích hoàn cảnh gặp gỡ có khác nhau, nhưng sau khi tiếp xúc với Người, đều để lại ấn tượng sâu sắc bằng sự nể trọng, chia sẻ, tôn vinh bởi sức cảm hoá cuốn hút từ chính đạo đức, nhân cách, phép ứng xử văn hoá của Người.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trước nạn đói - một trong 3 thứ giặc đang hoành hành, Bác Hồ vừa kêu gọi đồng bào, cán bộ tăng gia sản xuất, vừa phát động phong trào nhường cơm sẻ áo, 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu giúp người đói và chính Người đã gương mẫu nghiêm túc thực hiện. Đối với thiếu nhi, mỗi lần đến thăm Bác thường chia kẹo, tặng sữa; đối với các cụ cao tuổi, Bác thường biếu lụa để khích lệ động viên họ.
ImageView.aspx
Hưởng ứng phong trào đóng góp vào quỹ mùa đông binh sĩ, Hồ Chí Minh đã gửi tới Cụ Võ Liêm Sơn những dòng mộc mạc, chân tình “Thưa cụ, Uỷ ban Trung ương mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc hoặc chăn áo. Nhưng tôi không biết may, không có vải, mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1000 đồng, nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi là tỏ chút lòng thành”. Quà tặng tuy không nhiều nhưng đó là sự tiết kiệm của Người chứ không phải lấy từ công quỹ. Tình cảm bao la, sâu nặng, lòng yêu thương con người ở Hồ Chí Minh luôn là như vậy.

Sức lay động cảm hoá ở Hồ Chí Minh có tiềm ẩn yếu tố khách quan, nhưng bên cạnh đó là yếu tố chủ quan được thể hiện trong văn hoá ửng xử của Người. Trong phép ứng xử, với sự tinh tế mẫn tiệp, Người đã cố gắng khoả lấp các khoảng cách, đã đạt tới đỉnh điểm của mối tương đồng, đẩy xa những tính khác biệt để đạt được mục tiêu phù hợp với bối cảnh lịch sử cụ thể, có lợi cho sự nghiệp chung. Bởi thế, Người đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống vinh hoa để phục vụ đất nước. Sau một buổi tiếp xúc, với cương vị chủ tịch Chính phủ, Hồ Chí Minh đã mời và thuyết phục được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm nhiệm việc nước. Người đã thuyết phục cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình làm Trưởng ban thường vụ Quốc hội, cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Bắc Kỳ, làm Phó Thủ tướng. Lường trước những khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã thuyết phục một số nhà trí thức Việt kiều (như GS. Trần Đại Nghĩa, GS. Đặng văn Ngữ…) về nước phục vụ cho Tổ quốc.

2008114212822.jpg

Sức lay động, cảm hoá lòng người trong văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở tình thương yêu và sự quan tâm Người dành cho các đối tượng trong giao tiếp, mà nó có sức lay động thu phục nhân tâm của các đối tượng bằng sự thể hiện thông qua hành động “lời nói đi đôi với việc làm” của Người.

Theo Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có mặt tốt, mặt xấu, thiện, ác… giống như năm ngón tay trên bàn tay, có ngón dài, ngón ngắn, như mấy mươi triệu con người Việt Nam có thể thế này, thế khác… Nhưng tấm lòng của Người luôn độ lượng, bao dung, “thương người như thể thương thân”. Vì vậy, Người chủ trương tập hợp, đoàn kết toàn dân trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc, nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Người quan niệm phần tốt, phần thiện nhỏ nhất ở mỗi con người quy tụ lại sẽ thành sức mạnh to lớn của dân tộc. Lòng nhân từ, đại lượng là giá đỡ cho sự bao dung. Lòng nhân từ, độ lượng hoàn toàn xa lạ với thói tự kiêu, tự mãn, tự đại, tầm nhìn thiển cận, bệnh hẹp hòi. Người chỉ rõ “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”.

Người rất tin tưởng quý trọng nhân dân nên trong giao tiếp ứng xử với họ, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta”. Riêng đối với những người lầm đường, lạc lối hay đã từng cộng tác với bên kia trận tuyến, Người yêu cầu “Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá khoan dung”.

ImageView.aspx
Sự khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ bản sắc văn hoá, truyền thống đại nghĩa của dân tộc nên đã cảm hoá đối với cả khối óc và trái tim những người đứng bên kia trận tuyến. Trong cuộc đấu trí đó, Người không có kẻ thù riêng nào, buộc tất cả các đối thủ phải kính nể, cảm phục một con người mà họ không thể khuất phục và cuối cùng họ đành phải chấp nhận là người đuối lý, thua cuộc bởi sự cao thượng, nhân ái, khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh. Tướng P. Valuy đã nhiều lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh trong năm 1946 có nhận xét “hết sức nhã nhặn, hết sức lịch sự và sự quyến rũ” của Người. Được thuyết phục bởi phong cách văn hoá ứng xử của Người, ông đã trở thành người đối thoại rất tâm đắc với Hồ Chí Minh và giữa hai người đã có một “tình hữu nghị keo sơn”.

45238619-hcm_3.jpg


Giá trị văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, là hành trang quý giá để Đảng và Nhà nước ta vận dụng chủ trương mở cửa hội nhập, “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”, để cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là thực hiện tự phê bình và phê bình, xây dựng văn hoá ứng xử được hiện thực hoá trong cuộc sống./.



ST
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top