• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Văn hóa đông sơn – hệ biểu tượng

Trang Dimple

New member
Xu
38
VĂN HÓA ĐÔNG SƠN – HỆ BIỂU TƯỢNG

1. Có quá nhiều định nghĩa về văn hóa. Bài này chỉ hạn chế trong những biểu hiện tinh thần của văn hóa Đông Sơn.
Như R. Linton và H.Poirier quan niệm, văn hóa là một chỉnh thể những nhân tố của mọi định chế: Khái niệm – Chuẩn mực – Giá trị – Biểu tượng… tạo nên bản thể – hay bản tính (Identity) – của một cộng đồng cư dân – cộng đồng Đông Sơn chẳng hạn[SUP](1)[/SUP].
Tất nhiên, ở một khu vực ngã tư đường giữa trung tâm Đông Nam Á, không gian văn hóa – xã hội Đông Sơn là phức tạp, nhiều nhân tố của nhiều nền văn hóa có thể cùng hiện hữu trong một tập đoàn cư dân: và đặc biệt một nền văn hóa như Đông Sơn có thể được định hình bởi nhiều hợp thể hay có thể “mặc khoác” nhiều dạng thái. Bài này không phải là chỗ để biện luận hay tranh luận về mọi vấn đề của văn hóa Đông Sơn. Nó chỉ thu gọn vào một vấn đề cốt tử – theo tôi – của văn hóa, đó là TƯ DUY BIỂU TƯỢNG VÀ HỆ BIỂU TƯỢNG ĐÔNG SƠN.

2. Tôi hiểu “Đông Sơn” trong văn cảnh này: là một văn hóa của một/những cộng đồng Việt cổ – Lạc Việt, Âu Việt trong thư tịch cổ – phân bố trong không gian Bắc Việt Nam hôm nay – ở chỗ khác và vào một dịp khác thì tôi lại hiểu không gian Đông Sơn là “tam giác đồng” gần lãnh thổ Bắc Việt Nam – Vân Quý – Lưỡng Quảng ngày nay – và tồn tại qua thời gian khoảng 500 năm từ nửa sau thiên niên kỷ I trước Công nguyên (hay trước đó một chút và sau đó một chút, 1 chút vài thế kỷ!)
Đó cũng là thời gian xuất hiện và tồn tại của hệ thủ lĩnh địa phương (local chieftains với các chiefdoms) hay của một số Nhà nước sơ khai. Thế cho nên, nếu hiểu theo F.Engels rằng: Sợi dây liên kết của văn minh là Nhà nước, thì cũng có thể hiểu Đông Sơn như một nền văn minh: Văn minh Việt cổ ở khu vực Bắc Việt Nam – từ Đèo Ngang trở ra Bắc – hôm nay.
3. Theo Leslie A.White, sự tồn tại của văn hóa và việc thực thi văn hóa phụ thuộc vào một năng lực chỉ riêng con người mới có; năng lực này đã từng được gọi là năng lực tư duy duy lý hoặc tư duy trừu tượng, nhưng đã có chứng cứ là trong nhiều loại động vật dưới con người cũng đã có những hành vi duy lý, không chỉ là thuộc mô hình hành động theo bản năng qua di truyền sinh vật, mà đã thuộc mô hình hành động được truyền dạy qua môi trường và di truyền xã hội. Vì thế, cái “vực thẳm” tinh thần không thể vượt qua trong ranh giới giữa động vật và người cần được “khái niệm hoá” là năng lực tượng trưng hóa (symbolling)[SUP](2)[/SUP].
Con người luôn luôn – bằng năng lực tượng trưng hóa – sống trong những thế giới thực tại // thế giới những “biêu hiện” (reprensations), sống với những hệ biểu tượng (symbol – systems) và cùng với chúng là những hệ chuẩn mực – giá trị, hàm ẩn những mật mã văn hóa (code) buộc các nhà nghiên cứu văn hóa phải giải mã để thức nhận lối sống và lối tư duy hành động của cư dân sáng tạo ra nó, mang chứa nó, được tôi luyện bởi nó và cũng vì nó mà đấu tranh, vì nó mà sống – chết.
Vậy thế nào là hệ biểu tượng của văn hóa nói chung và riêng củạ văn hóa Đông Sơn?
4. Theo định nghĩa chính xác và ngắn gọn, giản dị của K.F.Jung thì biểu tượng nói lên một ý nghĩa gì khác ngoài tính năng vốn có của nó. Nó đưa thêm một “chiều mới” vào các sự vật – sự kiện.
