• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Văn hào Kaoabata - Đỉnh cao xứ tuyết

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Văn hào Kaoabata - Đỉnh cao xứ tuyết

Kaoabata có thời gian hoạt động văn học đến nửa thế kỷ, nhưng số trang viết, số tác phẩm của ông lại không thật nhiều. Tuy vậy, với bấy nhiêu trang viết ấy ông lại đã tạo ra một tượng đài thật hiển hách, tráng lệ.

Hẳn nhiều bạn đọc từng được cha mẹ hoặc thầy cô giảng cho biết mấy câu thơ Nguyễn Đình Thi:

Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên!
và lại cũng được nghe: Có chí thì nên!
Tôi cũng vậy.

Lớn hơn một chút, tôi còn được người đi trước kể lại rằng: Ở đất nước Phù Tang xa xôi kia, người ta từng dạy trẻ con là: "Nước Nhật Bản chúng ta không được thiên nhiên ban tặng các khoáng sản hay đất đai màu mỡ...". Người Nhật sống trên các hòn đảo đá, quanh năm sóng biển rì rầm, ầm ào, muốn sinh tồn và phát triển, họ chỉ có một con đường, một cách sống là vắt óc ra mà suy nghĩ, lăn lưng ra mà làm. Và đất nước họ đã hùng cường như ngày hôm nay.

Có dịp tìm hiểu thêm về đất nước và con người Nhật Bản, khoa học - công nghệ Nhật Bản, văn hoá nghệ thuật Nhật Bản, đến trường hợp Kaoabata Yaxunari, tôi chợt nghĩ: Đây cũng là trường hợp "Đất nghèo nuôi những anh hùng..." đó chăng? Đây cũng là "có chí thì nên" phải không? và tôi cũng miên man với ý nghĩ: “Con người này đã phải gánh chịu biết bao đau thương...”.

Kaoabata Yaxunari sinh vào năm cuối cùng của thế kỷ XIX trong một gia đình có cha là thầy thuốc tại một làng nhỏ trên đảo Ôxaca. Năm Kaoabata lên 4, cha mẹ cậu lần lượt qua đời do bị bệnh lao phổi. Bơ vơ, cậu và chị gái được ông bà nội đón về nuôi. Cuộc sống nghèo nàn của hai anh chị em những tưởng rồi cũng sẽ đỡ dần, nào ngờ trong khoảng 10 năm, ông bà nội lại mất, kế đó, chị gái cũng qua đời.

Thế là vừa bước vào tuổi 15, Kaoabata thật sự đơn độc giữa cuộc đời. Bấy giờ là năm 1914, cả thế giới bước vào cuộc Đại chiến lần thứ nhất (1914-1918). Tang tóc gia đình và họa chiến tranh cùng ập đến! Kaoabata đang chớm vào bậc trung học đành phải bỏ, ước mơ làm họa sĩ từ mấy năm trước mà cậu đã hứa hẹn, thổ lộ với ông bà và chị cũng đành phải gác lại. Kaoabata đi kiếm việc làm nuôi thân: Lúc đầu là ngay trong xóm núi và thị trấn gần đấy, rồi về sau, là bất cứ ở đâu, hễ có ai thuê mướn, là chàng lại lên đường.

Gió bụi và lầm than. Nhưng những nỗi nhọc nhằn cay đắng dường như càng hun đúc ý chí tự học tự vươn lên của nhà văn tương lai. Năm 1920, Kaoabata đã đủ vốn liếng tri thức để được nhận vào học tại Trường đại học Tổng hợp Tôkyô, khoa tiếng Anh. Học được ít lâu, anh cho rằng: Ngoại ngữ là rất cần để phát triển. Nhưng muốn có thành tựu trên đường nghệ thuật, thì lại phải rất am hiểu văn chương dân tộc. Thế là anh quyết định chuyển sang học văn học Nhật Bản.

Trong thời gian học ở đại học, Kaoabata bắt đầu sáng tác, thoạt đầu là truyện ngắn, kế đó là thơ, là tùy bút... Thể văn nào anh cũng say sưa thể nghiệm. Để có diễn đàn riêng cho mình và nhóm bạn, anh cùng họ lập ra tạp chí Trào lưu mới.