“Chúng ta gọi là biểu tượng, một danh từ, một tên gọi hay một hình ảnh (một sự vật nữa – TQV) tuy đã quen thuộc với ta hàng ngày, nhưng còn gợi lên những ý nghĩa khác, thêm vào ý nghĩa ước định hiển nhiên của nó. Biểu tượng gợi lên cái gì mờ mịt, xa lạ hay tàng ẩn đối với ta”[SUP](3)[/SUP].
Thí dụ: Những thanh gươm Việt cổ, tìm thấy ở Nông Cống xứ Thanh hay/và ở Việt Khê Hải Phòng. Chúng là một loại vũ khí, tất nhiên. Song con người, thời đó và cho mãi đến gần đây còn ấn định cho kiếm – gươm một ý nghĩa khác: Kiếm sĩ là những bậc cao thủ võ lâm và kiếm – gươm còn là biểủ tượng của tinh thần DŨNG MÃNH (Bravour), biểu tượng của QUYỀN LỰC (Power). Tôi nhớ mãi một cách cắt nghĩa dí dỏm, giản dị và chính xác về ông vua của Will Durant: Thanh Gươm và Cái Lưỡi làm nên ông vua. Đó cũng là biểu tượng tượng hình của chữ (Quân) trong chữ viết Hoa Hạ hình thành từ Thương – Ân hay trước đó nữa: Những ông vua Bua – Khun – Cun của người Việt cổ, xuất hiện, tổ chức ra và cầm đầu những tổ chức xã hội giúp cho văn hóa Đông Sơn phát triển và phát sáng. Will Durant cũng định nghĩa: Văn minh là “một tổ chức xã hội giúp cho văn hóa xuất hiện”[SUP](4)[/SUP]
5. Nhưng tôi cho rằng kiếm – gươm là một nhân tố ngoại sinh của nền văn hóa Đông Sơn và cho đến nay những thanh gươm Đông Sơn tìm được thật hiếm hoi. Phổ biến hơn cả vẫn là những dao găm Đông Sơn, mà những cái đẹp nhất và tiêu biểu nhất có lẽ là những dao găm có cán tượng người, phần nhiều là tượng phụ nữ (Có lẽ tôi không đồng ý với GS Chữ Văn Tần lấy hình tượng người phụ nữ trên chuôi dao – kiếm để minh xác về truyền thống phụ nữ tham gia việc quân thời đại Đông Sơn. Đấy – theo tôi – có thể là biểu tượng MẹThần Mẫu của các chính sách Đông Sơn – Đức Mẹ phù hộ (La Dame, la Mère protectrice) của họ).
Nếu lý tưởng (Ideal) của văn hóa Phật giáo Lý Trần là Từ Bi, của văn hóa Nho giáo Lê – Nguyễn là Nhân Nghĩa thì theo tôi lý tưởng của văn hóa Thần giáo thời đại Đông Sơn là DŨNG MÃNH. Thời đại Đông Sơn – tức thời đại đồng thau muộn và sắt sớm – là “thời đại anh hùng” hay “dân chủ – quân sự” theo lối nói của F. Engels. Đấy là thời đại CHIẾN TRANH (theo GS Chữ: Tỉ lệ vũ khí đồng thau chiếm từ 1/3 đến quá 1/2 số đồ đồng ở các di tích Đông Sơn tiêu biểu).
Vậy cái TINH THẦN CỐT TỬ (essential Spirit) của thời đại đó phải là TINH THẦN ANH DŨNG, và thủ lĩnh xã hội cũng đồng thời là – thủ lĩnh tinh thần của cư dân Đông Sơn là những thủ lĩnh quân sự – gọi theo sử cũ là LẠC TƯỚNG. Tôi và Cầm Trọng đã nêu ra giả thuyết về giữ nguyên của tên THỰC PHÁN: Đấy không phải là một tên người (kiểu THỤC là họ PHÁN là tên riêng) mà đó là một cái tên “chức năng”, tiếng Tày cổ, có thể phục nguyên là TÚC PHẮN nghĩa là THỦ LĨNH ĐI MỞ ĐẤT MỞ MƯỜNG (“Phanh/Phắn Mương). Đấy là thời đại của các chiefdomslocalchief taims (thủ lĩnh địa phương) như tôi và nhiều học giả thế giới khác đã nêu ra[SUP](5)[/SUP].
Tàn dư của nó, sau ngàn năm Bắc thuộc là “Loạn thập nhị sứ quân” ở châu thổ Bắc Bộ thế kỷ X và cái tinh thần sứ quân còn dai dẳng mãi về sau trong tâm thức của giới quyền lực Đại Việt. Nếu lấy một cái gì tương tự để đối sánh, thì đó là cái chất Tribalism của châu Phi Đen, còn biểu hiện ra ở những cuộc chiến tranh đẫm máu gần đây. Cảnh hành hình hiến tế chạm khắc trên trống – thạp Đông Sơn giữa lòng thuyền là hết sức đặc trưng cho tinh thần ấy. Hiến tế người vẫn còn tồn tại sau tkế kỷ X (Xem Lĩnh Nam chích quái, truyện Mộc tinh).