Năm 1923, Nhật Bản bị rơi vào một trận động đất dữ dội, thảm họa làm chết 10 vạn người, 70 vạn ngôi nhà gần thủ đô Tokyo tan tành, kéo theo đó là cả triệu người vô gia cư, mất việc làm, là đói khổ và dịch bệnh. Trải qua cơn kinh hoàng ấy, Kaoabata, ngay khi vừa đặt chân vào ngưỡng cửa văn chương ở tuổi tráng niên, đã thêm có điều kiện để chín chắn già dặn trong suy nghĩ về cuộc đời riêng và cả số phận cùng đường đi của dân tộc. Kaoabata tham gia vào Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Xuân Thu do nhà văn Kikuchia Kan sáng lập, liền theo đó, anh lại cùng nhà văn Yôkômisu lập ra tạp chí Văn nghệ thời đại.

Công việc ở các tạp chí đã thật dự cuốn hút Kaoabata. Nhằm phát triển chúng, một mặt, nhà văn trẻ phải đọc nhiều và nai lưng ra viết, mặt khác cũng phải "đánh bạn" với đông đảo cộng tác viên là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên khảo...

Đây là những năm mà nhờ thâm nhập vào văn giới trong nước và ngoài nước (như đọc kỹ sách của Chekhov, Tolstoi. M. Prust, J. Joyx...) vốn đời, vốn nghề của Kaoabata đã thêm đầy đặn, phong phú. Từ đó, ông dần dần lựa chọn cho mình một con đường riêng trong sáng tác văn chương, là viết về các số phận, các tình huống của con người cũng là nhằm tôn vinh và giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc.
Kaoabata có thời gian hoạt động văn học đến nửa thế kỷ, nhưng số trang viết, số tác phẩm của ông lại không thật nhiều. Tuy vậy, với bấy nhiêu trang viết ấy ông lại đã tạo ra một tượng đài thật hiển hách, tráng lệ. Ngoại trừ hai tác phẩm đầu tay viết ở tuổi ngoài 20 là "Nhật ký tuổi mười sáu" và "Vũ nữ ở Idư", với tiểu thuyết cuối cùng, viết năm 1969 có tên là "Người đẹp ngủ say" thì ba tiểu thuyết còn lại của ông, đều là ba kiệt tác. Đó là "Xứ tuyết" (1947), "Ngàn cách hạc" (1951) và "Cố đô" (1962). Nhờ ba tiểu thuyết này, vào năm 1968, Kaoabata đã vinh dự được nhận giải Nobel Văn học.

Là đại diện của khuynh hướng sáng tác duy cảm mới ở Nhật Bản, trong các tác phẩm chính làm nên vị trí của Kaoabata trên văn đàn Nhật Bản và thế giới, người ta thấy rõ một đặc điểm: Nhân vật trung tâm của ông thường là những người có cuộc sống và việc làm gắn liền với các phong tục tập quán của dân tộc.

Xin đề cập kỹ hơn về "Xứ tuyết" (Yukiguni), một tiểu thuyết lừng danh của Kaoabata, được viết từ 1934 đến 1947 mới hoàn thành. Truyện kể rằng:
Shimamura muốn hiểu mình hơn và hiểu cuộc đời hơn, nên đã dời bỏ phố thị ồn ã tìm lên núi cao. Anh đến Xứ tuyết, một thôn làng hẻo lánh vào một ngày cuối xuân cây cối xanh tươi ngan ngát hương hoa. Trong lữ quán, theo đề nghị của Shimamura, người ta đưa đến cho anh một cô gái geisha nghiệp dư, tên là Komako.

Không biết có phải do cái nhìn ngay thẳng mà e ấp do thân hình cân đối với bộ trang phục kimônô được cắt may vừa vặn bằng thứ vải gợi một mùa hè mát mẻ đang đến, mà khi đứng dậy đón Komako, Shimamura đã thấy có một sự thanh sạch tươi lành tuyệt vời tràn ngập căn phòng. Rồi họ trò chuyện, rồi Shimamura càng ngạc nhiên và thán phục Komako hơn khi thấy cô có một sự hiểu biết tường tận về nghệ thuật kịch Kabuki. Shimamura nhận ra rằng mình đã thỏa được nỗi khát khao gặp bạn tri âm.
Sau lần gặp gỡ ấy, Shimamura trở về Tokyo với lời hứa hẹn gặp lại. Nhưng, với bản tính của một kẻ lãng du, anh đã quên không gửi cho Komako những bài trao đổi về vũ kịch và cũng chả có thư từ gì...
Ít lâu sau, Shimamura lại lên Xứ tuyết. Họ lại gặp nhau. Komako hiểu rằng cô không bị bỏ rơi. Shimamura hiểu rằng, sự thông tuệ và dịu dàng ở Komako đã đem đến cho mình những rung động mãnh liệt mà ấm áp, thanh cao. Những cuộc trò chuyện, những buổi tối bên nhau của họ được diễn ra thật sôi nổi và êm đềm.