7. Mặt khác, thời đại Đông Sơn cũng là thời đại của tinh thần HUYỀN TÍCH và tư duy HUYỀN TÍCH cùng các thực hành PHƯƠNG THUẬT (Magie) của người Việt cổ. Đấy là thời kỳ tồn tại của các PHƯƠNG SĨ (Magician) Việt cổ. Hán thư,Vũ đế kỷ gọi đó là “Việt phương” và Đại Việt sử lược cũng xem vua Hùng như một dị nhân – phương sĩ – dùng “yêu thuật” đế áp phục các bộ lạc[SUP](6)[/SUP].
Cái tinh thần Mythicolegendary ấy được thể hiện rõ ràng về mặt tạo hình trên các trống – thạp Đông Sơn mà tôi đã thử giải mã trong hai bài Vài suy nghĩ tản mạn về Trống đồng và tâm thức Việt cổ đăng trên tạp chí Khảo cổ học, ở đây xin phép không nhắc lại. Những huyền thoại và huyền tích “Âu Cơ – Lạc Long”, Tản Viên (Sơn Tinh – Thủy Tinh), Thánh Gióng (Phù Đổng), Mỵ Châu v.v… chỉ là những mảnh vụn của hệ huyền thoại (mythology) và huyền tích (Legend) Đông Sơn, được tái cấu trúc (restruetured) theo tinh thần Đạo giáo dân gian và ghi lại thành văn ở Việt điện u linhLinh Nam chích quái.
Nghiên cứu kỹ văn hóa Đông Sơn có thể giải mã và giải ảo cho những cái mà GS Trần Văn Giàu gọi là thần thoại đầu bảng của Việt Nam (Họ Hồng Bàng, Phù Đổng, Sơn Tinh).
Có điều cần phân biệt: Tư duy tiền sử (thời đại ĐÁ) là tư duy huyền thoại, tư duy thời sơ sử (thời đại kim khí) là tư duy huyền tích, Tôi và Từ Chi, đã từ thực tiễn nghiên cứu cổ Loa mà giải ảo hiện thực cho “huyền tích cổ Loa” trong bài VUA CHỦ, cũng đăng trên tạp chí Khảo cổ học, cùng bài Từ huyền tích đến lịch sử đăng trong sách về Hùng Vương của sở Văn hóa thông tin Vĩnh Phú: “Nếu hiện vật khảo cổ Đông Sơn là vật chất thì huyền tích là hương sắc tinh thần của thời đại Hồng Bàng, thời đại các vua Hùng (các “khun” và “Pò Khun”)…
Nếu tiếng Việt cổ là kết quả của sự giao thoa ngôn ngữ giữa các ngữ hệ Nam Á – Tày Thái – Nam Đảo – của các tộc người miền Núi Non và Biển cả thì văn hóa Đông Sơn, văn hóa Việt cổ là sự hòa hợp của hai nguồn văn hóa Núi Non và Biển cả, để nảy sinh ra hợp thể văn hóa châu thổ Bắc Bộ – văn hóa Lúa Nước – văn hóa Xóm Làng… với các nghi thức nông nghiệp (lễ hội mùa Seaconal Festivals), hội thu và hội xuân, đua thuyền và hát giao duyên gái – trai… Theo với chúng, là các nghi thức thờ THẦN MẶT TRỜI (solar Cult) mà M. Colani, Nguyễn Từ Chi và tôi còn tìm thấy tàn dư trong các hội mùa, nghi lễ nông nghiệp, đồ trang sức bằng bạc… ở cả người Việt (hội Đồng Kỵ, hội Gióng) và các tộc thiểu số Việt Bắc và Tây Bắc Việt Nam[SUP](7)[/SUP].
8. Trống đồng Đông Sơn cũng xuất trình một quan niệm vũ trụ luận (cosmogony) của người Việt cổ về 3 tầng 4 thế giới: Tầng trên – Trời – tầng Giữa – Người – và tầng Dưới. Tầng Dưới lại được chia thành hai thế giới, thế giới Dưới Đất (mộ đất Đông Sơn, thổ táng) và Thế giới dưới Nước (mộ quan tài hình thuyền Đông Sơn, thủy táng ở vùng đồng trũng và ven biển).
Như thế trống đồng – với mặt trống và cái thân chia thành 3 phần (Tang – Trụ – Çhân) của Nó cũng có thể coi là một biểu tượng vũ trụ.