Đến nhà Komako, Shimamura được gặp lại cô gái Yoko và người đàn ông bệnh hoạn mà anh đã thấy trên tàu lên Xứ tuyết mấy hôm trước. Shimamura không rõ Yoko xinh đẹp với Komako đẹp tươi thông tuệ có quan hệ thế nào, mà theo lời đồn, thì người đàn ông có bệnh kia là vị hôn phu của Komako; còn Komako thì nói rằng anh ta chỉ là con trai của bà giáo dạy nhạc cho Komako, rằng giữa cô và con trai bà không hề có chuyện đính hôn.

Chuyện bất ngờ này rồi cũng qua. Komako lại đánh đàn samisen cho Shimamura nghe. Shimamura lại được (bị) chinh phục bởi tài nghệ của Komako: tiếng đàn lúc dìu dặt, lúc hối thúc, lúc chênh vênh... đã như đưa Shimamura đến miền cực lạc mà anh chưa bao giờ có được. Tiếng đàn là tâm sự, là lời kể chuyện của Komako về thân phận của mình, về vẻ đẹp của thiên nhiên và lòng người Xứ tuyết... Tiếng đàn, theo Shimamura cũng là tình yêu mãnh liệt và thiết tha của Komako - một thiếu nữ mềm mại và tài năng đang bước vào tuổi đôi mươi dành cho anh và anh cũng biết là mình đã yêu Komako một cách tự nhiên và tha thiết không kém.

Ngày Shimamura trở về Tokyo, Komako đứng mãi với Shimamura cho đến khi tàu chạy, mặc cho Yoko giục cô về vì người đàn ông bệnh hoạn đang muốn gặp cô trước lúc hấp hối.

Tiểu thuyết "Xứ tuyết" kết thúc trong cảnh Shimamura đến với Xứ Tuyết lần thứ ba: người đàn ông kia đã mất, Yoko thường ra mộ anh ta thăm, Shimamura muốn hỏi rõ về Yoko thì Komako không muốn kể... Căn nhà Komako bốc cháy, Yoko rơi xuống, bất tỉnh, Komako hét lên kinh hoàng rồi ngây dại bước đi, còn đám đông thì xô đẩy khiến Shimamura không thể lại gần cô được.

"Xứ tuyết" là một thiên diễm tình đắm say. Đọc "Xứ tuyết", ta không chỉ được tự thấy tâm hồn mình thanh cao và thuần khiết hơn, mà còn hiểu thêm được rất nhiều phong tục, tập quán của đất nước Phù Tang mặt trời mọc.

Viết về những con người bình thường như thế, bằng một phong cách văn xuôi trữ tình độc đáo khi dựng lại cảnh thiên nhiên đặc sắc, cảnh lao động nghề nghiệp cổ truyền và thế giới nội tâm của nhân vật qua các tình huống, nhà văn đã thể hiện một sự đề cao những nét đẹp trong truyền thống văn hoá Nhật và bộc lộ một mối âu lo về sự phai tàn có thể đến đối với nét đẹp kia khi cuộc sống kỹ nghệ, công nghiệp hóa đang làn tràn. Một lần, khi trò chuyện với Viện sĩ Phêđôsencô (Nga), Kaoabata đã tâm sự: "Nếu bạn muốn tìm trong câu chuyện Ngàn cánh hạc của tôi ý muốn trình bày vẻ đẹp bên ngoài và bên trong của nghệ thuật này (trà đạo - NA) thì bạn sẽ buồn. Thực ra tôi bây giờ đang ở tâm trạng hoài nghi và muốn chia sẻ với các bạn mối lo ngại và cảnh giác trước cái dung tục mà người ta đang sa đà trong trà đạo hôm nay".

Thực ra tâm tạng hoài cổ và nỗi lo của Kaoabata cũng là một nguyên nhân trực tiếp để làm nên vẻ lấp lánh trong những trang văn của ông. Con người say mê đi tìm và tái hiện cái đẹp cao khiết trong tâm hồn dân tộc Nhật này về cuối đời đã gặp bế tắc. Ngày 16/4/1972, ông đã tự vẫn bằng hơi độc, tại vùng biển Kamkuza để lại nỗi tiếc thương cho mọi người

( Theo Nguyên An – VNCA )
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top