“Nếu chấp nhận cái khái niệm Không gian xã hội (Espacesocial) mà G. Condominas định nghĩa là “Toàn bộ những hệ thống tương quan đặc trưng cho một nhóm người xác
định”[SUP](8)[/SUP] trong đó bao hàm cả không gian thực – không gian sống – và không gian ảo (trong huyền thoại – huyền tích) thì ta có thể nói rằng: trong tâm thức cư dân Việt cổ, không gian xã hội bao hàm Cõi Sống/ Cõi Chết, Cõi Đất/ Cõi Dưới… Đấy vẫn là một hệ tư duy biểu tượng lưỡng hợp.
9. Hệ thời gian của chủ nhân văn hóa Đông Sơn – cư dân nông nghiệp, cư dân trồng lúa nước – là thời gian chu kỳ (cyclic Time) được biểu tượng như các dải vòng tròn quanh ngôi sao mặt trời giữa trống.
Các băng trang trí trên mặt trống, mặt tháp đều là những vành tròn trong đó muôn vật muôn loài, kể cả loài người và các đồ vật, sản phẩm văn hóa của Họ, đều chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ – tức là ứng với chuyển động biểu kiến của mặt trời, nếu ta ngó mặt về hướng nam và hướng chuyển động của cả bầu trời về đêm, nếu ta hướng về ngôi sao Bắc đẩu – gần như cố định trên bầu trời đêm.
(Đêm Đêm tưởng dài Ngân hà
Chuôi sao Bắc Đẩu đã ba năm tròn)
Cư dân nông nghiệp – Cư dân chài lưới Đông Sơn đã cần và đã có những tri thức thiên văn. Tôi cũng ngờ rằng tượng 4 cóc (hay 4 cặp cóc), 4 vịt hay 4 chim mỏ dài bay quanh Mặt Trời, 4 cặp trai-gái giao phối trên thạp Đào Thịnh… là biểu tượng 4 tiết Xuân – Hè – Thu – Đông trong một năm của người Việt cổ.
10. Nếu chúng ta lập một bảng biểu tượng của văn hóa Đông Sơn gồm những cặp đối lập mà/và hòa hợp, chẳng hạn:


thì tôi tin rằng chúng ta sẽ có nhận thức đủ đầy và toàn diện về nền văn hóa đã phát sáng rực rỡ trong buổi BÌNH MINH của LỊCH SỬ VIỆT NAM.
[SUP]*[/SUP] Nguồn: VĂN HÓA VIỆT NAM – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, 2003. Tác giả:TRẦN QUỐC VƯỢNG.
[SUP](1)[/SUP] Jean Poirer (chủ biên) Ethnologie régionale T.I, Editions Gallimard, 1972, tr. 20.
[SUP](2)[/SUP] Leslie A. White Concept Compments of Culture, in Encydopedia britanica T.16.
[SUP](3)[/SUP] Cari Gustaw Jung Essai d’exploration de l’inconscient bản dịch cùa Vu Đinh Lương, Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn 1967, tr 16.
[SUP](4)[/SUP] Will & Ariel Durant The lessons of History bản dịch tiếng Việt. Những bài học của lịch sử của Nguyễn Hiến Lê, Lá Bối, Sài Gòn, 1973.
[SUP](5)[/SUP] Trần Quốc Vượng Diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam, Hội thảo quốc tế Việt – Xô tại Tachkent 4/1982. Đăng lại trong tạp chí Văn hóa dân gian 3/1983. Cũng xem Trống đồng và tâm thức Việt cổ. Tạp chí KCH, 1977…
- Keith Taylor The Birth of Việt Nam, Press of the University of California, 1980.
- Charles Higham The archaeology of mainland Southest Asia, CambridgeUnivesity Press, N.Y. 1989.
- Anne. M.Bailey Joseph. Llobera (Editors) The Asiatic mode of Production, Science and Politics. London, 1981.
- Chrales F Keyes (Editor) Reshaping local Worlds Yale Univerity Southeast Asian Studies. New Haven. Connecticut, 1991.
[SUP](6)[/SUP] (Tiền) Hán thư, Vũ đế Kỷ, Đại Việt sử lược quyển I.
[SUP](7)[/SUP] M. Colani Vestiges d’un culte solaire CEFEO 1940. Trần Từ Từ một vai trò diễn trong lễ hội làngTạp chí Văn hóa nghệ thuật 3, 4/1991 – Trần Quốc Vượng Huyền tích Phù Đổng (chưa in).
[SUP](8)[/SUP] Lê Văn Lan Những chiếc trống đồng cổ ở Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học và Tạp chí Etudes vietnamiennes, 1976 – cũng xem Trần Từ Mêlanges Mường, Etudes vietnamiennes, 1986.

TRẦN QUỐC VƯỢNG
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top